EDIT & BETA: urlittleflower_9 (Hoa Quỳnh Nhỏ)
***
“Bức rèm này do muội thêu?” Lúc vào nhà bếp, Cảnh Thâm cầm bức rèm màu lam thêu hoa trắng hỏi nàng.
Nàng gật đầu, hắn khen nàng vài câu, nàng mỉm cười đi vào bếp. Vừa đi được mấy bước nàng đã nhớ đến một chuyện, nàng bê cái sàng nhìn Cảnh Thâm: “Lúc nãy muội quên hỏi, hôm qua dùng bếp xong huynh không dập lửa đúng không?”
Chẳng biết hắn đã cho bao nhiêu củi vào mà sáng nay lò bếp vẫn còn nóng hôi hổi.
Cảnh Thâm gác cái sàng lên: “Ta biết rồi, lần sau sẽ không như vậy.”
Hạ Ý liếc hắn một cái: “Nếu huynh không biết cách thì để lát nữa muội chỉ huynh.”
Mấy hôm nay không ngày nào hắn mang trùng một kiểu y phục, nhìn là biết công tử nhà giàu sang, chắc chắn chưa đặt chân đến phòng bếp bao giờ.
Sau khi lấy một ít củi trong góc phòng, nàng ngồi xuống ghế nhỏ nhóm lửa, thầm suy nghĩ rồi mới hỏi hắn: “Cảnh Thâm ơi, nhà huynh có nhiều nha hoàn lắm nhỉ?”
Cảnh Thâm nhướn mày, cúi xuống nhìn nàng: “Muội hỏi cái này làm gì?”
Sắc cam từ ngọn lửa trong bếp hắt lên đôi mắt nàng, sau khi cân nhắc một lát, nàng không nói thẳng ra, chỉ bảo: “Muội đọc trong sách, nghe nói người kinh thành đều thích có nha hoàn.”
“Đâu chỉ mỗi người kinh thành không. Trên đời này, hễ là nhà giàu có thì dù ít hay nhiều đều có vài nha hoàn.”
“Huynh cũng có hả?”
Câu hỏi này đúng là làm khó Cảnh Thâm, Vương phủ có nhiều nha hoàn và gã sai vặt thật, chẳng qua…
Chẳng qua vị Vương gia ương bướng nhà hắn không hiểu thấu chân lý của việc giáo dục con cái, ông cho rằng hắn là tên công tử áo quần lụa là đam mê sắc dục, sợ hắn… Thế nên hắn chưa bao giờ được làm chủ đám người hầu trong viện, mười lăm tuổi rồi mà bên cạnh chỉ quanh đi quẩn lại mấy tên sai vặt thô lỗ, làm hắn bị trêu cười mãi.
Để giữ gìn thể diện cho bản thân, hắn giấu nhẹm đi sự thật này, nói ngược lại: “Đương nhiên.” Hắn thấy còn chưa đủ, cố ý chèn thêm một câu: “Còn có hai vũ cơ nhan sắc tựa tiên nữ đến từ Tây Vực nữa.”
Về phần liên quan đến vũ cơ Tây Vực, nói là xạo thì cũng không hẳn, hôm đi săn hắn ngóng mãi cũng không thất Thất thúc đâu, trước đó thúc ấy có kể cho hắn nghe chuyện ông mang về kinh hai vũ cơ xinh đẹp gặp tại nhà một quan viên trong chuyến đi đến phương Bắc, còn hứa hẹn hôm nào sẽ gửi đến cho tên nhóc đáng thương như hắn được mở mang tầm mắt…
Đúng là hắn muốn được mở mang tầm mắt, nhưng không phải đối với hai người vũ cơ kia, hắn chỉ mong chờ cảnh Phụ vương sẽ trừng trị Thất thúc thế nào sau khi biết chuyện thúc ấy làm mà thôi.
Chưa kịp thấy cảnh Thất thúc “gặp nạn” thì hắn đã bị “biếm trích” trước rồi.
Tất nhiên Hạ Ý không biết thật giả ra sao, cũng không biết sự thật vòng vèo đằng sau câu chuyện, trên mặt lộ ra vẻ hiểu rõ.
