Viện Điều Dưỡng Đồng Xanh

Chương 3



Truyện: Viện điều dưỡng Đồng Xanh – Bệnh nhân London.

Tác giả: Lan Đạo Tiên Sinh.

Editor: Aminta.

Chương 3

***

Tôi cho là mình đã hỏi một vấn đề hết sức tệ, nhưng không biết kết thúc nó như thế nào. Tôi luống cuống nhìn cậu ta, Schulz lại tiếp tục nói: “Tôi và Feit quen biết ở trong trường. Tôi gia nhập một câu lạc bộ nhạc cổ điển trong học viện, ngày đầu tiên tôi đã chú ý tới cậu ấy, cậu ấy quá chói mắt, mái tóc ngắn màu vàng, đôi mắt xanh như đá quý, cậu ấy trông như một bức tượng thần Hy Lạp sống vậy. Cậu ấy đi tới chỗ tôi, hỏi tôi có muốn đến quán cà phê gần đó với cậu ấy không. Sao tôi có thể từ chối cậu ấy?”

Mang tướng mạo điển hình của người Aryan, đúng là hi vọng tương lai của Nazi. Tôi thầm nghĩ nhưng không cắt lời Schulz, cậu ta có một thần thái khác lạ khi nói chuyện, giống như thắp sáng cuộc sống như đống tro tàn của cậu ta trong ngục giam. Tên tội phạm chính trị đối diện huýt sáo với tôi, miệng hắn thì thào mấy thứ như “Chỉ có đám đĩ đực mới chơi với nhau”. Tôi không để ý đến chúng mà đến gần Schulz hơn. (Chủng tộc thượng đẳng là một khái niệm trong ý thức hệ của Đức Quốc xã, trong đó các chủng tộc Bắc Âu hay chủng tộc Aryan giả định, chiếm ưu thế trong số người Đức và các dân tộc Bắc Âu khác, được coi là cao nhất trong hệ thống phân cấp chủng tộc. Thành viên của tộc người này được gọi là Herrenmenschen (“người thượng đẳng”).)

“Tất cả bắt đầu như thế đấy. Lúc ấy nghiêm ngặt lắm, chúng tôi thường xuyên hẹn hò lén lút, tôi không thẳng thắn với cha tôi nhưng tôi đã giới thiệu cậu ấy với mẹ. Có được sự đồng ý của bà ấy, chúng tôi chân chính trở thành một đôi. Chúng tôi quyết định chạy sang Anh, bên đó có một bà con xa của mẹ tôi có thể giúp đỡ chúng tôi.”

“Mẹ cậu suy nghĩ cởi mở nhỉ.” Tôi cảm thán, “Còn mẹ nuôi của tôi biết tôi là đồng tính thì nhanh chóng đuổi tôi ra khỏi nhà.”

“Mẹ nuôi?”

“Tôi là người Anh, hồi nhỏ ở London, sau đó tôi được người Pháp nhận nuôi.” Tôi nhún nhún vai: “Chuyện này không quan trọng, cậu nói tiếp đi.”

“Trong khi tôi đang háo hức chờ đợi giấy phép nhập cảnh của chúng tôi. Hai tuần trước, Gestapo đột nhiên xông vào nhà tôi. Tôi nhận ra tình hình không ổn lắm, tôi đã ôm mẹ mình một cái thật chặt trước khi đi.” Giọng Schulz dần dần nghẹn ngào: “Có lẽ… đó là lần cuối cùng tôi ôm bà ấy.”

Tôi nắm chặt tay cậu ta: “Đừng nói như vậy, cậu và mẹ cậu sẽ gặp lại. Chắc chắn.”

