*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Chương có nội dung bằng hình ảnh
Trong tiểu viện, Ngọc Trản và Ngọc Thủy đương cùng Ngọc Xuân, Ngọc Hạ ngồi dưới hàng hiên, mượn nắng trời soi mà thêu thùa may vá.
Nhị cách cách được đặt trong chiếc xe tập đi do Lý Vi nhờ thợ thủ công làm. Xe tập đi này là kiểu xe hồi bé nàng từng sử dụng: hai vòng sắt tròn được nối liền bằng ba thanh sắt mỏng, cỡ vòng bánh dưới lớn hơn, có gắn thêm bốn bánh xe nhỏ; vòng trên có buộc một tấm yếm vải để đỡ lấy bờ m ông bé xíu của Nhị cách cách. Chiều cao chiếc xe vừa đủ cho chân Nhị cách cách chạm được xuống đất.
Tập đi bằng loại xe này phải nói vô cùng vững chắc, xe sẽ không lật và em bé cũng không bị ngã.
Bản thiết kế nàng vẽ đơn giản lắm, mà sản phẩm thợ thủ công đưa tới thì lung linh hơn nhiều. Vòng phía dưới làm từ đồng thau, vòng đằng trên lại là chất gỗ lim, làm ra trông y hệt cái ghế móng ngựa, ở sau còn có chỗ tựa lưng, chỗ cho con nít bám tay ở trước còn được bọc da dê, chất da mềm mại không gây cộm tay. Làm kiểu dưới nặng trên nhẹ thế này, Nhị cách cách vừa ngồi vào đã khoái tít cả mắt, đòi ngồi suốt ngày không chịu ra. Chỉ là có món đồ như chiếc xe con đây, không gian trong phòng hiển nhiên không đủ cho tiểu cách cách tung hoành.
Lý Vi bảo người đưa con ra ngoài sân. Cô bé con chẳng màng mặt trời chiếu nắng, vừa khúc khích cười chạy khắp khoảng sân, vừa thích chí la hét. Bách Phúc lon ton chạy theo không biết mệt.
Nàng hứng lên, cũng cùng chạy với Nhị cách cách, hoặc chạy vượt lên trước vỗ tay cho Nhị cách cách đuổi, làm con gái thêm hưng phấn bội phần, la hết hồi này đến hồi khác. Cuối cùng đã thành công dẫn gọi a mã nó đương ở thư phòng bên tiền viện phải mon men sang đây.
Dạo này tâm trạng Tứ a ca cứ phơi phới. Hoàng thượng không làm khó thái tử, song cũng không tỏ chút thiện ý nào với y. Tháng tám, ngài đưa thái hậu đi Nhiệt Hà, chỉ dẫn Đại a ca và mấy a ca bé theo. Thái tử không nhắc; Tam a ca mắc cảm lạnh thương hàn tiêu chảy, đành cáo bệnh; Tứ a ca nói phúc tấn có thai, chuyện trong phủ không ai quản lý, cũng xin chỉ cho ở lại.
Thực ra dù không nhắc, hoàng thượng cũng không định dẫn họ đi. Ngũ a ca, Thất a ca và Bát a ca thì không ý kiến gì, song lúc sắp đi hoàng thượng lại cũng chẳng hề ngó tới tên của họ.
Tứ a ca đã nhìn thấu suốt thái độ của từng người. Ngũ a ca thờ ơ, Thất a ca giữ im lặng, còn Bát a ca bộc lộ rõ niềm thất vọng ngay trong lời mình nói. Y đã rất cố gắng trong lần xuất chinh này, lúc ở ngoài hoàng thượng còn bảo sẽ thưởng cho y, kết quả lại không bắt được Cát Nhĩ Đan, phần thường này cũng bị đẩy vào quên lãng. Sau khi hồi kinh, nhiều lần y vào cung hòng tỏ lòng hiếu thảo, dẫu bị hoàng thượng mắng một trận cho hả giận cũng xin chịu.
Nhưng dù có muốn làm bao cát để hoàng thượng xả cơn tức thì cũng chẳng đến lượt y.
Phần khác, thái tử cũng tỏ sự ơ hờ trước mọi sự. Từ cách liên tục trì hoãn việc nạp thái tử phi bao nhiêu lâu, y đã hiểu thấu tâm tư của hoàng a mã. Con trai ở những gia đình ngoài kia khi đến tuổi trưởng thành, độ hơn mười bốn, mười lăm, là cha mẹ đã muốn cưới vợ cho con để nối dõi tông đường, ấy mà một thái tử như y lại phải đợi tới tận hai mươi mấy tuổi.
Vì y, chuyện cưới hỏi của mấy đứa em cũng bị dời lại, nhưng may sao đến ngưỡng mười sáu, mười bảy là đã được thành thân. Bởi thế nên trung bình số tuổi con trai các phủ trong kinh đi lấy vợ càng lúc càng lớn.
Y gọi Tứ a ca vào, giao cho chàng một việc.
Y biết lão Tứ đứng về phía mình, do đó hễ có chuyện gì tốt là tự khắc nghĩ đến đứa em này. Trước lúc rời kinh hoàng thượng có dặn sang năm sẽ có a ca được chia phủ, nhóm a ca cùng đi bắt Cát Nhĩ Đan chuyến này đều được phong tước. Đại a ca chắc chắn sẽ được phong Quận vương, trở xuống những a ca khác thì khó nói. Thái tử nghĩ Tam a ca và Tứ a ca đoán chừng cũng trúng được một tước Quận vương; lão Ngũ lại ở diện nguy hiểm, song có lẽ nể mặt Nghi phi và thái hậu, biết đâu sẽ phong cho thêm nữa thì sao?
Từ Thất a ca đổ đi hẳn sẽ là Bối lặc. Thất a ca và Bát a ca đều phải ra cung dựng phủ, Quận vương phủ của đám Đại a ca cũng cần mở rộng hơn. Một nhiệm vụ béo bở thế này, xưa nay toàn người khác giành làm.
Tứ a ca nghe thái tử nói xong, cũng nhận ơn y. Riêng với Nội vụ phủ, đây đúng là tiền nhảy từ tay trái sang tay phải, trong đó có bao người chịu ơn thì không biết được. Hôm nay chàng nhận việc này, nhất định món lợi về sau sẽ có một phần của chàng.
Thái tử cười nói: “Đệ mới dựng phủ mấy năm, trong phủ đã có thêm rất nhiều người. Nghe nói phúc tấn nhà đệ cũng có rồi, nhân dịp này hãy cố mà làm cho tốt đến đâu hay đến đấy, những cơ hội kiểu này không phải năm nào cũng có đâu.”
