Vong Nhân Cốc, ngày Đông chí.. Thương Tùng bị một mùi hương nhè nhẹ, ngòn ngọt đánh thức. Hương cháo mật ngọt ngào một cách thanh tân, mộc mạc như một cô thôn nữ mạnh khỏe, vô tư trước khi đi khuất sau rặng trúc còn hào phóng tặng người nhìn một nụ cười tươi như mùa thu tỏa nắng. Khoan khoái hít một hơi căng đầy lồng ngực, cậu bật dậy, nhìn ra ngoài cửa động. Bên ngoài trời tranh tối tranh sáng, cũng chẳng biết đã canh mấy rồi. Vong Nhân Cốc quanh năm âm u, ban ngày cũng tựa tựa ban đêm. Cậu phân biệt ban ngày với ban đêm qua thứ ánh sáng nhàn nhạt hiếm hoi xiên xiên qua tầng lá hơi thưa hơn một chút và tiếng chân của những cư dân trong cốc lặng lẽ di chuyển trong khu rừng. Người trong cốc sống lâu năm, da dẻ thiếu nắng nên nhợt nhạt, thoáng nhìn tựa hồn ma bóng quế vậy. Giữa nơi quỷ mỵ như Vong Nhân Cốc, hương cháo mật như một tia sáng rực rỡ xuyên qua màn đêm nơi đây, đánh thức ý niệm của Thương Tùng, để nhắc cậu rằng cậu vẫn đang ở dương gian, lòng bỗng thấy nhẹ nhõm, thanh thản một cách kỳ lạ. Cậu vui vẻ gọi vọng sang động bên cạnh:
– Lão Quỷ! Lão nấu cháo đấy à?
Bên ngoài gió đông cố luồn qua khu rừng già nghe u u. Tiếng của Thương Tùng như chìm nghỉm trong âm thanh thê lương đó, ngỡ tưởng Quỷ Y không nghe thấy mà vẫn thấy giọng ông vang đến thật rõ ràng:
– Thằng tiểu quỷ này ngủ cho trương mắt vào mà đến lúc ăn thì tỉnh nhanh thế! Đi gánh hai chum nước về đây rồi ta cho ăn cháo!
Thương Tùng vươn vai, bước ra ngoài động, với tay xách theo hai xô nước bằng sắt rộng chừng hơn hai xích, cao ngang hông cậu. Đôi xô sắt này là lão Quỷ Y cho cậu, giao cho cậu nhiệm vụ gánh nước, nhặt củi hàng ngày. Cầm đôi xô trong tay, cậu thoáng mỉm cười. Ở cái Vong Nhân Cốc này không thiếu kẻ loạn thần. Thứ làm họ điên loạn chẳng phải cảnh vật u tối đáng sợ, cũng không phải những đàn độc thú nguy hiểm dị thường lang thang trong rừng săn những con mồi xấu số, mà chính là sự tĩnh mịch. Nơi đây tĩnh mịch phi thường. Cả ngày nếu không may thì chỉ có nghe tiếng gió âm u thổi, còn thậm chí không nghe thấy tiếng chân thú hay côn trùng kêu chứ không nói đến tiếng người. Gọi vọng vào không trung chỉ nghe tiếng mình như bị bóng đêm hút mất, lọt tõm vào khoảng thinh không không lời hồi đáp. Thời gian lặng lẽ chảy, người ta dần quên đi bản ngã của mình mà chỉ còn lại bản năng như những con thú lặng lẽ đến rồi đi, khóc rồi cười. Thương Tùng tự thấy bản thân mình may mắn, dù phải chịu đau đớn khi làm chuột lang cho Quỷ Y thử nghiệm Kim Thân Thiết Cốt Hoàn nhưng đến giờ lại có người bầu bạn. Tuy tính lão hay càu nhàu, mở miệng là chửi bới, quát nạt nhưng cậu biết tâm địa lão không hề xấu. Nồi cháo mật hôm nay, hẳn lão cũng phải khó khăn lắm mới kiếm được chút mật mà nấu được, cũng không ngại ngần mà sẽ chia cho cậu. Xách đôi xô sắt, chưa kịp bước ra ngoài cửa hang đã nghe tiếng Quỷ Y vang lên:
– Thanh Long Bình Thuỷ, hữu cước!
Thương Tùng dường như đã quen với điều này, theo phương vị bát quái mà bước chân phải vào cung Cấn, nín thở, vận khí vào hai chân, tung người khinh công vút lên không trung. Quả nhiên trong sát na, ngay tại chỗ cậu vừa đứng, đất sụt xuống để lộ hàng cọc tre vuốt nhọn hoắt. Nếu không khinh công kịp lúc, chân đặt không đúng bộ vị hẳn cả người cậu đã rơi xuống hố cọc. Đang còn lơ lửng trên không trung thì đã nghe giọng Quỷ Y cười cười, nói:
– Bạch Hổ Hoành Dao, tả quyền!
Thương Tùng vung tay trái, vẫn nắm chặt xô sắt nhưng ngầm vận công, quét ngang một đường. Chỉ thấy kình phong ầm ầm, chưởng lực sung mãn. Xô sắt quét qua thôi nhưng tựa như một cây tử kim chuỳ đánh tới, đập tan tác hơn chục mũi cương tiêu từ bên trái phi đến. Quỷ Y liên tục đọc một đoạn dài:
– Huyền Vũ trình minh khởi, Chu Tước phục hỏa hùng, Hoàng Lân chu đồng xướng, Ngũ Hành phát thế quang.
Chỉ thấy một loạt cạm bẫy được kích hoạt liên tục liên hồi, không phi tiêu thì chuỳ gai, không hầm chông thì rào sắt, khi trước mặt là hỏa đạn, sau lưng đã lại có cương đao. Thương Tùng theo lời Quỷ Y mà liên tục di hình đảo bộ, hai tay khi dùng chưởng, lúc dùng xô sắt mà đón đỡ, phản công, quả thực là một bộ võ công vô cùng tuyệt diệu. Kết thúc bài quyền, Thương Tùng mỉm cười bước đi tiếp mà không để ý cái cười nhếch mép của Quỷ Y. Một bước, lại thêm một bước, Thương Tùng bỗng thấy lòng bàn chân đau điếng khi bị lọt hầm chông. Tuy là đã có Kim Thân Thiết Cốt nhưng cảm giác đau đớn khi bị tổn thương không hề mất đi, chỉ là không tổn hại đến nhục thân. Hai chiếc xô sắt va vào đầu cậu đau điếng. Thương Tùng bực tức gào lên:
– Lão Quỷ! Sao lão không chỉ điểm cho ta là chỗ này có hầm chông? Hôm qua ta đi qua đây làm gì có hầm này?
Quỷ Y thò đầu từ trên miệng hố, cười nắc nẻ, gương mặt nhăn nhúm lại trông còn đáng sợ hơn bình thường. Lão khoát tay, ra hiệu cho cậu lên đi thôi. Thương Tùng hậm hực phủi quần áo rồi khẽ nhún người, chạm khẽ vào mũi chông rồi lộn lên miệng hố. Quỷ Y vỗ vỗ vai cậu, nói:
– Hầm này ta mới đào hôm qua lúc ngươi ngủ. Ta biết hôm nay thế nào ngươi cũng lọt bẫy.
Thương Tùng nhìn hố sâu hun hút, chông lởm chởm sắc như dao cạo, nghĩ bụng lão Quỷ này một tay mà trong một đêm gài xong chỗ bẫy này cũng quả là kinh người. Chưa hết bực tức, cậu lại quay sang vặn hỏi:
– Rõ là bài quyền hết rồi, lão lại gài thêm bẫy này làm gì vậy?