“Họ ép tôi đi lên xe và đưa cho tôi một lá thư, nhưng đó không phải là giấy phép tôi mong chờ ngày đêm mà là lệnh bắt giữ. Trên đó viết rõ tôi đã vi phạm điều lệ 175, là một tên tội phạm đồng tính. Tôi không được phép ý kiến, họ nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lùng.” Schulz hít một hơi thật sâu như là trút hết cảm xúc đã đọng lại rất lâu ra ngoài: “Đáng lẽ tôi nên nhận ra họ đã có chứng cứ đầy đủ từ trước. Trong xe, họ lấy ra một tấm hình tôi tặng cho Feit, đó là hình mẹ tôi chụp tôi chơi đàn. Gestapo đánh giá tôi một cách khinh khỉnh, gần như vo nát bức ảnh, nói rằng tôi là nỗi sỉ nhục của đất nước này… Nhưng tôi ra vẻ bình tĩnh cầu may trong lòng, lắc đầu tỏ vẻ không biết gì cả. Họ tức tối lật tấm hình lại, trên đó là lời chúc do tôi viết, sau đó một xấp thư quăng vào mặt tôi, đó đều là thư tôi viết cho Feit, nhìn chữ viết là có thể định tội tôi. Tôi biết mình hết đường chối cãi nên nhận tội. Họ đưa tôi vô tù, một tuần trước tôi bị yêu cầu chuyển tới Pháp để rời xa Feit.”

“Cha của Feit… là một quan viên cấp cao của Nazi à?”

“Đúng vậy, ông ta làm việc ở Áo.” Schulz cười khổ nói, “Cha tôi cũng thế.” (Ngày 1 tháng 3 năm 1938, nước Đức Quốc xã đã thôn tính nước Áo mà không cần nổ một phát súng)

Tôi cảm thấy rất kinh ngạc: “Cha cậu cũng là một quan viên cấp cao, tại sao lại không cứu cậu ra ngoài?”

“Ông ấy đã thử móc nối với họ, nhưng bị từ chối. Tôi thật sự ngây thơ, họ đã bắt tôi trước khi tôi rời khỏi Áo, chắc chắn là cha của Feit mật báo. Một khi tôi đến Anh, những bức thư mờ ám kia cũng sẽ bị phát hiện, Feit cũng biết… À, tôi nên gọi anh là gì?”

“Gọi tôi Benoît là được.”

“Benoît, anh không hiểu Nazi căm thù người đồng tính ra sao đâu, họ chỉ mong chúng ta chết hết cho rồi… Tuy cha tôi có chức vị cao nhưng vẫn không thể thay đổi tình trạng của tôi. Mà họ bảo vệ Feit rất kỹ, tôi phải chịu đựng tất cả những gì họ làm với tôi… Vì thế họ sẽ nhốt tôi ở đây cả đời.”

Trải qua đủ mọi chuyện xảy ra sau này, tôi thà rằng bị nhốt ở đây cả đời.

Schulz gầy đi từng ngày ở trong tù, cậu ta thường xuyên sốt, ho khan, sức khỏe của cậu ta vốn chẳng tốt mấy, tính mạng cậu ta đang dần bị mài mòn trong ngục. Tôi không biết liệu người thanh niên tên Feit kia có nhớ Schulz hay không, trong mắt tôi Schulz cực kỳ đáng thương, mà người con trai của quan chức cấp cao đó không có hành động gì cả.

Tôi không có cách nào để biết chân tướng. Không bao lâu sau, tôi không nhớ rõ là bao lâu, quãng thời gian trong tù khiến tôi sống trong đần độn, không nhìn thấy mặt trời mọc, cũng không nhìn thấy mặt trời lặn, chúng tôi nghênh đón kết cục cuối cùng. Tất cả người đồng tính được đưa đến trại tập trung Schirmeck cách Strasbourg ba mươi lăm cây số. (Trại tập trung Schirmeck là trại chuyên để cải tạo những người phản xã hội ở vùng Alsace)

Đây là số phận cuối cùng của chúng tôi, người vào trại tập trung đều sẽ chết, tôi biết được chuyện này từ miệng một người bạn khác, rất nhiều người đồng tính bị xem như lao động ở tầng dưới chót, làm công việc chân tay nặng nề nhất, hoặc là bị đưa vào phòng thí nghiệm, tiêm những hoóc môn không biết tên vào cơ thể*, những người đó sẽ biến mất vào ngày hôm sau. (Các bác sĩ thời đó quan niệm rằng đồng tính là do thiếu hoóc môn nên để chữa trị thì cần tiêm bổ sung hoóc môn)

Tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi, chuyện này khác hẳn những chuyện tôi đã trải qua trước đây.

