Chị cả và tôi đến Duyên Hải Tự vào một buổi sáng cuối tháng hai. Đó là một ngày bình thường nên trong chùa cũng vắng vẻ. Chị cả thấy tôi dạo gần đây ăn chay niệm Phật nên hào phóng hướng dẫn tôi khắp mọi nơi, thuyết minh từng bức tượng cho tôi biết và kêu tôi vái lạy. Tôi làm theo tất cả để tránh cho chị có bất kỳ nghi ngờ gì.
Lúc đang ngồi dùng cơm trưa chị lại nhẹ nhàng gợi ý với tôi: “Mồng tám tháng tư Hoàng thượng sẽ cho tổ chức lễ tắm Phật lần đầu tiên tại Diên Hựu Tự (Chùa Một Cột), em có muốn đến đó tham dự không?”
“Diên Hựu Tự?” Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao nghe tên lạ vậy chị?”
“Em ở Châu Lạng nên chắc ít nhận được thông tin. Diên Hựu Tự được khởi công xây dựng từ tháng chín năm ngoái, mới vừa hoàn thành xong tháng này. Nghe cha chị nói Bồ tát báo mộng cho hoàng thượng nên chị nghĩ chùa này sẽ rất linh nghiệm. Hình dáng thì như một đoá sen giữa hồ nên chị cũng muốn đến đó mở mang tầm mắt.
Tôi quả thực không có hứng thú với những chuyện như thế này nên cũng lựa lời nói với chị cả: “Để em về nhà hỏi lại anh Cát xem sao.”
Đó là chưa kể nếu đến Thăng Long là gần nơi Nguyên phi. Nghĩ đến nàng ấy tôi cứ thấy sợ hãi không thôi.
Mục đích hôm nay gặp riêng chị cả là muốn hỏi tông tích của một người nhưng sáng giờ tôi chỉ mải mê lạy Phật. Thấy chị cả tâm trạng đang tốt, tôi hỏi: “Chị trước giờ có nghe qua danh tánh một người tên Nguyễn Phi Tiên chưa?”
Chị cả dừng đũa, suy nghĩ một lát rồi lắc đầu: “Nghe lạ quá, chị không ấn tượng gì về người này. Ai vậy em?”
Tôi trả lời: “Lúc thầy lang khám bệnh cho em có vô tình nhắc đến tên này. Nghe đâu ông ta siêu phàm đến mức có thể khiến người chết sống lại.”
“Thần kỳ vậy ư?” Chị cả xuýt xoa.
“Dạ đúng nhưng em không biết ông ấy thật sự có tồn tại không nữa. Hỏi ra thì không ai biết hết.”
Chị cả bật cười: “Có thể mình không có duyên gặp, cũng có thể ông ấy chỉ là truyền thuyết mà thôi. Để có dịp chị hỏi cha thử xem có biết y hay không.”
Vậy là chị cả cũng không biết Nguyễn Phi Tiên. Trời đất mênh mông, tôi biết phải tìm người ở nơi nào!
Chị cả theo chân trụ trì vào sảnh để bàn chuyện điếu dường. Tôi ngồi dưới gốc bồ đề mông lung nghĩ cách làm sao để tìm được Nguyễn Phi Tiên thì bỗng có hai đồng xu cổ rơi xuống trước mặt tôi.
Lão tướng số khom lưng nhặt tiền lên, nhìn tôi đầy ngụ ý: “Xem tướng số một bạc, trả lời câu hỏi hai bạc. Cô có hứng thú không?”
Tôi nhìn sơ cũng đoán được ông này tìm cách gạt người. Tôi từ chối nhưng ông ta cứ lẽo nhẽo bên tai rất phiền. Thấy vậy tôi lấy từ trong túi ra hai bạc cho luôn ông ấy: “Đây ông cầm lấy rồi để tôi yên nhé!”
