Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 28: 28: Chương 26



Vì không tìm được cái thang nào ở chỗ Lý Vi, Tứ a ca đành tự kiếm lối cho mình bước xuống.

Chàng mở nhà kho thưởng Võ cách cách vài xấp vải vóc, bảo rằng Lý Vi thấy áo quần nàng ta mặc toàn bằng vải năm cũ, mới cố ý xin thay cho.
Trong cung, nhờ công thái tử van nài, rốt cuộc hoàng thượng cũng dịu lại.

Thái tử nói bọn đệ đệ đã đóng cửa học bài được một thời gian, nếu hoàng a mã không rảnh, chi bằng để y gọi các huynh đệ vào cung khảo bài trước, “Nhi thần sẽ lên dây cót tinh thần cho chúng nó trước, đỡ đụng cảnh xấu hổ trước mặt hoàng a mã.”
Hoàng thượng cười nói: “Biết con xót các đệ đệ, tính tuồn đề cho chúng chứ gì.”
Hằng ngày hoàng thượng và thái tử đều đọc sách cùng nhau, hoàng thượng muốn khảo ba vị a ca thì chỉ chọn đề trong mấy cuốn sách đọc gần đây.

Thái tử cười nói: “Nhi thần định cho chúng làm trước một lần vài đầu đề dạo này hoàng a mã ra cho nhi thần, để hoàng a mã chê cười rồi.”
Hoàng thượng rất đỗi mừng vui, nói: “Huynh đệ các con thân thiết, như thế rất được.”
Vậy là thái tử bèn phát thông báo trước một ngày, hôm sau ba chàng a ca đóng cửa học bấy lâu nay đã vội vã xuất phát đến Thượng thư phòng.

Thái tử đặt năm câu hỏi, để mấy vị a ca ở Thượng thư phòng cùng giải thử luôn.

Nhóm học sĩ hầu học và thầy dạy đều góp sức giúp ba chàng a ca lật sách, chép bài giải lại.

Trong số mấy a ca nhỏ tuổi hơn, bài Bát a ca làm là ra hình ra dáng nhất, được thái tử kẹp chung với bài làm của ba người anh đem về cùng.

Lúc đọc sách, hoàng thượng nói: “Hôm nay con ra đề cho chúng phải không? Giải thế nào? Lấy cho ta xem.”
Thái tử dâng lên, thưa: “Ra năm câu, hôm nay chỉ làm một câu, còn lại nhi thần đã dặn các đệ đệ về giải tiếp.

Trang bài làm này là của Bát đệ, con thấy làm không hề thua Ngũ đệ.”
Hoàng thượng nở nụ cười, vừa nhận lấy vừa nói: “So với lão Ngũ à? Ta không muốn làm khó nó đâu.

Tuy nhiên ba đứa chúng nó cùng vào cung, nếu chỉ có mỗi nó không bị phạt, lại sợ nó nghĩ vẩn nghĩ vơ.” Nói đoạn, tập trung đọc bài làm của Bát a ca.

Đề bài là một đoạn trích trong “Tế dân yếu thuật”: “Thần Nông tạo ra cái cày cho chúng dân sử dụng, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Vua Nghiêu lệnh cho bốn vị đại thần tuyên bố cặn kẽ thời vụ gieo trồng cho quần chúng hay.

Vua Thuấn truyền đạt mệnh lệnh cho đại thần Hậu Tắc, phải coi sản xuất lương thực là vấn đề chính trị ưu tiên hàng đầu.

Vua Vũ quy hoạch đất đai và chế độ ruộng đất, tất cả mọi nơi đều có khuôn khổ riêng để tuân theo.

Thời hưng thịnh của hai nhà Ân – Chu được ghi lại qua thơ và sách, muốn lòng dân yên, phải dạy họ làm giàu.”*
*Tế dân yếu thuật: một cuốn cổ thư của Giả Tư Hiệp viết về cách trồng cây trong nông nghiệp, cách thức chăn nuôi gia súc.
*Nghiêu – Thuấn – Vũ là những vị vua hiền của Trung Quốc cổ đại.
*Hậu Tắc tên thật là Cơ Khí, có mẹ là Khương Nguyên vì ra đồng đạp phải dấu chân lớn rồi sinh ra Khí.

Khí thích chơi trồng cây và cây trồng bao giờ cũng tốt, đến tuổi thành thân, Khí thích cày bừa làm ruộng rồi được dân chúng học làm theo.

Vua Nghiêu biết bèn cho về làm chức Nông sự, lấy hiệu Hậu Tắc.

Dạo đây kỳ lũ mùa hạ đang đến gần, điều làm hoàng thượng rầu rĩ ngày qua ngày ấy chính là lũ lụt Hoàng Hà ở vùng Hà Nam.

Có thể nói là hàng năm trị, hàng năm lụt, không năm nào khá hơn được.

Thái tử đọc sách với hoàng thượng, biết rõ hoàng thượng lo âu điều gì.

Đề này mặc dù đơn giản, nhưng câu trả lời của bốn vị a ca, đã tính luôn cả Bát a ca, đều khá khác nhau.

Trong bài làm của mình, Tam a ca viết rằng: muốn phát triển nông nghiệp, quan trọng nhất là phổ biến kiến thức nông nghiệp tiên tiến; mà muốn phổ biến kiến thức nông nghiệp tiên tiến, trước tiên phải để toàn dân được đi học, mở mang dân trí.

Hoàng thượng nghĩ bụng: về lý là đúng đấy, nhưng lại cao siêu quá, không thực tế.

Tứ a ca tương đối thiết thực hơn, chàng cho rằng: phát triển nông nghiệp nghĩa là khiến người dân yên tâm làm nông, giảm bớt sưu dịch và thuế má là một mặt, mà để lệnh vua được báo cáo và truyền đạt một cách hiệu quả mới là trên hết.

Hoàng thượng đọc rồi không khỏi gật đầu, lão Tứ theo trường phái làm thật.

Sau đó ngài bèn đưa lại bài làm này cho thái tử, bảo y đọc kỹ.

Ngũ a ca thì chỉ lệ thuộc sách vở, y giải nghĩa đề bài một lần chung chung, tiếp đó mới giải lần lượt từng câu.

Thấy viết cả một bài dài dòng văn tự, hoàng thượng chỉ lướt vội vài dòng, cười nói: “Lão Ngũ…!ôi, chẳng biết là làm khó nó hay làm khó ta nữa.”
Bát a ca viết hay ho hơn một chút.

Y dẫn câu: “Từng nghe nói: Cây quýt sinh trưởng ở Nam sông Hoài là cây quýt, sinh trưởng ở Bắc sông Hoài sẽ biến thành cây quýt hôi, lá cây của hai loại thì tương tự, nhưng trái của chúng có vị khác nhau.

Vì sao lại thế? Ấy là bởi thủy thổ khác biệt” trong “Án Tử Xuân Thu – Tạp Hạ Chi Thập” để chứng minh: phát triển nông nghiệp không thể máy móc, mà cần tính đến các vấn đề như môi trường và dân số tại địa phương.

