Choang!
Chiếc bình gốm hoa sen thời nhà Lý trượt xuống đất vỡ tan thành từng mảnh, âm thanh đột ngột khiến bầy chim sẻ đang đậu trên cây giật mình kéo nhau bay mất.
“Chết rồi…” Nụ nức nở nhìn mảnh vỡ vương vãi đầy đất. Con bé chỉ mới có 8 tuổi, vóc người nó ốm nhom, nhỏ xíu, khi nãy chỉ vì muốn lau chùi cái bình nên lỡ tay làm trượt xuống đất. Nghĩ đến cảnh chuyện này bị dì Mậu biết được thể nào cũng cho ăn một trận đòn nhừ tử là nước từ hốc mắt không kìm được liên tục trào ra.
Nghiên mới phụ tá điền gánh lúa vào kho trở về, vừa múc được hai gáo nước mưa hạ hoả thì đã bị tiếng động từ nhà vọng ra gián đoạn. Anh săn tay áo dòm vào, thấy là con bé Nụ liền thắc mắc hỏi:
“Nụ, sao vậy?”
Hốc mắt con bé đỏ hoe, lúc quay đầu lại nhìn anh trên mặt còn hiện rõ sự chột dạ khi bị người ta phát hiện.
“Anh Nghiên, em lỡ làm bể bình rồi, dì Mậu biết là đánh em chết mất.”
Anh nghe giọng nói lè nhè vì đang cố nín khóc của Nụ mà sốt cả ruột, vội vàng lau đi nước trên gò má bị nắng nóng hun đỏ rồi lật đật chạy vào xem thử.
Nghiên nhìn cái bình quý bể nát trên sàn rồi nhìn qua phía bé gái còn chưa cao đến hông mình đang khóc thút thít, chưa kịp nghĩ xem phải giải quyết thế nào thì từ xa đã vang lên tiếng guốc gỗ lộc cộc.
“Bây làm cái chi mà ồn ào dữ vậy? Lại đổ bể cái gì nữa đúng không?” Người chưa thấy mặt mà tiếng đã vang xa, dì Mậu nổi tiếng nghiêm khắc cầm theo cây roi mây nôn nóng bước vào, vừa nhìn thấy mảnh vỡ trên sàn là giọng lập tức thét cao.
“Trời đất ơi là trời! Ai? Ai làm cái bình cổ của bà chủ tan tành vậy hả?”
Tiếng thét của bà làm hai người sợ muốn nhũn cả chân, con bé Nụ đang gắng nín khóc nghe xong còn khóc to hơn. Nghiên lúng túng đứng nhìn, trái tim trong ngực đập thình thịch như thể sắp nhảy ra ngoài. Nhìn thấy Nụ sắp sửa quỳ xuống nhận tội làm đầu óc anh tỉnh táo, cả người nhanh chóng đổ phịch xuống đất.
“Dạ là con, nhỏ Nụ nó đang lau dọn ở đây, con vào tìm nó nên mới vô ý đụng rơi mất. Dì, xin dì tha cho con.” Nghiên cúi rạp mình, lời vừa mới dứt roi mây đã xé gió vụt đến.
“Đang yên đang lành lại đụng trúng, ngày thường mày đi đứng để mắt ở trên đầu hả? Cái thằng ăn hại này, hôm nay tao phải cho mày biết tay.”
Dì Mậu lớn tiếng mắng, tay cầm roi vô cùng thuần thục quất liên tục vào tấm lưng gầy của Nghiên. Nụ đứng bên cạnh hoảng hốt muốn thanh minh cho anh.
“Dì, dì đừng đánh nữa, không phải…” Nghiên cắn răng kéo con bé lại, lời tiếp theo đã bị cái lắc đầu cương quyết của anh chặn đứng. Nụ hiểu được nên đành bất đắc dĩ níu lấy tà áo anh, nước mắt rơi đầy mặt, nhỏ giọng mếu máo:
“Dì đừng đánh anh nữa mà.”
