Lý Tùng Nhất giải nghệ, người vui nhất hẳn là Tưởng Nghiêu.
Tưởng Nghiêu không ngờ có thể ép Lý Tùng Nhất ra khỏi làng giải trí một cách êm thấm, hắn vui như mở cờ trong bụng.
Ban đầu hắn còn lo rằng ngay cả khi Lý Tùng Nhất tạo ra tai tiếng thì đoàn phim “Sơn Hải Kinh” vẫn chọn cậu. Song đến giờ phút này, hắn chỉ cần nằm phè phỡn chờ tin vui.
Kết quả là “Sơn Hải Kinh” công bố danh sách diễn viên chính trên Weibo.
Tưởng Nghiêu sững sờ, nhìn tên diễn viên thủ vai Phỉ Kỷ.
Hà Gia?
Vì người kia là bạn cùng phòng của Lý Tùng Nhất, Tưởng Nghiêu theo dõi sát sao cậu nên mới sẵn tiện dòm ngó người còn lại; chứ không, hắn đã chẳng nhớ nổi dáng vẻ tên nhóc kia trông như thế nào.
Một sinh viên đại học non nớt thoạt nhìn văn nhã quá đà, chưa có kinh nghiệm diễn xuất chứ đừng nói đến danh tiếng.
Đạo diễn thà chọn một tên nhóc mặt còn hôi sữa đóng vai Phỉ Kỷ, chứ không buồn cân nhắc đến hắn?
Tưởng Nghiêu không tin đoàn đạo diễn chưa từng có ý định chọn mình. Điều này đồng nghĩa từ đầu đến cuối Tưởng Nghiêu đều không nằm trong phạm vi suy xét của đạo diễn, thậm chí còn chẳng nằm ở vị trí “xét sau”.
“Không thể nào…”
Tưởng Nghiêu vốn nửa nằm trên sô pha, vừa nhàn nhã lướt Weibo vừa gác chân lên bàn cà phê. Khi trông thấy tin này, hắn đã bàng hoàng đến mức đạp đổ mọi thứ. Các loại trái cây, nước uống, chai lọ rơi đầy khắp sàn.
Tưởng Nghiêu mặt mày tái mét: “Sai, sai ở chỗ nào? Nếu đã không có Lý Tùng Nhất, tại sao vai này vẫn thuộc về người khác? Hả?!”
Tưởng Nghiêu thở phì phò, giật tóc đùng đùng. Hắn đi tới đi lui, nghiền nát những quả nho đang nằm lăn lóc trên mặt đất.
“Tao cần một câu trả lời.” Tưởng Nghiêu túm lấy áo khoác, hớt ha hớt hải chạy ra ngoài.
Mãi đến tận tối muộn, hắn mới ập đến bữa cơm của đoàn đạo diễn tại khách sạn.
“Đạo diễn Vương!” Tưởng Nghiêu gọi y với đôi mắt đỏ hoe.
Vương Thủy Hoán sửng sốt, mấy giây sau mới nhận ra là Tưởng Nghiêu. Y xua tay, bảo các trợ lý đạo diễn khác về trước.
“Đi dạo nào.” Vương Thủy Hoán tuồng như biết Tưởng Nghiêu muốn nói gì, nên chọn góc vỉa hè thưa thớt dân cư.
Tưởng Nghiêu nói, giọng gấp gáp: “Đạo diễn Vương, cho tôi hỏi rốt cuộc tại sao Hà Gia đóng Phỉ Kỷ?”
Vương Thủy Hoán thở dài: “Tôi vốn thích Lý Tùng Nhất, ai ngờ scandal lại xảy ra với cậu ấy.”
“Không phải. Đạo diễn Vương, anh hiểu ý tôi mà.” Đôi môi Tưởng Nghiêu run run. “Tại sao sau Lý Tùng Nhất, không phải là tôi? Mà là Hà Gia?”
Vương Thủy Hoán im lặng một thoáng, tựa hồ đang thận trọng lựa từng từ: “Trong số những diễn viên casting cho Phỉ Kỷ, ngoài Lý Tùng Nhất thì khí chất của Hà Gia gần giống với điều tôi muốn nhất.”
Tưởng Nghiêu ngớ ra, hai mắt càng đỏ hơn: “Đạo diễn Vương, anh có nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau không? Chắc anh không nhớ, nhưng tôi ấn tượng lắm. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến cả cuộc đời tôi. Lúc đó anh nói là anh đánh giá cao tôi, còn bảo cho tôi một vai trong những dự án mới. Tôi vẫn luôn coi lời anh là động lực.”