Chỉ có xem xét toàn diện, nông nghiệp mới được thực sự phát triển.

Nếu chuyện gì cũng bắt mọi người phải chấp hành theo đúng một chuẩn mực, vậy thì khi trồng lúa cạn vào đất vốn để trồng lúa nước, sau một năm vất vả rồi sẽ chẳng thu hoạch được gì.

Hoàng thượng đặt bài của Bát a ca và Tứ a ca cạnh nhau, nói: “Bài làm của lão Tứ và lão Bát kết hợp lại dùng chung được đấy.”
Thái tử ngó qua, xếp bài của Tứ a ca đứng nhất, Bát a ca đứng nhì, Tam a ca đứng ba, cười nói với hoàng thượng: “Hoàng a mã, sinh thời nếu nhi thần hoàn thành được một nửa trong đây, đã là mãn nguyện rồi.”
Hoàng thượng nói: “Đại Thanh hàng vạn năm, chúng ta không làm được, thì để cho con cháu làm.

Có khởi đầu tốt là rất đáng mừng rồi.” Thái tử vâng dạ, hoàng thượng lại nói: “Ta thấy, để lão Tam, lão Tứ và lão Bát tới chỗ con học hỏi nhiều, con dẫn dắt chúng nó.

Mùa lũ sắp đến, để chúng nó hiểu biết thêm nhiều, con cũng có thêm mấy trợ thủ.”
Thái tử lĩnh giáo, sau khi ra khỏi liền phái người đến A Ca Sở và phủ của hai vị a ca truyền tin.

Cả ba chàng a ca rất phấn khích.

Ở A Ca Sở, tiễn người của thái tử đi xong, Bát a ca lòng vòng tới lui khắp căn phòng.

Đây là một cơ hội! Y nhất định phải nắm chắc!
Tứ a ca cũng vậy.

Đối với họ, từ bé sống trong cung đã được chứng kiến hoàng thượng ngợi khen thái tử cỡ nào, dần dà, bất giác họ cũng bắt đầu lấy thái tử làm gương.

Từ Tam a ca trở xuống Bát a ca, không một người nào định học tập Đại a ca mà đều đồng loạt noi theo thái tử.

Hai ông học sĩ hầu học đã về nhà, Tứ a ca lật sách hết nửa buổi trời chỉ vì muốn đào sâu hơn nội dung của “Tế dân yếu thuật”.

Tiếc thay tuổi tác và tầm nhìn của chàng có giới hạn, đọc một lúc thấy toàn là lý luận suông rỗng tuếch không hơn.

Có cần ra ngoài mời mấy vị tiên sinh về không nhỉ? Hay mướn vài liêu thuộc am hiểu thuế ruộng về?
Tứ a ca đắn đo mãi, quyết định chọn mấy cái tên trong danh sách về đây.

Chuyện này cực kỳ quan trọng, nhất thiết phải khẩn trương tiến hành.

Có điều chàng mới ra cung, chưa kịp mở rộng mạng lưới quan hệ, nếu nhờ vả tùy tiện mà làm lộ tiếng gió, thì có khi sẽ bị vướng vào những lời chê trách, nên chàng chỉ đành tìm kiếm trong thầm lặng.

Lúc trong cung thì thấy cứ ra cung là mọi thứ đều sẽ tốt, đến khi ra thật, mới phát hiện mình chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc gì cả.

Tứ a ca ngồi trong thư phòng nghĩ ngợi u hết cả đầu, bèn cất gót sang tiểu viện thăm Lý Vi.

Mới bước tới ngoài tiểu viện, một mùi nước ô mai xộc ngay vào mũi.

Tứ a ca vừa ngửi đã thấy nước dãi tiết ra, hơi nóng toàn thân tiêu tán đi nửa.

Trong phòng chỉ đặt một tảng núi băng ở gian chính, Lý Vi ngồi bên chái Tây, ngăn cách bởi một chiếc kệ trưng cổ.

Luồng khí mát lạnh từ từ lan tỏa, vừa giúp hạ thấp nhiệt độ mà vừa không khiến bà bầu bị cảm lạnh.

“Tứ gia.” Lý Vi đứng dậy đón, lần trước Tứ a ca có nói nàng không cần hành lễ, tránh khi nhún người lại đau bụng.

Tuy Lý Vi tự thấy tư thế hành lễ của mình tao nhã yểu điệu muôn phần, đậm đà hương vị phụ nữ, song cũng chỉ đành tạm thời nghe lời chàng.

Tứ a ca cho nàng ngồi xuống, một mình vòng ra sau bình phong thay quần áo.

Từ thư phòng sang tiểu viện có mấy bước ngắn ngủi mà chàng đã toát mồ hôi đầy người, chàng vốn dễ nóng trong người, thời tiết nóng nôi thế này lại thêm phơi nắng, lúc mới vào mặt mũi chàng đỏ gay, giọt mồ hôi to như hạt đậu trên trán thi nhau chảy ròng ròng.

Khi đi ra, trông thấy núi băng ở gian chính đã được chuyển vào phòng này, đặt ngay trên cái bàn đằng sau chàng.

Lý Vi bảo chàng ngồi xuống, sai người đứng sau núi băng quạt gió cho chàng, cơn mát rượi phả lên tấm lưng thấm tận ruột gan, khí nóng quanh người Tứ a ca chẳng mấy chốc bay biến.

Không còn nóng phát rồ nữa, tâm trạng của chàng cũng tốt lên.

Lúc này mới nhìn thấy vô vàn hoa quả đủ các màu đặt trước mặt Lý Vi: có dưa hấu, dưa lê, táo cắt thành miếng; dưa vàng và nho quả dài thuộc hàng cống phẩm; ngoài ra còn có vải, dâu tây và quả anh đào.

Lý Vi đang cầm một bát sữa chua trong tay, trộn cùng những miếng trái cây, ăn đến là sung sướng.

Sau khi mang thai, nhờ nguồn cung chất lượng nên sức ăn của nàng lại bộc phát, khuôn trăng bây giờ nhỏ nhắn tròn xoe xoe, da dẻ căng mọng trắng hồng.

Nom dáng điệu tận hưởng của nàng hiện giờ, đến Tứ a ca cũng muốn khen một câu, hương sắc Dương phi* bào mòn được cả ý chí của một đời đế vương có lẽ chính bởi vì đã khiến con người ta vô thức lún sâu vào những lối hưởng thụ ấy cùng mình.

*Ở đây chỉ Dương quý phi.

Nhưng vốn dĩ chàng sang tiểu viện là để thả lỏng thư giãn, ở đây cần gì ý chí kiên định.

Lý Vi còn bảo: “Năm nay trời nóng, trái cây ngọt cực kỳ.”
Tứ a ca không cần đũa bạc, đưa tay nhón một quả dâu tây ăn thử, gật đầu bảo: “Đúng là ngọt lịm.

E lại sắp hạn rồi.” Chàng chỉ vu vơ bỏ thêm một câu.

Lý Vi sửng sốt, không tiếp lời.