“Tránh ra! Con nít con nôi, không dạy dỗ đàng hoàng thì sau này nó còn làm đổ bể tới cái gì nữa?” Dì Mậu dứt khoát đẩy Nụ sang một bên, tay cầm roi mây quất tới tấp không chút thương tình.
“Dì đánh mày là để dạy mày, làm kẻ ăn người ở trong nhà thì phải biết thân biết phận. Đi đứng, nói năng đều phải nhìn trái phải, trên dưới cho rõ ràng, đổ bể đồ đạc là mang tội lớn biết chưa?”
Lưng Nghiên bị đánh tróc da chảy máu, gương mặt anh ướt mồ hôi nhưng ngoài miệng vẫn không được lên tiếng trách cứ.
“Dạ… a… con biết rồi.”
Đánh một hồi cuối cùng roi trong tay dì Mậu cũng chịu dừng lại, bà chỉ ra ngoài sân, giọng lạnh lùng đáng sợ:
“Hôm nay nhịn đói quỳ ngoài sân, chừng nào dì bảo mày ngừng thì mày mới được ngừng.”
Nghiên hít sâu vào một hơi khí lạnh, cắn chặt môi mới nén được cơn đau để đứng dậy. Lúc nhìn qua hai vai nhỏ bé vẫn còn run rẩy của Nụ anh lại thấy may vì người bị đánh là mình, chứ nếu là nó thì có khi cả ngày cũng không nhúc nhích nỗi.
Nụ sụt sùi đầy lo lắng nhìn theo bóng lưng của anh, đôi bàn tay nho nhỏ vò nhăn hết cả áo.
“Anh Nghiên…”
Nghiên ôm tay, bước thấp bước cao ra ngoài hiên nhà, trước khi đi còn lén cười nhìn về phía con bé.
“Không sao… khụ.”
Thấy Nụ ngước mắt nhìn theo, dì Mậu lại gõ cây roi mây xuống đất:
“Còn con nhỏ này nữa, không lo dọn dẹp mà đứng nhìn cái gì? Hay là muốn ra quỳ chung với nó cho vui?”
Con bé nghe xong lập tức dùng hai tay chùi gương mặt lấm lem nước mắt, nhặt lại cái giẻ lau trên đất rồi gật đầu lia lịa: “Dạ… dạ con xin lỗi.”
“Đi lên nhà trước lau bàn ghế! Nhớ dòm trước ngó sau cho cẩn thận, chứ để đổ bể nữa là ăn đòn gấp đôi thằng Nghiên biết chưa?” Bà gõ roi mây vào cột nhà, âm thanh vang lên như mệnh lệnh khiến Nụ cúi đầu chạy một mạch đi.
Tiếng guốc gỗ mộc gõ lên nền gạch xa dần rồi mất hút, cái lưng nãy giờ vẫn thẳng tưng của Nghiên lập tức run run co lại. Anh xuýt xoa: “Sao đau dữ vậy trời ơi.”
Nụ lủi thủi lau bộ bàn ghế bằng gỗ quý ở nhà trên, lòng cứ chộn rộn không yên lo cho cái lưng bị roi mây quất nát của Nghiên. Mắt nó vẫn còn ánh nước, lúc nghe thấy tiếng guốc gỗ của dì Mậu từ xa truyền đến còn không kìm được rùng mình. Trái ngược với sự lo lắng của nó, bà vội vàng lướt qua rồi chạy về phía cổng lớn, gia nhân đang làm việc ngoài vườn cũng tò mò ngẩng đầu nhìn theo.
Cổng lớn được người hai bên khẩn trương mở ra, chiếc xe hơi màu đen bóng láng nghênh ngang tiến vào, nhìn thế nào cũng thấy nó thật khó ăn nhập với biệt phủ xây theo kiểu cũ của họ. Cửa xe cạch một tiếng mở ra, đôi giày da màu nâu nhạt kiểu mới nhất nhẹ nhàng đặt xuống đất, động tác khoan thai, nhã nhặn như đã sớm hằn trong cốt tuỷ.