Lúc nàng đang ngâm đậu phộng thì Cảnh Thâm hỏi: “Muội định luộc đậu hả?”
“Ừ, luộc một nửa, còn lại mang đi rang.” Nàng ngừng lại một lát, “Nhưng phải ngâm lâu thêm.”
Cảnh Thâm chắp tay sau lưng nhìn nàng đầy tò mò, sau khi đã chuẩn bị xong thì là và dầu muối, nàng kéo hắn sang một bên nói chuyện trên trời dưới đất, chủ yếu là hỏi về mấy thứ trong kinh thành…
Cảnh Thâm chọn ra hai mẩu chuyện thú vị nhất kể cho nàng, nàng nghe say sưa, cảm thấy còn hấp dẫn hơn cả sách viết. Điều này càng làm Cảnh Thâm thêm hào hứng, nghĩ thầm sao lúc trước hắn không thấy kinh thành thú vị đến mức ấy, suốt ngày còn than chẳng có gì vui để chơi nữa là.
“Còn gì nữa không?” Đôi mắt nàng trong veo như sao sáng, viền mắt ửng lên một màu hồng nhạt.
Cảnh Thâm bị đánh cho tím mắt bỗng phát hiện, thì ra tiểu cô nương đây cũng có mắt hoa đào giống hắn.
Trông rất đẹp.
Chờ mãi không thấy hắn trả lời nên Hạ Ý nhẹ nhàng hỏi lần nữa, giọng nói lộ vẻ đáng thương.
“Còn thì còn, nhưng muội ngâm đậu hơi lâu rồi đấy.” Hắn hất cằm nhìn lên bàn, “Nếu muội muốn nghe thì để hôm khác ta kể tiếp.”
Hạ Ý lên tiếng đáp lại, vội chạy đi nấu đậu phộng.
Nàng vớt đậu đã ngâm đổ vào nồi, thêm chút hoa hồi, thì là và mấy thìa muối rồi trộn chúng lên, khi nước sôi thì chỉnh lửa nhỏ lại, tầm mười lăm phút sau nàng lấy nồi nước nóng khác để tách một nửa đậu phộng sang.
Đậu phộng trong nồi đầu tiên tiếp tục được ninh nhừ, đậu phộng vừa được vớt ra cũng đã ráo nước, nàng quay đầu nhờ vả: “Cảnh Thâm, huynh giúp muội được không?”
“Được.”
“Huynh đem hai cái bát gỗ trên giá đi tráng nước rồi đưa cho muội nhé.”
Hắn làm theo, chốc sau, trên tay hắn có thêm một bát đậu phộng thoang thoảng hương thơm mặn mà, trông mấy hạt đậu căng mọng hơn cả khi vừa được bóc ra.
Hạ Ý căn dặn: “Huynh lấy cái bát lớn hơn úp lên đi, muội xào đậu phộng.”
“Được.” Cảnh Thâm bưng bát nhỏ đặt lên bàn, khi hắn đã tìm thấy cái bát lớn và chuẩn bị úp lên thì mùi hương nhàn nhạt đó khẽ chui vào mũi hắn lần nữa… Hắn ngoảnh đầu nhìn Hạ Ý, nàng ấy đã đặt chảo lên bếp, dẫm trên chiếc ghế con để chuẩn bị nấu. Nấu ăn mà nàng cũng cần dùng ghế con, đúng là lùn thật.
Cảnh Thâm cảm thán quay đầu lại, yên tâm nhặt một hạt đậu phộng ném vào miệng, xong mới chịu đậy nắp.
Đậu phộng vừa nấu chín cho vào miệng, bên dưới lớp vỏ lụa nhăn nheo là dòng nước sốt vướng vít giữa môi và răng, ngoài giòn trong mềm, ngon hơn cháo ngọt ban sáng nhiều… Chẳng qua vết thương trên mặt khiến hắn ăn hơi đau hàm chút xíu.
