Vào một ngày chủ nhật sau khi trở về từ vùng ngoại thành, tôi nhận được cuộc gọi của A Văn. Tuy nhiên, giọng người gọi không phải giọng nhỏ. Nghe mẹ nhỏ ở đầu dây bên kia giải thích hồi lâu, tôi mới biết A Văn và Lý Bình đã chia tay. A Văn nhất thời nghĩ quẩn, trèo trên sân thượng, muốn từ tầng mười bốn nhảy xuống tự tử. Nhưng gặp ba mẹ khổ sở khuyên ngăn, nhỏ lại thôi, từ hôm ấy nhỏ biệt lập mình trong phòng, tựa như bản thân chưa từng tồn tại.
Nội dung cú điện thoại quá mơ hồ. Nói thêm vài câu, tôi liền cúp máy, vội vã chạy tới nhà A Văn.
Ba mẹ nhỏ vẫn tự trách mình không đúng, nói lẽ ra đừng bức ép hai đứa. Lý Bình không chống cự nổi áp lực của gia đình đôi bên, đành chia tay với A Văn, gật đầu chấp thuận người thích hợp do mẹ an bài.
Tôi khẽ lắc đầu nhìn ba mẹ A Văn, kết cục kia cũng chính là lời khi tiêu dao nhỏ đã nói với tôi. Nhỏ từng đặt giả thiết nhỡ có chuyện phát sinh thì nhỏ sẽ làm thế nào, nhỏ phải hành động ra sao. Năm ấy vẻ mặt nhỏ còn đượm vị thấu hiểu hồng trần bảo: “Nếu Lý Bình thật sự phải lập gia đình, tôi sẽ thật lòng thật dạ chúc phúc nhỏ.” Hiện tại chuyện thật sự đã xảy ra, nhưng nhỏ lại không hề ung dung như thế.
Mang chìa khóa đến mở căn phòng khóa trái, liếc mắt một cái liền trông thấy A Văn. Nhỏ đang cuộn mình ngồi ở mép góc giường. Nghe thấy tiếng mở cửa, nhỏ sửng sốt quay đầu ngó lại.
Không hiểu sao tôi đột nhiên muốn khóc, hóa ra A Văn đã không còn là cái dạng muốn khóc thì khóc, muốn cười là cười của ngày xưa nữa rồi. Nhỏ nhìn nhìn tôi, gắng cười trừ một cái, hai gò má vẫn ướt đẫm những giọt nước mắt chưa khô. Đối mặt thật lâu, tôi nuốt xuống dòng lệ, nhếch mép giễu:
“Đồ thối tha, gan cậu không nhỏ nhỉ? Còn muốn tìm cái chết không?”
A Văn hơi ngửa đầu, không cho nước mắt chảy xuống:
“Hi, kỳ thật tôi không phải thật tình muốn chết, chỉ là yêu quá mệt mỏi, yêu đến tuyệt vọng. Con đường này quá khó đi, vốn dĩ đã không nhìn thấy hi vọng.”
“CÂM MIỆNG!” Tôi ngắt lời nhỏ, lạnh lùng mắng: “CẬU LA Ó, ĐÒI SỐNG ĐÒI CHẾT, MÀ KHÔNG BIẾT BẢN THÂN BỎ LẠI CHO LÝ BÌNH, CHO NGƯỜI THÂN, CHO BẠN BÈ, CHO CHÚNG TÔI NỖI ĐAU GÌ CẢ!!”
“Giá như có một ngày có thể được ba mẹ chúc phúc, có thể được xã hội công nhận, có thể sống một cuộc sống bình thản. Tôi không tham đâu, tôi chỉ mong một ngày, dù chỉ có một ngày cũng tốt.”
“…”
Trong giây phút lâm vào trầm tư vì những lời bộc bạch xúc động của nhỏ, chợt nghe nhỏ khẽ gọi:
“Hi…”
“Ừ? Làm sao?”
“Tôi muốn nhờ cậu một chuyện.”
“Chuyện gì?”
“Xin cậu nhất định phải hạnh phúc, phải đối xử tốt với Vũ, hãy sống hạnh phúc thay cho chúng tôi. Hai người các cậu nhất định phải hạnh phúc hơn tất cả mọi người.”
“Được, tụi tôi sẽ sống thật hạnh phúc!”
“Vậy là tốt rồi, vậy là tốt rồi.” A Văn thều thào lặp đi lặp lại câu “vậy là tốt rồi”. Thình lình im lặng.
Một lúc sau nhỏ lên tiếng:
“Hi, tôi hối hận quá, hôm chia tay, đáng lẽ tôi không nên khóc. Đáng lẽ tôi nên cười chúc phúc nhỏ, nếu khoảnh khắc ấy có thể lặp lại, tôi sẽ không khóc, tôi muốn cho nhỏ biết tôi có thể sống tốt.”
