Ôm Trước Khi Hôn

Chương 31: Chống đối



Lần đầu tiên gặp Linh Nhi với tư cách bạn cùng lớp, Quang đã nghĩ hẳn con bé này phải trải qua cuộc sống dễ dàng lắm.

Con bé lớp 6 đi đôi giày đỏ khớp với màu chân váy đồng phục, tất trắng ren đáng yêu, bím tóc tết buộc cao ở sau đầu và cái miệng nịnh thầy cô thì dẻo quánh như chocolate nung chảy.

Khuôn mặt xinh xắn, điểm số thì cao, hỏi cái gì nó cũng trả lời được, còn thích vẽ tranh tặng các bạn. Không chỉ mấy đứa con gái trong lớp suốt ngày bu lấy nó, mà đám con trai cũng âm thầm thích bạn nữ vừa giỏi giang vừa xinh xắn như búp bê này.

– Oa, hộp màu của Nhi lúc vẽ ra có kim tuyến này! Đẹp quá!

– Bố tớ mua cho đó!

– Nhi ơi, bố mày đến đón này!

– Con chào bố! Bố ơi!!!

Linh Nhi rất quý “bố” nó, cả ngày khoe về bố như một tấm huy chương. Cả người nó từ đầu đến chân, không có thứ gì là không phải bố sắm. Bố biến nó thành một con búp bê sống, diêm dúa và ngọt ngào. Bọn trẻ con trong lớp nhao nhao khen ngợi Linh Nhi, còn người lớn thì âm thầm thắc mắc, người bố nào có đủ gu thẩm mỹ để lựa cho con gái những bộ đồ cầu kỳ như vậy, hẳn phải có sở thích “nữ tính” lắm.

– Ơ, sao Linh Nhi họ Trình mà bố mày lại họ Nguyễn?

Sau buổi họp phụ huynh đầu tiên, có đứa bạn trong lớp phát hiện về điều kỳ lạ này, quay sang hỏi Linh Nhi.

Linh Nhi ngẩn ra, tròng mắt đảo quanh như thể muốn giấu giếm điều gì. Cái miệng nó hấp háy nhưng cả người cứng đờ, đáng ngờ đến nỗi mọi người xung quanh đều tò mò về quan hệ giữa nó và “bố”.

– Mẹ tao bảo, Linh Nhi không phải con ruột của bố nó. Linh Nhi phải gọi “bố” là “dượng”.

Giang thì thầm vào tai Quang thứ xấu xa mà người lớn truyền đạt, kể cả những câu từ đáng sợ mà họ lặng lẽ bơm vào lời răn con. Giang tiếp tục:

– Mẹ tao bảo, để cho con gái và chồng mới thân thiết như vậy, mẹ ruột của Linh Nhi đúng là điên rồi.

– Lỡ đầu người ta thương Nhi như con ruột thật?

– Không có đâu. Mày nhìn đồng phục của Linh Nhi đi, xem có khác với bọn tao không? Bố tao bảo, dượng của Linh Nhi thể nào cũng là người có sở thích biến thái.

Sự chú ý của Quang đặt lên cái dây chun buộc tóc đeo trên cổ tay Nhi, thít chặt tới nỗi chỉ cần tháo ra thôi, làn da trắng nõn của con bé sẽ đóng hằn những vết đỏ sứt sẹo. Nếu trên đầu Nhi đã có một cái dây chun buộc tóc, thì dây đeo trên tay còn lại kia để làm gì?

– Bố tớ bảo đeo kiểu này xinh. – Linh Nhi mỉm cười trước câu hỏi của Quang, dịu dàng chạm vào chiếc dây trên cổ tay của mình.

Một đứa trẻ quá cá tính và nổi bật, theo thời gian luôn rất dễ bị ghét. Đám trẻ còn lại trong lớp dần nhận ra sự khác thường của Linh Nhi, mỉa mai và cô lập con bé. Chúng nó gọi Linh Nhi là đồ làm màu, màu từ trang phục, sở thích, đến cách nói chuyện. Ấn tượng tốt về con bé ngọt ngào và dịu dàng ban đầu được hợp thức hóa với tính từ “làm màu”, hoàn toàn lý giải cho câu hỏi vì sao trên đời này có đứa trẻ hoàn hảo như vậy xuất hiện.

Năm lớp 7, sự kiện ấy nổ ra.

