Thái tử bắt đầu kéo ba huynh đệ đi đọc sách cùng mình.
Danh sách những cuốn sách mà hoàng thượng liệt kê cho thái tử xem chừng khá là phức tạp, trong đó có không ít những sách vở lưu trữ trong cung liên quan đến kỳ lũ mùa hạ.
Ngoài ra cũng có rất nhiều tấu chương trình bày về vấn đề trị lũ Hoàng Hà được tìm thấy trong dinh quan của tiền triều, và đều là những sách không lưu hành rộng rãi.
Trước kia ba vị a ca chưa từng được thấy những bản tấu sắc minh hoàng in dấu ngọc tỷ của tiền triều này, trên đó còn có dấu phê mực đỏ của thái giám thời ấy.
“Hoàng a mã đã phê ngự bút vào số sách này rồi mới được đem ra, các đệ hãy đọc ở đây, không được sao lại đâu đấy.
Muốn trích dẫn tóm tắt thì lấy giấy bút bên kia.” Thái tử nói.
Đây toàn là những sách rất có giá trị, suy cho cùng Mãn Thanh nhập quan chưa đầy một trăm năm, hãy còn rất bỡ ngỡ trước miền đất Trung Nguyên này.
Họ học chữ nghĩa của người Hán, bổ nhiệm quan viên người Hán, ngay cả chế độ quan lại, phong tục tập quán đều học tập từ người Hán.
Trị quốc cũng là như vậy.
Hiện giờ người trong triều dẫu chỉ ôm một mối vấn vương nhỏ nhoi về tiền triều thôi, thì cũng sẽ chuốc phải họa sát thân.
Ba vị a ca tuy là phượng tử long tôn, song lại càng không dám vượt quá giới hạn; huống chi từ trước tới nay điều họ nghe chỉ có Mãn Thanh vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế, vậy mà nay lại được thấy một đống tấu chương của nhà Minh đời trước, hoàng thượng còn bảo thái tử học, thái tử còn phải nghiền ngẫm cặn kẽ mà làm đủ bài tập.
Kết quả bản tấu tiền triều đương cầm trong tay, lúc mở ra nét mực như mới, được bảo quản rất tốt; chữ nào cũng biết, song hết nửa buổi trời vẫn đọc không vào, khiến người nào người nấy đều hơi mất hồn mất vía.
Tam a ca là người đầu tiên bỏ cây bút xuống, ra ngoài dạo quanh một vòng.
Bát a ca đứng dậy, quay mặt nhìn tường độ chừng một khắc mới bình tĩnh lại được.
Tứ a ca mài cho mỗi người cả một nghiên mực đầy ứ.
Thái tử đang viết chữ, Tứ a ca đứng cạnh bàn học của y, cổ tay xoay đều mài thỏi mực.
Lúc viết xong một nét, thái tử chấm thêm mực, thì trông thấy mực trong nghiên sắp tràn cả ra, cười bảo: “Được rồi, được rồi, lão Tứ.”
Bấy giờ Tứ a ca mới hoàn hồn, vội đặt thỏi mực xuống tạ tội.
Thái tử đỡ chàng, cười nói: “Tính đệ như thế là tốt.
Ngây người cũng không để lỡ việc.”
Tứ a ca nói: “Khi đệ đệ không làm gì, lại càng khó tĩnh tâm.”
“Vậy bây giờ đã tĩnh lại rồi chứ?” Thái tử gõ chồng tấu chương đặt một bên.
Tứ a ca nhìn sang, cung kính nói: “Thần đệ đã trấn định lại rồi.”
Thái tử tiện tay cầm ba, năm cuốn ra đặt trước mặt chàng, nói: “Vậy thì đi đi.
Tiền triều kéo dài hai trăm bảy mươi sáu năm.” Y vỗ vỗ tấu chương, “Trong đây chứa vô vàn kinh nghiệm, đệ hãy cầm đọc kỹ, phải nhấm nuốt từng chữ từng câu.”
Lúc nhận lấy tấu chương, Tứ a ca chưa khi nào khẳng định chắc rằng đây là giang sơn của người Hán thế này.
Những điều họ đương làm bấy giờ, chính là học cách thống trị bức họa giang sơn này từ người Hán.
Điều ấy làm người từ lâu đã quen với tư tưởng non sông Đại Thanh thiên thu vạn đại như Tứ a ca có phần khó chịu, như thể bị người ta đánh một gậy vào đầu.
Nhưng ngay sau đó là một niềm hăng hái trào dâng ngút ngàn.
Hoàng đế tiền triều đã đánh mất giang sơn của mình, việc người Mãn nhập quan là nhận mệnh trời ban, là điều vạn dân khao khát.
Sau một phen tự khích lệ, lần thứ hai mở tấu chương ra đã không còn kích động như thế nữa.
Khi Tứ a ca bắt đầu ghi chép, Bát a ca cũng thôi nhìn tường, ánh mắt y rực sáng có thần, ngồi xuống không nói năng gì, mà chỉ cặm cụi trích dẫn.
Tam a ca cũng dạo bộ xong.
Thái tử ngồi ở trên, thấy ba huynh đệ đằng dưới đều mang bộ mặt nghiêm túc, thì hân hoan nở nụ cười.
Nhớ lần đầu khi nhìn thấy hoàng a mã cầm tấu chương của tiền triều ra, y cũng sững sờ hồi lâu.
Hoàng a mã bảo y: người Mãn xuất thân từ thảo nguyên, ấy là một nơi khác hoàn toàn với nước non người Hán.
“Nếu không học theo cách người Hán cai trị đất nước mình, vậy có đánh họ cũng vô ích.
Trước sau gì rồi chúng ta cũng sẽ đuổi người Hán về thảo nguyên.” Hoàng a mã nói giọng phức tạp, khẽ vuốt lớp bìa ngoài màu vàng rỡ của tập tấu chương.
Người Mãn quá ít mà người Hán lại quá nhiều.
Kể từ khi đó, thái tử đã cảm thấy chừng như có vô số người Hán như hổ rình mồi lăm le sau lưng, chực chờ từng giây phút hòng tóm lấy cơ hội đánh cho người Mãn chạy về thảo nguyên.
Giang sơn này bảo đánh thì dễ, song khó mà yên vị.
Lúc bốn giờ dùng điểm tâm xong, trước khi cổng cung đóng, thái tử tiễn Tam, Tứ a ca ra cổng.
Bát a ca được nán lại một thời gian, bởi dẫu sao A Ca Sở cũng nằm trong cung.
Hai chàng a ca đi đến ngã rẽ thì vẫy tay chào nhau, ai về phủ nấy.
Tứ a ca mang theo tùy tùng phóng ngựa chạy như bay, chung quanh người qua lại tránh đường phần nhiều là người Mãn.
Trong thành không có quá nhiều người Hán.
Ngày trước Tứ a ca chưa từng nghĩ đến chuyện dân số người Hán và người Mãn là bao nhiêu, nhưng lúc này ngẫm lại, tự hỏi trong thành này có bao nhiêu người Mãn? Và ngoài thành có bao nhiêu người Hán?
Bỗng dưng chàng thấy lưng mình dần lạnh toát.
Về tới phủ, trong thư phòng còn để cuốn sách hôm qua chàng đọc.
Thay áo quần xong, chàng đánh dấu trang mấy cuốn đọc dở rồi gác sang một bên, đoạn rút từ kệ sách tờ công báo của những năm trở lại đây lật xem tỉ mỉ.