Thời ở hiện đại nàng cũng hay xem thời sự, tình hình bao giờ cũng là một bên ngập lụt, bên lại hạn hán.

Lúc xem nàng còn nghĩ: nếu ông trời cho hai bên đồng đều thì tốt biết bao? Đằng này một bên kiệt nước, bên kia thì nước quá nhiều.

Thấy nàng ăn ngon miệng, Tứ a a cũng gọi một bát sữa chua ăn.

Lưu thái giám thấy thời gian này Lý Vi không gọi bữa ở thư phòng, biết nàng thận trọng, nhưng vì muốn dựa hơi nàng nên lão lại chủ động hầu hạ, có thứ gì là sẽ lặng lẽ bảo Triệu Toàn Bảo cầm về.

Thường xuyên qua lại như thế, Lý Vi biết ngay từ những ngày trước lúc còn ở A Ca Sở chính Lưu thái giám đã có lòng quan tâm nàng, thành ra cũng thêm một đôi phần thân thiết hơn với lão.

Trái cây trên cái bàn con ngoài dưa hấu ra, còn lại Lý Vi ăn hầu như sạch bách.

Tứ a ca thấy thế, bèn ăn luôn dưa hấu, nói: “Dưa hấu tính hàn, về sau nàng ăn ít thôi.” Đoạn dặn Ngọc Bình, “Sau này đừng đem dưa hấu tới đây nữa.”

Trái cây đầy ra đấy, Lý Vi chẳng tiếc gì một quả dưa hấu.

Dọn bàn con xuống, Tứ a ca rửa sạch bàn tay dính nước dưa hấu ngọt ngào, tựa ra gối bảo: “Lần trước nàng nói muốn làm váy kiểu nhà Hán, ta bận nên quên khuấy đi.

Nhân sắp làm đồ mặc hè, ta nói với phúc tấn rồi, sẽ cắt hai ma ma thêu thùa sang đây.”
Lý Vi không dám sáp lại gần quá vì sợ chàng thấy nóng, ngả người ngồi cách chàng nửa cánh tay, cầm cây quạt tròn chầm chậm quạt cho chàng mát, nói: “Thiếp ở đây cũng đã đủ người.

Bên phúc tấn mới cần dùng hai người chứ.”
Liễu ma ma nói với nàng như thế.

Bên phúc tấn dùng hai ma ma thêu thùa và bốn tiểu a đầu, làm xiêm áo cho phúc tấn và tiểu cách cách.

Còn Tống cách cách và Võ cách cách đều sẽ được ma ma thêu thùa đưa về làm sau khi lấy số đo.

Lý Vi vừa nghe đã hiểu.

Như trang phục của phúc tấn và nàng đây được gọi là thiết kế riêng, ma ma thêu thùa chực bên cạnh luôn, bất cứ khi nào có yêu cầu gì cứ việc nói.

Hai nàng Tống – Võ thì mặc đồ may sẵn, đo kích cỡ rồi chọn kiểu dáng, chất vải là xong.

Chứ đừng nói là được tận hai bà ma ma.

Nàng không dám khước từ hết, được sủng ái lại chẳng sướng rơn lên? Nhưng nàng không muốn độc đáo quá, đặc biệt một chút thôi cũng được rồi.

Vậy nên nàng mới định chỉ giữ một người lại.

Tứ a ca nói: “Hai ma ma, riêng một người làm Hán phục.” Nói xong nhìn nàng, tỏ vẻ “ta chờ nàng chọn”.

Lý Vi ngớ luôn, một người chuyên làm Hán phục, chắc chắn người còn lại sẽ làm kỳ bào.

Hèn nào cần những hai người, thế bảo nàng chọn kiểu gì được đây? Tứ a ca muốn ngắm nàng mặc váy áo thời Hán, còn mong ngóng từ lâu lắm rồi đấy.

Kỳ bào thì buộc phải có rồi, vì nàng đâu thể ru rú trong nhà suốt nhà mùa hè được.

Nhìn nàng rối rắm, Tứ a ca rất lấy làm thích chí, ra chiều nhàn nhã không thúc giục nàng, chốc chốc lại bồi một câu: “Bên phúc tấn dùng hai ma ma đấy”, “Người nàng nhỏ nhắn, mặc váy con gái nhà Hán ắt sẽ đẹp”, “Để họ làm chung cũng tiết kiệm được thì giờ”.

Sau cuối, trước ánh nhìn ung dung của Tứ a ca, Lý Vi ngượng nghịu nói: “…!Thiếp nghe gia.”
Hai bà thì hai bà, dù sao đây có phải lần đầu gây sự chú ý đâu.

Đã cùi, sợ gì lở.

Thây kệ! Lúc còn hưởng thụ được, cứ mặc sức mà hưởng thụ đi.

Thấy nàng gật đầu, Tứ a ca không ghẹo nàng nữa, ghé đầu lại nhỏ giọng bảo: “Vừa khéo, gia cũng định làm mấy bộ đồ kiểu Hán, lúc ấy làm ké nàng luôn vậy.”
Cha chả! Đùa người ta đấy à!
Gương mặt Lý Vi in đậm dòng chữ “Để người ta đùa mình, giờ mới nhận ra, ta khờ quá”, ánh mắt nàng làm Tứ a ca bật cười ha hả.

Sau đó hai người bày trò chơi.

Nhưng lúc đánh cờ vây, xuyên suốt cả ván Tứ a ca toàn chặt đẹp Lý Vi.

Đánh cờ tướng, chặt tiếp.

Lý Vi thua liểng xiểng trông mắt dại cả ra, Tứ a ca thắng liên tiếp thì rất sướng, khi vui vui còn cười một cái.

“Thiếp không thạo những trò đánh cờ lắm.” Thua thảm bại quá, Lý Vi không biết giấu mặt đi đâu, bất đắc dĩ đành biện hộ vậy.

Tứ a ca cũng không muốn chiến thắng nghiêng về một phía hoài, bèn gọi người đem xúc xắc tới, hai người cược lớn nhỏ.

Ngặt nỗi trước đó đám Triệu Toàn Bảo có động tay động chân vào mấy cục xúc xắc, vừa cầm lên tay là Tứ a ca biết ngay.

Tuy Lý Vi biết xúc xắc đã bị tác động, nhưng vì không biết dùng nên vẫn bị chặt chém ác liệt như thường, đến nỗi phải nộp luôn cả cái vòng đeo tay của mình, làm Tứ a ca khoái trái cười ha ha.

Chàng cất số bạc Lý Vi thua vào hà bao thật, tháo luôn vòng khỏi tay nàng, gói trong khăn tay nhét vào ngực.

Lý Vi cứ tưởng chàng giỡn thôi! Thấy chàng lấy đồ đi thật thì hơi đứng hình, Tứ a ca bèn nhìn nàng chằm chặp, lại cười thêm một tràng nữa.

Chơi đến tận giờ ăn tối hai người mới nghỉ.

Sau đó Lý Vi bắt đầu tác quái, cứ đem trâm gài hoa ngọc của mình ra mặc cả, toàn đồ dành cho đàn bà con gái, xem chàng cầm về thư phòng thì cất đi đâu.

