Hương rượu Mỹ Lan Lộ nơi Vô Kỵ nâng chén cùng Kim Doãn Phật và Thượng Quan Ẩn vương vấn như nỗi nhớ ai nơi bến cảng Bạc Sa. Đêm nay nàng lại không ngủ được. Mỗi khi nhắm mắt lại thấy như trước mặt hình ảnh con trai bị một lão già thần bí vác đi. Tuệ Phong có gương mặt hơi bầu bĩnh của trẻ lên mười, nước da bánh mật khỏe mạnh rèn nên bởi nắng và gió đại mạc. Ngày đó là lần đầu con được về Trung Thổ, được ghé thăm lão tổ sư và các thái sư bá, thái sư thúc, được tận mắt thấy tuyết lĩnh Hồ Bắc quanh năm đầu bạc, được đi thuyền khắp vùng Ngũ Hồ trong xanh. Vậy mà khi con bị lão già đằng đằng sát khi mang đi, gương mặt con lúc đó thoạt trắng thoạt đỏ, khí sắc tiều tụy chỉ nghĩ đến thôi mà nghe nhói trong tim, cổ họng bỗng đắng ngắt như nuốt phải dòng lệ nóng. Những hình ảnh trong cơn mơ chập chờn lại đưa nàng đến trước mặt Vĩnh Tình. Nàng nhớ mái tóc con thơm mùi hoa thảo nguyên Hoàng Hoa, non mềm như vạt cỏ non sau cơn mưa vừa ghé. Đã bao lâu rồi nàng không tết tóc cho con nhỉ? Khi còn ở thảo nguyên, sáng nào nàng cũng tỉ mẩn chải tóc rồi tết tóc cho Vĩnh Tình thật giống một cô nhỏ người Mông Cổ. Nhìn Vĩnh Tình, nàng lại tự thấy bản thân mình khi còn thơ bé. Mẹ nàng mất sớm, cái thú vui được mẹ tết tóc cho giờ nàng dành hết cho con gái mình. Tẩn mẩn tết từng lọn tóc nhỏ, đến khi tết xong nàng không bao giờ quên ôm Vĩnh Tình vào lòng, thơm lên trán con trước khi để con chạy ra ngoài chơi cùng anh trai. Tiếng thở dài não nề của Triệu Mẫn vang lên trong đêm, hòa vào tiếng sóng rì rào nghe buồn lại thêm buồn. Không ngủ lại được, nàng khoác tạm chiếc khăn choàng bằng vải cẩm mà Vô Kỵ mua cho nàng khi đi qua Vân Nam. Nàng vùi mặt chiếc khăn, hít thật sâu vào lồng ngực mùi hương thoang thoảng của chàng. Mỗi lần khoác chiếc khăn choàng này lên vai, nàng đều có cảm giác như vòng tay của Vô Kỵ đang ôm lấy mình vậy, ấm áp, gần gũi, đầy thương nhớ. Bước ra lên boong thuyền, ánh trăng tà nhè nhẹ soi mờ mờ một bóng người đang thả ngồi chênh vênh nơi mũi thuyền, người nhẹ lắc lư theo từng nhịp sóng vỗ mạn thuyền, khe khẽ ngân nga câu hát:
Niêm đóa vy tiêu đích hoa, tưởng nhất phiên nhân thế biến hoán
Đáo đầu lai du doanh hựu hà phương
Nhật dữ nguyệt cộng tiêu trường
Phú dữ quý nan cửu trường
Kim tảo đích dung nhan lão vu tạc vãn
My gian phóng nhất tự khoan, khán nhất đoạn nhân thế phong quang
Thùy bất thị bả bi hỷ tại thường
Hải liên thiên tẩu bất hoàn
Ân oán nan kế toán
Tạc nhật phi kim nhật cai vong
Lãng thao thao, nhân diêu diêu
Thanh xuân điểu phi khứ liễu
Tung nhiên thị thiên cổ phong lưu lãng lý dao
Phong tiêu tiêu, nhân diêu diêu
Khoái ý đao sơn trung thảo
Ái hận đích bách bàn tư vị tùy phong phiêu..
Dịch:
Tay đón nụ hoa vừa hé nở, hồi tưởng nhân thế đổi thay
Thắng thua cuối cùng có ý nghĩa gì đâu
Ngày tháng trôi qua, giàu sang đâu tồn tại mãi, dung nhan nào còn được như xưa
Hàng mi điểm bạc nhìn một mảnh nhân gian tươi đẹp
Ai chưa từng nếm trải buồn vui
Biển trời chưa đi hết, ân oán làm sao tính toán
Chuyện xưa chuyện nay quên đi hết
Sóng cuồn cuồn, lòng người mênh mang, cánh chim xuâ còn đâu bóng dáng
Dòng thơ cổ cũng đã lãng quên khi nào
Gió vi vu, lòng người mênh mang, thỏa thích vui đùa cùng nhánh cỏ
Yêu hận bay theo cơn gió..
Triệu Mẫn vỗ tay, khen:
– Từ ngày ở Linh Xà Đảo đến giờ, ta mới được nghe muội hát lần thứ hai. Bao nhiêu năm rồi giọng hát muội vẫn ấm áp như vậy, thật đáng ngưỡng mộ.
Tiểu Chiêu nghe tiếng Triệu Mẫn, vội nhảy xuống sàn thuyền. Nàng thấy Triệu Mẫn không ngủ được, lo lắng hỏi:
– Tỷ tỷ giờ này sao lại lên đây? Tỷ khó ngủ sao?
Triệu Mẫn thở dài gật đầu, nhìn trước mặt chỉ thấy một màu đen thăm thẳm của biển đêm vô tận, tự nhủ tương lai những ngày tới đây của mình cũng không sáng sủa hơn là bao nhiêu. Triệu Mẫn cố gạt nỗi buồn, quay sang Tiểu Chiêu, cười nói:
– Muội hát lại cho ta nghi bài đó một lần đi. Bài hát đó tên là gì vậy?
Tiểu Chiêu đỏ mặt, nói:
– Muội lúc nãy là trong lúc buồn chán quá mới hát đôi câu thôi, đâu có hay gì mà dám hát lại cho tỷ nghe. Bài hát này muội cũng không biết tên là gì, chỉ là mẫu thân khi trước thường hay hát, muội nhập tâm từ lúc đó, khi nào buồn lại buột miệng ngâm nga thôi. Lại làm tỷ chê cười rồi.
Triệu Mẫn thở dài, khẽ vuốt ve mái tóc của Tiểu Chiêu. Đến giờ hai người bọn họ đã quá tam thập, đã không còn trong thời xuân sắc như ngày xưa. Những ngày tháng xuân thì của họ là cùng nhau trải qua hiểm nguy nơi Linh Xà Đảo, là những giọt nước mắt chia ly, là những lời dặn dò chăm sóc cho nam nhân mà cả hai cùng thương mến. Triệu Mẫn im lặng một hồi lâu rồi khẽ nói:
– Tiểu Chiêu, ta xin lỗi muội.
Tiểu Chiêu ngạc nhiên hỏi:
– Tỷ sao lại xin lỗi muội?