Chưa đầy nửa nén hương sau món đậu phộng rang cũng đã xong xuôi, thơm không kém gì món đậu phộng luộc, bụng Cảnh Thâm bỗng kêu lên không đúng lúc, may mà âm thanh đó đã bị tiếng động khác át xuống.
Lát sau, nhân lúc Hạ Ý rửa nồi thì hắn nhón thêm hai hạt đậu rang nữa, vị còn đậm đà hơn món lúc nãy, thế là hắn quyết định thích món đậu rang hơn một chút.
Dọn dẹp xong Hạ Ý không quên chỉ Cảnh Thâm cách dập lửa, sau khi Cảnh Thâm đã hiểu, hai người thu dọn lần nữa rồi đóng cửa ra ngoài.
Trên đường đi họ gặp rất nhiều người, ai cũng kéo Hạ Ý lại hỏi xem Cảnh Thâm đi bên cạnh nàng là ai. Khi đi ngang sân nhà bà Ngô, nàng chợt nhớ đến câu “chỉ thấy một cô nương” của bà khi ấy, má nàng hơi phồng lên.
***
“Đây là đâu?” Cảnh Thâm quan sát căn nhà cũ nát, hắn hỏi Hạ Ý.
“Nhà bà Chi, bà ấy là người dạy thêu cho muội.” Nàng vừa nói vừa đẩy cửa bước vào.
Bà Chi là người từ nơi khác đến, căn nhà của bà bây giờ được xây trên sân cũ nhà Lý thúc nên tất nhiên trông sẽ cũ hơn căn nhà xây sau này của nhà họ Hạ.
“Muội đang học thêu ấy hả?” Hắn tưởng nàng chỉ thêu cho vui.
Nàng sờ mũi: “Đúng vậy, mẹ muốn muội học.”
Nàng chưa nói xong thì giọng bà lão đã vang lên: “Tiểu Ý tới đấy à?”
“Vâng! Bà ơi, hôm nay cháu nấu đậu phộng đó.” Nàng vẫy tay gọi Cảnh Thâm, hắn xách giỏ bước vào.
Bà Chi thấy có người sau lưng nàng thì ngây ra, khi bình tĩnh lại mới hỏi nàng với vẻ không chắc chắn: “Ơ… không phải A Thực à?” Bà nói với Cảnh Thâm, “Ta không nhớ cậu là con ai, chỉ nhớ từng thấy cậu đâu đó rồi.”
“Bà ơi, có khi nào bà nhầm rồi không? Huynh ấy mới đến từ kinh thành đấy.”
“Hả? Đến từ kinh thành…” Bà Chi thì thầm, tựa lưng lên chiếc ghế được lót thảm.
Hạ Ý lấy đĩa đậu phộng đặt cạnh giỏ kim chỉ trên bàn: “Vẫn còn nóng, lúc nãy cháu ninh nhừ rồi, bà nếm thử xem.”
“Được…” Bà lão cười rạng rỡ, mới ăn mấy miếng đã luôn miệng khen nàng không dứt lời.
Bình thường thì không sao nhưng hôm nay có Cảnh Thâm ở đây nên nàng đâm ra ngại ngùng, nàng gãi tai, chuyển sự chú ý của bà sang chuyện khác.
Chợt bà gọi “Này” một tiếng, bà quay đầu chào Cảnh Thâm vẫn đang im lặng ngồi một bên: “Cậu thiếu niên…”
Bỗng dưng bị điểm danh, Cảnh Thâm học theo Hạ Ý gọi bà là bà Chi.
Bà nhìn vào đôi mắt hắn: “Còn chưa biết rõ tên của cậu, cho bà lão này hỏi một chút được không?”
“Vãn bối tên Cảnh Thâm, chưa có tên tự.” [1]
[1] Theo quan điểm Nho giáo, con trai tròn hai mươi tuổi thì được đặt thêm tên tự. Lúc này, chỉ có bản thân hoặc người thân lớn tuổi gọi; giữa bạn bè đồng lứa, xã giao, cần sự tôn trọng thì phải sử dụng biểu tự, việc gọi thẳng bị coi là bất nhã. (Nguồn: Wikipedia)
Ánh mắt bà sáng lên, khuôn mặt đầy hứng thú: “Cảnh nào? Thâm nào?”
