Mùa hè mặt trời lên sớm, nhiệt độ tăng cao.
Tống Kiều Thư nằm giả chết, không muốn khám đại phu.
Tất nhiên Thanh Nhạn không đồng ý, hắn cố chấp lôi nàng dậy.
“Chân ta đau làm sao đi lên trấn được.” Nàng bướng bỉnh lắc người.
“Chúng ta đi xe bò.”
“Hứ, còn lâu Trương đại thẩm mới để ta trèo lên xe bà ta.”
“Nếu không ta cõng nàng, dù thế nào cũng phải đi.” Hắn kiên quyết.
Thấy không lay chuyển được, nàng đành chấp thuận.
Bọn họ tới đầu thôn chờ, vừa vặn Trương thẩm đánh xe đến.
Hiển nhiên bà ấy không muốn chở, nhưng Thanh Nhạn dứt khoát cầm tiền dúi vào tay. Trương thẩm nhẩm tính chỉ có hai nữ nhân nữa chờ xe, Tống lưu manh còn trả tiền, thôi thì chở nàng cũng được. Xe chỉ có nữ nhân không lo nàng giở trò trêu ghẹo nam nhân, với lại nghe nói gần đây nàng đổi tính rồi.
Bà cắn răng chấp nhận: “Nhưng ta không hứa cho các người đi xe về đâu nhé.” Lỡ lúc đó có nhiều người đi xe hơn, có nam nhân, thì thêm tiền bà cũng chẳng chở.
Chỉ chờ có thế Thanh Nhạn hớn hở kéo Tống Kiều Thư lên xe.
Hai nữ nhân kia thấy vậy mặt đen sì sì, muốn mở miệng can ngăn mà thấy mỗi hai người không đủ khí thế. Cộng thêm cái chân băng bó đập vào mắt kia, họ sợ nếu động vào, ả lưu manh này sẽ sống chết bắt họ đưa tiền thuốc thang thì thiệt thòi chết mất.
Đi chung thì đi chung, cũng chẳng mất miếng thịt nào!
Cả đoạn đường không ai nói với ai câu nào, không khí có phần nặng nề.
Trước mặt người ngoài Tống Kiều Thư tương đối an phận, tay chân không sờ mó lung tung.
Tới trấn Bách Hoà hai vợ chồng dìu nhau bước cà nhắc tới Bách Thiện đường.
May mắn sao hôm nay y quán vắng khách, Bách đại phu đang ngồi rảnh rỗi uống trà. Thấy bọn họ thì ngạc nhiên mời ngồi.
Vì nàng là nữ nhân, có thể trực tiếp vén quấn cho bà xem vết thương ngay tại chỗ.
Bách đại phu đắp lá thuốc lên chân nàng, kê thêm thang thuốc giảm sưng, dặn dò cho đến khi vết thương đóng vẩy đừng để nó bị dính nước, nhiễm bẩn, tránh vận động mạnh sẽ làm vết thương rách da.
Thanh Nhạn đứng bên cạnh lắng nghe chăm chú, thầm ghi nhớ trong lòng.
Cảm tạ đại phu xong bọn họ cùng nhau đi chợ, tiểu phu của ai đó muốn mua đồ bồi bổ cho thê chủ.
Tống Kiều Thư: “…” Vết thương bé tẹo mà hắn cứ như nàng bị gãy chân đứt tay không bằng.
Họ vừa rời khỏi thì một nữ nhân trung niên bước vào, theo sau là bà tử và nha hoàn trẻ tuổi.
“Quan quản gia.” Bách đại phu mỉm cười đứng dậy tiếp đón họ. “Bệnh tình lão phu nhân thế nào rồi.”
“Nhờ y thuật của bà, đã ổn định nhiều.” Vị được gọi là Quan quản gia cười đáp lễ.
“Đừng khách sao thế, lão phu nhân có tuổi rồi, đừng để bà tức giận quá độ nữa.”
