Lễ hội Cúng trăng của đồng bào Khmer ở miền tây Nam bộ là một trong những lễ hội lớn nhất và được mong chờ nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Để chuẩn bị cho ngày hội này, người dân Khmer đã chuẩn bị từ một tháng trước đó. Họ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, đặc biệt là tạo nên những cánh cổng bằng tre mô phỏng hình trăng non. Họ lựa chọn gạo nếp, cốm thơm ngon để làm các loại bánh như bánh phồng, bánh nếp, bánh dẻo, bánh cốm.. để đặt vào mâm cúng trong ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch. Tục truyền, lễ hội Cúng trăng này xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần Mặt trăng của người Khmer, thể hiện lòng tin, sự ngưỡng mộ và kính phục của họ với vị thần đã giúp đỡ họ có được cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu. Chính vì thế, vào ngày lễ này, người dân nơi đây tự cho mình được nghỉ ngơi hai ngày để thể hiện niềm tôn trọng với vị thần. Họ vui chơi, ăn mừng và cầu nguyện bằng những chiếc bè thắp sáng thả trên sông Nguyệt. Sau đó, họ lấy bánh cốm đã cúng thần đút vào miệng của người mình yêu thương, với mong muốn vị thần Mặt trăng sẽ bảo vệ, yêu thương người ấy.
Ngồi trên chiếc ghế dài hướng mặt ra bờ sông, Thư nhìn mặt nước sông đầy những chiếc thuyền hoa đăng, lấp loáng nhiều màu sắc, cô mỉm cười vui vẻ. Nhìn người ngồi bên cạnh mình, Thư thấy thật thỏa mãn trong lòng. Nhớ lại hai ngày trước đó, người đàn ông này phải cố gắng giả vờ lạnh lùng, thờ ơ trước mặt cô chỉ để cô nói ra tình yêu của cô dành cho anh như thế nào, Thư cảm thấy sung sướng, bật cười. Sâm Phol thấy tiếng cười khúc khích của cô, anh dịu dàng quay sang, đưa tay đút miếng bánh cốm vào miệng của cô. Thư chép miệng, liếm liếm môi:
– A, bánh dẻo quá, lại còn thơm nữa, ngon thật.
Cô định với tay cầm lấy một miếng nữa trong tay anh, lắc lắc hỏi:
– Anh không ăn à?
Sâm Phol nhìn gương mặt tươi tắn của cô do ánh đèn hoa đăng ánh vào, anh bỗng thấy có chút mờ ảo, sợ hãi rằng điều mình đang nhìn thấy, đang cảm nhận không thật. Anh đưa tay vuốt vuốt khóe miệng đang nhếch lên của cô, trầm giọng hỏi:
– Ngon thật sao? Để anh thử.
Anh cầm lấy bàn tay giữ miếng bánh cốm đưa tới của cô, choàng người sang, hôn vào môi cô. Ừm, thơm thật, lại còn rất ngọt nữa. Vị cốm đêm Cúng trăng thật sự làm cho hai người say mê. Cô say mê bánh cốm, và anh say mê cô. Hành động của anh làm Thư có chút bất ngờ, để yên tay mình trong tay anh, cô hôn anh. Quả thật, không bao giờ là đủ cho những hành động yêu thương nhau của hai người yêu nhau trong cách xa, vừa mới được gặp lại. Những việc xảy ra ngày hôm đó thật đáng nhớ trong đời.
Thư ngồi vào bàn, đưa tay lấy bún cho Sâm Phol, lại lấy nước lèo cho anh, gắp rau cho anh, lấy xương cá ra khỏi thịt rồi bỏ vào trong bát cho anh. Sâm Châu ngồi đối diện nhìn anh bằng vẻ mặt khinh khỉnh, kiểu như là “Ồ, anh cũng có lúc láu táu như thế này sao? Thật không thể tưởng tượng được vẻ mặt vừa vô lại vừa như đang thỏa mãn niềm vui sướng vì được phục vụ đến tận răng của anh mình. Tình yêu thật làm cho người ta thay đổi.”
Sâm Phol như bắt được cái nhìn của em mình, anh hất mặt, hắng giọng:
– Ừm, để anh tự làm.
