Rèm được kéo lại, lắc lư lắc lư. Nhưng ray sáng cố xuyên qua rồi bị bẻ gãy vì sự chuyển động của tấm rèm. Một người đàn ông gầy nhỏ, tóc còn đen nhưng nét mắt già nua đứng hút thuốc trong không gian mờ ảo. Đôi mắt lặng lẽ như của một loài thú săn mồi, làn môi mỏng ngậm chặt điều thuốc, làm một bên khoé miệng nhăn lại. Ông ta ngồi xuống chiếc ghế sô pha đơn, ngửa đầu nhả một dải khói. Rồi bất ngờ giọng hát của Thanh Tuyền cất lên qua cái loa bluetooth nhỏ.
“Buồn riêng một mình ai
Chờ mong từng đêm gối chiếc
Mối u hoài này anh có hay?”
Giọng hát của Thanh Tuyền réo rắt như thể đang khóc. Luồn lách vào những nơi sâu cùng nhất của tâm hồn, mời gọi nỗi buồn nổi lên. Nhưng người đàn ông này lại mỉm cười.
Ông ta bật cười rất hạnh phúc.
Bà Tuyết bước vào với một đĩa xoài đã gọt và xắt miếng sẵn. Bên cạnh là hai cái dĩa. Bà bưng đến trước mặt người đàn ông. Ông ta đón lấy, đồng thời kéo bà ngồi lên đùi mình.
“Thủ tục xong hết rồi chứ?”
“Đã xong hết.” Người đàn ông vừa nhắm mắt tận hưởng miếng xoài trong miệng, vừa đáp.
Bà Tuyệt giãn cơ mặt, phủi vai áo chồng mình: “Số tiền ấy xứng đáng là của mình mà, phải không? Mình đã nuôi con hộ chị ấy. Ơn nghĩa này lớn hơn hai trăm triệu nhiều.”
Người đàn ông khẽ cười, không đáp lại.
Bà Tuyết vẫn nói tiếp: “Chỉ còn mấy tháng nữa là đến sinh nhật nó, hay cứ đưa đại cho nó mười triệu để nó ngậm họng lại?”
“Không cần.” Người đàn ông mở mắt, nói ngắn gọn.
“Nhỡ nó…”
Người đàn ông đặt tay lên môi bà Tuyết để ngăn bà sẽ nói vế sau. Với ông, nó chẳng có ý nghĩa gì, càng không khiến ông sợ hãi. Sau đó, ông đẩy bà Tuyết ra rồi nhẹ nhàng đứng dậy. Bài hát của Thanh Tuyền đang vào đoạn cuối, nhưng vẫn uyển chuyển theo nhịp hai bốn chứ không dữ dội như các dòng nhạc thị trường bây giờ. Ông nói: “Đó là tiền của ta mà, sao phải cho!”
…
Bóng tối dày đặc như địa ngục, tiếng tít tít của máy móc lạc lõng giữa sự im lặng mênh mông. Thuỵ Nhiên cảm thấy như mình đã chết, cô không thể điều khiển được thân xác của bản thân nữa. Ngay cả việc mở mắt cũng khiến cô phải dùng sức. Một sức mạnh tựa như khi ta nâng một tảng đá lớn.
“Đừng giả vờ nữa, mau mở mắt ra đi.”
Thuỵ Nhiên bừng tỉnh, cô ngồi bật dật và thấy bố mình đang đứng chắp tay bên cạnh giường. Bên cạnh bố còn có bác Thìn – người được coi là cánh tay phải của bố – đã theo ông suốt mười lăm năm trời.
“Bố.” Thuỵ Nhiên sợ đến mức không dám nhìn thẳng vào mắt ông.
“Vậy là mày sắp chết.” Ông Việt Quang nói không chút cảm xúc. “Sao không nói từ sớm?”
Thuỵ Nhiên thần người một lúc, cuối cùng đành phải bật ra một tiếng cười. Cô biết rằng bố là người tàn nhẫn, nhưng cô không ngờ bố lại có thể tàn nhẫn với cả đứa con gái duy nhất của mình. Nếu không nói, chắc người ngoài sẽ nghĩ cô và ông ta chẳng có liên quan gì đến nhau.
Thuỵ Nhiên tựa người vào giường, hỏi bố rằng: “Nếu con sắp chết thì sao? Con cũng đâu phải người sẽ thừa kế gia tài của bố!”
Mắt ông Việt Quang ánh lên một tia bất ngờ, rồi ông chỉ hừ nhẹ: “Tao đổ tiền cho mày là vì nghĩ mày có thể sống được tới lúc tao chết đi.”
“Bố yêu con đến mức đó ư?”
“Không, chưa bao giờ.”
“Bố, bố có cần nói những lời thẳng thắn như vậy không?”
“Vì mày sắp chết rồi, mày nên biết những điều đó chứ.” Ông Việt Quang không ngần ngại găm vào tim đứa con gái tội nghiệp của ông ta những lời đao thương. Khuôn mặt nho nhã của ông lúc này lại có nét của một tên đồ tể. Ông đã quen hạ gục đối thủ chắn ngang đường mình. Đã không còn cảm xúc khi nhìn ánh mắt van lơn của những người dưới trướng.
Chỉ trừ một người.