Ngày xưa cùng lắm chàng chỉ đọc lướt nhanh qua, và chỉ chú tâm vào tình hình phân bố thế lực của các gia tộc trong công báo, tỷ như về Đồng Giai thị và các Kỳ chủ, vương gia.
Lần này chàng đọc từ những châu, huyện, vừa đọc vừa lấy bút ở cạnh chép lại.
Bận một cái là quên hết cả thì giờ.
Lúc ở chỗ thái tử, Tô Bồi Thịnh đứng hầu ngoài điện, không rõ chuyện diễn ra bên trong.
Nhưng Tứ a ca không dùng bữa là trách nhiệm của hắn.
Hắn lưỡng lự lúc lâu, thấy Tứ a ca đóng một cuốn lại, khi sắp sửa cầm cuốn tiếp theo, bèn tiến tới gần chen miệng bảo: “Gia, hôm qua người nói muốn sang chỗ Lý chủ tử dùng bữa…! Giờ…”
Tứ a ca ngẩn ra, nhìn cái đồng hồ Tây Dương để bàn bên cạnh, kim đồng hồ sắp chỉ tám giờ.
Nhưng vẫn chưa đọc xong công báo…! Chàng hỏi: “Nàng đã dùng bữa chưa?”
Tô Bồi Thịnh thưa: “Ban nãy nô tài sai người đi xem, Lý chủ tử vẫn chưa gọi bữa.” Dừng một thoáng, lại nói: “Lý chủ tử cho người chuẩn bị món mì xào thịt bò om.”
Thuở trong cung Tứ a ca rất khoái ăn mì, đặc biệt là mì xào ăn cùng các loại rau trộn nguội.
Quả nhiên nghe Tô Bồi Thịnh nói thế, Tứ a ca nghĩ ngay đến món canh thịt bò và thịt bò om đậm đà, trong có mộc nhĩ đen và dưa chuột thái hạt lựu.
Nước canh thơm ngon, nêm nếm tròn vị.
Từ lúc bốn giờ chàng đã dậy nên chưa bỏ bụng thứ gì, khi không nghĩ đến còn đỡ, giờ nghĩ đến rồi lại thấy đói sắp lủng cả dạ.
Tô Bồi Thịnh vẫn đứng khép nép đợi, thấy Tứ a ca không lấy tấu chương nữa, mà đứng dậy bảo một câu: “Sang chỗ Lý chủ tử của ngươi đi.” Hắn mới thở phào nhẹ nhõm, mau mắn gọi người thắp đèn lồng.
Đi từ trong phòng ra viện mới nghe thấy tiếng côn trùng râm ran khắp viện, nhưng hễ người và lồng đèn tới gần là mọi tiếng bặt tăm.
Tứ a ca nhớ về câu chuyện ngày bé cùng tiểu thái giám trong cung rúc vào xó vén những lát gạch, phiến đá lên tìm bọ dưa hấu.
Vừa mới nhặt con bọ lên, nó liền cuộn người thành một cục tròn vo, vỏ nó cứng cáp, hoa văn làm gì có điểm nào giống quả dưa hấu.
Chàng còn hỏi tiểu thái giám hầu hạ mình: Tại sao lại gọi là bọ dưa hấu? Tiểu thái giám cũng không biết, đành đáp: “Từ nhỏ nô tài đã biết nó tên bọ dưa hấu, mọi người đều gọi vậy…”
*Bọ dưa hấu (bọ viên)
Mọi người đều gọi vậy, và cũng chẳng có ai quan tâm khi cuộn mình lại, rốt cuộc nó có giống dưa hấu hay không.
Đợi khi người Hán làm quen được với sự thống trị của người Mãn, họ cũng sẽ không đâu để ý đến khác biệt Hán – Mãn nữa.
Bước chân Tứ a ca đi nhẹ hẳn một đôi phần.
Trong tiểu viện, Tô Bồi Thịnh đã cho người thông báo trước.
Mặc dầu Tứ a ca chưa tới, Lý Vi chưa dùng bữa nhưng miệng thì vẫn nhai hết năng suất.
Ngọc Bình lo lát nữa nàng không ăn mì nổi, mới ngấm ngầm lót thêm rất nhiều đồ ăn dưới bát mì, bớt đi non nửa số mì.
Chẳng mấy chốc Tứ a ca đã đến, không bảo chi nhiều lời, Lý Vi nói đôi câu rồi mời chàng đi dùng bữa.
Đồ ăn trên bàn không nhiều, trước mặt hai người có một bát canh thịt bò, uống mấy miếng là mì được bưng lên.
Các nguyên liệu đã được bày sẵn bên dưới mì, rau dưa ăn kèm được xếp trên cái đĩa con đặt trước mặt.
Tứ a ca thích vị gì thì sẽ mãi một lòng với vị ấy: vẫn là trứng vịt bắc thảo thêm nước tỏi, rưới thêm một thìa xốt thịt bò, ăn cùng tỏi ngâm đường nữa là một bát mì xuống bụng trong một tích tắc.
Vừa khơi mì ra, Lý Vi biết ngay lượng mì ở bát nàng ít hơn, nàng cho thêm dầu ớt, dầu tiêu, nước tỏi cùng với thịt bò om.
Chưa ăn hết mì mà nàng đã sắp xử lý xong một đĩa toàn những lát thịt bò mỏng phấn hồng rồi.
Thấy hôm nay Tứ a ca ăn cơm rất tốc độ và cũng rất tập trung, Lý Vi bèn lặng im không nói gì.
Hai người hoàn thành bữa tối nhanh chóng và hiệu quả.
Tứ a ca quét sạch bốn bát mì.
Từ sau lần trước chàng ăn một hơi tám bát, đến nay vẫn kiểm soát mình để không ăn quá năm bát.
Lý Vi không ăn nhiều mì, thịt bò thì xử gọn hai đĩa.
Bữa ăn khiến cả hai người hết sức thỏa mãn.
Tứ a ca vốn nghĩ sang đây ăn tối rồi kế đó sẽ về thư phòng tiếp tục phấn đấu.
Nhưng cơm nước xong khoan khoái con người quá, đâm ra làm biếng chẳng muốn vận động.
Nghỉ hai khắc, thấy sắp chín giờ, Lý Vi gọi người nấu nước và dọn thùng tắm.
Hôm nay ra ngoài Tứ a ca cưỡi ngựa, ắt phải tắm một cái.
Khi ngâm mình xong, thay sang áo ngủ rộng thùng thình đi vào phòng ngủ, Tứ a ca đã không đâu nghĩ về thư phòng nữa.
Dù gì ngày mai hai giờ lại dậy, giờ này ngủ đã gọi là muộn đấy.
Hôm nay xem như tinh thần vừa phải chịu một cú sốc nho nhỏ, nằm xuống là Tứ a ca lại sa vào những nghĩ suy sâu xa.
Chàng nghĩ: nhà Lý thị thuộc Hán quân kỳ, gốc gác là người Hán, nhưng ngày thường nàng cư xử không khác gì tác phong người Mãn, thịt bò thịt dê đều đều mỗi bữa, ăn còn dữ dội hơn cả người Mãn chính cống là chàng.
Thình lình Tứ a ca hỏi: “Khi ở nhà nàng sinh hoạt thế nào?”
Phạm vi câu hỏi này bao la quá, Lý Vi tự khắc lý giải thành Tứ a ca muốn hiểu hơn những điều chàng chưa biết về con người nàng.
Ối chà cảm động quá! Sau khi quyết định sẽ tâng bốc đôi điều về bản thân, Lý Vi bắt đầu tự khen hồi ở Lý gia mình hiền lương thục đức, yêu quý anh chị em, hiếu thảo với ông bà cha mẹ các bác các dì cùng một loạt trưởng bối khác, ra làm sao.
