Mặt trời vừa đứng bóng trên ngọn cây, ánh nắng chói chang bao trùm khắp nơi. Vĩnh An nheo mắt lại, lững thững đi trên con đường trải sỏi quanh co. Thời tiết đương độ cuối thu, cây cối rụng lá chơ lại mấy cành khẳng khiu đen nhẻm. Ngọn gió heo may mang theo hơi thở của mùa đông, thi thoảng xà lại chọc ghẹo mấy cụm lá vàng, khiến chúng bay lên không trung, rồi xoay tròn đáp xuống mặt đất. Bước chân của cậu đều đều đạp trên lá khô tạo nên âm thanh lạp sạp. Lâu lâu tiện chân, cậu lại sút văng mấy viên đá lót đường.
Bất chợt phía sau lưng có tiếng trẻ em gọi với theo, âm thanh nghe như hụt hơi.
– Chờ… em… với!
Cậu quay đầu lại, một chú nhóc mập mạp đang cố đuổi lại gần. Vĩnh An nhận ra đây là cậu bé vừa nãy phát biểu trên giảng đường, nên dừng lại. Cậu dựa vào thân cây bên đường, hai tay hờ hững bỏ trong túi quần, lên tiếng hỏi thằng bé.
– Em kiếm anh?
Chú nhóc thở hổn hển vài hơi mới thốt nên lời.
– Dạ đúng! Em muốn phỏng vấn anh.
Vĩnh An tự chỉ tay vào mình, ngữ điệu hơi cao.
– Phỏng vấn anh?
Thằng nhỏ bẽn lẽn gật đầu, hai mắt nhìn thần tượng chờ mong.
Từ ngày cậu nhập học đến giờ, bản thân ru rú trong núi, có phải là ngôi sao nổi tiếng gì đâu mà cậu bé này muốn phỏng vấn. Mà còn dùng từ rất chuyên nghiệp nữa chứ.
Vĩnh An dắt cậu bé qua ghế đối diện, chờ cho chú nhóc yên vị, mới thắc mắc.
Loading…
– Em tên gì? Mà muốn hỏi anh chuyện gì?
– Em tên Hoài Bách. Em hâm mộ anh từ lâu rồi. Em muốn hỏi anh về tam danh nhất nhật.
Vĩnh An hơi nhíu chân mày, “tam danh nhất nhật” là cái quái gì. Chẳng lẽ là tên một bộ công pháp. Cậu đọc nhiều sách đến vậy cũng chưa từng nghe qua. Sự việc ngày càng thêm khó hiểu. Vĩnh An ngồi xuống cạnh cậu bé, cất giọng hỏi kỹ hơn.
– Hoài Bách, anh chưa hiểu rõ ý em. Tam danh nhất nhật là gì?
Chú bé nhấc cái mông nặng mỡ, nhích gần Vĩnh An thêm chút. Sau đó ngước lên, khoe hai má phúng phính ửng hồng của mình. Hoài Bách bắt đầu tía lia giải thích.
– Tam danh nhất nhật là ba thông tin chấn động của anh trong ngày tuyển sinh bốn năm về trước. Đó là nhảy vực, linh căn vạn biến, và trở thành học trò duy nhất của giáo sư Châu Thanh. Em hâm mộ anh lắm, lúc nào cũng tìm hiểu tin tức về anh, mà không thu được bao nhiêu hết. Hôm nay nhân dịp gặp anh em muốn hỏi cho rõ. Không biết anh có…
– Từ từ. – Vĩnh An ngắt lời cậu bé, nếu không nó sẽ đứt hơi mà chết mất. Tụi nhóc bây giờ nói nhiều vậy sao!
Cậu lục lọi trong trí nhớ của mình, quả thật là có chuyện như vậy. Nhưng mà bốn năm về trước thằng nhóc này mới tí tuổi đầu. Chuyện của mình vang xa vậy ư. Đến một đứa bé vắt mũi chưa sạch cũng thuộc nằm lòng.
Ngày đó Vĩnh An chân ướt chân ráo còn chưa quen thuộc với thế giới này, đã bị hệ thống ép đi tu tiên. Vì thế cậu mới khăn gói đến học viện Bạch Vân.