Tứ a ca biết tỏng, chàng tịch thu hết theo luật chơi.

Ngọc Bình ôm hộp trang điểm của Lý Vi tới, đặt bên cạnh nàng.

Thua một ván, nàng chỉ lấy hai món trong ấy ra; vậy mà đến khi kết thúc, trong hộp đã trống mất một nửa.

“Tô Bồi Thịnh, đi lấy hộp qua đây cho gia, cảm tạ phần thưởng của Lý chủ tử.” Tứ a ca đẩy cục xúc xắc, cười nói.

Tô Bồi Thịnh đã gọi người lấy sẵn, lúc này mới bưng lại, ấy là một chiếc hòm nhỏ dài, rộng, cao một thước rưỡi làm bằng gỗ hoàng dương, mặt trên khắc một con cóc ngậm viên ngọc trong miệng.

Tứ a ca bỏ hết các thứ châu ngọc mình thắng được vào, tủm tỉm bảo Tô Bồi Thịnh đem đi.

Bấy giờ Lý Vi rất tò mò, trên đường đi sang gian chính, nàng kéo tay chàng bảo: “Gia, chàng lấy những châu ngọc ấy để làm gì?”
Với sự thâm trầm của Tứ a ca, chắc sẽ không làm chuyện gì vô dụng đâu nhỉ? Nhưng hình như mấy món này cũng đâu đáng bao tiền.

Nàng không hiểu nổi.

Ngờ đâu Tứ a ca gãi gãi cằm nàng, nói: “Đồ thắng được đương nhiên sẽ thuộc về ta, sao không cần hả?”
…!Vậy ra chàng chỉ đang giỡn với nàng thôi à?
Trò đùa vui giúp Tứ a ca ăn uống ngon miệng hẳn.

Chàng chén sạch món hoa hòe chưng Lưu thái giám dâng lên; chuyện là lần trước Lý Vi muốn ăn xoan hôi, nhưng khi giải quyết mọi sự xong xuôi thì cũng hết xoan hôi rồi, Ngọc Bình nhớ lấy bèn nhắc Triệu Toàn Bảo, bảo hắn nghĩ cách.

Biết việc, Lưu thái giám liền dâng món hoa hòe chưng này.
Ai ngờ, Lý Vi chẳng ăn được mấy miếng, còn lại Tứ a ca bao thầu.

Rõ ràng chàng rất thích món này, ăn xong thở dài: “Đúng là ngoài thôn dã cái gì cũng lấy làm đồ ăn được, thực là khó cho họ rồi.”
Hôm nay từ lúc sang, đây đã là lần thứ hai chàng than thở.

Có ngốc cũng nhận ra hiện giờ nhất định chàng gặp chuyện nan giải.

Nhưng về nông nghiệp thì Lý Vi dốt đặc cán mai; lúc vừa xuyên không, định lòe một lần nên nàng cũng tìm kiểu sách như “Tế dân yếu thuật” hòng ngâm cứu, song sau khi đọc mới thấy mình đừng nên để lòi cái dốt ra trước mặt cổ nhân là hơn.

Nên lần này nàng lại không tiếp lời, Tứ a ca có hứng tán dóc với nàng, bèn chủ động hỏi: “Dạo này vào kỳ lũ hè, khi ở nhà nàng có từng nghe gì không?”
Cái này thì Lý Vi nói được, nàng bảo: “Có vài điều.

Tỷ như trong nhà mướn cố nông, đa số là dân chạy nạn, vì mướn họ rẻ hơn một phần ba so với mướn người bình thường, có lúc rẻ hơn một nửa.

Còn nữa, mùa thu hằng năm trong nhà sẽ mua rất nhiều lương thực để dự trữ; nếu các nơi như Hà Nam, Sơn Đông gặp hạn hay ngập úng, Hoàng Hà gặp nạn lụt, thì a mã và ngạch nương sẽ sai cố nông quây ruộng đồng ở ngoài thành lại, đào hầm chứa lương thực; còn nuôi chó, dựng thêm rào tre chung quanh kho thóc và nhà cửa để không bị nạn dân cướp bóc lương thực, đánh người phá nhà.”
Sắc mặt Tứ a ca dần trở nên nặng nề, Lý Vi nói tiếp: “Lúc mới vào phủ, nghe nói bốn người Trang ma ma đưa tới chính là nạn dân năm ngoái chạy từ Hà Nam đến đây.”
“Vậy à…” Tứ a ca thở dài, thiên tai vừa ập xuống là nạn dân sẽ tháo chạy ra ngoài, đợi khi thiên tai qua đi, số nạn dân chạy về chưa đầy một phần mười.

Phần đông thanh – tráng niên đều an cư ở nơi khác, về lâu về dài, việc thiếu hụt nông dân sẽ trở thành vấn đề lớn.

Nghĩ đến đây, Tứ a ca mượn thư phòng của Lý Vi, nhanh chóng viết lại điều mình vừa nghĩ tới.

Lý Vi đứng bên mài mực cho chàng, đọc mấy câu rồi nghĩ bụng: chẳng lẽ giờ Tứ a ca đã vào Hộ bộ làm việc, điều tra các khoản thiếu hụt rồi à? Nàng ở cạnh tưởng tượng vẩn vơ, viết xong Tứ a ca bắt gặp ánh mắt nàng trôi đâu lửng lơ, nhân tay cầm bút lông bèn chấm một cái vào cằm nàng, thấy nàng không phản ứng gì, lại vẽ một vòng tròn lên má phải của nàng.

Thấy nàng vẫn cứ ngây ra, Tứ a ca bó tay đành gọi Ngọc Bình múc nước, rửa mặt cho nàng.

Khoan nói tới biểu cảm của Ngọc Bình khi bước vào, lúc lau mặt Lý Vi mới thấy một mảng mực đen chình ình trên tấm khăn, hoảng hốt la toáng, sực bừng tỉnh trong tiếng cười sằng sặc của Tứ a ca.

Cuối cùng Tứ a ca mới giơ tay lau sạch cho nàng.

Lúc lau mặt, Tứ a ca: “Phụt…”
Lý Vi căm phẫn: “…” Thầm nghĩ: được rồi, ta thông cảm cho Tứ a ca còn quá trẻ…!nhưng vẫn thật là khốn kiếp mà…!.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.
Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 28



Sau khi hay tin thiên tai đang hoành hành trên diện rộng, hoàng thượng lại không cho nhóm thái tử can dự vào nữa. Hoàng thượng nói: “Hiện giờ ngoài kia khắp nơi tao ương, trẫm không thể phân thân, e rằng khoảng thời gian ngắn tới đây không để mắt đến chúng được, con là ca ca, phải lo cho chúng nhiều hơn.”

Hoàng thượng đương chỉ nhóm tiểu a ca vẫn đang học ở Thượng thư phòng. Thái tử nghiễm nhiên nguyện gánh nỗi lo vì đức Thánh quân, nói: Nhi thần xin làm tròn trách nhiệm, hoàng a mã giữ gìn long thể. Sau đó liền lui xuống.