“Đa tạ thái tử.” Tứ a ca hành đại lễ.
Điều quan trọng nhất khi dựng phủ ấy là phải cho cư dân sống trong khu vực xung quanh di chuyển sang nơi khác. Việc này chẳng những tốn nhiều thời gian, mà còn dễ hứng gạch đá dư luận, hở tí là bị người ta chỉ mặt điểm tên cả tông môn nhà mình mà hỏi thăm ngay.
Đương nhiên Tứ a ca hơi đâu lại tự đi đâm đầu vào hố lửa, chàng chỉ cầm bản vẽ về xem xét kỹ, rồi đóng cửa phủ không ló mặt ra nữa. Hoàng thượng không có trong kinh, mình vẫn nên ngồi yên một chỗ là hơn, cứ nhảy lên nhảy xuống khéo gặp điều bất trắc như chơi. Chàng xem bức vẽ phong thủy của phủ đệ Thất, Bát a ca, không nhịn được lại lôi bức vẽ phong thủy của phủ Tứ a ca ra so sánh.
Và tổng kết được rằng: phủ đệ của chàng tốt hơn cả, về vị trí, phong thủy, kiến trúc bên trong cũng tương đối hoàn thiện. Còn phủ của Thất a ca lẫn Bát a ca đều cần làm một cuộc đại thi công thì mới nên hình nên vẻ được. Nếu chàng được phong Quận vương, ắt là sẽ phải mở rộng thêm phủ đệ, và có lẽ sẽ có khoảng vài con ngõ dân ở phải dời đi.
Mà việc mở rộng phủ đệ nhằm vào mục đích gì?
Tứ a ca mải mê so tới vẽ lui trên bức phong thủy nhà mình, quên béng đi luôn bức vẽ nhà hai vị a ca khác. Tổng thể phủ Tứ a ca hiện giờ mang hình chữ nhật, vì chỗ này ngày xưa là nơi ở của quan phủ thời Minh, nên phần cốt đã khá hoàn chỉnh, muốn nới rộng thì chỉ còn cách nới một bên, làm vậy sẽ giúp có thêm nhiều không gian và dễ bề khai triển.
Căn cứ vào bức vẽ phong thủy, có thể thấy hướng bên viện của Lý thị là hướng tốt nhất để cơi nới. Bên đó ít dân sống, lúc cho dân chuyển đi sẽ giảm thiểu được số đá gạch phải hứng. Chàng chồng một tờ giấy lên bức vẽ, rút khuê bút* đồ theo các nét, lại giở giấy ra để vẽ thêm cảnh vật vào xung quanh, rồi lại chồng giấy lên đồ các căn nhà nằm quanh quanh. Đồ những nét khái quát xong, chàng nhẩm tính, bắt đầu thấy với khoảng diện tích nhỏ tí này thì thực là không làm ăn gì được rồi.
Lúc đầu cả phủ đệ có hình chữ “串” (xuyến), sau nới thì thành chữ “册” (sách). Lấy chính viện làm trục giữa, lúc trước là “卅” (tạp), bên này ngăn cách bên kia bằng một cánh cửa, ngay chính giữa là thư phòng của chàng và chính viện của phúc tấn, hai bên lần lượt là viện của nhóm cách cách và phòng ở của hạ nhân.
Hiện giờ khả dĩ mở rộng ra thêm bằng hai dãy nhà ở phía Đông, chính xác là bên viện của Lý thị và Võ thị. Với tiền đề là không làm thay đổi bố cục ban đầu, thì sẽ cho dời viện của Lý thị và Võ thị ra ngoài là tốt nhất, dỡ khoảng viện đang ở hiện nay đi, xây lại thành hoa viên thứ hai. Song làm vậy phúc tấn chưa chắc đã mừng, họa chăng nàng sẽ cảm thấy Lý thị lại ở xa hậu viện hơn.
Tứ a ca đặt tờ giấy ấy sang bên, nghĩ hay chọn một bên dãy nhà dân khác để nới? Chàng nhấc bút khoanh một vòng quanh khu đằng sau phủ đệ, thôi thì xây ngay ở đây luôn đi. Hoa viên cũ vốn nhỏ, chọn luôn khu này rồi xây lại một cái lớn hơn vậy. Như thế sẽ không cần phải đổi bố cục nữa.
Chàng mê mải quá quên cả bữa. Tô Bồi Thịnh thấy chàng cắm cúi hết viết thì vẽ, hết tìm tài liệu thì lật bản vẽ, đồ đạc các thứ bày đầy trên bàn, cũng không dám vào giục.
Mãi đến tận chiều, tiếng cười thánh thót của Nhị cách cách râm ran truyền lại, làm Tứ a ca sực bừng tỉnh. Chàng buông bút, chợt thấy lưng eo nhức mỏi. Nếu có một khu vườn mới rộng lớn, chàng cũng thường xuyên được dịp đi dạo cho qua giờ hơn. Chàng vươn vai, nhìn về phía tiểu viện. Tiếng cười hòa lẫn tiếng hét của Nhị cách cách chốc chốc lại ầm vang.
Con nít mà cười kiểu ấy sẽ hại cổ họng mất.
Tứ a ca lo lắng nghĩ, trông cậy vào Lý thị là điều bất khả rồi. Chính nàng còn chưa lo nổi cho mình, chứ đừng nói là để nàng trông con. Có điều cách cách trong cung toàn bị quản thúc nghiêm quá đâm ra ai cũng thành tính nhu nhơ, cứ nhìn Ngũ muội muội sinh cùng một mẹ với chàng là biết, vâng lời đến mức khiến chàng lâu lâu thực chẳng dám nhìn. Làm một cách cách thì phải có khí thế, dù khí thế thiếu hụt, nhưng tính nết cũng phải bạo dạn, không thì tới khi lấy chồng chẳng lại đợi người ta hiếp đáp à?
Hoàng thượng luôn dạy con gái theo đạo ôn, lương, cung, khiêm, nhượng, làm tất cả cứ thành ra ngây thơ dại khờ như là nữ tử nhà Hán, không có một chút nào hào phòng cởi mở như phái nữ tộc Mãn. Để thế mà gả vào nhà người, ai yên tâm cho đặng?
Nghĩ thế, chàng thấy để Lý thị nuôi Nhị cách cách biết đâu cũng tốt.
Cứ đi xem sao vậy.
