Dịch: Liêu Lạc Hà Hy
Biên: Duẩn Duẩn
Cô nàng thoa son đỏ siết chặt nắm tay, đoạn chống cằm và nói với vẻ đầy thèm khát: “Tôi cuộc là ngài ấy với Margaret đang hiểu lầm gì đó. Ước chi họ có thể mau chóng giải quyết xong hiểu lầm để cái ngữ con gái đạo đức giả cố chen chân vào mối quan hệ người khác như cô phải chết vì nhục nhã.”
Tôi: “……” bọn họ có hiểu lầm hay không tôi chả biết, song tôi chắc chắn là cô đang hiểu lầm tôi rồi đấy cô gái.
Tuy nhiên, vẫn phải cảm ơn mấy lời huyên thuyên của cô ta, nếu không có nó, phỏng chừng tôi vẫn sẽ khờ dại cho rằng Hearst hạ nốt giáng cho bài hát, sau đó tăng tốc tiết tấu và độ khó của bước nhảy là để cảnh cáo Margaret đừng được thế mà làm bừa. Cũng chẳng thể trách tôi, sau khi được nghe đến mọc kén mấy tin đồn về quan hệ giữa Hearst và Margaret, trong đầu tôi chỉ đinh ninh rằng dấu hóa mà anh ta đột ngột chơi ấy có lẽ chính là lời thú nhận vô hình.
Không thể phủ nhận một điều, tuy hành vi của Margaret chẳng được quang minh chính đại cho lắm, nhưng mái tóc vàng của cô nàng thật sự rất đẹp, giống hệt hàng vạn gợn sóng nhấp nhô giữa đại dương xanh thẳm được ánh mặt trời chiếu rọi, khúc xạ lại thành những vệt sáng lấp lánh chấp chới giữa không trung bạt ngàn vô tận. Hearst là người đàn ông điềm tĩnh và lý trí nhất tôi từng gặp, vậy mà cuối cùng cũng chẳng thể thoát khỏi mái tóc dài vàng óng như liều thuốc làm say mê hồn người ấy.
Bỗng nhiên, tôi chợt nhớ ra một chi tiết rất nhỏ, nhỏ đến nỗi không lưu ý thì cũng chẳng đáng để nhắc đến: Trong buổi tiệc mừng, Hearst đã bất thình lình nắm cổ tay một cô gái tóc vàng giữa đám đông. Thì ra lúc đó Hearst đã mang trong mình một chấp niệm với Margaret, sau lại đến bắt chuyện với tôi, đoán chừng cũng là bởi màu tóc của tôi giống với Margaret.
Nếu như là thế thì tình yêu mà Hearst dành cho Margaret quá đỗi mãnh liệt, mãnh liệt đến nỗi có chút đáng sợ.
Đối diện với ánh mắt chán ngán của Hearst, Margaret không hề nao núng. Cô nàng vén mái tóc sang một bên, tự nhiên ngồi vào lòng Hearst trước bao cặp mắt soi mói của người khác, đoạn nhìn anh ta buồn bã nói: “Hearst, em đã giải thích với ngài nhiều lần rồi, em và anh ta thực sự không như những gì ngài đã nghĩ… Ngài yêu em như thế, sao lại chẳng tin tưởng em chút nào…”
Hearst chống một tay lên thân đàn, mắt không nhìn cô ta lấy một lần: “Đi xuống.”
“Hearst…”
“Đừng để tôi lặp lại lần thứ hai. Đi xuống.”
Lúc mấy diễn viên khác thử vai, có người tiết tấu và bước nhảy đều sai hết, thậm chí còn cố ý liếc mắt đưa tình với Hearst nhưng tôi cũng chẳng thấy anh ta nói chuyện với giọng điệu thiếu kiên nhẫn như thế. Nghe nói, chỉ khi đàn ông đứng trước người con gái mà họ thật sự yêu mới dám thoải mái bộc lộ tính khí trẻ con và bốc đồng của mình. Xem ra vị trí của Margaret trong tim anh ta thực sự rất lớn.
