Sống Như Hoa Mùa Hạ

Chương 4: Thời kì nổi loạn



Tác giả: Lạc Nguyệt Thiển

Edit + Beta: Phô Mai Chi

3. THỜI KÌ NỔI LOẠN

Tuần học đầu tiên đã trôi qua, việc học cũng dần trở nên nặng hơn. So với trước đây thì bài tập về nhà và bài kiểm tra nhiều hơn đáng kể, dường như đây chính là cái giá phải trả cho sự trưởng thành.

Quý Nghiễn không còn để ý tới chuyện của Hướng Dương nữa, ngày nào cậu cũng có một bài kiểm tra trắc nghiệm, sau khi về nhà ngoại trừ việc ôn lại bài còn có một đống bài tập về nhà phải làm. Trong mắt hàng xóm láng giềng, Quý Nghiễn là một cậu bé ngoan, không chỉ ngoan ngoãn mà còn nghe lời bố mẹ nên việc cậu phải tự giác học hành là lẽ đương nhiên, không thể để phụ huynh nhọc lòng. Nhưng có mình cậu biết bản thân ghét làm bài tập về nhà đến mức nào, chỉ là cậu không thể hiện ra ngoài mà thôi.

Mọi người đều nói rằng trẻ con sau mười tuổi sẽ bước vào thời kì nổi loạn, sẽ ngỗ ngược với cha mẹ và bắt đầu hư đốn, vì vậy càng phải dạy dỗ nghiêm khắc hơn nữa. Từ nhỏ Quý Nghiễn đã nghe người lớn nói thế trước mặt trẻ con một cách huỵch toẹt, hệt như đang truyền đạt bí quyết nào đó, từng lời nói hết sức rõ ràng và mạch lạc. Quý Nghiễn cười thầm bọn họ trong lòng, người lớn ai cũng cho rằng trẻ con chẳng biết gì, nào ngờ càng nói vậy sẽ càng kích thích tâm lí nổi loạn của lũ trẻ.

Thật ra Quý Nghiễn cũng muốn nổi loạn nhưng sự nổi loạn của cậu có thể không giống những người khác, cậu chỉ chán ghét bản thân mình ‘ngoan ngoãn’, cậu không thích lúc nào người ta cũng nói mình rất vâng lời. Quý Nghiễn đã ngoan từ nhỏ tới lớn như thể được gán mác là thế, khiến cậu phải đi theo con đường này suốt đời nhưng chỉ có điều cậu muốn được là chính mình mà thôi.

Trên thực tế Quý Nghiễn đã từng nổi loạn đôi chút, chẳng qua chưa làm nên trò trống gì đã thất bại. Vào năm lớp 5 tiểu học, có một khoảng thời gian cậu không hề thích làm bài tập về nhà tí nào vì cậu cảm thấy việc đó quá lãng phí thời gian. Chính vì vậy Quý Nghiễn muốn biết không làm bài tập về nhà là như thế nào, nhưng giáo viên chủ nhiệm của cậu lại đặc biệt chú trọng bài vở của học sinh nên đã gọi điện trực tiếp để trao đổi với phụ huynh cậu.

Khi ấy Quý Nghiễn không biết chuyện này, lúc đi học về, mẹ đã đợi cậu trong phòng khách với dáng vẻ sắp mắng cậu đến nơi. Vừa thấy Quý Nghiễn, Lâm Nguyệt Cầm lập tức quát to: “Giáo viên gọi điện thoại tới nói mày không làm bài tập về nhà. Tại sao mày không làm bài tập?”

Quý Nghiễn đứng ngoài huyền quan, ngay cả giày cũng chưa kịp cởi mà đã bị mẹ dọa đến mức sợ sệt. Cậu mấp máy miệng muốn cố gắng giải thích: “Con…”

Nhưng Lâm Nguyệt Cầm nào cho cậu cơ hội này, bà lại tiếp tục mắng xối xả: “Bố mẹ kiếm tiền nuôi mày vất vả như thế mà sao mày không biết phải ngoan ngoãn chút nào hết. Lúc mẹ còn nhỏ nhà nghèo rớt mồng tơi, có muốn học cũng đành chịu, mày thì lại chẳng biết quý trọng gì cả… Cả lớp có hai mươi mấy bạn, giáo viên chỉ gọi điện riêng cho nhà mình, mày thế này làm mẹ cảm thấy xấu mặt lắm ấy… Thôi chết mày rồi, tao phải nói với bố mày mới được.”

Quý Nghiễn im bặt ngay tức khắc. Cậu ngơ ngơ ngác ngác vì bị mắng. Cậu thừa nhận không làm bài tập về nhà là lỗi của mình nhưng mẹ cậu thậm chí còn không nghe cậu nói một câu nào, cứ như cậu đã phạm sai lầm tày trời vậy.