Tứ a ca thay hẳn sang bộ quần áo khác, chải lại tóc, lại còn nổi nhã hứng cầm theo cây quạt xếp. Tô Bồi Thịnh thấy chàng làm dáng xênh xang, nghiêng đầu nhìn qua bàn học, nhủ bụng: Hôm nay bụng dạ a ca cứ như nở hoa, chắc làm việc suôn sẻ lắm đây?
Nghĩ đến chuyện phong Bối lặc, mở rộng phủ đệ và hoa viên mới, làm cả quãng đường bước chân Tứ a ca đi cứ bay bổng lâng lâng. Vào tiểu viện, chàng thấy Nhị cách cách đương ngồi trong một thứ đồ lạ kỳ, đôi chân ngắn chạy thoăn thoắt. Chàng rảo bước tới gần, khom người giữ chiếc xe tập đi của con lại, ngắm trái nghía phải, bụng thầm khen: Quả là một thứ hay.
Chàng đánh mắt một cái, Tô Bồi Thịnh hiểu ý ngay, vội bước lại khẽ bẩm xe này do Lý cách cách vẽ ra rồi gửi sang cho bên thợ thủ công làm.
Tâm trạng tốt thì trông cái gì cũng tốt, lúc này Tứ a ca mới nhớ ra đôi giày Thiên Lý Lộ và miếng gia vị trăm mùi mà Lý thị làm cho chàng – chính nhờ những thứ này mà Lưu Bảo Tuyền còn được thưởng những một trăm lượng bạc cơ đấy. Chàng ngoảnh đầu, thấy Lý thị mặc chiếc áo dài mỏng màu vàng lá liễu, tay cầm quạt tròn nhún mình vái chào, bèn vươn tay đỡ nàng dậy, dịu giọng bảo: “Trong cái đầu của nàng đúng thực lắm điều hay ho, nhưng rõ là không khi nào đặt tâm trí vào đúng chỗ cả.” Nói xong dí dí trán nàng.
Ý là sao đây? Chẳng đầu chẳng đuôi gì.
Lý Vi rướn môi cười, giơ cây quạt chắn nắng, nói: “Gia, ra dưới giàn nho ngồi đi, ngoài đó mát lắm.”
Tứ a ca dắt nàng dạo bước qua giàn nho, ở đấy có kê cái ghế mây, sạp tre và bàn nhỏ. Trên cái bàn nhỏ đặt một ấm sứ trắng bụng to nom như quả bí ngô, bên cạnh là hai cái cốc tròn cũng sứ trắng.
“Trước giờ nàng vẫn thích những vật dụng bằng sứ trắng tròn trịa kiểu này, cứ sai người nung lấy cho nàng.” Tứ a ca ngồi xuống bảo.
Lý Vi ngồi trên ghế mây, không tựa gần chàng đỡ chàng bị nóng. Trong ấm có nước ô mai, biết chàng không uống nên không rót cho chàng, đoạn sai Ngọc Bình đi lấy cây kéo đồng lại, ra đứng dưới giàn nho tự tay cắt hai chùm. Rồi dặn cầm đi rửa sạch bằng nước giếng và ướp lạnh, lát nữa sẽ dâng lên.
Ngồi dưới giàn nho tuy có ý có cảnh đấy, nhưng nóng thì vẫn hoàn nóng. Tứ a ca ngồi một lúc mà người đã vã đầy mồ hôi, trời sinh chàng hay ra mồ hôi, áo ướt đẫm cả mảng. Người ta trông vào cũng thấy bức bối thay chàng.
Lý Vi nói: “Hay là vào nhà thay áo khác? Ở đây có áo dài mùa hè thiếp mới làm cho chàng, vẫn chưa mặc lần nào.” Năm xưa từng bảo hai người sẽ cùng làm Hán phục, kết quả làm xong chàng lại không mặc. Nhưng mỗi năm khi làm đồ mới, nàng vẫn làm cho chàng như thường, rồi cất trong rương của nàng, tính đến nay phải được hai mươi mấy bộ rồi.
Tứ a ca ngồi phơi nắng nên hơi nhọc người, nghe vậy hồi lâu mới đáp, cùng nàng vào nhà, trước khi đi còn chỉ vào Nhị cách cách hãy đang chơi dưới nắng, nói: “Không thấy mặt Nhị cách cách đỏ rực lên rồi à? Đưa vào trong nhanh. Không được lau mồ hôi hay uống nước đá, cứ thay cái áo ẩm ấy đi là được.” Nuôi con trong cung là phải tuân theo ti tỉ các thứ quy tắc, Tứ a ca cũng lớn lên trong hoàn cảnh đấy, tuy hồi bé ghét ma ma và thái giám quản nghiêm quá, nhưng trưởng thành rồi mới biết vài điều trong đó cũng có cái lý riêng của nó. Chỉ mỗi việc không được đụng nước lạnh, ăn đồ lạnh để giải khát vì đổ nhiều mồ hôi thôi, cũng là một cách bảo vệ sức khỏe rồi.
Nhóm nhũ mẫu vội ẵm Nhị cách cách vào phòng. Xe tập đi còn để ở ngoài, định đem đi cất, Tứ a ca chợt trông thấy, bảo: “Lấy xe ấy vào đây cho ta xem.”
Trong phòng thả tảng băng trôi, căn phòng cũ có xà nhà cao tăng bề sâu, khá là mát mẻ, vừa vào hai người bỗng rùng mình một cái. Đám Ngọc Bình đã sắp sẵn quần áo để thay. Lý Vi vòng ra sau bình phong, nhường gian ngoài cho chàng.
Hai bộ đồ mà Ngọc Bình tìm ra vừa khéo được làm chung. Bộ của chàng là trường sam rộng tay màu nguyệt bạch, không đai lưng. Bộ của nàng gồm áo ngắn rộng tay màu hồng đào và chân váy rộng dài màu nguyệt bạch. Hồi ở Lý gia, Lý Vi từng nghe ngạch nương và a mã kể trang phục của tộc Hán thời này rất khác thời tiền triều.
Kiểu đồ họ mặc bây giờ là bản cách tân.
Lý Vi nhìn Tứ a ca, nhận ra ngay thiếu mất cái mũ viên ngoại*, mặc bộ này mà đi với quả đầu của chàng, nhìn ngược nhìn xuôi gì cũng thấy lạ đời. Nàng đút tay vào trong ống tay áo, hạ vai nghiêng mình nhún chào, cảm giác khá ra gì và này nọ đấy. Vào vai một cái là chuẩn bài luôn. Nàng bèn che miệng, bắt chước giọng điệu ới a kéo dài trên sâu khấu, nhả một câu: “Công tử ~ ~ Sao chàng lại chạy vào khuê phòng của tiểu nữ? Phải chăng là tên trộm xấu bụng nào kia? Để em gọi người nhà vào đây, tóm chàng lại, lôi đến quan phủ đánh roi!”