Linh Nhi có một nhỏ bạn thân, cả ngày dính với nhau như hình với bóng. Cô bạn ấy không hề nổi bật, nhưng do chơi với đứa lập dị như Linh Nhi, cứ thế được gán cho cái danh tốt tính, chịu đựng giỏi. Linh Nhi quý mến cô bạn này lắm, để rồi cuối cùng, đến lúc mất hết tất cả, Nhi vẫn nghĩ rằng cô bạn bỏ mặc Nhi vì có lý do riêng của mình.

Lần đầu tiên trong suốt những năm đi học, thầy cô tỏ ra không thích một bạn nào đó học rất giỏi.

Cặp của Linh Nhi bị Giang ném từ tầng 4 xuống, sách vở rơi lả tả, giấy vẽ bay đầy trời. Hộp bút màu kim tuyết sau cú va đập văng mỗi thứ một nơi, nhìn móp méo không ra hình dáng ban đầu.

– Sao cậu lại làm thế?

– Sao tao lại không được làm thế?

Giang lè lưỡi, vui vẻ nhìn Linh Nhi ấm ức mà không làm gì được. Con búp bê ấy giờ đây trở nên thật đáng thương. Nó chạy đi mách thầy cô, nhưng không thầy cô nào đứng ra bảo vệ nó cả. Nó bị nhốt trong nhà vệ sinh nam nửa buổi học, cô chủ nhiệm chỉ mắng nó sao vào lớp muộn thế, còn bắt con bé phải quay về làm bản kiểm điểm.

Giờ nhớ lại mới thấy, hình như còn có giáo viên nam công khai sàm sỡ nó.

Quang nhìn Linh Nhi bị đánh nằm liệt dưới đất, không kìm được cúi xuống, cắn một cái thật mạnh vào xương quai xanh Nhi. Đám con Giang hét ầm lên vì phấn khích, trêu chọc Quang vẫn còn nhớ thương Linh Nhi hay sao mà làm thế.

– Nếu mày thích tao, thì nên cho tao một cái thơm thay vì làm tao đau chứ nhỉ?

Linh Nhi khó nhọc nói, cơn đau từ dưới bụng đã lấn át nỗi đau từ vết cắn cỏn con của Quang. Cậu ghìm đôi tay đang cố chống cự của Nhi, lạnh lùng đáp:

– Loại con gái như mày không xứng được đối xử như thế đâu, Nhi ạ.

Không lâu sau Nguyên chạy tới, dàn xếp mọi chuyện rồi mang Linh Nhi đi. Đó là lần đầu tiên Quang gặp Khôi Nguyên.

Giờ đây Linh Nhi một lần nữa đứng trước mặt Quang, nó mặc đồng phục như bao người nhưng trông vẫn rất lạ. Da nó trắng, môi nó đánh son bóng trông xinh, và cái vòng tay xâu bằng hạt khiến nó trở nên đáng yêu một cách kỳ lạ so với đám con gái cùng tuổi.

Linh Nhi là loại con gái sẽ trở nên xinh đẹp mỗi khi được chiều chuộng. Nhìn vào trang phục của nó, Quang hiểu nó đang sống tốt hơn.

Linh Nhi thích được khen, mặc dù nó không nói. Nó thiếu tình cảm gia đình nên khao khát được công nhận. Càng có người tạo động lực, điểm số của nó càng cao. Tính hiếu chiến của nó cũng cao, nên nếu có ai đó trở thành đối thủ cạnh tranh cũng tốt.

Quang tự hỏi tại sao mình luôn lựa chọn làm Linh Nhi đau, trong khi nhìn thấy nó thân mật với Khôi Nguyên, trong lòng lại khó chịu đến như vậy.

Quang đã thích Nhi từ lần đầu tiên gặp nhau, nhưng cậu ta không chấp nhận được việc Nhi đã bị ai đó vấy bẩn. Trong vô thức, Quang chà đạp món đồ mà mình không có được bằng cách đó.

Có lẽ bởi ông trời muốn nói rằng, cuộc đời Nhi đã đủ khổ. Còn thằng cặn bã như Quang, thì không xứng đáng được bước một chân vào cuộc đời của Nhi.

***

– Mấy đứa này láo thật, dám nhờ thầy cho chúng mày đi cửa sau!

Thầy Long chống nạnh, bất lực xen lẫn buồn cười, nhìn vào mặt ba đứa học trò rồi mắng.

Dường như không quá chắc chắn, Nhi lặng lẽ gật rồi lại lắc đầu. Thời gian dự thi trùng với thời gian ôn thi ở trên trường, nếu tham gia thi thì thời gian ôn bài sẽ ít đi và ngược lại. Không phải tự nhiên Quang tỏ ra tốt bụng tiết lộ cho Nhi về cuộc thi.