Ngay đến nhà hàng xóm cũng truyền nhau mấy câu chuyện về nàng.
Làm Tứ a ca đang có ý định gián tiếp tìm hiểu người Hán thấy thật là 囧, nhưng không tiện ngắt lời nàng, nghe một lúc lại bật cười.
Lý Vi hãy đang kể: “…!Mấy bà bác gái sống chung một con phố với nhà thiếp ai cũng quý mến thiếp cả, cực kỳ thích cho con gái nhà họ đi chơi cùng thiếp.” Khi ấy hạnh phúc biết bao, nàng diện váy gì, để kiểu đầu gì là lập tức có người bắt chước theo.
Quả đã chạm đến cảnh giới cao nhất của sự hoàn mỹ.
Tuy nàng không mở tiệm bán buôn gì đó, vì thế dễ gây chú ý quá, nhưng làm khuynh đảo cả con phố cũng đã là một trải nghiệm rất đỗi tuyệt vời trong cuộc đời rồi.
Kể xong nàng nhìn Tứ a ca, thấy chàng cười như đang nhạo nàng ngố thì…!dần không nói gì nữa.
Tứ a ca còn hỏi: “Sao ngưng kể rồi?” Chàng cuốn lấy một bím tóc nhỏ của nàng, kéo nàng lại, nói: “Ta không biết ở nhà nàng sống vui vẻ thế đấy.
Vào cung rồi thì không còn vui vậy nữa nhỉ?” Nghe nàng kể lúc ở nhà, các cô gái trong phố đều là những người bạn thân thiết có mối giao tình trao khăn* của nàng, ngày qua ngày đùa vui náo nhiệt.
Khi trong cung thì lại chưa bao giờ thấy nàng có ham thích đặc biệt gì với hoạt động giao lưu, trước kia cũng chỉ từng tới lui thân mật với Tống thị một thời gian, về sau phúc tấn vào phủ là không còn nữa.
Ngày ngày Võ thị sang tìm nàng, cũng chẳng thấy các nàng giao hảo gì nhiều.
*Người Trung Quốc xưa rất coi trọng đạo lý có qua có lại, sang nhà ai nhất định phải đem quà theo.
Quà giữa hai người lâu lâu mới gặp hoặc lâu lắm mới gặp chắc chắn phải là quà quý, nhưng giữa hai người thường xuyên gặp nhau thì có thể chỉ cần tặng nhau chiếc khăn tay.
Vậy nên mối giao tình trao khăn ý chỉ quan hệ giữa những cô gái tương đối thân thiết, hay sang nhà nhau chơi.
Cái đấy thì không hề.
Tứ gia, một mình chàng bằng một trăm cô rồi!
Lý Vi lắc đầu, xuôi theo tay chàng kéo qua, kê cùng một cái gối đầu với chàng, song không dám nhích người lại, thời tiết này hai người nằm dính lấy nhau thì nóng quá.
Vốn thân nhiệt của Tứ a ca đã cao, mà từ khi mang thai hình như thân nhiệt nàng cũng tăng nhẹ.
Hai cái bếp lò xán vào nhau, lại toát hết cả mồ hôi.
“Có người ở đây, được hầu hạ người, là đã hơn bất cứ điều gì khác.” Ấy là lời thật lòng.
Sống hai kiếp người, Tứ a ca chính là món thưởng khổng lồ giá hàng tỷ của nàng.
Không phải xác suất bị ném đĩa trúng đầu là bằng không.
Liệu người bình thường đang đi đường khi không ai lại đụng trúng được một chàng hoàng tử và rồi còn được gả cho anh ta? Theo phép triều Thanh, nàng là tiểu thiếp, nhưng Lý Vi luôn tự coi như mình đã lấy được chàng.
Tứ a ca khẽ hôn vào môi nàng, chàng chẳng màng cái nóng, không ôm mà ghé gần tới hôn.
Chàng hôn xong nàng lại sáp qua hôn trả, còn kêu “chụt” một cái.
“Nghịch ngợm.” Tứ a ca vỗ vỗ mông nàng, ấn vào xoa nắn, bỗng thốt lên một câu: “Nhiều thịt hơn xưa rồi.”
Ô hay.
Bị chòng ghẹo thế, Lý Vi rất muốn sờ lại, khốn nỗi là nàng không dám.
Nghĩ bụng: đợi sinh em bé xong là được làm chuyện ấy rồi, ta ắt phải sờ được mông rồng của Tứ a ca.
Thừa lúc quay cuồng chắc sẽ không bị phát hiện đâu.
Nàng thích thú tưởng tượng, Tứ a ca tiếp tục vỗ lưng nàng, nói: “Ngủ đi.” Nàng đáp một tiếng, trở mình, ngủ ngay trong một giây.
Để lại Tứ a ca nằm đối lưng với nàng, cảm giác đầy đặn, mềm mại và đàn hồi còn vương nơi bàn tay, chàng nắm lại xòe ra vài lần, bất đắc dĩ buông tay, đoạn đọc Kinh Thư dỗ mình vào giấc ngủ.
Chỉ chớp mắt mà kỳ lũ hạ đã đến.
Hoàng Hà ngập lụt, mấy châu huyện chịu ảnh hưởng, ruộng tốt bị ngập, số nhà cửa của các hộ làm nông bị phá hủy nhiều vô kể.
Tin tức này được người thúc ngựa chạy tốc hành đưa đến bàn Khang Hi.
Vấn đề hàng đầu là phải bố trí ổn thỏa cho lưu dân, lệnh cho tất cả các châu phủ nằm dọc đường ở Hà Nam, Bắc Kinh dựng lều cho lưu dân tạm trú, mở lều phát cháo, phát bánh bao.
Còn phải sử dụng thuốc nhằm phòng tránh dịch bệnh lây lan.
Trong triều cũng dần nổ ra những cuộc tranh cãi.
Có người cho rằng không thể để lưu dân vào thành.
Trường hợp trong dòng người đổ xô tới có ai mang bệnh trong người, thì khi vào thành sẽ kéo luôn cả dịch bệnh theo.
Đây cũng là điểm khiến rất nhiều người lo lắng, thế nên có châu phủ nọ mới dựng túp lều cho lưu dâu ngoài thành.
Dựng luôn ở đấy lều phát cháo vào lều phát thuốc.
Trước tiên hoàng thượng ban chỉ giảm thuế, xóa bỏ thuế ruộng ba năm cho những châu huyện chịu thiên tai nặng nề.
Tam a ca và Tứ a ca được thái tử dẫn đi nghe buổi thiết triều, sau khi về bảo: “Thiên tai năm nay không nghiêm trọng, thực là trong họa có phúc.”
Tam a ca chưa nói gì, Tứ a ca đã làm vẻ khó hiểu.
Nghe nói lượng lưu dân lên đến gần chục vạn người, bốn châu huyện gặp tai, chẳng lẽ đây cũng gọi là không nghiêm trọng?
Thái tử thấy nét mặt chàng vậy, bèn nói: “Đệ về lật xem công báo năm ngoái, ta nhớ năm ngoái có sáu mươi chín châu huyện được miễn thuế khóa.
Hồi ăn Tết hoàng a mã còn cho hoàng cung cầu phúc.”
Tứ a ca nhớ ra rồi, thời gian ấy rất thịnh hành việc chép kinh.
