Anh ta xem lời tôi nói là gió thoảng qua tai, hoàn toàn không để vào trong lòng, và dĩ nhiên cũng không thèm thực hiện.
Mặc cho tôi ở bên hết nài nỉ rồi hâm dọa, anh ta vẫn thủy chung để thuyền trôi lơ đãng giữa dòng sông còn bản thân thì nằm xuống thuyền, ngửa mặt lên trời, mắt khép lại giả vờ ngủ.
Tôi định bụng cầm lấy sào, tự thân chèo vào bờ nhưng anh ta lập tức cản lại. Lúc này tôi mới nhận ra anh ta biết võ. Tình trạng của tôi, không biết nên khóc hay nên cười.
Cuối cùng tôi đành nhường bước, thở dài: “Thôi được rồi, tôi tin anh là bạn của thái tử. Vậy nên giờ anh đưa tôi trở lại bờ đi.”
Anh ta nghe tôi nói lập tức mặt mày tươi rối vội vàng ngồi dậy hỏi lại tôi: “Cô có tin thật không?”
Tôi bất đắc dĩ gật đầu.
Anh ta khoanh chân lại, dáng vẻ sẵn sàng cho một câu chuyện dài rồi chỉ tay lên tóc, nơi có mảnh lụa rồi nói với tôi: “Dây cột tóc này cũng là do cậu ấy tặng cho tôi.”
Tôi gật đầu: “Ừm, là lụa từ làng Nghi Tâm, do chính tay công chúa Ngọc Hoa dệt, có đúng không?”
Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi: “Sao cô biết?”
“Nhà chồng tôi sản xuất vải, chút kiến thức này tôi cũng có học qua.”
Nghe tôi nói mà mặt anh ta thộn ra: “Vậy ra cô có chồng rồi sao?”
“Ừm.”
“Hai… Vậy mà tôi thấy cô hay hay, còn định giúp cô gặp mặt thái tử. Biết đâu cô có thể trở thành thái tử phi chứ.”
Anh ta nói cứ như là sự thật, tôi có cảm giác mình đang nghe một câu chuyện tiếu lâm nên bật cười. Liền sau đó cũng cùng anh ta phụ họa: “Tiếc nhỉ? Nếu tôi chưa có chồng thì tôi đã có số là thái tử phi rồi. Biết đâu sau này còn được làm hoàng hậu đứng trên vạn người”
“Do cô gặp tôi quá muộn đó thôi. Nếu cô gặp tôi sớm hơn, nhất định tôi sẽ giới thiệu cô cho Nhật Tôn biết. Chắc chắn cậu ấy cũng sẽ thích cô.”
Tuy rằng biết người thanh niên này chỉ trêu đùa thôi nhưng cách nói chuyện thẳng thắng của anh ta khiến tôi không khỏi ngại ngùng. Vẻ mặt anh ta cũng đầy vẻ luyến tiếc khiến đôi lúc nhìn vào tôi có cảm giác anh ta đang thật tâm. Nhưng thật hay giả tôi không cần biết, tứ hoàng tử tôi còn không thể với tới thì nói chi đến thái tử. Bây giờ ngay cả Nam – một người đàn ông bình thường mà lúc này đây đối với tôi cũng thật xa vời.
Thanh niên lạ thu lại vẻ tiếc nuối rồi lên tiếng: “Thôi để tôi đưa cô vào bờ.”
Kể từ lúc ấy anh ta không nói thêm điều gì nữa. Cho đến khi tôi yên vị trên bờ rồi anh ta mới lên tiếng: “Cô chưa đưa tôi bốn bạc.”
Tôi sực nhớ rồi lấy tiền trong túi ra đưa cho anh ta. Qua đó thêm một phần chắc chắn rằng anh ấy tuyệt đối không phải bạn thái tử!
Anh ta vui vẻ nhận tiền rồi lại lên tiếng hỏi tiếp: “Mà nè, người cô cần tìm tên gì? Hình dáng trông ra làm sao? Cô nói tôi nghe xem, biết đâu có thể là người tôi quen.”