Trời vừa sáng, chúng tôi đã bị giám ngục xô đẩy rời khỏi tù. Gió mùa đông lạnh lẽo hanh khô, tôi chỉ mặc một cái áo sơ mi, áo len tôi đã đưa cho Schulz chống lạnh rồi. Giám ngục đi ở phía sau thúc giục chúng tôi nhanh lên, mấy người mặc quân phục của quân SS* đứng bên cạnh xe chở tù nhân bắt đầu kiểm tra nhân số, tất cả mọi người cúi đầu, ánh nắng không chói mắt nhưng không ai muốn nhìn cả. Schulz đứng trước tôi, hai gò má hơi ửng đỏ vì sốt. (Schutzstaffel gọi tắt là SS có nghĩa đội vệ quân/đội cận vệ, là tổ chức vũ trang của Đức Quốc xã, mặc đồng phục màu đen nên còn được gọi là “Quân áo đen”)

Đột nhiên, một người mặc quân phục gọi Schulz lại và lén đưa cho cậu ta một tờ giấy. Schulz ngẩn người nhưng không hề dừng chân lại. Cậu ta nhanh chóng nhét tờ giấy vào trong túi, đi lên xe tù.

Chờ đến khi tất cả chúng tôi đã chen chật hết trong xe, Schulz mới cẩn thận từng li từng tí đưa tay vào trong túi, cẩn thận lấy tờ giấy ra, nhanh chóng nhìn thoáng qua. Tay của cậu ta run rẩy kịch liệt, cả người đứng không vững dường như một giây sau là cậu ta sẽ ngã xuống, cậu ta nắm lấy cánh tay tôi, trong mắt đong đầy lệ.

“Cha của tôi, bị cách chức rồi. Họ nói ông ấy tự sát.”

Tôi cũng giật mình, trước đó tôi chỉ nghe nói cha cậu ta đã chạy khắp nơi, hòa giải với các quan chức cấp cao của Nazi để xin tha cho Schulz, không ngờ mọi chuyện lại trở thành như vậy. Schulz ngồi xổm xuống giữa đám người chật cứng, vùi đầu vào hai tay, thân thể không ngừng run rẩy.

“Chúa ơi…” Cậu ta đau đớn ôm đầu, gần như vò nát tờ giấy trong tay: “Trên giấy nói trước khi chết cha tôi đã bị những tên quan viên khác nhục mạ, họ nói ông ấy ghê tởm giống như tôi, là một người cha thất bại… Không… Ông ấy không phải! Tôi không thể đối mặt với mẹ và tất cả mọi người… Là do tôi… Tôi đã hại chết cha của mình!”

Tôi cũng ngồi xuống, vỗ lưng Schulz: “Mọi chuyện rồi sẽ qua, cậu sẽ trở về nhà. Tin do ai gửi?”

“Quản gia của tôi, ông ấy nói mẹ tôi bệnh nặng từ sau khi cha tự sát, ông ấy nhất định phải nói cho tôi biết chuyện này.” Từng giọt nước mắt của Schulz rơi xuống.

Tin là do một binh lính của quân SS đưa cho cậu ta, nếu như không có quan hệ thì không thể truyền tin vào đây được. Nói cách khác, rất có thể binh lính này được người tình Feit của cậu ta nhờ cậy. Nhưng tôi không biết giải thích sao với Schulz, liệu chuyện này có khiến cậu ta đau khổ hơn không?

“Cậu phải sống sót.” Tôi nói với Schulz: “Cha của cậu là một người phi thường, mẹ của cậu đang chờ cậu ở nhà, bà ấy cần cậu.”

Cậu ta ôm tôi, vùi đầu vào lòng tôi lặng lẽ khóc.

Tôi hoàn toàn không thể cảm nhận biến cố này, tôi không có người thân, cha mẹ nuôi của tôi là tín đồ thành kính của Thiên Chúa Giáo, sau khi biết được xu hướng tính dục của tôi thì đuổi tôi ra khỏi nhà, không ai quan tâm tôi, tôi lang thang đầu đường xó chợ ở Alsace cả ngày lẫn đêm, có khi tôi sẽ uống say như chết và bị thằng đàn ông nào đó mang về qua đêm, tôi còn từng bán thân để kiếm sống một khoảng thời gian.

