Trần Thiến Di mất tích.
Nhận được chỉ thị của Tào Vệ Vệ, Từ Bân dẫn theo Sài Lộ chạy đến nhà Trần Thiến Di.
Người mở cửa là mẹ Trần Thiến Di, mắt bà ta sưng húp như vừa khóc. Khi trả lời về tung tích của con gái mẹ Trần Thiến Di luôn nói rất mơ hồ. Mỗi lần cha cô ta định mở miệng bà mẹ lại khóc nấc lên làm lộn xộn hết cả.
Cuối cùng sau một hồi ngồi im hút thuốc, ông Trần dụi điếu thuốc rồi điên tiết đập bàn: “Khóc thì con nó về à?! Bây giờ quan trọng là phải tìm được Thiến Di, bà có đi tìm được nó không? Hay là tôi tìm? Không nhờ cảnh sát thì nhờ ai? Tại sao bà lại không tin vào con mình? Tại sao chính bà lại kết tội nó vậy?!”
Đêm xảy ra vụ án đúng là Trần Thiến Di về phòng ngủ sớm hơn cha mẹ mình, từ đó đến lúc cha mẹ cô đi ngủ cô cũng không bước chân ra ngoài. Nhưng khoảng 11 rưỡi đêm, trong lúc mơ màng bà Trần giật mình tỉnh dậy vì nghe thấy tiếng đóng cửa nhà.
Bà Trần có mơ màng hỏi một câu thì con gái bà trả lời ra ngoài vứt rác về.
Bình thường Trần Thiến Di cũng có thói quen sạch sẽ nên bà Trần không nghi ngờ gì cả.
Ngày hôm sau khi cảnh sát đến nhà hỏi chuyện bà Trần liên tưởng đến việc Trần Thiến Di ra ngoài đêm trước và cảm thấy rất không ổn. Bà sợ con gái mình gặp rắc rối nên nhân lúc cô còn nghẹn ngào khóc bà đã cướp lời khẳng định với cảnh sát đêm đó Trần Thiến Di không hề ra khỏi nhà.
Trước lời chứng của mẹ Trần Thiến Di cũng thuận tình, không phản đối. Thế là bà Trần càng tin hơn vào suy nghĩ của mình.
Vì vậy hôm đó Trần Thiến Di bảo phải đến trường, rồi cha mẹ không thể liên lạc được với cô ta, mẹ Trần Thiến Di vẫn không chọn cách báo tin cho cảnh sát.
Nhưng bà ta không ngờ rằng cảnh sát lại chủ động đến nhà họ.
Doãn Hạo cúp điện thoại.
Anh lái xe ra ngoại thành, cùng người ngồi bên cạnh đi sâu vào đêm tối.
Sau khi rời khỏi Yên Hỏa Quý Thương không nói chuyện về vụ án với Doãn Hạo nữa, vừa lên xe anh đã dựa đầu vào cửa sổ, nhắm mắt nghỉ ngơi.
Cơn gió đêm thổi vào xe nghe mát lạnh, Quý Thương hơi nhíu mày. Doãn Hạo đóng cửa sổ lại nhưng gương mặt Quý Thương vẫn giữ nguyên vẻ ưu tư, nơi hai đầu mày nhíu lại chẳng giãn ra.
Quý Thương bây giờ không giống chút nào với Quý Thương ban nãy vừa thảo luận vụ án với Doãn Hạo, mà trùng lặp với cái người ngồi thẫn thờ nhìn chiếc ghế trống đối diện trong quán cà phê lúc chiều.
Cột đèn ở ngã tư trước mặt không có số đếm ngược, Doãn Hạo cũng chẳng biết sẽ có đèn vàng cảnh báo hay sẽ chuyển đèn xanh luôn nữa. Anh không thích những cột đèn giao thông không thống nhất của thành phố Vân Bàn, anh không thích tất thảy những thứ vòng vo mờ ám, anh chỉ muốn dứt khoát, gọn gàng.
Doãn Hạo rút điện thoại ra, gửi một tin nhắn cho Phù Uy – người bạn thân chung phòng thời đại học giờ đang ở tít thủ đô.
Này Nhị Uy, mày nhớ một ông tên Quý Thương, học trên mình ba khóa không?