Tứ a ca cũng vung tay áo hùa theo, hai tay đưa lên trước vái lạy: “A, tiểu thư, chớ cao giọng.”
Ngọc Bình và Tô Bồi Thịnh đứng hầu trong phòng cũng phải bụm miệng, không nhịn nổi cười. Vì thấy Tứ a ca đương cao hứng, lại muốn chơi, họ tất nhiên phải cổ vũ theo rồi. Không thì xem chủ tử diễn mà mặt cứ trơ ra, thế có tẻ ngắt không?
Tứ a ca nổi hứng, bảo Ngọc Bình chải đầu lại cho Lý Vi, nhìn thấy hộp trang điểm trên bàn vẫn cũ y nguyên, hỏi: “Bộ ngà voi chạm khắc đâu rồi?”
Lý Vi ngồi xuống trước bàn, nói: “Sao thiếp dám dùng? Đã cất đi rồi.”
Tứ a ca: “Có phải đồ gì hay đâu? Nếu cất trong rương, ta còn đưa cho nàng làm gì nữa? Bên thư phòng cũng đâu phải không có nhà kho? Lấy ra mà dùng.”
Ngọc Bình đành đi mở rương lấy hộp đồ kia ra, Lý Vi bảo nàng ta cứ từ từ, để tối tối bày ra là được.
Tứ a ca dời gót sang chái Tây, trải giấy chế màu, rõ là muốn vẽ Lý Vi đây mà.
Để phối hợp với chàng, Lý Vi chải kiểu đầu của con gái nhà Hán, ngồi nghiêng trước bức bình phong, tay cầm quạt tròn tạo dáng. Tứ a ca nhìn trái nhìn phải, nói: “Chưa giống, mang đàn ra đây.”
Chỗ Lý Vi chỉ có bàn kê đàn*, chứ không có đàn. Tô Bồi Thịnh thấy có mỗi cái bàn thì cũng không thành vẻ được, bèn chạy ù về mở nhà kho của tiền viện, chuyển cả bộ đàn lẫn bàn kê, lư hương sang đây. Chỉnh âm xong, rửa tay rồi đốt hương lên, Lý Vi ngồi trước cây đàn, Tứ a ca còn bước lại dạy nàng cách tạo dáng.
*Bàn kê
Sau đó, cả hai cánh tay nàng phải giữ nguyên dáng đánh đàn và mê say trọn một canh giờ! Đến cuối còn phải ngờ Ngọc Bình đứng sau đỡ tay hộ nàng, làm nàng hết nhịn nổi mà thầm rủa trong bụng: Chỉ giỏi hành xác! Chả thấy con cháu đời sau có lấy một bức tranh nào anh vẽ!
Rốt cuộc cũng vẽ xong, Lý Vi nhảy ngay dậy cử động cánh tay và cái eo sắp đông cứng, đi tới trước bàn sách, thấy Tứ a ca đương đề từ, phải thú thực rằng trình độ thi từ thơ thẩn của chàng rất là cao siêu.
Nàng ló đầu xem, khoan chưa bàn đến ý cảnh nghệ thuật trong câu thơ, mà trông nét cuồng thảo* của chàng vẻ như một nét hạ liền mạch không điểm nào ngắt nghỉ, ắt hẳn lúc viết đã có nguồn cảm hứng dồi dào.
*Cuồng thảo là lối chữ thảo viết với tốc độ rất nhanh.
Khi chàng vừa sang, nàng đã nhận thấy tâm trạng chàng hôm nay rất khá. Nay nhìn coi bộ không chỉ khá thôi đâu, mà chính xác là thích mê ly, sướng điên đảo.
Nhưng giờ thì có chuyện vui gì nhỉ? Lẽ nào là chuyện phúc tấn có thai?
Suy nghĩ này làm Lý Vi bứt rứt hết cả người. Buổi tối ngồi dùng bữa cũng ỉu xìu. Sau bữa tối, Tứ a ca bảo Tô Bồi Thịnh đem về cho chàng bản thiết kế xe tập đi khi trước Lý Vi gửi qua chỗ thợ thủ công. Hình vẽ trên giấy tuy rõ ràng, song lại đơn điệu quá: hai vòng trên dưới, vòng dưới thô hơn, lớn hơn; ba thanh sắt thẳng nối liền hai vòng, bên dưới gắn thêm bốn bánh xe nhỏ. Dẫu vậy các kích cỡ ghi chú bên cạnh thì lại rất đâu ra đấy.
Rồi lại nhìn chiếc xe thợ làm, thế mới đáng gọi là xe, mới đem ra ngoài cho người ta thưởng ngoạn được.
Tứ a ca vừa trải tờ giấy khác, định vẽ lại một bức, vừa sai Tô Bồi Thịnh: “Lúc nữa cầm tranh của ta đi làm thêm hai chiếc, một chiếc cho Đại cách cách, một chiếc đưa sang bên phúc tấn.”
Chàng vừa dứt câu, Lý Vi đã đứng dậy, ra chiều điềm nhiên, tủm tỉm bảo: “Tứ gia, giờ này phải cho Nhị cách cách uống nước rồi, thiếp đi xem đây.”
Nàng có làm vẻ bình thản cỡ nào, Tứ a ca cũng nhận ra là nàng mất hứng. Đầu Tô Bồi Thịnh gục sắp thấp hơn cả cái bàn rồi.
Tứ a ca ừ tiếng, khi nàng đi ra mới chuyên chú vẽ tranh, vẽ xong giao cho Tô Bồi Thịnh. Kế đó mới sang phòng Nhị cách cách.
Từ khi chàng về, Lý Vi đã ngăn một gian nhỏ đằng cuối phía Đông phòng ngủ ra cho Nhị cách cách, kê một chiếc giường hộp sát tường, hai bên cách nhau bằng một bức bình phong lớn.
Lúc Tứ a ca vào, Lý Vi đương chơi khóa khổng minh với Nhị cách cách. Kỳ thực ngay từ giây phút chàng bước vào, mọi sự chú ý của nàng đã dồn hết cả về chàng. Dựa theo quy định hiện hành thì lỗi nằm ở nàng, nhưng ai bảo lúc ấy nàng kích động quá, giờ có sợ cũng không muốn thỉnh tội.
Đành vừa sợ, vừa gồng. Bụng tự trách sao lúc này mình lại trở tính ngang bướng ra? Thể diện có là gì? Phải mau mau quẳng đi mà ôm đùi xin tha thôi.