Ông ta cầm bạc, cắn một cái kiểm tra như thói quen rồi khoái chí mỉm cười. Tôi nghĩ ông ta nhận được tiền thì se rời đi nhưng ngược lại ông ấy lại ngồi luôn xuống đối diện với tôi. Tôi lười biếng nhìn ông ấy: “Tôi không còn tiền đâu.”
Ông ấy vuốt râu, cười khà khà: “Tiền đã bỏ ra rồi, sao không để tôi bói cho cô một quẻ. Hai bạc, cô muốn hỏi điều gì?”
Tôi đã không muốn tiếp xúc mà ông ấy không để tôi yên. Tôi có chút phiền lòng nên hơi cau có: “Tôi muốn tìm người, ông biết thì chỉ cho tôi đi.”
Sau câu hỏi của tôi ông ta lập tức bấm đốt tay. Bấm tới bấm lui rồi đột nhiên mở mắt ra nhìn tôi trân trối: “Người cô muốn tìm, không gặp được đâu.”
Tôi thở hắt ra một hơi: “Biết trước là không thể trông cậy ở ông mà.”
Tôi định đứng dậy rời khỏi chỗ đó thì ông ấy lại tiếp tục: “Coi như chúng ta có duyên, tôi tiết lộ cho cô mộ bí mật. Mồng tám tháng tư, bờ sông Tô Lịch, cứ chờ ở đó biết đâu cô sẽ có cơ hội gặp được người cô cần.”
Mồng tám tháng tư, sông Tô Lịch… đó chẳng phải là Thăng Long, cùng ngày hoàng thượng làm lễ tắm Phật tại chùa Diên Hựu hay sao? Ông thầy tướng này là đoán được huyền cơ hay khi nãy nghe được cuộc trao đổi của tôi và chị cả? Tôi nhìn ông ấy, hỏi tiếp: “Làm sao để tôi nhận ra?”
Lão thấy bói nhướng mắt nhìn tôi khinh bỉ: “Hết hai bạc rồi, không trả lời nữa.”
Tôi vội vã lấy từ trong người ra một ném bạc nữa đưa cho ông ấy: “Tôi vẫn còn tiền đây.”
Ông ta nhìn bạc trên tay tôi đầy tiếc nuối: “Nhiều thật, nhưng tôi không có phước hưởng rồi. Nguyễn Bất Tiên này chỉ nhận tiền một lần và giải đáp đúng một lần. Tôi nói với cô đến câu thứ hai là xem như đi ngược ý trời rồi. Thôi tôi đi uống rượu đây, chúc cô may mắn!”
Ông ta muốn rời đi nhưng tôi lập tức nắm lấy tay áo ông ta. Lúc này mới phát hiện ông ấy mất môt cánh tay:
“Ông là Nguyễn Bất Tiên, ông có quen biết Nguyễn Phi Tiên không? Tôi thật sự muốn tìm anh ấy, ông cho tôi lời khuyên có được không?”
“Sống cả đời hạnh phúc bên chồng hay đi vào đường chết là tự cô lựa chọn. Con người đúng là không bao giờ biết chấp nhận những thứ bên cạnh mình. Cô từ từ mà suy nghĩ đi nhé!”
Ông ta rời đi, ống tay áo tuột khỏi tay tôi một cách dễ dàng. Lúc chưa gặp được ông ta tôi vốn đã đủ hoang mang, bây giờ sau khi gặp ông ấy, nghe mấy lời của ông tôi càng hoang mang hơn nữa. Mồng tám tháng tư, bờ sông Tô Lịch! Tôi không cần biết ông ấy là cao nhân hay bịp bợm, chỉ cần một cơ hội mỏng manh để tìm gặp lại Nam, tôi quyết không bỏ cuộc.
Chị cả vừa ra khỏi sảnh tiến dần về phía tôi, tôi liền tuyên bố: “Em sẽ đi Thăng Long cùng chị.”