Chưa kịp dứt lời thì cậu đã bị một chưởng của Quỷ Y đánh thẳng vào cằm. Quyền của Quỷ Y nhanh không tưởng, lại mang theo kình lực bá đạo. Mặc dù có Kim Thân Thiết Cốt nhưng cậu vẫn thấy hàm ê ẩm, thoáng chốc tối sầm mặt mũi. Quỷ Y bắt chéo tay sau lưng, từ tốn nói:
– Công phu là chết, người là sống. Nếu ngươi chỉ nhớ đến công phu thì sao có thể ứng biến? Nên nhớ không có công phu nào không thể phá, chỉ có người không có công phu mới không thể phá.
Nói đoạn lão lững thững bỏ về hang của mình, buông lại một câu ngắn gọn:
– Đó là cảnh giới “Vô”.
Thương Tùng lặng người, ngồi thừ trên đất một lúc rồi lặng lẽ xách hai xô sắt đi lấy nước. Sau lần cậu đỡ cho Kiếm Ma một chiêu của Nhân Vương, khi trở về tuy bên ngoài không có vết thương nhưng ám kình của liên đao kiến ngũ tạng của cậu bị tổn hại không nhẹ. Quỷ Y thấy con chuột lang của mình mặt mũi xám xịt trở về, biết có chuyện không hay, mới bắt mạch, đoạn lại dùng công lực trăm năm truyền vào mới giữ được mạng. Bản thân Quỷ Y cũng là người cổ quái, bản thân mình mang Thương Tùng ra thí nghiệm không sao nhưng nay thấy có kẻ đánh bị thương cậu, trong lòng không khỏi bực bội. Lão quyết định truyền lại cho cậu một bộ công phu phòng thân. Tên bộ công phu xem ra cũng rất kỳ quặc, “Bất Thắng Bất Bại Kinh”. Thương Tùng nghe cái tên bộ công phu chỉ nghĩ đây là một bộ công phu vớ vẩn mà lão Quỷ này nghĩ ra trong lúc điên loạn nên cũng không để tâm. Cậu không muốn học nhưng lão không để cậu yên. Ba ngày sau khi hồi phục, buổi sáng vừa bước chân ra khỏi động đã nghe Quỷ Y nói ở đâu vọng đến:
– Thanh Long Bình Thuỷ, hữu cước!
Cậu chẳng hiểu gì, vẫn bước ra ngoài thì ngay lập tức lọt hầm chông lão đã gài trước. Mỗi ngày lão đều thay đổi bẫy một chút nên cậu không thể nào đoán ra được thứ gì đang chờ mình. Cứ vậy bảy ngày liên tục ngồi trong động suy ngẫm, cậu mới hiểu thì ra Thanh Long Bình Thuỷ ý là người phải khinh công, dùng lực chân phải, đạp vào cung Cấn mà phi thân. Thanh Long thần thú chấn Đông, hành Mộc, lại bình Thuỷ là hướng lên phương Bắc, đạp vào cung Cấn trong bát quái. Quả nhiên bước phương kế này thành công, Thương Tùng thoát khỏi hầm chông trong gang tấc. Thiên tư cũng thông tuệ, mấy câu khẩu quyết sau cậu cũng nhanh chóng hiểu rõ mà theo đó thuần thục đi hết bộ công phu “Bất Thắng Bất Bại Kinh”. Hôm nay lão Quỷ lại nói thêm về cảnh giới “Vô”, khiến cho cậu không khỏi băn khoăn trong dạ, đã ra đến khe suối lúc nào chẳng hay. Suối Vong Nhân Cốc quanh năm ít nắng, nước lạnh trong vắt lững lờ chảy. Nước chảy chậm đến mức đám cá lác cũng lười biếng chầm chậm khua vây, đảo đuôi cho có lệ chứ chẳng ham hố gì bơi lội tung tăng. Hôm nay trời lại lặng gió, cảnh vật xung quanh tĩnh lặng lạ kì. Chuẩn bị vục xô xuống suối thì Thương Tùng bỗng thấy một luồng khí bức người tràn đến, thoáng chốc không tự chủ được tay chân, ngã lăn xuống lạch suối. Đám cá lác thấy động, hoảng hốt tản đi nhưng chỉ một lát thấy yên lại lười biếng tụ lại. Cây trong rừng vẫn không động lá. Dường như chỉ có Thương Tùng cảm thấy được luồng kình khí đó. Luồng kình khí vẫn liên tục đập vào ngực cậu bức bối, mỗi lúc một mạnh dần, giật mình nghĩ thầm:
– Luồng khí tức này không phải chướng khí rừng sâu mà hẳn là cao nhân nào phát động. Phải chăng chính là Địa Vương, Thiên Vương đang ở gần đây chăng? Lần trước ta đã đắc tội không ít. Nếu lần này để bắt gặp e mạng ta tàn mất, phải tạm lánh đi đã.
Nghĩ vậy Thương Tùng lẳng lặng quay người định rút đi, nhưng lại động tâm, nghĩ:
– Ta ở nơi đây cũng không ít thời gian, cũng không mấy khi thấy kình tức lớn thế này. Xem ra nhị vương không thường xuyên lui tới. Hôm nay tự nhiên đến đây, hẳn là kiếm lão Kiếm Ma bức bách.. Ta có nên ra tay tương hỗ không?
Nửa muốn thoái lui, nửa không cam tâm để Kiếm Ma gặp khốn, Thương Tùng dùng dằng nửa tiến nửa thoái. Hai chân vô thức lại bước theo khẩu quyết của Bất Thắng Bất Bại Kinh, xô nước trong tay cũng theo đó mà xoay như cuồng phong, phần nào kháng lại được thứ khí tức kinh người kia. Thương Tùng vẫn không hay để ý, nhưng rồi cũng hạ quyết tâm ra tay tương cứu Kiếm Ma, bèn phóng người theo mạch kình khí mà lần đi vào rừng sâu. Càng đến gần thì kình tức mỗi lúc một thêm bức bách. Thương Tùng thấy tim như bị bóp nghẹt, đau quá không chịu nổi, không dám trực diện lao đến nữa, phải giảm tốc lại, mượn bộ pháp Bất Thắng Bất Bại Kinh mà tiến tới. Lúc này tuy ngực vẫn còn như bị búa nện nhưng cũng đã dễ chịu hơn nhiều, cứ vậy chừng cháy hết nén hương thì trước mặt Thương Tùng đã hiện ra một cảnh bất ngờ. Chẳng phải là Địa Vương và Thiên Vương đang giao tranh với Kiếm Ma. Chỉ có Kiếm Ma đứng đó, định thần, chĩa kiếm thẳng lên trời, toàn thân bất động. Từ kiếm phát ra một luồng kiếm khí bức người ào ạt, nhưng dường như chỉ có một mình Thương Tùng bị tác động khổ sở. Còn chim chóc, muông thú xung quanh dường như vẫn nhởn nhơ như thể chẳng có gì xảy ra. Thương Tùng tuy không biết Kiếm Ma đang luyện môn công phu gì nhưng cũng trong võ lâm thì lén nhìn người khác luyện công là đại kỵ nên cậu định âm thầm thoái lui thì một bàn tay gầy guộc nhưng rắn chắc đã túm lấy vai cậu. Giọng Quỷ Y thì thầm ngay sát tai:
– Hắn đã luyện kiếm đến cảnh giới Vô Ngã Vô Kiếm, chiêu thức này chỉ bức người có nội công. Võ công càng thấp kém thì càng ít bị ảnh hưởng. Ngược lại, đám cao thủ sẽ bị khó chịu không ít. Ở lại đây thêm chút nữa. Sắp có kịch hay để xem rồi.