– Thầy nói hộ bọn em mấy câu đi… Hôm nay cái thằng cu tên Quang kia còn đứng chặn ở cửa lớp mình, quang quác bảo nó sẽ không duyệt tranh của Nhi đó thầy!

Khôi Nguyên mách lẻo, thêm mắm dặm muối vào lời của Quang. Thầy Long nhìn ra được ẩn ý về mối quan hệ giữa Nhi với đám học sinh ở trường cũ, âm thầm cân nhắc. Đoạn thầy chìa tay ra hiệu muốn xem tờ áp phích cuộc thi, Nhi liền đưa cho thầy.

Thầy Long nhìn nội dung trong tấm áp phích, hơi nhíu mày. Làm gì có chuyện ban giám hiệu hai trường chịu đưa tranh tham dự cuộc thi lớn thế này cho một học sinh lớp 11 kiểm duyệt, có vẻ thằng cu kia đã nói dối ở khâu nào đó. Tấm áp phích được dúi vào trong kẹp tài liệu của thầy Long, thầy đuổi:

– Mấy đứa về lớp đi, để thầy kiểm tra lại chuyện này.

– Bọn em cảm ơn thầy ạ.

Huy cúi đầu, bảo ban hai đứa bạn về lớp trước khi thầy nổi giận. Thân là lớp trưởng, Huy không làm tròn trách nghiệm trông coi lớp học mà lại trốn tiết để ra đây cùng hai đứa. Đầu cậu vụt qua nhiều dòng suy nghĩ, một trong số đó gồm có:

– Mày định thi vẽ thật à? Tao tưởng mày muốn đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới?

Mặc dù hai thằng con trai đã lôi Nhi đi tố cáo trong cơn nóng giận, song hình như Nhi chưa từng phản kháng ý tưởng này. Khôi Nguyên không nhận ra sự đắn đo trong thái độ của Nhi, cãi:

– Nhi thích vẽ tranh mà!

– Nhưng có đủ thích để bỏ dở việc học không mới là vấn đề.

Huy cắt ngang. Nếu bỏ thi để tham gia thi vẽ thì chẳng phải vừa khớp với mong muốn của Quang à? Chưa kể lời thách thức của Nhi vẫn còn đó. Huy chẳng thích điều này chút nào.

– Nếu tao nói tao muốn hoàn thành cả hai thì có tham vọng quá không nhỉ?

– Có đấy cô nương!

Khôi Nguyên véo má Nhi, phát hiện cái nhìn chằm chằm từ phía Huy liền chột dạ rụt tay về. Linh Nhi thờ ơ nói:

– Tao đang nghĩ tại sao tao phải chọn trong khi có thể làm cả hai.

– Vì mày có thể sẽ bị quá sức.

Huy hơi bực trước sự cứng đầu của Nhi. Xuôi theo hướng nhìn, Huy phát hiện chân mày Nhi cau cau vì bị nắng hè chiếu vào mặt. Huy thở dài, cố ý thả chậm bước chân, đi song song chắn nắng cho nó. Linh Nhi lắc đầu, thái độ bướng bỉnh khó khuyên:

– Mục tiêu càng lớn, cái giá phải trả càng đắt. Đồng thời kết quả nhận được cũng nhiều.·

Dừng một lát, Linh Nhi nhoẻn miệng cười, nói với Huy:

– Kể cả khi tham gia cuộc thi vẽ, tên tao vẫn sẽ được điền ở vị trí đầu tiên trên cái bảng kia, mày tin không?

– …

Minh Huy nghiêm túc đối diện với Nhi.

Rõ ràng đây không phải là một câu hỏi, đây là một lời khiêu chiến!

“Kể cả khi tao bị phân tâm bởi một vấn đề khác, thì cả mày và thằng Quang đều không vượt qua tao được, mày có tin không?”

Trong giây lát, sự bực bội trên mặt Huy giãn ra, thay thế vào đó là niềm vui vẻ từ cảm giác bị kích thích. Linh Nhi hiểu rất rõ phương thức khiến Huy thỏa hiệp. Trong khi Khôi Nguyên vẫn đang đơ ra không hiểu gì, Huy chỉ mỉm cười rồi đáp:

– Thế thì cứ thử xem.

Thử xem cái tên được điền lên vị trí đó sẽ là tên tao hay tên mày.