Quả nhiên, khi Margaret nhìn thấy vẻ mặt đó của Hearst, thoáng chốc, trong mắt lóe lên tia chiến thắng. Cô nàng vòng tay ôm lấy cổ Hearst một cách trìu mến: “Hearst, cho dù ngài tin hay không thì ngài Công tước và em vốn chẳng có quan hệ gì cả. Ngài ấy thích em chỉ vì trông em giống với người vợ quá cố của ngài ấy…phần lớn thời gian ngài ấy tìm đến em cũng chỉ vì quá thương nhớ người vợ đã khuất của mình…ngài đừng vội tin vào mấy lời đồn đoán của người ngoài cuộc, được không? Những vở kịch mà ngài viết cho em, em đều xem hết rồi, em rất…”
Câu cuối cùng còn chưa dứt, Hearst đột nhiên ngoắc ngoắc tay với một diễn viên nam đang đứng phía bên kia sân khấu: “Tới đây.”
Người đó chẳng nghĩ ngợi gì bèn chạy luôn qua.
Hearst dùng một tay giữ lưng của Margaret, tay còn lại vòng xuống đầu gối rồi nhấc bổng cô nàng lên. Sự ngạc nhiên trên mặt Margaret còn chưa biến mất thì đã nghe anh ta lạnh nhạt nói với nam diễn viên lúc nãy: “Đưa tay ra.”
Cậu chàng thật thà chìa hai tay.
Tức thì Hearst thẳng thừng ném người con gái trong tay mình vào lòng nam diễn viên kia.
Trong khoảnh khắc, cả hội trường bỗng nhiên im phăng phắc. Đôi mắt người nào người nấy trợn to như chuông đồng, đặc biệt là cậu chàng diễn viên, dù trong lòng đang ôm người con gái có mái tóc vàng xinh đẹp là thế nhưng mà nom vẻ mặt cậu ta như thể đã chết lặng.
Margaret không hổ danh là bóng hồng “lăn lộn” lâu ngày trong giới thượng lưu, đóa hoa kiều diễm được bằng đấy con ong hút mật thụ phấn quả nhiên xứng đáng với ba từ “khoe sắc thắm”. Cô nàng là người đầu tiên phản ứng lại sau tình huống khó đỡ ấy: “Hearst, rốt cuộc em phải làm thế nào để ngài tha thứ cho em…”
Hearst hoàn toàn phớt lờ cô ta, đoạn khoanh tay rồi nghiêng đầu nhìn xuống khán đài với khí thế áp bức, cuối cùng ánh mắt anh ta dừng lại trên người…tôi.
Tôi chợt dự cảm có gì đó không ổn, trong vô thức lùi về sau một bước.
Quả nhiên, anh ta thu ánh mắt lại, nhếch miệng một cách duyên dáng rồi đưa tay lên cao vỗ một phát: “Meg Giry, lên đây.”
Tôi: “……”
Anh ta vừa dứt lời, mọi người đồng loạt quay đầu lại nhìn tôi, mắt họ lúc này còn trợn to hơn cả ban nãy, trông như sắp rớt ra đến nơi.
Trong lòng tôi hiểu rõ: Anh ta gọi tên tôi, chỉ vì diễn viên thử vai tiếp theo chính là tôi; trực tiếp gọi cả họ lẫn tên tôi, cũng là vì vừa hay tôi và anh ta quen biết nhau. Ngặt nỗi trước ánh mắt dò xét của bao người, sự mờ ám nguy hiểm ấy làm cách nào cũng chẳng xua đi nổi.
Ai mà biết được cô nàng thoa son đỏ lại là người phá vỡ tâm trạng tôi lúc này. Cô ta lấy tay che miệng rồi thì thầm vào tai tôi: “Cô đang đùa với lửa đấy cô gái.”
Tôi suy nghĩ hồi lâu, đoạn nắm tay cô ta lắc hai cái: “Tôi cũng nghĩ như thế.”
Nói xong, tôi làm ngơ khuôn mặt còn ngờ ngạc chưa hiểu gì sất của cô ta, rồi bước từng bước lên sân khấu. Một luồng sáng chiếu thẳng vào người tôi, ánh mắt mọi người cũng dõi theo từng chuyển động của tôi.
Nói thật thì, dù là kiếp trước hay kiếp này, tôi cũng chẳng phải kiểu người dễ dàng thu hút sự chú ý của người khác, thế mà kể từ khi gặp Hearst, tôi lại được dịp rơi vào tình cảnh quẫn bách bị mọi người dòm dỏ và chỉ trỏ thường xuyên như cơm bữa. Nhớ đến chuyện đêm qua thảo luận cùng Christine, làm thế nào mà Hearst có thể lăng xê được nhiều nữ diễn viên đến thế nhỉ, giờ thì tôi đã hiểu. Cho dù có đặt một con mèo cái đứng cạnh anh ta thì nó cũng có thể “tỏa sáng” chứ đừng nói mấy cô nàng đẹp sẵn từ khi mới lọt lòng.