Quả nhiên chỉ lát sau, không gian như bị đóng băng lại. Chim muông im bặt, rúc đầu rúc cổ nằm im cho mau. Bối cảnh này Thương Tùng cũng mới nếm cách đây không quá lâu, khi Thiên Vương và Địa Vương xuất hiện. Chớp mắt đã thấy hai người một mặc áo đỏ, một mặc áo trắng. Hai người từ từ bước đến nhưng uy lực bức người. Nét mặt tuy lạnh lùng nhưng xem ra trong lòng vô cùng khó chịu. Thiên Vương từ tốn nói:
– Kiếm Ma, ngươi trốn giỏi lắm. Chúng ta lật tung khắp Vong Nhân Cốc này mà không thấy hình tích ngươi. Vậy mà hôm nay ngươi lại có gan dùng tuyệt học mời chúng ta đến, xem ra là đã muốn cởi giáp quy hàng, ngoan ngoãn nhận lại vị trí Nhân Vương rồi chăng?
Kiếm Ma ngạo nghễ chĩa kiếm ra phía trước, chỉ thấy đầu kiếm khẽ rung, một chiếc lá đang chao đảo theo cơn gió đông bỗng xe gió bắn vụt về hướng Thiên Vương tựa như mũi cương tiêu. Thiên Vương xem ra không có chút e ngại, chỉ khẽ giơ tay điểm nhẹ đã bắt gọn chiếc lá nhỏ trong tay, sờ qua chỉ thấy trên lá có vết kiếm cắt hình chữ “Tuyệt”. Hắn không nói gì, chỉ hít một hơi thật sâu rồi thở dài. Gió đông cũng nổi lên một đợt lớn, xuyên qua tán lá rừng rậm rạp tạo thành những tiếng thở dài của núi rừng não nề. Tiếng gió vừa dứt, thoáng thấy tay Thiên Vương khẽ rung, từ phía sau Kiếm Ma đã có một thanh kiếm không rõ từ đâu phóng tới, nhằm lưng ông lao đến. Kiếm Ma một thân cao thủ, tuy đòn vừa rồi có bất ngờ, lại mượn tiếng gió ẩn đi tiếng kiếm xuất nhưng chút sát khí vương trên mặt Thiên Vương cũng đủ giúp ông khẽ nhích người, né trong gang tấc. Kiếm trong tay lại khẽ gõ nhẹ lên đốc kiếm thanh ám kiếm kia, làm nó đổi hướng, lao vụt về phía Địa Vương. Địa Vương khẽ nhếch mép cười. Hắn bị điếc chứ đâu có bị mù, chiêu thức hiển nhiên như vậy lẽ làm lại làm khó tuyệt thế cao thủ như hắn. Không bỏ lỡ cơ hội hiển uy, Địa Vương vuốt tay lấy Ngô Công Xích Liên Đao ra, tiện chém thanh ám kiếm kia thành hai mươi mấy mảnh. Vậy mới nói Ngô Công Xích Liên Đao tuy rèn từ đao kiếm gãy, nhưng còn mạnh hơn cả bảo đao nữa. Địa Vương cười gằn, lao đến nói:
– Kiếm Ma, xem chiêu!
Địa Vương trước khi gia nhập Vong Nhân Cốc, đi lại trên giang hồ nổi tiếng bá đạo, thạo cả kiếm pháp lẫn tiên pháp. Bộ Ám Tà Đao Pháp và Vô Minh Tiên Pháp của hắn xưa nay ít người địch được. Nay vào Vong Nhân Cốc, được truyền lại Ngô Công Xích Liên Đao hắn lại càng như hổ thêm cánh, tự kết hợp đao tiên pháp thành một pho công phu có một không hai Hỗn Độn Liên Đao Pháp. Bộ công phu này chủ dùng cho loại liên đao, mang cả nét uyển chuyển của tiên pháp lẫn cứng rắn của đao pháp. Một khi đánh ra vô thanh vô ảnh đoạt mạng người đã là hay lắm, nhưng chiêu thức biến hóa khôn cùng, nguỵ dị khó lường mới là điểm gây khó dễ cho địch nhân. Hắn ngày thường đi lại trong Vong Nhân Cốc không phải xuất liên đao vì chỉ với chỉ pháp của hắn cũng đủ tiễn những kẻ cuồng vọng chống đối lên đường. Nay mới chiêu đầu đã dùng liên đao, lại sử ngay bộ công phu ưng ý, chính là cũng đặt Kiếm Ma ở tầm kỳ phùng địch thủ, tuyệt không xem thường.
Kiếm Ma nhất kiếm địch lưỡng hùng nhưng không có vẻ nao núng. Nhân lúc Địa Vương mới khởi chiêu, Kiếm Ma trượt người quỳ xuống lao đến, một kiếm đâm tới nhằm hổ khẩu Địa Vương. Lão Quỷ Y nấp ở bụi cây gần đó, thì thầm với Thương Tùng:
– Chiêu này của Kiếm Ma tuy nhìn đơn giản nhưng thực sự lợi hại. Ngươi xem, Xích Liên Đao của Địa Vương còn chưa hết tàn lực thì kiếm đã tới. Nếu muốn giải chiêu này tất phải ra chiêu Ngô Công Phùng Vĩ.
Quả nhiên Địa Vương thấy tình thế hung hiểm, bèn dùng đốc kiếm hạ xuống cản lại kiếm của Kiếm Ma, đoạn phát động chiêu Ngô Công Phùng Vĩ, liên đao như đuôi bọ cạp mổ nhằm ngay lưng Kiếm Ma. Đao xuống nhanh như chớp giật, nhưng chỉ trong sát na, Kiếm Ma đã xoay tròn người mà né được. Nhưng Địa Vương và Thiên Vương từ lâu đã hành tẩu song hành, tâm ý tương thông, chiêu người này gối người kia, công thủ tương hỗ, liên miên ép người ta vào tử lộ. Đao chiêu vừa tận thì kiếm của Thiên Vương đã lao vút đến, không cho Kiếm Ma thời gian phản công. Lão Quỷ Y cười cười nói:
– Chiêu Thiểm Điện Kích này nối luôn vào đao chiêu quả thực lợi hại. Liên đao tuy linh động như tàn lực đi khá dài, nhất thời khó thu chiêu. Thiên Vương ra chiêu này vừa là ép Kiếm Ma phải đỡ đòn, vừa chính là bảo hộ cho Địa Vương.
Thương Tùng liếc mắt nhìn lão Quỷ Y, ngạc nhiên nói:
– Lão Quỷ Y, lão xem ra không chỉ thinh thông y học mà kiến thức về võ công cũng thực cao thâm.
Quỷ Y giật mình, cười gượng gạo nói:
– Ta nghiên cứu y thuật cứu người, hiển nhiên cũng phải nghiên cứu võ công chút ít để biết nguyên căn thương tích chứ. Ngươi đừng phân tâm, xem tiếp đi.
