Thanh Triều Ngoại Sử 3

Chương 19: Bất tình phụ nghĩa



Cũng chiều hôm đó tại Tị Thử sơn trang, Khang Hi thắp nhang ở miếu Phổ Đà Thừa Chi, một trong tám ngôi miếu của Ngoại Bát Miếu nằm phía bắc Tị Thử sơn trang. Theo Khang Hi lúc nào cũng là Ung công công, nhưng lúc này còn có thêm Mã Tề.

Khang Hi thắp nhang xong ra khỏi ngôi miếu bước trên lối sỏi dẫn đến tháp Chuông, Ung công công và Mã Tề đi theo Khang Hi.  

– Thật không ngờ – Khang Hi vừa đi vừa thở dài – Cát Nhĩ Đan càn quét nhiều hơn sự tưởng tượng của trẫm, lần này gã dùng đến trọng binh, quyết tâm đánh chiếm Xương Cát.

Mã Tề im lặng, Khang Hi nói tiếp:

– Trẫm vừa nhận được tin hai ngàn thương gia từ Xương Cát ùn ùn kéo đến kinh thành, sắp có nạn giặc giã, cho nên việc di cư của những người dân Xương Cát không có gì là không bình thường, chỉ e… 

Khang Hi ngưng một chút nói thêm:

– Trẫm chỉ e những người muốn cứu Trịnh thân vương, cũng sẽ nhân dịp này trà trộn vào thành.

Vẫn không nghe Mã Tề nói gì, khi này, Khang Hi đi gần tới cầu thang dẫn lên tháp Chuông, Khang Hi đột nhiên dừng chân, quay ra sau nhìn Mã Tề. 

– Trẫm biết Mã khanh cũng như bát nghị đại thần, trách trẫm đối đãi tệ bạc với Trịnh thân vương, nhưng Mã khanh à, năm xưa, chính trẫm đã từng đối mặt với bọn phản đảng tại miếu Quan Âm, thế lực của bọn nghịch tặc đó đã làm cho trẫm vô cùng kinh ngạc.  Gần mười năm trôi qua, bây giờ thế lực của bọn chúng là hư hay thực trẫm thực tình không muốn đánh cược.  Cho nên, trẫm rất muốn Trịnh thân vương đích thân dẫn quân thẳng tay càn quét bọn chúng, một mặt để tuyên truyền thiên uy, mặt khác, để răn lê dân bá tánh vùng Giang Nam, nhưng Trịnh thân vương đã không làm theo ý chỉ của trẫm.

– Hoàng thượng thánh minh.

Mã Tề nói bằng giọng nặng nề, làm cho Ung công công nghe thấy trong lòng buồn rũ rượi.

Khang Hi nhìn Mã Tề thêm một chút nữa sau đó quay mình, nâng long bào bước lên bục cấp dẫn lên ngôi tháp.  Mã Tề và Ung công công đứng chờ dưới lầu.  

Khang Hi ngắm mái ngói Tị Thử sơn trang một màu đỏ rực như một vòng lửa thiêu đốt khoảng trời chiều, nói vọng xuống:

– Khanh hãy đi hạ lệnh của trẫm, bảo binh lính dán cáo thị khắp kinh thành nghiêm cấm tất cả những người có ý định rủ nhau tới xem pháp trường vào giờ Ngọ ngày mai.

– Thần lãnh chỉ.

Mã Tề ôm quyền.  Khang Hi hỏi: 

– Hiện thời Tô Khất ra sao?

Mã Tề đáp:

– Khởi bẩm hoàng thượng, từ hôm được lệnh của hoàng thượng, Tô tướng quân đã mang binh mã đến đóng ở Hắc Long Giang.

Khang Hi gật đầu:

– Mọi việc ở kinh thành này không được cho hắn biết, với giao tình của hắn và Trịnh thân vương, trẫm không muốn có việc ngoài ý muốn xảy ra.  Nhạc Chung Kỳ và Triệu Phật Tiêu cũng như vậy.  À còn nữa, khanh cũng hãy đi thông báo với phủ Thuận Thi, bảo họ điều động nhân mã, kể từ bây giờ cho tới sáng ngày mai nếu trong thành có chuyện hỗn loạn gì lập tức đàn áp.

