EDIT & BETA: urlittleflower_9 (Hoa Quỳnh Nhỏ)
***
Hạ Ý cầm miếng ngói vỡ nhìn lên, hôm nay là một ngày cuối thu mát mẻ đẹp trời cơ mà?
“Đang yên đang lành tự dưng lại rơi?” Hạ Ý lẩm bẩm.
Cảnh Thâm nhặt miếng ngói còn lại, bước lùi ra sân rồi nhìn lên mái nhà nhưng cũng chẳng thấy gì, hắn hỏi Hạ Ý: “Gần đây có mèo hoang không?”
“Hình như không, chỉ có con chó nhà Đoàn thúc thôi.”
Hắn trầm ngâm quan sát xung quanh, chợt thấy bên ngoài phòng chứa củi có hai chồng ngói, thế là hỏi tiếp: “Nhà muội có thang không?”
“Có ở sau nhà xí. Huynh định leo lên lợp thêm ngói sao?”
Lợp ngói? Cảnh Thâm im lặng gật đầu, trong lòng nhớ đến Mạnh tiên sinh thường hay than vãn Thế tử cứ cách ba ngày nếu không đánh nhau thì cũng sẽ đi lật ngói.
Có ai ngờ lần đầu Thế tử đây leo mái không phải để dỡ ngói mà là để lợp ngói đâu?
Chiếc thang đặt dựa lên một ụ đất cao, đi qua bao ngày mưa gió càng khiến nó nặng hơn, phải dùng sức hai người mới khiêng nổi đến dưới chân mái nhà.
Hạ Ý giữ thang nhìn Cảnh Thâm leo lên, hắn càng lên cao nàng càng lo lắng, đến khi hàng hai lông mày nàng đã nhíu chặt lại thì cuối cùng hắn cũng đến nơi.
Nàng vội bưng chiếc ghế giao ỷ ra sân để dẫm lên quan sát hắn, liên tục dặn dò hắn phải cẩn thận. Cảnh Thâm chỉ đáp lại hời hợt, rêu xanh phủ lác đác mái, để không bị ngã thì cần chú ý dưới chân, hắn giữ vững bước chân đi về phía trước, sau khi xác định được lỗ trống thì lợp miếng ngói vào.
Đang bình thường mà rơi một miếng ngói là sao?
Nhưng Cảnh Thâm không thể suy nghĩ cặn kẽ hơn bởi phong cảnh sau khi đứng thẳng người đã thu hút toàn bộ sự chú ý của hắn. Tầm nhìn trở nên quang đãng, phía trước là dòng sông trong vắt uốn lượn quanh gốc cây cổ thụ, bên dưới là khoảng sân nhà, sau lưng là đồi núi phủ kín cây hồng đỏ, và có cả chuồng lừa…
Đúng như lời tiểu cô nương nói, quả hồng chín tới trông hệt như những chiếc lồng đèn đỏ treo trên cây, nắng thu ôm ấp mang đến vẻ đẹp tựa tiên cảnh, không uổng công hắn bảo bọc chúng bao lâu nay. Người nào đó nhìn vườn hồng mà trào lên cảm giác tự hào.
Một nhánh của cây ngô đồng vươn ra đến tận cuối mái, gió thổi tán lá kêu xào xạc.
Thiếu niên đứng lặng nghe âm thanh xung quanh rồi mới quay người vẫy tay với tiểu cô nương đứng bên dưới, mừng rỡ hét lớn: “Ta sửa xong rồi.”
Hạ Ý nóng lòng giục hắn leo xuống, nàng sợ hắn trượt chân ngã.
Thấy nàng sốt ruột nên Cảnh Thâm an ủi: “Muội đừng lo. Trên đây có nhiều lá khô kẹt lại lắm, để ta quét chúng xuống.”
“Không cần đâu, huynh xuống mau đi.”
“Vậy đâu được. Muội biết thế nào là quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy không hả?” Hắn thuyết phục nàng, đôi chân khẽ khàng bước đi, hắn tìm một cây gậy gỗ chậm rãi dọn sạch đám lá đọng.
Lá khô, bụi đất và xác ve sầu thi nhau rơi xuống, Hạ Ý vội dịch chiếc ghế ra xa, nàng vừa nhìn hắn vừa lên tinh thần hệt như chim mẹ bảo vệ quả trứng, luôn trong trạng thái sẵn sàng chạy đến đỡ hắn bất cứ lúc nào.
Hắn quét đến một nơi thì chợt dừng lại.