Tôi không mấy hy vọng anh ấy có quen Nguyễn Phi Tiên, nhưng vẫn trả lời: “Người tôi tìm tên Nguyễn Phi Tiên. Ông ấy y thuật cao thâm, có thể hồi sinh đến cả người chết. Anh có từng nghe qua không?”
“Nguyễn Phi Tiên?” Anh ta mới mở miệng ra nói ba từ đó thì đã vội vã nhảy xuống sông. Tôi cũng ngạc nhiên quay lại sau lưng xem xảy ra chuyện gì mới thấy một vị hòa thượng đang chạy lại chỗ này. Ông ta mặc pháp y màu nâu, râu tóc bạc phơ nhưng da dẻ vẫn hồng hào. Đại sư nhìn xuống sông đầy tiếc nuối: “Lại trốn nữa rồi!”
Tôi không theo đạo nhưng thấy người xuất gia ít nhiều cũng kính trọng nên chấp tay chào đại sư. Ông ấy quay sang nhìn tôi, gương mặt hiền từ: “Mô phật, bần tăng thấy thí chủ vừa nói chuyện với cậu thanh niên ấy?”
Tôi thật thà trả lời: “Thưa thầy đúng, con vừa đi nhờ thuyền anh ta. Con ngu nguội không biết anh ta đã làm gì đắc tội với thầy?”
Đại sư nghe tôi hỏi bất ngờ cười lớn: “Ha ha ha, thí chủ quá lời rồi. Bần tăng thấy cậu ấy là người có tuệ căn nên muốn nhận làm đồ đệ, tiếc là cậu ấy không đồng ý thôi chứ nào có đắc tội chi đâu.”
Tiếp xúc với anh ta hơn một canh giờ trên thuyền, quả thật tôi chẳng thấy chút “Tuệ căn” nào như lời đại sư nói. Họa chăng tôi người phàm mắt thịt, không nhìn thấu được sâu xa. Đại sư luyến tiếc nhìn xuống dòng nước một lần nữa rồi chắp tay chào tôi và rời khỏi chỗ này. Tôi đứng đợi thêm một lúc thật lâu, chỉ thấy thuyền vẫn lênh đênh trên sông chứ không thấy bóng dáng người thanh niên kia trở lại nên lại tiếp tục đi. Hy vọng anh ta không chết đuối!
Trời càng về chiều đường càng đông đúc hơn mà tôi vẫn chưa gặp được người tôi cần gặp như lời Nguyễn Bất Tiên đã nói. Ngay từ đầu tôi đã hoài nghi lời của ông ấy, đến lúc này mới thấy mình thật ngốc nghếch khi đi tin những lời lẽ hoang đường kia. Dẫu biết thế tôi vẫn còn ngu nguội, vẫn cố gắng quẩn quanh trên bờ Tô Lịch với hy vọng nhỏ nhoi cơ duyên sẽ đến với mình. Dòng người mỗi lúc mỗi đông đổ về hướng chùa Diên Hựu. Tôi cũng định bụng đi cùng họ đến nơi ấy, nếu không gặp được người mình cần thì cũng có thể cầu Quan Âm phù hộ cho Nam được bình an. Khổ nỗi, tâm muốn bước đi nhưng chân vẫn ngại ngùng. Nguyễn Bất Tiên đã nói là bờ sông Tô Lịch, chưa đến hết ngày tôi cũng không dám rời khỏi, biết đâu đến phút chót, có điều gì bất ngờ xảy ra với tôi?
Tiếng chuông chùa vang vọng giữa đêm khuya. Tiếp theo sau là lồng đèn kéo quân sáng cả một vùng. Nơi đó chính là Diên Hựu Tự – tôi đứng trên cầu Đông bắc ngang sông Tô Lịch để nhìn về hướng ấy, nhìn cho đến lúc từng dòng người lại lần lượt quay về để kết thúc một ngày dài. Trời càng tối, sương càng lạnh, trong lòng tôi cũng muôn phần não nề. Trên sông Tô Lịch bỗng có chiếc thuyền hoa, trên thuyền là tửu lầu nhộn nhịp làm tôi nhớ hình ảnh cô đào hát mặc váy đỏ mong manh trong gió năm xưa tại Diễn Châu. Tay tôi nắm chặt thành cầu, bởi nếu không làm như vậy, tôi sợ mình sẽ không chịu đựng nỗi mà nhảy xuống sông. Bây giờ đã là tháng tư, có khi nào Nam đang chờ đợi tôi nơi suối Vàng? Hay là tôi đi trước một bước, nếu anh ấy vẫn còn sống thì tôi sẽ làm một hồn ma để chờ đợi anh, ít ra cũng sẽ không mất phương hướng như lúc này. Tay tôi càng vịn chặt lấy thành cầu hơn nữa, định bụng sẽ trèo qua đó để gieo mình xuống sông. Chợt có tiếng bước chân vang lên phía sau khiến tôi giật mình quay lại, mắt tôi nhòa đi vì lệ, chỉ thấy một bóng hình đang hối hả chạy đến chỗ tôi.