Tứ a ca bước tới kéo tay nàng đi thẳng ra ngoài, bảo Ngọc Bình vào trông Nhị cách cách. Họ quay về chái Tây, Tô Bồi Thịnh đã ra khỏi.
Ngồi xuống, Tứ a ca chằm chặp nhìn nàng hồi lâu, nhìn đến độ làm đầu nàng cúi gằm tận ngực, mới ôm lấy nàng, thở dài: “Gia giữ thể diện cho nàng, nàng còn giận lẫy gia nữa à? Đúng vào hôm nay gia đang vui bụng, không chấp nhặt với nàng. Dù có là phúc tấn, cũng không dám tỏ thái độ lồi lõm như thế với gia. Lại còn phải cho Nhị cách cách uống nước cơ, sao nàng không nghĩ tới chuyện rót cho gia một cốc nước?”
Tay Lý Vi ở dưới móc lấy ngón tay chàng.
“Giờ hết dỗi rồi lại quấy gia.” Chàng kéo tay nàng lên, dán mắt nhìn, đoạn cắn ngón tay nàng một cái: “Nàng đấy, chẳng biết sao cứ hay dỗi hoài. Hở cái là giận hờn, dỗ một tí là hết ngay. Không khác gì tính cún.”
Anh mới tính cún.
Lý Vi thầm chửi. Cả nhà anh tính cún. Cả dòng họ nhà anh tính cún.
“Cố ý đợi gia dỗ nàng chứ gì?” Tứ a ca cười cắn môi nàng, chàng tới thiếp đi hôn ngả vào nhau. Lúc ngã ra sạp, nàng hãy chưa hết giận, ôm cánh tay chàng cào mạnh cho bõ ghét.
“Vẫn còn giận nữa à? Chỉ biết ghen suốt thôi. Có tí thứ gì hay là phải giữ cho mình mình dùng, không thèm cho người ngoài chứ gì? Cho gia, cho Nhị cách cách, không cho người khác đúng chưa?” Tứ a ca nắm hai tay nàng.
“Không giận nữa, không giận nữa. Ngoan. Gia biết nàng tốt với gia, gia nhớ hết cả.” Chàng ghé vào tai nàng rủ rỉ, “Tuyệt sẽ không phụ nàng.”
Nói mấy câu bùi tai thì giỏi lắm! Ai tin thằng đấy bị ngốc!
Đại ngốc Lý Vi nước mắt lưng tròng cắn cánh tay chàng nghĩ.
(còn tiếp)
Lựa một ngày nắng đẹp quang đãng, không thấy gió mưa, Tứ a ca đưa ba đứa nhỏ và Lý Vi đi du xuân.
Ban đầu, Tứ a ca muốn đưa cả nhà đi luôn. Vốn tưởng sẽ đơn giản thôi, kết quả phúc tấn thoải mái giao Đại a ca cho chàng, nhưng bản thân phúc tấn lại không muốn đi.
“Không thể nào để phủ trống vắng không ai ở trông được, gia và bọn nhỏ hãy đi chơi cho vui.” Phúc tấn cười nói. Nàng thật sự nghĩ rằng không cần thiết phải tiêu tốn hết thời gian trong một ngày cho một chuyến đi chơi, mà cụ thể chỉ có ngồi xe ra ngoài dạo lòng vòng, cưỡi ngựa loanh quanh thôi? Ở lại trong phủ vẫn đỡ lo hơn.
Về phần Đại a ca, gần đây Tứ a ca sang thăm nó hằng ngày, trông có vẻ rất ưng a ca này. Phúc tấn cũng mong tình cảm giữa cha con họ sẽ tốt đẹp hơn. Với trình độ được sủng ái của Lý cách cách, chưa biết chừng ngày nào đó lại có nữa, ngộ nhỡ cái thai tiếp theo của nàng ta là con trai, vậy thì Đại a ca sẽ bị đẩy vào tình cảnh rất éo le. Nếu Tứ a ca thích Đại a ca, về sau dù có thêm em trai, nó cũng không phải lo nghĩ.
Tống cách cách thấy phúc tấn không đi, bèn bảo mình cũng xin kiếu, ở lại hầu hạ phúc tấn.
Võ cách cách lại đụng kỳ kinh đến chẳng đúng lúc…
Tâm trạng vốn đang rất phấn chấn của Tứ a ca suýt thì tuột dốc không phanh.
Chàng bèn đi sang tiểu viện. Lý Vi và Nhị cách cách đang thay đồ cưỡi ngựa mới đưa tới, một lớn một nhỏ ăn mặc giống hệt nhau, đứng xoay vòng vòng, Bách Phúc hoan hỉ chạy qua chạy lại quanh hai người. Nhị cách cách đương reo lên: “Ngạch nương, ngạch nương, mình làm luôn một bộ cho Bách Phúc nữa, được không ạ? Lúc đó Bách Phúc cũng đi cùng, đúng không ạ?”
“Được, chúng ta sẽ làm cho Bách Phúc một bộ luôn.” Lý Vi dắt Nhị cách cách về phòng, gọi Ngọc Bình đem vải ra.
Bách Phúc phát hiện Tứ a ca trước, nó sủa gâu gâu, phi sang chỗ chàng điên cuồng vẫy đuôi. Nhị cách cách la theo: “A mã!” Tứ a ca bước vào xoa đầu nó, ngồi xuống ôm nó hỏi: “Nhị cách cách với ngạch nương đang làm gì đây?”
Lý Vi cười nhìn hai cha con họ, ôm Bách Phúc vào lòng đo cỡ vải cho nó. Nhị cách cách chỉ vào Bách Phúc, nói: “Con và ngạch nương muốn làm cho Bách Phúc một bộ đồ mới, khi đi du xuân sẽ mặc với nhau.”
Tứ a ca khó xử nói: “Nhưng Bách Phúc có đi đâu.”
“Bách Phúc không đi ư?” Lý Vi ngạc nhiên hỏi chàng, ra ngoài không mang chó theo à? Bách Phúc đâu phải mèo, chó thì phải cho nó ra khỏi nhà chạy nhảy nhiều hơn chứ?
Sao nàng lại tưởng thật hay thế? Chàng đang nói đùa đấy thôi!
Tứ a ca buồn rầu, Nhị cách cách trong lòng đã trả lời Lý Vi thay chàng: “Ngạch nương, a mã đang lừa chúng ta thôi.”
Người mình muốn lừa thì không lừa được, người mình chẳng muốn lừa lại sập bẫy ngay.
