5 giờ sáng, bình minh ló rạng. Ông Trương – nhân viên vệ sinh môi trường tại đoạn đường công viên Tân Hà bắt đầu một ngày làm việc.
Hai bên bờ sông có mấy quán bar, những con người đến bar mua say thôi thì muôn màu điên loạn. Quậy trong bar chưa đủ, họ còn phải quậy suốt dọc bờ sông. Chẳng thứ gì không thể xuất hiện trên đoạn đường ông Trương phụ trách, từ bãi nôn, vỏ chai rượu, giấy vệ sinh đến cả bao cao su dùng rồi.
Ông Trương cần mẫn đi dọc bờ sông, dọn hết những thứ rác rưởi bẩn thỉu. Đến đầu cầu ông mới định ngồi nghỉ một lúc để ăn cái bánh bao mang đi từ nhà.
Cuối con đường nhỏ rải đá cuội xuyên qua rừng trúc, đến gần mép nước có một cái ghế đá, bình thường ông Trương thích ngồi ăn sáng ở đó. Nhưng hôm nay ghế đã có người, đó là một cô gái rất xinh nhưng cái vẻ đờ đẫn như người mất hồn của cô làm ông Trương thấy hơi lo lắng.
Mấy hôm trước vừa có một vụ án mạng ở gần đây, ông Trương không yên tâm với cô gái nọ nên ông báo cảnh sát. Từ đó đến lúc cảnh sát tới ông cứ quanh quẩn gần chỗ cô gái không dám bỏ đi đâu. Mà cô gái kia cũng chỉ ngồi thần ra đó, mắt đăm đăm nhìn mặt sông.
Khi cảnh sát khu vực địa bàn Tân Hà đưa Trần Thiến Di về đội cảnh sát hình sự, Doãn Hạo cũng nhận được thông báo và rời Nhàn Tiêu về sở.
Quý Thương đứng bên cửa sổ nhìn theo cho đến khi xe Doãn Hạo biến mất ở cuối đường.
Một tay treo trước ngực, Quý Thương tắm rửa, thay quần áo xong, vừa đi ra đến cửa thì đụng ngay Đặng Đăng mới hấp tấp chạy lên, đang rón rén đi vào.
Đặng Đăng xách túi đựng laptop và kẹp nách một tập tài liệu, thấy Quý Thương anh chàng thở phào nói: “Doãn Hạo dặn em đi vào khẽ thôi, sợ anh đang ngủ. Hóa ra anh dậy rồi ạ.”
Quý Thương lặng lẽ nhét chìa khóa xe vào túi, làm bộ ngáp dài, uể oải lắc đầu đáp: “Chưa đẫy giấc. Nhưng mà đói quá, tôi xuống nhà kiếm gì ăn rồi lên ngủ tiếp.”
Đặng Đăng để đồ xuống bàn rồi hỏi: “Em xuống với anh nhá?”
“Làm gì phải thế!” Quý Thương bất đắc dĩ nói: “Ai không biết lại tưởng tôi là nghi phạm của mấy cậu. Tôi ăn cơm dưới sảnh ấy, cậu không yên tâm thì ra sân thượng mà ngắm tôi.”
Không đầy mười lăm phút sau Quý Thương lại trở lên lầu. Đặng Đăng bấy giờ đã mở máy tính, bày đầy tài liệu ra bàn.
Liếc thấy mấy chữ ‘nickname’, ‘tên thật của độc giả’, ‘điện thoại’, ‘hòm thư’ trong đống giấy tờ, Quý Thương hỏi: “Vẫn đang sàng lọc độc giả à?”
Tiểu Đắng đáp mà không ngẩng đầu lên: “Sắp lọc xong độc giả rồi mà vẫn chẳng thấy gì.”
Quý Thương nói: “Cậu lọc theo cách nào?”
“Thì so sánh thông tin của độc giả với các mối quan hệ xã hội của nạn nhân thôi. Em moi hết cả những bài người ta đăng vài năm trước trên mạng rồi đấy.”
Quý Thương nhíu mày: “Cậu có so sánh cả những mối quan hệ gián tiếp không?”
Tiểu Đắng thắc mắc: “Là sao ạ?”
Quý Thương đáp: “Là sàng lọc cả các mối quan hệ xã hội của độc giả nữa. Trường hợp này thì chỉ cần khoanh vùng trong thành viên gia đình độc giả là được rồi. Cậu phải kiểm tra xem các thành viên trong gia đình độc giả có liên quan gì đến nạn nhân không.”
