Vị Của Anh

Chương 3-2: Thế giới như lúc đầu



Cô nói: “Mẹ tôi có thể yêu, nhưng có lẽ tình yêu của bà khác với phần lớn của mọi người. Bà không phải người uỷ mị, không dễ bộc bạch, luôn luôn yên ổn ở vị trí của mình.”

Thuỵ Nhiên còn nhớ ngày bé, mùa hè oi ả. Mẹ sẽ tự tay chuẩn bị đồ uống giải khát cho bố. Bà luôn chọn những quả cam tươi nhất, ngọt nhất, mọng nước nhất để ép cho ông. Cô cảm tưởng rất, tất cả những việc mà bà làm đều là dành cho bố. Nhưng bà không bao giờ nói ra điều đó, cũng không cố hướng người khác suy nghĩ đến. Chỉ có những ai hay nhìn bà, chú ý đến bà mới nhận ra.

Có người nói rằng mẹ và bố không yêu nhau, cũng không lý giải được tại sao họ lại đến với nhau. Một lần, Thuỵ Nhiên hỏi mẹ điều đó có thật không? Mẹ chỉ cười và bảo tình yêu không cần thiết phải thể hiện. Với lại, mẹ không đánh giá tình yêu theo tiêu chuẩn của người đời. Rằng cả hai phải trải qua những tháng ngày như đất sét dẻo quện vào nhau, rồi tiến đến hôn nhân, đi hưởng tuần trăng mật, đẻ con gái đầu lòng, hạnh phúc nhìn nó khôn lớn rồi dần dần đốt cạn tình yêu vì những chán chường về thói quen, tính xấu của đối phương. Tình yêu của mẹ nằm ở việc âm thầm ở bên một người, lặng lẽ thu lượm nỗi cô đơn, khổ đau của người đó, xoa dịu họ và làm cho họ thấy an toàn. Con có thể nghĩ rằng chúng ta không yêu nhau vì chúng ta không nói yêu nhau, nhưng ngôn ngữ của tình yêu không nằm duy nhất bằng lời nói. Nó là ngôn ngữ linh hồn.

Cô nói tiếp: “Mẹ yêu bố, nhưng chính kiểu yêu của bà đã không khiến bà trở nên uỷ mị. Khi đi, bà không khóc, không tiếc nuối. Có thể bà đau buồn lặng lẽ và kín đáo như khi bà thể hiện tình cảm với bố. Bà làm người ta không thể thương hại bà. Có lẽ tôi cũng giống bà đôi chút.”

Mẹ của Thuỵ Nhiên là một người phụ nữ người Quảng Ninh. Chính xác là Cẩm Phả, Quảng Ninh. Người ta nói dân xứ than thì không có ai trắng cả. Bởi bụi than bao trùm khắp bầu trời nơi đó. Từng cái lá bên đường, cho đến những bức tường trong ngõ sâu đều phủ một lớp than đen. Nhưng mẹ của cô lại rất trắng. Bà có nét trang nhã, ưu tư của một người phụ nữ sống vào thời kỳ khủng hoảng. Mẹ rất đảm đang, biết các ngón nghề may vá, thêu thùa. Sau khi lấy bố, bà chỉ may chân váy cho chính mình. Đôi khi sẽ móc một chiếc mũ len cho cô, nhưng không nhiều nữa. Phần lớn thời gian, mẹ dành cho việc học kinh doanh. Vì bà được bố giao cho quản lý một công ty con. Khí chất không nằm ở việc chúng ta làm công việc gì. Với mẹ, việc trở thành một tổng giám đốc cũng không khiến bà mất đi vẻ trang nhã, nhu mì vốn có.

Vĩnh gẩy gẩy đống tàn thuốc vương lại trên cửa xe, chăm chú nghe những lời kể về mẹ của Thuỵ Nhiên. Đây là lần đầu tiên anh kiên nhẫn nghe câu chuyện mà cô kể. Vì nó không giống những câu chuyện vô thưởng vô phạt trước kia nữa. Cô kể về mẹ bằng những mảnh ký ức chắp nối. Giống như đoạn Flash Back trong những thước phim điện ảnh đầy nghệ thuật. Những đoạn phim mùa hè với tông màu vàng ấm, hay là màu xanh lạnh khi mẹ cô ngồi móc mũ len vào mùa đông. Anh biết những ký ức của cô vẫn còn rất sinh động, và điều đó minh chứng cho việc cô nhớ mẹ nhiều. Khi chúng ta lật giở ký ức, chúng ta không khiến nó bạc màu như vải, mà chỉ khiến nó càng ngày càng rõ rệt hơn. Như thể nó vừa mới xảy ra ngày hôm qua.

“Vậy họ chỉ ly hôn vì mẹ đi vào phòng của bố thôi sao?”

“Không.” Cô mỉm cười. “Họ ly hôn vì lòng tin bị phản bội. Bố tin mẹ không bao giờ làm trái ý bố, không xâm phạm vào không gian riêng tư của ông. Nhưng mẹ đã làm điều đó. Dù bên trong có là thứ gì kinh khủng đi chăng nữa, thì cái việc bà bỏ qua tất cả những sự cấm đoán, lòng tin của bố mới là cái khiến ông tức giận.”