Mã Tề bái chào Khang Hi rồi rời khỏi Tị Thử sơn trang. 

Ung công công nhìn theo Mã Tề, rồi lại ngẩng đầu nhìn Khang Hi, ông lão thấy Khang Hi đang đưa mắt nhìn trời, bầu trời chiều nay nhuộm một màu xanh biên biếc, ngay cả một cụm mây chiều cũng không có, không hiểu sao khâm thiên giám lại nói tối nay sẽ có một trận mưa đá?

Khang Hi đứng thật lâu trên tháp Chuông, từng khuôn mặt của nghị chánh đại thần hiện lên trong đầu Khang Hi, trong đó có cha con họ Sách võ nghệ cao cường, Trương Đình Ngọc và Vương Diệm khá tinh thông binh pháp, còn có thêm Long Khoa Đa, Ngạch Nhĩ Thái, và Mộc Khả Hỷ hữu dũng hữu mưu… 

Trong lòng Khang Hi không khỏi nhuốm lấy phiền não, miệng thở dài một hơi, Khang Hi nói bằng giọng thâm trầm:

– Ngày mai Mã Tề phụ trách việc giám trảm, nhưng trên đường từ đại lao đến pháp trường cũng cần phải có ngự lâm quân cẩn thận áp giải trọng phạm.  Ngoài ra, ở ba phía đông nam bắc pháp trường mỗi chỗ nên đặt ít nhất hai trăm binh sĩ tích cực mai phục, địch không động ta không động, trừ khi ai đó có ý muốn liều mạng cướp pháp trường.  Nếu có người tấn công, bắt được thì bắt, không được thì giết.  Ngoài ra, căn cứ theo con đường bọn chúng cướp pháp trường xong sẽ phải rút lui, khanh phải tìm cách bố binh ngăn chặn, không để một ai chạy thoát.

Khang Hi dứt lời, Ung công công giật mình khi có tiếng đáp:

– Khởi bẩm hoàng thượng, thần đã cho người mai phục ở ba phía pháp trường, ngộ nhỡ ngày mai có người cả gan bén mảng đến gần cho dù thành công, chúng thần cũng có cách ép bọn chúng chạy vào cánh rừng phía Tây, tại đó, thần đã cho người chôn hỏa dược nên chỉ cần một mồi lửa là sẽ tức khắc bùng nổ.

Người vừa nói những lời này vận y phục dạ hành, đứng ngay sau lưng Ung công công, Ung công công không rõ hắn ta đến từ khi nào nhưng rõ ràng Khang Hi đã biết có sự hiện diện của người này.  Dạ hành nhân tiếp:

– Thần cũng sẽ đích thân dẫn theo ngự tiền thị vệ cùng năm trăm binh mã vào trong bìa rừng mai phục, nếu có ai may mắn thoát khỏi hỏa dược, chúng thần sẽ bắt cá trong rọ.

Người áo đen nói xong bái chào Khang Hi, rồi vụt một cái, hắn ta rời đi, bí ẩn như khi hắn đến.  Ung công công nhướng nhướng cặp mắt nhìn Khang Hi, những sự việc vừa qua, khiến ông phải suy nghĩ, trong đôi mắt ông lão khi này cho thấy sự bất mãn.  

Bấy giờ hoàng hôn đã tàn, trăng non dần lên cao.

Khi Khang Hi và Ung công công về tới Tùng Hạc Trai, Hách Xá hoàng hậu đã đợi trong sảnh từ lâu. Thấy Khang Hi về, Hách Xá vội đến trước mặt Khang Hi nói: 

– Tham kiến hoàng thượng.

Khang Hi cho hoàng hậu miễn lễ, Hách Xá hô tạ ơn rồi quay sang bảo bọn cung nữ đưa lên các món ăn chiều và trà nước. 