Triệu Mẫn nhìn mông lung về phía mặt biển đêm, bấy giờ trăng tà đã ló khỏi đám mây mù, khẽ rải ánh sáng nhè nhẹ, có chút nhạt nhòa như những ký ức xa xăm. Tiếng sóng vẫn rì rào khe khẽ như lời ai từ quá khứ vọng về. Vành trăng non như miệng ai cười khẽ, lại khéo chê trách nàng sao ngày đó không giữ lời hứa chăm sóc cho Vô Kỵ. Triệu Mẫn nói:
– Ngày đó trước khi muội theo thuyền về Bạc Sa làm Thánh Nữ, muội có nhờ ta chăm sóc cho Vô Kỵ. Ta song hành cùng chàng nhiều năm, trải qua bao chuyện thăng trầm, phiêu bạt qua bao nhiêu địa phương, rốt cục đến giờ vẫn không thể chăm lo cho chàng. Tám năm rồi.. Trương gia ly tán đã tám năm rồi.. Ta làm vợ mà không thể cùng chàng san sẻ cảnh hiểm nguy, làm mẹ mà không thể che chở cho con mình, để hai con phải lưu lạc nơi giang hồ hiểm ác. Vô Kỵ sẽ nghĩ ta như thế nào chứ? Chàng có hận ta không, vì đã không tìm được chàng? Chàng có thất vọng về ta không, vì đã không cứu được hai con an toàn? Chàng có..
Mỗi lời nói ra lại kèm một giọt nước mắt chầm chậm lăn trên gương mặt nhuốm màu bi thương. Lời chưa hết, họng đã nghẹn lại, không sao nói tiếp được. Nàng hít một hơi thật sâu, lấy tay gạt nước mắt, nói lớn:
– Mẫn Mẫn Đặc Mục Nhĩ ta tuy đã gả vào Trương gia nhưng dòng máu bất khuất Đặc Mục Nhĩ vẫn luôn trong huyết quản. Dòng máu đó đã giúp ta không gục ngã suốt tám năm ròng ẩn nhẫn dưới bóng địch nhân hòng cứu lấy hai con..
Nói đến đây, nàng gục mặt xuống thành thuyền, khóc nấc lên, nghẹn ngào nói:
– Nhưng tám năm rồi.. Ta mệt lắm.. Mỗi đêm nhắm mắt lại không là ánh mắt đau buồn của Vô Kỵ thì cũng là tiếng oán trách của Tiểu Phong, Tiểu Tình. Khí khái, bất khuất bao nhiêu cũng không đủ nữa.. Tiểu Chiêu, muội nói ta phải làm sao?
Tiểu Chiêu đau lòng, lấy tay vuốt ve gò má nàng vì lao tâm khổ tứ nhiều năm mà gầy nhiều. Vốn định nói đôi lời an ủi nhưng bản thân trong lòng nàng lúc này cũng đầy sóng dữ cuốn dồn, đau thương không sao kể xiết. Nàng về Bạc Sa nhiều năm, nhưng trong lòng chưa bao giờ quên Vô Kỵ lấy một giây. Dù biết trái tim Vô Kỵ đã trao cho Triệu Mẫn trọn vẹn, trái tim nàng vẫn luôn ngập hình bóng một giáo chủ thiện lương, luôn đứng ra bảo vệ nàng khỏi hiểm cảnh. Mỗi năm nàng đều phái người âm thầm về Trung thổ thăm dò tình hình của chàng. Nghe tin chàng vẫn làm giáo chủ bình an, nghe tin chàng từ nhiệm, lang bạt lên Nội Mông kiếm tìm người thương, nghe tin chàng và toàn gia vẫn an yên hạnh phúc, bấy nhiêu đó là đủ cho nàng tiếp tục an lòng mà làm một Thánh Nữ. Nàng vẫn luôn tự hỏi có một giây phút nào đó Trương công tử nhớ đến nàng hầu gái nơi đây không. Nếu quả thực có, dù chỉ là một giây phút thôi, cũng đủ rồi. Đôi lúc nàng lại bật cười, không hiểu sao mình lại vô vọng đến vậy. Yêu đơn phương một người, đặt hạnh phúc của người đó lên trên cả niềm vui của bản thân mà chỉ dám mong người đó nhớ đến mình trong khoảnh khắc. Cái ghế Thánh Nữ này đối với nàng chẳng khác gì bọt biển kia mỏng manh, chỉ chốc lát thôi là tan biến. Nàng chỉ mong được ở cạnh công tử, hầu hạ công tử, không hơn, không đòi hỏi gì hơn. Với nàng, nụ cười của Vô Kỵ đáng giá hơn bất kỳ thứ gì. Giờ thấy Triệu Mẫn tuyệt vọng đến vậy, nàng cũng đâu khác gì mà lên tiếng an ủi. Nàng cũng lặng lẽ khóc. Dưới ánh trăng tà, hai người con gái dựa vào nhau, cùng khóc lặng vì một người, nhưng vì nỗi niềm riêng mỗi người. Đứng trên đỉnh buồm, Đại Ỷ Ty trầm ngâm suy nghĩ..
* * * Triệu Mẫn tỉnh giấc, thấy đầu đau như búa bổ. Nhìn bóng nắng xiên qua cửa sổ boong thuyền thì xem ra cũng đã gần trưa rồi. Nàng bước lên sàn thuyền thì thấy xung quanh là biển cả mênh mông, còn đâu bến cảng Bạc Sa hôm qua nơi thuyền neo đậu. Nàng hốt hoảng hỏi mấy người thủy thủ:
– Thuyền đang ở đâu đây? Tại sao lại rời cảng Bạc Sa? Ta còn chưa xong việc ở đó cơ mà?
Mấy người thủy thủ lấm lét nhìn nhau, lúng búng câu gì trong miệng không dám nói ra. Triệu Mẫn giận điên người, muốn quát lên ép mấy kẻ này khai ra thì có tiếng Đại Ỷ Ty đã vang lên sau lưng:
– Là ta ép bọn chúng cho thuyền rời đi đấy.
Triệu Mẫn quay phắt lại, chạy nhanh đến gần Đại Ỷ Ty, túm chặt lấy cổ áo bà, hét lớn:
– Sao bà lại cho thuyền rời Bạc Sa? Ta còn phải chờ sứ giả quay lại để rồi còn thương thảo với Hỏa Thần, lấy Thánh Hỏa Lệnh mang về làm chứng cơ mà?
Đại Ỷ Ty một thân võ công xuất chúng, chỉ khẽ đưa tay khoát một cái đã khóa cứng cổ tay Triệu Mẫn, đoạn lại vận lực ghì chặt lấy tay nàng. Bà lạnh lùng nói:
– Chúng ta càng ở lại Bạc Sa lâu thì nguy cơ lộ thân phận và bỏ mạng lại đó càng lớn. Ngươi không nghĩ đến ta, nhưng ta không thể không lo cho tính mạng con gái ta được.