Tứ a ca vui mừng nhìn Nhị cách cách đang ngồi trên đùi chàng: “Nhị cách cách nhà ta đúng là thông minh.” Tiện thể tặng luôn cho Lý Vi một ánh nhìn “Không bằng cả Nhị cách cách”.
Lý Vi: “…” Nàng tiếp tục may vá đồ cho Bách Phúc, để hai cha con này tự chơi đi!
Đến hôm ấy, từ sáng tinh mơ Đại a ca và Đại cách cách đã được đưa sang thư phòng ở tiền viện. Tứ a ca lúc nào cũng dậy sớm, đang đọc sách với Bách Phúc trong thư phòng. Dẫu ra cung rồi, chàng vẫn giữ nguyên thói quen đọc sách vào mỗi buổi sớm.
Chàng hỏi Đại cách cách đôi câu trước, sau đó gọi Đại a ca vào thư phòng khảo bài nó.
Lúc vào, Đại a ca còn được nhũ mẫu ẵm. Nhũ mẫu hẳn nhiên không thể vào thư phòng, đành thả nó xuống, để nó bước từng bước chậm rãi, vững vàng về phía Tứ a ca.
Đến lúc nó đứng trước mặt chàng, Tứ a ca mới nhận ra từ nãy tới giờ nó cứ nín thở suốt.
Đúng là một đứa trẻ ngoan.
Chàng vỗ vỗ vai nó, bảo Tô Bồi Thịnh ẵm nó lên ghế ngồi, nói: “Còn nhớ hôm qua ta dạy con những gì không? Chữ “đại” đọc thế nào?”
“Am đạt!” Đại a ca đáp giọng lanh lảnh, vì quá kích động nên phun cả nước miếng ra, gương mặt bé nhỏ thoắt đỏ bừng.
Thằng bé nhỏ người, tâm trạng vô cùng căng thẳng, lúc ngồi trên ghế tay nắm chặt lại đặt ở đầu gối, nhìn là biết đang rất cố gắng để giữ lưng thật thẳng. Song chung quy nó vẫn còn quá nhỏ, cái ghế lại quá lớn, làm người nó chao đảo lắc lư, không được vững chãi.
Tứ a ca lo lắng thoáng nhìn qua, Tô Bồi Thịnh lập tức đi lấy thêm ba cái gối dựa, nhét hết gối vào chung quanh, để Đại a ca ngồi tựa vào gối, làm thế sẽ vững hơn.
Tứ a ca vừa lòng gật gù.
Đại a ca lễ phép nói với Tô Bồi Thịnh: “Đa tạ Tô am đạt.”
“Không dám, Đại a ca ngồi cho chắc.” Tô Bồi Thịnh vội cúi người gật đầu. Hắn đứng ngay sau ghế, duỗi tay đỡ hờ Đại a ca. Bởi lẽ hắn nhìn thấy Đại a ca không hề tựa gối, mà trái lại còn ưỡn thẳng lưng hơn, từ lưng đến gối hở ra một khoảng bằng một ngón tay. Hắn thật chỉ sợ ông trời con này ngồi không yên lại ngã lộn xuống mất.
Tứ a ca cũng để mắt tới, âu sầu nghĩ kiểu này thì giống phúc tấn quá rồi. Phúc tấn như thế chàng còn chấp nhận được, nhưng là con mình lại thực sự không được. Phúc tấn chỉ là phụ nữ, sau khi gả cho chàng nghiễm nhiên sẽ được cả đời vô lo, vậy nên tính nàng có mạnh mẽ cỡ mấy thì cũng sẽ chỉ tự làm khó mình hơn thôi. Nhưng Đại a ca là người mai sau sẽ kế thừa mọi thứ từ chàng, mà kiểu tính cách này lại không hề mang đến lợi ích gì cho quá trình khôn lớn của nó.
Nói ra nghe hơi mất lòng, chứ tính như phúc tấn chỉ hợp làm nô tài. Làm nô tài sẽ thích người dưới quyền mình ý chí kiên định, quyết tiến không lùi. Nhưng là một chủ tử, nếu mãi cố chấp chưa đụng tường Nam chưa quay đầu, đụng phải đầu rơi máu chảy mới biết quay đầu, thì cũng đã muộn màng.
Xem ra, quả nhiên nên chuyển Đại a ca đi. Cứ để phúc tấn nuôi dạy nó tiếp, Đại a ca mà học như nàng thì hỏng bét.
Tứ a ca dạy Đại a ca thêm mấy từ tiếng Mãn, dặn nó về nhớ học thuộc, lại cầm tay nó viết chữ đủ một tờ, xong mới dắt nó ra ngoài.
Vừa thấy Tứ a ca và Đại a ca, Đại cách cách đứng dậy đón ngay. Nó là đứa lớn nhất trong ba đứa nhỏ, Tứ a ca dù không nói ra miệng, song vẫn luôn nhớ đến nó. Thêm chuyện vừa ra đời nó đã bệnh tật yếu ớt, trắc trở lắm mới lớn được như ngày hôm nay, khi chàng oán trách Tống thị, đồng thời chàng cũng đau lòng cho tiểu cách cách này. Mỗi ngày đọc kinh đều sẽ đọc thay nó một cuốn, cầu mong nó trường thọ bình an, còn những vinh hoa phú quý khác, đã có a mã là chàng đây.
“Ngồi xuống đi, lát nữa ta sẽ cùng ăn sáng.” Tứ a ca nói, nom sắc mặt Đại cách cách hơi hơi tái, không được hồng hào, đoán chừng là thể hư. Không tranh thủ lúc còn bé tuổi mà bồi bổ tử tế, để lớn lên là muộn mất rồi. Chàng nghĩ liệu có nên bảo phúc tấn chăm trông nom nó đôi phần, chú ý hơn về việc ăn dùng thường ngày của nó không.
Lúc này, Tô Bồi Thịnh dẫn Lý Vi và Nhị cách cách vào. Hai mẹ con nàng khá sáng suốt khi để nhũ mẫu ở lại tiểu viện, chỉ cho Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo theo cùng; Ngọc Trản và Tiểu Hỉ Tử xách hộp thức ăn, ôm tay nải đi sau.
Lý Vi vốn nghĩ đi chơi thì không cần đưa theo quá nhiều người, Nhị cách cách có cần bọc tã nữa đâu, cứ mang ít đồ ăn thức uống và vài bộ quần áo dày dặn là đủ.