Mặc dù so với thời kỳ thịnh trị của các môn phái, tuyển tu sinh ngày nay dễ hơn rất nhiều. Chỉ cần có linh căn là được theo học. Tuy nhiên vẫn có thử thách lựa chọn tu sinh nội trú và ngoại trú. Hai loại tu sinh này mặc dù chỉ khác nhau chữ đầu, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tiền đồ sau này của tu sĩ.
Tu sinh nội trú được các vị giáo sư hướng dẫn trực tiếp trong quá trình tu luyện. Ăn ở miễn phí. Sau này ra trường giữ các vị trí quan trọng trong gia tộc. Tu sĩ tự do như Vĩnh An là món hàng hấp dẫn, khiến các gia tộc tranh nhau mời về. Bọn họ sẽ gia nhập vào tầng lớp thượng đẳng, cuộc sống xa hoa như vua một cõi.
Tu sinh ngoại trú ngược lại tất cả. Do thiên phú yếu kém nên các giáo sư không thu nhận. Bọn họ phải tham gia các buổi học lý thuyết trên giảng đường, sau đó tự tu luyện. Gặp khó khăn trong quá trình thực hành cũng đành chờ đến buổi học tiếp theo, có khi nửa năm với mở một lần. Sau này ra trường bị đẩy vào các trung tâm cung cấp năng lượng của đảo quốc An Lạc. Nhiệm vụ của họ là dẫn truyền linh khí vào các cỗ máy. Ai may mắn hơn thì gia nhập vào lực lượng quân đội phụ thuộc ngũ đại gia tộc.
Để trở thành tu sinh nội trú các thí sinh phải vượt qua hai vòng thi. Vòng một là thử thách tâm tính, vòng hai là quan trắc linh căn.
Vòng thi đầu tiên yêu cầu dùng thang trời hoặc nhảy vực để đến được Thiên Lam. Từ lúc học viện thành lập đến nay, các thí sinh đều lựa chọn phương án thứ nhất. Nhìn sợi dây thừng cheo leo nối từ mặt đất đến Thiên Lam, vẫn đỡ hơn vực sâu thăm thẳm, đen ngòm, lâu lâu lại phát ra âm thanh âm u ghê rợn.
Vĩnh An là người tiên phong lao xuống vực thẳm. Thông tin truyền ra ngoài gây xôn xao dư luận trong thời gian dài. Đã có người mở đường, vài thí sinh gan dạ cũng tiếp bước theo sau. Nhưng không gây ấn tượng như người mở màn.
Sau khi hiểu ra lời nói của thằng bé, Vĩnh An trò chuyện tiếp tục với nó.
– Vậy em muốn biết cái gì?
Nhận được sự đồng ý của thần tượng, hai mắt Hoài Bách sáng lấp lánh. – Vì sao anh chọn nhảy vực? Anh muốn giáo sư Châu Thanh để ý?
– Anh đói bụng, leo thang trời không nổi. – Vĩnh An đáp nhẹ một câu.
Ngày đó sau khi gây họa chết người, Vĩnh An hồn vía lên mây, bỏ chạy khỏi hiện trường vụ án, không dám quay lại tiệm cơm tấm của bác sáu Sơn. Một đường thẳng đến học viện Bạch Vân theo hướng dẫn của hệ thống. Đến nơi thì vừa kịp giờ tuyển sinh, nhưng cái bụng lép kẹp sức đâu mà đu dây. Sẵn có kinh nghiệm nhảy lầu tự tử trước đó, Vĩnh An chẳng thèm đắn đo, nhảy là nhảy thôi.
Ánh mắt thằng bé tối hơn một chút, nụ cười bên khóe miệng cứng đờ, giọng nó ỉu xìu.
– Không phải do anh cố tình chấp nhận thử thách để chinh phục ngài giáo sư ư? Mọi người đều nói anh ý chí kiên định, tài năng xuất chúng, mới được giáo sư lựa chọn. Ai ngờ… – Hoài Bách dè dặt không dám nói nữa.
