– “Cứ đốt cả ba bó đi, dù sao cũng không chỉ thắp hương mỗi mộ tổ tiên và mộ thằng Nhị, thắp xung quanh nữa.”
Huỳnh Chí Minh lấy từ trong cốp xe hai bó nhang, châm lửa. Khói trắng nháy mắt bốc lên, lửa cháy hừng hực. Huỳnh Chí Minh vẩy tay, chia bó nhang ra làm bốn, đưa cho ba người bọn họ.
– “Thắp hương mộ tổ trước sau đó mới thắp xung quanh biết chưa?”
– “Vâng ạ.” Huỳnh Nam Phong nhẹ giọng đáp, kéo cậu tới gần chiếc tháp.
Không hiểu sao cậu cảm giác, lúc ra tới cánh đồng, thần sắc Huỳnh Nam Phong thoáng ảm đạm đi nhiều.
Nguyễn Bảo Uyên bắt chước hắn làm lễ, cúi đầu trước mộ tổ nhà họ Huỳnh, thấy Huỳnh Nam Phong khẽ nhắn mắt bỗng đột ngột ngẩng đầu, đem nén hương còn lại trên tay thắp hương các ngôi mộ còn lại.
Huỳnh Sơn Trì. 1933-2013.
Sau này cậu mới biết, người này ông nội hắn, mất từ 8 năm trước.
Huỳnh Nam Phong thắp hương cho mộ ông mình, xoay người di chuyển đến cạnh bia đá nằm sau mộ ông.
Huỳnh Nhị. 1965- 2015.
Xưa kia có một đứa bé sinh non, vì quá đường đột mà cha mẹ gọi là Nhị, con thứ trong gia đình.
Nguyễn Bảo Uyên cúi người muốn thắp hương, Huỳnh Nam Phong quỳ xuống, đột ngột mở miệng:
– “Đây là bố tôi.”
Năm 2015, Huỳnh Nam Phong tròn 12 tuổi.
Nguyễn Bảo Uyên trầm mặc, không đáp lại hắn.
– “Từ khi tôi sinh ra, bố tôi đã phải chạy thận.” Ngữ khí hắn không mảy may dao động, có điều thanh âm càng lúc càng nặng trĩu: “Năm tôi 12 tuổi, gia đình tôi tìm được người ghép thận phù hợp, năm đó mẹ đã chi rất nhiều, mọi người cũng vậy. Đổi lại, bố tôi được sống 1 tháng.”
– “1 tháng. Tận 1 tháng đó cậu có hiểu không? Cả cuộc đời ông không thể đi vệ sinh, không thể tự do vận động, ăn uống như người bình thường. Sau khi ca phẫu thuật xảy ra, bố tôi khỏe lên rất nhiều, thường xuyên nói cười vui vẻ, cũng dần hoạt động như người bình thường. Nhưng rồi tai hoạ ập đến.”
Huỳnh Nam Phong gục đầu xuống, chôn mặt trong lớp áo bông dày cộp.
– “Hôm đó là chủ nhật, thường cứ vào cuối tuần, tôi sẽ được ngủ tới 11-12 giờ trưa. Mẹ tôi kể lại, sáng hôm đó mẹ dậy sớm đi chợ, gọi với lên tầng 2 vẫn còn thấy bố đáp lại.” Thanh âm hắn càng lúc càng run rẩy: “Nhưng tới 10 giờ trưa mẹ về nhà, bố không nói được nữa…”
– “Vậy mà tôi vẫn ngủ, ngủ ngon lành từ tối tơi trưa mà không biết rằng, bố mất rồi, mất trong lúc tôi ngủ.” Sống mũi hắn cay cay : “Bố tôi mất rồi.”
Con người chỉ ngủ một giấc, còn ông ấy đã đi vào giấc ngủ vĩnh hằng.
Hắn biết đã gần 6 năm kể từ ngày đó trôi qua, từ ngày hắn thấy cỗ quan tài gỗ từ từ đi vào lò hỏa thiêu, toàn bộ hội trường bật khóc nức nở, nhưng hắn không quên được.
Cái cốt yếu, chính là cảm giác áy náy day dứt.
– “Không ai biết vì sao bố tôi đang yên đang lành tự dưng đột ngột qua đời, ngay cả mẹ tôi cũng không rõ…”
– “Không ai điều tra truyện đó sao?”
Huỳnh Nam Phong lắc đầu:
– “Người chết thì cũng chết rồi, điều tra chẳng làm gì được.”
– “Từ đó tôi thề sẽ không bao giờ ngủ dậy muộn nữa.”
Đây không phải là thứ một đứa trẻ 12 tuổi nên trải qua, nó vẫn còn tuổi thơ.
Huỳnh Nam Phong nhỏ tận mắt chứng kiến mẹ mình khóc sưng mắt ôm tay bố, chứng kiến Huỳnh Chí Minh cùng những người đàn ông khác khênh bố đặt trong quan tài, chứng kiến cả căn phòng xô đến gào thét khi nắp quan tài đóng dần, chứng kiến nhang khói mù mịt khắp cả căn nhà.