Thuỵ Nhiên không biết phải nói gì. Cô nhìn những ngón tay hơi thâm lại vì lạnh và vì bệnh tật của mình. Nắm chặt. Tự nhiên khi biết được rằng sẽ không có một tiếng khóc hay niềm thương cảm nào cho cái chết của mình, Thuỵ Nhiên lại thấy mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cô không thấy sợ hãi nữa, mà mong chờ nó nhiều hơn. Cô muốn biết rằng thế giới đằng sau thế giới mà cô đang sống có màu sắc gì, hình thù ra sao? Ít nhất là có đáng để sống hơn nơi này hay không?!
“Con có thể sống ở nhà đến lúc chết không?”
Ông Việt Quang trầm ngâm một lúc lâu, sau đó bước lại gần giường bệnh. Ông ngồi xuống, nghiêng đầu nhìn Thuỵ Nhiên. Đứa trẻ này chẳng có chút nào giống ông. Cũng đúng, nó không phải là con gái của ông. Nhưng ông sẽ không bao giờ nói ra chuyện đó. Rồi ông vuốt ve mái tóc của Thuỵ Nhiên, có một chút ngượng ngùng giữa hai người. Việt Quang không thu tay về, ông để bàn tay nặng trĩu của mình trên mái đầu nhỏ nhắn của con gái, nheo đôi mắt sau gọng kính vàng lại. Giọng ông trầm trầm cất lên: “Từ bây giờ con được tự do. Cứ làm những gì con muốn.”
Cái chết đôi khi là một sự giải thoát.
Thuỵ Nhiên nhìn hai người đàn ông mà cứ ngỡ xa lạ đang bước ra khỏi phòng bệnh. Đột nhiên trong lòng cảm thấy rất nhẹ nhõm.
Hút một hơi thuốc dài, Thuỵ Nhiên quay sang nói với Vĩnh: “Tôi có thể đi qua đêm tôi muốn rồi.”
Vĩnh vẫn yên lặng. Hai tay xách hai cái va li nhỏ.
Thuỵ Nhiên nói tiếp: “Đừng lo, tôi không giận anh. Tôi cũng không cảm thấy việc bố biết tôi bị ung thư là một điều đáng sợ nữa.”
Vĩnh không ngờ rằng một người cha lại có thể vứt bỏ con cái của họ dễ dàng như thế. Khi đưa cô đến bệnh viện, người đầu tiên mà anh thông báo không ai khác chính là ông Việt Quang. Vì anh nghĩ rằng anh có trách nhiệm phải làm điều đó. Con gái của ông có thể đang mang một căn bệnh quái ác. Ông ta sẽ dần mất đi đứa con gái độc nhất vô nhị của mình mà không có phép màu nào xảy ra. Ông ta sẽ phải tiếc nuối, sẽ phải đau đớn, sẽ phải chạy đến ôm cô vào lòng và nói với cô những lời yêu thương, ấm áp. Nhưng anh đã sai. Khi ông Việt Quang lạnh lùng dập máy, anh đã biết rằng mình đã sai.
Anh đã không tự hỏi tại sao Thuỵ Nhiên lại không muốn đi khám bệnh, tại sao Thuỵ Nhiên luôn miệng cầu xin anh trong cơn đau rằng đừng để bố cô biết chuyện. Anh đã không để ý đến điều đó.
Thuỵ Nhiên vứt thuốc xuống dưới chân, di nát nó.
Vĩnh ngập ngừng giây lát, không biết nên làm gì với cảm xúc dửng dưng nguỵ tạo của Thuỵ Nhiên. Anh biết cô đang đau khổ, nhưng lại thấy nếu mình có thể an ủi cô, thì những lời nói đó đều lạnh lùng và sáo rỗng. Nó đanh cứng như khúc gỗ bị người ta cưa thừa rồi vứt đi.
“Cô ổn…” Vĩnh ngừng lại khi thấy một giọt nước rơi xuống dưới bàn chân đang không ngừng di qua di lại điếu thuốc kia.
Cô ấy đang khóc. Dù là không thành tiếng.
Những giọt nước cứ thế thấm xuống nền đất lạnh, rồi bung ra như hoa nở.
Dưới hầm gửi xe của bệnh viện, hai con người đứng kề vai nhau im lặng. Cảm giác như họ đang trong một bộ phim buồn thảm, với một khoảng lặng mênh mông và vô tận. Thi thoảng có một chiếc xe ra – vào, tiếng động cơ lao vút qua, xé toạc khoảng lặng ra làm đôi.
“Có thể ôm tôi không?” Thuỵ Nhiên nói.
Cô từng đọc ở đâu đó rằng: “Yêu đương, là việc duy nhất có thể làm được khi cô độc, khi hoang mang bất lực, khi sống trong thời đại bị ruồng bỏ này.” Nhưng cô lại không làm được. Cô không có ai để yêu, và cũng không có ai chịu yêu một kẻ như cô. Suy cho cùng, chúng ta cô đơn và do chúng ta lựa chọn và tự mình hành động cho đúng với lựa chọn đó.
Cô nghĩ là mình không oán trách bố. Vì cô cũng không yêu thương ông đủ nhiều như cách một người con có thể yêu thương bố mình.
Vĩnh ôm lấy Thuỵ Nhiên. Cơ thể cao lớn của anh như một cánh cửa, từ từ đóng lại, ngăn cản những bão dông táp vào cô. Tận đến sau này, Vĩnh vẫn nhớ khoảnh khắc ôm cô thật chặt ấy. Mùi hương của cô còn lưu lại trên cánh tay anh, giúp anh nhận biết qua những lần hồi tưởng. Một mùi tự do, thanh khiết, thoảng chút hoa oải hương.