“Tôi nhớ lúc đó cậu còn rất trẻ. Mới mười bảy, mười tám thôi. Ngoại hình và diễn xuất đều bắt mắt, đặc biệt là thái độ chấp nhất của cậu cho điện ảnh, khiến tôi cảm động lắm.” Vương Thủy Hoán nhớ lại. “Lời tôi nói đều là thật cả. Tôi chưa bao giờ keo kiệt khi trao cơ hội cho những bạn trẻ xuất sắc. Nhưng…”
“Vậy bây giờ, lời anh nói còn tính không?” Tưởng Nghiêu hỏi.
Vương Thủy Hoán thở ra: “Đương nhiên tính.”
“Thế tại sao không cho tôi một cơ hội?”
“Cậu vẫn ôm thái độ chấp nhất của ngày nào.” Vương Thủy Hoán khẽ lắc đầu. “Nhưng từ trong mắt cậu, sự chấp nhất mà tôi thấy không còn thuần túy là yêu diễn xuất nữa. Nó không còn là thái độ chấp nhất như nước hồ mùa thu trong vắt. Có lẽ đây là giới giải trí, phức tạp lẫn đục ngầu. Ít có người ở mãi nơi đó mà vẫn trong vắt.”
Tưởng Nghiêu nghiệm ra, đứng yên như khúc gỗ dưới ánh đèn trong cơn tuyệt vọng bủa vây.
Vương Thủy Hoán tiến lên vài bước, mới hay người nọ không đi theo. Y nghiêm túc, “Đầu cơ trục lợi thì đi nhanh, nhưng không đi xa. Tôi tặng cho cậu câu này, mong rằng nó cũng ảnh hưởng cậu cả đời.”
Vương Thủy Hoán vươn tay gọi taxi, và rồi nhanh chóng biến mất trong bóng đêm bao la.
Nhưng màn đêm ở đô thị này chẳng phải là bóng tối thuần túy. Nó có đèn neon sáng chói và ánh sáng rực rỡ của xe cộ. Đặc biệt nhất, bao phủ nó chính là bầu trời đầy sao vời vợi. Đôi khi màn đêm ở phố thị còn sáng hơn ban ngày, song nó vĩnh viễn không phải là ban ngày của mặt trời.
Tưởng Nghiêu phát hiện mọi thứ còn lâu mới kết thúc.
Người đại diện của hắn là Thi Tiểu Sơn bất ngờ tiết lộ lịch sử trò chuyện giữa hai người, xác nhận rằng điện thoại của Lý Tùng Nhất là do Tưởng Nghiêu đánh cắp.
Tưởng Nghiêu thay thế Lý Tùng Nhất trở thành trung tâm của dư luận, vừa ra khỏi cửa đã bị các phóng viên đuổi theo chặn đường. Vì sự hoảng loạn khi Lý Tùng Nhất và Thai Hành rời khỏi làng giải trí, nên cư dân mạng đã nhanh nhảu trút giận lên người Tưởng Nghiêu.
Tưởng Nghiêu phát rồ, gọi cho Thi Tiểu Sơn: “Anh đang làm cái mẹ gì vậy hả?”
Thi Tiểu Sơn áy náy, song vẫn nói thành lời: “Chủ tịch luôn phản cảm với tình trạng đấu đá nội bộ trong công ty. Gây rắc rối nhỏ, tranh đoạt tài nguyên trong giới hạn thì thôi. Nhưng lần này cậu tảng lờ lời khuyên của tôi. Thậm chí còn không nói cho tôi biết đã đâm thủng sọt, làm lớn chuyện. Tôi chả biết cậu dựa hơi ai, có rời Bình Xuyên không. Nhưng tôi phải tự tìm cho mình con đường mới, Tưởng Nghiêu à.”
Tưởng Nghiêu cả giận: “Tôi đã nói dẫn anh theo cơ mà! Anh vẫn là người đại diện của tôi!”
“Ôi.” Thi Tiểu Sơn thở dài. “Nhưng tôi không muốn rời khỏi Bình Xuyên.”
Tưởng Nghiêu không hiểu: “Bình Xuyên có gì tốt chứ?”