Thương Tùng nghe vậy cũng không nghi ngờ gì, bèn náu người xem tiếp. Kiếm Ma vốn sử võ công là tìm sinh đạo trong tử lộ. Kẻ địch càng ra chiêu hung hiểm, phản kích từ Kiếm Ma càng tinh diệu. Thiểm Điện Kích của Thiên Vương đánh xuống như tinh hà bạo vũ, kiếm qua tỏa ra không có một khe hở nào, tưởng như gió lùa không lọt. Chỉ thấy Kiếm Ma khẽ rung kiếm, điểm chỗ này, gạt chỗ kia, lực không thừa không thiếu, thong thả như người ta che ô đi dưới mưa vậy. Tay sử kiếm, chân thi triển cước pháp lao vụt đến Thiên Vương, rẽ làn kiếm quang mà công kích, trong một sát na đã phản khách vi chủ, chiếm quyền công kích. Kiếm pháp của Kiếm Ma phát ra nhìn không uy lực nhưng hung hiểm vô cùng, đi chầm chậm như làn nước lững lờ nhưng khi biến chuyển lại nhanh như gió lốc, hậu phát tiên đích, nhằm nơi kỳ yếu trong kiếm pháp của Thiên Vương mà đánh đến. Nên biết trong thiên hạ, đã có chiêu thức tất có điểm yếu và có đường hóa giải. Kiếm pháp của Thiên Vương tuy thiên cổ hiếm gặp nhưng cũng không nằm ngoài quy luật này. Nhưng thiên hạ cũng chẳng phải vì thế mà không có hoàn mỹ võ công. Thiên Vương và Địa Vương là hai học trò của Vong Nhân Thần Lão, tuy hai người hai lộ võ công nhưng tương hỗ cho nhau vô cùng chặt chẽ. Ban nãy Thiểm Điện Kích của Thiên Vương đã bảo hộ cho Nhân Vương thì giờ Xích Hỏa Liệt Đao của Địa Vương đã quét qua cản lại đường công của Kiếm Ma. Cứ vậy hai người liên thủ vây chặt Kiếm Ma vào giữa, tuy không chiếm được thế thượng phong nhưng Kiếm Ma cũng không thể nào thoát được. Ba người giao chiêu qua lại đến trăm hiệp, Thương Tùng ở ngoài chú tâm quan sát đến ngây người, tự thấy Thiên Vương và Địa Vương võ công còn có chiêu có thức, có tiến lộ thoái bộ. Ngược lại Kiếm Ma dường như chỉ đưa kiếm tuỳ tâm, nhìn bạc nhược mà đẩy lui được cả nhị vương. Bất chợt ngộ ra Vô Chiêu là đây, cậu vỗ đùi đánh đét một tiếng, buột miệng cười lớn:
– Thì ra là vậy! Vô Chiêu chính là Bất Bại!
Lão Quỷ Y cũng cười nói:
– Sư phụ ta năm xưa cầu được bại một lần cũng không được.
Nhị Vương nghe tiếng người nói, không cần nhìn cũng tự linh động phát chiêu đánh tới. Nguyên tắc trong cốc này là khi Tam Vương xuất chiêu, không được phép xem. Kẻ nào dù vô tình hay hữu ý phạm phải đều phải chết. Lão Quỷ Y thấy đòn đánh tới, túm vai Thương Tùng đẩy ra phía trước. Thương Tùng không ngờ lúc hung hiểm thì lão quỷ này lại đưa mình ra thí mạng, trong lúc luống cuống chân lại vô thức theo Bất Thắng Bất Bại Kinh mà né tránh. Hai chiêu Vạn Kiếm Tất Phong và Bách Thủ Đao tuy không phải tuyệt kỹ nhưng điều là các chiêu thức biến hóa khôn lường, lại là chiêu tất sát. Thương Tùng thân tự phản xạ theo Bất Thắng Bất Bại Kinh, bộ pháp rất ảo diệu, đôi thùng sắt trong tay cũng vô thức hoa lên như một cơn lốc nhỏ, đỡ lấy hai chiêu của nhị vương. Nhị vương thấy chiêu của mình không trúng, lại bị đôi xô sắt nện vào đao kiếm, kình lực chấn động đến buốt cả hổ khẩu. Hai người biết có kình địch, không dám chủ quan, liền tạm ngưng chiêu, định thần quan sát. Địa Vương nhìn Thương Tùng, nhận ra là thằng nhãi hôm trước đã đỡ cho Kiếm Ma một chiêu, bèn quát lớn:
– Ngươi hôm trước đã can thiệp vào chuyện của tam vương, chúng ta đã niệm tình ngươi mới vào cốc tha một lần! Lần này ngươi không biết điều, vẫn ngoan cố tiếp diễn! Nhất định hôm nay ta phải thu thập ngươi!
Thương Tùng nghe Địa Vương mắng mình không kiêng nể chút nào, trong lòng hỏa tâm bừng bừng cũng quát lại:
– Hai ngươi liên đủ đấu một người, đánh cả nửa ngày không thắng nổi. Thật là xấu mặt Thiên Vương, Địa Vương. Ta thấy các ngươi nên đổi thành Thiên Trùng, Địa Trùng đi! Bản lĩnh chỉ có vậy mà thôi.
Địa Vương không nghe được nhưng Thiên Vương nghe không sót chữ nào, mặt đỏ hầm hầm, quyết ra sát chiêu, nguyện không giết tên tạp chủng trước mặt thì không cam tâm. Thiên Vương gầm một tiếng, phất đôi Vạn Kiếm Phục, khiến hàng ngàn thanh cổ kiếm rải rác trong rừng quy tụ lại như thiên binh vạn mã. Chỉ một cái phất tay, hẳn Thương Tùng dẫu có là mình đồng da sắt cũng chết vì chấn lực nội thương. Chưa kịp ra tay thì có tiếng lão Quỷ Y cất lên:
– Khoan đã! Hai vị thân là nhị vương, sao lại chấp nhặt với thằng nhóc miệng hôi sữa này làm gì. Tha cho nó đi.
Thiên Vương gằn giọng nói:
– Nó tuy ít tuổi nhưng ngạo mạn khôn cùng. Nếu không dạy dỗ thì sao giữ được uy nghiêm của Vong Nhân Cốc này!
Lão Quỷ Y gật gù nói:
– Cũng phải. Nhưng e Thiên Vương dùng Vạn Kiếm Phục đối phó với nó thì có chút không tiện chăng. Truyện này mà đồn ra ngoài thì còn gì là tiếng tăm của Thiên Vương nữa.
Thiên Vương nghe vậy cũng có lí, chưa định chủ kiến thế nào thì lão Quỷ Y đã nói tiếp:
– Chi bằng để công bằng, Thiên Vương chỉ dùng một thanh kiếm thường để ra tay, cũng là đủ rồi.
Thiên Vương gật gù, nói:
– Phải lắm. Vậy ta lấy một thanh kiếm cùn ở đây cũng đủ lấy mạng thằng nhãi kia rồi. Tiểu tử! Ngươi cũng chọn kiếm đi. Ở đây tuy là Kiếm Mộ nhưng cũng không ít thanh hảo kiếm.
Quỷ Y lại cười giả lả nói:
– Thiên Vương đúng là nhân từ, nhưng lại chưa nghĩ kĩ rồi. Thằng nhóc này dẫu có cầm Vô Địch Kiếm trong tay thì cũng không thể bằng Thiên Vương được. Tu vi của nó sao có thể cao thâm như Thiên Vương chứ. Thiên Vương giơ cao đánh khẽ, có thể trong mười chiêu đoạt mạng nó thì đúng là nó đáng chết. Còn ngoài mười chiêu, thì cũng coi là trời còn đức hiếu sinh, mong Thiên Vương tha nó một lần.
Thiên Vương nhếch mép cười, kẻ cả nói:
– Không cần đến mười chiêu, chỉ năm chiêu cũng đủ cho thằng tiểu quỷ này xuống suối vàng. Cứ vậy đi.
Quỷ Y cà nhắc đi đến gần Thương Tùng, rỉ tai dặn dò gì đó. Thương Tùng chú tâm lắng nghe rồi gật đầu, cũng tuỳ tiện lấy một thanh kiếm dưới đất, nói:
– Thiên Vương, ông là tiền bối, mời ra chiêu.