Không cần ai bảo thì người hầu gần đó cũng tự giác bỏ công việc đang làm xuống, vài ba mảnh áo xanh xám cung kính vây quanh người vừa xuất hiện.
“Cậu ba mới về.”
Nhà họ có hai người con trai, người lớn đã trưởng thành đang bận chuyện làm ăn ngoài Bắc nên tạm thời không có ở nhà, còn người nhỏ vẫn đang học trên Sài Gòn, mỗi năm được nghỉ đều sẽ trở về. Nụ cúi thấp đầu không dám ngẩng lên, tuy nó chỉ mới vào hầu trong nhà có hơn hai năm nhưng đã từng thấy qua người được gọi là cậu ba này. Đối phương chỉ lớn hơn nó bốn tuổi, nhưng lại có cảm giác rất già dặn. Chút trực giác mong manh đã mách bảo cho nó rằng người như vậy tuyệt đối không thể làm phật ý, cứ mang trong mình suy nghĩ như vậy nên dần dần biến thành một loại sợ hãi theo bản năng lúc nào chẳng hay.
Dì Mậu bước ra khỏi đám người, vô cùng chuẩn mực cất tiếng dạ thưa: “Dạ thưa cậu mới về, trời ngoài này nắng nóng, cậu mau vào nhà có bà đang đợi.”
Khải Minh nhìn qua người hầu đang xách hành lý ra khỏi xe rồi lạnh nhạt gật đầu, vóc dáng thiếu niên chưa trưởng thành toát lên vẻ thanh thoát hiếm có.
Nhà họ hay được người trong vùng to nhỏ đồn là có của ăn đến mấy đời cũng không hết, lời nói đó cũng không hoàn toàn chỉ là phóng đại, ít ra so với cả Cần Thơ thì nhà họ Trần vẫn chưa tìm được ai xứng tầm. Vì thế nên mọi thứ trong căn biệt phủ này đều toát lên cảm giác vô cùng xa xỉ, ngoài cổng lớn bước vào đã có hai hàng chậu kiểng dài không thể định giá dẫn đường, bên hiên nhà treo liên tiếp mấy cái lồng chim quý, nằm xa xa còn có hồ nuôi cá nước chảy róc rách. Tiếng chim hót đi kèm với kiến trúc ngói đỏ đã nhuốm màu thời gian, mỗi một cành cây ngọn cỏ nơi đây đều toả ra hương vị khó kiếm được ở bất kỳ đâu.
“Mới có bao lâu không gặp mà cậu ba xem ra cao lên nhiều lắm, chắc mấy năm nữa là ta phải ngẩng đầu nhìn rồi.” Người quét sân lâu năm trong nhà đã chứng kiến từ lúc Khải Minh sinh ra thở dài bàn luận.
Khải Minh mặc áo ghi-lê cùng màu với giày, bờ vai thon gầy trông xa cách như trời và đất với đám người hầu phía sau. Cậu ung dung bước vào nhà, quen thuộc đi theo lối dẫn đến bàn ăn. Ở cái ghế lớn nhất đã có một người phụ nữ mặc áo dài may rộng, cổ trệt màu xanh sẫm ngồi chờ. Đối phương nhìn qua không rõ tuổi tác, nhưng điều ai cũng phải công nhận chính là bà rất đẹp, nét đẹp mặn mà, sang trọng, đậm chất truyền thống.
“Thưa má con mới về.”
Người phụ nữ đẹp như tranh đó chính là bà Khuê, bà nhìn cậu mỉm cười, giọng nói êm ái chứa đầy dịu dàng: “Đã ăn uống gì chưa? Mau ngồi vào xem nào!”