Cảnh là họ của hoàng tộc, ít ai có họ này. Trước đây, khi Hạ Ý hỏi hắn thì hắn có thể nói cho nàng ngay mà không cần nghĩ nhiều bởi vì hắn biết nàng sẽ không nghĩ sâu xa hơn.
Nhưng khi đối mắt với bà Chi hắn lại cảm thấy chần chừ, bà mang đến cho hắn cảm giác bà không chỉ là một bà lão tầm thường, thế là hắn không dám ba hoa giở trò như đối với Hạ Ý, bèn ăn ngay nói thật: “Cảnh trong cảnh trí, Thâm trong thâm ý…”
Bà Chi cúi đầu lẩm bẩm một câu, cả hai người họ đều không nghe rõ bà nói gì.
Món đậu tiểu cô nương nấu rất được yêu thích, Cảnh Thâm được bà Chi quan tâm nên cũng mạnh dạn ăn nhiều hơn. Mãi đến khi bà hỏi mấy giờ rồi thì hai người mới vội vã chạy đến trường học.
Lúc đi ngang qua cây cầu nhỏ, Cảnh Thâm ôm cái bụng no nghĩ rằng thì ra nàng cất công chuẩn bị hai món khác nhau là để bà ấy cùng ăn, quả là một cô nương khéo léo.
Trường học tọa lạc dưới chân một ngọn núi nhỏ, phong cảnh xung quanh mát mẻ yên tĩnh, dạo bước trên con đường mòn có thể nghe được tiếng chim hót líu lo, bên cạnh là dòng suối chảy xuôi, bước vào cổng là trông thấy ngay phòng học ngăn nắp và tao nhã.
“Trường học này do tiên sinh xây sao?” Cảnh Thâm dáo dác nhìn quanh hỏi nàng.
“Đúng vậy!” Nàng gật đầu đầy tự hào.
Nghe thế Cảnh Thâm quan sát xung quanh một lần nữa, hắn chợt nhận ra Huyền Diểu Đường lớn hơn căn nhà họ đang sống nhiều, cũng nhận ra… tiên sinh không nghèo như hắn tưởng.
“Sắp tan học rồi, huynh lui sau trước đi, phòng bếp ở đây còn lớn hơn trong nhà nữa đó.”
“Muội thì sao?” Sau khi hiểu rõ lời nàng nói, hắn hỏi nàng.
Nàng lấy chiếc giỏ trên tay hắn, ra vẻ nghiêm túc: “Muội còn chuyện muốn nói với người ta.”
Cảnh Thâm nhẹ nhàng nhìn nàng một cái: “Được.”
Hạ Ý sang ngồi trên tảng đá dưới gốc cây quế chờ đợi, một mình Cảnh Thâm vòng lui sau trường học, cuối cùng cũng tìm ra phòng bếp, tuy ở đây rộng hơn ở nhà nhưng bát đĩa có sẵn lại không nhiều lắm, trên bàn có một bó rau xanh tươi.
Chắc cho bữa trưa đây mà, hắn bất đắc dĩ nhướn mày, ít lâu sau nghe được tiếng động ầm ĩ từ đằng trước, hắn ra cửa xem thử thì thấy Hạ tiên sinh đang đi về phía này.
“Tiểu Ý đâu?”
“Muội ấy ở trước kia, bảo là có việc cần làm.”
Tiên sinh không gặng hỏi, ông vào bếp bắt đầu vo gạo.
Cảnh Thâm đứng trước cửa nhìn ông, hắn nhớ không chỉ các thầy mà ngay cả những người đàn ông hắn quen trước đây đều có quan niệm quân tử phải cách xa nhà bếp.
Hắn chưa từng gặp ai đích thân nấu ăn như tiên sinh, trong lòng bỗng dâng lên cảm giác khâm phục, hắn hỏi: “Tiên sinh biết nấu ăn ạ?”
Hạ Nhược Khâm trút nước đi, ông liếc hắn một cái: “Cậu hỏi làm gì? Muốn bái sư hả?”