“Tôi làm người đại diện hơn hai chục năm, cũng từng nhảy việc chừng năm công ty.” Thi Tiểu Sơn nói. “Mai mốt rồi cậu biết, không một công ty giải trí nào có tình người hơn Bình Xuyên. Ít nhất khi ở đây, cậu được đối xử như một con người, chứ không phải là một công cụ để kiếm tiền hay giải trí.”
Công cụ là gì? Là một thứ có thể bị loại bỏ khi nó chẳng còn giá trị.
Và rồi Tưởng Nghiêu ắt phải nhận thức sâu sắc về khái niệm này trong nay mai.
Lý Tùng Nhất mỉm cười xem sóng to gió lớn trên mạng, dầu gì cũng không liên quan đến cậu.
Tháng đầu tiên sau khi giải nghệ thật là nhàn nhã.
Nhưng cậu không có khả năng nhàn rỗi suốt ba năm. Khi xương cốt đã mềm nhũn và thời gian gần chín muồi, cậu bèn gửi cho Thai Hành một tin nhắn WeChat: Tới chơi với cô Xuân Lan không?
Thai Hành: Đi!
Tào Xuân Lan là trưởng đoàn kịch nói nhà hát Giai Hưng.
Khi Tào Xuân Lan đóng vai bà ngoại trong “Chuỗi thức ăn” đã rất quý mến hai hậu bối Lý Tùng Nhất và Thai Hành, còn dặn họ có thể đến đoàn kịch chơi với bà bất cứ lúc nào.
Về sau Lý Tùng Nhất và Thai Hành dính líu đến việc bán hủ, bà cụ Tào Xuân Lan cũng lên Weibo ủng hộ hai người.
Nội dung Weibo khiến Lý Tùng Nhất khá xúc động: Khi nhìn thấy hai viên minh châu đang vật lộn để trồi ra khỏi vũng lầy, điều đầu tiên bạn cần làm không phải là nghi ngờ họ sử dụng thủ đoạn gì, mà là ai đã giữ chân họ trong bóng tối suốt ngần ấy thời gian.
Chỉ là Weibo của Tào Xuân Lan không phổ biến như các hot blogger bình thường, thành ra có ít người đọc được lời chân thành của bà.
Bà cụ Tào Xuân Lan cũng chẳng quan tâm có bao nhiêu người sẵn lòng nghe, bà gửi thẳng một tin nhắn cho Lý Tùng Nhất và Thai Hành: Nếu ở làng giải trí không vui thì cứ đến đoàn kịch cô chơi.
Khi hai người đến nhà hát Giai Hưng, Tào Xuân Lan đang diễn tập vở kịch mới cùng các thành viên trong đoàn.
Lý Tùng Nhất và Thai Hành không phá rối mọi người, vừa ngồi dưới sân khấu quan sát vừa sẵn tiện chờ bà.
Vở kịch mới có tên là “Như khói”, nội dung cũng nói về cái chết.
Lý Tùng Nhất thấy thú vị lắm. Đương lúc cậu tự hỏi chết là gì, thì mọi ngõ ngách trong cuộc sống cũng đang trả lời cậu.
Toàn vở kịch chỉ vỏn vẹn một cảnh trong phòng bệnh với năm diễn viên: Một bà lão đã qua đời, bạn già của bà, con trai con dâu và cháu trai của hai người.
Tào Xuân Lan đóng vai bà lão đã chết nằm trên giường. Vâng, nhân vật của bà đã chết ở đầu vở kịch.
Hóa ra, đây là một vở kịch theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo*.
[1] Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (Magical Realism): là một trào lưu nghệ thuật nổi lên ở các quốc gia Mỹ Latin sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Những người theo chủ nghĩa này quan niệm rằng thực tại còn có cả đời sống tâm linh, niềm tin tôn giáo, các huyền thoại và truyền thuyết. Nổi lên là nhà văn người Colombia Gabriel García Márquez với tác phẩm nổi tiếng Trăm năm cô đơn. Các nhà làm phim Mỹ Latin đã kết hợp chặt chẽ phương thức này vào phim ảnh, một trong những nhân vật đáng chú ý nhất là biên kịch kiêm đạo diễn Guillermo del Toro. Và gần đây nhất Guillermo del Toro tục đào sâu vào thế giới của hiện thực huyền ảo lần nữa với bộ phim đoạt giải năm 2017 – The Shape of Water.
Mặc dù bà lão đã mất, song linh hồn của bà vẫn tồn tại trên sân khấu này.