Khải Minh để bà xoa đầu, đôi mắt trong veo chất chứa ý cười. Chưa chờ cậu trả lời người làm ở nhà bếp đã tất bật bưng cơm canh mới nấu nóng hổi lên, mùi thơm theo khói bay khắp cả căn phòng. Dì Mậu đi phía sau đến mở nắp niêu cơm trắng phau ra, đang định xới vào chén thì bị bà Khuê ngăn lại. Bà đã theo hầu chủ lâu năm nên rất hiểu ý, biết điều cúi người lùi ra sau.
“Dạ chúc bà với cậu ba ăn ngon miệng.”
Đôi tay thon nhỏ của bà Khuê nhẹ nhàng đưa chén cơm mới xới qua cho cậu, môi tuy không cười nhưng lại chẳng khó nhận ra sự hiền từ đối với người trước mặt.
“Đang tuổi ăn tuổi lớn, chịu khó ăn đầy đủ vào.” Vừa nói, bà vừa gắp cho Khải Minh một miếng thịt bò xào hành tây, cậu nhận lấy rồi nhanh chóng bưng chén ăn cơm.
“Dạ má.”
Bà gật đầu hài lòng xong cũng từ tốn nâng đũa, động tác khoan thai, chỉn chu đến từng cái nhấc tay.
“Ba có gửi lời hỏi thăm má.” Lời vừa phát ra đã làm cho đôi tay ngọc của bà Khuê khẽ dừng, bà liếc nhẹ sang gương mặt vẫn còn nhiều nét non nớt của cậu vài giây rồi mới chậm rãi tiếp tục.
“Hỏi thăm chuyện chi?”
Có một sự thật rằng bà Khuê cùng chồng là ông Luân từ lâu đã không còn sống chung nữa. Bà ở lại Cần Thơ yên phận coi sóc ruộng vườn của tổ tiên, còn ông Luân lên Sài Gòn lập nghiệp, hằng năm chỉ vào mấy dịp hiếm hoi mới được thấy mặt vài lần. Người ngoài không biết chuyện sẽ cho rằng do ông bận bôn ba làm ăn nên phải ở xa, chỉ có những người trong nhà mới hiểu là do chính ông đã lựa chọn bỏ đi, còn về nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất hoà của hai người họ thì mãi vẫn còn là một ẩn số. Từ hồi Khải Minh mới lên năm cậu đã quen với việc ba thường xuyên vắng nhà, khi đến tuổi đi học lại theo ông sinh sống học hành trên Sài Gòn, lâu lâu có thời gian rảnh mới trở về nhà. Nhưng mỗi lần đi đều chỉ có mỗi mình cậu, còn ông Luân lại như chẳng có chút tha thiết gì với xứ này, chỉ cần mắt không thấy là tâm không phiền.
Cậu đã làm quen với chuyện gặp mặt mỗi người một nơi từ lâu nên không còn thấy khó khăn nữa, nhưng từ sâu trong thâm tâm vẫn nung nấu ý muốn hai người hàn gắn lại như xưa, để gia đình họ trở lại thành một gia đình đúng nghĩa.
“Hỏi thăm má dạo này sức khoẻ có tốt không, trời mưa nắng thất thường nên chú ý đừng để sinh bệnh.”
“Mưa nắng là chuyện của trời, bệnh tật cũng vậy, làm sao mà trốn cho thoát.” Bà lạnh nhạt đáp lại rồi gắp thêm đồ ăn vào chén của cậu, nhẹ nhàng chuyển sang chuyện khác: “Dạo này học hành thế nào rồi?”
“Dạ vẫn vậy thôi, con không có làm biếng.” Khải Minh biết bà đang muốn lẫn tránh, nhưng ngược lại cậu vẫn không muốn bỏ cuộc.
“Mà ba…”
“Đàn ông con trai phải chăm chỉ học hành thì sau này mới làm được chuyện lớn.” Bà cắt ngang lời cậu đang định nói, gương mặt sắc sảo bị một tầng sương mù bao trùm.
Bà lại gắp thức ăn sang cho cậu, Khải Minh đưa chén đón lấy rồi thuận theo sửa đi câu khi nãy mình định nói.