“Ý anh là chỉ kiểm tra thông tin đăng ký của độc giả là chưa đủ, em phải tra cả gia đình độc giả nữa á? Có cần phải thế không?!”
Quý Thương nhún vai: “Tôi không biết nhân thân người bị hại thế nào nên không thể nói chắc vụ này có cần không. Nhưng nếu trong mạng lưới quan hệ xã hội của người bị hại có nhóm tuổi vị thành niên hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì 100% là cần. Ví dụ như trẻ vị thành niên nhé, nhóm tuổi này đã có thể sở hữu sim điện thoại riêng, có thể đăng ký tài khoản để đọc truyện trực tuyến. Tuy nhiên cậu đừng quên rất nhiều phụ huynh muốn kiểm soát con cái mình, họ muốn biết con mình kết bạn với ai, thích chơi gì, biến đổi tâm lý ra sao vân vân. Vì thế không thể loại trừ trường hợp phụ huynh dùng căn cước của mình để đăng ký sim cho con, như vậy họ sẽ kiểm soát được cước điện thoại và dung lượng sử dụng, thậm chí có thể kiểm tra lịch sử trò chuyện của con bất cứ lúc nào. Đứa trẻ không phải chính chủ nên cũng không thể thay đổi gói dịch vụ mạng đã mua. Trang web tôi đăng truyện yêu cầu mọi độc giả đều phải xác minh tài khoản bằng số điện thoại di động, nếu vậy những độc giả mà cậu đang sàng lọc bằng thông tin trên web rất có thể không phải người dùng thực sự. Người dùng thực sự biết đâu lại là đứa trẻ vị thành niên như tôi nói ban nãy, cũng có thể là một thành viên khác trong gia đình, và những người này mới có mối liên hệ với người bị hại.”
Tiểu Đắng như được khai sáng, cậu ta há hốc mồm nghe Quý Thương nói. Quý Thương thì phân tích một lèo có vẻ rất nghiêm túc xong là trở lại nguyên hình, trong nháy mắt anh thõng vai, lưỡn thưỡn đi vào phòng ngủ.
“Từ giờ, không có việc gì đừng gọi tôi nhé.”
Quý Thương đóng cửa lại, rút điện thoại ra nhắn tin cho Tiểu Nê Ba.
Quý Thương: Kiếm cớ lôi Tiểu Đắng đi đâu khỏi phòng anh một lúc, với gọi cho anh cái xe, yểm trợ anh ra ngoài.
Tiểu Nê Ba: Đã rõ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Sếp cứ yên tâm.
Hai, ba phút sau, tiếng Tiểu Nê Ba gõ cửa rầm rầm vọng vào.
Đặng Đăng ra mở, suỵt suỵt với cô nàng: “Khe khẽ thôi, anh Cửu đang ngủ.”
“Anh Cửu, anh Cửu, gớm gọi cứ ngọt xớt.” Tiểu Nê Ba xăm xăm đi vào, được mấy bước cô làm bộ dừng lại: “Sếp bảo muốn ăn bánh bí đỏ chiên mà, sao tôi làm xong rồi ảnh lại ngủ à.”
Nghe nói đến bánh bí đỏ Tiểu Đắng mới nhớ ra mình bị Doãn Hạo gọi đi từ nhà, vội quá chưa kịp ăn sáng. Mà dù đói Tiểu Đắng vẫn bảo: “Thế thì cô để đấy, đợi ảnh dậy ăn.”
“Anh chẳng hiểu gì cả.” Tiểu Nê Ba khoát tay ra vẻ bí hiểm: “Bánh bí đỏ mà để nguội thì ăn làm sao được. Bánh vừa chiên xong nóng bỏng tay, vàng rộm, giòn tan thơm phức, tôi còn rắc đường cát lên nhé. Cắn một miếng thì ôi thôi…”
Tiểu Nê Ba chẹp miệng quay đầu định đi ra rồi tự dưng ngoảnh lại nhìn Tiểu Đắng: “Anh ăn sáng chưa? Nếu chưa thì muốn ăn thử bánh bí đỏ không?”
“Ăn sáng thì chưa, nhưng mà… tôi…” Tiểu Đắng có vẻ chần chừ.
Tiểu Nê Ba trợn mắt, cô nàng túm tay Tiểu Đắng lôi xềnh xệch ra cửa: “Nhưng nhưng cái gì, lắp ba lắp bắp. Đi xuống đây, cảnh sát thì cũng phải ăn rồi mới làm chứ. Sếp tôi mà ngủ thì như heo ấy, yên tâm không vẫy tai đâu.”
“Ừ thì đi, cô đừng có lôi tôi thế, chẳng ra thể thống gì.”