Khi bà lão xuất hiện dưới dạng linh hồn, tức là lúc Tào Xuân Lan lên sân khấu và bốn diễn viên còn lại tạm thời rơi vào trạng thái bất động. Khi đến lượt bốn người kia biểu diễn, Tào Xuân Lan sẽ nằm lại giường bệnh đóng vai một thi thể.
Họ không thể nhìn thấy nhau, không thể nghe thấy nhau. Nhưng họ đang ở trong một cuộc trò chuyện mà không hề giao tiếp. Đây là hai thế giới đối lập của người chết và người sống, ranh giới rõ ràng chẳng cách nào vượt qua.
Lời kịch đối đáp, rất mực tinh tế.
Sau khi nhân vật do Tào Xuân Lan thủ vai qua đời, điều đầu tiên bà hồi tưởng là tuổi xuân thì ngắn ngủi mà êm đềm. Đó là quá trình gặp gỡ và yêu nhau với bạn già của bà.
Đoạn tiếp theo là linh hồn tạm nghỉ ngơi, đến lượt bạn già lên sân khấu kể lại câu chuyện tình với người đã khuất dưới góc nhìn của ông.
Hai phân đoạn với nhiều lời kịch giàu cảm xúc. Những câu chuyện khác nhau về cùng một sự kiện trong quá khứ, đôi khi là những hiểu lầm trớ trêu dở cười dở mếu; đôi khi là hành động dịu dàng thắm thiết của hai bên; và đôi khi là những mảng xám kỳ diệu trong bản chất con người. Họ chẳng phải lúc nào cũng yêu nhau, thậm chí còn tổn thương lẫn nhau. Nhưng sau tất cả, họ vẫn tay trong tay đi đến phút giây cuối cùng của đời người.
Sau đó, Tào Xuân Lan hồi tưởng về khoảng thời gian nuôi dạy con trai; về ký ức tất bật chuẩn bị khi con trai cưới vợ; về mối quan hệ có vui có buồn của mẹ chồng – nàng dâu. Đây là những sự kiện xuyên suốt của một đời phụ nữ riêng bà.
Và bà “sau khi chết” đang cố gắng tìm hiểu những nỗ lực của mình dành cho họ có xứng đáng hay không.
Để rồi con trai và con dâu cũng liên tiếp “đáp lời”.
Giữa họ có hằng hà câu chuyện vụn vặt, có vô số những bước ngoặt quan trọng trong đời. Song khi đối mặt với cái chết, chúng nó dần mất đi sắc thái cảm xúc và chỉ còn là những thước phim đen trắng. Nếu nhất định phải định tính chúng, vậy đại khái là sự tiếp nối và truyền thừa của sinh mệnh.
Sau cùng là phân đoạn Tào Xuân Lan kể về những lúc ở chung với cháu trai. Đây là tuổi xế chiều của bà, cũng là phần hồn nhiên còn sót lại do bà “vay mượn” từ cậu bé.
Sinh mệnh, thực ra là một vòng tròn.
Hình thức có phần lấy cảm hứng từ tác phẩm “Công dân Kane*”, từ các nhóm dân cư khác nhau để tạo thành hình tượng của một người.
Và linh hồn tự thuật khiến hình tượng này trở nên vững chắc ở phương diện nào đó, nhưng lại lung lay sắp đổ ở một phương diện khác.
Đến cuối cùng, khán giả chợt nhận ra rằng cuộc đời của một người đôi khi phi logic, phức tạp và khó hiểu. Người ngoài không thể lý giải, mà chính bản thân họ cũng nói không rõ.
Đúng như tiêu đề vở kịch “Như khói”, cả cuộc đời như mây mù sương khói. Gió vừa thổi khói đã tan, chẳng còn vết tích gì cả. Dẫu người chết hay người sống cũng không cách nào giữ lại làn khói trắng mỏng manh.
Và ta không cần thêm chút gia vị ý nghĩa nào khác vào sinh mệnh, bởi dẫu sao một khi mây khói tan biến thì chẳng mang theo được gì.
Chủ đề thật bi quan.
Nhiệm vụ của Tào Xuân Lan trong kịch rất nặng, lời thoại có hơn hai mươi ngàn chữ.
Các diễn viên khác tuy có nhiều lời thoại nhưng ít nhất vẫn tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, chỉ có Tào Xuân Lan là phải diễn từ đầu đến cuối một mình. Chính xác mà nói, một mình bà cần khuấy động toàn bộ sân khấu.