Ngay cả Huỳnh Chí Minh, người con trưởng luôn mạnh mẽ cũng không nhịn được rơi lệ.
Từng người một, có người quỳ trước quan tài, có người ngồi bệt một góc ôm mặt khóc, có người không nhịn được, lao thẳng vào trong phòng, bưng mặt nức nở.
Mùi nhang bao trùm lên vạn vật.
Đoàn xe dẫn bọn họ tới một nơi được gọi là “Công viên vĩnh hằng” hỏa táng. Thời điểm đó, thân thể ông đang ở Vĩnh Phúc, cả đoàn xe phải vòng ra Hà Nội, mang được xương cùng tro cốt về rồi lại quay lại Vĩnh Phúc, chôn cất nơi đất tổ tiên, để hai cha con họ được đoàn tụ với nhau.
– “Nhưng ít nhất, chúng tôi cũng nhẹ nhõm vì biết rằng, ông ấy chết không phải vì thận yếu dằn vặt, đê chúng tôi không phải áy náy tới tận bây giờ.”
Ít nhất, ông ấy đã sống ý nghĩa.
Nhưng Nguyễn Bảo Uyên à, cậu có biết thứ tàn nhẫn nhất là gì không?
Là khi những người đến viếng thăm cha tôi mang theo lời chia buồn sâu sắc, sau lưng họ lại nói: “Bỏ ra mấy tỉ để chữa thận cho cuối cùng ổng chết nghẻo mất, có phải phí tiền không? Đã bảo đừng phẫu thuật rồi còn không nghe.”
Gia đình tôi không ai hối hận vì đã bỏ tiền ra giúp bố tôi.
Nhưng họ không chịu hiểu.
Nguyễn Bảo Uyên im lặng một hồi bỗng cúi người, thắp cho Huỳnh Nhị một nén nhang, làm lễ với ông.
Đứa bé này, không phải từ khi sinh ra đã tự lập như vậy.
[- “Con phải mạnh mẽ lên, để còn bảo vệ mẹ con nữa chứ.”]
[- “Mẹ con đã rất đau buồn sau khi mất bố con, con phải tự lập lên, nghe lời mẹ vào, đừng để mẹ buồn.”]
[- “Bây giờ trong nhà chỉ còn mình con là con trai.”]
[- “Mẹ con trải qua mất mát thế là đủ rồi, cố gắng lên.”]
Là vì thương Đoàn Thu Mị, là vì hoàn cảnh đưa đẩy. Đâu phải ai ở cái tuổi 17 này tự lập được như hắn? Huỳnh Nhị từ trên cao nhìn xuống chắc chắn sẽ rất tự hào.
Cảm ơn bác đã sinh ra cậu ấy, Huỳnh Nam Phong vẫn sống rất tốt.
Nguyễn Bảo Uyên chậm rãi đứng dậy, dõi theo bóng lưng hắn, như một chiếc đuôi nhỏ bám theo sau.
– “Bên này là phần đất của bà tôi.” Huỳnh Nam Phong chỉ tay: “Bà đã nhận từ lúc mới xây phần mộ tổ tiên. Sau này nhắn mắt xuôi tay, tâm nguyện cuối cùng của bà chính là được chôn cất cạnh ông nội.”
Rồi sau này là cả bác tôi, ba người chú, những thế hệ nối tiếp nhau.
– “Thế còn phần mộ lát gạch đen bên cạnh thì sao?”
– “Đó là vì bệ đá này mới được xây dựng gần đây. Cả cánh đồng này, không, đúng hơn là cả cánh đồng đối diện bên kia và ba phần nữa ở nơi khác đều là của họ Huỳnh. Trước đây chưa xây bệ, mọi người trực tiếp chôn cất ở các chỗ xung quanh. Bác tôi nói, thường thì con gái sau khi về nhà chồng, đến chết cũng ở phần mộ nhà chồng. Hầu hết bia mộ ở đây đều là của đàn ông, có vài người phụ nữ không kết hôn thì ở lại.”
Nguyễn Bảo Uyên “ồ” một tiếng:
– “Nhà cậu giàu thật.”
Huỳnh Nam Phong lắc đầu: “Không, cánh đồng đó là của chung cả họ. Vì chúng tôi là nhánh chính nên được tiếp quản toàn bộ, đến đời tôi thì tôi là nhánh phụ nên nó thuộc về anh trai, chủ yếu là đất do tổ tiên để lại.”
– “Tổ tiên cậu?”
– “Người ta nói: Nhà họ Huỳnh tuy không giàu nhưng có tiếng trong thôn. Người họ Huỳnh bắt đầu có tiếng từ một viên quan danh tiếng thời nhà Trần, cũng tức là chúng tôi đã tụ họp từ rất lâu trước đó. Sau này chỉ dựa vào sách cổ tổ tiên để lại mới biết nhà hơn Huỳnh đã có từ thời Trần, hoàn toàn không nhìn rõ tên những thế hệ đi trước, vậy mới để là mộ tổ tiên, cũng không nói rõ người sáng lập là ai.”