Dạo ấy phúc tấn mỗi ngày chép hai cuốn kinh, sau đều dâng cho tiểu Phật đường của Vĩnh Hòa cung.
Trở về phủ, Tứ a ca sang chính viện nói với phúc tấn: “Giờ đây gặp phải tai ương, chúng ta ở xa không chiếu cố được gì, chi bằng lập hẳn một tiểu Phật đường trong nhà, sớm tối dâng hương.”
Phúc tấn vâng lời, ngay hôm đó chọn một khu viện, sửa sang sơ qua rồi thỉnh Tôn Phật vào, rồi bảo hai a đầu thay áo tăng lữ màu đen, ở lại tiểu viện canh giữ nhang khói, châm thêm dầu đèn.
Lý Vi cũng nghe chuyện, bốn đứa bé hầu ở tiểu viện năm ngoái gặp tai đều mang vẻ bi ai, buổi tối Toàn Phúc còn gặp ác mộng khóc quấy.
Ngày xưa ở hiện đại gặp chuyện này là sẽ quyên tiền góp đồ, Lý Vi bèn sai Ngọc Bình đi hỏi Trang ma ma xem rong phủ có phát cháo không, để nàng quyên góp ít bạc.
Ngọc Bình nghe lời ấy xong thì muốn cười, giải thích: “Cách cách, lưu dân không vào nội thành được đâu.
Phủ ta cũng không phát cháo, vì họ vốn đâu tới Bắc Kinh được.”
Lý Vi lấy làm khó hiểu, trước kia vào năm thiên tai, Lý gia còn làm ít bánh bao và bánh nướng đưa đến những cửa chùa gần nhà bố thí.
Lẽ nào ấy không phải nạn dân?
Ngọc Bình sống trong cung, biết nhiều điều hơn nàng, nói: “Nô tỳ nhớ lưu dân không được phép tiến gần Kinh trong vòng tám mươi dặm.” Các châu phủ rồi sẽ chặn người, không thì để lưu dân ập vào nội thành ư? Sao vậy được? Đại quân đóng đô ở đại doanh Kinh Giao đâu phải hạng ăn không ngồi rồi.
Nàng ta thấy Lý Vi hơi thất vọng, liền cho nàng một ý kiến: “Nghe nói phúc tấn sắp xây một tiểu Phật đường trong viện.
Nếu cách cách có lòng, chi bằng vào đó thắp nén hương, cầu phúc cho những con người tội nghiệp này.”
Thắp hương?
Thế có ích gì? Khó khăn lắm mới xuyên thành giai cấp thống trị, có thể dùng sức cứu giúp nhiều người thì tốt biết là bao.
Nhưng hiện giờ Tứ a ca đang bận tối tăm mặt mày, ngoài việc về hậu viện dạo một vòng dặn phúc tấn chuyện xây tiểu Phật đường, thì cơ bản là chàng không về nữa.
Vả chăng, cẩn thận đào bới những kinh nghiệm mình tích lũy được từ hiện đại, Lý Vi nhận ra lúc ấy ngoại trừ theo dõi tình hình trên Weibo, thì chỉ có quyên tiền cho Hội Chữ thập đỏ, sau đó bị Quách Mỹ Mỹ* chọc tức hộc cả máu, rồi lại tham gia vào một nhóm mua hàng trên mạng để mua mì gói và một số thuốc men khẩn cấp chuyển tới vùng bị thiên tai.
*Quách Mỹ Mỹ: cô này ban đầu vốn là một hot girl nổi tiếng với những màn khoe cuộc sống giàu sang, dát hàng hiệu lên người.
Một lần khi có người hỏi về nghề nghiệp, Quách Mỹ Mỹ trả lời mình là Tổng giám đốc Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, làm người dân dấy lên nghi ngờ rằng tiền cô ta có được là tiền quyên góp cho Hội Chữ thập đỏ.
Sau đó bên Hội phải lên tiếng đính chính nhưng sự việc vẫn không khá khẩm hơn, hậu quả là uy tín của Hội tuột dốc mạnh và tiền quyên góp giảm liền mấy năm.
Nhưng giờ chưa có Hội Chữ thập đỏ, chưa có chuyển phát nhanh, chưa có Taobao, Lý Vi chết lặng.
Vắt óc nhớ lại xem lúc ấy bản tin thời sự đã nói những gì, nhưng trong trí nhớ của nàng ngoài Quân giải phóng Nhân dân đáng yêu ra, thì chỉ còn lại là những cỗ máy xúc thương hiệu Lan Tường.
Nhẽ nào còn mỗi cách đi đốt nhang thôi ư?
Hữu tâm vô lực, Lý Vi ngồi đực người ra, song thực sự không thể không làm gì hết được.
Những lúc thế này không làm gì đó, lòng dạ không thể nào an nhàn nổi.
Nàng gọi Ngọc Bình, sắp lại số bạc của mình, xem vàng, bạc, tiền đồng có tổng cộng bao nhiêu.
Chuyện hở tí lại lôi ra mấy ngàn lạng ngân phiếu như trên phim chiếu là phi thực tế.
Từ lúc xuyên không đến đây, nàng chưa lần nào dùng ngân phiếu, bình thường dùng tiền đồng, sau khi gia nhập hậu cung của Tứ a ca thì tiền biến thành vàng, bạc, tiền hào rồi.
Ngọc Bình lấy cái cân nhỏ ra cân, nói: “Vàng có mười chín lạng, bạc có hơn một trăm sáu chục lạng, tiền đồng có hơn hai ngàn.” Những thứ ấy được đổi khi đã ra cung, lúc trong cung tiền đồng chỉ như mấy con chip đánh bạc mỗi khi chơi bài.
Nàng ta cân xong, nói: “Cách cách, người muốn lấy bạc làm gì?”
Lý Vi nói: “…!Ta muốn đưa cho Tứ gia, xem liệu có giúp đỡ được chút gì cho vùng thiên tai hay không.” Chàng là a ca, chắc chắn lúc này phải đứng ra thể hiện bản lĩnh chứ nhỉ? Không đề tên, cứ góp bạc vào dùng chung là được.
Ngọc Bình ngẩn mặt, vội nói: “Nếu cách cách có lòng, chi bằng…!đưa vào tiểu Phật đường của phúc tấn, mua ít nến dầu cung phụng…”
Lý Vi bật cười, nói: “Ngươi khéo đùa, thế bạc kia chẳng hóa ra vứt không à? Mua ít đồ dùng được mới tốt chứ.
Nào ăn nào uống, nào mặc nào dùng.
Bây giờ bên kia thiếu vật phẩm thiếu nhân lực, có tiền rồi thì mua được cả hai thứ ấy.
Ta không có thứ gì khác để cho, nhưng vẫn cho được ít bạc chứ sao.”
Thấy Ngọc Bình đơ ra, bèn hỏi nàng ta: “Sao thế?”
Ngọc Bình thấy quanh nhà không có ai, quỳ xuống nhỏ giọng nói: “Cách cách, làm vậy không được đâu.
Phúc tấn còn chưa đả động gì mà, nay người nhảy ra thì kẻ khác sẽ nói sao? Khi trước người cẩn trọng lắm kia, sao lần này…”
“…!Cái đó khác mà.” Thiên tai ập đến, sao nàng trơ mắt nhìn cho đặng?
Ngọc Bình biết Lý Vi mềm lòng, bèn lê gối đến trước mặt nàng, đặt tay lên tay nàng bảo: “Nô tỳ biết cách cách lương thiện, có điều…!khoan nói bên phúc tấn, chỉ nói bên Tứ a ca nếu không có ý này, người quyên góp trước khác gì đánh lên mặt a ca?”