Cảnh Thâm định lắc đầu, những ngẫm lại thì thấy hành động này không đúng lắm, bèn đáp: “Ta thấy mình học cũng chẳng có ý nghĩa gì đâu.”
Hạ tiên sinh lắc đầu không nói, tay chân thoăn thoắt chuẩn bị món ăn.
“Tiên sinh cũng thích ăn đậu phộng rang ạ?” Hắn lại hỏi câu khác, tự tưởng tượng trong đầu lát nữa sẽ được ăn thêm đậu phộng nhờ phúc của tiên sinh, không tự chủ được mà cười rộ lên.
Thiếu niên cười ngây ngô làm Hạ tiên sinh cũng cười theo, ông chê hắn ngốc rồi nhướn mày hỏi: “Cậu nghe ai nói đấy? Chứ ta không thích đậu phộng nhất.”
“Nhưng lúc nãy Hạ Ý…” Hắn ngừng lại, nhớ lại bộ dáng ôm giỏ cơm ngồi chờ dưới gốc cây quế của nàng…
Hình như ngay từ đầu hắn đã hiểu lầm rồi.
“Lấy cho ta cái đĩa.” Hai người đúng là cha con, dáng vẻ sai bảo tiểu Thế tử giống nhau như đúc, khác cái là Hạ tiên sinh chờ mãi cũng không thấy cái đĩa ông cần đâu, quay lại thì thấy làm gì còn ai ngoài cửa nữa.
Tên nhóc này, chớp mắt đã không thấy bóng dáng đâu, chẳng trách có người muốn tống khứ hắn ra khỏi nhà. Cha Hạ lắc đầu.
***
Cảnh Thâm co rúm lại nấp sau cây cột đen.
Dưới gốc quế, tiểu cô nương đặt cái giỏ vào tay một chàng thiếu niên, trông hắn ta cao hơn nàng rất nhiều, hắn cúi đầu nói với nàng điều gì đó rồi mới xách hộp ra về. Hạ Ý tươi cười đi về phía Cảnh Thâm đang đứng.
Hắn vội vàng chui vào một căn phòng trống để trốn, thấy nàng đã đi xa, hắn ở lại chờ thêm một lát mới chậm chạp quay về bếp.
“Huynh đi đâu vậy?” Hạ Ý đang rửa rau, thấy hắn bèn hỏi.
“Đi đăng đông.” Hắn lạnh nhạt trả lời. [2]
Hạ Ý khó hiểu nghiêng đầu nhìn cha, sau khi biết đi đông đăng là đi nhà xí thì nàng bật cười, nói với vẻ ngậm ngùi: “Người kinh thành bọn huynh đi nhà xí mà cũng dùng từ tao nhã, lịch sự như vậy hả?”
[2] 登東 – đăng đông: trong các ngôi nhà xưa, nhà vệ sinh thường nằm ở phía Đông của ngôi nhà nên đăng đông chỉ việc đi vệ sinh. (Theo Baidu)
“Tiểu Ý à…” Hạ tiên sinh không nhịn được mà gọi nàng một tiếng, như thể đang nhắc nhở con gái ông lời này không tao nhã tẹo nào.
Nàng ngoan ngoãn gật đầu, nhặt củi cho vào bếp.
Cảnh Thâm nghe câu “người kinh thành bọn huynh” của tiểu cô nương mà không vui vẻ nổi. Hắn thầm nghĩ, mình không hợp ở lại Nhược Lựu, mà người Nhược Lựu cũng chẳng hiếu khách…
Nàng làm đậu phộng có cho hắn miếng nào đâu, thế mà hắn lại lén ăn vụng, đúng là mất mặt quá đi mất.
***
Tác giả có lời muốn nói
Tôi cảm thấy hai người cha trong truyện đều rất dễ thương. Ngày nào Duệ Vương cũng dạy con với nỗi lo “lớn lên con trai ta sẽ hư mất”. Con người Hạ tiên sinh thì lại thích giả vờ, e hèm, chủ yếu là xuất hiện với thần thái thâm trầm, nụ cười lạnh nhạt và lông mày hơi nhướn lên.