Nói xong, anh lấy hết cá đã bỏ xương trong chén của mình bỏ vào chén của Thư. Hành động của anh trong mắt Sâm Châu, là hành động khiến người khác cảm thấy mình bị ngược đãi vì phải nhìn người ta yêu đương trong khi mình lẻ loi. Còn trong mắt dì Sơrai thì là, ầy da, thằng cháu của mình là yêu rồi, chiều chuộng đến thế, dịu dàng đến thế. Có lẽ con bé ăn miếng cá được nó gỡ xương cho, có thể chết ngất vì ngọt ngào thôi. Còn trong mắt Thư, thì ra anh ghét mình đến thế, mình đã cố gắng biểu hiện rằng mình quan tâm anh, vẫn yêu thương anh và vô cùng hối hận.. vậy mà anh vẫn không chấp nhận.. Cô gắp miếng cá bỏ vào miệng, cảm thấy đắng nghét, chớp chớp mắt cô gắp thêm một miếng ớt trong đĩa nước mắm bỏ luôn vào miệng, vừa đúng lúc nước mắt trào ra, giọt giọt rơi trên mặt bàn. Trong cái nhìn ngơ ngẩn, tĩnh lặng của mọi người, Sâm Phol cảm thấy giọt nước mắt nóng hổi đang rơi trên mu bàn tay anh. Động tác liền cứng ngắc. Anh nhìn cô, trầm ngâm rồi đứng lên bước lại tủ lạnh rót cho cô ly nước mát:
– Em uống đi cho bớt cay. Ăn không được thì đừng ăn.
Câu nói của Sâm Phol vừa kết thúc, tức thì tiếng nấc không thể nhịn xuống của Thư bật ra khỏi miệng, cô đứng lên, gật gật với hai người còn lại rồi bước đi như chạy vào nhà vệ sinh. Vai cô sượt qua vai Sâm Phol, anh thấy mình đau lòng rồi. Anh không thể tiếp tục diễn được nữa. Nhìn hai người còn lại trên bàn ăn một cách ý tứ, họ liền đứng lên rồi đi ra ngoài. Sâm Châu vươn vai:
– Hây da, giờ mình mới hiểu được câu thành ngữ “kẻ không ăn ớt mà cay”!
Sâm Phol:!
Dì Sơrai vỗ vai anh: – Bớt nói chút.
Bà quay sang Sâm Phol: – Giải quyết cho tốt vào. Cô tin cháu có lý do. Rồi bà bước ra ngoài đi về phía quán ăn.
Đợi hai người kia đi, tiếng khóc trong nhà vệ sinh đã im bặt. Sâm Phol gõ cửa:
– Thư? Em không sao chứ?
* * *
Không có tiếng trả lời. Giọng anh gấp gáp: – Thư? Mở cửa cho anh.
Thư ở trong nhà vệ sinh, cố gắng khuyên nhủ mình, không sao đâu, thất tình thôi mà, có phải là tận thế đâu chứ. Ấy vậy mà nước mắt vẫn rơi. Cô cắn chặt môi, đôi môi đỏ lên như sắp bật máu. Mình khóc ở trong này sắp hết nước mắt vậy mà tới giờ anh ấy mới đến hỏi mình có sao hay không. Đúng là anh không còn yêu mình nữa rồi. Mình thật đã làm tổn thương anh. Anh không muốn tha thứ cho mình rồi. Đau lòng quá, đau thật đau.
Cửa nhà vệ sinh mở “cạch” một tiếng. Hóa ra cô vội vàng chạy vào chỉ đóng cửa mà không khóa. Sâm Phol bước lại gần, cô càng cúi mặt xuống. Sâm Phol để tay lên vai cô:
– Ngẩng đầu lên cho anh!
Anh lên tiếng. Cô vẫn yên lặng không nhúc nhích, chỉ thấy được mái tóc xõa lung tung trước mặt, vai run rẩy. Anh lớn tiếng hơn:
– Anh bảo ngẩng đầu lên!
Lúc này, cô khóc òa lên, không còn nghi kỵ gì nữa hết. Đằng nào thì từ trước tới giờ cô cũng thật bếch bác khi xuất hiện trước mặt anh. Cũng chẳng còn cần hình tượng cái khỉ gì nữa. Thấy vậy, Sâm Phol đành kéo cô vào lòng, vỗ về:
– Không khóc nữa được không? Người phải khóc là anh thì đúng hơn.