Lúc này, Margaret đã bước xuống sân khấu và sắp lướt qua người tôi. Không còn ánh mắt Hearst nhìn theo, trên mặt cô ta cũng chẳng sót lại ý cười, mái tóc vàng hoe rối tung hai bên má cũng chẳng buồn lấy tay chải chuốt lại.
Ban đầu, cô nàng không trông thấy tôi, cho đến khi người thợ đèn chiếu luồng sáng lên người. Khoảnh khắc ánh sáng trắng chói lòa rọi xuống, cô nàng nheo mắt khó chịu rồi ngước nhìn: “Cô là……”
Tôi bỗng thấy hơi quái lạ: “Cô biết tôi sao?”
Cô nàng cúi đầu thở phào, khi ngước lên lần nữa, sự kinh ngạc trong mắt đã biến mất không còn chút dấu vết: “Thật xin lỗi, tôi nhìn nhầm.” Sau đó, chẳng đợi tôi trả lời đã vội vã choàng chiếc khăn len cashmere lên vai rồi lật đật rời đi.
Tôi cũng không mấy để tâm đến cuộc đối thoại chớp nhoáng mới rồi.
Nhanh nhẹn mang giày ba lê vào và cầm chiếc quạt gấp lông vũ bước đến giữa sân khấu. Phía trên trần treo chùm đèn pha lê cỡ khủng, hai bên sân khấu giăng tấm rèm màu đỏ và bày trí những bức tượng thiên thần cao lớn. Nhìn xuống phía dưới khán đài tối đen như mực, tôi thừa hiểu họ không phải khán giả của tôi nhưng trái tim vẫn đập dồn như trống.
Khi dàn nhạc bắt lên âm thanh đầu tiên, tôi duỗi thẳng mu bàn chân và đứng bằng mũi chân trên sàn đá cẩm thạch, từng bước đi về phía những bạn diễn nam. Nhiều người đã tự thêm vào đoạn này vài động tác nhỏ trông có vẻ rườm rà song lại rất uyển chuyển để thu hút sự chú ý của Hearst, với tôi thì cảm thấy nó thật sự không cần thiết, vì dù sao đây cũng chẳng phải phần cao trào của màn mở đầu. Thêm vào quá nhiều động tác vô nghĩa sẽ chỉ tổ làm khán giả rối mắt hơn.
Một bạn diễn nam cầm tay tôi lên định hôn, một người khác thì giữ lấy eo tôi bằng hai tay, quỳ xuống và tựa đầu vào lòng tôi, người khác nữa thì dùng một tay nắm lấy cằm tôi, một tay đỡ sau lưng tôi…
Tôi ngã vào lòng anh ta, mở quạt ra và nở một nụ cười khinh thị.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì tiếp theo sẽ là đoạn hợp tấu giữa violon và cello, sau hơn mười giây, âm thanh harpsichord sẽ trở thành giai điệu chính của phần đệm. Động tác của tôi cũng nương theo những nốt trầm bổng của harpsichord mà trở nên hoang đàng phóng đãng.
Trước đó, màn diễn tấu của Hearst chưa bao giờ mắc bất cứ sai sót nào. Ngay cả khi một giọng nữ cao không biết gì về múa ba lê trên sân khấu, anh ta vẫn có thể chơi đàn với gương mặt lạnh tanh không cảm xúc. Vì vậy, sau khi đoạn hợp tấu kết thúc, thấy anh ta cúi đầu, ngón tay đặt trên các phím gỗ một lúc lâu vẫn không hề ấn xuống, tâm trạng tôi bỗng rơi xuống vực thẳm.
Dưới khán đài vang lên những tiếng bàn tán râm ran.
Tôi như đóng băng tại chỗ, mồ hôi lạnh chạy dọc theo sống lưng, vô số ánh mắt dò xét thiêu cháy từng tấc da tấc thịt trên người, vành tai tôi nóng ran như đốt. Chẳng biết là tức giận, buồn bực hay gì khác, lúc ấy tôi chợt nhận ra cô nàng thoa son đỏ nói rất đúng, tôi quả thực đang chơi với lửa.
“Đi xuống.” Thoáng chốc, Hearst buông hạ một mệnh lệnh.