“Ôi chao, chẳng còn cách nào khác, thời gian này cả nhà xáo trộn ầm ỹ không yên.” Vừa nói bà vừa liếc bà tử nhà hoàn bên cạnh, hai người hiểu ý lui ra cửa đứng.
Bách đại phu và Quan quản gia có giao tình nhiều năm, nhiều chuyện chia sẻ với nhau được.
Khoảng thời gian trước Quan nhị công tử đi ra ngoài dạo phố, xui xẻo gặp một tên lưu manh, bị chặn đường trêu đùa. Khi người hầu đưa cứu viện tới, tất cả đều thấy lưu manh kia ép nhị công tử vào sát chân tường, quần áo xộc xệch lộ bả vai.
Danh tiết nhị công tử bị huỷ, lão thái thái ra lệnh cấm túc chờ ngày đưa vào chùa làm công quả cả đời.
Bọn họ không dám báo quan, sợ mất hết danh tiếng. Nhưng cũng không thể nuốt trôi sự tức giận này, nên cho người đánh lưu manh kia gần chết.
Đáng tiếc cho nhị công tử, sắp tới tuổi trưởng thành, dung mạo thanh tú tinh thông cầm kỳ thi hoạ, tương lai vốn đang xán lạn, cuối cùng vỡ nát phút chốc.
Chẳng còn cách nào, đại công tử có hôn ước với Ngô gia lừng lẫy, bên dưới vô số tiểu công tử khác, nếu không nhẫn tâm cắt rời nhị công tử khỏi Quan gia, tất cả sẽ sụp đổ.
Cha nhị công tử rất thương con, ông ta kiên quyết muốn giữ lại đứa con này.
Đưa tới chùa làm công quả cả đời là gì? Là ngầm tuyên bố cắt đứt với người đó, đời này không được trở về, chỉ có thể mượn cớ dâng hương để thăm hỏi.
Lão thái thái còn yêu cầu đưa đi thật xa, chỉ sợ sau này chẳng thể gặp nhau mấy lần.
Tranh cãi ầm ỹ suốt ngày, lão thái thái hoả khí công tâm, nửa đêm phun một búng máu, nằm liệt nửa tháng.
“Nhị công tử vẫn đang ở nhà, ôi thứ nam nhân kia ỷ nhà mẹ đẻ làm quan kinh thành, gan lớn lì lợm chống đối lão thái thái, sợ rằng…”
Bách đại phu thở dài: “Chỗ ta có chút cẩm vân, ngươi mang về sắc cho lão thái thái uống điều dưỡng thân thể. Tuy nhiên thuốc thang không bằng tâm tình, nên là sớm giải quyết ổn thoả đi.”
Quan quản gia nhìn bà, ngập ngừng vài giây rồi hạ giọng: “Ban này ta thấy có một đôi nam nữ đi ra từ chỗ ngươi.”
“À, ngươi nói Tống nương tử? Nàng là người cung cấp thảo dược chỗ ta, cẩm vân đợt này cũng là nàng hái, hái tới mức ngã núi phải tới đây băng bó.”
“Cung cấp thảo dược? Nàng không phải lưu manh vô dụng sao?” Quan quản gia kinh ngạc thốt lên.
“Hả lưu manh gì? Ngươi nói linh tinh gì đó, mẹ nàng ta là đại phu đấy.” Bách đại phu kinh ngạc không kém. Tiếp xúc vài lần, bà thấy Tống nương tử trầm ổn làm việc chắc chắn rõ ràng, đến Bách Thảo Nha cũng thích nàng, mặc dù nó chẳng ghét ai cả, bốn bể đều buôn chuyện được.
Tự dưng bảo nàng ta lưu manh vô dụng?
Quan quản gia trầm mặc, chẳng lẽ mình nhìn nhầm?
Trong lòng bà bắt đầu không yên, vội đứng dậy xin cáo từ.