*
* *
Tôi nói sẽ đi Thăng Long cùng chị cả, Cát dĩ nhiên không để tôi đi một mình. Trải qua lần tôi gặp nạn, hầu như lúc nào anh cũng ở bên cạnh tôi. Chỉ những khi phải ra ngoài bàn chuyện làm ăn và lúc đi ngủ, còn lại anh không dám rời tôi nửa bước. Có lẽ anh sợ chỉ cần anh sơ sảy, chuyện không hay kia sẽ lại diễn ra thêm một lần.
Chúng tôi định ngày mồng bốn sẽ di chuyển đến Thăng Long nên trước đó Cát phải cố gắng giải quyết cho xong mọi chuyện để kịp tiến trình. Anh cả dường như càng lúc càng hài lòng về Cát, tôi nghe đâu anh ấy định giao gia sản cho Cát quản lý còn anh thì lui về phía sau chăm sóc vợ con, làm một đôi vợ chồng hạnh phúc. Tôi nghe mà vừa mừng vừa lo cho Cát. Mừng vì cuối cùng anh đã thật sự trưởng thành để anh cả tin tưởng giao phó mọi thứ. Lo là vì phần trách nhiệm này quá nặng, không biết một sớm một chiều anh có cáng đáng nổi hay không.
Chúng tôi đến Thăng Long là ngày mồng bảy. Đáng lẽ sẽ ở phú Thiên Phúc của Nguyên phi nhưng vì vợ chồng Binh bộ thị lang nhớ con gái nên bốn người chúng tôi di chuyển đến ở phủ của cha mẹ chị cả. Lưu đại nhân dạo gần đây bận bịu chuyện trong cung nên tiếp đãi chúng tôi chỉ có Lưu phu nhân. Mà bà ấy gặp được cháu thì cuối cùng cũng chỉ còn biết tới cháu ngoại, chúng tôi thành ra tự nhiên chẳng khác nào ở nhà mình.
Đến mịt tối Lưu đại nhân mới về, sau đó gọi chị cả đến nói chuyện. Hai cha con nói với nhau rất lâu sau đó chị cả mới ghé qua phòng tôi thông báo: “Ngày mai hoàng thượng làm lễ tắm Phật, ngày mốt chúng ta mới được viếng chùa. Em chịu khó đợi thêm một ngày nhé.”
Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Viếng chùa thì ngày mốt hay ngày kia đều được. Quan trọng là ngày mai tôi đi đến sông Tô Lịch để chờ xem sẽ gặp ai như lời lão tướng số nói hay không.
Đêm đó Cát và tôi lại chung phòng mà tôi thấy mặt mày anh đầy khó chịu. Tôi quan tâm hỏi thăm anh thì anh lại trả lời: “Em tu được rồi cớ sao anh phải tu cùng em. Mà đã phải giữ tâm thanh tịnh rồi không hiểu sao cứ gặp phải tình huống như thế này.”
Tôi cúi mặt, không phải không hiểu ý Cát. Nhưng tôi thì biết làm sao bây giờ.
Cát thấy tôi im lặng khó xử nên không nói gì nữa, lẳng lặng đặt một chiếc gối ngăn cách giữa chúng tôi rồi nằm xuống quay mặt ra ngoài. Nếu có thể, tôi thà chọn cách nói thẳng với anh rằng trong lòng tôi đã yêu người khác, hy vọng anh có thể bỏ tôi để tìm người xứng đáng hơn. Nhưng lúc này chưa được. Nếu tôi làm gì có lỗi với Cát e là Nguyên phi cũng không để gia đình tôi được yên ổn. Mọi chuyện không thể quá gấp gáp trước khi tôi nhận được tin tức về Nam. Còn với Cát, xem như chúng tôi có nợ nhưng lại không duyên để ở bên nhau, nếu có kiếp sau tôi sẽ trả cho anh hết món nợ này.
