Tôi đoán không lầm, ba vị thầy cô dạy Toán, Lý, Hóa ở trên lớp đem tôi bốc lên trời. Tôi đỡ không nổi, tâng cao quá, tới khi rớt xuống sẽ tan xương nát thịt. Tôi còn nghĩ, được tâng, khi rớt xuống, chưa tính ngã chết, chỉ sợ sống dở chết dở, biến cuộc sống thành cái kiểu không thể tự gánh vác, ngày đó sẽ ra làm sao. Ngó vẻ mặt và động tác khoa trương của giáo viên ban tự nhiên, thưởng thức nước miếng của các vị ấy bay tứ tung cho màn diễn xuất chuyên nghiệp, đúng là ca tụng không dứt mà.
Kỳ thi bự bự bé bé kết thúc ở ngày thứ tư. Thứ sáu sẽ công bố kết quả. Thật là người mừng, người lo!
Kết quả vừa lòi ra, nhân sinh trăm trạng thái.
Đứa thi tốt, nhè ra điệu bộ ông cả, cả bố nó cũng nhìn không ưa. Bọn nó chẳng qua chỉ chăm chỉ hơn người khác một chút, dùng nhiều thời gian học hơn người khác một chút, không đáng để xách mé những kẻ yếu trí hơn. Cụ đây thành tích cũng tốt, thuần túy là bởi vì, cụ tự mình hiểu mình, biết mình là con chim non ngu dốt, bay không kịp nên phải bay trước, thế thôi.
Về phần những đứa thi kém, cụ cũng không nhiều lời làm gì. Học trò, học sinh, người dựa vào việc học mà sống, học không tốt, giống như khi đánh nhau, nắm tay không đủ cứng, khí lực không đủ lớn, chỉ còn cảnh chịu ăn đòn. Trần trụi mà nói: lạc hậu sẽ bị đánh. Đạo lý kia cũng thế. Hồi còn sơ trung, tôi cũng từng lạc hậu, cũng từng hưởng cái tư vị lạc hậu bị đánh. Hồi đó, trong danh sách đánh nhau, luôn luôn có tên tôi, trong bảng xếp hạng cũng có tên của tôi, chẳng qua là đếm ngược. Thời ấy, thật chẳng đẹp đẽ gì. Đứa khác kiếm bạn lôi thôi, bạn phải đánh trả. Thầy cô tìm bạn rầy rà, bạn phải giương cao cổ, làm ra dáng dấp tôi-không-cần-ai-lo. Cảm giác cứ như toàn thế giới đang làm khó dễ bạn. Một chữ thôi, phiền.
Thỉnh thoảng tôi cảm thấy giáo viên còn quá đáng hơn học sinh, chí ít tôi đã từng nghe những câu nhức tai nhất, những ngôn từ nhục mạ này đều xuất ra từ giáo viên. Học sinh không có chuyện gì làm, ngứa tay thì người giáo huấn. Giáo viên thì sao? Trả đũa? Tôi không ngu ngốc, tôi biết hậu quả sau khi trả đòn. Phải biết rằng, bạn là một học sinh kém, bất luận bạn có lý do thần thánh nào, ra tay đánh giáo viên thì hãy chờ hình phạt vĩnh viễn của bạn, bắt buộc thôi học.
Tôi không sợ bị đuổi, nhưng tôi không muốn bị đuổi, tôi muốn học tốt hơn bất cứ ai, mạnh mẽ hơn bất kỳ người nào. Thế giới này chính là như vậy, thắng làm vua, thua làm giặc. Khi hiểu được đạo lý đó, tôi nguyện ý chủ động học tập, chủ động tốn thời gian trên sách vở. Thành tích dần dần có chuyển biến tốt đẹp. Kiến thức của sơ trung cũng không nhiều lắm, nghiêm túc chăm chỉ, thành tích tự nhiên sẽ tốt lên.
Nói tóm lại, tôi từ thứ bậc đếm ngược, từ từ tiến lên top đầu. Nhưng tôi không viết văn, có lẽ vì tôi không muốn làm cho người khác xuyên qua những hàng chữ có thể nhìn thấu thế giới nội tâm của tôi! Tôi cảm thấy lời văn không giả được, cảm xúc có thể thẩm thấu trong từng nét chữ, tình cảm trong lòng sẽ bộc lộ ra. Tôi không muốn viết, càng không dám viết. Tật xấu không viết văn của tôi cũng nổi danh ở sơ trung.