Điều này đã khiến Lý Tùng Nhất và Thai Hành có định nghĩa mới về kỹ năng diễn xuất trên cả tuyệt vời là như thế nào. Tào Xuân Lan vừa cất tiếng đã vào vai, toàn bộ mạch cảm xúc của diễn viên trên sân khấu và khán giả bên dưới đều vô thức đi theo bà, không chút sơ sẩy.
So với câu chuyện, Lý Tùng Nhất cảm thấy cách diễn dịch của Tào Xuân Lan càng khiến cậu mở rộng tầm mắt.
Khi Tào Xuân Lan kết thúc buổi tập, Lý Tùng Nhất và Thai Hành bèn bước tới. Hai người trông thấy từng giọt mồ hôi chảy xuôi bên thái dương của bà, diễn kịch cũng là một công việc đòi hỏi thể lực ư?
Tào Xuân Lan trước tiên uống hớp nước làm ẩm cổ họng, sau đó hỏi: “Ngủ chán chê rồi ha?”
Lý Tùng Nhất và Thai Hành nở nụ cười ngượng ngùng.
“Chán rồi thì chơi với cô. Diễn kịch còn mệt hơn làm thần tượng, chuẩn bị tinh thần đi.” Tào Xuân Lan cười bảo. “Trong vở kịch hồi nãy, cháu trai cô còn một vai B. Lát nữa A Hành cầm kịch bản của cô, luyện thử bên vai B ha.”
Vai B còn gọi là vai thay thế. Thông thường kịch nói thường chia thành A-B: vai A là đội hình một, còn vai B là đội hình hai. Nếu A bệnh hoạn ốm đau hoặc không thể biểu diễn vì nguyên nhân khác thì B lên thay thế. Trong một vài dịp lớn, thường là A lên sân khấu; ở những nơi có quy mô nhỏ về cơ bản là giao hẳn cho B.
Lý Tùng Nhất và Thai Hành đều là “ma mới” của kịch nói, chưa quen với hình thức biểu diễn trọng lời thoại. Nếu Tào Xuân Lan kéo họ vào vai A, ngược lại còn dục tốc bất đạt. Chi bằng để hai người tôi luyện ở đội hình hai.
Tào Xuân Lan sực nhớ ra gì đó, bèn cảm khái: “Trước thì Tùng Nhất đóng cháu trai cô, giờ thì tới phiên con. Duyên phận thật đấy.”
Lý Tùng Nhất cười: “Bà ơi, còn con?”
Tào Xuân Lan giả vờ xụ mặt: “Hồi đó hay gọi cô là chị Xuân Lan mà, sao giờ đổi rồi?”
Lý Tùng Nhất nghe lời thưa: “Chị Xuân Lan, em làm gì đây?”
“Sắp xếp cho hai đứa hết rồi.” Tào Xuân Lan lấy một xấp giấy A4 dày cộp từ trong túi xách, nhét vào lòng Lý Tùng Nhất. “Mạch cảm xúc của “Như khói” thiên về tinh tế, nội tâm. Cô thấy con diễn rất khá bên mảng này, bây giờ cái con cần là giải phóng cảm xúc và thoại lời theo cách trực tiếp nhất. Đoàn kịch chuẩn bị ra mắt “Cách mạng Tân Hợi*”, con đóng vị tướng cách mạng trẻ tuổi đi.”
Lý Tùng Nhất cúi nhìn những trang giấy, không phải kịch bản mà là những bức thư. Tất cả đều là ghi chép tay của các nhân vật có thật trong lịch sử.
Tấm gương vĩ đại của ông Trung Sơn*: Trước đây tôi có gửi một lá thư, không biết đã nhận được chưa? Tình hình đất nước hiện nay đang lung lay. Chính quyền chia rẽ. Dân chúng hoang mang. Đồng chí chiến sĩ bấp bênh không biết đi đâu về đâu. Tương lai của đất nước đang…
Lý Tùng Nhất đọc một lúc, đoạn nhìn Tào Xuân Lan với ánh mắt bối rối.
Tào Xuân Lan giải thích: “Hơn một trăm lá thư tay của những người có lý tưởng cách mạng cao cả thời bấy giờ. Cảm xúc dạt dào, còn chân thực hơn nhiều so với kịch bản. Mỗi ngày con đọc đi đọc lại nó nhiều lần, luyện cách giải phóng cảm xúc một cách trọn vẹn nhé.”