“Sao thế?”
“Có dấu chân…” Hắn nhìn lại lần nữa, đây đúng là dấu chân con người, chắc hẳn tên đó đã lén leo lên nhân lúc trời mưa. Dấu chân bắt đầu từ dưới cây ngô đồng, hắn đoán tên đó đã leo lên ngọn cây rồi trèo sang mái, nhưng từ cây ngô đồng nhảy sang mái thế nào được?
Ánh mắt Cảnh Thâm dừng tại ngọn cây bồ kết bên sân nhà Lý thúc, nếu từ đó qua mái nhà họ thì dễ như trở bàn tay, cây bồ kết nom cũng dễ trèo.
“Cảnh Thâm?”
“Muội đỡ thang giúp ta để ta xuống.”
“Được.” Nàng chạy lạch bạch về phía hắn.
Từ đó về sau Cảnh Thâm vẫn mãi canh cánh chuyện dấu chân, nhưng hắn không nói với Hạ Ý, chỉ khi đến Huyền Diểu Đường mới kể cho tiên sinh nghe, hắn bảo có kẻ trộm vào nhà họ. Nhưng tiên sinh chỉ hỏi hắn một câu: “Cậu thấy nhà ta có gì đáng để trộm mong nhớ hả?”
Cảnh Thâm sững sờ, nhưng lòng thì không nghĩ vậy.
Hạ tiên sinh nói tiếp: “Người ở thôn Nhược Lựu chất phác, sẽ không ai là phường trộm cắp đâu.”
“Là người ngoài thôn cũng nên.” Hắn nói chắc nịch, “Nhà Lý thúc ở đầu thôn mà thúc ấy lại hay vắng nhà, bị mấy tên trộm nhòm ngó là chuyện bình thường.”
Tiên sinh đừng sơ suất như thế. Chẳng qua hắn không dám nói ra lời bất kính này.
Nghe xong tiên sinh chỉ gật đầu không mấy để tâm. Cảnh Thâm bực bội ra ngoài, chủ nhà còn chưa gấp mà hắn gấp cái gì, nghĩ thì nghĩ vậy nhưng lúc về nhà hắn cũng tốt bụng dặn dò Hạ Ý mấy câu.
Hạ Ý sờ tai, nàng cảm thấy nhà nàng không có trộm, nhưng Cảnh Thâm rất nghiêm túc, dù sao đây cũng là ý tốt của hắn…
***
Đến ngày hẹn sang thôn Bạch Đầu, trời chưa sáng hẳn Hạ Ý đã thức dậy sửa soạn, sau đó chạy tới cửa sổ phòng Cảnh Thâm gọi hắn rời giường.
Sáng sớm mùa thu trắng xóa sương mù, bàn ghế đá lạnh buốt khiến nàng ngồi đợi Cảnh Thâm mà run bần bật vì lạnh, khẽ ngẩng đầu ngắm vầng trăng cong vẫn đang lơ lửng trên bầu trời…
Hạ Ý nhìn sương trắng giăng mờ ánh trăng mà ướt mắt, nàng ngáp một cái. Nếu Cảnh Thâm còn chưa ra thì nàng ngủ gục ở đây mất…
Như thể nghe được tiếng lòng của nàng, người nọ cuối cùng cũng đẩy cửa bước ra.
Hôm nay hắn mang xiêm y màu trắng ngà, trên người tỏa ra vầng sáng nhàn nhạt, đứng cạnh Hạ Ý đang bận nguyên cây đen thì nổi bật hơn nhiều. Hạ Ý vẫy tay gọi hắn, nàng lại ngáp thêm một cái.
Cảnh Thâm cũng ngáp theo, giọng nói lộ vẻ bất mãn: “Trời chưa sáng mà muội vội làm gì?”
Hạ Ý đặt ngón tay lên môi, ý bảo tiên sinh vẫn đang ngủ, lúc này Cảnh Thâm mới im lặng.
Nàng lí nhí đáp lại: “Hôm nay bận bịu cả ngày đấy, nhà Tiểu Mãn sang đó sớm nên chúng ta cũng phải đi sớm hơn họ một chút.”
Hắn cười nhạo, tạm bỏ qua cảm giác không vui: “Chưa thấy ai sốt sắng đi giúp người ta như muội.” Miệng nói vậy nhưng bước chân hắn không chậm chút nào, đuổi theo sau lưng nàng.