Quang không ngờ ở trường mới, Nhi còn có cả sự quan tâm từ thầy giáo chủ nhiệm. Phải biết trước kia, từ học sinh tới giáo viên trong Thanh Lịch, người nào cũng tỏ ra xa lánh Linh Nhi, chứ đừng nói đến chuyện xông vào phòng ban giám hiệu để đòi công bằng cho nó như bây giờ.

Thầy Long ngồi trên ghế sofa cạnh bàn nước, xung quanh là mấy thầy cô nói chuyện rôm rả. Giọng thầy không lớn, có chất dịu dàng của người dạy Tiếng Anh đặc trưng, rất cợt nhả:

– Anh cũng bảo rồi, mà chắc chúng nó trêu nhau cái gì, đám lớp anh nó cứ nhắng cả lên.

– Ha ha, thật ấy, làm gì có chuyện bọn em dám giao quyền duyệt tranh cho học sinh. Hội học sinh chỉ đứng ra thu tranh và ghi tên đăng ký giúp bọn em thôi.

Giáo viên mỹ thuật cười giả lả, nhận xấp tranh và giấy đăng ký từ tay Quang. Tay thầy Long cầm tách trà, khẽ nhìn phản ứng của Quang, phát hiện cậu chột dạ thì cười khẽ:- Thế giờ có đứa vì thù ghét mà lén hủy tranh của người đăng ký thi thì sao hả em?

– Ấy chết, ai dám làm thế hả thầy. Em mà phát hiện em kỷ luật ngay!

Quang giả vờ không nghe thấy, đưa chân lỉnh khỏi phòng. Phía sau các thầy cô vẫn bàn bạc vui vẻ với nhau, như thể cuộc hội thoại vừa rồi chỉ là giả định, không hoàn toàn nhắm vào cá nhân nào cả.

Chết tiệt! Quang thầm rủa trong đầu. Cậu trốn vào một góc khuất ở hành lang rồi tìm tới một số điện thoại quen thuộc, gửi tin nhắn cho người đó:”Cháu chào bác…”

Linh Nhi chơi trò mách thầy giáo, vậy thì đừng trách Quang ngả bài mách phụ huynh.

Tan học, Linh Nhi được Khôi Nguyên đưa về. Trưa nắng chang chang, từ cửa sổ mỗi nhà đều tỏa ra mùi xào nấu. Linh Nhi bước nhanh về phía cửa, phát hiện nhà mình ấy thế mà lại nằm trong số những ngôi nhà đang nấu ăn.

– Về rồi à? Rửa tay ăn cơm.

Cô Xuân ngó đầu ra nhìn rồi tiếp tục tập trung vào việc nấu nướng. Hiếm khi cô chịu rửa nồi ngay sau khi nấu ăn, phía trước cô là kệ bát đã được rửa sạch gọn gàng. Ngoài mùi mặn ngọt của thức ăn còn có cả mùi nước lau sàn thơm phức. Nhà cửa sạch sẽ, chăn gối đã gấp gọn, ngoài ra còn có cả vài túi đồ mua online chưa bóc.

Nhi đỡ mẹ dọn mâm ra chiếu, không quan tâm lắm tới sự thay đổi chóng mặt của cô Xuân. Thi thoảng lúc vui cô sẽ giống như người bình thường, song đấy là nếu không nhìn vào đống rượu mới mua để trong ngăn tủ lạnh. Linh Nhi mời mẹ ăn cơm, mới gắp được hai đũa cô Xuân đã gợi chuyện:

– Dạo này mày được chuyển về học bên Thanh Lịch đúng không?

– Con tưởng mẹ biết rồi ạ?

Linh Nhi gắp cho cô Xuân thêm miếng thức ăn, vu vơ đáp.

– Ừ thì… bạn cùng lớp cũ của mày gọi điện cho tao, nói rằng nó rất vui vì mày rốt cuộc cũng chịu quay về trường cũ.

– Là sao hả mẹ?

Linh Nhi buông đũa, nghi ngờ hỏi. “Bạn cũ” nào? Có quá nhiều cái tên nằm trong danh sách nghi vấn khiến Nhi không thể biết người gọi tới có mục đích gì.

– Thằng Quang? Nó bảo mày từ chối thi vẽ để tập trung cho kỳ thi học kỳ sắp tới. Mà nghe giáo viên rỉ tai xuống, đứa nào đứng nhất khối kỳ này sẽ được trường Thanh Lịch xem xét nhấc hồ sơ sang.

– Nó nói thế mà mẹ cũng tin ạ? Làm gì có trường nào đùn qua đùn lại học sinh như vậy?