Có lẽ phải dò hỏi thực hư thế nào.
Bên Tống Kiều Thư không hề biết sắp có biến động, vẫn tiếp tục cuộc sống thường ngày.
Bởi chân đau mà Thanh Nhạn không để nàng làm việc. Mỗi ngày Tống Kiều Thư đều ngây ngốc ngồi ở hiên nhà, ngắm nhìn thảo dược phơi nắng, theo dõi tiểu phu nhà mình cuốc đất làm cỏ, từng giọt mồ hôi ẩn hiện chảy dọc theo cổ rồi biến mất sau vạt áo.
Chậc, nam sắc hại người.
Vì sợ vận động sẽ ảnh hưởng tới vết thương, mỗi tối Thanh Nhạn đều để cho nàng một bóng lưng kiên quyết.
Tống Kiều Thư miễn cưỡng chuyển sự chú ý vào quần áo mới, nàng muốn làm tay áo rộng một chút. Khi cần sẽ dùng một chiếc dây vải cột lại gọn gàng, dễ bề làm việc.
Thanh Nhạn thật sự bận rộn, làm vườn, giặt giũ nấu cơm do một tay hắn lo hết. Giờ còn may đồ mới nữa thì sẽ không có thời gian nghỉ ngơi, nàng muốn hắn ngừng nhận việc vặt để đỡ vất vả, chứ không phải để hắn làm việc khác.
Vậy nên nàng lặng lẽ dùng tiền riêng thuê người may quần áo mới, còn mua thêm hai đôi giày.
Lần trước nàng bị ngã, một phần do giày cũ quá, đế mòn hết nên thiếu sự ma sát, đi lại rất nguy hiểm.
Đến khi Thanh Nhạn biết thì mọi thứ đã xong, hắn cảm động đỏ ửng mũi.
Hắn quyết định bồi bổ cho nàng thay lời cảm tạ.
Mỗi bữa cơm đều rất phong phú, thịt lợn kho, canh cá nấu măng, gà quay, tôm nõn ngâm,… chỉ cần nàng muốn ăn gì là Thanh Nhạn nấu, món nào không biết nấu thì nàng chỉ bảo đôi câu để hắn tự mày mò.
Phương diện này Tống Kiều Thư không quá kén chọn, kết cục nàng nhanh chóng béo lên một vòng.
Rảnh rỗi nàng dạy Thanh Nhạn chữ nghĩa, hắn lo lắng mình ngu ngốc học không vào, bị nàng trừng mắt cấm tự nói mình ngu ngốc.
“Học để biết chữ, sau này tự khắc có nhiều chỗ dùng. Chúng ta là dân thường, biết tính toán đọc viết là được rồi, có phải đọc sách làm quan đâu mà sợ học không nổi.”
Lời thê chủ dạy hắn đâu dám trái, bắt đầu gật gật gù gù học vỡ lòng.
“Thê chủ, nàng đừng có đọc sát vào tai ta như vậy, nhột.”
“Đọc như thế mới dễ ghi nhớ.”
“Thê chủ, nàng sờ tay ta như vậy, ta không viết được.”
“Tập trung vào, ta đang chỉnh nét chữ cho chàng.”
“…”
“Nếu mỗi ngày chúng ta làm một lần vào canh hai, rồi canh năm lại làm thêm lần nữa. Vậy tổng một tháng chúng ta làm bao nhiêu lần?”
“…”
“Thanh Nhạn tiểu phu, sao không trả lời, chàng đỏ mặt cái gì?”
Nghe nói người đọc sách đều nho nhã điềm đạm.
Nhưng thê chủ nhà hắn thì không như vậy.
Nàng bảo nàng là một lưu manh có văn hoá.
Dưới sự dạy dỗ của lưu manh, mỗi ngày hắn đều bị nàng chơi đùa.
Thật quẫn bách!