“…”
“Hi, tôi yêu nhỏ. Thời gian ở bên nhỏ dường như ngày mai chính là tương lai. Chẳng qua…” A Văn nghẹn ngào.
A Văn là đứa luôn giấu nước mắt, giấu cay đắng trong thâm tâm, nhỏ không muốn để người ta chứng kiến bộ mặt yếu ớt nhất của mình. Đôi mắt đỏ ngầu lướt nhìn tôi và nói:
“Hi, xin lỗi, tôi muốn khóc, cậu mặc kệ tôi, tôi muốn khóc một phút, tôi chỉ muốn khóc một phút thôi.”
Dứt lời, nhỏ ôm mặt “oa…” một tiếng rồi khóc rống lên, tiếng khóc tê tái khiến ba mẹ nhỏ kinh hãi, họ đứng bên ngoài điên cuồng đập cửa phòng.
Tôi không mở cửa, mà đứng lặng một bên. Tôi nghĩ A Văn chỉ muốn trút hết chút bi thương tồn đọng bấy lâu. Nghe nói hơn một tháng nay nhỏ chưa từng nói quá một câu, không khóc, cũng không cười.
Tầm mấy mươi giây sau, A Văn ngừng khóc, song giọng nói dĩ nhiên vẫn còn khàn khàn. Nhỏ lau khô mặt, đôi mắt đỏ hoe lại liếc nhìn tôi, nặn cho tôi một nụ cười chua chát.
“Hi, tôi đã xin đi Vancouver du học, visa đã lo liệu xong rồi.”
“… Chừng nào đi? Nhỏ có biết không?”
“Khoảng hai tuần nữa, lần này đi khả năng sẽ không trở lại. Nhỏ không biết, tôi không định để nhỏ biết.” A Văn thở dài thườn thượt, cười khổ: “Cho dù biết thì thế nào? Nhỏ đã quá mệt mỏi, nhỏ cần được nghỉ ngơi. Bảo tôi đi một mình, lưng còn kéo theo nhỏ? Tôi cũng sẽ mệt mỏi. Vậy đấy, bây giờ tụi này còn có thể làm sao?”
“…”
Trên đường về nhà, tôi hồi tưởng rất nhiều kỷ niệm thời trung học vô ưu vô tư. Khi ấy chúng tôi thích nằm trên bãi cỏ sân thể dục sau bữa trưa, ngắm mây trôi, tán phét về tương lai, thỏa thích đầm mình bàn luận tình yêu.
Khi ấy cuộc sống quá đơn thuần, hai đứa cả ngày luôn miệng bảo sẽ liều lĩnh, phấn đấu hết mình vì tình yêu. Và A Văn tại thời điểm nọ luôn thích hỏi thăm tôi về quá khứ của Lý Bình. A Văn muốn biết tất cả về nhỏ.
Trong số những màn đối thoại cùng A Văn, có một đoạn tôi khó quên nhất. Có lẽ bởi đương thời đứa trẻ trong tôi chưa nghe hiểu những lời A Văn nói. Giờ đây nếm qua mùi vị sầu tư, tôi dần dần đã hiểu.
“Hi, cậu có biết mặt trái của hận là gì không?”
“Là gì? Là yêu hả?”
“Ừ, mặt trái của hận là yêu. Vậy cậu có biết, mặt trái của yêu là gì không?”
“Là hận sao?”
A Văn lắc lắc đầu, phủ định:
“Không phải.”
“Thế là cái gì?”
“Là phớt lờ.”
“…”
Chợt phát hiện, thì ra tình yêu đôi khi thật mỏng manh, không chịu nổi một đòn đả kích.
***
Hai tuần sau, tôi ra sân bay gửi gắm vài câu bảo trọng cho A Văn. Lúc nhỏ biến mất khỏi lối vào, bên tai tôi như nghe được từng câu từng chữ của nhỏ:
“Có vài người, yêu và không yêu đều là đau. Có một số việc, chúng ta biết rõ là sai, lại vẫn cố làm… Chỉ vì một người, cậu nghĩ đúng không…”
Lần từ biệt này không biết bao giờ mới được gặp lại. Tôi không muốn giây phút tiễn đưa trở nên thê lương, nên vẫn cực lực khắc chế cảm xúc của mình. Trông cảnh nhỏ rời đi, cuối cùng tôi không kiềm được, cúi thấp đầu, bật khóc. Tôi không sao quên được hình bóng xoay lưng rời đi ấy đã cất giấu bao nhiêu cô đơn và tuyệt vọng.
Tình bạn, xin mãi mãi đừng quên tình bạn, xin hãy đem tất cả những điều tươi đẹp kia lưu giữ trong ký ức. Chương này trịnh trọng dành tặng cho người bạn tuyệt nhất của tôi, Lữ Viễn Văn.