Là Nam?
Hay là ai khác?
Tôi đưa tay lên lau nước mắt, thân ảnh kia mỗi lúc một rõ ràng.
Nỗi thất vọng trong lòng tôi cũng theo đó mà lớn hơn bao giờ hết.
Huỳnh Cát chạy đến, ôm chặt lấy tôi: “Anh vừa từ ngoài về lại không thấy em nên vội vã đi tìm. Sao em lại đứng ở đây một mình? Có biết anh lo lắng cho em lắm không?”
Tôi nhớ đến lúc ở Châu Lạng, có một đêm anh ấy nói với tôi rằng, nếu tôi có ý định rời khỏi, cho dù tôi ở đâu anh ấy cũng sẽ tìm ra. Vậy nếu tôi không còn trên cõi đời này nữa, anh có nguyện chết đi để tìm gặp lại tôi chăng?
Tôi đứng lặng yên để Cát ôm lấy, trong lòng không cảm xúc, chỉ cảm thấy cơ thể anh ta cũng lạnh không kém gì mình. Có lẽ anh cũng dầm sương từ rất lâu.
Cát từ từ buông tôi ra rồi nhìn tôi: “Em khóc sao?”
Tôi không trả lời câu hỏi của anh mà hỏi lại: “Cát à, anh thấy khung cảnh nơi đây có giống nguyên tiêu ba năm trước tại Diễn Châu hay không?”
Sau câu hỏi của tôi, Cát nhìn tôi trân trối. Tôi quên mất đêm đó tôi chỉ lén theo chân Tú Bình chứ không ra mặt, nên chắc chắn anh không biết tôi khi đó ở rất gần. Chuyện qua rồi, tôi cũng không buồn giải thích, cứ vậy mà nói tiếp: “Hôm đó trăng rất sáng, anh và Tú Bình đứng với nhau, thật sự rất đẹp đôi!”
“Chân à!”
“Cát, anh trả lời thật cho tôi biết, anh rốt cuộc là còn yêu Tú Bình hay không?”
Cát vốn định mở miệng nói, nhưng rồi lại im lặng. Sự im lặng của anh thực chất cũng là một câu trả lời rõ ràng đối với tôi. Đàn ông luyến tiếc tình đầu, đàn bà trân trọng tình cuối, Tú Bình là người con gái đầu tiên bước vào cuộc đời Cát, dù anh có cố gắng quên đi, dù anh có cố tình chấp nhận mở lòng ra với tôi thì tôi biết cả đời này chắc chắn anh cũng không thể quên được hình bóng của Tú Bình. Và tôi cũng vậy, dù bây giờ tôi giả vờ cùng Cát diễn vở vợ chồng ân ái, nhưng phần tình cảm dành cho Nam nhất định sẽ khiến tôi dày xéo, cả đời không thể nào trọn vẹn hạnh phúc. Nguyên Bất Tiên chỉ nói tôi sẽ gặp người tôi cần gặp trên sông Tô Lịch, nhưng lại không nói rằng người ấy sẽ liên quan đến Nam. Bây giờ, Cát đã ở đây, xem như người tôi cần gặp theo lời ông ta nói biết đâu chính là anh. Vậy giữa chọn chồng để bình yên hạnh phúc cả đời hay chọn dấn thân vào đường chết, tôi cũng đã có câu trả lời rồi.