Khang Hi và Ung công công, người trước, người sau, bước qua ngạch cửa đi vào chính sảnh; các cung nữ dọn đồ ăn lên bàn.  Ung công công dìu Khang Hi ngồi.  Hách Xá cũng đến ngồi bên Khang Hi.  Ung công công nhấc mấy món ra, Hách Xá gắp một tai nấm vào chén cho Khang Hi.  Khang Hi ung dung cầm lấy đũa, nhưng chưa ăn, một lát sau buông đũa, đứng dậy đi mấy bước, đứng sau bức rèm cửa sổ nhìn ra sân.  Hách Xá ra hiệu cho Ung công công không ăn nữa.  Ung công công bèn bảo bọn cung nữ dọn dẹp đồ ăn thức uống trên bàn.  Đoạn Hách Xá đi lại bên cửa sổ, đứng nhìn Khang Hi hồi lâu mới nói: 

– Tối nay tâm tình hoàng thượng buồn bực quá, thần thiếp có thể nào phân ưu với ngài được chăng?

Khang Hi lắc đầu. 

Hách Xá im lặng nhìn nét mặt nghiêng nghiêng của Khang Hi dưới ánh đèn cầy, tuy Khang Hi còn rất trẻ nhưng diện mạo đã chứa đầy những đường nét ưu tư.  Nàng tự nhủ như vầy cũng tốt, đầu tiên phải nên cho nàng có thêm chút ít thời gian để cân nhắc lời sắp nói một lúc đã.  Hách Xá đứng lặng thêm một hồi lâu sau nữa, khẽ nói: 

– Muôn tội muôn lỗi cũng chỉ do đám phản tặc Hồng Hoa hội, nếu bọn chúng không giết cả nhà tri huyện An Huy, cục diện đã không tồi tệ đến thế này, Trịnh thân vương cũng không…

Hách Xá chưa nói xong Khang Hi đã cau mày. 

Hách Xá lập tức im bặt, nàng biết mình vừa lỡ lời rồi.  Tứ bề như vẻ chết chóc quạnh vắng đang ngưng đọng.  Hách Xá đương nhiên biết nhà Thanh từ lâu có quy định hậu cung không được can chính, nàng lại là một cô gái khiêm cung lễ độ, lẽ nào không hiểu quy chế này, nếu không vì người thân nhờ vả, nàng đã không bao giờ nói lên những lời vừa rồi.  Hách Xá bèn rùng mình giả như đang lạnh nên phải bỏ lửng câu nói. Nhưng Khang Hi đã nghe rõ từng lời.  Sau khi sai Ung công công đi khép hai cánh cửa sổ, Khang Hi quay nhìn hoàng hậu cười cười hỏi: 

– Nàng bỏ lửng câu nói, để trẫm phải đoán mò sao? 

– Bẩm hoàng thượng…

Hách Xá đỏ mặt, trở nên luống cuống, cố nhớ lại những lời của Sách Ni và Sách Ngạch Đồ:

– Trịnh thân vương ngoại trừ có tài ba hơn người, trong mình còn có lòng nghĩa hiệp. Ngài nói phải không?

Hách Xá nói như không làm chủ được mình, lời cứ loạn lên, không biết thế nào cho phải.  Nụ cười vừa rồi của Khang Hi tuy nhẹ nhàng nhưng nàng cảm thấy chột dạ không để đâu cho hết.  Nàng đương nhiên không bao giờ muốn lời nói của mình làm cho Khang Hi mất vui, hại dẫn đến đạo quang ẩn hối ẩn tàng chính kiến!  

