Thoạt đầu, Tô Nhất vẫn giả vờ trợn mắt lên nhìn cậu nhưng rất nhanh, khóe mắt cô đã rạng rỡ một nụ cười. Cô lao đến, cúi xuống khẽ hôn lên môi cậu.
1
Mùa hè luôn là mùa mà Tô Nhất thích nhất.
Cô thích thời tiết của mùa hè. Bầu trời trong xanh, ánh mặt trời như những sợi kim tuyến, từng đám mây trắng bạc. Những ngày đẹp trời luôn khiến tâm trạng cô thoải mái.
Cô thích các loại trái cây mùa hè. Dưa hấu ngọt mát, nho chua chua ngọt ngọt, lê ngọt lịm như đường, dưa chuột thanh thanh, cà chua đỏ hồng, rau muống xanh mướt. Trái cây như vậy, rau quả cũng thế, thứ nào cũng có hương vị tươi mát.
Cô thích trang phục của mùa hè, áo mỏng, váy mềm, dưới những tia nắng vàng buổi sớm, mỗi bước đi đều như những vũ điệu nhẹ nhàng.
Cô thích hoàng hôn của mùa hè, tia nắng cuối chiều vẫn đang le lói, bầu trời phía đông đã hiện lên ánh bạc của mặt trăng. Tia nắng cuối cùng và ánh trăng hòa quyện, kéo dài buổi hoàng hôn. Những cơn gió chiều hôm nhè nhẹ thổi, dịu dàng như những chiếc hôn dài.
Tuy vậy, điều mà cô thích nhất vẫn là được đi bơi. Đi cùng với Chung Quốc như “uyên ương tương đối dục hồng y”1.
1. Câu thơ cuối trong bài Tần an quận hậu trì của nhà thơ Đỗ Mục thời Đường.
Tô Nhất giờ đã không chỉ thích đến bể bơi vùng vẫy nữa, cô đòi đến song Gia Lăng bơi thử một lần. Chung Quốc đưa cô đến đoạn sông dưới chân cầu Bạch Tháp, nơi người Nam Sung thích đến bơi lội nhất. Núi Hạc Minh ở bên cạnh, Bạch Tháp đời Tông đang hướng nhìn, cùng với con sông Gia Lăng xanh biếc tạo nên một khung cảnh huy hoàng.
Để an toàn, Chung Quốc không cho cô bơi xa mà chỉ được bơi ở ven bờ. Sông Gia Lăng trong mát, lăn tăn chảy. Cô bơi được một lúc đã thấy mệt, Chung Quốc liền cõng cô bơi tiếp. Cô bám vào tấm lưng rắn chắc và đen bóng của cậu với cảm giác thích thú, thân mật và hạnh phúc. Dòng nước hiền hòa ôm trọn cả hai người…
Kí ức của Tô Nhất về tình yêu sẽ mãi gắn liền với dòng nước trong mát của mùa hè năm đó. Dù là bể bơi lung linh màu xanh ngọc hay dòng sông mát rượi trong xanh thì nước mềm mại bao nhiêu, tình yêu cũng tha thiết bấy nhiêu. Tình yêu trong sáng của hai người đã được khắc ghi lên dòng nước, được nước sông âm thầm lưu giữ lại.
Một hình thức lưu giữ khác thường, không nhờ giấy bút.
Tô Nhất cho rằng sau mấy tháng ở Bắc Kinh, môn thư pháp mà Chung Quốc cùng cô trong đợt nghỉ đông sẽ thành phí công vô ích. Bỗng một hôm nổi hứng, cô đòi cậu “trả bài”, viết thử vài chữ. Kết quả, chữ đầu tiên vừa mới viết xong, cô liền kinh ngạc thốt lên: “Woa, Chung Quốc, anh đúng là tiến bộ thần tốc đấy.
Ở Bắc Kinh, ngày nào anh cũng tập viết à?”
“Đương nhiên rồi. Ngày nào anh cũng luyện nhưng chỉ viết ba chữ thôi.”
Tô Nhất tò mò hỏi: “Ba chữ gì vậy?”
Vừa nãy Chung Quốc viết chữ “Anh”, giờ cậu mới nhấc bút viết tiếp hai chữ “yêu em”.
“Chính là ba chữ này. Không chỉ có chữ Khải, anh còn luyện viết cả chữ Lệ, Triện, Hành, Thảo2. Em thấy chữ anh viết thế nào?”
2. Các kiểu chữ trong nghệ thuật thư pháp Trung Quốc.
Trên nền giấy tuyền trắng như tuyết, Chung Quốc cầm bút lông, chấm mực tàu, viết ra ba chữ “Anh yêu em” bằng đủ các kiểu chữ. Có thể thấy cậu đã thực sự khổ công luyện tập, bút pháp uyển chuyển và sắc nét, khá đẹp.