Quý Nghiễn rất sợ bố vì bố cậu rất hung dữ, lúc dữ dằn trông đáng sợ khủng khiếp, không chỉ bảo cậu đứng tấn mà còn cầm gậy tre đánh cậu.

Ở vùng quê này trẻ con nhà nào cũng từng bị ăn gậy tre, đánh con cái đã là chuyện thường tình ở huyện nhưng Quý Nghiễn rất ít khi bị đánh vì hầu như cậu không chọc bố mẹ nổi trận lôi đình bao giờ. Thật ra đến bây giờ Quý Nghiễn vẫn không hiểu, trước đó mình đã ngoan ngoãn lâu như vậy nhưng lần mắc lỗi ấy dường như đã bù trừ cho tất cả.

Trước bữa tối, bố Quý Nghiễn đã về nhà. Quý Thu Viễn là một công nhân làm việc trong nhà máy chế biến thực phẩm ngoài làng. Ở nông thôn không có cơ hội việc làm, nếu có thể làm việc ở đó, dù lương không cao nhưng ưu điểm là cố định, dịp lễ tết nào cũng có quà và cả tiền thưởng cuối năm thì được người dân trong làng gọi là công ăn việc làm ổn định. Quý Thu Viễn chỉ tốt nghiệp cấp hai, khi ấy có thể làm việc ở nhà máy này là nhờ người ta giới thiệu vào. Cũng chính vì vậy mà ban đầu Lâm Nguyệt Cầm mới lấy ông, ít nhất cũng không lo cơm ăn áo mặc.

Quý Thu Viễn biết chuyện Quý Nghiễn không làm bài tập về nhà cũng không hề thích chút nào. Ông dạy bảo Quý Nghiễn với những câu từ y hệt của Lâm Nguyệt Cầm nhưng đổi lại cách nói: “Mày không học bài cũng không làm bài tập về nhà, sau này muốn làm công nhân giống tao à? Lao động chân tay vất vả lắm, đâu phải mày không biết. Những gì mày muốn làm thì chưa chắc người ta đã cần mày. Bảo mày chăm chỉ học hành là vì tốt cho mày, đừng có mà không biết điều, bây giờ mày thấy ghét nhưng về sau mày sẽ phải cảm ơn bố mẹ thôi.”

Quý Nghiễn không có ý định phản bác. Cậu không hiểu, cậu chỉ không làm bài tập về nhà vài lần thôi đã bị bố mẹ nói thành vô ơn và không có chí tiến thủ.

Thảo nào ai ai cũng nói giữa cha mẹ và con cái có sự khác biệt thế hệ, Quý Nghiễn từ bỏ bàn luận, không phải cậu sợ bị đánh hay mắng mà là không thích nghe bố mẹ nói những lời như vậy. Từng câu từng chữ nghe có vẻ giống như tất cả đều vì tốt cho mày nhưng chẳng qua là đang đặt kì vọng của bản thân vào con cái, nghĩ con cái nhất định phải thích những điều bản thân không thích như một lẽ đương nhiên, bởi vì đây cũng là vì tốt cho mày.

Ngày hôm ấy Quý Nghiễn vẫn ăn đòn, bị đánh rất đau nhưng cậu không khóc. Cậu nghĩ thầm trong lòng rằng lớn lên nhất quyết không được giống bố mẹ mình.

Sau lần đó Quý Nghiễn đã ngoan trở lại. Bởi sự nổi loạn của cậu không đạt được sự trao đổi thiện chí, đồng thời cậu cũng nhận ra hành vi đó của mình thực sự khá nhàm chán.

Lúc đầu bố mẹ còn để mắt tới cậu, kiểm tra bài vở của cậu, sợ có phải cậu kết thân với bạn xấu hay không. Sau một thời gian quan sát, cuối cùng bố mẹ cậu cũng yên tâm, thấy Quý Nghiễn chỉ nhất thời nghĩ không thông, con nhà bọn họ thì tự bọn họ biết thời kì nổi loạn đã tới rồi. Dường như bốn chữ này cũng đủ để giải thích mọi vấn đề, không cần phải tìm tòi và nghiên cứu nguyên nhân sâu xa hơn.

Vì vậy Quý Nghiễn hoàn toàn không có cơ hội đổ đốn, vẫn một mực ngoan ngoãn như thế đến khi lên cấp hai.

Bây giờ Quý Nghiễn vẫn không thích bài tập về nhà và bài kiểm tra nhưng cậu hiểu đó là những thứ không thể tránh thoát, mọi người ai cũng vậy. Cậu chỉ coi như hoàn thành nhiệm vụ, làm tốt những chuyện cần phải làm.

Ngày đó Quý Nghiễn tan học, chiếc bút hay dùng đã hết mực nên cậu tới cửa hàng văn phòng phẩm, về đến nhà hơi muộn một chút, không ngờ lại gặp được hai mẹ con Hướng Dương trước cửa nhà.