Khang Hi tiếp tục mỉm cười.  Trong lòng Khang Hi đương nhiên biết đằng sau Hách Xá là cha con họ Sách, mà hai người đó là chỗ thân quen của Tiêu Phong.  Năm xưa Sách Ni, Sách Ngạch Đồ, Khang Nạp cùng với Tiêu Phong bốn người đều xưng “tứ kiệt,” đánh giang san cho Thuận Trị, vinh nhục cùng chung, nói về thế lực của họ, thì còn trên tam mệnh đại thần.  Nay cha con họ Sách thuyết phục Hách Xá nói giùm cho Tiêu Phong cũng là điều dễ hiểu.  Khang Hi nghĩ vậy rồi đặt tay lên vai hoàng hậu nhẹ nhàng nói: 

– Tối nay trẫm không muốn nghe chuyện quốc sự, nàng đừng nói nữa, nào, nếu nàng muốn cùng trẫm phân ưu thì hãy uống với trẫm vài li đi.

Ung công công đứng gần đó nghe nói liền đi ra ngoài sân bảo bọn nô tì đi lấy rượu.  

Mồ hôi đã đẫm hai lần áo Hách Xá, Khang Hi nói một câu, nàng đáp một tiếng “vâng,” rồi nói: 

– Đối với thần thiếp hoàng thượng lúc nào cũng thánh minh, lúc nào cũng suy nghĩ chu toàn cho đại cục mà cũng là bảo toàn cả cho thiên hạ chúng sinh. 

– Nàng đừng lo, trẫm biết những lời vừa rồi không có liên can đến nàng. 

Khang Hi thong thả nói, rồi nhẹ tay kéo hoàng hậu lại gần, vuốt tóc nàng.

Bọn nô tì mang rượu vào sảnh, Ung công công mời Khang Hi và Hách Xá ngồi vào bàn.  Khang Hi vừa uống rượu với hoàng hậu vừa nhớ lại chiều hôm qua, khi mình đang chơi cờ một mình trong Hoa sảnh thì một tên lính vào nói: 

– Khởi bẩm hoàng thượng, thừa tướng đại nhân hiện đang ở bên ngoài Hoa sảnh, xin hoàng thượng cho vào tiếp kiến.   

Nhắc lại chuyện chiều hôm qua…

…Cửu Dương mang hai thẩu rượu đến Tị Thử sơn trang tặng Khang Hi.  Khang Hi cho Cửu Dương ngồi, rồi sai Ung công công khui một thẩu rượu ra để cùng uống với Cửu Dương.

Khang Hi nâng chung rượu của mình lên nhấp một ngụm, khà một tiếng nói:

– Vị rất ngon, nhưng trẫm không sành về rượu lắm, đây là rượu gì thế?

Cửu Dương vừa ngồi xuống, vội nhổm dậy hô tạ ơn, rồi ngồi lại vào ghế và nâng chung rượu của chàng lên, đáp:

– Khởi bẩm hoàng thượng, đây là Tráng Hồng Tửu.

Khang Hi gật đầu, đoạn chậm rãi đọc:

– Hồng tô thủ

Hoàng đằng tửu

Mãn thành xuân sắc cung tường liễu.

Cửu Dương cũng gật đầu, sau đó hai người tiếp tục uống rượu.  Khang Hi vừa uống vừa hỏi: 

– Tại sao rượu có tên như thế?

Cửu Dương nói:

– Khởi bẩm hoàng thượng, Tráng Hồng Tửu có tên như vậy do ở ngoài thành vò bôi màu đỏ.

Cửu Dương vừa nói vừa nghĩ đến Nghị Chánh, hồi ở Giang Nam, chàng và Nghị Chánh đã nhiều lần ghé qua hiệu rượu Thiệu Hưng ở huyện Tùng Giang phủ Tô Châu, nơi sản xuất Tráng Hồng Tửu.  Rượu vàng Thiệu Hưng rất được người miền Nam như bọn chàng ưa chuộng, không ít thơ thời Nam Tống cũng ca ngợi loại rượu này.  Nam Tống là thời kỳ toàn thịnh của hiệu rượu Thiệu Hưng, quy mô nấu rượu ở toàn quốc có thể gọi là đệ nhất.