Dù là thế, trên bảng xếp hạng, top 50 cũng có tên của tôi, mặc dù không cao lắm, nhưng có thể nghe được đôi câu châm chọc sứt sẹo từ vài thầy cô. Sau khi thành tích dần dần cải tiến, thái độ của thầy cô cũng thay đổi, tuy rằng lâu lâu rảnh chân, tôi đi làm chủ xị ẩu đả.
Cho nên, tôi cảm thấy giáo viên là hạng dối trá, nói như vậy, không sai chứ? Nếu Vũ mà nhìn thấy tôi viết đoạn này, không biết nét mặt sẽ ra sao? Hô hô.
Tôi úp mặt xuống bàn, mí mắt càng ngày càng trĩu.
Bị ai đó lay tỉnh, nhất thời nổi khùng, điên lắm à nghen. Đừng nói tính cụ không tốt, bạn đang phè phỡn mơ thấy vũ nữ thoát y, bị người ta đánh thức? Bạn vui không? Chỗ nào đâu, đừng giả bộ với cụ.
Ngẩng phắt đầu, muốn nổi cáu, thì nhìn thấy chủ nhiệm, cô giáo Hà. Cái câu: “Là con súc vật nào không mắt không mũi phá giấc của đại gia hả?” nghẹn thít lại. May mắn cái miệng hớt chậm, chắc là vừa tỉnh ngủ, thần kinh điều khiển miệng chưa kịp phản ứng. Trong bụng cảm thán một câu, hiểm thật, hiểm thật.
“Thẩm Hi, em đến văn phòng của cô một lát.” Giọng hòa nhã.
“Dạ.” Nhìn quanh bốn phía, lớp lác đác, người đâu? Mọi người chạy đi đâu hết rồi? Chắc là tôi ngủ quên, vừa ngủ một giấc đã tới giữa trưa.
Gật gật đầu, nối đuôi dáng người thướt tha nọ, ra khỏi lớp. Dọc đường, tôi tận lực làm giống như vợ bé, cúi đầu, im thin thít, bước theo từng bước nhỏ. Tôi biết chuyện nàng tìm tôi là gì, hy vọng hình tượng thiếu nữ thanh thuần này sẽ bị mắng ít đi hai câu. A-men, thượng đế phù hộ.
Trong phòng làm việc, chỉ có chúng tôi, các thầy cô khác chắc đã đi dùng cơm hoặc là ở canteen buôn chuyện phiếm. Cô nàng này cũng ghìm được cơn giận lắm, nàng không nói lời nào, chỉ cầm cái ly duy nhất rót nước cho tôi, rồi ngồi xuống, nhìn tôi cười.
Tôi thiệt bực mình, thần kinh cười của cô nàng dám có vấn đề, hoặc là bị người ta điểm huyệt cười, suốt ngày góc miệng cứ nhếch nhếch, tuy rằng cười lên xinh vật vã.
“Thẩm Hi, có chuyện gì muốn nói với cô không?”
“Không có, nói cái gì?” Nuốt nước miếng, nguy hiểm thật, mém nữa tôi đã nói, không có, muốn cụ phải nói cái gì?
“Thật sao? Thật sự không có? Không có gì muốn nói với cô? Bài văn của em, tại sao một chữ cũng không viết?”
“Không có, không có gì hay để nói.” Tôi nhíu lông mày, tư tưởng chống đối giáo viên lại nổi lên.
“Giáo viên dạy Anh nói, bài luận tiếng Anh em cũng không viết. Tại sao không muốn viết?”
“Mất hứng, nhiều chữ lắm, viết quá mệt. Huống hồ cho dù em không viết, điểm tổng cũng không kém đi bao nhiêu. Không tin cô xem bảng xếp hạng đi, ít nhất cũng nằm trong top 50 đó. Nếu cô lo điểm Văn trung bình, vậy cũng đành chịu. Không viết chính là không viết, em lười lắm, không muốn viết.” Tôi dùng giọng điệu không kiên nhẫn nói, hy vọng có thể kết thúc cuộc trò chuyện, để mọi việc dừng lại ở đây.