Triệu Mẫn nén đau, quát nói:
– Chẳng phải ta đã an trí cho các người ẩn dưới thuyền rồi sao? Nếu các người ban ngày không lộ diện, cứ an an ổn ổn ở lại thuyền chừng mười ngày nữa là chúng ta có thể an toàn trọn vẹn rời Bạc Sa! Đâu nhất thiết phải chạy trốn như thế này, khiến ta lỡ dở bao nhiêu chuyện!
Đại Ỷ Ty không nói gì, chỉ lẳng lặng thả tay Triệu Mẫn ra. Bà đi đến mạn thuyền, rồi quay lại nói với nàng:
– Ngươi đừng lo, nhất định Hỏa Thần sẽ cho lực lượng Minh Giáo Bạc Sa đến Trung Thổ. Hơn thế nữa, chính hắn sẽ đích thân đến chứ không chỉ sai mấy tay Bảo Thụ Vương đi đâu.
Triệu Mẫn gằn giọng hỏi:
– Sao bà biết chắc chuyện đó? Bà có phải thần thánh đâu mà có thể khiến hắn rời Bạc Sa đến Trung Thổ được.
Đại Ỷ Ty cười nhạt, chỉ vào Triệu Mẫn, nói:
– Ta không thể, nhưng ngươi thì có thể.. Vì ngươi, hắn nhất định sẽ đến Trung Thổ.
Triệu Mẫn ngạc nhiên, chưa hiểu chuyện gì, hỏi:
– Vì ta? Sao lại vì ta?
Đại Ỷ Ty cười nhếch mép, nói:
– Chẳng phải bình thường ngươi thông minh lắm sao? Chẳng lẽ ngươi không nhận ra đên giả hòa thượng đó đã động tâm với ngươi rồi? Lần này ngươi không nói không rằng bỏ đi, chẳng những hắn không giận mà còn tưởng ngươi có chuyện gì không vừa ý, nếu không tìm được ngươi hỏi cho ra lẽ, ta e hắn sẽ từ giờ đến cuối đời sẽ không ngủ nổi mất.
Triệu Mẫn thoáng đỏ mặt, nhưng nhớ mục đích chính của lần thương thuyêt này là phải nhận được tín vật của Hòa Thần giao lại, nếu không tất Lãng Nghệ không tin, sẽ nguy đên tính mạng của Tiểu Tình, Tiểu Phong mất. Nàng quay lại đám thủy thủ, cao giọng nói:
– Các ngươi mau cho thuyền quay lại Bạc Sa ngay! Ta là chủ nhân của các người, các người dám trái lời sao?
Đám thủy thủ nhăn nhó, chỉ tay về hướng Đại Ỷ Ty đang ung dung hóng gió ở mạn thuyền, nói:
– Chúng tôi đều bị phu nhân đầu độc, nếu không có thuốc giải định kỳ thì sẽ mất mạng ngay. Giờ quận chúa bảo chúng tôi trái lời bà ta thế nào được.
Triệu Mẫn quắc mắt, nói với Đại Ỷ Ty, giọng cay đắng:
– Đại Ỷ Ty, bao nhiêu năm rồi gặp lại, không ngờ bà vẫn nhẫn tâm như xưa, lại có thể dùng thủ đoạn hèn hạ này để ép đám thủy thủ vô tội đó!
Đại Ỷ Ty không thèm quay lại, nhơn nhơn đáp:
– Giang sơn năng cải, bản tính bất di. Ta vốn là một lão bà độc ác. Mấy thủ đoạn này thì có là gì. Triệu Mẫn, ngươi đừng quên là giờ ở trên thuyền này không có Vô Kỵ hay Hỏa Thần cứu ngươi đâu.
Triệu Mẫn thấy thái độ Đại Ỷ Ty rất mực ngang ngược, không thể nói lý được, nhưng trong lòng lo lắng đến phát sốt, cực chẳng đã đến phát khóc lên. Đại Ỷ Ty thấy nàng nước mắt lưng tròng, mắt đỏ như đỏ lệ, mặt tái nhợt vì lo lắng thì cũng không nỡ bức bách nàng thêm, bèn nói:
– Ngươi hồ đồ quá rồi! Chẳng lẽ lão bà bà ta lại để ngươi phải thiệt thòi khi ngươi đã cứu ta và con gái sao? Ngươi xem thứ gì đây.
Nói rồi Đại Ỷ Ty đưa ra một tấm thẻ bài Thánh Hỏa Lệnh. Triệu Mẫn thấy Thánh Hỏa Lệnh nhưng cũng không dám tin, hỏi lại:
– Thế này là sao? Đây là đồ giả sao?
Đại Ỷ Ty cười nửa miệng, nói:
– Đồ giả này ngươi có lấy Đồ Long Đao chém vạn lần cũng không sứt lấy một miếng. Đây chân chính là Thánh Hỏa Lệnh. Ngươi đừng quên Tiểu Chiêu là Thánh Nữ bản giáo, trong tay luôn có một tấm Thánh Hỏa Lệnh của giáo chủ. Ngày đó Hỏa Thần đảo chính nhưng cũng không thể tìm được tấm Thánh Hỏa Lệnh này vì ta đã kịp đưa Tiểu Chiêu tẩu thoát. Chỉ có bản thân lâm vào cảnh khốn đốn không ít.
Triệu Mẫn mừng rỡ nói:
– Vậy tốt rồi! Có tấm Thánh Hỏa Lệnh này không lo Lãng Nghệ sẽ không tin lời. Chúng ta có thể trở về Trung Thổ được rồi.
Đang nói, chợt nàng lại nghĩ ra điều gì, nhỏ giọng, áy náy hỏi:
– Nhưng nếu giao Thánh Hỏa Lệnh này cho Lãng Nghệ thì cũng không khác gì giao trứng vào tay ác. Hắn có thể dùng Thánh Hỏa Lệnh này để huy động giáo chúng Minh Giáo làm loạn thiên hạ mất.
Chợt có tiếng Tiểu Chiêu vang lên:
– Thánh Hỏa Lệnh này nếu không lệnh trực tiếp của Giáo Chủ hoặc Bảo Thụ Vương thì không có tác dụng hiệu triệu đâu. Lãng Nghệ hẳn chưa biết Hỏa Thần đã đảo chính, vẫn nghĩ là muội đang làm Thánh Nữ. Muội sẽ kiểm soát không cho hắn làm bừa, tỷ đừng lo.
Triệu Mẫn giật thót, nói:
– Lãng Nghệ là kẻ hiểm độc. Nếu như lời muội nói là đúng, nhất định hắn sẽ giữ lấy muội, lại bức bách muội đến khốn khổ đến mức phải làm theo lời hắn. Tỷ không thể để muội đi vào hung cảnh như thế được.
Tiểu Chiêu khoác tay mẹ, nói:
– Tỷ đừng lo. Có mẫu thân muội ở đây, không kẻ nào dám đụng vào muội đâu.