Tô Nhất nở nụ cười ngọt ngào nhưng miệng thì lại nói: “Anh chỉ luyện viết có ba chữ này sao, em ra mục đích học thư pháp của anh không trong sáng chút nào.”
Chung Quốc cười, thừa nhận: “Anh học thư pháp chẳng qua vì “yêu người yêu cả dáng đi”, cho nên chỉ khổ luyện được ba chữ này để thể hiện tình yêu với em thôi.”
Tô Nhất không nhịn được cười, nói: “Được, nể tấm chân tình của anh. Em sẽ trọng thưởng.”
“Thưởng gì?”
“Một con cá. Được không?”
Chung Quốc tỏ vẻ thèm thuồng, nói: “Tuyệt vời, giờ đi ăn ngay nhé?”
Tô Nhất cười một cách bí ẩn, nói: “Không, đợi em thu xếp đã.”
Chung Quốc rất thích ăn cá. Chỉ cần là cá, dù là cá bỏ lò, cá hấp, hay cá rán chua ngọt, cậu đều thích. Nhưng cá hấp là món cậu thích nhất, vì cách nấu đó khiến người ăn có thể thưởng thức vị ngon vốn có của cá. Tô Nhất từng trêu cậu là đầu thai từ kiếp con mèo, nhưng gần nhau lâu, dần dần cô cũng thích ăn cá giống Chung Quốc. Hai người giống như hai con mèo chuyển kiếp, ngày nào cũng vậy, sau khi đi bơi ở sông Gia Lăng về, bữa khuya của họ toàn là cá.
Nhà hàng cá Điểu Giang ở phố Đại Bắc vừa rẻ lại ngon; lẩu đầu cá ở Đường Bắc Hồ tuyệt vời với hương vị tê cay, cá nướng ở đại lộ Tân Giang thơm mà không cay, giòn tan trong miệng… Tô Nhất và Chung Quốc đã ghé vào tất cả các nhà hàng nổi tiếng về món cá ở Nam Sung.
Những buổi tối mùa hè, khi màn đêm tĩnh mịch dần buông xuống là lúc chợ đêm ẩm thực người xe không ngớt, tấp nập, ồn ào như ong vỡ tổ. Tô Nhất và Chung Quốc ngồi dưới ánh đèn, thưởng thức món canh cá đậm đà, nhìn nhau cười. Nụ cười rạng rỡ và thanh thản. Cũng rạng rỡ không kém là ánh trăng trên trời. Trăng non, trăng tròn, rồi trăng khuyết, theo bước chân họ cả mùa hè.
Trước kia, Tô Nhất không hay ăn cá, nhất là loại cá Diếc có nhiều xương dăm, lần nào không cẩn thận là bị hóc xương. Bình thường, chỉ cần nhấp chút dấm hoặc nuốt một miếng cơm to thì xương cá sẽ mềm đi và trôi xuống, thế nhưng có một lần, dù cô có uống bao nhiêu dấm, ăn bao nhiêu cơm, mảnh xương vẫn không trôi được, có lẽ là vì chiếc xương hơi to. Sáng sớm ngày hôm sau, Chung Quốc đưa cô đến bệnh viện, tốn mất năm mươi tệ để bác sĩ làm thủ thuật giúp cô gắp chiếc xương cá ra. Thủ thuật rất đơn giản, không khó chịu và cũng chẳng đau, chỉ là bơm chút thuốc tê vào khoang miệng, năm phút sau bác sĩ đưa một cái panh cong chín mươi độ vào, nháy mắt đã gắp được chiếc xương ngoan cố ra.
Sau sự cố “trong họng có gai”, Tô Nhất vừa thích lại vừa sợ ăn cá vì cảm giác hóc xương rất khó chịu. Chung Quốc cười, trêu cô: “Chưa thấy ai dốt như em, ăn cá mà cũng bị hóc xương, đến nỗi phải đi bệnh viện. Thật đúng là vô tích sự, ngốc không chịu được.”
Tuy nói vậy nhưng mỗi lần đưa cô đi ăn cá, Chung Quốc đều tỏ ra hết sức cẩn thận. Mỗi con cá được đặt lên bàn, cậu đều giành hai miệng ở bụng cá cho cô. Đây là phần ngon nhất của con cá, ít xương và thịt cũng mềm nhất. Cậu nhường hết phần ngon cho cô, còn mình chỉ ăn đầu, đuôi và lưng cá. Đôi lúc, cậu còn tỉ mỉ gỡ hết xương trên lưng cá rồi để phần thịt vào bát của cô. “Này, cho em, con heo nhỏ ngốc nghếch.”