Sao chàng có thể không phản ứng gì trước sự việc được chứ?
Lý Vi vừa định hỏi ngược nàng ta, nghĩ: chàng là hoàng a ca, nàng chỉ cho rằng bất kể xuất phát từ thật lòng hay vì mục đích mua danh cầu lời, kiểu gì cũng phải biểu hiện chút ít, cũng giống như những nhà hảo tâm trong các dạ tiệc từ thiện kia.
Song hiện giờ hoàng thượng không làm gì, thái tử không làm gì, Tứ a ca…!đoán chừng cũng sẽ không làm gì.
Ngọc Bình thấy nàng chần chừ, tức thì khuyên thêm: “Hay là cách cách cứ đợi thêm, bên Tứ a ca có tin tức thì bên phúc tấn ắt sẽ biết.
Lúc ấy cách cách lại đi là được.”
Không phải không quyên, mà chỉ là đợi vài hôm nữa thôi.
Lý Vi đành đồng ý.
Mấy hôm sau, lại có người phi ngựa về, thông báo tình hình thiên tai ngày càng lan rộng.
(còn tiếp).
*Ngày 13 tháng 10 là tết Ban kim của người Mãn và cũng là ngày lễ đáng nhớ nhất của họ, bởi đây là ngày kỷ niệm dân tộc Mãn ra đời, đánh dấu ngày hội của toàn dân tộc. Hằng năm cứ vào ngày này, người Mãn sống ở khắp nơi trên toàn quốc đều sẽ ăn tết theo nhiều kiểu khác nhau. Tết Ban kim không có liên quan gì tới tiền bạc châu báu, tiếng Mãn của ngày tết này là “Banjin inenggi”, “Tết Ban kim” tức là “Ngày ra đời”.
Mãi đến cuối tháng chín, khi tiết trời mát mẻ hơn, tinh thần của mọi người trong triều đã không còn căng như dây đàn nữa.
Trong phủ Tứ a ca, phúc tấn không kìm được phải niệm một câu Phật trong làn gió đêm dần ngấm hơi giá: “Đợi mãi trời cũng mát rồi. Vậy thì dịch bệnh sẽ không còn lan rộng nữa.”
Phúc ma ma cũng cười nói, “Nhờ có hoàng thượng phù hộ, trời cao có mắt.”
Khoảng thời gian này trong kinh quả thực là lòng ai cũng lo ngay ngáy. Tháng bảy Hoàng Hà gặp nạn lụt, tháng tám Sơn Đông rối beng vì hạn hán, kéo theo đó là Đông Bắc mất mùa túng quẫn, đẩy con người vào cảnh lầm than khốn cùng*. Sau khi tấu chương đưa vào Kinh, rốt cuộc hoàng thượng cũng hạ chỉ cho mở kho thóc nhà nước ở Sơn Đông, ban phát lương thực, cứu tế nạn dân.
*Nguyên văn là “Dịch tử nhi thực”: Vào thời Xuân Thu khi nước Tống bị vây, trong thành cạn kiệt lương thực, bá tánh chỉ còn cách đem con đi đổi với người khác, giết đứa bé ấy làm thức ăn cho mình. Về sau “Dịch tử nhi thực” được dùng để hình dung cuộc sống cực kỳ bi thảm của nạn dân.
Khi dòng nước rút, dịch bệnh lập tức bùng phát rộng ở các vùng lũ lụt và trong nhóm nạn dân. Để tránh nguy cơ dịch tràn vào trong Kinh, khắp các nơi bắt đầu ngăn chặn nạn dân, từ đó khiến những tai nạn thảm thương phát sinh càng nhiều.
So với những điều này, trong Kinh tương đối yên ổn hơn, ngoài cuộc bàn cãi về việc chọn người đi cứu trợ thiên tai, thì các vương phủ, dinh quan không còn “kham khổ” như dạo trước nữa. Mấy gánh hát của Sơn Đông vào Kinh đều bảo mua được rất nhiều hạt giống tốt, nếu đào tạo tử tế thì ắt sẽ lại có thêm một đào kép tiềm năng ra đời.
Trước đó phúc tấn hãy đương buồn phiền chuyện điền trang mà Nội vụ phủ cấp khi mới dựng phủ không có tá điền giỏi. Kết quả là gần đây cả người môi giới của quan nha lẫn tư nha đều vào phủ nói chuyện, báo rằng hiện giờ giá mua người rất rẻ.
“Chỉ coi như làm việc thiện vậy, các bà nhẹ nhàng nhấc tay một cái, là đã cứu được tánh mạng cả nhà ấy rồi.” Người làm mối vào phủ không gặp được phúc tấn, Trang ma ma và Phúc ma ma đành cùng đi xem. Nếu muốn chọn người, ắt phải hỏi xem lai lịch quê quán thế nào, có thân nhân bằng hữu gì hay không. Tuy người mua nhiều, song cũng không thể tùy tiện chọn những hạng kỳ cục, xấu xí được.
Hai bà xem xong, chưa quyết định ngay bây giờ, mà phải quay về bẩm báo với phúc tấn, sau đó phúc tấn sẽ đưa ra quyết định.
Phúc ma ma gặp được phúc tấn trước, nói: “Nói ra thì người của quan nha đắt hơn một chút, vả lại thân phận gốc gác hầu hết toàn tội dân. Người ở tư nha khá hơn, giá cả phải chăng, hơn nữa nghe nói tất cả đều là những tay lao động khỏe mạnh.”
Phúc tấn lại hỏi Trang ma ma. Trang ma ma tuy xuất thân từ Nội vụ phủ, nhưng cũng đề nghị phúc tấn mua người bên tư nha đưa tới, lý do là sẽ bớt phần rầy rà. Bà ta nói: “Nếu phúc tấn muốn mua người thì tốt nhất nên mua nhanh. Những người do phía môi giới dẫn đến hầu như người nào cũng vì quê hương gặp nạn nên mới trôi dạt tới nơi đây, không ở được bao lâu, e rồi lại phải cho họ về quê hết. Lúc ấy thì dù có tiền cũng chẳng mua được.”
Thiên tai qua đi, việc nạn dân trở về luôn là một vấn đề lớn, triều đình buộc phải hạ lệnh không được thu nhận những người không rõ nguồn gốc, các hạng quan phủ thừa cơ làm tiền như đám môi giới sẽ bị theo dõi gắt gao. Các nơi sẽ phát cáo thị thông báo cho dân chúng biết, phải kiểm tra kỹ từng cuốn hộ tịch vàng. Những kẻ không tra ra được nguyên quán sẽ bị gông lại cho thả về, thế thì nhóm người về quê cần phải trả thêm sưu dịch, thực là khổ không sao kể xiết.
Tuy nhiên người trên có chính sách, kẻ dưới lại có đối sách. Những hạng thủ đoạn thông thiên như gánh hát cũng chỉ xem tiền có nhét đúng chỗ hay không, còn như phủ Tứ a ca thì vốn sẽ không bị ai hỏi.
Thế nên chỉ cần mua đứt người, là đã thành gia nô của phủ Tứ a ca rồi.
Sau rốt phúc tấn mua sáu mươi tư người. Trong đó chỉ có mười hai người bên quan nha, còn lại đều là của bên tư nha, giá người hai bên chênh nhau gần một nửa.