Nói rồi cậu vào thế Khởi Thủ Thức, sử Thái Cực Kiếm đối đầu. Thiên Vương tuy không nhìn được nhưng lắng nghe bộ pháp, phán đoán thủ hình cũng đoán được lai lịch bộ kiếm pháp này, cười nói:
– Hóa ra là tội đồ của Võ Đang trốn đến đây. Biết sử Thái Cực Kiếm, xem ra địa vị trong phái không nhỏ. Để ta xem thử Thái Cực Kiếm danh bất hư truyền đến đâu.
Nói rồi Thiên Vương chân không động nhưng ngầm vận kình, trong chớp mắt đã khinh công lướt đến ngay sát Thương Tùng, tay sử đoản kiếm, xuất chiêu Kinh Long Bạt Thác, chém lướt từ bụng dưới Thương Tùng móc lên. Đoản kiếm vốn nhẹ, nhanh nhưng lực yếu, vậy mà thanh kiếm cùn trong tay Thiên Vương mà cũng phát huy uy lực kinh người. Thương Tùng chân đi theo Bất Thắng Bất Bại Kinh, tay sử chiêu Tam Hoàn Sáo Nguyệt, lùi lại một bước dài, kiếm trong tay cắt ngang một đường hư hư thực thực. Cái hay của Thái Cực Kiếm là không uy mãnh nhưng miên miên bất tuyệt, mượn lực của đối thủ mà tán chiêu của chính họ. Nhưng Thương Tùng tu vi còn chưa đủ, thân chưa thấu hết lẽ vi diệu trong kiếm pháp của lão tổ sư. Kiếm đi tuy tốt nhưng chưa thực sự thoải mái, chém vào đoản kiếm của Thiên Vương mà như bị một đại kình chuỳ nện trúng. Nếu Thương Tùng không nghiến răng giữ chặt lấy kiếm thì đã văng mất rồi.
Thiên Vương không để cho Thương Tùng nghỉ tay, lại đảo đầu đoản kiếm, chuyển tay thủ sang tay mặt, sử chiêu Thanh Lang Phạt, chém vòng cung từ bên phải. Kỳ thực chiêu này chỉ là hư chiêu. Ngón út của Thiên Vương duỗi ra, tụ khí, sẵn sàng phát Kinh Khung Chỉ Lục. Nếu Thương Tùng mải đỡ kiếm, tất sẽ bị chỉ này điểm trúng, nội thương trầm trọng mà chết. May thay Thương Tùng có trực giác linh mẫn trời ban, thoáng thấy chiêu thức nguỵ dị, cậu bèn ra chiêu Niêm Mộc Đóa, điểm ngay vào ngón út của Thiên Vương. Hắn ta thấy hư chiêu không thành bèn thu chỉ, dồn lực vào chiêu Thanh Lang Phạt, chém vút một đường. Thương Tùng hóa chiêu không kịp, chỉ kịp vòng kiếm ép chặt vào tay, nhưng cũng bị kiếm kình của Thiên Vương ép bắn văng xa hai ba trượng. Kiếm Ma khi nhìn Thương Tùng ra chiêu phá Kinh Khung Chỉ Lục, ánh mắt bỗng sáng lên tia nhìn thích thú kỳ lạ. Thấy Thiên Vương định nhân cơ hội Thương Tùng bị ép ngã, ra thêm một chiêu quyết định thì Kiếm Ma đã lướt tới, điểm kiếm ngăn lại. Thiên Vương gằn giọng nói:
– Ngươi dám cản ta?
Kiếm Ma bị câm, không nói được, nhưng lão Quỷ Y đã nhanh chân tiến lại, phân bua:
– Tên Kiếm Ma này không có ý cản trở đâu. Chỉ là hắn thấy tội nghiệp tên nhóc kia nên có ý muốn chỉ giáo cho nó đôi chiêu mèo cào, để chết nó đỡ xấu mặt ấy mà.
Thiên Vương tính vốn cao ngạo, nghe vậy cũng hài lòng, tạm dừng chiêu, nói:
– Vậy ngươi nói nhanh lên để ta tiễn thằng nhãi đó xuống suối vàng.
Kiếm Ma đá đá Thương Tùng, ra hiệu ngồi dậy. Thương Tùng trúng kiếm kình của Thiên Vương như thể bị một cơn sóng thần đập vào người, đau muốn chết đi sống lại, mãi mới gượng dậy được. Kiếm Ma ra hiệu cho Thương Tùng theo mình ra một góc xa xa rồi lấy kiếm vạch xuống đất mấy chữ:
– Ngón út, chân trái, vai phải, đỉnh đầu.
Thương Tùng tròn mắt nhìn không hiểu gì, nhưng đột nhiên nghĩ lại chiêu thức vừa rồi của Thiên Vương, sát điểm là ngón út, yếu điểm cũng chính là ngón út, trong lòng tự hỏi:
– Phải chăng lão Kiếm Ma này muốn chỉ điểm cho ta các điểm cần tấn công vào khi giao chiêu? Làm sao lão biết được Thiên Vương sẽ ra chiêu nào?
Kiếm Ma chờ Thương Tùng xem xong bèn lấy chân xóa đi rồi lững thững đi về chỗ cũ. Thương Tùng gãi đầu gãi tay đi theo, hít một hơi dài rồi nói:
– Thiên Vương, mời ra chiêu.
Cậu lại vào Khởi Thủ Thức, chờ đợi. Thiên Vương lạnh lùng quay lại. Lần này hắn không còn ra chiêu như vũ bão nữa mà chậm rãi tiến tới, tay cầm đoản kiếm thả lỏng như thể không muốn xuất chiêu vậy. Nhưng chính vì thế mà mỗi bước chân hắn bước đến càng thêm áp lực, Thương Tùng thấy tim mình như bị bóp nghẹt theo khoảng cách mỗi lúc một gần. Đến khi Thiên Vương dừng lại, cũng chính là lúc sát khí đã lên cao nhất, Thương Tùng nghiến răng mới giữ được chân mình không run lên nhưng mồ hôi cậu toát ra như tắm. Thiên Vương đưa kiếm ngang mày, nhắm mắt lại, vút một cái đã biến mất. Thương Tùng chỉ thoáng thấy một vệt trắng rất nhạt vừa tiến đến sát mình, kiếm của Thiên Vương đã kề ngay cổ. Một thoáng cậu nghĩ đến chữ Kiếm Ma vạch ra, bèn xoay người theo chiều chém của đoản kiếm, mượn đà đó mà sử chiêu Bạch Hạc Lượng Xí, nhằm chân trái của Thiên Vương chém đến. Thiên Vương giật mình, vì chân trái là chân vừa theo lực thoái bộ, chưa hết lực nên không thể tránh, đành xuôi đoản kiếm đỡ lấy chiêu của Thương Tùng. Nhưng thế tay không thuận nên Thiên Vương cũng bị loạng choạng đôi chút. Lão Quỷ Y hô lớn:
– Ba chiêu!
Thương Tùng thấy mình đột nhiên chiếm thế thượng phong, hào khí bừng bừng nổi dậy, xuất liền tam chiêu Đại Khôi Tinh, Yến Tử Sao Thuỷ, Trì Kiếm Quy Nguyên, bóng kiếm chập chùng bao khắp người Thiên Vương nhưng thực chiêu là nhằm đến vai phải. Quả nhiên Thiên Vương khi nãy còn chưa hoàn thủ đã thấy kiếm chiêu dồn dập kéo đến, không kịp phản chiêu nhưng cũng không luống cuống, nhẹ nhàng sử thế Hồng Hoang Giao Thác, đoản kiếm trong tay khi đâm khi gạt, khi xoay đốc kiếm đỡ, lúc đè bản kiếm áp người, phá chiêu của Thương Tùng. Tuy vậy cũng đã tính là bốn chiêu rồi.