Đêm nay Quý Thương không vùi đầu trong phòng làm việc tìm cảm hứng hay mổ cò gõ chữ. Về Nhàn Tiêu một lúc anh liền cầm quần áo lên phòng tắm, định xong sớm ngủ sớm, kết thúc một ngày nhiều bất ngờ không như ý.
Những hình ảnh vụn vặt sót lại của tháng ngày quen biết Đinh Hằng Viễn cứ loang loáng hiện lại trong đầu Quý Thương, nhưng mọi vẻ đẹp tươi của quá khứ cuối cùng đều tụ lại nơi chiếc nhẫn trên ngón áp út Đinh Hằng Viễn hôm nay.
Giống như thời gian, đó là một cách minh chứng cho cái triết lý rằng chẳng mấy ai dám bước trên con đường quá hẹp này. Mà người từng sánh vai bên ta sớm muộn rồi sẽ bỏ cuộc rời đi.
Nếu nói tình cảm thời niên thiếu đã bị mài mòn đến mờ ảo, để bất kể nó xuất hiện trở lại bằng cách nào cũng không thể khiến Quý Thương đau nhói nữa thì vẫn còn những điều khác canh cánh trong lòng anh.
Cái cách Đinh Hằng Viễn nhắc đến Đinh Tư Tân quá thoải mái khiến sự phẫn nộ lẫn áy náy Quý Thương giữ trong lòng bao năm nay trở nên thật lố bịch, kệch cỡm.
Doãn Hạo ngồi trên salon, anh chăm chú xem hình ảnh từ camera giám sát được tua nhanh trên màn hình, hệt như đang làm việc ở sở cảnh sát.
Nhưng ngay khi Quý Thương bước vào phòng tắm, Doãn Hạo đột nhiên lên tiếng như có mắt sau gáy: “Cần tôi giúp không? Hay tôi gọi Tiểu Nê Ba lên cho anh?”
Quý Thương mạnh miệng đáp: “Tàn nhưng không phế, không biết à?!”
Doãn Hạo cười nhạt: “Nếu anh không định đi viện mỗi ngày thì tôi đề nghị anh đừng giội nước vào cái tay đó nữa.”
Quý Thương dừng trước cửa phòng tắm, ngoảnh lại nhìn Doãn Hạo đang ngồi rất chi đàng hoàng, tự dưng anh nổi hứng muốn đùa giỡn: “Ngày nào cũng đi viện còn hơn bị người khác đè ra lột đồ.”
Doãn Hạo ngớ mặt, lúc tỉnh ra mới hiểu mình vừa bị tên cáo già chọc ghẹo. Anh thản nhiên đáp trả: “Ngại quá, tôi lại chẳng hứng thú gì với việc lột đồ đàn ông.”
Quý Thương cười hứ một cái: “Khéo quá! Tôi cũng chẳng hứng thú gì với việc bị trai thẳng lột đồ.”
Cửa phòng tắm đóng lại rồi Doãn Hạo mới lùi video về mấy phút trước, bắt đầu soi tiếp.
Thực ra từ lời khai của mẹ và bạn gái Vương Cảnh Bình thì ngoài đêm bị sát hại và đêm học sinh của anh ta gây gổ ở quán bar, trong hai tháng trở lại đây nạn nhân sinh hoạt rất điều độ, không có sự kiện đặc biệt gì phát sinh cả.
Về lý thuyết Doãn Hạo không cần lấy dữ liệu camera của quán bar đến tận hai tháng.
Sau khi trở lại Nhàn Tiêu, việc đầu tiên Doãn Hạo làm là tách riêng dữ liệu camera giám sát trong hai mươi tư giờ trước và sau thời điểm xảy ra án mạng, anh chỉ làm báo cáo điều tra cho phần dữ liệu này.
Dữ liệu camera còn lại tạm thời Doãn Hạo chưa trình lên trên.
Học sinh của Vương Cảnh Bình khai đúng sự thật, 10 giờ đêm đó Vương Cảnh Bình xuất hiện tại quán bar Yên Hỏa. Ngoài suýt đụng phải một nhân viên phục vụ, Vương Cảnh Bình không hề tiếp xúc hay giao lưu với một ai khác.