Và cuối cùng phúc tấn cũng có thể bắt tay vào việc thay người cho điền trang. Điền trang do Nội vụ phủ cấp tới đa phần đều từng có chủ sở hữu, nguyên có một số điền trang tịch thu từ những quan lại phạm tội. Chưa bàn đến chuyện người trong đó từ quản sự đứng đầu cho đến tá điền xếp dưới kẻ nào kẻ nấy đều trí trá gàn dở, ít nhất cũng có một bộ phận lớn rất thích lá mặt lá trái với nhau.
Phúc tấn không có hơi đâu dây dưa với họ, nhân dịp này dứt khoát thay máu hết cho xong. Tịch thu tài sản những người bị thay xong, sẽ bán ra ngoài hết; trước kia bất kể ăn vào bao nhiêu, hiện giờ phải nôn ra tất tần tật. Lại có bao nhiêu kẻ máu mủ chia lìa, khóc trời trách đất, không thể biết hết được.
Trong phủ Tứ a ca, lại phải chuẩn bị đón tết Ban kim.
Lần này bình an vượt qua được tai họa, từ hoàng thượng đến triều thần đều rất đỗi vui sướng. Vừa khéo đến tết Ban kim, để chúc mừng và cũng vì muốn quét sạch bầu không khí căng thẳng bức bối trong Kinh, hoàng thượng quyết ý mở một bữa tiệc triều nhỏ, cho đám tôn thất gần chi họ và các đại thần thân thiết vào cung tiệc tùng xem hát.
Xét ra thì ai nấy đều có họ hàng liên quan tới nhau, nên bữa tiệc này cũng tương đương với tiệc nhà.
Hoàng thượng nhắc chuyện ấy trong buổi thiết triều, người phía dưới đua nhau góp vui. Ai cũng biết tâm trạng hoàng thượng đang tốt, không nhân cơ hội này lộ mặt ra thì còn đợi chờ gì nữa? Đồng Quốc Duy* bèn hỏi xin hoàng thượng thêm mấy chỗ ngồi, để đem lũ cháu con trong nhà vào hòng mở mang tầm mắt.
*Đồng Quốc Duy (1643 – 1719) thuộc gia tộc Đồng Giai thị, em trai của Hiếu Khang Chương hoàng hậu, cậu của Khang Hi đế.
Hoàng thượng cười nói: “Con cháu nhà mình cả, chúng vào đây thực, trẫm lại cho chúng đứng được chắc?”
Đồng Giai thị luôn được nể mặt hết mực, không hề giống với những gia đình khác. Nhưng các gia tộc khác cũng đâu ngồi không, giương mắt nhìn cả nhà Đồng Giai thị một mình chiếm thế? Đợi khi kết thúc buổi chầu, nhóm chủ tử các cung trong hậu cung gần như đều đã biết tin cả, những người tự thấy nhà mình xứng đáng có được vinh dự này đều nghĩ cách chuyển lời cho hoàng thượng.
Trong Chung Túy cung, Huệ phi gọi Đại a ca vào, nói: “Lần này hoàng thượng dặn gấp, chúng ta biết muộn. Nhưng dẫu muộn cỡ mấy thì trong tiệc vẫn có chỗ cho Nạp Lan thị*. Ta không sợ hoàng thượng quên đi mất, mà chỉ sợ những đứa tiểu nhân ấy quấy phá, xếp nhà chúng ta ở xó nào hẻo lánh, để rồi hoàng thượng không trông thấy được, hỏi đến lại không biết giấu mặt mũi đi đâu.”
*Mẫu tộc của Huệ phi.
Đại a ca cười nói: “Ngạch nương cứ khéo nghĩ vẩn vơ. Con trai người lớn thế này, đứng ở đấy, ai dám không nhìn thấy?”
Huệ phi nói: “Con ư? Con lại nổi bần bật! Đã nói biết bao lần, phải bình tĩnh, phải bình tĩnh. Bên cạnh hoàng thượng đã có một thái tử, con không thấy dáng điệu nó thế nào hay sao? Giờ con ở ngoài, hoàng thượng lười quản thúc con. Nhưng ta không tin, là hoàng thượng lại ít mắng con đâu.”
Hai mẹ con không ai nói gì nữa.
Một lúc sau, Huệ phi hạ thấp giọng, nói: “Con nhìn ngày trước xem, chỉ nói Quảng Lược Bối lặc* thôi, giờ ông ta đâu rồi? Những a ca xếp đầu như ông ta có kết cục gì? Còn Thái Tông là Bát a ca, khi ấy ngài đâu hề là đứa con được sủng ái nhất. Nhưng con nói ta nghe xem, người đứng hàng trước nhất và người được sủng ái hiện giờ ra sao? Hậu nhân của họ thì thế nào?”
*Quảng Lược Bối lặc (Chử Anh) là con trai cả của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, từng được vua cha xác nhận là người kế vị. Tuy nhiều lần lập chiến công, nhưng do tính tình kiêu ngạo, coi khinh người khác nên Chử Anh không được lòng nhiều đại thần. Về sau, Chử Anh bị năm vị đại thần khai quốc và một số người em vốn bất hòa với mình tập trung công kích. Do đó Chử Anh dần mất đi sự tín nhiệm của vua cha, bị tước bỏ binh quyền. Cuối cùng ông bị tố cáo và chết trong ngục, mẹ ông vì chuyện này mà bị tước vị Chính thất.
Vừa nói đến chủ đề này, đã làm người nghe toát hết mồ hôi lạnh sau gáy.
Huệ phi nói: “Ta sinh hai huynh đệ các con, chỉ mình con sống sót. Những mong con được điều tốt đẹp, không mong làm vướng chân con. Có một số chuyện không thể đi sâu, không thể nghĩ nhiều. Nhưng tự trong bụng chúng ta phải tỏ tường. Con… nay ngoài kia người người gọi con là Đại thiên tuế, ta nghe mà lòng dạ phát run…”
“Ngạch nương…” Đại a ca quỳ một gối xuống, nắm lấy một bàn tay Huệ phi.
Huệ phi đã ngót tuổi tứ tuần, bà lớn lên cùng hoàng thượng. Lúc thường dung quang rạng rỡ chẳng đoán được tuổi, giờ đây đâm lòng xót xa, dáng vẻ già nua đều hiện ra cả.
Bà kéo tay Đại a ca, khẽ khàng nói: “A Lâm của ta ơi, ngạch nương chỉ ước sao con sừng sững hùng tráng như núi Trường Bạch, chẳng mong con là cánh chim bay ở đầu đàn kia.”
Trưởng tử Thừa Khánh của Huệ phi mất lúc vừa qua một tuần tuổi, năm thứ hai bà hạ sinh Đại a ca. Sau khi sinh đứa nhỏ này, ban đầu hoàng thượng không dám đặt tên cho y, khi ấy con trẻ trong cung không nhiều. Huệ phi lẳng lặng lấy cho y nhũ danh bằng tiếng Mãn, mang nghĩa là “núi”. Với hy vọng đứa bé này sẽ được mạnh khỏe, trường thọ như một ngọn núi.
Thuở bé lúc Đại a ca chưa vào A Ca Sở, thường đêm đêm Huệ phi lại ngồi bên giường nắm bàn tay bé con con kia, khẽ gọi nhũ danh của y. Có lần Đại a ca chưa ngủ, nghe thấy bèn hỏi Huệ phi rằng tên ấy nghĩa là gì, Huệ phi ôm y bảo: “Ngạch nương muốn gọi con lại, để con đừng chạy xa, không cần ngạch nương nữa.”
Từ đó về sau, Huệ phi không còn sinh thêm đứa con nào, một tay bà nuôi nâng Đại a ca khôn lớn, vừa cao vừa mạnh hệt như nhũ danh của y.