Tô Nhất chầm chậm thưởng thức từng miệng cá, mềm trong miệng, ngọt vào tận tim. Tình yêu là gì? Tình yêu là hoa hồng, là kim cương, là cả miệng cá đã được cẩn thận gỡ hết xương – một tình yêu mộc mạc chẳng xa hoa.
Tô Nhất bắt đầu học nấu ăn với mẹ. Vừa bắt đầu, cô đã muốn học làm một món ăn tương đối khó: cá hấp. Các cô gái đang yêu đều như vậy sao? Vì người mình yêu mà lăn vào bếp.
Mẹ cô chỉ lắc đầu, thở dài, nói: “Nuôi con hai mươi năm, chưa thấy con nấu một bát mì cho mẹ. Giờ lại vì Chung Quốc mà đòi học làm món cá hấp. Đúng là nuôi con gái là nuôi hộ người.”
Tô Nhất nhẹ nhàng nịnh mẹ: “Mẹ, ngày mai con sẽ nấu mì mời mẹ ăn, hôm nay mẹ dạy con làm món cá hấp nhé.”
Hai mẹ con cùng đi chợ, mua một con cá diếc tươi còn đang quẫy loạn xạ, nhờ người bán mồ rồi xách về.
Bà Tô bảo con gái rửa sạch cá, dùng dao rạch chéo mấy đường trên mình cá, ướp đều muối tinh. Sau đó, bà lại chỉ cô cách chuẩn bị rau gia vị: hành bóc vỏ, rửa sạch rồi cắt thành trung đoạn; gừng gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi; tỏi bỏ vỏ, rửa sạch, thái lát…
Trong bếp lách cách tiếng dao thớt. Lần đầu tiên cầm dao, chân tay Tô Nhất cứ lóng ngóng ngượng nghịu. Thái gừng không thành sợi, cắt tỏi không thành lát, đem so sánh thì chỉ có thái hành lá là đạt yêu cầu.
Tay chân tay còn vụng về nhưng trong lòng cô thấy rất mãn nguyện, đủ để bù đắp cho tất cả vất vả. Được mẹ tận tâm chỉ bảo, cuối cùng Tô Nhất đã làm được món cá hấp rất thơm ngon. Ngửi mùi cũng đủ biết hương vị nhất định không tồi. Cô nâng niu đĩa cá, mang sang nhà họ Chung, bưng nó đến trước mặt Chung Quốc, nói: “Chung Quốc, đây là cá mà em thưởng cho anh.”
Chung Quốc sững sờ, nhưng phút chốc, đôi mắt cậu đã trở nên long lanh, tràn đầy cảm kích. “Em làm hả?”
Tô Nhất hãnh diện gật đầu. “Đương nhiên rồi. Đây là “tác phẩm đầu tay” của em đây, coi như anh có phúc ăn uống, mau nếm thử xem mùi vị thế nào.”
Chung Quốc cười rạng rỡ nhưng vẫn trêu cô: “Tác phẩm đầu tay” của em á?
Tô tiểu thư, món ăn đầu tiên mà em làm liệu có ăn được không? Không biết ăn vào thì còn sống nổi không, nếu còn sống thì có còn lành lặn không.”
“Lắm chuyện! Anh không ăn nữa thì thôi.”
Tô Nhất quay người định bỏ về, Chung Quốc vội giữ đĩa cá lại. “Ăn, ăn, ăn, đương nhiên là ăn rồi, chết cũng phải ăn.” Nói rồi, cậu nhón lấy một miệng, đưa vào miệng, hoan hỉ nói: “Ngon, ngon. Ngon lắm!”
Hai người cùng vui vẻ thưởng thức món cá hấp.
Chung Quốc nói đây là món cá ngon nhất mà cậu từng được ăn. Lần đầu tiên Tô Nhất vào bếp, tuy không thể so sánh với các đầu bếp của những tiệm ăn bên ngoài nhưng Chung Quốc vẫn quả quyết nói: “Đây chính là món cá ngon nhất anh từng được ăn.”
Đúng là như vậy, cô gái mình yêu thương vào bếp tự tay làm cho mình món cá hấp, trên thế giới chỉ có đúng một suất mà thôi. Dù có là đầu bếp nổi tiếng cũng không thể so sánh được.
Tô Nhất nhìn Chung Quốc ăn hết sạch con cá, không còn một sợi thịt, cả nước canh cũng uống sạch thì cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Còn gì có thể khiến một cô gái vui sướng hơn là nhìn thấy người yêu ăn hết món ăn tự tay mình nấu?