Sáng hôm sau anh cả và Cát đi gặp đối tác làm ăn nơi kinh thành. Cát vừa đi tôi cũng tìm cớ nói với chị cả muốn ra ngoài dạo chơi. Chị cả dĩ nhiên đồng ý còn vui vẻ kêu tôi dẫn theo a hoàn cùng đi nhưng tôi từ chối.
Thăng Long đêm nay sẽ có lễ rước Phật nên đường sá treo đầy hoa đăng. Tôi đi đến đâu cũng thấy người ta bày bán hương khói, vòng hoa, đèn cầy… Chẳng mấy chốc tôi đi đến sông Tô Lịch rồi mới nhận ra mình ngốc nghếch, cả con sông dài như vậy, tôi biết người tôi cần gặp sẽ ở đoạn nào, chưa kể dòng người tấp nập, liệu rằng khi gặp tôi có nhận ra?
Tôi men theo bờ sông, đi đến tận trưa cũng chưa thấy người nào có khả năng cho tôi chút tin tức. Vừa mệt vừa đói, tôi định bụng ngồi xuống một quán ăn ven đường kêu một tô mì thịt bò thật to ăn cho đã thèm nhưng rồi lại thôi. Giả dụ tôi đang ăn mà bị Cát bắt gặp khác nào bao nhiêu công sức tôi nói dối đều thành ra đổ sông đổ bể. Cuối cùng tôi đành bấm bụng mua tạm vài củ khoai lang, ngồi dưới bóng một cây xoài to và nhẩn nha từng chút và nhìn sang phía bên kia sông. Hoàng cung nằm lọt thỏm bên trong bức tường kiên cố, tưởng rộng lớn hóa ra thật nhỏ bé, tưởng xa cách nhưng trước mắt cũng thật gần. Ba năm trước tôi bước chân vào đó một lần, sau đó liền không muốn quay trở lại lần thứ hai. Chuyến này đến kinh thanh, hy vọng không làm động đến Nguyên phi để tôi không phải gặp lại nàng ấy nữa.
Trời vừa dịu nắng tôi lại tiếp tục rảo bước dọc theo bờ sông. Lão tướng số nói rằng tôi sẽ gặp người cho tôi tin tức thì tôi cũng cố gắng tin mình sẽ gặp được. Huống hồ chưa hết ngày, chuyện xảy ra tiếp theo làm sao tôi biết trước được. Đi mỏi chân tôi ghé lại bến thuyền, nhìn thuyền phu biếng nhác biếng nhác nghỉ trưa đề nghị: “Tôi muốn đi dọc hết đoạn sông Tô Lịch này, anh lấy bao nhiêu tiền?”
Thuyền phu mở to mắt nhìn tôi từ đầu đến chân rồi thầm đánh giá, sau đó anh ta giơ bốn ngón tay lên: “Bốn bạc, cô ưng thì đi.”
Bốn bạc thì có hơi cao, nhưng dù gì tôi cũng phá giấc ngủ trưa của anh ta nên cũng không buồn trả giá, cứ thế leo lên thuyền. Thuyền phu uể oải tháo dây cột, chống cây sào đẩy thuyền rời khỏi bến.
Thuyền đi được một đoạn xa tôi vẫn kiên trì nhìn quanh quất xem ai là người có khả năng như lời thầy tướng nói. Nhìn mãi nhìn mãi mà không phát hiện được ai, cũng không nhận ra gã thuyền phu kia nãy giờ vẫn có hứng thú quan sát mình.
“Cô này, cô ngắm cảnh hay tìm người vậy?”
“Anh nghĩ tôi ngắm cảnh hay tìm người?” Tôi hỏi lại thay cho câu trả lời.
Anh ta chớp chớp mắt, suy diễn: “Nếu ngắm cảnh thì cũng không đúng vì trông cô có vẻ không có vẻ gì là đang thưởng thức. Còn tìm người thì ai lại đi ra giữa sông giữa buổi trưa như thế này mà tìm.”