Đại a ca tựa trán xuống đầu gối Huệ phi, vành mắt nong nóng thì thào gọi ngạch nương, sau đó đứng dậy lau mắt, cười nói: “Ngạch nương yên tâm, A Lâm của người không khờ dại như thế.”
Y cúi đầu nghĩ ngợi, nói: “Chuyện chỗ ngồi con sẽ đi xem xét, không cần qua tay người khác, chỉ cần tìm Nội vụ phủ là được. Chỗ thái tử dù có tiểu nhân muốn giở trò, để con đi nói chuyện với thái tử, chắc chắn đệ ấy sẽ kiểm soát người dưới trướng mình.”
Huệ phi dặn dò y: “Con và thái tử cãi tới cãi lui vậy cũng khá. Vừa không cần tốt quá, vừa không bị dở quá. Ngoài kia có bao con mắt rình rập đấy.”
“Lòng con biết cả.” Đại a ca gạt bím tóc trước ngực ra sau lưng, nhét vào dây đai, “Nhi thần về đây, buổi tối ngạch nương hãy ngủ sớm, đừng nhặt gạo Phật gì nữa, quỳ hỏng cả chân rồi.”
Huệ phi cười nói: “Ngạch nương nghe A Lâm. Đi đi con.”
Ngoài Chung Túy cung của Huệ phi, Dực Khôn cung của Nghi phi lại đương mừng vui khấp khởi. Hoàng thượng sai người truyền lời rằng lúc nữa sẽ sang đây, Nghi phi vội vội vàng vàng dỗ cho Cửu a ca đi. Cửu a ca không chịu, túm lấy mép áo choàng của Nghi phi đè lên ghế kê chân, nằng nặc đòi Nghi phi đổi cho mình một bộ cung tên mới.
“Không được.” Nghi phi liếc mắt phượng, nhìn hộ giáp của mình, bảo: “Bộ kia năm ngoái hoàng thượng mới thưởng cho con cơ mà.”
“Sức nhi tử lớn hơn rồi.” Cửu a ca muốn một bộ bằng sừng trâu.
“Ồ?” Nghi phi cười tủm tỉm, trên mặt in dòng chữ “Ta không tin”.
Cửu a ca nói: “Con bắn được vào một tảng đá rồi.”
“Nói phét.” Nghi phi nói thẳng không vấp chữ nào, bà nhìn cung nữ đứng bên, cung nữ đưa tay ra hiệu với bà. Thấy sắp đến giờ, bà không nhì nhằng với Cửu a ca nữa, thẳng tay nhét nó vào lòng nhũ mẫu: “Khẩn trương lên, ném thẳng nhõi này ra ngoài cho ta.”
Cửu a ca hầm hè đẩy nhũ mẫu ra, chạy biến đi nhanh như chớp. Nhũ mẫu, ma ma và cung nữ thái giám đều hớt hải đuổi theo.
Trong phòng, Nghi phi thở phào, nói: “Cãi ông nhõi con này chỉ được cái nước khéo làm khổ ta.” Cô cô đứng cạnh dâng chén trà, cười nói: “Ngoài miệng nương nương mắng dữ vậy, chứ trong lòng thương Cửu a ca không để đâu cho hết.”
Lúc này Nghi phi mới cười nói: “Nó là miếng thịt rơi ra từ trên người ta, không thương nó thì thương ai? Cũng chẳng biết sao thằng bé này lại ham thích thứ cung sừng trâu kia… Ta nhớ hình như chỗ hoàng thượng có mấy bộ.”
Cô cô nói: “Nương nương cứ từ từ, phải xem tâm trạng hoàng thượng tốt lên hẵng nhắc.”
Nghi phi gọi người đem hộp trang điểm tới, dựng tấm gương lên soi xem phấn son có trôi mất đi không, nhìn vào gương cười đến là ngọt ngào, nói: “Hôm nay tâm trạng hoàng thượng sẽ tốt thôi.”
Trong Vĩnh Hòa cung, Thập Tứ a ca đương sáp lại bên chân Đức phi, nói: “Hai ngày trước lúc thái tử sang đây có cầm một bộ cung sừng trâu, con đã thấy ánh mắt Cửu ca và Thập ca bất bình thường, cứ nhìn chòng chọc vào cái cung ấy.”
Đức phi ôm lấy nó: “Con cũng muốn à?”
Thập Tứ vội đáp: “Nhi thần không muốn.”
Đức phi vỗ người nó, bảo: “Cung gì mà chẳng dùng như nhau, bắn ra rồi cũng giết địch như nhau cả. Thái tử là thái tử, Cửu a ca là Cửu a ca. Con đừng so bì với người ngoài. Nhìn Tứ ca xem, con đã thấy Tứ ca của con đòi xin ngạch nương đồ gì bao giờ chưa?”
Thập Tứ a ca bất bình nói: “Huynh ấy lớn tướng thế rồi…” Nói chưa dứt lời, bắt gặp ánh nhìn không tán thành của Đức phi, nó ngậm miệng ngay.
Đức phi chỉnh lại cổ áo cho nó, vỗ vai nó bảo: “Được rồi, về A Ca Sở đi. Nhớ khi về phải luyện chữ, đừng học theo lão Bát. Hoàng thượng nói chữ nó bao nhiêu lần rồi vẫn không thấy tiến bộ, con muốn giống nó à?”
Thập Tứ đứng để Đức phi sửa sang lại áo quần, xen miệng bảo: “Đó là tại Bát ca muốn hoàng a mã nhớ tới mình nhiều hơn, cứ làm như không ai nhận ra vậy. Khi nào con cũng…” Nói rồi lại phải nuốt ngược về vì cái nhìn của Đức phi.
Sau khi nó đi, Đức phi nói với ma ma bên cạnh: “Thằng bé này thực không hiểu lẽ gì.”
Ma ma nói: “A ca còn nhỏ, lớn lên là tốt thôi.”
Đức phi nín thinh, hồi lâu sau, chầm chậm thở dài, nói với giọng khô khốc: “Hoàng thượng bảo muốn làm cỗ nhà, Đồng Giai thị bảo muốn dẫn hết con cháu trong nhà vào đây. Bên Nạp Lan thị nhất định có người vào, Đại a ca còn lừng lững ở đó kia. Ban nãy nghe người ta bảo hoàng thượng sang Dực Khôn cung, nghĩ chắc Quách Lạc La thị cũng có được một, hai chỗ.”
Ma ma cúi đầu, không dám đỡ lời.
Đức phi cũng không nói tiếp.
Còn bà thì sao? Ha ha, hoàng thượng sẽ không để một nô tài vào ngồi đó. Cả một hoàng cung, chỉ mình nhà của Đức phi bà là không có chỗ.
Tết Ban Kim ngày mười ba tháng mười. Hoàng thượng thiết tiệc ở Bảo Hòa điện, người đang ngồi có từ Đại a ca đến Thập Tứ a ca; trong tông thất có Dụ Thân vương xếp đầu, ngồi gần hoàng thượng nhất, Cung Thân vương theo sau. Thái tử và Đại a ca đang nâng chén thay họ hàng, họ kính xong một vòng, còn lại mấy chàng a ca lớn cũng chia nhau lên kính rượu.
Tam a ca và Tứ a ca thì có phần khó xử. Trong những người đang ngồi ấy mà không hề có một người là thân thích nhà mẫu phi họ. Nhà Ô Nhã thị không người nào đứng ra thể hiện được; Vinh phi xuất thân từ Mã Giai thị, có lẽ cũng đã bị hoàng thượng cho vào quên lãng. Tam a ca vội kính rượu xong rồi về chỗ, Tứ a ca cầm bầu rượu không tiện chạy trốn, bèn đứng ngay sau Đồng Quốc Duy.