“Không phải cô lo thứ hạng của em, càng không lo điểm Văn bình quân của lớp. Cô cảm thấy những tổn thương và áp lực mà em gánh vác không thuộc về độ tuổi của em. Cô cảm thấy trong ánh mắt em có cất giấu một tia ưu sầu.”
“Ha ha, cô biết xem tướng à? Già đầu như vậy, chưa ai nói rằng em ưu sầu cả! Thật sự là ngoảnh lại trước người xưa vắng vẻ, trông về sau quạnh quẽ người sau. Chà, có lẽ sau này cũng sẽ có người nói như vậy. Nhưng lúc này, em phải ngẫm hay trời đất dài lâu, mình ta rơi lệ giọt sầu chứa chan.” Lời của nàng bị tôi ngắt giữa. Tôi lớn tiếng cười, không muốn để nàng tiếp tục, cảm giác nàng đang chạm đến thương thế của tôi.
“Còn nữa, ngày đầu tiên gặp em, em bị người ta đánh, đúng không? Những người đó tại sao muốn đánh em?” Tôi nhìn thấy biểu cảm thân thiện của nàng, nhiều năm qua, nét mặt thật thật giả giả, tôi thấy nhiều lắm, cũng đã biết phân biệt. Cái gì gọi là hư tình giả ý, cái gì gọi là chân tình thực ý, tôi biết hết. Lúc này, chắc chắn nàng thật sự quan tâm tôi.
“Cô ơi cô, cô định viết cuốn “mười vạn câu hỏi tại sao” à?” Tôi cảm kích sự ân cần của nàng, nhưng không muốn cùng nàng giải thích, hơn nữa bảo tôi giải thích cái gì? Chẳng lẽ bắt tôi nói, dạ, đúng ạ, em đáng kiếp, ngày trước đánh người ta, bây giờ bị người ta đánh? Hay là nói, ờ, cái thằng đánh em có nhỏ bồ là bạn gái tiền nhiệm của em. Lòng nó không phục nên tìm người chỉnh em?
“Được rồi, Thẩm Hi, cô không ép em. Cô biết em nói em lười, không muốn viết đều là lấy cớ. Có lẽ đến khi nguyện lòng nói với cô, em sẽ tự nhiên mở lời, nhỉ?! Em sẽ, đúng không? Sẽ mở lời nói thật với cô?”
“Dạ, sẽ.” Tôi vốn định nói, sẽ không, mãi mãi không có khả năng. Nhưng nhìn ánh mắt chờ đợi của nàng, nhìn vẻ mặt trìu mến khiến tôi ngỡ mình là một bảo bối, tôi đã thỏa hiệp. “Có lẽ có một ngày, em sẽ nói rõ tất cả.”
“Lúc ấy nhất định rất đau, phải không?”
“Cái gì? Bị đánh sao? Không đâu. Không có cảm giác, giống như là bị vài con trùng đớp mấy miếng ấy mà.”
“Không, cô không phải nói cái này.” Nàng ngừng lại một chút, nhìn tôi rất lâu, thở dài, đưa tay xoa đầu tôi, cuối cùng không tiếp tục chủ đề đó nữa, chỉ mỉm cười nói: “Thôi, không có gì, em về lớp đi. Có chuyện gì, hãy đến tìm cô.”
Tác giả nói suy nghĩ của mình:
Cho đến hôm nay hồi tưởng lại, nghĩ đến câu hỏi kia của Vũ: “Lúc ấy nhất định rất đau, phải không?” Tôi mới thông suốt, chắc là nàng nhìn thấy vết dao trên cổ tay tôi. Cổ tay khâu sáu mũi, vết sẹo đến bây giờ vẫn còn rõ ràng. Nàng thấy được, nhưng không hỏi tiếp, nhất định là không muốn tổn thương tôi, không muốn khiến tôi một lần nữa nhớ lại những ký ức đau khổ.
Tôi hiểu tấm lòng ấy, nàng luôn ở bên cạnh an ủi tôi, không khước từ tôi bất cứ điều gì.
———————————–
Chú thích:
Câu in đậm được trích từ bản dịch của bài thơ Bài ca lên đài U Châu – Trần Tử Ngang.