Hai người đi vào, những người còn lại không phận sự thì ở ngoài, chỉ có Ngọc Bình đi theo. Tứ a ca vừa thấy đã nhíu mày, lại nhìn bốn ma ma, hai nhũ mẫu, bốn a hoàn theo sau Đại a ca, bụng nghĩ người nên cẩn thận lại quá bất cẩn, người cần rèn luyện lại dẫn quá nhiều người theo.
Đây là lần đầu Lý Vi gặp Đại a ca, nhìn thấy đứa bé trai ngồi cạnh Tứ a ca ăn diện như cậu bé kim đồng trong tranh mừng năm mới*, nàng biết ngay là ai. Huống chi khi nàng vừa vào, Đại cách cách và Đại a ca đều đứng dậy. Lúc nàng hành lễ với Tứ a ca, hai đứa bé này đều tránh đi, sau đó mới cùng nhau hành lễ với nàng. Làm Lý Vi tức thì cảm nhận được đôi chút khác biệt của “phe phái”. Lại quay sang Nhị cách cách bên cạnh trông mặt vẻ không cảm giác gì, nàng chợt thấy mình hơi có lỗi với con gái.
Có điều Nhị cách cách đúng là chẳng có cảm giác gì thật. Trước kia nó từng gặp Đại cách cách ở chỗ phúc tấn, hai đứa còn cùng chơi đồ chơi trong phòng phúc tấn cơ (dưới sự giám sát của ma ma). Tuy không vun đắp nên được tình cảm chị em gì, nhưng cái nhãn “đây là một người quen” đã được nó dán lên đầu Đại cách cách. Nhị cách cách bèn hí hửng bước tới.
“Đại tỷ tỷ.” Nhị cách cách nhún người, đoạn quay qua nhìn Đại a ca, hơi sững lại.
Tiêu rồi. Quên bảo với nó Đại a ca trông như nào rồi. Lúc trước nhắc về Đại a ca, Lý Vi từng miêu tả bằng cách ví von thằng bé với con búp bê ôm gọn được trong lòng.
Nàng đương hoảng hốt, trí khôn của Nhị cách cách ngay từ đầu ắt đã cao hơn nàng, thế là nó nghiêng đầu cười, cất giọng gọi không chút xa lạ: “Chào đệ đệ.”
Đại a ca hành lễ với nó: “Chào Nhị tỷ tỷ.”
Lanh lợi thật. Lý Vi bội phục nhìn Nhị cách cách, thực không hổ là cô con gái tài ba của nàng.
Chỉ một chốc mà ba đứa nhỏ đã nói nói cười cười. Tình bạn của đám trẻ con đơn giản là vậy, làm Lý Vi vốn sợ Nhị cách cách sẽ bị cô lập cũng yên tâm, tự thấy mình chỉ biết nhìn thế giới trong sáng của thiếu nhi như thế giới bẩn thỉu của người lớn là hay.
Ăn sáng xong, Tứ a ca đưa mọi người xuất phát. Trước khi lên đường còn một chuyện nữa, chàng đuổi hết những người bên Đại a ca đi, chỉ để lại một nhũ mẫu và một a hoàn, rồi gọi cho nó bốn thái giám nhỏ.
“Đây là người được sắp sẵn cho con, lúc trước muốn đợi con chuyển sang đây sẽ cho gặp, vừa khéo hôm nay cũng là một cơ hội.” Tứ a ca gọi bốn tiểu thái giám tới dập đầu, “Ngoài chúng nó ra, còn những người khác nữa, khi nào con về đây là sẽ được gặp.”
Đại a ca trước nay chưa gặp mấy đứa bé trai bao giờ. Trong bốn tiểu thái giám, đứa lớn mới tám tuổi, đứa bé sáu tuổi; trông thấy nó, đứa nào cũng cười rất tươi, làm nó hết sức hiếu kỳ, tức khắc làm lu mờ cả nhũ mẫu và a hoàn đứng cạnh.
“A ca nhiều phúc, cát tường. Nhũ danh của nô tài là Cẩu Nhi, a ca cứ gọi nô tài là Tiểu Cẩu Nhi.” Tiểu thái giám Tiểu Cẩu Nhi này là đứa khôn nhất, cao nhất trong số bốn tiểu thái giám, trông cũng không cò hương như đám trẻ thiếu cơm ngoài kia. Nó gật đầu với nhũ mẫu, gọi một tiếng ma ma, rồi bước sang đứng ngay cạnh Đại a ca như một lẽ dĩ nhiên, chiếm luôn chỗ của đứa a hoàn.
A hoàn đi cùng Đại a ca là Thạch Lựu số 2. Tuy nàng ta là người từ Nội vụ phủ tới, nhưng sau khi Thạch Lựu số 1 về quê, nàng ta vẫn làm ăn rất khá. Lần này cũng vì phúc tấn thấy nàng ta luôn cần cù hiểu chuyện, lại là Bao y bên Nội vụ phủ, ra ngoài sẽ được việc hơn người mà phúc tấn tự đưa vào, nên mới cho nàng ta theo cùng.
Thấy mình bị một tiểu thái giám chiếm chỗ, Thạch Lựu trừng mắt định sấn lên, ai ngờ một tiểu thái giám khác lại đi tới đẩy nàng ta ra xa hơn, Tiểu Cẩu Nhi thừa cơ ẵm Đại a ca lên xe.
Thạch Lựu toan gắt: “Mi…” Chưa kịp nói thành lời, tiểu thái giám thứ hai chen qua đã tủm tỉm cười bảo: “Tỷ tỷ, chúng ta phải nhanh chân lên, tỷ xem kìa, các chủ tử bên kia lên xe cả rồi.” Nói xong nó chui lên ngay. Thạch Lựu chỉ còn biết hậm hực giậm chân, thui thủi lên xe.
Nhũ mẫu lại không chút nào quýnh quáng, như thể không thấy cảnh tiểu thái giám bắt nạt Thạch Lựu. Dẫu bà ta cũng xuất thân từ Nội vụ phủ, song vẫn khác loại người kiếm cơm nhờ phần thưởng của chủ tử như Thạch Lựu, chỗ của bà ta không phải ai muốn chiếm là chiếm được.
Hai tiểu thái giám còn lại đúng thật không có ý kiến gì với nhũ mẫu, cung kính đỡ bà ta lên xe xong, hai đứa nó mới dìu nhau lên.
Trương Bảo đứng đằng sau chứng kiến rõ rành rành, hài lòng gật đầu quay về. Mấy thằng bé này rất cơ trí, không uổng công hắn dạy dỗ một phen. Tứ a ca đã tỏ ý rất rõ, rằng nếu muốn cho Đại a ca dọn ra, thì sẽ không được để người ở hậu viện nhúng tay vào mọi việc liên quan đến Đại a ca nữa. Như nhóm nhũ mẫu là những người không thể đuổi thì không nói, nhưng sẽ phải mau chóng cho bọn a hoàn hầu hạ về nhà nghỉ thôi.