Tiếp tục giao chiêu, lần này Thiên Vương ra chiêu nhà nhã hơn, nhưng kình khí vô cùng đáng sợ, mỗi chiêu mỗi chiêu đều cực mạnh. Thương Tùng đón đỡ vô cùng vất vả, chẳng mấy chốc mà tay đã mỏi ra mà Thiên Vương xem ra còn chưa dốc tí sức nào. Trong lúc Thiên Vương đang thoải mái nhất, Kiếm Ma đứng dựa gốc cây gần đó dựng kiếm xuống đất cố ý dằn mạnh xuống nghe xoạch một tiếng làm Thiên Vương phân tâm, lỡ chiêu một chút. Thương Tùng không bỏ qua cơ hội, nhằm đỉnh đầu Thiên Vương mà bổ kiếm xuống. Thiên Vương lúc bấy giờ mới biết mình trúng kế Kiếm Ma rồi, hỏa tâm bừng bừng, một chiêu Hoàng Đạo Bá Kiếm chém nát cả kiếm trong tay Thương Tùng, kình khí lại đánh Thương Tùng văng vào gốc cây cổ thụ. Nếu không phải có Kim Thân Thiết Cốt Hoàn của Quỷ Y thì e Thương Tùng đã vong mạng. Thiên Vương trong cơn giận, định lao đến ra một chiêu tất sát, nhưng bỗng lão Quỷ Y không rõ bộ vị thế nào đã áp ngay tới, đưa tay giữ chặt lấy hổ khẩu, cản lại:
– Thiên Vương, đã hết năm chiêu rồi. Hãy tha cho nó đi.
Thiên Vương lần này không hạ được một tiểu tử vô danh, xấu mặt vô cùng, giận cá chém thớt mà quát lớn:
– Lão quỷ già! Ngươi thân thế to đến đâu mà dám nhiều chuyện?
Nói rồi lấy đôi Vạn Kiếm Phục, khiển thiên kiếm bay đến như vũ bão, quyết xé xác lão quỷ này. Lão Quỷ Y thản nhiên như không, sử cây đoản tiên trong tay, vốn là gậy đi đường của lão để đón đỡ, chiêu thức xem ra giống với Kiếm Ma vô cùng, thậm chí còn tinh diệu hơn vậy nữa. Thiên Vương thấy vậy tái mặt vội ra hiệu cho Địa Vương yểm trợ.
Địa Vương cũng rút Xích Liên Đao tung người lao đến giáp công. Đoản tiên trong tay lão Quỷ Y lại càng biến hóa, khi đập khi gạt, khi ép khi quét. Cùng với bộ pháp quỷ mỵ của lão, xem ra nhị vương chẳng những không chiếm được thượng phong mà còn bị ép đến thở không ra hơi. Giao chiêu thêm ba mươi hiệp, biết không thắng được lão Quỷ Y, Thiên Vương hoàn kiếm, thở hắt ra nói:
– Hôm nay ngươi là cao thủ phương nào đến Vong Nhân Cốc này làm loạn? Chúng ta nay không thắng được thật xấu hổ, chỉ biết chết để bảo toàn danh tiết. Nhưng ngươi chớ đắc thắng, người trong cốc này nhất định sẽ bám theo truy sát ngươi đến cùng!
Lão Quỷ Y cười hà hà, chống đoản tiên, nói:
– Cốc này do ta lập nên. Các ngươi là học trò của ta tất nhiên không thể thắng rồi.
Thiên Vương nghe đến đây như sét đánh ngang tai, loạng choạng mà ngã bệt xuống đất, lắp bắp nói:
– Sư.. sư phụ?
Địa Vương chưa hiểu chuyện gì thì Thiên Vương đã ra hiệu quỳ xuống, bảo đó là sư phụ của hai người, chính là Vong Nhân Thần Lão. Lão Quỷ Y nhìn hai người học trò, nói:
– Các ngươi làm tốt lắm. Nề nếp trong cốc này đều do các ngươi giữ gìn. Ta ẩn thân ở ngay trong cốc này đều đã thấy cả. Ta ở đây đã lâu, cũng không muốn ra ngoài. Nhưng Nhân Vương và thằng nhỏ này không cần phải ở lại. Hãy thả cho họ đi.
Lời sư phụ như thần bảo, nhị vương nào dám không nghe, chỉ quỳ sấp mà nhận lệnh. Lão Quỷ Y lại gọi Kiếm Ma lại, nói:
– Nay con được tự do. Trong ba người học trò thì con là thiên tư khá nhất. Ta vốn muốn giữ con lại cốc nhưng tâm con ở ngoài kia còn chưa dứt. Nay con hãy dẫn thằng nhóc kia ngoài mà xử lý nốt vướng mắc trong lòng. Sau đó nhất định phải quay lại đây, ngoan ngoãn làm một Nhân Vương của Vong Nhân Cốc này.
Kiếm Ma quỳ xuống, dập đầu bái tạ. Nước mắt tuôn ra như mưa, miệng câm ú ớ không thành câu nhưng xem ra cảm động lắm. Lão Quỷ Y lại đỡ Thương Tùng dậy, nói:
– May cho thằng nhóc ngươi được ta luyện cho Kim Thân Thiết Cốt. Ngươi phúc lớn mạng lớn, không nên ở đây nữa. Hãy mau theo Kiếm Ma ra ngoài cốc đi.
Thương Tùng còn đang ngơ ngác chưa hiểu gì thì lão Quỷ Y đã ân cần nói thêm:
– Ngươi lọt mắt Kiếm Ma, sau này hãy bái hắn là thầy, nhất định vang danh thiên hạ. Hắn bị câm, đi đường cũng chiếu cố cho hắn nhé.
Thương Tùng ở với lão Quỷ Y đã lâu, biết lão là người ngoài lạnh trong ấm, trong lòng vốn nhiều thiện cảm. Nay lão lại như trưởng bối dặn dò vậy, cậu chỉ biết cảm động mà ôm chặt lấy lão. Lão Quỷ Y thở dài rồi đẩy cậu ra, quay người cùng nhị vương vụt cái đã đi khuất..
* * *
Vĩnh Tình rón rén mở cửa phòng, bưng bát canh sâm vừa nấu để ở đầu giường sư phụ. Từ khi hoàng thượng về, sư phụ như mất hồn vía, cả ngày chẳng thiết làm gì, chỉ mân mê một chiếc vòng gỗ nhỏ. Không rõ làm bằng gỗ nhưng tỏa hương thơm nhè nhẹ rất dễ chịu. Chuyện giáo huấn, thị phạm các môn chúng đệ tử không nói vì có các sư tỷ đảm đương, ngay cả ăn uống người cũng không thiết nên Vĩnh Tình lo lắm. Sư phụ chăm cô từ bé như con ruột nên cô cũng coi sư phụ như mẫu thân, hết lòng yêu thương. Đêm rồi, cô trong lòng bất an, lo sư phụ yếu mệt, không ngủ được bèn lén dậy xuống bếp nấu bát canh sâm để sư phụ bồi bổ. Đặt bát canh lên bàn gỗ đầu giường sư phụ, định lẻn ra thì nghe tiếng Chỉ Nhược gọi:
– Vĩnh Tình, con lên đây nằm ngủ với sư phụ được không?
Vĩnh Tình khẽ giật mình, nhưng cũng vâng lời mà lên giường nằm cùng sư phụ. Chỉ Nhược kéo chăn đắp cho Vĩnh Tình, ân cần nói:
– Từ lúc con lớn, đòi ra ngủ với sư tỷ, lâu lắm rồi chúng ta không nằm chung giường thế này.