Đôi tai đang nóng bừng chợt trở nên lạnh ngắt, hơi thở yếu ớt đến run rẩy. Mặc dù chẳng mong cầu có được vai nữ chính, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ kết thúc màn thử vai bằng cách này, thậm chí còn không hiểu mình đã làm gì sai…
Hai chân như đóng đinh trên sàn đá cẩm thạch, tôi hít vào một hơi thật sâu, tự nhủ phải nghe lời anh ta mà đi xuống thật nhanh, ấy vậy mà giờ phút này cả người tôi như một con rối không có người giật dây, ngay cả một bước chân cũng chẳng thể bước nổi.
Hearst cầm bản nhạc đi về phía tôi. Tôi rên lớn trong lòng, ôi lạy Chúa, với tính cách của anh ta, đoán chừng sẽ ném bản nhạc đó vào mặt tôi mà không chút do dự, tiếp đến sẽ từ trên cao nhìn xuống và phán thẳng một câu: “Ngẫn ra đấy làm gì, đi xuống mau.”
Thấy đôi giày của anh ta từng bước từng bước tiến lại gần, tôi bất lực nhắm mắt, siết chặt hai tay và chờ anh ta đẩy tôi xuống như Margaret ban nãy. Không, Margaret là cô gái anh ta mến mộ mà anh ta còn có thể đối xử “cạn tàu ráo máng” với cô nàng như thế, tình huống của tôi chắc chắn sẽ thảm hơn cô nàng hàng trăm lần. Cơ mà, chờ mãi vẫn không thấy cảm giác bị xấp giấy đánh vào măt, tôi hoang mang mở mắt, đối diện là “cửa sổ tâm hồn” màu hổ phách như đang phát sáng của Hearst.
“Đưa tay ra.” Anh ta ra lệnh ngắn gọn.
Tôi giật mình làm theo lời anh ta, tức thì Hearst đặt bản nhạc vào tay tôi rồi nói: “Hát cho tôi nghe.”
Dưới khán đài được một phen nhốn nháo, và tôi cũng sốc lây một trận. Mặc dù hình tượng nữ chính của vở kịch không tốt đẹp gì cho cam và lời hát cũng ít ỏi đến mức đáng thương, nhưng trong màn thứ ba, nữ chính có một khúc aria, cũng là khúc aria duy nhất của cô ấy – gần như được gọi là âm thanh của tự nhiên. Điều kỳ diệu hơn cả là khúc aria này không hề cần đến những kỹ thuật hát phức tạp nào mà vẫn có thể làm bật lên được sự giao hòa của bản nhạc một cách tuyệt vời nhất. Âu cũng là nguyên nhân khiến các nữ diễn viên giọng cao đổ xô tới tranh giành vai diễn đến sứt đầu mẻ trán.
Bản nhạc mà Hearst đưa cho tôi chính là khúc aria.
Nhưng tại sao lại chọn tôi?
Tôi thực sự không hiểu.
Khi vài diễn viên biểu diễn đoạn múa trước đó, chiếc váy ba lê hở lưng và gần như khoét sâu đến tận hông cũng chẳng đổi được một ánh nhìn của anh ta; Margaret ngồi trên đùi anh ta rồi cũng bị anh ta thẳng tay ném cho diễn viên nam bên cạnh…thế mà tôi – còn chưa hoàn thành xong phần múa mở màn của mình đã được tiến thẳng vào vòng thử giọng.
Nhìn xuống Margaret đang ngồi buồn bã dưới khán đài, rồi lại ngó sang Hearst đang đứng trong vùng hào quang* lạnh lẽo bên cạnh, tôi dường như thông suốt hẳn ra, có phải họ đang chơi trò “Anh yêu em nhưng sẽ không nói với em” không nhỉ?
(*) Nguyên văn là 气场, đồng nghĩa với Aura trong tiếng Anh. Ý chỉ một loại năng lực toát ra từ cơ thể người có thể làm ảnh hưởng đến bầu không khí và mọi người xung quanh. Trong tiếng Việt có từ gì để diễn tả nó không nhỉ?
Ấu trĩ thế là cùng!
“Chuẩn bị xong chưa?” Anh ta vừa hỏi tôi vừa cúi xuống thì thầm với tay nhạc công đôi điều. Người nọ liền đưa cây đàn violon cho anh ta với vẻ ngạc nhiên.