Tôi nhìn vào khoảng không vô định, nói tiếp: “Lúc đó tôi chính là muốn tác hợp cho hai người. Tôi thật sự chưa bao giờ có ý định tranh giành anh với Tú Bình. Cho đến giờ vẫn là như thế.”
Cát nắm lấy tay tôi, siết thật mạnh. Tôi không biết đó là cảm xúc của yêu thương hay tức giận, chỉ thấy mắt anh đỏ lên: “Em nói ra những điều này là có ý gì?”
“Tôi xin lỗi!”
Tôi không xin lỗi cho những chuyện đã qua. Tôi xin lỗi cho những ngày sắp tới. Anh đối với tôi hiện giờ, là yêu thương hay bù đắp, bất kể là gì thì tôi cũng không thể nào đón nhận được nữa.
Cát ôm chầm lấy tôi, giọng anh run lên đầy lo sợ: “Anh không cần em xin lỗi gì cả. Anh chỉ cần em đừng rời anh.”
“Chân à…”
“Cát à, chúng ta ly hôn đi!”
Tôi nói, mặc dù rất khẽ, nhưng tôi tin anh vẫn nghe thấy lời tôi.
Đêm đó Cát cố tình lờ đi những gì tôi nói, trầm mặc cùng tôi trở về.
Đêm đó, chúng tôi vẫn nằm trên một chiếc giường, nhưng mỗi người một suy nghĩ khác nhau.
Cho đến khi canh tư gà gáy, Cát vẫn quay lưng về phía tôi, lạnh lùng lên tiếng hỏi: “Là người đàn ông tên Trung, hay còn một ai khác?”
Tôi im lặng, vờ như không nghe thấy. Cát vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục hỏi tôi: “Là Nam, có phải không?”
….
“Anh không nghĩ em lại dành tình cảm cho Nam nhiều như vậy. Đáng lẽ anh phải nhận ra điều đó từ cái lần Nam mất tích khi gặp sơn tặc. Lúc đó anh chỉ nghĩ em đau buồn vì khiến một người gặp nguy hiểm nào ngờ em thật sự dành tình cảm cho anh ta.”
“Tôi…” Tôi ngập ngừng lên tiếng nhưng lại không biết mình nên nói gì lúc này.
Cát đột ngột ngồi dậy, nhìn tôi đăm đăm: “Giữa em và anh ta, đã xảy ra chuyện gì chưa?”
Tôi thấy ánh mắt Cát long lên như sắp giết tôi. Tôi sợ hãi ngồi dậy, thu người vào một góc giường: “Giữa tôi và Nam hoàn toàn trong sạch.”
Cát nhoài người tới, nắm lấy cổ tay tôi: “Anh vẫn tin em. Còn chuyện khi tối em nói với anh, xem như anh chưa nghe thấy gì. Người cũng đã không còn, em tập làm quen với chuyện này và yên ổn làm mợ ba của em đi. Nếu em có bất kỳ ý nghĩ dại dột nào, anh không để gia đình em yên ổn đâu.”
Tôi chợt nhớ lại Nguyên phi. Cát rõ ràng là em trai của bà ấy, ngay cả lời lẽ và cái thói ức hiếp kẻ yếu hơn cũng giống hệt nhau. Tôi không còn gì để nói nữa. Bởi lẽ bây giờ tôi có nói điều gì thì Cát nghe cũng không còn lọt tai. Sai lầm của tôi là tin rằng anh ấy sẽ cảm thông với mình nên đã nói sự thật. Còn anh, ngay từ lúc chúng tôi gặp lại nhau ở phòng tân hôn, anh không hề hỏi tôi một lời nào đã tự ý đi tìm Tú Bình. Lúc anh cả phán xử chuyện tôi việc gả nhầm cho Cát, anh cũng không đứng ra nói một lời bênh vực. Tôi không biết anh yêu Tú Bình bao nhiêu, nhưng tôi có thể khẳng định người anh yêu nhất chỉ là chính bản thân anh ta mà thôi.
Đến sáng tôi cố tình dậy thật sớm để cùng chị cả đến chùa Diên Hựu chẳng qua muốn tránh mặt Cát. Nào ngờ chưa kịp ra khỏi nhà đã có công công đến phủ truyền rằng Nguyên phi muốn gặp chúng tôi.