Đại Ỷ Ty mỉm cười xoa đầu con gái. Dù đã lớn rồi nhưng trong mắt Đại Ỷ Ty thì nàng vẫn là một tiểu nha đầu lúc nào cũng phải chăm sóc. Biết là con gái tin tưởng mình tuyệt đối, giao mạng cho mình nhưng ánh mắt bà vẫn thoáng có chút lo lắng. Triệu Mẫn là người tinh ý, thoáng đã nhận ra Đại Ỷ Ty không dám chắc mình có thể bảo hộ cho Tiểu Chiêu, vội nói:
– Tiểu Chiêu, quả thực chuyện này không thể được. Bắt tay cùng Lãng Nghệ còn có Độc Vương Điền Thái Tuế và Hoàng Nha Thử Cẩm Tý. Ta biết võ công Tử Sam Long Vương rất cao nhưng đối đầu với hai kẻ đó quả thực sẽ gặp bất lợi.
Tiểu Chiêu chưa kịp nói, Đại Ỷ Ty đã lên tiếng:
– Ngươi chớ quá lo lắng. Nếu không phải tình thế quá cấp bách, nhất định bọn chúng sẽ không dồn ép chúng ta đâu. Chúng ta lạt mềm buộc chặt, dùng hòa hoãn mà hãm lửa lớn, sẽ không bị nguy hiểm.
Tiểu Chiêu mỉm cười nói:
– Làm Thánh Nữ có điều hay là đã dạy muội không ít bản lĩnh đối phó với đám người lấy lợi làm đầu như Lãng Nghệ. Hơn nữa..
Nàng bước đến, cầm tay Triệu Mẫn, ân cần nói:
– Hơn nữa, nếu muội ở gần hắn, nhất định sẽ giúp tỷ dò la tung tích của công tử và hai con. Chưa biết chừng tỷ có thể tìm được công tử và cứu được Tiểu Tình, Tiểu Phong thì sao? Tỷ không cần phải tự gánh lấy chuyện khó nữa. Có muội và mẫu thân ở đây, nhất định sẽ san sẻ cùng tỷ.
Triệu Mẫn nghe mấy lời này, trong lòng cảm động khôn xiết, chỉ biết ôm lấy Tiểu Chiêu mà khóc. Nàng thầm thì:
– Cảm ơn muội..
Thuyền căng buồm no gió, lướt vùn vụt trên mặt biển xanh, để lại sau thuyền vệt sóng bạc trắng. Mũi thuyền hướng về phía mặt trời mà tiến, mang theo một hi vọng mới trở lại Trung Thổ..
* * *
Mùa đông năm trên Nga My Sơn quả thực lạnh hơn nhiều so với mọi năm. Tuyết rơi dày đến quét không kịp. Đệ tử Nga My sáng sớm dậy quét tuyết cho vãn khách tiện đường ghé thăm thì chỉ được tầm một canh giờ tiểu lộ đã chìm trong một màu trắng. Tiểu lộ năng được quét dọn còn vậy, huống chi cửa Vô Tâm Động quanh năm hiếm người lai vãng thì tuyết đã dày lấp cửa động, khiến Vĩnh Tình phải vận hết sức quét gạt mất gần nửa canh giờ mới thấy được đường vào động. Cô gọi vòng vào động, tiếng u u của động sâu nghe vang lại đến rợn người:
– Sư phụ! Có chuyện gấp ở đại sảnh! Sư phụ, người có ở trong động không?
Gọi khản cổ không nghe thấy tiếng ai trả lời, Vĩnh Tình lo lắng, đánh liều bước vào động. Trong động bình thường đã u ám, tiết trời đông ít nắng lại càng tối tăm. Vĩnh Tình dò theo vách động, run run tiến tới, trong đầu nghĩ đến không ít cảnh ma quỷ kinh dị chừng chờ cô tiến vào thêm là thò tay ra bắt mất. Nhưng lần này Nga My có việc hệ trọng, không thể không có sư phụ đứng ra xử lý, sư tỷ Tĩnh Huyền đã bảo vậy thì nhất định là đúng rồi. Vĩnh Tình chầm chậm tiến sâu vào động, vừa đi vừa gọi sư phụ, chỉ mong sư phụ nghe thấy mà đi ra ngay cho cô đỡ phải đi sâu thêm. Càng đi thì động càng hẹp lại, tiếng gió lùa qua khe hẹp nghe u u như tiếng ma khóc quỷ hờn. Vĩnh Tình sợ muốn khóc nhưng chân vẫn nhích dần từng bước lên. Lách người qua một khe động hẹp, thì bỗng thấy trước mắt chan hòa ánh sáng. Thì ra giữa động lại có một thiên tỉnh thông ra ngoài, ánh sáng theo đó mà chiếu rọi vào trong động, hắt lên lớp đá hoa cương lấp loáng sáng lòa. Giữa khoảng động đó, Chỉ Nhược đang tĩnh tọa, nhập thiền. Dưới ánh sáng lành lạnh, người nàng như phát sáng một thứ ánh sáng dìu dịu, nhưng rực rỡ. Vĩnh Tình thấy cảnh trước mắt quả thực đẹp đến choáng ngợp, nhất thời không dám lên tiếng gọi sư phụ, bèn nép sang một góc động, ngẩn người nhìn. Đột nhiên Chỉ Nhược từ từ đứng dậy, mắt vẫn nhắm, kiếm trong tay khẽ đưa ra phía trước. Kiếm trong tay không động nhưng dọc thân kiếm tự phát ra một luồng kình phong xoáy cuồn cuộn, mạnh đến mức hút gió tuyết từ bên ngoài ầm ầm kéo vào, kéo tà áo thiên thanh của nàng phất phơ theo từng đợt gió. Tuyết lả tả rơi, một bông tuyết khẽ chạm mũi kiếm, cũng là lúc kiếm rung lên lả lướt đâm về phía trước. Vĩnh Tình tuy còn nhỏ nhưng thấy kiếm pháp này của sư phụ toát ra một vẻ vô cùng bi ai. Từng chiêu, từng thế đều gợi cảm giác ly biệt bất trùng phùng, tựa như ngày mẹ chia tay cô ở Nga My Sơn vậy..
Biệt lai kỷ xuân vị hoàn gia
Ngọc song ngũ kiến anh đào hoa
Huống hữu cẩm tự thư,
Khai giam sử nhân ta.
Chỉ thử trường đoạn bỉ tâm tuyệt,
Vân hoàn lục mấn bãi sơ kết,
Sầu như hồi phiêu loạn bạch tuyết.
Khứ niên ký thư báo Dương Đài,
Kim niên ký thư trùng tương thôi.
Đông phong hề đông phong
Vị ngã xuy hành vân sử tây lai
Đãi lai cánh bất lai!
Lạc hoa tịch tịch uỷ thương đài.
Dịch:
Mấy xuân xa cách nhà chưa ghé
Ngoài song đào nở đã năm mùa
Thư gấm trao tay người ở lại
Hé mở từng hàng lệ xót xa
Đoạn trường, bi tâm đau ai thấu
Tóc thề chẳng màng, chải qua loa
Buồn như cơn gió tung tuyết trắng
Thư gửi Chương Đài đã vài năm
Năm nay lại lần thư giục giã
Gió đông thương người thổi mây bay
Ngóng người, người lại càng xa bóng
Rêu phủ, hoa rơi lạnh lòng ai..