Người thân duy nhất khiến tôi lo lắng là Carl, từ sau khi rời khỏi Paris tôi đã không còn nhận được thư của cậu ta. Trong hoàn cảnh ấy, số lần Carl xuất hiện trong đầu tôi càng ngày càng nhiều, cậu ấy là vì sao mai, là ánh sáng duy nhất xoa dịu tôi. Tôi còn chưa thấy dáng vẻ trưởng thành của Carl, không biết cậu ấy có còn chảy nước mũi đi sau lưng tôi, hô hào “Ella, Ella, chờ em với” như hồi bé không.

Ella. Tôi rất hoài niệm cái tên ấy, đó mới là tên thật của tôi. Tôi ghét cái tên Benoît sặc mùi nước Pháp này, nhưng trước giờ tôi không nói với cha mẹ nuôi. Tôi cần họ nuôi dưỡng tôi, phản kháng họ, khiến họ không vui thật sự là quá ngu xuẩn.

Vào ngày chúng tôi đến nơi thì trời đã nhá nhem. Chúng tôi vẫn bị đẩy khỏi xe một cách thô bạo, tiếp theo chúng tôi được dẫn vào phòng chứa đồ. Đồng phục, áo sơ mi, giày, vân vân… chất đầy kệ. Tôi nhìn thấy hai tên tội phạm chính trị bị gọi ra trước, người phụ trách phân phát quần áo cho chúng tôi cũng là tù nhân ở đây, nhưng họ được đối đãi tốt hơn chúng tôi nhiều, có thể thấy được điều đó qua khuôn mặt hồng hào của họ.

Người đó cầm một giày cũ định đưa cho tên tù nhân chính trị, nhưng lại hỏi một câu: “Là tội phạm chính trị à?”

“Đúng.”

Người đó cất đôi giày kia rồi lại chọn một đôi tốt nhất trên kệ đưa cho tù nhân: “Đây.”

Tôi không hiểu, cùng là tù nhân tại sao tôi được phân phát sau, hơn nữa còn được phân phát một đôi giày tệ nhất và áo sơ mi rách rưới nhất. Mãi đến sau này tôi mới biết đó là quy củ trong trại tập trung, đám người đồng tính mang tam giác hồng trên quần áo như chúng tôi là loại tù nhân thấp hèn nhất, đãi ngộ của chúng tôi đương nhiên kém hơn nhóm tội phạm chính trị mang tam giác đỏ. (Trong trại tập trung phân biệt các loại tù nhân bằng những mảnh vải hình tam giác gọi là Winkel được khâu lên áo ngoài phía dưới số hiệu tù nhân của họ. Người tù chính trị có mảnh vải màu đỏ, người đồng tính màu hồng, tội phạm màu xanh lá, người Do Thái màu vàng,…)

Khái niệm giai cấp cần được khắc sâu trong lòng người, nhiều năm sau tôi thấy được quan điểm này trong một số bài luận.

Những người quản lý tù nhân trong trại tập trung đều được chọn từ nhóm tù nhân. Họ có quyền lực, đồng thời thường xuyên lạm dụng nó. Sau này tôi mới dần dần hiểu ra.

Nhận quần áo xong thì đã gần tối, chúng tôi được xếp ăn tối tập trung. Bữa ăn vô cùng đơn sơ, hoàn toàn không thể lấp đầy bụng, bánh mì khô cứng và nước lã. Một cậu trai đến từ Ba Lan ngồi đối diện tôi có một bát súp còn bốc hơi nóng. Trông cậu ta rất đẹp cũng rất trẻ, tuy tôi biết hẳn là cậu ta đã ở đây rất lâu nhưng cậu ta không tiều tụy như những tù nhân khác.

Tôi muốn hỏi làm sao cậu ta lại có một bát súp hoặc tại sao trong đĩa của cậu ta có một miếng thịt. Thế nhưng tôi còn chưa kịp gọi cậu ta thì lệnh tập hợp đã đến. Tôi không thể không nhanh chóng rời khỏi bàn ăn, mà cậu trai Ba Lan kia thì không nhanh không chậm chùi miệng và đi tới nhà bếp. Khi đi ngang qua đó, qua cánh cửa khép hờ tôi nhìn thấy một tên đầu bếp đang cởi quần cậu ta, cậu ta không phản kháng, ngoan ngoãn tuân theo như một đứa trẻ.