Nom Hearst đặt violon lên xương đòn, đầu óc tôi lại càng thêm mụ mị. Nửa đầu của khúc aria này là đoạn độc tấu violon, nhưng vì cớ gì…anh ta lại đích thân đệm đàn cho tôi?
Hearst kéo thử vài âm, động tác thật khéo léo và tao nhã làm sao. Tôi cũng chẳng quá ngạc nhiên khi biết anh ta còn có thể chơi thêm ngón đàn violin nữa. Mà dầu anh ta có nói “mình tôi cũng có thể cân cả dàn nhạc” thì tôi cũng không lấy làm lạ cho lắm.
“Chuẩn bị xong rồi thì bắt đầu.” Anh ta nghiêng cằm, kề mặt lên mặt đàn làm từ gỗ lim.
Thông thường hiếm có khúc aria nào dùng violon làm nhạc đệm, bởi vì âm thanh phát ra từ violon gần giống với giọng hát của con người. Khi hai âm thanh tương đồng chồng chéo vào nhau sẽ làm một trong hai mất đi màu sắc riêng vốn có.
Nhưng nếu thế thì Hearst đâu được mọi người vinh danh là Mozart II đâu chứ?
Trong khúc aria này anh ta viết, tiếng violon chẳng những không át đi giọng hát của con người mà còn giống như một bàn tay dày rộng nhẹ nhàng nâng tiếng hát của diễn viên lên cao. Một nhà phê bình âm nhạc từng viết trên mặt báo: “Tôi luôn cho rằng bản thân chỉ trầm trồ mỗi khi cô nàng Carlotta mở rộng âm vực lên độ hai quãng tám, không ngờ Hearst chỉ dùng một khúc aria với bạn tấu là violon cũng khiến tôi thán phục sát đất.”
Tuy nhiên, cứ cho là điệu nhạc này không cần quá nhiều kỹ thuật xử lý đi chăng nữa thì nó cũng rất khó nhằn trong việc chuyển tải về mặt cảm xúc. Nút thắt cho sự biến đổi này là lúc nam chính đã trả thù xong, trở về từ cuộc chiến đẫm máu và nhìn thấy nữ chính bị nhốt co ro trong lồng sắt. Anh ta bỗng thấy thương xót, không dằn lòng nổi thả nữ chính ra, với điều kiện là cô phải nói lời yêu với anh ta.
Điều đáng nói là đoạn này được diễn thành rất nhiều phiên bản khác nhau. Trong phiên bản kinh điển nhất, nữ chính sẽ mở mắt ra, nở nụ cười thánh thiện hệt bức tranh thiên thần vẽ trên tường rồi khẽ mỉa mai: “Tôi sẽ không bao giờ khuất phục trước ham muốn của một ác quỷ.”
Nam chính nghe xong, tức giận mở cửa lồng sắt bước vào, rồi siết chặt cổ tay cô đe dọa: “Em phải khuất phục ta!”
Đây là đoạn trước khi khúc aria cất lên, nghệ sĩ violon phải diễn tấu một cách tập trung, mạnh mẽ và tràn đầy căm phẫn. Mặc dù Hearst đang trong tư thế cúi đầu y như một bản mẫu, nhưng vẻ mặt của anh ta lại quá mức bình tĩnh và lạnh nhạt.
Dẫu sao thì anh ta cũng không phải một nghệ sĩ violon chuyên nghiệp, có lẽ anh ta sẽ giản hóa giai điệu này một chút.
Ý nghĩ ấy vẫn còn chưa hiện hết lên trong đầu tôi thì Hearst đã kéo vĩ trên các dây đàn phát ra một khoảng âm hết sức tròn trịa. Cho dù là bấm nốt, kéo vĩ hay giơ tay lật bản nhạc sang trang mới (1) cũng đều có thể nói là vô cùng hoàn hảo.
Tôi vốn dĩ còn đang lo lắng không biết làm sao để thể hiện cảm xúc của nữ chính một cách chân thật nhất, thì ngay lúc giai điệu vừa tấu vang, tim tôi bỗng trở nên thấp thỏm hệt con cá mắc cạn sa vào bãi trũng khi triều xuống, như thể tôi đã tự nhốt mình vào trong chiếc lồng sắt tối tăm cô độc.