Vĩnh Tình rúc đầu vào ngực sư phụ, hít hà mùi hương mà cô vẫn luôn nhớ từ khi còn thơ bé. Áo sư phụ lúc nào cũng thoảng mùi quế rất ấm áp. Nhắm mắt lại, cô thủ thỉ:
– Sư phụ, sao dạo này sư phụ buồn thế?
Ngoài sân tiếng côn trùng kêu rả rích càng làm tiếng thở dài của người thiếu phụ thêm sâu. Tiếng thở dài não nề như muốn trút hết tâm sự kìm nén trong tâm can bao năm ra để tỏ bày. Nhưng rồi Chỉ Nhược nhận ra trong lòng mình bây giờ mới chỉ là một cô nhỏ mười hai tuổi, không thể để nó bận lòng được. Nàng chỉ thầm thì:
– Ta không có buồn. Chỉ là ta nhớ một người, lại có nhiều nghi hoặc trong lòng không thể tự giải thôi. Con đừng lo.
Vĩnh Tình nhìn vào mắt Chỉ Nhược hỏi:
– Có phải vị hoàng đế hôm vừa rồi làm sư phụ buồn không? Con thấy từ sau khi vị hoàng đế đó tới..
Chỉ Nhược nghe nhắc lại chuyện cũ lại thấy lòng nhức nhối không chịu được, vội ngắt lời:
– Không phải do vị hoàng đế đó đâu. Vĩnh Tình, mấy hôm nay con luyện công đến đâu rồi?
Vĩnh Tình tuy còn nhỏ tuổi nhưng tâm tư rất tinh tế, biết sư phụ không muốn nhắc đến Hồng Vũ Đế nên cũng chiều theo, dù trong lòng vẫn còn nhiều khúc mắc:
– Con đã luyện xong thành thục bài Mộc Lan Hồi Xạ rồi. Bộ Ngọc Nữ Kiếm Pháp này con được Tĩnh Huyền sư tỷ chỉ điểm rất cẩn thận.
Chỉ Nhược gật gù nói:
– Ngọc Nữ Kiếm Pháp do sư tổ của chúng ta sáng tạo ra. Kiếm pháp này tôn lên được sự nhẹ nhàng của nữ kiếm khách nhưng vẫn không mất đi khí khái, uy lực khi hành tẩu giang hồ. Con nên chăm chỉ luyện cho tốt.
Vĩnh Tình gật đầu, rồi như chợt nhớ ra điều gì lại hỏi:
– Năm xưa sư tổ sáng tạo ra rất nhiều bộ võ công vi diệu. Con nghe các sư tỷ nói với nhau là do năm đó sư tổ đơn phương tương tư một người trong mộng mà luyện phải không ạ?
Chỉ Nhược thở dài nói:
– Tuy điều này không được nói ra ngoài nhưng quả cũng có một phần như vậy. Sư tổ năm đó kiến thức hơn người, dù chỉ biết một phần Cửu Dương Chân Kinh nhưng cũng đủ luyện nên một thân tuyệt thế. Đó mới là căn cơ của võ công Nga My chúng ta.
Vĩnh Tình gật gù nói:
– Cũng phải, làm gì có môn võ công nào lại lấy gốc từ cảm xúc mà ra chứ.
Chỉ Nhược nghĩ lại bộ Ly Biệt Thích mình tạo ra khi nhớ nhung Dương Thiên Chí, trong lòng tuy biết không phải nhưng cũng không tiện nói ra, chỉ nói:
– Võ học vô bờ, không gì không thể. Con cứ chịu khó rèn luyện, tất sẽ ngộ ra đường sáng.
Không thấy Vĩnh Tình đáp trả, nàng nhìn sang thì thấy cô nhỏ đã ngủ say rồi, bất giác mỉm cười, tự nói với mình:
– Sư phụ có được người con như con thực là phúc của sư phụ. Nhưng con vẫn còn nhỏ, chuyện tình ái chỉ như nước chảy mây trôi. Cứ ngủ ngon là vậy sư phụ mãn nguyện rồi.
Ôm Vĩnh Tình trong lòng, nàng cũng thiếp ngủ lúc nào không hay. Lâu rồi nàng mới ngủ ngon đến vậy..
Sáng sớm mùa đông trên đỉnh Nga My hôm đó xanh trong nhưng những cơn gió bắc vẫn đưa tuyết la đà phủ dày thêm một lớp trên cành mai lạnh. Gió lùa qua khe cửa chưa khép kín, vô tình lay Chỉ Nhược tỉnh giấc nồng. Như một phản xạ đã có từ lâu, nàng vội kéo chăn định đắp lại cho Vĩnh Tình nhưng thấy chỗ cô nhỏ nằm đã lạnh, xem ra đã ra khỏi giường từ sớm rồi. Có lẽ Vĩnh Tình ra ngoài, chốt cửa không kỹ nên gió lùa được vào phòng. Chỉ Nhược rời giường, khoác thêm một lớp áo voan xanh và một áo choàng cừu trắng, định đẩy cửa ra ngoài thì thấy trên bàn có một phong thư. Tối qua còn chưa có ở đây, sáng nay không rõ ai đã đến để vào. Chỉ Nhược cẩn thận mở phong thư, nhận ngay ra nét chữ của Vĩnh Tình. Thư ngắn gọn, nhưng viết rất cẩn thận:
– Sư phụ tại thượng, con biết sư phụ trong lòng vẫn còn nhiều điểm buồn rầu khó giải. Tuy sư phụ không nói ra nhưng con linh cảm rằng nó có liên quan đến Hồng Vũ Đế. Con từ nhỏ đã được sư phụ cưu mang, ân trả cả đời không hết. Nay thấy sư phụ gặp chuyện, không thể không góp sức giải quyết. Con sẽ lên kinh thành để tìm vị Hồng Vũ Đế đó bằng được, hỏi cho ra nhẽ rồi dẫn về gặp sư phụ. Đọc được thư này sư phụ không cần lo lắng. Con đã tích cóp được hơn mười lượng bạc các sư tỉ trả công nhờ con làm việc vặt. Sư phụ cứ yên trí chờ tin. Cẩn thư.
Chỉ Nhược đọc xong thư mà cảm giác trời đất chao đảo, tay chân rụng rời. Nàng than lớn:
– Hỡi thanh thiên ơi! Sao người lại để đứa trẻ còn nhỏ tuổi mà sớm hiểu lòng người! Nó còn ít tuổi, chưa từng ra ngoài phiêu bạt, sóng gió nguy hiểm trăm bề. Lỡ con có mệnh hệ gì, không nói chuyện ta đắc trọng tội với tỷ tỷ, mà ta cũng làm sao còn lòng dạ nào mà sống nữa!