Anh thủ thỉ với cô:
– Khi em không từ mà biệt, anh thật sự rất đau khổ, đau đến chết đi được. Nhưng anh không muốn chết trước, lỡ như em quên mất anh mà có người yêu khác thì sao chứ. Vậy anh thành người mồ côi cả hai kiếp luôn rồi. Anh đi tìm em, ăn vạ nhà em, ngóng trông tin tức của em từng ngày, đến lúc hai bác nói anh biết chuyện kia thì anh hiểu em vẫn an toàn. Chỉ là em cần thời gian để ổn định tâm lí. Nhưng anh lại chuyển từ đau khổ sang thất vọng. Em như thế là không tin tưởng anh. Thậm chí anh hoài nghi, tình yêu của anh có giá trị gì với em không? Anh biết em đau khổ vì Hà Tuyên nhưng em có nghĩ anh cũng rất đau khổ vì em. Anh tự trách mình biết bao nhiêu lần khi không làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho em.. Có lúc anh thấy tuyệt vọng, hoặc là em đã thấu đáo mọi chuyện và không còn cho anh cơ hội yêu em. Một ngày, một tuần, một tháng, rồi một năm, anh vẫn đợi em, nguyện đợi em đến khi nào không thể đợi được..
Anh buông cô ra, Thư giờ đã nín khóc mà lắng nghe anh nỉ non. Nhìn gương mặt đầy nước mắt, mi mắt sưng húp, anh xót xa định nói tiếp, Thư cắt ngang trong tiếng nấc đang nghẹn lại:
– Nhưng sao anh làm lơ em, lạnh lùng với em, còn không để em quan tâm anh?
Anh vuốt đôi môi bị cô cắn đến rỉ máu, hôn nhẹ lên đó rồi nói:
– Là anh muốn biết em có yêu anh hay không?
– Anh giả vờ sao? Anh lừa em sao? Anh..
Anh vội đặt ngón tay lên miệng cô không cho cô nói nữa:
– Anh xin lỗi, nhưng anh thề là khi anh nhìn em, đã rất nhiều lần anh muốn đến ôm lấy em, buộc em vào anh, không cho em đi nữa.. Anh làm như thế nhưng anh cũng đau không kém gì em đâu.
Thư nghe xong, cô thẩn thờ một lúc. Hóa ra, người đàn ông này còn yêu cô, vẫn yêu sâu đậm, vẫn chờ cô. Cô nhào vào lòng anh, lại tiếp tục khóc, nhưng là những giọt nước mắt hạnh phúc. Cô nói “em xin lỗi, em thật xin lỗi, em yêu anh”.
Nghe lời cô vừa thốt ra, Sâm Phol mừng còn hơn bắt được giặc. Anh kéo cô ra, nhìn thẳng vào mắt cô, vuốt ve gương mặt cô, đặt nụ hôn lên trán cô, lên mắt cô, lên má cô, lên cằm cô và cuối cùng anh dừng lại ở môi cô. “Anh yêu em”. Tay anh ghì chặt cô vào sát người mình, hôn cô nồng nàn, mãnh liệt. Cái hôn chất chứa nỗi nhớ nhung 365 ngày đêm anh đều khao khát.
Trước đây anh không hiểu, nhưng bây giờ anh hiểu được, tại sao có nhiều kẻ có thể chết vì tình yêu.
Sâm Phol buông cô ra, choàng qua vai cô, để cô dựa vào lòng mình, cùng cô nhìn về phía mặt sông lấp loáng ánh sáng hoa đăng. Anh trầm giọng: Người dân tộc Khmer tin rằng, vào đêm Cúng trăng, nếu như đút bánh cốm đã cúng thần Mặt trăng cho người mình yêu quý, thì suốt đời sẽ không chia cắt, suốt đời luôn gắn bó, suốt đời luôn tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau..
Lời của Sâm Phol chậm rãi len lõi vào tận trong tâm can của Thư, dịu dàng, rực rỡ như đêm hội hoa đăng của người Khmer dễ mến, như ánh sáng huyền ảo của mặt trăng đang tròn vành vạnh trên trời.