Trong khi chờ Ung công công rót thêm rượu, Khang Hi lặng lẽ quan sát Cửu Dương, không biết tối nay Cửu Dương đến tặng rượu với dụng ý gì?  Bấy nay đối với chuyện của Tiêu Phong, Cửu Dương một mực giả câm.  Như lúc này đây, Cửu Dương chỉ nhìn về phía trước không động đậy, nét mặt buồn không ra buồn, vui không ra vui.  Khang Hi không hiểu ra sao, bèn im lặng.  Cửu Dương nói:

– Tráng Hồng Tửu chứa lượng đường rất ít, ít nhất trong tất cả các loại rượu, sắc nước vàng cam trong suốt, nếu uống không quen sẽ thấy hơi đắng.

Cửu Dương dứt lời, Khang Hi thốt nhiên khẽ nhăn mặt. Cửu Dương nói tiếp:

– Nhưng mà, nếu để ý kỹ một chút thì có riêng vị thơm ngọt sảng khoái.  Trong ngọt có vị đắng, trong đắng có vị ngọt, chẳng khác nào cuộc sống của con người trên thế gian này.  Hễ người nào đang vui thì nói cuộc sống có vị ngọt, như một xâu kẹo hồ lô.  Còn kẻ đang phiền não thì nói cuộc sống có vị đắng, như một chén thuốc cảm.  Mỗi người nhìn cuộc sống bằng con mắt chủ quan của họ. Cuộc sống là do họ tạo nên và họ phải nắm bắt được nó. Tạo hình cho nó như thế nào là trách nhiệm của mỗi một con người.  Nó có thể mang một vẻ đẹp rực rỡ, một bề ngoài giản dị hay sự kết hợp giữa hai thứ ấy. Hoặc nó có thể đem lại vị ngọt hay đắng cũng tùy thuộc vào chính mỗi người.  Nếu có người luôn yêu đời và thấy cuộc sống thật đẹp đẽ thì sẽ thấy cuộc sống có vị ngọt. Nhưng ngược lại, nếu có người thấy cuộc sống thật tồi tệ, tăm tối thì chắc chắn sẽ thấy vị đắng. Đó là cách con người tạo vị cho cuộc sống một cách chủ quan. Còn nếu xét về mặt khách quan thì đôi khi vị cuộc sống chính là những gì chúng sinh nhận được hằng ngày.

Lời Cửu Dương nói tuy nhẹ nhàng nhưng sâu trong đó chứa đầy hàm ý.  Khang Hi vốn không phải là một người có trí tuệ tầm thường, nghe qua thì đã hiểu ngay Cửu Dương muốn nói gì.  Khang Hi ngưng uống rượu lại ngẩng lên nhìn Cửu Dương, thấy người đàn ông trước mặt mình to lớn hơn mình một cái đầu, thản nhiên nhìn lại mình. Thoáng phút hổ thẹn, Khang Hi ngưng mắt nhìn xuống li rượu.

Ung công công đứng cạnh Khang Hi, cũng ngớ người ra, lát sau mới có phản ứng trở lại, tiếp tục rót rượu.  Nhưng Khang Hi không uống rượu nữa, đặt luôn chung rượu xuống bàn.  Cửu Dương cười nhẹ nhàng nói thêm:

– Vi thần nghe nói dạo gần đây hoàng thượng hay mắc chứng đau đầu, không ngủ được, nên ngoài Tráng Hồng Tửu thần cũng có mang đến một thẩu Trúc Diệp Thanh cho ngài nữa.

Ung công công nhìn Khang Hi, nhận được cái gật đầu từ Khang Hi, Ung công công lại khui thẩu rượu Trúc Diệp Thanh, vừa rót vào chung vừa nói:

– Đúng là Trúc Diệp Thanh có tác dụng bồi bổ sức khỏe và đem đến giấc ngủ ngon đó hoàng thượng.  Hồi thái hoàng thái hậu còn sống, bà cũng thường hay uống loại rượu này trong những bữa cơm chiều, thái hoàng thái hậu nói rượu này được làm từ hơn năm mươi loại thảo dược, trong đó dã sơn sâm, lão phục linh, cam thảo, quế thanh là bốn loại thảo dược chính. Thảo dược được lên men rồi chưng hai lần để cho ra những giọt rượu, sau đó bắt đầu ủ.  