Miệng than thì người đã ra ngoài cửa. Ánh mắt nàng hoảng hốt đảo khắp luyện võ trường cũng chỉ thấy các học trò đang chuyên tâm luyện võ. Nàng hỏi khắp các học trò nhưng không ai thấy Vĩnh Tình đi lúc nào. Tuy Chỉ Nhược là thân nữ nhi nhưng khi gặp chuyện cũng quả quyết chẳng kém nam nhân. Nàng lập tức dặn dò công việc bản phái, giao lại cho Tĩnh Huyện quản nội sự. Bản thân lập tức khăn gói lên đường, nhằm hướng kinh thành mà đuổi theo Vĩnh Tình. Thế mới thực là:
Đông phong, thanh tảo, tuyết trùng mai
Thiếu niên nhiệt tâm bất từ nan
Lộ đáo kinh thành nan cùng nạn
Sương phát tốc truy giải trùng lư
Dịch nghĩa:
Gió đông, trời vừa sáng sớm, tuyết phủ mai trắng
Thiếu niên nhiệt tình không quản gian khó
Đường đến kinh thành khó khăn, nhiều hoạn nạn
Tóc điểm sương nhanh tìm kiếm qua đôi con suối
Lại nói Vĩnh Tình giả vờ ngủ, nhân lúc sư phụ ngủ say đã quyết chí đi ngay trong đêm. Một phần lo lắng cho sư phụ, nhưng trong lòng cũn háo hức vô cùng. Từ khi mẹ gửi cô ở Nga My, suốt bao năm cô chẳng mấy khi được ra ngoài vùng núi này trừ những dịp theo sư phụ và các sư tỷ đi thăm hỏi một số phái lớn. Tuổi trẻ là vậy, luôn tự nghĩ là mình đã có thể quản mọi thứ, bước đi với một bước chân không e dè và một con tim không ai cản nổi. Nắm chắc trong tay đoản kiếm, vai đeo tay nải có vài bộ quần áo giản dị, chút sang dược phòng thân, vài cái bánh nướng, một bầu nước. Bạc vụn thì cô nhét vào trong các túi bí mật may khắp quần áo, rải rác khắp người. Xét cho cùng thì với một đứa trẻ mười hai tuổi nghĩ được vậy cũng là giỏi. Nhưng đường còn xa và đời còn dài, Vĩnh Tình không quản đêm tối, chỉ sợ sư phụ tỉnh dậy mà đuổi theo sẽ bắt quay về nên cắm cúi đi nhanh trong đêm. Con đường trên Nga My Sơn cô quen đến từng hòn đá, ngọn cỏ. Trong đêm tối, đường nhỏ mà cô đi thoăn thoắt như ban ngày. Sáng sớm thì đã ra khỏi vùng núi Nga My, xuống đến thung lũng bên dưới rồi.
Đi cả đêm mỏi mệt, sức cô nhóc sao chịu thấu. Vĩnh Tình cố đi đến một trảng rừng thưa rồi dựa vào gốc cây nghỉ một lát. Cô đang tuổi ăn, tuổi ngủ, chợp mắt một lúc đã đến gần trưa. Vươn vai ngồi dậy thì phát hiện ra tay nải của mình đã bị ai lục tung mất rồi. Quần áo thì bị vứt vung vãi mỗi chỗ một chiếc, thuốc thì lăn lóc mỗi góc một lọ, duy chỉ có bánh nướng là không còn cái nào. Vĩnh Tình thừ người ra một lúc rồi tự vả mình một cái, tự trách mình ngủ say quá đến mức có người trộm đồ không hay. Nếu là kẻ địch cố ý gia hại thì giờ này đã hồn lìa khỏi xác rồi. Cô thu dọn lại tay nải rồi lại tiếp tục lên đường, định sẽ đến làng trấn gần nhất rồi mua bánh ăn. Nhưng từ thung lũng này đến làng gần nhất cũng hơn ba mươi dặm đường. Với người đã rèn luyện võ công thì có thể tầm gần một canh giờ đi đến, khí lực không tiêu hao bao nhiêu. Nhưng cô nhỏ này tu vi chưa đủ, đi chưa được tám dặm đã thở dốc rồi, bụng thì cồn cào vì đói. Thất thểu đi được một đoạn thì thấy một người đang dựa gốc cây, trên tay là mấy cái bánh nướng, đang ăn có vẻ ngon lành lắm. Vĩnh Tình tính định lại gần xin chút bánh ăn nhưng lại ngại mang tiếng xấu. Ai dè chưa lại gần thì người kia đã phát hiện ra cô, liền quay người bỏ chạy. Vĩnh Tình động tâm, nghĩ ngay ra chắc chắn người này lấy bánh của mình, có tật giật mình nên mới có hành động vậy, trong lòng hỏa khí nổi lên bừng bừng, quên cả đói mà thi triển khinh công đuổi theo. Kẻ kia tuy chẳng dùng khinh công gì, lại có dáng chạy khom khom bằng cả tay, cả chân nhưng thú chạy nhưng nhanh không kém Vĩnh Tình khinh công chút nào. Người khinh công lướt qua tầng cây, người chạy quanh co dưới đất, hai người đuổi nhau sát sao. Nhưng cũng chỉ được thêm một lúc, Vĩnh Tình đói mệt quá nên đành bỏ cuộc, gục đầu vào gốc cây thở dốc, miệng than thở:
– Chao ôi, hôm nay chẳng lẽ lại chết đói ở đây vì mấy cái bánh nướng. Tên khốn kia! Nếu ta mà bắt được thì ngươi đừng hòng yên thân mà thoát!
Nói đến vậy rồi Vĩnh Tình lả đi. Chẳng biết cô đã nằm đó bao lâu nhưng bỗng mũi lại ngửi thấy mùi bánh nướng thơm phức. Cô bật dậy nhanh như lúc lả đi, thì thấy bên cạnh mình đặt hai chiếc bánh nướng, lại thêm chút quả dại. Kẻ trộm bánh ngồi chồm hỗm trên cành cây gần đó, trong tay cũng cầm hai cái bánh đang ăn ngon lành. Giờ cô mới nhìn kĩ tên trộm này hóa ra cũng chỉ là một tên nhóc tầm tuổi cô. Tóc cháy nắng thành màu hung đỏ, rối nùi, bù xù. Da nâu sạm lại vì nắng gió. Trên người chỉ quấn mỗi cái xà cạp tết bằng dây gai đập dập trông cũng tơi tả lắm rồi. Gương mặt lấm lem cát bụi nhưng xem ra cũng khá ưa nhìn, đặc biệt là đôi mắt nâu sáng rất trong. Tên nhóc đó tò mò nhìn Vĩnh Tình như thể trước đây nó chưa từng nhìn thấy người vậy. Vĩnh Tình thấy tên nhóc cũng không có ý xấu, nộ khí cũng giảm đi nhiều, bèn cất tiếng hỏi:
– Ngươi là ai? Sao lại lấy bánh của ta?
Thằng nhóc kia lúc lắc đầu, nghe chừng không hiểu Vĩnh Tình nói gì. Nó gãi đầu gãi tai rồi lại ăn bánh tiếp. Vĩnh Tình tưởng nó bị câm hay điếc, lại giơ tay ra hiệu đây là bánh của cô, nó không được lấy. Thằng nhóc lúc đó mới gầm gừ mấy tiếng trong cổ họng rồi chỉ tay vào bụng, lại chỉ tay vào bánh rồi chỉ vào Vĩnh Tình. Từ lâu Vĩnh Tình có nghe các sư tỷ kể ở đâu đó có những thú nhân sống cùng các loài thú, tiếng nói không rành, tập tính hoang dã, lại rất dữ tợn. Xem ra thằng nhóc này là một thú nhân như vậy, chỉ có điều nó không dữ tợn lắm. Hai người cứ chỉ tay chỉ chân ra hiệu vậy mà cũng hiểu được đôi chút. Vĩnh Tình biết là nó đói nên mới trộm bánh. Nó bảo cô đói thì ăn đi. Vĩnh Tình mỉm cười rồi ăn bánh và quả dại, thấy sức lực trở lại trong từng miếng cắn. Ăn xong cô mới nhớ ra mình phải lên kinh thành, vội xách tay nải và kiếm chạy đi. Trước khi đi không quên vẫy tay chào thằng nhóc thú nhân. Nó cũng ngẩn ngơ, ngượng nghịu đưa tay lên vẫy vẫy, ánh mắt dõi theo bóng tiểu cô nương đi xa khuất.