Nghê Hiểu vốn tính đơn giản, không có mưu mô gì, bảo đi lừa gạt người ta cũng dùng cái cách như trẻ con. Quý Thương đứng trong phòng nghe mà thấp thỏm, ai ngờ cậu Tiểu Đắng này lại cũng tham ăn. Mới thế mà cậu ta đã theo Tiểu Nê Ba xuống ăn bánh bí đỏ.
Quý Thương thầm nhẩm thời gian đến khi chắc chắn hai người đó đã xuống lầu rồi anh mới nhanh chân phi xuống tầng ba. Đợi Đặng Đăng ăn xong lại lên tầng bốn thì Quý Thương hiên ngang đi từ tầng ba xuống nhà, lên xe rời khỏi Nhàn Tiêu.
9 giờ 15 phút sáng, tại sảnh lễ tân của bệnh viện phục hồi chức năng Tử Dương, thuộc thành phố Vân Bàn.
Đây là một bệnh viện chuyên về phục hồi chức năng cỡ vừa, có khoảng ba trăm giường bệnh, cũng không nhiều phòng phục hồi lắm.
Sảnh lễ tân lúc này có mấy nhóm người, hoặc cùng đi thẳng đến phòng khám đã định hoặc hỏi thăm bàn tư vấn xong lại sang nơi khác. Nhưng mãi đến khi khách đã vãn hẳn vẫn còn một người đàn ông trẻ tuổi ngồi trên ghế chờ. Người này tay phải treo cố định trước ngực, tay trái thì cầm tờ báo.
Anh ta trông rất ưa nhìn, bận đồ lịch sự nhưng rõ ràng là người bị thương, xem ra là một khách hàng tiềm năng. Nhân viên tư vấn ra tận nơi hỏi anh ta có cần giúp gì không thì anh ta đáp đang chờ người quen.
Khoảng nửa giờ sau, một anh chàng giao hàng xách một giỏ hoa quả đi thẳng đến bàn tư vấn.
“Xin lỗi chị ơi, chị xem giúp em bệnh nhân này nằm phòng nào với. Đơn đặt hàng chỉ ghi khu điều trị nội trú khoa Phục Hồi Thần Kinh, chẳng có số phòng số tầng cụ thể gì cả. Em gọi điện cho khách đặt hàng nãy giờ mà người ta không nghe máy.”
Nhân viên tư vấn mỉm cười rất chuyên nghiệp: “Xin lỗi, chúng tôi không được phép tiết lộ thông tin bệnh nhân.”
Anh chàng giao hàng lại chìa màn hình điện thoại ra cho cô nhân viên nhìn rồi nài nỉ: “Đây em gọi hơn chục cuộc cho khách rồi này, không biết làm thế nào nữa chị ạ. Không giao được hàng là họ trừ tiền, lại còn chậm cả đơn sau nữa thì mất cả ngày công của em. Thôi chị xinh đẹp ơi chị giúp em với.”
Cô nhân viên có vẻ dịu giọng một chút: “Anh đọc cho tôi thông tin bệnh nhân xem nào.”
“Đinh Thiếu Đông, nằm khu nội trú khoa Phục Hồi Thần Kinh, số điện thoại của anh ấy bị cho thiếu một số. Hôm nay em đen quá.”
Cô nhân viên cúi xuống nhìn màn hình: “Anh may đấy, chỉ có một bệnh nhân tên là Đinh Thiếu Đông thôi. Ở phòng bệnh số 215, tòa nhà số ba.”
“Dạ dạ, cảm ơn chị nhé.” Anh giao hàng vừa cảm ơn vừa chạy về phía bên phải sảnh lễ tân theo bảng hướng dẫn.
“Ấy đợi đã.” Cô nhân viên tư vấn gọi anh ta lại: “Bệnh nhân này nằm khoa thần kinh nhưng tôi thấy ghi ở đây là có bệnh phổi mãn tính. Anh lên đấy thì phải đeo khẩu trang vào, có khẩu trang không đấy?”
“Có, có đây.” Anh chàng vỗ vỗ túi rồi xách giỏ hoa quả chạy biến mất.
Sảnh lễ tân yên tĩnh trở lại. Cô nhân viên quay lại nhìn dãy ghế chờ mới thấy người đàn ông ngồi đó rất lâu đã đi từ lúc nào, chỉ còn mấy tờ báo gấp ngay ngắn đặt trên thành ghế.
Mười phút sau.