Cơn gió ngoài sông lùa vào lạnh tê tái, đóng cửa xong Hạ Ý rụt cổ nhìn Cảnh Thâm, thấy hắn vẫn mang xiêm y như thường ngày bèn hỏi: “Huynh lạnh không?” Lúc dậy nàng phải choàng thêm mấy lớp áo mỏng bên trong.
Cảnh Thâm thẳng lưng, nghiêm mặt nói: “Không lạnh.”
“Lúc đến Nhược Lựu huynh có mang theo xiêm y dày không? Sắp đến tết Trùng Dương rồi, sau tết trời lạnh hơn bây giờ nhiều lắm.” [1]
[1] Tết Trùng Dương hay còn được gọi là Tết Trùng Cửu, nhằm ngày 9 tháng 9 Âm lịch.
“Khi đó ta đã về rồi.” Hắn cảm thấy ngày ấy sẽ đến rất nhanh thôi, trời càng lạnh dự cảm càng mãnh liệt.
Bộ dáng chắc chắn của hắn làm Hạ Ý nuốt lại lời định nói, hai người đi cách nhau mấy bước, lúc đi ngang nhà Ngô Bá Thuận, nàng chợt thấy một cái bóng màu đen nhảy lên đỉnh tường, theo sau là tiếng gà gáy báo hiệu trời đã sáng.
Hạ Ý đang mơ màng bỗng tỉnh ngủ hẳn, nàng tỉnh không vì tiếng gà gáy mà vì cái người lúc nãy vẫn đang đi bên phải nàng đã nép qua bên trái từ lúc nào không hay, mặt hắn vẫn còn lộ vẻ sợ hãi, Hạ Ý được một trận cười no bụng.
Cảnh Thâm biết mình mất mặt nên giận dỗi phủi tay áo, đến khi hắn ngước đầu lên thì trông thấy có người đang tới từ đằng xa, mảnh khảnh cao gầy, nhìn hơi quen mắt.
“Dịch Thực?” Hạ Ý kêu lên.
Hắn ta mỉm cười, đáp lại: “Ừ.”
“Huynh tới đây làm gì?”
Thấy nàng vội đi nhanh hơn, Cảnh Thâm nhướn mày đi chậm lại.
“Trời chưa sáng người trong nhà ta đã dậy nấu cơm, ta sợ muội chưa ăn gì nên bảo Tiểu Mãn hấp mấy cái bánh bao cho muội… và Cảnh Thâm.”
Rõ ràng ba chữ phía sau chỉ là bố thí, Cảnh Thâm thầm mỉa mai tên thư sinh này cũng ra gì đấy, không những biết đọc sách mà còn biết tặng đồ ăn cho cô nương.
Mấy cô nương thường dễ bị thức ăn mua chuộc, nàng cảm ơn người ta ngọt xớt, vui vẻ cầm lấy bánh bao nóng hổi, nàng đưa hai cái cho Cảnh Thâm rồi quay đầu hỏi Dịch Thực đã ăn chưa.
Dịch Thực gật đầu: “Ăn cháo xong ta mới đi, ta sợ chó nhà Đoàn thúc dậy sớm làm muội giật mình.”
“Muội đã không còn sợ Đại Hoàng nữa rồi, với lại nó cũng già đến mức không thèm sủa muội ấy chứ.”
“Không sợ Đại Hoàng, nhưng muội luôn sợ Tiểu Hoàng.”
Hạ Ý bật cười. Trời đã tờ mờ sáng, Cảnh Thâm đi sau nghe hai người muội một câu huynh một câu, hắn cúi đầu nhìn cái bánh bao trên tay, khinh bỉ quay mặt đi rồi cắn một miếng.
Khi bọn họ đến nhà lý trưởng thì Tiểu Mãn, mẹ, nhị thẩm và đại tẩu nàng ấy cũng đã soạn sửa xong xuôi, đám người cùng nhau tiến ra cánh đồng.
Hạ Ý và Tiểu Mãn vừa thấy nhau một cái là vội xúm lại nói chuyện, Cảnh Thâm thấy Dịch Thực không chen vào được lời nào thì vui vẻ chạy đến hỏi Hạ Ý: “Đi xa lắm không?”
“Hả.” Hạ Ý sợ hắn khó chịu, nàng giơ một ngón tay lên hứa hẹn, “Không xa đâu, chưa tới một canh giờ là đến rồi.”
“…” Vậy cũng được.