Nếu nói như vậy thì chẳng phải cậu sống trên đời này còn lâu hơn cả gia tộc nọ hay sao?
– “Đi.” Huỳnh Nam Phong vươn vai, choàng tay qua vai cậu, kéo người xuống phía dưới: “Đi thắp nốt các mộ xung quanh rồi về, trời sắp mưa phùn rồi.”
Trên thảm cỏ xanh bạt ngàn, những ngôi mộ lát gạch đen nằm sừng sững tại đó, lặng thinh bất động, trường tồn theo năm tháng.
Huỳnh Chí Minh và Đoàn Thu Mị chia nhau dọn dẹp lớp bụi bặm vả cỏ dại xung quanh mộ, lau lau một hồi.
– “Đây là bà Nguyệt, anh trai của ông nội tôi. Hồi nhỏ mẹ nói bà hay đến bế tôi nhưng năm tôi lên 3 thì bà mất, cũng không còn ấn tượng gì nhiều.”
– “Bên cạnh là cụ Lý, Huỳnh Lý. Ông ấy là người sống thọ nhất trong thôn, cũng thân quen với cả xóm.”
– “Kia là em trai của bà nội tôi, ngày đó phần đất này được rao bán, bà tôi đã đề xuất với em trai mình và mua được chúng. Hồi nhỏ tôi cũng có gặp ông ấy vài lần, là người vô cùng hung dữ.”
Nguyễn Bảo Uyên ngẩng đầu, ngước đôi mắt đen láy lên hỏi hắn:
– “Khi còn nhỏ cậu không sống ở thủ đô.”
– “Chỉ sống có 1 tháng.” Huỳnh Nam Phong đột ngột mỉm cười, nhẹ nhàng nói: “Từ khi sinh ra mẹ đã đem tôi về quê sống với ông bà, bản thân cũng ở đó cùng bố luôn. Có thể nói, Vĩnh Phúc mới là tuổi thơ tôi. Khi vào cấp 1 mới trở về Hà Nội học.”
Đối với những chuyện như thế này, Nguyễn Bảo Uyên thường không có hứng thú. Không hiểu sao, nếu người nói là Huỳnh Nam Phong, cậu sẽ không nhịn được muốn nghe thêm chút nữa.
Cảm giác muốn biết thêm về người đó, muốn gần gũi hơn nữa.
Hai người sóng vai đi loanh quanh cánh đồng, nháy mắt đã thắp hương xong toàn bộ. Huỳnh Nam Phong vươn chân trèo qua hàng rào, trở về trước.
Là nấm mồ.
Nguyễn Bảo Uyên im lặng nhìn thứ đen sì như nhọ nồi, bé tí trước mặt. Chung quanh, cỏ dại đã mọc đầy bên trên mà dường như không ai có ý định cắt xén đi.
Nó cũng là bia mộ, chỉ có điều bên trên không tên không tuổi, bụi bặm bủa vây, hai góc đã bị mài mòn, hiển nhiên được xây dựng lâu hơn bất kì ngôi môn nào trên cánh đồng.
Ấy vậy mà nó vẫn gắng sức chạy đua với thời gian, mặc cho không một nén nhang, không một người lau dọn, trường tồn vĩnh cửu.
Người họ Huỳnh có từ thời nhà Trần.
Cứ cho rằng ngôi mộ này là từ thời nhà Trần, cũng có thể gần hơn thế, vậy nếu cậu chết đi, sẽ còn ai biết tới, sẽ còn ai thắp hương cho hay khô quạnh vắng bóng như vậy?
Đáy mắt Nguyễn Bảo Uyên tối sầm xuống, lặng thinh nhìn nó.
Biết đâu, xác cậu cũng nằm đâu đó dưới bãi đất này?
Nếu như cánh cửa mở ra lần nữa, cậu phải làm sao đây? Biết rằng cuộc tình này không nên xảy ra vẫn không nhịn được chạm tới trái cấm.
Ai rồi cũng sẽ biến mất hoàn toàn trên cõi đời này.
Sắc trời vẫn sáng rực mà cơn mưa từ đâu tới? Nó như khóc thay cho loài người, khóc cho những con người đã nhắn mắt xuôi tay, một đời bình an.
Từng giọt mưa phùn bay ngang qua, thấm ướt gò má mịn màng trắng nõn. Nguyễn Bảo Uyên thẫn thờ, chợt một bàn tay thon dài ôm vai cậu, bung dù che cho cả hai người.
– “Cậu làm gì vậy? Mưa rồi sao không quay lại xe?” Huỳnh Nam Phong sốt sắng hỏi.
À, biết lí do vì sao không cưỡng lại được rồi.
Nguyễn Bảo Uyên bất giác nở một nụ cười, xúc cảm nóng hổi từ bàn tay người nọ quyến luyến vương trên vai cậu, cong cong khoé mắt nhìn hắn:
– “Không có gì, chỉ đột nhiên cảm thấy hơi đói một chút.”