Sau khi thở khẽ ra một hơi và cất lên thanh âm đầu tiên, tôi không khỏi ngạc nhiên: Bất kể là âm cao nhất hay thấp nhất của bài hát, tôi vẫn có thể hát nó với trạng thái thoải mái nhất. Nói cách khác, nó hoàn toàn phù hợp với âm vực của tôi.
Tình huống thế này tôi đã từng trải qua, đó là khi Phantom đưa cho tôi một bản nhạc ở mê cung dưới lòng đất ba năm trước……
Tôi kìm lòng không đặng nhìn thoáng qua Hearst. Dưới vầng sáng đầy màu sắc tỏa ra từ chiếc đèn chùm pha lê, mắt, sống mũi và xương hàm của Hearst còn đẹp và tinh tế hơn cả sơn vẽ của bức tranh trên mái vòm. Tư thế đứng của anh ta cứ như được bậc thầy điêu khắc tạc nên một cách tinh chuẩn và chính xác nhất, toát lên vẻ thanh lịch mà kiêu ngạo.
Giờ đây tôi không dám hoang tưởng rằng anh ta chính là Bóng ma nữa, chẳng qua chỉ đang nghĩ hai người họ liệu có quen biết nhau?
Nhưng mà, hai con người hoàn toàn khác nhau về ngoại hình, khí chất, kinh nghiệm như thế có thể quen biết nhau sao? Giọng của tôi gần giống với giọng Margaret, Hearst vì cô nàng mà viết ra những vở kịch, tất cả cũng chỉ là trùng hợp…
Hát đến đoạn “Cho dù anh có hóa trang thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn có thể ngửi thấy linh hồn xấu xí kia”, khúc aria kết thúc, tiếp theo sẽ đến đoạn nam chính tỏ tình với nữ chính.
Những người thử vai lúc trước, ai cũng không ngoại lệ, đến đoạn này lời hát của nam chính đều bị lược bỏ, vì vậy mà khi hát đến đây tôi cũng không có ý định hát tiếp. Đang đợi cho âm nhạc kết thúc để cúi chào xuống sân khấu thì nhạc trưởng bỗng nhiên giơ tay, dàn nhạc lại tiếp tục tấu lên những khúc nhạc tăm tối mà khoáng đạt, hùng hồn như vũ bão.
Cùng lúc đó, một cây vĩ nhẹ nhàng nâng cằm tôi.
Người tôi cứng ngắc, mắt mở to nhìn anh ta.
Khán phòng lặng ngắt như tờ, dường như có một đám mây đen dày đặc bao phủ trên đỉnh đầu.
Một tay Hearst nắm lấy đàn violon, tay kia cầm chiếc vĩ giữ cằm tôi và bước gần đến: “Giữa chúng ta……”
Đây là lời bài hát, anh ta thực sự muốn hát cùng tôi ư!
Song điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là khả năng ca hát của anh ta……
Tôi nghe người khác nói, mặc dù chất giọng của anh ta rất tốt nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ hát trước công chúng, thế nên mọi người đều cho rằng anh ta là bậc thầy âm nhạc không biết hát, ai ngờ được vừa mới cất giọng đã khiến người khác chấn động dường ấy.
“Trừ khi tôi chết,” chiếc vĩ trượt dài từ cằm xuống cổ rồi gõ nhẹ vào xương quai xanh của tôi, “nếu không sẽ vĩnh viễn chẳng chia lìa”
Hát đến đây, chiếc vĩ tiếp tục trượt xuống ngực rồi đến eo tôi, mà thái độ của anh ta từ nãy giờ vẫn luôn bình tĩnh và tự nhiên, hoàn toàn không nhìn ra ý tứ lợi dụng nào.
“Linh hồn của tôi, sẽ mãi mãi ở bên em.”
Tôi như chết lặng, từng nơi trên cơ thể bị chiếc vĩ của Hearst lướt qua nóng ran tựa lửa đốt, lúng túng lùi về sau một bước.
Anh ta tiến đến cạnh tôi rồi phát ra tiếng cười trầm thấp. Như được tiếng cười của anh ta thức tỉnh, não tôi hoạt động trở lại và tiếp tục lùi về sau. Lúc này vai bỗng bị một bàn tay to lớn giữ chặt và kéo về một hướng: “Dù cho con đường phía trước đầy rẫy những chông gai”, điều khiến da đầu tôi tê dại chính là một bàn tay khác đang đặt trên eo tôi chầm chậm trườn lên và vuốt ve một cách nhẹ nhàng “hai ta vẫn sẽ luôn sánh bước cùng nhau.”