Khi nói chuyện với đám học sinh hai bên cũng không động tay chân với nhau, Vương Cảnh Bình dạy bảo học sinh trong mười phút, sau đó anh ta nhìn màn hình di động rồi bỏ đi luôn.
Cả ngày hôm đó, trước và sau thời gian này anh ta đều không xuất hiện lại ở quán bar nữa.
Hai mươi bốn tiếng đồng hồ trước khi Vương Cảnh Bình chết có hai khoảng thời gian bỏ trống. Một khoảng đã được làm rõ nhưng không giúp gì được cho công tác điều tra. Còn khoảng từ 5 rưỡi đến 8 rưỡi tối vẫn còn trong sương mù.
Trừ trông cậy vào Trần Thiến Di, vụ án dường như đã trở về vạch xuất phát.
Suy luận Quý Thương dễ dàng đưa ra ở quán bar chỉ dựa trên một bức ảnh chụp hiện trường thỉnh thoảng lại nảy ra trong đầu Doãn Hạo. Anh bắt đầu suy nghĩ đến một khả năng mới, có lẽ có thể như thế thật, có khi nào ngay từ đầu họ đã đi sai hướng không?
Quý Thương vào phòng ngủ không lâu thì đèn tắt. Anh còn cố tình dọa Doãn Hạo rằng mình định ngủ truồng để khỏi phải mở cửa phòng như đêm trước.
Xem hết video theo dõi thì đã 1 giờ sáng. Lúc này đồng chí Phù Uy cũng là trinh sát hình sự nhắn tin trả lời Doãn Hạo.
“Ê mày đi thôi miên tìm lại ký ức à? Cuối cùng mày cũng nhớ ra hôm đấy mày chơi ngu rồi hả?”
Tin nhắn này còn trả lời cụ thể cho tin Doãn Hạo hỏi thăm về Quý Thương. Điều này khiến Doãn Hạo càng chắc chắn rằng mình từng gặp Quý Thương rồi, mà có khi hai bên còn từng va chạm cũng nên.
Doãn Hạo đưa mắt nhìn cánh cửa phòng Quý Thương đang đóng chặt, đoạn anh cầm điện thoại đi ra sân thượng.
Sự thật chứng minh trực giác của Doãn Hạo luôn chính xác, đúng là anh từng gặp Quý Thương ở trường đại học.
“Mày nhất định muốn tao nói cho mày biết à? Hồi đấy tao với Chí Kiệt giấu mày cũng là vì mày thôi. Mày mà biết khéo mày đâm đầu vào tường tự tử mất.”
“Yên tâm, tao bây giờ khác xưa rồi! Với lại một khi tao chưa biết rõ ngọn ngành vụ Tiểu Kiệt thì đừng đứa nào hòng đập được đầu tao vào tường.”
Im lặng một chút, Phù Uy nghiêm túc nói: “Nếu mày có tiến triển gì hoặc cần tao giúp thì cứ nói.”
Doãn Hạo thở dài: “Tạm thời chưa tiến triển gì cả.”
Phù Uy lại im lặng như đợi cảm xúc dịu xuống, rồi anh ta bảo: “Được, thế thì để tao kể cho mày nghe một chuyện giải trí. Đây là nguồn cảm hứng tấu hài của tao với Chí Kiệt hồi ấy đấy.”
“Mày vẫn nhớ cái tối bạn gái mày đòi chia tay hồi năm bốn chứ?”
Doãn Hạo và bạn gái mối tình đầu yêu nhau từ năm đại học thứ ba nhưng bạn gái anh không phải người bản địa, cũng không định thi nghiên cứu sinh. Gần cuối năm thứ tư bạn gái báo cho Doãn Hạo rằng cô đã thi đậu vào đội cảnh sát hình sự ở quê nhà.
Bạn gái Doãn Hạo không chấp nhận yêu xa nên Doãn Hạo chỉ có hai lựa chọn, hoặc là bỏ thi nghiên cứu sinh để cùng về quê bạn gái phát triển sự nghiệp, hoặc là bỏ mối tình này.
Trước khi thi vào lực lượng ở quê bạn gái không hề nói gì với Doãn Hạo, vì thế nhân cơn tức giận anh chọn luôn phương án hai.