Lúc hoàng thượng cùng uống với Đồng Quốc Duy, Tứ a ca rót đầy chén cho Đồng Quốc Duy hai lần. Kính xong, Đồng Quốc Duy quay về, kéo Tứ a ca lại thân mật bảo: “Tứ a ca cũng về chỗ ăn ít gì đi, để tự thần làm là được.” Đoạn quay đầu gọi con là Long Khoa Đa, sai đưa Tứ a ca về chỗ ngồi.
Long Khoa Đa cung kính đưa Tứ a ca về. Tứ a ca đương nhiên không thể cứ để ông ta đi như thế, bèn giữ lại rồi hai người đối ẩm ba chén, sau Long Khoa Đa mới chắp tay lui xuống.
Hậu cung không mở tiệc, dù sao nạn lớn vừa qua đi, triều định vẫn phải sống ngày đơn giản, chỉ đặt bàn cỗ nhỏ trong cung của vài vị phi tử. Trong Vĩnh Hòa cung, mẹ ruột của Thất a ca là Đới Giai thị và mẹ ruột của Thập Tam a ca là Chương Giai thị đương ngồi với Đức phi, đằng dưới có Tứ phúc tấn ngồi.
Gương mặt Đức phi tỏa nét cười dịu dàng, song lại không thấy đâu nhiệt tình, nói cũng chỉ có mấy câu ít ỏi. Là vãn bối, Tứ phúc tấn không thể phô trương quá; Đới Giai thị ngoài nói mấy câu góp vui lúc nâng chén chúc tụng, quãng tiệc còn lại chỉ lầm lũi gắp ăn từng hạt bạch quả trên cái đĩa trước mặt. Chương Giai thị thì lại rất khéo nói, có bà làm đệm, bữa tiệc cũng không quá đìu hiu.
Ăn từ mười giờ sáng đến tận bốn giờ chiều, dùng một bữa cơm và hai bữa điểm tâm. Đức phi nhìn sắc trời ở ngoài, nói: “Ta thấy cũng hòm hòm rồi.”
Dứt câu ấy, ba người còn lại đều đứng dậy cáo từ.
Đức phi nói: “Bắt các muội ngồi đây với ta, thực là làm khó các muội quá.” Nói hết lời khách sáo, cung nữ đứng bên bưng ra ba cái khay. “Mấy món đồ này ta không dùng được, các muội còn trẻ, bình thường đừng để mình chịu thiệt quá.”
Đới Giai thị và Chương Giai thị khách sáo thêm đôi câu nữa rồi lui xuống, Tứ phúc tấn lại muốn ở đợi Tứ a ca. Đức phi liền chỉ vào đồ trong khay, nói: “Đây là trà Tây Tạng thái hậu thưởng, chắc đám trẻ các con không ham, nhưng ta lại thích vị này, uống vào không nhạt nhẽo như những thứ trà khác.”
Phúc tấn bèn đáp: “Nhi thần cũng thích trà này, trà lần trước ngạch nương thưởng đã uống gần hết rồi.”
Đức phi cười nói: “Con thích là tốt.”
Tán gẫu dăm ba câu, hai người không còn gì để nói nữa. Đức phi có vẻ mệt mỏi, tựa vào gối khép mắt nghỉ ngơi. Phúc tấn lặng lẽ đi tới cạnh bà, xoa bóp vai cho bà. Đức phi ngẩn ra, nghĩ rồi lại thấy không ổn, đành nhịn thế cho nàng bóp. Độ chừng một khắc bà lại ngồi dậy, nói: “Cực cho con rồi, con ngoan, qua đây ngồi đi. Ta thấy lão Tứ sắp về đấy.”
Nghĩ đến chuyện trong tiệc, Đức phi dặn một câu hiếm hoi: “Lát nữa về, con hãy vỗ về, giải phiền cho nó.” Ngưng một lúc rồi thở dài, “… Chuyện xuất thân… thực không thể trách người khác được.”
Lúc sáu giờ, yến tiệc đằng trước rút cục đã xong. Hoàng thượng sai thái tử và Tứ a ca đi tiễn người của Đồng Giai thị, Đại a ca tiễn Cung Thân vương, Dụ Thân vương được hoàng thượng đích thân dắt tay ra đến cửa.
Khi khách khứa ra về cả, hoàng thượng giao những việc còn lại cho thái tử, bảo Đại a ca và mấy a ca đã dựng phủ mau chóng về nhà, sau đó gọi hai tiểu a ca là Thập Tam và Thập Tứ cùng về hậu cung. Người không được ngài gọi đành quay về A Ca Sở. Lúc Cửu a ca và Thập a ca đi, giậm chân bình bịch, ấm ức thầm chửi theo bóng Thập Tam, Thập Tứ: “Đồ nịnh thần.”
Tứ a ca về Vĩnh Hòa cung đón phúc tấn, chàng chưa đến nơi, chuyện ở tiệc đã truyền về hậu cung. Đức phi sai người đưa phúc tấn ra xong, ma ma mới thầm kể bà nghe chuyện Tứ a ca đứng sau lưng Đồng Quốc Duy.
Đức phi biết chuyện, hồi lâu không nói gì, sau đó mới khó nhọc cất lời: “… Trách nhà mẹ đẻ ta không có ai, làm a ca mất cả thể diện.”
Trên đường ra khỏi cung, phúc tấn ngồi trong xe, Tứ a ca cưỡi ngựa theo bên cạnh. Nàng vén tấm mành cửa sổ xe, xem thần sắc chàng không vẻ gì là không vui. Có nhẽ vì ở Vĩnh Hòa cung ấy có tấm lòng từ mẫu, thành ra nghĩ cũng nghiêm trọng hơn chăng.
(còn tiếp)
Lời tác giả: Xin nói một chút về điểm chính trong cốt truyện của bộ truyện này. Cốt truyện vẫn phải tiếp tục, và cũng sẽ có tình tiết nghiêm trọng nặng nề để cho thấy sự tương phản. Tui muốn cho Lý Từ ngây thơ từ đầu tới cuối, và để sự ngây thơ ấy được gìn giữ thì thế giới mà ẻm nhìn thấy phải rất nhỏ. Sự sủng ái của Tứ a ca đã tạo dựng nên một thế giới chỉ có tình yêu trai gái, hằng ngày chỉ cần lo ăn gì chơi gì.
Cả nhà đừng kỳ vọng rằng ẻm sẽ có điểm sáng về mặt tinh thần. Nhiệm vụ hiện thực hóa giá trị cá nhân, tiến bộ và tiến hóa đòi hỏi phải liên tục thúc giục bản thân, tự gò ép mình, đi nhầm đường rồi lại sửa sai – tất cả được giao cho phúc tấn.
Truyện này là kiểu truyện ngọt sủng tui đã muốn viết từ rất lâu, muốn ngọt mà không ngấy. Để trung hòa cái sự ngọt này thì phúc tấn sẽ là đắng, Tứ a ca là mặn, Niên thị là chua. Còn lại là mấy nguyên liệu đi kèm.
Mỗi nhân vật đều có cuộc đời riêng của mình, chỉ mình Lý Vi là luôn được bàn tay vàng của tui che chở. Ẻm sẽ vô tư vô lự, sống hết đời này trong hạnh phúc mỹ mãn. Còn người khác thì tui hem chắc ^^.