Quý Nghiễn biết mẹ Hướng Dương sẽ đến trường đón hắn muộn hơn một chút, lí do cũng tương tự – không muốn để người khác trông thấy.

Quý Nghiễn thường tránh những khoảng thời gian như vậy để hai bên không quá xấu hổ nhưng hôm nay cậu quên mất, chạm mặt đúng lúc này. Quý Nghiễn cố tỏ ra thản nhiên, chào hỏi: “Cô ạ.”

Không ngờ mẹ Hướng Dương lại không tránh như trước nữa mà cười với cậu trông có vẻ ân cần và niềm nở: “Quý Nghiễn đấy à, sao giờ mới về nhà vậy?”

Tuy mẹ Hướng Dương đã bước vào độ tuổi trung niên nhưng khi nở nụ cười vẫn rất đẹp, lớp trang điểm trên khuôn mặt bà cũng hết sức tỉ mỉ, dường như tâm trạng đang cực kì tốt.

Sự tương phản trước và sau của người phụ nữ trung niên hơi lớn khiến Quý Nghiễn ngẩn người trong chốc lát sau đó ngoan ngoãn đáp lại: “Cháu đi mua bút ạ…”

Mẹ Hướng Dương cười gật đầu: “Chịu khó thật đấy, vậy tạm biệt nhé.”

“Chào cô ạ.”

Quý Nghiễn nhìn người phụ nữ trung niên kéo Hướng Dương vào nhà như thể vừa đổi tính nóng vội trước kia của mình. Nhưng thái độ của Hướng Dương vẫn y nguyên chẳng hề thay đổi, rõ ràng là thấy cậu nhưng lại không nhận ra.

Quý Nghiễn hoàn toàn không lần được manh mối. Không biết tại sao chỉ mới một tuần mà thái độ của mẹ Hướng Dương đã khác một trời một vực.

Lúc ăn tối, cuối cùng Quý Nghiễn cũng biết lí do tại sao.

Trên bàn ăn, bố mẹ cậu đang tám chuyện về nhà đối diện. Lâm Nguyệt Cầm rất thân với những người hàng xóm quanh đây, hầu hết chuyện lớn chuyện nhỏ đều biết cả, nói chuyện về láng giềng dường như đã trở thành thói quen hàng ngày của bà: “Hình như nhà Lệ Liên định sinh đứa nữa thật, buổi sáng đi chợ gặp bác Ngô, bả nói mấy ngày trước Lệ Liên lén tìm bả xin đơn thuốc.”

Lệ Liên chính là mẹ của Hướng Dương, họ Lý. Trong thế hệ của cha mẹ thì đây là một cái tên con nhà khuê các.

Lý Lệ Liên gả tới đây, nghe nói xuất thân khá tốt. Bố Hướng Dương kinh doanh bên ngoài, tình cờ quen biết mẹ Hướng Dương và định cư ở đây sau khi kết hôn. Khi còn trẻ, tình cảm đôi vợ chồng vô cùng đằm thắm khiến người khác ghen tị nhưng kể từ khi Hướng Dương ra đời thì mọi thứ đã dần khác xưa.

Quý Thu Viễn là đàn ông nên thật sự không quá hứng thú với những chuyện phiếm này. Nhưng có lẽ do thói quen, nếu Lâm Nguyệt Cầm muốn nói thì ông cũng không ngại lắng nghe, bèn hỏi: “Đơn thuốc gì?”

“Thuốc sinh con trai con gái ấy.” Lâm Nguyệt Cầm đáp lại với nụ cười bí ẩn, “Bác Ngô nói là gia truyền nhà bọn họ, nhiều người tìm bả xin lắm, thử lần nào là dính lần đấy.”

Quý Thu Viễn không có bất cứ cảm tưởng nào về chuyện này, chỉ cảm thán: “Hướng Dương đã lớn vậy rồi…”

“Chính vì thế nên vợ chồng bọn họ mới muốn mau mau sinh con nhân lúc vẫn còn sinh được… Mặc dù Hướng Dương như thế… Ầy, nhưng vợ chồng bọn họ về già vẫn phải có chỗ nương tựa chứ…”

Quý Nghiễn lặng lẽ ăn cơm của mình, nghe bố mẹ bàn chuyện nhà người khác.

Cậu nghĩ đến lúc chập tối gặp được hai mẹ con họ trước cửa nhà, vậy nên hôm nay mẹ Hướng Dương mới vui thế sao?

Mặc dù Quý Nghiễn không thể quản chuyện nhà người khác nhưng lại không khỏi thở dài khi chợt nghĩ đến hồi chiều nhìn thấy dáng vẻ hờ hững và lặng yên của Hướng Dương.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.