Mười máy năm tịch mịch, một thân sớm tối nuôi con, hai vai vẫn nặng gánh chưởng môn, thời gian dần làm lửa trong lòng nàng nguội lạnh. Nếu không nguội lạnh, hẳn mắt nàng vẫn luôn đẫm lệ, sao có thể lưu được nụ cười nơi khóe miệng Vĩnh Niệm. Nếu không nguội lạnh, hẳn tóc nàng biếng chải, quần áo biếng chăm, sao có thể giữ được khí độ chưởng môn. Ngỡ mười mấy năm rồi không nhìn thấy người, giọng nói của Thiên Chí giờ nàng cũng không còn nhớ rõ, diện mục anh tuấn có nét phong sương của chàng cũng đã dần lu mờ, ngay cả những phút giây mặn nồng khi bên nhau cũng đã dần phôi phai. Thứ duy nhất còn lại trong lòng nàng là nỗi đau ly biệt. Số phận chưởng môn Nga My, dường như đã thành một dấu ấn của số phận rằng ai cũng chịu khổ vì chữ Tình, đời nào cũng truyền lại đến đời sau những bộ kiếm pháp tinh diệu nhưng nặng lòng người luyện. Ly Biệt Thích cũng từ nỗi đau âm ỉ nhưng sâu nặng đó mà được Chỉ Nhược sáng tạo ra.
Chỉ Nhược uyển chuyển đưa kiếm xoay một vòng cung lướt kiếm hất từ dưới lên, rồi xoay lấp loáng vương vấn theo thế người nghiêng ngả. Kiếm quang loang loáng tựa như một lớp vải bằng bạc phủ quanh người Chỉ Nhược. Khởi thủ thức của một bộ võ công, nếu không phải lấy lễ nghĩa làm tôn chỉ, tỏ ý ra chiêu thì cũng chính là nhân lúc bất ngờ mà tiên phát chế nhân, không mấy bộ võ công nào lấy phòng thủ để mở đầu. Chiêu Ái Biệt Ly Khổi lại chính là vậy. Nhớ lại lúc Thiên Chí ôm nàng từ biệt mà rời đi, hơi ấm ngày đó nồng nàn bao nhiêu thì cái lạnh để lại khi người ra đi lại lớn bấy nhiêu. Để giờ đây nàng ôm lấy nỗi đau đó, tưởng như nếu quên nỗi đau này thì sẽ chẳng còn lại gì chàng để nhớ. Kiếm chiêu theo tình mà xuất, vì thế mà đường kiếm nhất nhất đều lượn theo sát người, cẩn mật che chắn không có có điểm nào lọt. Khí kiếm cũng vì thế mà lạnh lẽo vô cùng, tưởng như nếu giọt nước nào chạm vào, bất kể là nước mắt hay mưa rơi, cũng đều có thể hóa tuyết mà rơi xuống.
Đang trong vòng kiếm quang loang loáng, kiếm chiêu bỗng xuất kỳ bất ý phóng ra. Lưỡi kiếm mang theo oán khí, khi xuất ra vừa nhanh vừa dứt khoát, lúc thu lại chầm chậm, uyển chuyển. Chiêu Ly Sầu Biệt Tự này chính là vậy. Ly biệt một người, oán cũng nhiều và thương lại càng nhiều. Muốn một chiêu có thể dứt khoát cắt đứt tâm tư lại không nỡ hạ thủ. Chiêu thức lúc nhanh lúc chậm, khi tiến lúc thoái không theo một nguyên lý phương vị nào, chỉ theo lòng người oán hận, day dắt bao nhiêu mà phát tiết khiến đối thủ khó lòng đoán biết được, Đến khi cảm nhận được nỗi đau của người xuất kiếm thì cũng là lúc trút hơi thở cuối cùng.
Vĩnh Tình thấy bộ pháp sư phụ sử dụng mỗi lúc một nhanh. Cô nhắm mắt lại tưởng như trong động tứ phía đều vang tiếng chân của sư phụ, tựa như che ô đứng giữa cơn mưa rào. Nhân sầu di ý cảnh sầu. Người lòng lạnh lẽo, ngoài kia mưa cũng như mang hận mà mau hạt, mây cũng mang nỗi sầu mà u ám bao phủ thiên thanh. Bộ pháp Chỉ Nhược ban đầu còn chậm rãi, sau nhanh dần, tiếng chân như mưa rơi uất hận, bóng người như mờ đi tựa ám vân giăng lối. Vĩnh Tình mở mắt nhìn chỉ thấy quanh động một bóng áo thiên thanh mờ ảo thoắt đến thoắt đi, chiêu Vũ Hận Vân Sầu theo đó mà đánh ra vừa bạo liệt đau khổ, lại vừa quỷ mị thê lương.
Qua một hồi kiếm chiêu dồn dập, Chỉ Nhược đã giảm cước lực, thu kiếm vào bao, đoạn chống xuống đất, tựa vào kiếm đứng dáng vẻ đầy khắc khoải, ngóng trông, tựa như người ở đó mà hồn đã phiêu du theo những hình ảnh êm đềm khi xưa. Ly Hồn Khứ Ảnh, hư vô chỉ kích. Chiêu này dùng cái tĩnh mà chợt động, dùng vẻ phiêu du mà đoạt mạng người. Chỉ thấy kiếm bất xuất mà rặng nhũ đá trước mặt bị chém qua rơi xuống ngọt lịm. Vốn kiếm trong vỏ chỉ là ảnh, tay xuất chỉ khí mới là cốt. Kiếm pháp Nga My được kết hợp nhuần nhuyễn với chỉ khí trong Cửu Âm Chân Kinh đã tạo ra ám chiêu này.
Chỉ khí chưa dừng, kiếm đã lại xuất. Khẽ nhún người, mượn bao kiếm làm điểm tựa mà nàng rút kiếm lăng không lược khởi, một chiêu Bá Lao Phi Yến từ trên không trung đánh tới. Toàn thân nàng lao vút xuống tựa như bóng chim yến lướt qua cửa, kiếm khí trùng trùng, kiếm chiêu thấp thoáng, chốc lát đã mười ba mũi kiếm đâm ra, chỉ có một chiêu là thực. Chim yến đến mùa lạnh đều về phương nam tránh rét, chỉ có những con chim lạc đôi mới ở lại khắc khoải đợi chờ. Yến bay đông bay tây, tuyệt vọng tìm kiếm mà chẳng thấy, đành lao lên tầng không rồi thả cánh đâm xuống đất mà tự tận. Chiêu này mượn ý tuyệt vọng mà xuất chiêu, tuy nhiều hư chiêu nhưng thực chiêu còn lại chính là liều mạng, mang theo oán khí rất lớn, uy lực vô cùng.