Số tấu chương của tiền triều đặt ở Dục Khánh cung cũng được dọn đi.

Sau khi về từ chỗ hoàng thượng, thái tử nhìn cái bàn trống không cả nửa buổi trời mà hơi thất thần. Tất cả cung nữ và thái giám đứng hầu bên cạnh đều nín thở không dám hé răng.

Qua hồi dài đằng đẵng, mới nghe thái tử bình tĩnh nói: “Đi báo với Tam a ca, Tứ a ca và Bát a ca một tiếng… thôi.” Y trở ra chỗ sạp gian ngoài ngồi uống trà, một lúc có người bên ngoài vào bẩm báo: “Điện hạ, Tam a ca, Tứ a ca, Bát a ca tới rồi.”

Thái tử buông chén trà: “Cho mời.”

Ba người bước vào lại nhận ra thái giám không dẫn mình sang thư phòng, mà là đi qua gian phòng nhỏ ở bên. Vừa vào đã thấy thái tử đương ngồi dưới vừng nắng, cạnh đặt một chén trà nóng, hương trà vấn vít lượn đi. Thái tử trông thấy họ, mỉm cười bảo: “Lại đây ngồi. Hôm nay thiện phòng nhỏ dâng bánh bột ngô rất được, các đệ cũng ăn thử xem.”

Ba người lớn lên trong cung, không ai hỏi “sao hôm nay không xem tấu chương”, mà đều vâng lời ngồi xuống, mỗi người một chén trà, uống trà ăn bánh trái.

Thái tử nhìn ba đệ đệ đã ăn xong một cái bánh, mới đứng dậy cười bảo: “Đi, chúng ta đi xem lũ trẻ kia sao rồi.”

Tự dưng đi vào rồi lại đi ra, trước khi rời đi, Bát a ca cầm lòng không đặng ngoảnh đầu liếc qua gian thư phòng gần ngay gang tấc. Cửa phòng khép hờ, căn phòng tối om om, chỉ có nửa vạt nắng hắt vào bên ô cửa sổ trước cửa, luồng không khí trong ánh mặt trời lơ lửng những hạt bụi.

Nhóm bốn người dạo bước sang thư phòng, trên đường đi, thái tử nói rõ: “Bên ngoài hiện nay nhiều nơi gặp nạn, hôm qua lại hay thêm một tin báo gấp. Hoàng a mã thức trắng đêm, các vị đại nhân ở Thượng thư phòng cũng ngủ lại trong cung hàng mấy ngày trời. Chúng ta không giúp được gì thì đừng nên tạo thêm phiền hà, vừa lúc này hoàng a mã không rảnh để ý chuyện học hành sách vở của đám bé con kia, ta bèn xin nhận nhiệm vụ này.”

Những lời ấy vào tai ba người đang nghe, tự nhiên mỗi người một ý.

Nhưng bất luận thế nào, ba người đều đỡ xuôi theo lời thái tử. Tam a ca cười nói: “Chứ còn sao? Không ai ngó ngàng, lũ bé ấy lại chẳng biến thành đàn ngựa hoang mất cương thôi.”

Tứ a ca lắc đầu, nói: “Những đứa khác còn khá, chỉ Tiểu Thập Tứ là láu cá quá.”

Thái tử cười ha ha, nói: “Lão Tứ ơi là lão Tứ, chẳng trách sao hễ thấy đệ là lão Thập Tứ khiếp hồn.”

Bát a ca cũng cười góp vui, nói: “Vừa khéo, lần trước lão Cửu nhờ đệ tìm giúp nó một cuốn sách, để lâu rồi đệ quên khuấy đi, hôm nay không thể lười biếng thêm nữa.”

Đến Thượng thư phòng, lũ trẻ kia vừa học xong nửa tiết, kéo nhau ra ngoài nghỉ giải lao. Thập a ca, Thập Tam a ca và Thập Tứ a ca không sợ nóng, đương xúm xít ở khoảng đất trống trước Thượng thư phòng chơi đánh quay, dây quay bổ từng nhát kêu vun vút. Chúng nhìn thấy các anh lớn đến đây đầu tiên, bèn vội chạy lại chào hỏi.

Thái tử ôn tồn: “Sáng nay học có tập trung không? Có bị thầy mắng không?”

Ba tiểu a ca nhất tề đáp: “Tập trung lắm!Tập trung lắm! Thầy còn khen nữa kia!”

Thái tử xoa đầu lần lượt từng đứa một, xắn tay áo bảo: “Đã vậy, Nhị ca sẽ thưởng cho các đệ, trổ tài chơi cho các đệ xem hay!” Y nhận sợi dây quay thái giám đưa, không biết cổ tay vung lên kiểu gì, sợi dây khéo léo móc lấy con quay, ba con quay dưới đất đều như sống dậy xoay tít vòng vòng, chốc thì cả ba con xếp thành hàng ngang, chốc lại đứng thẳng một hàng dọc.

Thái tử còn biết bổ dây cho từng con bay vụt lên trời, rồi lại tuần tự rơi xuống, và lại còn quay tiếp được.

Ba đứa bé hiếm khi được xem cách chơi đẳng cấp thế này, đứa nào đứa nấy nhiệt liệt vỗ tay cổ vũ, khiến mấy a ca trong phòng ló ra xem cả, đứng quây thành vòng tròn xem thái tử biểu diễn trò đánh con quay.

Tam a ca và Tứ a ca đứng một bên. Tam a ca nói: “Chiêu này của thái tử thực là cao thâm khôn lường, lão Tứ, đệ có được không?”

Tứ a ca nói: “Tam ca khỏi phải nói đệ, hay là huynh lên thử xem?”

Tam a ca cười khà khà, phe phẩy cây quạt bảo: “Trò này thì Tam ca của đệ bí chết mất thôi.” Nói xong ngửa đầu nhìn trời, giơ quạt che trên đầu, bảo: “Hôm nay sao nóng lạ lùng.”

Từ hôm ấy trở đi, hằng ngày đúng ba giờ sáng là thái tử sang thư phòng, khi thầy giảng bài thì y ngồi yên ở cạnh lắng nghe; thầy giảng xong, y mới đi xuống hỏi từng đứa em đã hiểu bài hay chưa? Những đứa mới tập viết đều được y nắm tay dạy viết, đến cả Bát a ca cũng được y tận tình dạy một lần, cầm tay dạy viết hẳn một trang chữ trước mặt đám tiểu a ca. Làm hôm sau Bát a ca đã nghiêm túc nộp ngay năm mươi trang chữ, từ đó không còn dám viết qua loa cho có lệ nữa.

Để xếp giờ xen kẽ với thái tử, Tam a ca và Tứ a ca đổi lịch thành mỗi ngày mười giờ mới vào cung, học bài với bọn đệ đệ, đi bắn cung, dùng điểm tâm.

Trên triều thì lại bận tíu tít cả lên. Hoàng thượng đã bắt đầu cắt giảm khẩu phần ăn, hậu cung theo đó giảm bớt chi tiêu. Phủ đệ của đại thần trong kinh hẳn nhiên phải noi gương trên mà làm.