Cửu Dương nói:

– Ung công công thật đúng là một người sành rượu.

Ung công công cười hiền từ: 

– Đa tạ thừa tướng đại nhân, thực sự thì nô tài chỉ biết đôi chút về Trúc Diệp Thanh, bất quá cũng chỉ nghe lõm bõm được vài điều từ thái hoàng thái hậu thôi, còn về sự tích của loại rượu này, nô tài không nhớ cho lắm.  Không biết thừa tướng đại nhân có thể nào kể cho nô tài nghe được chăng?

Cửu Dương gật đầu, rồi bắt đầu kể năm xưa, vào thời Bắc Tống, tương truyền ở nước Hán có một loại rượu ngon được rất nhiều kẻ sĩ dùng để thù tạc trong cuộc rong ruổi trên giang hồ. Rượu say túy lúy, hào khí ngất trời, men kết thành thi ca, hương kết tình bằng hữu. Giang hồ tôn thờ thần men thành đạo.  Miên Thành tự Thanh Trúc chân nhân là kẻ sĩ thời ấy, cũng học chế biến và tiêu dao với loại rượu danh tiếng này. Nhưng một ngày kia, ông cảm thấy cách làm rượu mà ông biết lâu nay chưa thật hoàn hảo, nên ông quyết định đi tìm cách ủ men, chắt lọc lấy rượu tinh chất, tuy nhiên rượu làm ra vẫn không thể trong như nước ngũ hồ, không thể ngọt mát như thạch tuyết trong sơn động. Ông vẫn không nản chí.  Nhân một giấc mộng giữa núi rừng, ông như được thần nhân mách bảo, vượt qua hết một rặng núi, qua khỏi rừng lá trúc, gặp con suối kết hợp từ nguyên khí trời đất, dùng nước đó canh rượu và dùng các loại củ của bốn loại cây ven suối để làm men.  Khi men đã ăn đủ một tiết trời thì đào đất lên chôn chum rượu xuống bên suối ba tuần trăng. Ông dùng lá trúc khô đốt lò, dùng ống trúc tươi ngâm vào nước làm ống dẫn. Thế là một loại rượu mà thế gian chưa từng có đã ra đời. 

Cửu Dương nói đến đây ngưng một chút, nói thêm:

– Ông đã đặt tên rượu là Trúc Diệp Thanh, ý nói rượu này thanh tao, tinh khiết.  Trong cuộc sống đầy ắp những sự tranh giành và dối trá, ông mong còn có người có sự chân thật, hướng về nẻo thiện.

Chỉ đợi có vậy, trống ngực Ung công công như đập rộn lên, nhưng ông lão cố nén tâm tình xung động xuống từ tốn nói:

– Hoàng thượng uống loại rượu này mỗi ngày, nô tài đảm bảo ngài sẽ có những giấc ngủ ngon!

Khang Hi vẫn giữ im lặng, Ung công công lại nói:

– Bây giờ nô tài đã hiểu ba chữ Trúc Diệp Thanh có nghĩa là gì rồi, tâm có tĩnh tự khắc lòng sẽ an yên.  Đa tạ thừa tướng đại nhân, học vấn của ngài thật đúng là uyên bác, cao thâm, bầu kiến thức của ngài thật khiến nô tài ngưỡng mộ.

Cửu Dương lắc đầu:

– Công công ngài đã quá lời, bản tướng chỉ biết những chuyện lặt vặt mà thôi.

– Không đâu – Ung công công nói – Học vấn của ngài thật sự rất uyên bác, nô tài cảm thấy mỗi lần nghe ngài nói chuyện, dù là về vấn đề gì cũng rất thú vị.  Không những nô tài, mấy năm trước, Trương đại nhân cũng bảo lần đầu gặp ngài, quân tử dĩ văn hội hữu, Trương đại nhân đối với ngài hết sức nể trọng, mượn ly rượu kết bạn với nhau. Trong tình bằng hữu ly rượu và thi văn vẫn giữ vững vai trò của cơ duyên hội ngộ.