Tứ a ca ngồi trên lưng ngựa, người luôn quan sát kỹ mọi người như chàng, tất nhiên cũng bắt gặp chuyện xảy ra bên Đại a ca. Nhiệm vụ này Trương Bảo làm rất khá. Tứ a ca thầm nghĩ.
Đoàn xe nối đuôi nhau ra khỏi thành. Đi mãi đến lúc tới điền trang của Tứ a ca ngoài thành. Khác với những gì Lý Vi tưởng tượng, nơi đây không có những luống đất trải dài, mà là một mảnh đất hoang ngát cỏ mút mắt, cũng chẳng có những thứ như rừng cây con.
Xe dừng lại, nhảy xuống xe, Lý Vi mới thấy những lùm cỏ dại hoa dại mọc sát đất. Ở chỗ xe đậu, men theo gò đất nhìn lên là sẽ thấy một rừng cây hoang thưa thớt. Cái cây thân to nhất cũng chỉ bằng cái cổ tay, mảnh nhất là những cành. Hoa dại rơi rụng lả tả xuống giữa bụi cỏ, đỏ, lam, trắng, vàng đủ các màu. Có cả đôi phen bướm trắng bay ngược bay xuôi.
Đối với Nhị cách cách, toàn cảnh trước mắt quả thực bao la đến nỗi nó không khép được miệng. Từ ngày lọt lòng đã sống trong tiểu viện, nó chỉ được thấy bốn phương trời đất trong vòng vây khép kín, còn thế giới mênh mông phóng mắt chẳng thấy điểm cuối này thực là to lớn quá đi mất thôi.
Điều này làm Nhị cách cách lần đầu trong đời thốt lên một câu ngô nghê – nó kinh ngạc nói với Tứ a ca: “A mã, viện này to thật. Tường đâu rồi ạ?”
Chưa kịp lên tiếng, Tứ a ca đã không kìm nổi mà phì cười, vội che miệng lại bảo: “Ở đây không có tường, ngoan, lát nữa a mã đưa con đi chạy một vòng.”
Mấy con ngựa con dễ bảo đã được chuẩn bị sẵn. Điều khiến Lý Vi đỏ mặt ấy là ngựa của nàng cao bằng ngựa của Nhị cách cách, leo lên ngồi, tí là chân chạm được cả xuống đất. Bốn người lên ngựa, Tứ a ca dẫn đầu, cho người dắt ngựa của họ dạo quanh một vòng.
Thất vọng quá, cưỡi ngựa kiểu này thôi thà về nhà luôn cho rồi.
Nhưng con ngựa cái con của nàng lại đáng yêu cực kỳ, cặp mắt to như viên hạch đào dịu dàng tưởng ngấn nước. Khi xuống ngựa, Lý Vi cũng không nỡ để người ta dắt nó đi. Con ngựa con màu đỏ này tên Hồng Vân, nàng lấy viên đường ở chỗ người chăm ngựa đi cho nó ăn, còn ẵm Nhị cách cách lên để con gái đút ngựa ăn.
Tứ a ca đi tới, nàng không nhịn được hỏi: “Hồng Vân dễ thương quá, thiếp nuôi nó được không?”
Chàng sờ lưng ngựa, nói: “Vốn con này để cho nàng. Đợi thêm vài năm nữa nàng lớn hơn, thì nó cũng trưởng thành rồi, nàng có thể cưỡi nó theo ta đi săn.”
Nhị cách cách trỏ vào con ngựa màu nâu đỏ mình vừa cưỡi, nói: “A mã, còn của con ạ? Kia là ngựa của con ạ?”
Tứ a ca vuốt đầu nó, nói: “Đương nhiên rồi.” Chàng nhìn sang Đại cách cách và Đại a ca, nói: “Lũ ngựa này là ngựa của các con, các con phải chăm sóc tốt cho chúng nó, cùng lớn lên với chúng nó.”
Chàng bước qua chỗ Đại a ca, dẫn nó đi lại gần con ngựa thiến đen nhánh, nói: “Đừng sợ, nó là người bạn tốt nhất của con.” Đại a ca vốn không hề sợ, nó chỉ hơi giật mình vì lần đầu gặp thứ to bự cỡ này. Nhưng Thạch Lựu và nhũ mẫu theo hầu đều kéo nó lùi về sau, lúc nó xuống ngựa, cũng không cho nó tới gần, làm cứ như nó sợ ngựa lắm.
Tứ a ca dắt nó tới, Tiểu Cẩu Nhi và mấy tiểu thái giám cũng bước lại ngay. Tiểu Cẩu Nhi lấy đường cho Đại a ca, nói: “Đại a ca, ngựa thích ăn đường lắm.”
Những tiểu thái giám khác có đứa đứng giữ Đại a ca, có đứa đi nhổ ít cỏ cho ngựa. Nom chúng nó xấp xỉ tuổi Đại a ca, Đại a ca không muốn chịu thua, bèn nhận lấy đường đút ngựa. Con ngựa khịt mũi làm nó giật thót, song khi đã quen, nó phấn khích hẳn, chơi đùa rất vui trong vòng hộ tống của bốn tiểu thái giám.
Tứ a ca thấy vậy cũng an tâm, nói với Thạch Lựu và nhũ mẫu: “Quay vào xe trông đồ đi, ở đây không cần các ngươi hầu.”
Chơi với ngựa một hồi, lúc cưỡi lần ngựa, ba đứa trẻ đã tự nhiên hơn nhiều. Cơm nấu xong mới bảo chúng nghỉ cưỡi. Nhị cách cách ra chiều không vui. Đại cách cách lại kỷ luật hơn, Đại a ca cũng quen vâng lời, đều ngoan ngoãn trèo xuống.
Lý Vi thấy hơi ngượng ngùng, hình ảnh đối lập dễ cho thấy rằng Nhị cách cách không được này dạy đến nơi đến chốn.
Mà Tứ a ca lại nghĩ: nếu Đại a ca và Nhị cách cách đổi tình cho nhau thì tốt biết mấy. Chàng thà mình có một đứa con trai cá tính, dù là xấu tính cũng còn hơn không biết cáu gắt giận hờn là gì.
Về phần Nhị cách cách, trầm tính như Đại cách cách cũng rất tốt, nhưng tính cách bạo một chút cũng không tệ, ngày sau gả chồng sẽ không phải chịu thiệt.