Phủ Tứ a ca, phúc tấn cũng lên tiếng rằng cần giảm các khoản chi tiêu. Trang phục mùa hè năm nay tạm không làm, nhưng đồ cho tiểu cách cách và Lý thị thì vẫn làm như lệ cũ, hai người này một người là đứa con duy nhất trong phủ, đâm ra không thể cắt giảm; một người đang có mang, cũng không bớt đi được.

Lý Vi đợi chờ gần nửa tháng, kết quả hay tin hết phải ăn ít, rồi thì là phải tiêu ít lại. Mỗi thế thôi á?

Có hời hợt quá không!!!

Ngọc Bình thấy nàng vẫn chưa chịu bỏ cuộc, khuyên đi đốt nhang thì ngày nào nàng cũng đi rồi, người trong hậu viện đều đi cả, nàng không đi hiển nhiên là không ổn. Nàng ta khuyên Lý Vi cứ thắp hương, niệm Phật, dốc hết tấm lòng là được.

Đi cái con khỉ!

Lý Vi không chấp nhận được mấy thứ giả dối sáo rỗng thế này!

Ngọc Bình nói: “Chủ tử ơi, chủ tử kính yêu của nô tỳ ơi. Cái khác người mặc kệ được, nhưng phải xem Tứ a ca, phúc tấn làm thế nào chứ? Bình thường người hiểu chuyện, biết lẽ bao nhiêu, sao lúc này lại bướng rồi?”

Thực sự chỉ còn nước đi thắp nhang thôi à? Trong phủ không thèm phát cả cháo luôn đấy à?

Lý Vi đỏ mắt. Lần đầu tiên nàng cảm giác được rõ ràng rằng mình đã bị người ta nhốt lại. Không chỉ là tự do cá nhân, mà còn là tự do tư tưởng. Lúc ở hiện đại nàng cũng chỉ là một con sâu gạo, nhưng vì có internet nên không hề bị tách rời với thời đại, và chẳng một ai hạn chế nàng làm gì. Làm sâu gạo ở cổ đại suốt mười mấy năm, khi ở Lý gia cũng không thấy mình bị gò ép ở đâu, nhưng ngay bây giờ đây, nàng cảm nhận được rồi.

Nàng được gả cho nhà người, từ đây nàng đã trở thành một món đồ. Hết thảy mọi chuyện đều phải làm như những gì người khác yêu cầu, dẫu có muốn làm vài chuyện tốt thôi, cũng phải răm rắp nghe theo người khác.

Ngọc Bình thấy nàng không cố chấp nữa, vừa thoáng thả lỏng lại phát hiện tinh thần cách cách bỗng chốc xuống dốc. Làm sao nên nỗi này? Đang mang thai đấy! Hơn nữa nếu Tứ a ca sang đây bắt gặp, thể nào cũng gán cho cách cách tội hờn oán cho xem.

Có điều dạo này Tứ a ca bộn bề lắm việc, chắc không sang đây đâu nhỉ?

Ngọc Bình mới khấn xin Tứ a ca tuyệt đối đừng đến, Tứ a ca đương lúc rảnh đã đến ngay. Vừa vào cửa trông thấy nét mặt Lý Vi bất thường, như là phải nín nhịn điều gì trong bụng.

Chàng quét mắt qua Ngọc Bình hầu hạ trong phòng, thấy cung nữ này cũng lộ vẻ hoang mang, lo lắng nhìn Lý thị.

Hai người dắt tay nhau ngồi xuống, chàng liếc Tô Bồi Thịnh. Hắn liền kéo Ngọc Bình ra ngoài.

Tô Bồi Thịnh kéo Ngọc Bình ra khỏi phòng, nói: “Ngày thường nom cô cũng gọi là có mắt, sao hôm nay đứng đực trong phòng thế kia? Không thấy Tứ gia muốn trò chuyện với Lý chủ tử nhà các người hay sao?”

Ngọc Bình sốt ruột giậm chân, song không dám để lộ nửa câu nào, đành cúi đầu nhận lỗi.

Tô Bồi Thịnh cũng nhận ra e là a đầu này đang giấu giếm điều gì cho Lý cách cách, nhưng Tứ a ca muốn biết, giấu kiểu gì đặng?

Trong phòng, Tứ a ca và Lý Vi ngồi bên nhau, vì trời nóng nên hai người không kề sát vào, mà chỉ nắm tay. Lý Vi cho dâng trà và bánh ngọt, nhắc chuyện những món bánh ô mai, bánh đậu đỏ mà thiện phòng đưa sang đều rất ngon. Sau đó chẳng buồn hé miệng nữa.

Ngày xưa tính nết nàng ra sao, Tứ a ca là người rõ nhất. Chàng không hỏi thẳng, nắm tay nàng nhẹ nhàng xoa nắn, đưa lên bên môi khẽ hôn. Chỉ chốc lát sau, Lý Vi đã không kìm nén nổi nữa, hơi ấm ức nhìn sang chàng.

Thế là có chuyện muốn xin chàng à?

Tứ a ca không nhịn được nghĩ xem gần đây có chuyện gì lại làm nàng thấy ấm ức, liền nhớ ra trước đó chàng từng nhắc với phúc tấn cho người nhà của mấy vị cách cách vào đây thăm nom. Song thời gian này do bận quá, hình như phúc tấn vẫn chưa có dịp nào làm được.

Chàng bèn nói: “Muốn gặp người trong nhà à?”

Lý Vi mở mịt sững ra, chàng vừa nhìn, biết ngay là đoán sai, vậy thì là chuyện gì?

Bên này, Lý Vi đã đáp theo lời chàng: “Đúng là hơi muốn, nhưng dạo gần đây nhiều chuyện quá, thời tiết lại oi bức, đợi khi mát trời hẵng gặp vậy.” Nàng đúng thật là không phải quá muốn gặp người của Lý gia. Có lẽ vì xưa kia đi học không được gặp người nhà khi sáu tháng, lúc một năm đã thành quen, thêm nữa nàng cũng chẳng phải con nít thật, nên không quá bện hơi gia đình. Người trưởng thành vốn đã biết tự lập.

Tứ a ca “ừ” tiếng, nhéo khuôn cằm nhỏ nhắn của nàng: “Vất vả lắm gia mới tranh thủ sang đây thăm nàng được, nàng đối xử với gia như thế à?” Nhìn bộ mặt phụng phịu ấy kìa.

Chàng nói thế, Lý Vi nhăn mày ngay, mặt hầm hừ hờn dỗi: “Gia, ngoài kia gặp thiên tai, thiếp muốn lấy ít bạc đi mua ít đồ đưa ra đấy.”

“Ồ.” Tứ gia không ngờ nàng sẽ nhắc chuyện ấy, nói: “Ít bạc của nàng vẫn nên giữ dưới đáy rương thôi. Bên ngoài có người lo việc này rồi, nàng có lòng thì năng vào tiểu Phật đường thắp mấy nén hương.”