“Mà giờ này anh hai đâu rồi má? Sao không thấy về ăn cơm?”
“Anh con đang ở ngoài Bắc bàn chuyện bến tàu với người ta rồi, chừng tuần nữa mới về.” Bà nhìn vào chén cơm đã vơi đi một nửa trong tay cậu, phần thịt bò xào hành tây khi nãy gắp qua thì bò đã ăn hết, mà hành tây còn nguyên lại bị gạt sang một góc. Chẳng la rầy vì con trai kén ăn, bà nhìn ra cửa khẽ gọi dì Mậu vào dặn dò.
“Dặn bếp sau này đừng dùng hành tây nữa, cậu ba không thích ăn.”
Bà Khuê đối với người làm rất nghiêm nên ai cũng mang lòng kính sợ, dì Mậu nghe bà phân phó xong lập tức vâng lời đi làm việc. Khải Minh ngậm đầu đũa chờ phần hành tây trong chén của mình được lấy ra, nhìn nó biến mất rồi mới yên lòng tiếp tục ăn cơm.
Nghiên bị phạt nhịn đói từ trưa cho đến tận chiều tối, khi mặt trời lặn thì cái bụng rỗng cũng đã kêu lên mấy hồi, cộng thêm thương tích sau lưng khiến anh túa luôn mồ hôi lạnh. Hai đầu gối đã quỳ đến tê rần, ngay lúc anh định đổi tư thế cho đỡ mỏi thì từ xa có tiếng bước chân chạy bình bịch đến.
“Anh Nghiên, em đem cơm cho anh nè.” Người đến là Nụ, nó đem từ trong lòng ra một tô cơm với hai khía cá kho mà bản thân khó khăn lắm mới lén giấu được.
Là con trai nên ngày thường Nghiên đều nhận làm mấy công việc nặng nhọc, lại thêm chuyện đang trong giai đoạn phát triển khiến anh nhịn đói một bữa thôi cũng muốn mờ cả mắt. Anh không nghĩ nhiều lập tức bưng tô cơm ăn lấy ăn để, thấy anh ăn sắp sặc nên con bé Nụ theo thói quen đưa tay vỗ vỗ lưng cho anh dễ nuốt. Nhưng nào ngờ đâu động tác đó lại đụng trúng vết thương làm Nghiên nhăn mặt vì đau nhói.
“Chết, em quên mất, anh có đau lắm không?” Con bé vội vàng vạch áo của anh lên xem thử, khi thấy tấm lưng trần hằn đầy vết roi đỏ lại không kìm được muốn rơm rớm nước mắt.
“Là do em, do em hậu đậu nên anh mới bị đánh ra nông nỗi này.” Vừa mếu máo, nó vừa bôi thuốc cho anh.
Nghiên thẳng lưng hít vào một hơi, cơm trong tô đã bị anh ăn hơn phân nửa, nghe giọng mếu máo của người đằng sau liền khẽ cười: “Có gì đâu, anh da dày, mấy hôm nữa là khỏi à.”
Nghiên chỉ mới vào làm trong nhà từ năm ngoái, biết được Nụ và mình có cùng hoàn cảnh nên anh xem nó như em gái, chuyện gì che chở được là cũng gắng sức che chở. Thấy Nụ vẫn còn tự trách nên Nghiên vuốt vuốt chùm tóc đen của con bé để an ủi: “Mai em xin dì Tư cho anh mấy cái bánh tét chuối coi như bồi thường là được rồi.”
“Dì Tư hào phóng lắm, anh muốn ăn bao nhiêu em cũng xin cho anh được hết.” Nụ buồn thiu gật đầu. Lúc này, từ phía sau lại vang lên tiếng bước chân ai đang đến gần, Nghiên quýnh quáng lấy tay áo lau miệng rồi đưa tô cơm vẫn chưa kịp ăn hết cho Nụ đem đi, hai đầu gối chỉ vừa mới nghỉ được một lát đã phải tiếp tục quỳ.