Vĩnh An cười mỉm, nhéo cái má phúng phính của chú nhỏ, nói tiếp ý nó bỏ dở. – Ai ngờ chỉ là do trùng hợp. Thần tượng của em không như em nghĩ phải không?
– Để anh nói cho em nghe. Chiến công của những vị anh hùng phần lớn là do hoàn cảnh đưa đẩy. Người đời phịa thêm cho họ mấy lời tốt đẹp. Thế là biến thành một hình mẫu hoàn hảo. Khi xé toạc lớp áo vĩ nhân, bản chất của họ vẫn là con người. Có thất tình lục dục, thích ăn ngon ngủ yên.
Thằng bé tròn mắt nhìn Vĩnh An, những gì cậu nói sao quá khác điều nó từng nghe.
Vĩnh An lại nhéo má nó thêm cái nữa rồi mới nói tiếp. – Em không cần hâm mộ anh. Hãy thần tượng người đánh cược mạng sống của mình để sinh em ra. Người dành cả cuộc đời nuôi em khôn lớn. Bọn họ mới là vĩ nhân chân chính, công việc của họ cũng vĩ đại không kém. Em biết họ là ai không?
– Là ba mẹ em.
– Chính xác, em là một cậu bé thông minh.
– Nhưng… Nhưng em không có linh căn tốt như anh. Sau này khó thành tu sĩ hùng mạnh.
Vĩnh An chỉ cây cổ thụ gãy đổ trong khu rừng trước mặt, cậu hỏi thằng nhóc:
– Em xem thân cây đó có gì?
– Dây leo quấn quanh ạ.
– Cây cổ thụ đó bị gió lay đổ, cành lá đã héo hết. Nhưng em nhìn xem, dây leo vẫn xanh tốt. Vậy bây giờ em nghĩ cây nào khỏe hơn cây nào?
Hoài Bách gãi đầu gãi tai, cuối cùng thừa nhận. – Em không biết.
Cậu cúi xuống nhặt một cành cây bên đường, vẽ nguệch ngoạc vài nét. Thằng bé tò mò nhìn theo từng cử chỉ của cậu. Một người gánh quang gánh dần hiện ra. Vĩnh An bắt đầu kể cho nó nghe một truyện ngụ ngôn.
– Khi thượng đế sinh ra nhân loại, mỗi người đều có sẵn một quang gánh bên mình. Người ta dùng nó để mang theo món quà Ngài ban. Như em thấy đấy, quà tặng càng to gánh sẽ càng nặng. Người không có quà là nhẹ nhõm nhất.
Chú nhóc dùng ánh mắt mơ hồ nhìn Vĩnh An. – Em không hiểu!
– Em chỉ cần nhớ truyện anh kể là được. Lớn thêm chút em sẽ rõ. Bây giờ em còn nhỏ, hãy cứ là chính em.
Bởi vì em sẽ không biết làm người khác sẽ phải trải qua những gì. Khi xỏ vào đôi giày của kẻ lạ thì mới biết họ đau chân. Những lời này Vĩnh An giữ lại cho riêng mình. Có những điều bản thân tự cảm nhận mới thấu hiểu sâu sắc.
Cậu nắm lấy tay thằng bé. – Để anh đưa em về.
Hoài Bách đột ngột nhớ ra một vấn đề, cậu bé lại hỏi:
– Cảm giác nhảy vực đáng sợ không anh?
– Rất khó chịu. Nhưng anh nói cho em nghe một bí mật, hứa không được lộ ra.
Hoài Bách thành thật gật đầu, chờ mong nhìn Vĩnh An.
Cậu cúi xuống thì thầm vào tai thằng bé. – Đó chỉ là ảo trận. Mặc dù cảm giác rất chân thực, nhưng em sẽ được an toàn.
Hoài Bách ngước lên nhìn cậu, chú nhóc nhoẻn miệng cười làm rung rinh nọng mỡ dưới cằm. Bàn tay nhỏ thuận theo Vĩnh An. Hai anh em dung dăng dung dẻ đi trên con đường ngập nắng.