Nói xong lại nghĩ, Tứ a ca hơi ngẩn người, hỏi nàng: “Sao nàng lại muốn làm việc này?” Quyên bạc cho nạn dân à? Nghe có hơi hoang đường, viển vông đấy.

Phận gái chốn khuê phòng gặp một tiểu a đầu khóc than cảnh đời, người ta khóc hai tiếng đã cho mấy lạng bạc và nửa xấp vải. Mấy vạn nạn dân chỉ có thể khiến họ sợ hãi mà ngủ không yên, biết thắp hương cầu phúc đã là được rồi. Quyên bạc ư? Mới nghe lần đầu.

Lý Vi bèn bảo trước đây hễ vào mồng một, mười lăm, ngày Phật đản, và cả năm thiên tai, nhà nàng đều sẽ làm ít bánh bao đưa đến cửa chùa miếu phân phát.

“Hóa ra là vậy, nền nếp Lý gia rất khá.” Tứ a ca hài lòng gật đầu, Lý Vi vội bảo: nghĩ là trong cung gặp chuyện này, nhất định phải làm rất nhiều thứ, nàng thấp bé sức mọn, đành quyên mấy chục lạng bạc để biểu lộ tấm lòng thành.

Lòng Tứ a ca chùng xuống, sao? Lý thị muốn đánh bóng tên tuổi à?

Chàng nghe Lý Vi nói tiếp: “Nhưng, nhưng… lại bảo là không được. Các mẫu phi trong cung đều phải giảm phần ăn, nhà ta cũng giảm chi tiêu, không phát cháo cũng không quyên bạc… Thiếp không muốn chỉ thắp hương thôi là xong việc.”

Nàng nói rời rạc lộn xộn, nhưng Tứ a ca vẫn hiểu, chàng thở phào một hơi rồi lại thấy khó xử. Đây là tấm lòng nghĩa tình khó có của Lý Vi, nhưng hoàng thượng đã tỏ thái độ rồi.

Chàng thầm thở dài trong bụng, gần đây đúng là có đại thần đề xuất việc cho phép mở cửa kho thóc nhà nước nhằm cứu trợ những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề vì thiên tai, song hoàng thượng bác bỏ. Thóc nhà nước, kho nhà nước và lương thực nhà nước đâu thể cho mở dễ vậy được, ngộ nhỡ lưu dân kéo nhau ùa vào cướp bóc lương thực và kho bạc, thì sẽ bị tịch biên tài sản và phải tội chém đầu. Lúc ấy sẽ tạo nên mối liên lụy rất lớn.

Một khi phải dùng binh trấn áp lưu dân, thanh danh của triều đình sẽ bị hủy hoại ngay. Hoàng thượng cũng hết sức lăn tăn, người phía dưới đương nhiên cũng không dám vỗ ngực cam đoan sẽ không xảy ra sự cố gì.

Thuở xưa gặp năm thiên tai, phe phái của Chu Tam thái tử* từng nổi dậy đầu độc những ngu dân vô tri. Vậy nên hiện giờ người dân cũng không cho các hộ nhà giàu ngoài quan phủ dựng lều cháo tại chùa miếu, cứu tế nạn dân, thu phục lòng dân nữa.

*Từ án Chu Tam thái tử: Chu Tam thái tử (hay còn gọi là Sùng Trinh Tam thái tử – con trai Sùng Trinh đế, Minh Tư Tông) là tên do nhóm dân sĩ muốn phản Thanh phục Minh dưới danh nghĩa hậu duệ hoàng tộc triều Minh, vào đầu triều Thanh đặt, lấy hiệu kỳ của cố quốc khởi binh chống đối triều đình. Vào đời Khang Hy, xuất hiện hơn mười án “Chu Tam thái tử” có thật trong lịch sử.

Trừ lần đó ra, việc hoàng thượng đột nhiên sai thái tử cho các tiểu a ca theo học với mình cũng khiến Tứ a ca không dám nghĩ sâu xa. Tại thái tử vô tình chọc giận hoàng thượng ư? Hay là…

Mỗi lần nghĩ tới đây, Tứ a ca lại thấy không rét mà run.

Chàng ôm ghì Lý Vi, trời nóng nôi nực nội, ngồi trong lòng chàng lại là người con gái đang mang thai đứa con của chàng, tuy mình mẩy toát hết cả mồ hôi, Tứ a ca lại như đương ôm một trọng trách nặng trình trịch, tức khắc thấy kiên định hơn hẳn.

Chàng dịu dàng bảo: “Nàng có lòng này là tốt, chi bằng thế này, ta đem đi quyên cho nàng có được không? Nàng muốn dùng vào chỗ nào?”

Lý Vi hớn hở ngay, dựa trên những chiến lược mà ở hiện đại nàng từng được xem trên mạng, thì thứ thiếu nhất ở vùng thiên tai hẳn là thức ăn, nước và các thứ thuốc cơ bản. Bạc của nàng ít ỏi, mua gì cũng được, Tứ a ca dùng bạc của chàng thế nào, cứ gom lại quyên chung là được.

Nàng gọi Ngọc Bình ôm cái tráp nhỏ đã chuẩn bị sẵn ra đây, đưa vào tay Tứ a ca. Tráp tuy bé, nhưng khá nặng tay, cầm một cái là chùng hẳn xuống.

Tứ a ca không đưa lại cho Tô Bồi Thịnh mà tiện tay đặt sang bên. Đoạn ngồi xuống nói chuyện với Lý Vi thêm lúc nữa mới quay về thư phòng, trước khi đi chàng tự tay ôm tráp, nói: “Buổi tối ta sẽ sang dùng bữa tối với nàng.”

Lý Vi tiễn ra cửa, mặt tươi phơi phới vẫy khăn tay với chàng. Giao tráp xong, mọi tâm sự của nàng phút chốc bay biến. Hết cả buồn bực, thì lại chẳng có tâm trạng để cười rồi đây sao?

Thấy Tứ a ca đã đi khuất dạng, nàng bèn ngoảnh lại nói với Ngọc Bình vẫn đang nhăn nhó: “Thế là xong chuyện, ngươi còn trưng cái bản mặt mướp ấy mà làm chi? Ta đói rồi, hỏi thiện phòng xem có món bánh hồng loại nhân sữa dê lần trước ăn không. Bảo họ liệu rồi làm một đĩa.”

Tứ a ca về thư phòng, đặt tráp xuống bàn kêu “cạch” một cái. Tô Bồi Thịnh thoáng nhìn, cười nói: “Nghe tiếng có vẻ nặng đây, sao a ca lại tự cầm? Bọn nô tài còn biết làm gì nữa?”

Dâng trà lên, Tứ a ca ngồi xuống mở tráp, phía dưới là những cục vàng vụn lẻ, đằng trên là cục bạc và hào bạc. Số vàng bạc trong tay phụ nữ ở hậu viện đa phần đều được đánh thành hình dạng những hạt lạc, hồ lô cho các nàng cầm chơi, lúc thưởng cho người khác trông cũng nhã. Hầu hết vàng, bạc vụn là những miếng vàng, tiền hào gom góp lại, được người ta đem đi nung chảy, sau đó để làm vốn riêng.