Kiếm đâm xuống đất nghe keeng một tiếng, kiếm cong lại như thân cây cung căng chờ nhả. Chỉ Nhược mượn lực kiếm mà xoay người trong không trung, kiếm theo vòng xoay mà chém tới liên miên bất đoạn. Kỳ lạ là kiếm chém liên hồi như vậy mà xung quanh không một tiếng động, không một chút gió lay. Chính là để sử chiêu này phải tụ lực ở cổ tay, tùy ý thu phát, để cho kiếm khí theo nhịp tay rung mà triệt tiêu, kiếm phong theo đường kiếm xao động mà tản mác. Chỉ Nhược ra chiêu trong im lặng, không gian tuyệt đối im lặng, chính là Ly Thế Tuyệt Tục. Khi nỗi tuyệt vọng đã đến cao trào, tự thân đã không còn muốn nhìn nhận thế gian mà ly khai tục thế, chỉ mong dùng sự tĩnh lặng mà làm dịu lòng mình.
Đời người là hữu hạn, dẫu có đau buồn thì cũng đến lúc phải Sinh Ly Tử Biệt, lúc đó dường như cả cuộc đời hỉ nộ ái ố đều trôi qua trước mắt trong giây lát. Chiêu cuối cùng của bộ Ly Biệt Thích, Sinh Ly Tử Biệt này chính là vậy. Chỉ Nhược chậm rãi bước đến phía trước ba bước, kiếm đã tra lại vào bao. Nàng nhẹ nhàng vươn tay ra phía trước tựa như ôm ấp lấy một hình ảnh phu quân nơi nào. Bất ngờ tay nàng vận kình, kiếm trong bao bay vút ra theo thuật Cách Không Khiển Vật, giây lát đã nằm gọn trong tay nàng. Kiếm vừa đến tay, Chỉ Nhược đã quay người, hướng kiếm vào người mà đâm ngược ra phía sau. Kiếm xuyên qua hông, đâm ngược vào bụng dưới của địch nhân, chính là mượn thế Đồng Quy Ư Tận để nói lời sinh ly tử biệt, kết lại cho mộ bộ kiếm pháp đau lòng.
Vĩnh Tình xem xong sư phụ đi bộ kiếm pháp Ly Biệt Thích, tuy còn nhỏ tuổi nhưng tự đã thấy được nỗi đau trong lòng sư phụ, vô thức rơi lệ lúc nào không hay. Hơi thở cô chỉ hơi nặng hơn một chút nhưng cũng đủ cho Chỉ Nhược nhận ra. Nàng quay phắt lại, gằn giọng hỏi:
– Ai?
Vĩnh Tình run run, nước mắt vẫn đầy mặt, bước ra thưa:
– Sư phụ! Là con, Vĩnh Tình đây ạ!
Chỉ Nhược thấy là Vĩnh Tình, thần thái mới hòa hoãn đôi chút. Vốn bộ kiếm pháp này nàng tự ngộ ra khi đang thanh tu nơi đây, vốn là nên buông bỏ thì ngược lại cảnh tĩnh mịch lại càng làm nàng nhớ đến nỗi đau ly biệt mà vô thức ra chiêu. Thế nên ít nhiều nàng cũng có phần ngại ngùng khi để đệ tử bắt gặp. Nàng hỏi:
– Vĩnh Tình, sao con lại đến đây? Chẳng phải sư phụ đã dặn là khi sư phụ thanh tu thì không ai được vào đó sao?
Vĩnh Tình lúc đó mới nhớ ra là mình đến đây vì có việc gấp cần báo sư phụ, vội nói:
– Sư phụ! Sư tỷ Tĩnh Huyền bảo con đi tìm sư phụ về chính điện ngay có việc hệ trọng. Việc không thể chậm trễ, mong sư phụ hồi bước.
Chỉ Nhược nhíu mày, nghĩ bụng:
– Tĩnh Huyền vốn là người rất cẩn trọng và tuân lời sư phụ, nếu không có việc gì tất không sai người đến tìm, quấy việc thanh tu của mình. Xem ra Nga My có biến chăng.
Nghĩ vậy nên Chỉ Nhược vội nói:
– Vĩnh Tình, chúng ta mau về thôi.
Hai người vừa bước ra ngoài cửa động thì thấy xung quanh cửa động đã đông đặc người, đều là quân lính Minh Triều chia nhau bao quanh tầng tầng lớp lớp. Nhìn thần thái của những người lính này thì xem ra công phu không tầm thường, nếu không phải cấm vệ quân thì tất là tinh binh tuyển chọn. Chỉ Nhược nhíu mày, ôm quyền hướng về bốn phía hỏi:
– Nga My Sơn trước nay không làm điều gì đắc tội triều đình, không hiểu sao hôm nay lại cử tinh binh bao vây tứ phía, muốn tỏ ý uy biển bản môn chăng?
Bất chợt vòng vây giãn ra, nhường lối cho một người bước vào. Người này dáng người rắn chắc, không quá cao lớn. Da nâu đầy sương gió, mặt rỗ lỗ chỗ hẳn là hậu quả của trận đầu mùa khi xưa. Tuy dáng người thô lậu vậy nhưng lại mặc hoàng bào, giữa ngực áo thêu song long chầu nhật nguyệt. Nếu không phải đương kim hoàng thượng thì sao kẻ nào dám mặc hoàng bào chứ. Trước mặt Chỉ Nhược là Minh Thái Tổ, chính là Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương khoan thai bước tới, nói:
– Chu chưởng môn, hôm nay quả nhân vi hành, thăm tình hình bá tính, tiện đường ghé qua Nga My Sơn. Nghe danh Nga My là một trong lục đại môn phái, quả nhân không kìm được hiếu kỳ mà ghé thăm đôi chút. Chu chưởng môn bất tất phải lo lắng.
Chỉ Nhược nhận ra trước mặt mình là đương kim hoàng thượng, vội quỳ xuống thi lễ:
– Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế! Thứ cho bần đạo không biết mà xuống núi đón tiếp, lại để hoàng thượng lên tận Vô Tâm Động thế này, quả thực ngàn lần đáng chết.
Chu Nguyên Chương nhìn đám cẩm y vệ, nói:
– Thôi, các ngươi lui đi. Ở đây đã có Chu chưởng môn bảo hộ cho ta, các ngươi không cần phải ở lại đây nữa.
Chu Chỉ Nhược nhiều năm đã không can dự vào truyện giang hồ nhưng danh tiếng của Nga My vẫn rất lớn, triều đình cũng nhiều người biết đến. Chưởng môn Nga My hiển nhiên võ công nức tiếng, tất bảo hộ được an toàn cho đương kim hoàng thượng. Thấy vậy nên đám người cẩm y vệ mới lặng lẽ rút lui xuống núi. Ở lại lúc đó chỉ còn Chu Nguyên Chương, Chỉ Nhược, Vĩnh Tình và Tĩnh Huyền. Chu Nguyên Chương nhìn ra khung quảnh Nga My Sơn trắng xóa một màu tuyết trắng, lốm đốm điểm mấy ánh đỏ của quả tuyết mai chín muộn, hít một hơi mà cảm khái:
– Nga My Sơn quả nhiên là tuyệt cảnh. Chu chưởng môn thanh tu ở nơi này hẳn ngộ ra được không ít võ công tuyệt diệu.