Lý Tùng Nhất bất ngờ: “Hồi trước cũng có người nói con thoại lời chưa “đã”, dặn con tập mấy câu thoại dõng dạc hùng hồn.”
Tào Xuân Lan khen: “Ai thế? Từng diễn với con à? Nếu chưa từng phối diễn với con mà vẫn có thể nhìn ra chút thiếu sót đó, người kia siêu lắm đấy.”
Lý Tùng Nhất cười khẽ: “Vâng, siêu lắm ạ.”
Kế hoạch của Lý Tùng Nhất và Thai Hành là theo Tào Xuân Lan diễn kịch nói trong ba năm giải nghệ, đồng thời trau dồi kỹ năng diễn xuất ngày càng tinh vi hơn. Suy cho cùng sau khi trở thành ngôi sao, tranh chấp về quyền lợi và các hợp đồng quảng cáo là điều không thể tránh khỏi. Họ chẳng đào đâu ra cơ hội để mặc kệ mọi thứ, cống hiến hết mình cho sự nghiệp diễn xuất như hôm nay.
Lý Tùng Nhất nghĩ, giải nghệ và hoàn toàn từ giã thế giới bên ngoài trong ba năm chẳng có gì gọi là tổn thất.
Lý Tùng Nhất bắt đầu một cuộc sống giản dị: Thoại những câu văn đầy tính hào hùng, biểu diễn những màn kịch sống động, hoạt động tay chân trên sân khấu rạp hát. Mỗi khi kết thúc một phân cảnh, cổ họng cậu như bốc khói, còn toàn thân thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Không cần suy nghĩ về vấn đề sinh tử, không phải lo lắng về tâm lý tình cảm, chỉ cần có dũng khí tiến về phía trước. Tựa như một thanh củi, đốt cháy chính mình vì nghệ thuật sân khấu.
Cảm giác này, quả tình thống khoái.
Lý Tùng Nhất gần như đã quên mất thị phi trong làng giải trí, mãi đến khi Trần Đại Xuyên bất ngờ liên lạc với cậu vào một ngày đẹp trời.
“Tôi có thay đổi một phần kịch bản trong “Con tin”. Cậu muốn xem thử không? Nếu có ý kiến gì khác thì cứ chỉ tôi.”
“Vâng.”
*
Tác giả có điều muốn nói:
Vở kịch “Như khói” được lấy cảm hứng từ bài hát “Như khói” của Mayday.
Hết chương 42
Chú thích.
[2] Công dân Kane (tiếng Anh: Citizen Kane) là một bộ phim Mỹ của đạo diễn Orson Welles công chiếu năm 1941. Nội dung sơ lược: Bộ phim kể về cuộc đời của nhân vật giả tưởng Charles Foster Kane, ông trùm báo chí của Hoa Kỳ và là một trong những người giàu nhất thế giới. Được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cuộc đời Kane thay đổi khi người ta phát hiện được một mỏ vàng lớn trong phần đất do mẹ của Kane thừa kế. Để đảm bảo cho con trai có một tương lai vững chắc, mẹ của Kane bắt cậu rời gia đình để tới sống với người bảo hộ là Walter Parks Thatcher, một người kinh doanh ngân hàng. Khi tới tuổi trưởng thành, Kane dùng số tiền thừa kế khổng lồ để xây dựng nên một đế chế báo chí hùng mạnh với sự giúp đỡ của hai người cộng sự là ông Bernstein và Leland. Tuy thành công trong sự nghiệp nhưng Kane lại thất bại trong cuộc sống gia đình khi ông phải ly dị vợ hai lần và cuối cùng sống tuổi già trong tư dinh Xanadu mà không có người thân thích chăm sóc. Charles Foster Kane qua đời trong cảnh cô đơn tại Xanadu, từ cuối cùng ông thốt lên trước khi chết là “Rosebud”.
[3] Cách mạng Tân Hợi: còn được gọi là Cách mạng Trung Quốc hay Cách mạng năm 1911 là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Trung Quốc do những người trí thức cấp tiến ở trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản Trung Quốc lãnh đạo với tuyệt đại đa số là người Hán nhằm lật đổ triều đại Mãn Thanh.
[4] Tôn Trung Sơn: là một trí thức có tư tưởng cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Ông cũng là người tập hợp giai cấp tư sản Trung Quốc thành lập Trung Quốc Đồng minh hội – chính Đảng của giai cấp tư sản Trung Quốc (Cách mạng Tân Hợi).