Nghe anh ta phân tích tôi mới để chút quan tâm lên người anh ta. Người đàn ông này khoảng ngoài hai mươi, gương mặt trông còn rất trẻ. Anh ta mặc một bộ đồ vải thô, tóc búi cao cố định bằng một mảnh lụa cùng màu áo, cũng là vậy có giá trị nhất từ đầu đến chân. Lụa ấy là hàng dệt tay loại một từ làng Nghi Tâm, trước đây Cát có chỉ tôi nên tôi ngó sơ qua cũng nhận ra. Chỉ tiếc một mảnh lụa đắt tiền lại chẳng thể ăn nhập gì với quần áo anh ấy đang mặc. Tôi trông anh ta ngồ ngộ nên phì cười rồi cũng thành thật trả lời: “Tôi định tìm người nhưng không biết mình đang tìm ai. Thế nên tôi xuống thuyền ngắm cảnh luôn. Anh làm thuyền phu ở đây bao lâu rồi?”
Tiếng sóng vỗ hai bên mạn thuyền rì rào, hòa trong đó là câu trả lời khiến tôi sững sốt: “Hôm nay là ngày đầu tiên!”
Nhìn thấy vẻ mặt như không tin vào những gì mình vừa nghe, anh ấy lập tức buông sào, ngồi xuống cạnh tôi: “Tôi cũng không nghĩ mình chèo hay như vậy.”
“Anh không phải thuyền phu?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
“Ngay từ đầu cô có hỏi tôi phải thuyền phu hay không đâu, chỉ hỏi tôi chèo thì lấy bao nhiêu tiền thôi mà.” Anh ta lừa được tôi, vẻ mặt vô cùng đắc thắng.
“Nhưng nếu anh không phải thuyền phu phải giải thích tôi biết chứ, cớ gì lại đồng ý thỏa hiệp cùng tôi? Mà nếu anh không phải thuyền phu thì anh là ai?”
Tôi nhìn anh ta đầy nghi hoặc. Chiếc thuyền không còn trớn chống sào nên cũng dần ngừng lại giữa dòng sông thanh vắng. Giữa trưa nên cũng không có thuyền bè qua lại nhiều, nếu anh ta là kẻ bất lương, nhân cơ hội này giở trò đồi bại thì tôi chỉ còn cách nhảy xuống sông tự vẫn chứ biết kêu ai cứu?!
Trái với lo lắng của tôi, anh ta có vẻ vô cùng bình tĩnh. Sau khi nhìn dáo dát xung quanh đề xác nhận không có ai mới nói với tôi, thanh âm nhỏ vô cùng: “Cho cô hay, tôi đây là bạn của thái tử.”
Anh ta là bạn của thái tử! Tôi có tin không? Câu trả lời dĩ nhiên là không!
Cứ cho là tôi không đề cập tới vấn đề ngoại hình của anh ta, chỉ căn cứ vào cảm nhận nãy giờ khi tiếp xúc tôi cũng không thể nào tin được việc anh ta là bạn của thái tử. Anh ta đã lừa tôi việc là thuyền phu, bây giờ lại định lấy tôi ra làm trò đùa nữa hay sao. Còn nếu anh ta không có ý lừa tôi, tôi chắc rằng anh ta cũng mắc bệnh hoang tưởng.
Anh ta sau giây phút hớn hở chia sẻ cho tôi “bí mật” thì cũng lập tức ỉu xìu như bong bóng: “Cô không tin tôi ư? Lần này tôi không gạt cô đâu, tôi thật sự là bạn của thái tử.”
Chuyện tôi tin hay không tin anh ta không quan trọng. Vấn đề bây giờ là tôi muốn quay trở lại bờ nên quay sang nói với anh ta: “Anh đưa tôi vào bờ đi, như vậy tôi mới tin anh!”