Chỉ Nhược giữ lễ, khiêm nhường nói:
– Bần đạo ở đây thanh tu nhiều năm nhưng võ công vẫn còn chưa được bằng người, quả thực hổ thẹn. Hoàng thượng quá gót ngọc đến nơi đây mà không cho người báo trước để bản môn có thể tiếp đãi chu đáo hơn. Tĩnh Huyền, con về báo các đệ tử mau quét tước toàn bộ môn phái, chuẩn bị cỗ chay, bố trí chỗ nghỉ ngơi cho hoàng thượng.
Tĩnh Huyền vâng mệnh sư phụ, dẫn theo Vĩnh Tình đi trước. Vĩnh Tình đi rồi vẫn ngoái lại nhìn, bắt gặp ánh mắt Chu Nguyên Chương đầy ấm áp nhìn theo, trong lòng không khỏi thắc mắc nhưng cũng không hỏi gì, chỉ cắm cúi đi theo sư tỷ về chính điện cho mau. Thấy hai đệ tử đi rồi, ở lại nơi này chỉ có mình và hoàng thượng cũng có chút bất tiện nên Chỉ Nhược nói:
– Hoàng thượng, nơi Vô Tâm Động này lạnh lẽo. Bần đạo mời hoàng thượng quá bộ về chính điện cho ấm áp rồi bần đạo sẽ từ từ hầu chuyện.
Chu Nguyên Chương gật gù đồng ý, mời Chỉ Nhược đi trước dẫn đường, bản thân mình chậm rãi theo sau. Trên đường, Chỉ Nhược luôn cảm thấy ánh mắt Chu Nguyên Chương không rời mình lấy một giây, dường như có gì muốn nói mà không thành câu. Thi thoảng nàng bất chợt quay lại, chỉ thấy Chu Nguyên Chương vẫn đang thư thái ngắm cảnh núi rừng. Điều kỳ lạ là dù Chu Nguyên Chương thân là tướng quân trải qua chiến tranh khổ ải, nhưng nếu đi đến Vô Tâm Động thế này, đường núi gập ghềnh, lên xuống lên tục mà không thấy hơi thở có chút nào đứt quãng, chứng tỏ nội lực không tầm thường. Lại xem chừng Chu Nguyên Chương rất thông thạo địa hình nơi đây. Đã mấy lần Chỉ Nhược thử bước qua hố băng mỏng, bị phủ bởi tuyết dày đặc mà thấy Chu Nguyên Chương lại biết mà bước chệch đi đôi chút, vừa ngay sát hố băng. Càng đi, trong lòng nàng càng dấy lên nỗi nghi hoặc. Đến khi không kìm được định quay lại hỏi thì Chu Nguyên Chương đã lên tiếng trước:
– Chu chưởng môn, ta lâu rồi không trở lại Nga My Sơn. Tối nay hãy để ta nghỉ lại tiểu phòng thứ ba ở dãy nhà ngang phía đông chính điện.
Chỉ Nhược nghe mà như sét đánh ngang tai. Không phải vì biết Chu Nguyên Chương sẽ nghỉ lại đây, mà vì căn phòng đó là phòng Thiên Chí nghỉ lại Nga My. Từ ngày chàng đi, Chỉ Nhược cho đóng cửa phòng đó, không cho ai lai vãng, chỉ có bản thân thi thoảng ghé qua quét tước dọn dẹp, an trí cho ấm hơi người. Nàng lúng túng nói:
– Hoàng thượng.. căn phòng đó.. căn phòng đó đã cũ rồi, không tiện cho người nghỉ lại. Để bần đạo sai đệ tử quét dọn một phòng lớn ở dãy khách phòng phía tây cho người nghỉ lại.
Chu Nguyên Chương mỉm cười, nói:
– Mỗi lần đến Nga My, ta đều nghỉ lại ở tiểu phòng đó. Chu chưởng môn, chẳng lẽ phòng đó giờ đã có ai nghỉ rồi sao?
Chỉ Nhược nghĩ mà đau lòng, không kìm được nước mắt, đành quay mặt đi mà nói:
– Không giấu gì hoàng thượng, phòng đó vốn là phòng của phu quân bần đạo. Chu Chỉ Nhược cao số, phu quân qua đời đã nhiều năm. Phòng đó tuy không ai ở nhưng cũng không tiện cho người khác ở.
Chu Nguyên Chương thở dài, im lặng hồi lâu rồi nói:
– Thôi được, vậy ta sẽ không nghỉ ở đó. Nhưng có thể cho ta ghé thăm phòng đó một chút được chăng? Dẫu sao cũng là cố nhân nơi đây, ta cũng có không ít kỷ niệm nơi đó.
Chỉ Nhược gật đầu đồng ý, nhưng hỏi thêm:
– Hoàng thượng, bần đạo hỏi điều này không rõ có mạo muội hay không, nếu có gì phật lòng mong hoàng thượng thứ tội. Bần đạo lên Nga My Sơn từ khi còn nhỏ, nhưng chưa từng nhớ hoàng thượng có lên Nga My Sơn khi nào, huống hồ lại nghỉ lại nơi khách phòng quen đó.
Chu Nguyên Chương cười nhẹ, chòm râu điểm bạc rung rung trái ngược với ánh mắt tinh anh, rất quen thuộc mà Chỉ Nhược đã từng thấy ở đâu đó rồi. Ông nói:
– Ta ở đây mà lại không ở đây. Ta đã đi dạo khắp Nga My Sơn này, từng nơi từng nơi đều rất quen thuộc mà lại không quen. Chuyện huyền bí trong thiên hạ rất nhiều, Chu chưởng môn đừng bận tâm.
Chỉ Nhược lặng im không nói gì, nhưng trong lòng vẫn bộn bề khúc mắc. Hai người im lặng từ đó đến lúc về đến tiểu phòng trái đông. Chu Nguyên Chương không để Chỉ Nhược mở cửa và tự mình đẩy cửa bước vào. Phòng tuy không có người ở nhưng chăn đệm đều thường được thay mới, vật dụng đều không có bụi, chứng tỏ thường được quét dọn. Chu Nguyên Chương nhìn tấm ngọc bội treo đầu giường, bất giác thấy sống mũi cay cay, mắt chợt hoe đỏ, trong lòng trào lên một nỗi xúc động vô cùng. Ông vội nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu để kìm lại cảm xúc trong mình, đột nhiên lại cảm thấy thiếu thiếu chút gì đó. Ông nhìn về phía nóc giường, hỏi:
– Nơi đây không còn để hoa Thục Quỳ nữa sao?
Lời vừa dứt thì cạnh cổ đã lạnh toát một lưỡi kiếm kề vào. Chỉ Nhược gằn giọng nói:
– Nói! Ngươi là ai? Sao dám giả dạng đương kim hoàng thượng đến đây bỡn cợt đạo nhân?
Chu Nguyên Chương từ từ quay người lại, nhìn sâu vào mắt Chỉ Nhược, bình tĩnh nói:
– Ngươi nói gì vậy? Ngươi có biết điều ngươi nói vừa rồi là khi quân phạm thượng, phải chịu chu di cửu tộc không?