Đoạn Ung công công quay sang Khang Hi hỏi:

– Hoàng thượng rất thích nghe kể chuyện, sẵn tiện tối nay có mặt thừa tướng ở đây, hay là để ngài ấy giúp hoàng thượng thư giãn, vừa nghe chuyện đời xưa vừa thưởng rượu?

Khang Hi nhìn Ung công công thật sâu, cảm thấy thái độ của lão nô tài hôm nay vô cùng khác thường, nhưng ông lão sau khi nói xong đã cụp mắt xuống, rồi cũng chẳng buồn ngước lên nữa.

Khang Hi còn đang suy nghĩ, Cửu Dương hỏi tới: 

– Không biết hoàng thượng có thích xem truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa hay không?  Lúc còn bé, vi thần rất thích nghe nghĩa phụ của vi thần kể truyện đó, trong truyện các nhân vật dầu nam dầu nữ mỗi người đều có đặc điểm riêng, hào khí phi thường, nghĩa phụ bảo vi thần hãy lấy các nhân vật trong truyện ấy làm gương mẫu.

Bấy giờ Khang Hi mới rời mắt khỏi gương mặt Ung công công, gật đầu đáp:

– Trẫm cũng thích truyện đó.

Cửu Dương mỉm cười, hỏi tiếp:

– Trong truyện Tam Quốc có nhân vật nào khiến ngài ngưỡng mộ nhất chăng?

Khang Hi cắn răng lại định không nói gì nữa, một tay Khang Hi đặt lên bàn ngồi lãng suy nghĩ. Lát sau, Khang Hi thở một hơi rồi mới tiếp:

– Trẫm…

Nhưng Cửu Dương đã nhanh chóng cắt lời:

– Xin hoàng thượng cho phép hạ thần đoán thử, được chăng?

Không đợi Khang Hi gật đầu, Cửu Dương nói luôn:

– Nếu thần đoán không lầm thì người hoàng thượng thưởng thức chắc chắn phải là Quan Vũ, Quan Vân Trường.

Sắc mặt Khang Hi thoạt trắng thoạt xanh, Cửu Dương nói:

– Trong Tam Quốc có hai đoạn miêu tả thật là hấp dẫn, khi quan Công gặp nạn, Tào Tháo đã cứu mạng quan Công, sau này, ở trên đường do nhân đạo và lòng chính nghĩa quan Công tha mạng Tào Tháo, trả lại ân nợ này.  Sở dĩ vi thần tin chắc hoàng thượng thưởng thức quan Công vì ngài đây cũng là một anh hùng, trọng tình trọng nghĩa, do đó chuyện hoàng thượng thưởng thức quan Công là chuyện vô cùng hiển nhiên.  Hơn nữa, vi thần còn có thêm một lí do này nữa, trong các dũng tướng tham chiến phe Lưu Bị, Quan Vũ lấy nghĩa mà nổi danh, Trương Phi lấy dũng mà nổi danh, Triệu Vân lấy trí mà nổi danh.  Hoàng thượng là một người trọng tình trọng nghĩa, chọn Trương Phi hữu dũng vô mưu không được, Triệu Vân cẩn thận cơ trí quá lại càng không xong. Chỉ có Quan Vũ, người lấy nghĩa mà nổi danh là thích hợp nhất. Lấy cớ là trả ơn Tào Tháo khi ở Hứa Đô, tha mạng cho Tào Tháo là chả ai nói gì được cả.  Bởi vì nếu bắt Tào Tháo chết sẽ đẩy Quan Vũ vào thế bất nghĩa.

Khang Hi nhớ Cửu Dương nói tới đây xin phép cáo từ, Ung công công tiễn Cửu Dương ra khỏi sảnh.

(còn tiếp)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.