Lần trước Nhi bị trường tạo áp lực ép chuyển đi để tránh bão dư luận từ cú phốt, lần này làm gì có chuyện trường chỉ vì một lần đứng nhất toàn khối mà nhấc người về? Thằng Quang kia hết bịa chuyện này rồi lại bịa chuyện nọ, không đạt được mục đích thì lôi người không liên quan vào. Linh Nhi siết chặt tay, kìm lại sự tức giận đang tràn ngập trong cổ họng. Cô Xuân lại nói:

– Nó là người trong hội học sinh mà, lời nó nói không đúng ít thì cũng phải đúng nhiều…

– Mẹ ơi, con khẳng định đó là lời nói dối, con với nó cũng không phải bạn. Mẹ đừng nên liên lạc với nó nữa thì tốt hơn ạ.

Trước lời nói được xem xét là đang chống đối của Linh Nhi, cô Xuân nhướng mày, đập đũa xuống mâm:

– Có phải mày không muốn quay về trường cũ để đàn đúm với cái thằng hay đưa đón mày đúng không?

– Mẹ ơi?

– Mày đừng tưởng tao không biết, nó thả mày ở tít ngoài sân để cho tao không phát hiện. Hơn nữa còn là hai thằng chứ không phải một. Mày mới có lớp mấy? Mày giỏi quá rồi Nhi ạ…

Linh Nhi nghẹn họng nhìn mẹ đang mạt sát mình không tiếc lời, miếng cơm trong miệng bỗng dưng trở nên đắng ngắt. Nó đang thắc mắc tại sao tự nhiên hôm nay mẹ lại dậy làm cơm, bình thường mẹ toàn ngủ quá giờ trưa, cơm còn bỏ bữa nói gì tới nấu.

– Mày tính bỏ thi để tham gia cái cuộc thi vẽ kia chứ gì? Thằng Quang đã dặn tao rồi, lịch thi vẽ và lịch thi học kỳ trùng nhau. Mày chỉ được ngồi học, tao cấm mày vẽ vời gì hết, cũng đừng có nghĩ tới chuyện trốn đi đâu trong hai tuần này.

Người mẹ bình thường căm ghét chuyện học hành của Nhi, nay nhiệt tình muốn nó giành lấy cái thứ hạng đứng nhất kia chỉ vì mơ tưởng tới số tiền học bổng cao ngất từ trường cũ. Linh Nhi nhè miếng cơm khó nuốt trong miệng ra giấy, cẩn thận vo viên rồi dúi vào mâm cơm. Nó đứng dậy, nhanh chóng thu dọn một số sách vở cần thiết trước khi cô Xuân kịp hiểu nó muốn làm gì.

– Mày nghĩ mày đang làm gì đấy?

Cô Xuân đặt bát xuống, tay vịn vào thành mâm, lừ mắt nhìn Nhi. Có vẻ chỉ cần Nhi trả lời lệch ý cô, cả cái mâm này sẽ úp lên người nó – như mọi lần.

– Dạ, con chỉ muốn xác minh với mẹ hai điều thôi.

Linh Nhi giả vờ như không thấy động tác của cô Xuân, thản nhiên nói:

– Con chỉ có đúng hai người bạn duy nhất, tên là Minh Huy và Khôi Nguyên. Con không quen ai tên Quang, và con sẽ tham gia cuộc thi vẽ mẹ ạ.

Tiếng rơi vỡ lớn vang lên, Linh Nhi bảo vệ cặp của mình trong lòng, xoay lưng hứng chịu mâm cơm lớn úp vào người. Cơn thịnh nộ của cô Xuân vẫn luôn thô bạo như vậy. Trước khi cô kịp nắm vào tóc Nhi, nó đã né người, lợi dụng sức lực do chênh lệch về độ tuổi, chạy thật nhanh ra khỏi nhà.

Ở ngoài ngõ, người ta thấy con bé 17 tuổi ôm ngược cặp trước ngực, giày không đi, cả người toàn đồ ăn, chạy băng băng ra đường lớn. Mẹ nó ở sau đuổi không kịp, mắt long lên vì giận giữ, tay cầm cái mâm, gào thét đòi đánh chết con bé đã chạy mất.

“Mày không có sức mạnh, cũng không có tiền. Thứ duy nhất mà mày sở hữu chỉ có lực học của mày thôi. Chúng nó biết nên mới cố gắng kìm kẹp mày. Còn mày, không được để bị tước đi vũ khí duy nhất của mình, hiểu chưa?”

***


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.