Sau khi nghe một vài câu chuyện về những người thân bên cạnh Thuỵ Nhiên, Vĩnh mới thấy những kẻ nhiều tiền sẽ mang một nhân sinh quan khác về cuộc sống này. Họ đòi hỏi những những người xung quanh phải thể hiện, và đối đáp lại họ ở một tầm cao hơn, chặt chẽ hơn. Dù điều ấy có khác biệt hay là dị hợm.

Như cái cách Thuỵ Nhiên tổ chức cuộc thi “Sức chịu đựng của bạn đáng giá bao nhiêu?” cũng thế. Cô ta tìm kiếm những người cần tiền để họ thoả mãn sự chán chường của cô. Nhưng cô không cầu họ mua vui bằng một câu chuyện cười, hay một sự sẻ chia, mà là giới hạn chịu đựng của họ. Người chiến thắng không phải kẻ làm cho cô vui! Vĩnh đã hiểu ra điều đó. Những kẻ thua cuộc, ánh mắt tiếc nuối của họ, hay sự kinh hãi của họ trước thứ nước ghê rợn kia mới là niềm vui của Thuỵ Nhiên.

“Nhưng sao bảo tôi chở đến rồi không vào?” Hai người đang ngồi trong xe ô tô, không bật điều hoà mà để mở cửa kính. Ánh nắng xuân chiếu xiên vào, gió bên ngoài hiu hiu thổi. Phía trước là một căn nhà cấp bốn được thiết kế theo kiểu Nhật với khoảng sân trải cỏ nhân tạo, xen kẽ sỏi trắng cùng những bậc thềm đá. Bức tường được sơn trắng, mái gỗ màu nâu, đèn tường kiểu hộp gỗ đều mang một sự giản đơn và tinh tế. Cây khế ngọt sai trĩu quả, toả những cành to rộng khắp khoảng sân và chạm đến mái nhà. Khế không có người ăn nên rơi rụng đầy nền đất. Nhưng có vẻ như chúng được dọn dẹp hằng ngày, không hề có quả nào thối rữa nằm đó.

Thuỵ Nhiên không trả lời Vĩnh, cô nhìn xoáy sâu vào ngồi nhà mà bản thân đã từng tưởng tượng ra rất nhiều tình huống sẽ xảy đến tại nơi này. Cô cũng đã từng cuồng chân đến phát điên trong vài tình huống, nhưng sáng hôm sau mọi thứ lắng xuống, cô bỏ nó vào chiếc hộp kín bưng trong lòng. Cô tự hỏi tại sao mình lại không thể đối diện với mẹ? Liệu có phải cô sợ bà sẽ vứt bỏ cô lần nữa hay không?

“Nếu tôi bước vào đó, chắc gì bà sẽ đau khổ cho tôi.” Rồi như cảm thấy lời mình nói ra không đúng, Thuỵ Nhiên cúi đầu, cười buồn và như đang nói với bản thân: “Tôi cần gì người ta sẽ đau khổ vì tôi.”

Vĩnh cảm nhận rất rõ nỗi đau trong lòng của Thuỵ Nhiên lúc này. Nỗi đau khi nhận ra cái chết đang đến gần và xung quanh mình không có một ai cả. Cô ta biết mình sẽ chết trong cô độc. Cái chết chỉ thực sự đáng sợ khi không có một ai tiễn đưa. Tức nghĩa là cô ta sẽ “chết” thật. Mọi hồi ức về cô ta sẽ bị xoá đi nhanh chóng.

“Cô quên mất bản thân rồi à?” Vĩnh hỏi.

Thuỵ Nhiên cau mày nhìn anh, thay cho sự khó hiểu của mình.

“Cô đâu phải kẻ đáng thương như thế này. Hãy cứ hành động như trước đi. Cô có bao giờ quan tâm đến thế giới này vận hành ra sao đâu.”

Nếu như có một định nghĩa về Vĩnh, thì Thuỵ Nhiên có thể trả lời rằng Vĩnh là thuốc của cô. Một liều thuốc làm cô tỉnh táo, khoẻ mạnh. Anh ta không bao giờ an ủi, nhưng anh ta luôn kéo cô ra khỏi đau buồn. Làm cho cô nhớ cô là ai, cô nên hành động thế nào.

Mẹ ngồi ở đó, trong một cái trà thất nhỏ sáu mét vuông với bốn cột trụ bằng gỗ lim, một mái đình lớp ngói nâu đỏ. Bên trong đã trải sẵn chiếu hoa, một bàn trà đầy đủ dụng cụ – đầy đủ cho việc để lòng lắng lại. Tóc mẹ bạc trắng, y như bố, cả hai người đều có những nét không thể che giấu do năm tháng để lại. Nhưng khuôn mặt của bà vẫn trẻ, lớp da căng và đôi mắt sáng. Nhiều người nói mẹ có nét giống nữ danh ca Thái Hiền, nhưng nhìn trẻ hơn đôi chút. Có một sự hiền hậu, nho nhã, nhưng cũng thấm đầy xa cách, vô tình.

Bà nói: “Mẹ xây cái trà thất này là hy vọng một ngày có thể cùng con ngồi ở đây. Cuối cùng thì con cũng tới.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.