Chỉ Nhược nước mắt lưng tròng, nuốt lệ vào miệng nói:
– Hoa Thục Quỳ trong phòng này chỉ có ta và phu quân biết! Hàng ngày chính tay ta xuống núi hái hoa Thục Quỳ phơi khô rồi để vào túi gấm nóc giường. Phu quân ta rất thích mùi hoa Thục Quỳ nhưng từ khi chàng ra đi, ta đã không còn để hoa nơi đó nữa. Đừng nói Chu Nguyên Chương, ngay cả đến đại đệ tử của ta cũng không biết chuyện này! Nói, ngươi có can hệ gì với phu quân ta?
Chu Nguyên Chương sững người, ánh mắt nâu sẫm thoáng lộ vẻ xúc động. Điều này cũng không qua được ánh mắt của Chỉ Nhược, khiến nàng vô cùng ngạc nhiên. Chu Nguyên Chương chỉ lặng lẽ nói:
– Ta.. ta có biết về Thiên Chí khi trước. Chuyện về hoa Thục Quỳ chính là y kể với ta.
Chỉ Nhược mím môi, quát lớn:
– Nói láo! Thiên Chí đời nào lại làm bạn với hoàng thượng cơ chứ! Hôm nay xem ra ta phải dạy ngươi một bài học thì ngươi mới nói chăng?
Nói rồi nàng định một kiếm thị uy thì tay Chu Nguyên Chương nhanh như chớp đã búng một chỉ vào sống kiếm. Tay nàng tự thấy như một có luồng xung lực rất mạnh truyền đến, khiến hổ khẩu tê chồn, không kìm được mà phải buông kiếm. Nhưng chương môn Nga My đâu chỉ có hư danh. Kiếm chưa kịp rơi xuống đất thì chân đã khẽ gạt đá lên, tay khẽ đảo qua đã lại nắm chặt kiếm trong tay, hư hư ảo ảo xuất một chiêu Tam Nga Tế Nguyệt đánh tới. Lưỡi kiếm từ một hóa thành ba, từ ba hướng đánh đến, một chém, một quét, một đâm, khiến kẻ địch không biết đường nào mà chống đỡ. Chỉ thấy Chu Nguyên Chương không hề nao núng, tiến nhanh một bước, tay xuất ra cũng đủ ba lộ quyền, chưởng, chỉ chống lại. So với cương kiếm trong tay của Chỉ Nhược, song thủ của Chu Nguyên Chương xem ra còn biến hóa lợi hại hơn nhiều. Chỉ Nhược giật mình, nghĩ bụng:
– Thiên Thủ Hóa Pháp? Sao hắn ta lại biết được tuyệt kỹ của Băng Tâm tiền bối?
Song thủ của Chu Nguyên Chương khi tung quyền thì lực đi cương mãnh như chùy giáng, chưởng đánh ra khí phách như bài sơn đảo hải, nội lực hùng hậu vô cùng. Chỉ Nhược thấy vậy không dám coi thường, bèn hóa chiêu, sử ngay bộ Ly Biệt Thích mới sáng tạo ra ứng chiêu. Không để cho Chu Nguyên Chương kịp hóa chiêu, Chỉ Nhược xuất ngay chiêu Vũ Hận Vân Sầu, chớp mắt người đã hóa thành một vệt mờ khi hiện khi ẩn, tiếng bước chân vang vọng khắp tiểu phòng. Chu Nguyên Chương thấy chiêu thức này hư hư thực thực khó lường, không dám vọng động, bèn cẩn mật thủ thế. Quả nhiên trong sát na kiếm đã dồn ra như vũ bão, liên tục đánh đến như mưa rào. Từng chiêu từng chiêu đều dồn oán khí trong đó, sát lực phi thường. Chu Nguyên Chương đành lấy trọng địch khinh, lấy ít địch nhiều, búng người lùi lại về góc phòng rồi vận khí vào hai tay, vỗ mạnh vào nhau. Chiêu này chính là Kim Chung Lôi Động, tuy uy lực không lớn như Sư Tử Hống nhưng nếu người dùng nội lực cao thâm cũng khiến địch nhân chấn động tâm thần, choáng váng trong chốc lát. Hai tay ông vỗ nghe ầm một tiếng, nội lực bị ép lại mà bùng nổ tựa như một cơn lôi chấn giáng ngay giữa tiểu phòng. Kiếm của Chỉ Nhược chưa đâm đến đã bị nội kình ép đến chệch hướng. Nhưng xem ra Chỉ Nhược đã có dự tính, nhanh chóng hoàn kiếm rồi nhào người lộn một vòng dưới đất, chớp mắt đã đột nhập vào vùng hạ bàn của Chu Nguyên Chương. Nàng quay người, sử chiêu cuối cùng Sinh Ly Tử Biệt, đảo kiếm đâm ngược sượt qua hông nhằm bụng dưới Chu Nguyên Chương đâm đến. Quả nhiên chiêu này khiến Chu Nguyên Chương bất ngờ, chỉ kịp lách người thoát cửa tử. Kiếm tuy vậy cũng đã đâm vào đùi, máu vọt tuôn từng dòng lớn. Chỉ Nhược thấy chiêu này không đoạt mạng người thì tất mình sẽ thiệt mạng, than thầm xem ra hôm nay đến số rồi thì bỗng thấy Chu Nguyên Chương lấy tay ôm lấy nàng từ phía sau. Cái ôm này sau quen thuộc quá.. Nàng ngỡ ngàng ngoảnh đầu lại nhìn thì bắt gặp ánh mắt nâu sẫm của Chu Nguyên Chương nhìn nàng đầy âu yếm, nhưng cũng đầy vẻ bi thương. Ánh mắt đó chẳng phải là Thiên Chí vẫn nhìn nàng khi xưa khi chàng theo nàng đến tận rừng trúc đó sao? Ngày đó chàng yêu nàng da diết mà sợ nàng vẫn còn tình cảm với Vô Kỵ nên chỉ lặng lẽ theo đuổi nàng, ánh mắt chàng nhìn nàng lúc đó cũng như bây giờ. Chỉ Nhược ngỡ ngàng buông kiếm, đặt tay lên mặt Chu Nguyên Chương, lắp bắp:
– Thiên.. Thiên Chí?
Chu Nguyên Chương lắc đầu, đỡ nàng đứng dậy rồi tự điểm huyệt cầm máu, lại nhanh tay điểm huyệt nàng, rồi lặng lẽ lê từng bước rời khỏi tiểu phòng. Chỉ Nhược thấy người mình như hóa đá, chỉ biết khóc mà gọi:
– Thiên Chí! Thiên Chí!
Bóng Chu Nguyên Chương đã khuất sau cánh cửa, để lại bên thềm đá xanh sạch bóng những giọt nước nhỏ lấm tấm. Người rời đi được một lúc, trời đã đổ cơn mưa, xóa đi những giọt nước đó, nhưng không xóa được nhũng giọt lệ trên mặt Chỉ Nhược vẫn đang khóc lặng trong tiểu phòng..