Trưởng phòng Trang, quản lý bộ phận hậu cần, vật tư của bệnh viện Tử Dương ái ngại nói với người trẻ tuổi đứng trước mặt: “Tôi biết là anh rất gấp nhưng tôi đã bảo rồi, bệnh viện có quy định đàng hoàng. Không được tự ý xem camera giám sát trong viện. Chính chúng tôi cần xem cũng phải qua mấy cấp phê duyệt kia.”
“Chị ơi em chỉ xem tại chỗ thôi, em hứa không chụp ảnh đâu. Cái nhẫn ấy không đến mấy chục nghìn nhưng không tìm được thì về vợ em giết em mất.” Quý Thương ngừng một chút rồi lại nói: “Đúng ra em định báo cảnh sát vì giá trị tài sản thừa cho họ lập án rồi mà. Nhưng mà thôi, em nghĩ trong này toàn bệnh nhân, tự dưng cảnh sát mặc đồng phục đến hỏi từng phòng thì bệnh nhân điều trị làm sao được. Với lại làm to chuyện cũng không hay.”
Nghe Quý Thương nói vậy trưởng phòng Trang liền có vẻ suy tư, cân nhắc một lúc cuối cùng chị ta đứng dậy: “Chỉ được xem khu vực hành lang tầng hai thôi nhé, và không được quay phim chụp ảnh đâu đấy.”
Trưởng phòng Trang đưa Quý Thương vào phòng giám sát rồi bỏ đi. Lúc này trong phòng giám sát nhân viên đang giao ca nên người phụ trách ca ngày chỉnh màn hình cho hiển thị đúng khu vực trưởng phòng Trang yêu cầu rồi vội vàng quay đi lo bàn giao tiếp. Không ai để ý đến Quý Thương cả.
Quý Thương đã tìm hiểu được lịch làm việc của Đinh Hằng Viễn ngày mùng hai tháng bảy, hôm đó anh ta ngồi phòng khám cả ngày, đến 6 giờ là hết giờ khám bệnh. Giờ cao điểm đi từ bệnh viện số hai đến viện phục hồi chức năng Tử Dương nhanh nhất phải cần ba mươi phút.
Nhân lúc không ai chú ý, Quý Thương nhanh chóng chỉnh thời gian hiển thị đến 6 rưỡi tối ngày mùng hai tháng bảy. Hình ảnh video chạy loang loáng, những bóng người xuất hiện xẹt qua trên hành lang tầng hai tòa nhà số ba khu điều trị nội trú.
Tua đến 6 giờ 40, Quý Thương bấm dừng hình. Cuối hành lang, Đinh Hằng Viễn đeo khẩu trang bước vào phòng bệnh của Đinh Thiếu Đông, cha anh ta.
Quý Thương lại bấm cho hình chạy rồi nhìn chăm chú cửa phòng bệnh số 215.
Từ đó cho đến 11 rưỡi đêm Đinh Hằng Viễn ra khỏi phòng bệnh hai lần. Cả hai lần đều là để vào nhà vệ sinh, lần nào cũng trở lại trong vòng năm phút.
Lần thứ hai về phòng bệnh anh ta còn nói chuyện mấy câu với một người y tá đi ngang qua.
Quý Thương tắt video, thở phào như vừa trút được gánh nặng.
Nhân viên phòng giám sát ngẩng lên nhìn Quý Thương rồi lại cúi xuống cắm mặt vào điện thoại di động, anh ta hỏi: “Tìm thấy nhẫn rơi ở đâu chưa? Có thấy ai nhặt mất không?”
“Không thấy, hay là không rơi ở đây cũng nên.”
Quý Thương nói xong liền cảm ơn và rời khỏi phòng.
Đợi Quý Thương đi hẳn rồi người nhân viên mới nghi hoặc lẩm bẩm: “Không tìm được mà có vẻ vui thế nhỉ. Hay nghĩ đến chuyện về nhà phải quỳ ván giặt đồ (1) nên hâm luôn rồi.”Chú thích:
(1) quỳ ván giặt đồ: ván giặt đồ là cái ván có bề mặt ráp ráp để chà quần áo khi giặt tay đó. Quỳ gối vào thì đương nhiên là đau, cái này là “hình phạt” thường thấy trong truyện Trung, còn nó phổ biến ở mức độ nào mình cũng hông biết ;v;
Ngoài ra đoạn anh Quý xem trộm video theo dõi ngày 2/7 trong bản gốc tác giả vẫn để ngày 3/7 (giống trường hợp cuối chương 8 khi Quý Thương hỏi Đinh Hằng Viễn ở đâu tối mình bị tai nạn). Vẫn theo logic mình đã giải thích ở chương 8, mình lại sửa thành 2/7 nha.