Năm đó ngày trường đại học cấp chứng chỉ nghiên cứu sinh cũng là ngày bạn gái Doãn Hạo rời trường về quê.
Thấy Doãn Hạo buồn so, Tần Chí Kiệt liền kéo anh và Phù Uy đi dự tiệc tiễn người đàn anh kiêm đồng hương của mình, người đàn anh này ngày mai cũng sẽ rời trường, và đó chính là Quý Thương.
Bữa tiệc chia tay tối hôm đó rất đông người tham gia, Doãn Hạo thì mải đắm chìm trong thế giới thất tình bé nhỏ của mình nên từ đầu anh đã chẳng buồn giao lưu với Quý Thương.
Sau khoảng ba lượt rượu thì nhiều người đứng dậy ra về. Tiện đường nên Tần Chí Kiệt lại lôi Doãn Hạo và Phù Uy theo tiễn Quý Thương về ký túc xá nghiên cứu sinh. Tần Chí Kiệt muốn chọn giáo sư Hồ Vĩnh Dư làm giáo viên hướng dẫn nhưng số sinh viên có cùng ý tưởng với anh nhiều như ruồi bu lấy mật nên Tần Chí Kiệt định nhân dịp này hỏi thăm Quý Thương mấy câu.
Trên đường về, đồng chí Doãn Hạo tửu lượng siêu kém bắt đầu quậy phá. Anh chàng cứ quấn lấy Quý Thương chẳng quen thân gì mà hỏi anh này anh có bạn gái chưa, có phải tốt nghiệp anh cũng bị đá không. Thế thôi chưa đủ, Doãn Hạo còn bắt Quý Thương phải cùng thảo luận nghiêm túc đề tài tính khả thi và tỷ lệ thành công trong lĩnh vực yêu xa.
Nể mặt Tần Chí Kiệt, lại xét thấy cậu đàn em này mới thất tình nên Quý Thương đã vô cùng kiên nhẫn hầu chuyện anh chàng suốt chặng đường.
Lúc sắp về đến cổng ký túc thì cả bọn bị một người lạ mặt chặn đường. Bấy giờ Doãn Hạo đang ôm cổ Quý Thương để lải nhải về đề tài yêu xa khó lắm.
Người xuất hiện hình như cũng không tỉnh táo lắm. Anh ta nhào tới xô Doãn Hạo ngã ngửa rồi túm cổ áo Quý Thương và bắt đầu mắng nhiếc.
“Sao cậu lại đi với loại đẹp mã này? Với thằng này thì lâu dài được à? Mẹ kiếp sao cậu biết nó không cả thèm chóng chán? Lại còn yêu xa?! Cậu có tin cậu đi không đến một tuần nó đã cặp với đứa khác không hả?!”
Quý Thương không muốn bị rắc rối trong đêm cuối cùng ở trường nên anh cũng chẳng cãi lại, chỉ định im im cho qua chuyện.
Ai ngờ đâu Doãn Hạo nghe được chữ “yêu xa” thì như bị kích thích, anh chồm dậy, xăm xăm đi tới chỗ hai người đang giằng kéo nhau, cậy cao hơn anh làm luôn một chiêu khóa cổ thằng cha đang túm áo Quý Thương, rồi tiếp ngay một đòn vật qua vai.
Gọn gàng điêu luyện, hai thằng đứng ngoài xem suýt nữa thì vỗ tay cổ vũ.
Thấy đối thủ nằm sõng soài dưới đất, Doãn Hạo lại liêu xiêu đi tới, nhiệt tình đỡ người ta dậy.
“Mở mắt ra mà nhìn, mẹ đứa nào bảo yêu xa không bền, mẹ nhà nó anh mày thích thế đấy, thì làm sao?”
Doãn Hạo nói xong liền quay phắt lại nhìn nhìn Tần Chí Kiệt, lại nhìn nhìn sang Phù Uy, nghĩ nghĩ một lúc cuối cùng anh đi đến trước mặt Quý Thương, bưng hai má Quý Thương và dí miệng hôn lấy hôn để.
“Mày biết vãi nhất là gì không? Mẹ nó chứ cưỡng hôn người ta xong mày lại còn chẹp miệng bảo sao hôm nay môi em mềm thế!”