Nghiên không dám quay đầu lại mà chỉ cố gắng lắng tai nghe động tĩnh từ phía sau, sợ là dì Mậu đến kiểm tra nên lưng quỳ thẳng tắp. Người nọ bước chậm rãi đến bên cạnh anh, đi kèm theo còn có tiếng chim hót nho nhỏ.
Khải Minh vừa mới tắm rửa thay đồ xong, đang định đi dạo một chút rồi về phòng ngủ thì lại bắt gặp có người đang quỳ dưới chỗ treo lồng chim của mình. Nghiên đã nhận ra người đến có lẽ không phải dì Mậu, nhưng tiếc là lại chẳng dám ngó sang nên trong dạ cứ bồn chồn, khó yên.
“Chuyện gì đây?” Khải Minh chủ động cất lời trước, giọng nói vẫn còn nét trẻ con khiến Nghiên giật mình.
Lúc này anh mới có cơ hội nhìn được mặt mũi người đến, chẳng biết do quá ngạc nhiên hay sao mà ăn nói trở nên lắp bắp:
“Dạ… dạ… con.”
Anh thấy gương mặt cậu trắng nõn, chân mày sắc nét cau nhẹ tạo thành một rãnh nhỏ ở ấn đường, vài ba nét non nớt của lứa tuổi mười hai, mười ba cũng chẳng thể nào che lấp nổi cảm giác nghiêm khắc, khó gần. Nhìn đi, nhìn lại anh vẫn thấy người trước mắt mình rất đẹp, nhưng lại đẹp theo một nét lạ lùng đầy mâu thuẫn.
“Tao hỏi mày quỳ ở đây làm cái gì?” Trái với vẻ điềm đạm ban sáng, Khải Minh lúc này lại rất mất kiên nhẫn.
Tuy không biết thân phận thật sự của đối phương là gì, nhưng nhìn cách ăn mặc sạch sẽ, tươm tất, cộng thêm phong thái như lúc nào cũng cao hơn người ta một bậc cũng khiến Nghiên hiểu mình không thể làm trái ý người này.
“Dạ con bị phạt.”
“Sao bị phạt?”
“Dạ do con vô ý đụng bể bình cổ của bà chủ.”
Một tràng đối đáp nhanh chóng trôi qua, Nghiên căng thẳng nuốt nước bọt, mắt ngước nhìn cậu trân trân.
“Nhích qua!” Nghe cậu ra lệnh Nghiên lập tức dùng hai đầu gối nhích hẳn sang một bên. Khải Minh cầm lồng chim bước đến chỗ anh vừa quỳ để treo nó lên, con chim bên trong vẫn bay nhảy ríu ra ríu rít.
Cậu nhìn nhìn con chim trong lồng một lát rồi mới quay lưng lại, đúng lúc Nghiên cũng đang tò mò dõi theo, nhất thời bốn mắt lại chạm nhau. Nghiên biết bản thân nhìn lén bị phát hiện nên lập tức quay đi, Khải Minh không biết nghĩ gì mà đột nhiên đứng trầm ngâm.
Người nọ đi đến trước mặt anh, cẩn thận nhìn từng li từng tí một. Trán Nghiên lấm tấm mồ hôi, nước da nếu đem so với cậu ấm như cậu thì sẽ bị chê kém vài phần, nhưng lạ là nó lại mịn màng, trơn bóng, khiến người ta nửa muốn sờ còn nửa lại thôi. Cứ phân vân mãi trong bụng làm Khải Minh chần chừ quan sát thêm, cậu để ý đôi mắt người nọ đen trắng rõ ràng, to tròn lại sáng, còn mũi miệng thì cân xứng, hài hoà. Ngẫm một chút lại nhớ đến gương mặt của người thông minh sáng dạ bản thân từng thấy qua trong nhân tướng học.
_________________________________
Lần đầu tiên tui thử viết bối cảnh Việt nên nếu có gì sai sót mong mọi người góp ý để sửa chữa. 💓💓💓