Chiếc tráp này có lẽ là vốn liếng của Lý thị. Tuy nàng xuất thân từ đại tuyển, nhưng của cải Lý gia không nhiều, thứ nàng mang được lúc vào cung cũng có hạn. Bình thường chàng thưởng cho nàng, đồ thưởng phần nhiều là vải vóc và những thứ đồ chơi.

Tứ a ca thở một hơi dài, đóng tráp lại chuyển cho Tô Bồi Thịnh, nói: “Cất cho kỹ vào.”

Số bạc này vốn định sẵn là không quyên được rồi.

Buổi tối, lúc Tứ a ca sang tiểu viện trông thấy Lý Vi đã tươi cười lại như trước. Tâm sự của nàng đi đúng là nhanh. Ôm lòng hâm mộ, Tứ a ca ngồi xuống, chàng ở thư phòng vận động trí óc suốt ngày trời, chẳng đọc được mấy trang sách, chẳng viết được bao con chữ, ấy mà nỗi băn khoăn càng nghĩ lại càng nhiều thêm, đến tận giờ cảm thấy đầu óc tê liệt đi cả.

Vừa về hậu viện là không muốn nghĩ gì nữa, bèn cho tinh thần thư giãn nghe Lý thị nói chuyện.

Vì Lý Vi mang thai nên nguồn cung chỗ nàng không hề thay đổi. Có giảm thiện thì cũng không giảm ở chỗ nàng, đồ ăn vẫn do nàng gọi như thường. Nhưng nghĩ tối nay Tứ a ca sang đây ăn cơm, nàng cũng không dám đòi hỏi nhiều nhặn.

Một món gà luộc, ăn nguội không nóng; một món tôm nõn xào dưa chuột, cũng gọi là thanh đạm; một món sườn kho chua ngọt, vị chua chua ngọt ngọt rất hợp ăn ngày hè. Và có thêm hai món rau trộn: một là bì heo trộn, bì heo chiên cho giòn rụm rồi om lên, sau đó đem trộn; món còn lại là lạc trộn rau củ*.

*Tôm nõn xào dưa chuột

*Sườn kho chua ngọt

*Bì heo trộn

*Lạc trộn rau củ

Tứ a ca nhìn cả bàn đồ ăn lại không thấy có món cay, tưởng nàng gọi theo khẩu vị chàng, bèn nói: “Gọi vài món nàng thích ăn đi.”

Lý Vi mỉm cười bảo Ngọc Bình bưng một bát nước chấm ớt cay lên, dạo này nàng cứ thích kiểu rưới thứ nước này vào cơm trộn ăn. Nàng trộn cả bát cơm thành một màu đỏ tươi, ăn kèm đồ ăn nhẹ, chẳng mấy chốc mà đã ăn hết một bát, khi ăn đến bát thứ hai mới phát hiện Tứ a ca còn chưa ăn hết nửa bát.

Nhìn Tứ a ca gắp từng hạt lạc ăn cứ như thể uống thuốc, trông không như là không có hứng ăn, mà giống như có điều bâng khuâng trong bụng.

Tô Bồi Thịnh nháy mắt ra hiệu thiếu điều co rút cả mí mắt, mà nàng chủ tử này vẫn chẳng nhận ra. Hắn đương nghĩ xem có nên bảo Ngọc Bình lên nhắc không, lại lo bị Tứ a ca phát giác, thì bỗng nhìn thấy Lý Vi vươn tay cầm bát cơm trước mặt Tứ a ca lên.

Con ngươi hắn suýt rớt ra ngoài, Tứ a ca cũng ngây người, “Sao thế?” Tay chàng giữ bát lại.

Lý Vi nói: “Thêm một bát nữa là thiếp no căng rồi, thiếp thấy chàng không ăn, thiếp bèn ăn luôn nửa bát này của chàng, rồi thêm mì cho chàng ăn vậy.”

Bấy giờ Tứ a ca mới hiểu nàng muốn khuyên mình ăn cơm, lắc đầu bảo: “Chưa đến nỗi ấy.” Đoạn nhìn Ngọc Bình, “Múc ít đồ vào bát của chủ tử nhà ngươi thôi.” Kế đó chàng ăn nốt hai, ba miếng cơm còn lại.

Dùng bữa xong, Tứ a ca không định rời đi, mới gọi thùng nước vào tắm. Lúc chàng ngâm mình, Tô Bồi Thịnh đang làm hiệu cho Lý Vi rằng đợi sau một canh giờ nữa rồi gọi bữa điểm tâm là tốt nhất. Giờ là sáu giờ, tám giờ gọi là đẹp.

Ý hắn muốn Lý Vi dỗ Tứ a ca ăn thêm chút gì. Lý Vi hiểu thì có hiểu, song cũng muốn hỏi lý do, đâu thể để một thái giám nói gì là nàng làm theo ngay được. Dù hắn là thái giám hầu cận Tứ a ca cũng không được.

Nàng nói: “Tô tổng quản, không phải ta không nghe ngươi đâu, nhưng ngươi phải nói rõ ngọn ngành cho ta nghe.”

Tô Bồi Thịnh rối rắm hồi lâu, vẫn không chịu nói.

Hắn không nói, Lý Vi cũng không hỏi gặng. Dù sao các món điểm tâm chỗ nàng có rất nhiều. Khi Tứ a ca ngâm nước xong đi ra, lúc này một người viết chữ, một người đọc Kinh. Loáng cái đã đến tám giờ, Lý Vi cũng đói lắm, bèn nảy ý muốn ăn bánh trôi nhân thịt. Bánh này cũng giống bánh trôi bình thường, chỉ là ở trong có nhân thịt heo.

*Bánh trôi nhân thịt

Tô Bồi Thịnh ngăn Ngọc Bình lại, cho người về tiền viện truyền tin để thiện phòng bên đó làm.

Chẳng bao lâu, bánh trôi nhân thịt đã đến, cỡ bánh không lớn, mỗi bát sáu viên. Trời mùa hè oi nồng đi ăn bánh trôi, làm Tứ a ca dở khóc dở cười. Cung phi trong cung mà mang thai, ăn gì đều phải nghe lời ma ma, không thể để họ ăn bậy ăn bạ. Chỉ có ở trong phủ, chàng nuông chiều nàng, phúc tấn cũng không quản thúc nàng, mới khiến nàng liên tục nảy ra các ý tưởng mới lạ như thế.

Nghĩ tới đây, trong lòng Tứ a ca khoan khoái hơn phần nào, cả ngày hôm nay chàng chưa ăn được gì, bèn bưng một bát ăn. Chủ yếu vì thấy Lý Vi ngồi cạnh ăn ngon quá, làm chàng cũng thấy thèm. Cắn một miếng, may thay đây là thịt tươi, mặn mặn thơm mềm, nếu thực là nhân ngọt thì đúng là không sao ăn nổi.

Tô Bồi Thịnh đứng cạnh thấy Tứ a ca ăn một bát, mới nhẹ nhõm thở phào.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.