“Mày không biết mặt đàn anh Quý Thương lúc đấy thế nào đâu. Ổng như kiểu bị mày hôn xong ngu luôn ấy, lúc tỉnh ra ổng cho mày một đấm giữa mặt luôn! Thằng đầu bò chặn đường bọn mình lúc đấy còn đứng vỗ tay cơ!”
“Nhục kinh khủng khiếp! Ăn một đấm là đo ván luôn, xong mày còn nằm dưới đất cười hềnh hệch nữa chứ. Hèn thì nhất mày…”
“Thế cho nên hôm sau tao với Chí Kiệt nhất trí là nếu mày tỉnh rượu mà biết chuyện chắc chắn mày sẽ đâm đầu vào tường. Thật ra bọn tao nghĩ mày đập đầu chết cũng chẳng sao, chỉ sợ nhỡ thằng trai thẳng xịn như mày lại cong béng thì…”
Tiếng cười sằng sặc của Phù Uy vang dội trong điện thoại.
“Thế là bọn tao quyết định không kể gì cho mày hết.”
Và đến hôm nay Doãn Hạo vẫn nghĩ vết bầm trên mắt trái mình ngày hôm sau là do đêm đó say quá cụng đầu vào tường thật.
Đêm muộn ngày mở cửa bình thường, Nhàn Tiêu yên ắng đáng sợ. Tiểu Nê Ba ở sảnh lễ tân cũng đã gà gật ngủ.
Hai chân Doãn Hạo run run, anh kinh hãi ngồi bệt xuống góc tường sân thượng.
Kể cả có say đi nữa thì mẹ kiếp đấy vẫn là quấy rối tình dục mà! Dù chuyện xảy ra bao nhiêu năm trước thì nỗi xấu hổ ập đến với Doãn Hạo cũng chỉ như vừa mới hôm qua.
Trách nào Quý Thương lại bảo chẳng phải ký ức tốt đẹp gì! Trách nào Quý Thương thà phải vào viện thay băng mỗi ngày chứ không chịu để anh giúp!
Doãn Hạo xấu hổ không chịu được, cái đầu tóc ngắn ngủn suýt bị anh vò thành đầu sét đánh. Đúng lúc ấy thì trong nhà có tiếng mở cửa.
Quý Thương ở trần nửa thân trên, lệt xệt đi đến cạnh bàn ăn, mắt nhắm mắt mở rót ly nước ngửa cổ uống.
Uống xong anh quay đầu định vào phòng thì thấy Doãn Hạo đang ngồi ngoài sân thượng.
Quý Thương vừa đưa lưỡi liếm giọt nước đọng trên khóe môi vừa hỏi bằng giọng khàn khàn: “Đêm hôm sao lại ngồi ngoài ấy?”
Tất cả sự tập trung của Doãn Hạo như bị một sức mạnh bí ẩn hút chặt vào đôi môi Quý Thương… và cái đầu lưỡi vừa thấp thoáng lộ ra.
Năm ấy mình hôn cái miệng đó hả? Mẹ kiếp lại còn hôn đắm đuối kiểu Pháp cơ!
Quý Thương lại bảo: “Dậy đi, vào nhà lên salon mà ngồi.”
Doãn Hạo như bừng tỉnh, anh cuống quýt đứng dậy, vừa nhấc chân bước thì đạp luôn vào một chậu hoa đặt trên giàn, cái chậu rơi xuống nghe đánh xoảng.
Quý Thương vốn đã biến mất khỏi tầm mắt Doãn Hạo, giờ nghe tiếng động anh lại thò đầu ra.
“Ui chao! Chậu lan hoàng thảo tia chớp của mẹ tôi… đây là hoa mẫu hậu để dành làm quà gặp mặt cho con dâu tương lai đấy. Phen này chắc mẹ tôi bỏ cuộc mất.”
“Cảm ơn nha, đàn em.” Nói xong Quý Thương nghênh ngang bỏ đi, tiếng khép cửa phòng rất khẽ nhưng đủ để con tim kiên cường của Doãn Hạo giật thót một cái.
Đêm dài đằng đẵng, con đường kiếm tìm chân lý không những rải đầy chông gai cạm bẫy mà còn có cả những phen hú hồn bất tử như vầy.