Hôm ấy Tiểu Mãn chỉ được thấy góc nghiêng của Cảnh Thâm, vết thương trên mặt hắn chưa lành hẳn nên nàng cũng chẳng trông được gì. Bây giờ trời sáng nàng mới có dịp quan sát kỹ càng, trong lòng thầm khen ngợi hắn điển trai hệt như tam ca, nàng nháy mắt với Hạ Ý nhưng không ngờ bị mẹ bắt gặp.
Mẹ Tiểu Mãn lên tiếng: “Mắt giật giật gì đấy, không mau đi đưa bữa sáng cho cha ngươi đi.”
“Ôi.” Tiểu Mãn đáp lại, cùng chị dâu đi đến sân phơi lúa đưa cơm sáng cho mấy người đàn ông trong nhà.
Hai người phụ nữ Dịch gia vây quanh Cảnh Thâm hỏi hắn liên miên từ tên họ, quê quán cho đến số thành viên trong gia đình. Hỏi một hồi, mấy bà lão và phụ nhân khác đang đi cùng cũng sinh lòng tò mò nhìn hắn.
Tuy trong lòng thiếu niên không mấy dễ chịu nhưng hắn vẫn lịch sự đáp lại, thỉnh thoảng hắn nhìn qua Hạ Ý, không ngoài dự đoán, nàng đi chung với huynh muội Dịch gia mà cười đùa không ngớt miệng.
Tâm trạng trở nên phiền muộn, đối đáp với đám phụ nữ xong hắn chầm chậm đi sau cùng, khi thì dẫm khi thì đá nhẹ vào hoa lá ven đường.
Hắn rảnh rỗi sinh nông nổi mới sang thôn Bạch Đầu với nàng.
Có lẽ tiếng cằn nhằn trong lòng của hắn đã đến được tai Hạ Ý, nàng chợt dừng bước, quay đầu thì thấy Cảnh Thâm đang lủi thủi ở đằng sau, nàng chột dạ nói với Tiểu Mãn mấy câu rồi chạy tới cạnh Cảnh Thâm.
Thấy có người tới, Cảnh Thâm mím môi.
Nàng ngẩng đầu nhìn hắn, đi ngang như một con cua: “Cảnh Thâm ơi?”
Hắn dẫm lên ngọn cỏ vươn cao, quay mặt nhìn ruộng lúa đã được thu hoạch gần hết.
Hạ Ý chớp chớp mắt, nàng gọi lần nữa, quả nhiên hắn vẫn giả bộ như không nghe thấy. Nàng định nắm tay áo hắn lắc qua lắc về, nhưng mới vươn ra nửa đường nàng đã rụt tay lại.
Thoáng thấy động tác này của nàng, Cảnh Thâm mềm lòng liếc nàng một cái, nàng thẹn thùng cười với hắn.
Hắn nhớ hồi ở trong cung, hễ lần nào Cảnh Viên nghịch ngợm muội ấy sẽ nắm tay áo Cảnh Hòa làm nũng, dù Cảnh Hòa có tức giận đến mấy thì cũng sẽ nguôi ngoai rồi dắt tay cô bé về cung.
Khi ấy hắn cảm thấy cách này cũng bình thường thôi, nay thấy vẻ mặt cười cười lấy lòng của Hạ Ý thì hắn mới ngộ ra… Tiếc cái tiểu cô nương chưa nắm tay áo hắn làm nũng.
Thấy hắn chịu nhìn nàng, Hạ Ý cười: “Mai muội nấu cơm thương nhĩ cho huynh nhé?” [2]
[2] Cơm thương nhĩ là một món ăn của người Trung Quốc cổ đại, công thức được Lâm Hồng, một nhà thơ thời Nam Tống, viết trong tác phẩm “Sơn Gia Thanh Công” của ông. Món ăn được nấu từ lá của cây thương nhĩ.
Hắn nhàn nhạt hỏi: “Gì chứ?”
“Lúc nãy muội sơ ý để huynh đi một mình lâu ơi là lâu, sau này muội sẽ không như vậy nữa.” Nàng giơ mấy ngón tay lên thề thốt.
Cảnh Thâm mím môi đạp cỏ, tiện mồm trêu nàng đi hệt như con cua, nàng không giận mà chỉ đi thẳng lại.
Hai huynh muội Dịch gia quay đầu thì thấy cảnh bọn họ đùa giỡn với nhau, bà Lưu và mấy nàng dâu nhà bà cũng khen ngợi hai đứa trẻ rất xứng đôi…
Dịch Thực rũ mắt, gọi Tiểu Mãn: “Đi chậm chờ họ một lát.”