Trong khoảng không gian ngột ngạt bí bách, tôi đột nhiên nhớ ra chỗ này đích thực có một đoạn nam nữ chính nhảy cùng nhau. Vậy nên đó là lý do tôi bị dẫn đến đây trong khi vẫn còn chưa hoàn thành xong màn trình diễn ba lê của mình ư……
Cảm nhận được lòng bàn tay nóng bỏng của anh ta đang áp trên lưng mình.
Tôi chợt thấy khó thở, từng cơn như nghẹn lại trong ngực và đôi chân tôi mềm nhũn hẳn ra.
Lúc này tôi có nên phối hợp với anh ta?
Tôi nên làm gì đây?
Khi biểu diễn ba lê, tôi đã từng gặp phải tình huống thế này. Đôi lúc sẽ phải nhờ bạn diễn nâng lên và xoay tròn, nhưng bàn tay của họ sẽ không giống như tay Hearst lúc này, nóng bỏng đến nỗi có thể thiêu đốt làn da tôi.
Tim tôi đập thình thịch và chẳng thể suy nghĩ được gì, tôi đứng im như phỗng.
Bầu không khí ngưng đọng trong chốc lát.
Nếu như biết được anh ta làm thế nào để phá vỡ tình trạng trì trệ này thì tôi chắc chắn sẽ mở miệng trước tiên. Thấy tôi im lặng hồi lâu, anh ta cầm luôn cả cây đàn violon vỗ vào đùi tôi: “Hát.”
Cho dù đó chỉ là bề mặt của cây đàn, cho dù tôi vẫn còn cách anh ta một khoảng khá xa, nhưng người tôi vẫn cứng đơ một chỗ. Cổ họng tôi cơ hồ cố lắm mới có thể phát ra từng từ một: “Tai nạn ngoài ý muốn ấy, chỉ khiến anh càng thêm xấu xí.”
Tôi thực sự nghi ngờ anh ta đang coi tôi là một cây đàn harpsichord hoặc cây đại phong cầm nào đó, bởi lẽ lúc bấy giờ, ngón tay của anh ta thản nhiên gõ nhịp trên eo tôi: “Tai nạn ngoài ý muốn ấy, càng khiến tôi quyết tâm giữ em lại bên mình.”
“……ác quỷ.”
Lông mi của anh ta rũ xuống tạo thành một mảng tối lạnh lẽo nơi khóe mắt: “Em là tù nhân của ác quỷ.”
“Quái vật.”
“Em và quái vật đã hòa lại làm một.”
“Phải làm thế nào để anh buông tha tôi?”
“Vĩnh viễn sẽ không buông tha em,” giọng anh ta như một vực thẳm thần bí ẩn giấu sự điên loạn, hoang mang và ngọt ngào, khiến cho người khác phải dựng cả tóc gáy. Lưng tôi bị mồ hôi lạnh làm ướt đẫm, “cho đến khi cả hai ta cùng hóa thành một nắm xương trắng.”
Chẳng hay tự lúc nào, màn song ca đã đạt đến cao trào.
Tôi bối rối nghiêng mặt, đưa mắt xuống khán đài. Vẻ mặt của hầu hết mọi người đều cứng nhắc như tôi, chỉ trừ số ít người thể hiện vẻ ngưỡng mộ. Về phần Margaret, cô nàng cảm động đến nỗi rơi nước mắt và phải lấy khăn tay lau liên tục.
Nom màu tóc, đôi mắt và vẻ ngoài của cô nàng rất giống tôi, tự dưng như bị ai đó giội một gáo nước lạnh từ đỉnh đầu xuống, bỗng nhiên tôi thấy bình tĩnh hơn rất nhiều.
Trong vở The Sheperdress có một tình tiết: Nam chính lên án nữ chính, lớn tiếng lăng mạ cô, nói rằng linh hồn cô vốn chẳng cao quý như cô tưởng, nó đã bị vàng bạc châu báu ăn mòn và rữa nát từ từ, hoàn toàn không xứng đáng với tình cảm của anh ta. Thế nhưng khi nói xong câu đó, anh ta bỗng nhiên quỳ xuống và hôn cô cuồng nhiệt.
Phải chăng tâm trạng của nam chính, cũng chính là tâm trạng của Hearst lúc này?
~~~
Đôi lời của tác giả:
(1) Dựa theo bách khoa toàn thư về Violon