Chợt tôi thấy choáng váng.

Một bát súp, một miếng thịt hoặc là bánh mì mềm một chút.

Sau bữa tối, người của phòng bí thư mang đến một bảng danh sách số hiệu tù nhân và đốc công đọc to cho chúng tôi nghe. Tôi nghe thấy rất nhiều người xung quanh hít khí lạnh, những người được gọi số đều đứng ra ngoài, sau đó người của phòng bí thư dẫn họ rời đi.

Người đứng cạnh tôi thở phào nhẹ nhõm: “Hôm nay không có tôi.”

“Bảng danh sách đó là gì vậy?” Tôi hỏi anh ta.

“Bảng danh sách tử thần.” Anh ta nói: “Người bị mang đi chưa từng quay về. Phòng bí thư sẽ công bố danh sách mỗi ngày.”

“Họ bị mang đến đâu?”

“Phòng thí nghiệm hoặc là phòng điều trị.” Anh ta nói: “Cũng như nhau thôi, không về được.”

“Tôi nhìn thấy người của phòng bí thư mang tam giác đỏ…”

“Họ được chọn từ trong những tù nhân chính trị, nếu như để họ đảm nhiệm chức vụ thì người chịu chết đều là đám tam giác hồng chúng ta.”

Để tù nhân quyết định sống còn của tù nhân. Tội phạm chính trị đứng trên cao xét xử người đồng tính. Nazi không trực tiếp hại chúng tôi, nhưng hậu quả mà bộ quy tắc, chế độ giai cấp nghiêm ngặt mà họ đặt ra lại khiến các tù nhân tự giết lẫn nhau. Trong tình thế đó, chúng tôi hoàn toàn không thể đoàn kết để phản kháng, mà chỉ là một mớ người bị hại nghi ngờ lẫn nhau, chẳng có sức mạnh, rời rạc như một đống cát.

Buổi tối chúng tôi đến doanh trại. Bởi vì đã xử lý nhiều tù nhân nên trống rất nhiều “giường ngủ”, trên những cái bục cao hơn mặt đất có đặt chăn mền, mỗi người một bộ. Chúng tôi chui vào chăn, họ không tắt đèn, một tên lính quân SS yêu cầu chúng tôi đặt tay trên chăn. Schulz phiên dịch lại cho tôi nghe, nhưng cậu ta lại nhét tay dưới chăn không biết là làm gì.

Tên lính quân SS kia nhanh chóng đi tới, kéo Schulz ra khỏi chăn. Hắn để Schulz đứng vững, sau đó xách một thùng nước lạnh khỏi mặt đất, dội thẳng xuống đầu Schulz.

Lúc này là mùa đông, Schulz chỉ mặc một cái áo sơ mi và một cái quần mỏng.

Tiếp theo là thùng nước thứ hai, nhưng cậu ta không nói một câu, thậm chí còn không rên một tiếng.

Đến thùng thứ ba, Schulz bắt đầu run rẩy lắc lư sau đó ngã xuống.

“Đừng đặt tay dưới chăn, đám kê gian tụi bây!” Tên lính quân SS kia đá cái thùng sang một bên, chiếc giày đen bóng loáng giẫm trên mặt đất phát ra tiếng vang khiến người ta sợ run.

Hắn đã rời đi.

Tôi rời khỏi chăn, đỡ dậy Schulz đã ngất xỉu trên mặt đất, cậu ta vốn đang sốt, ba thùng nước lạnh đủ để khiến bệnh tình cậu ta chuyển biến xấu. Những kẻ đó sẽ không cho chúng tôi thay quần áo, tôi không thể làm gì khác hơn là lau khô cơ thể cậu ta trước rồi mới cởi quần áo khô ráo của mình ra thay giúp cậu ta. Schulz mơ màng nói cảm ơn với tôi, hai hàm răng vẫn còn va cầm cập.

“Trời ơi, cậu nghe hiểu tiếng Đức, tại sao còn đặt tay dưới chăn!” Tôi dùng chăn đắp kín cậu ta, kinh ngạc nói.

Cậu ta mỉm cười, cầm tay tôi nhét dưới chăn của cậu ta.

Bên dưới là bản nhạc của Schulz.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.