“Anh cũng có hả?” Lan Hà hỏi.
“Có chớ.” Trình Hải Đông xắn ống áo lên, để lộ dây ngũ sắc, “Anh đại còn bảo anh đã có bùa bình an cầu ở chùa Giác Tuệ, vả lại lần trước đi, anh cũng rung chuông cầu phúc ở chùa rồi. Nhưng anh vẫn nghĩ với cái kiểu người được chọn như anh ấy à, có nhiều đồ bảo vệ vẫn cứ là tốt hơn.”
— Bẵng đi một khoảng thời gian ngắn, tâm trạng Trình Hải Đông đã trở lại bình thường, thậm chí còn xem chuyện gặp quỷ như đầu đề xạo quần sau khi uống rượu, có khoảng không dưới mười bàn người đã nghe “sự tích” của anh ta rồi.
“Lần sau chú phải chứng minh giúp anh đó. Hôm nay anh kể vụ này với biên kịch Ngô để bảo chị ấy làm tài liệu sống, chị ấy còn chê anh bốc phét.” Trình Hải Đông nói. Biên kịch Ngô anh ta nhắc tới là biên kịch Ngô Linh của bộ phim này, vì Liễu Thuần Dương thi thoảng nảy ý tưởng mới nên chị vẫn ở trường quay.
Lan Hà: “Anh lại kể chuyện Lam Bạch Vô Thường với người khác à? Chả ai đi tin anh đâu…”
Trình Hải Đông bướng bỉnh ưỡn người: “Anh cóc thèm quan tâm… Ối.”
Anh ta dùng sức quá đà thành thử đau eo.
Trình Hải Đông là quay phim Steadicam*, thiết bị rất nặng, người thường vác suốt một ca là eo sẽ khó chịu, huống chi là người làm công việc với trách nhiệm cao như anh ta.
(*Steadicam là một dạng thiết bị cân bằng cơ học được phát minh vào năm 1976 bởi Garrett Brown. Người ta sử dụng nó để quay những thước quay chuyển động một cách trôi chảy quanh nhân vật hay đối tượng.)
“Chết chết, đi mua mấy miếng dán giảm đau hộ anh với, eo anh xong đời rồi.” Trình Hải Đông nói với Lan Hà.
Hai lần quay tới sẽ không có cảnh của Lan Hà, trong khi Trình Hải Đông lại khác. Anh ta chỉ nghỉ ngơi ngắn rồi lại phải làm việc ngay, đúng là không rảnh để tự đi mua miếng dán giảm đau thật.
“Vâng.” Lan Hà đáp, đoạn đi ra ngoài.
Trong phim trường không thiếu cửa hàng, Lan Hà đương tìm miếng dán giảm đau thì nghe tiếng hai cô gái nói chuyện:
“… Cái đạo cụ đó là cố tình mua theo nguyên tác, lúc đó có mua mấy cái dự phòng luôn. Tuy chẳng phải đồ cổ nhưng hình như cũng đã lâu đời rồi, có rẻ rúng gì đâu, những mấy nghìn tệ.”
“Ừ, nên bây giờ ai cũng kháo nhau nghe con quỷ kia là nhã quỷ*, nó đến đây vì cái nghiên mực tốt kia.”
(*Ý chỉ quỷ thích văn vẻ các thứ. Nhã trong văn nhã, nhã nhặn.)
“Nhưng khi trước đã quay nhiều cảnh có nghiên mực rồi mà. Làm sao đây nhỉ, phải quay lại hết một lượt ư?”
“Bó tay rồi… Vẫn chưa tìm ra cái bị mất đang ở đâu nữa. Mà cũng chẳng biết có phải ngừng quay không, hình như vẫn đang bàn bạc.”
Lan Hà nghĩ có lẽ các cô là người đoàn phim cách vách gặp chuyện ma quái trong lời đồn nọ, cũng coi như vô tình giải vây giúp anh. Nhưng Lan Hà không chõ mũi vào, chỉ yên lặng lấy đồ, thanh toán rồi về.
Trên đường Lan Hà về trường quay bèn thấy biên kịch Ngô Linh từ xa, bên người chị có một cô gái mặt mộc.
Còn Trình Hải Đông thì tranh thủ bắt chuyện với Ngô Linh lúc đạo diễn đang diễn giải cảnh quay cho diễn viên: “Chị Ngô ơi, chị xem này, Lan Hà đã về rồi, không tin chị cứ hỏi cậu ấy xem có phải hồi trước em từng gặp quỷ không!”
“Biên kịch Ngô.” Lan Hà và Ngô Linh chào nhau. Anh không biết cô gái bên cạnh Ngô Linh, chỉ thấy quen quen, chắc cũng là một nhân viên của đoàn phim nên gật đầu đầy thiện chí, cô gái kia cũng nhìn anh nhoẻn miệng cười.
Ngô Linh buồn cười: “Không phải chị không tin mà thấy phiên bản của cậu nghe trật lất quá.”
Trình Hải Đông hỏi: “Trật là trật thế nào được? Biên kịch Ngô à, em hỏi chị, chị có biết Nữ Oa vá trời như thế nào không?”
Ngô Linh chẳng cần nghĩ gì: “Dùng đá ngũ sắc chứ sao.”
Trình Hài Đông lắc ngón tay, “Em có một người bạn dân Bắc kể, truyền thuyết trong thôn họ lại là góc Đông Bắc bị thủng nên Nữ Oa nương nương bèn cắm băng vào, cho nên Đông Bắc mới rét mướt như vậy, một trận gió Đông Bắc cũng lạnh run cả người.”
Ngô Linh: “…”
Những người khác: “…”
Ngô Linh có hơi bị thuyết phục thật: “Cũng có lí, sẽ có vài nơi có một vài phiên bản dân gian mang đặc điểm địa phương đó. Nhưng quả thật là chị chưa bao giờ nghe Nữ Oa vá trời bằng băng, cũng chưa bao giờ nghe trên mũ Vô Thường viết ‘Đến cũng đến rồi’ cả. Thường thì trong dân gian có hai cách nói, trên mũ Hắc Bạch Vô Thường viết ‘Gặp là phát tài’ và ‘Thiên hạ thái bình’, hoặc ‘Ngươi cũng đến rồi’ và ‘Đang bắt ngươi đấy’…”
Chị ngẫm lại bèn thấy khá là hài hước: “Nếu có một Vô Thường viết ‘Đến cũng đến rồi’ thì Vô Thường còn lại sẽ viết gì? ‘Ra vào bình an’? ‘Nhãi con còn non’?”
Chị nhìn xung quanh một vòng, đoạn nhìn vào mắt Lan Hà tìm kiếm sự tán thành của anh.
Đương nhiên Lan Hà cũng quẳng lại một ánh mắt khẳng định rồi: “Đúng ạ!”
“Không đúng!” Đôi mắt cô gái đang đứng im bên cạnh bỗng trợn lên, “Chị Ngô, có ‘Đến cũng đến rồi’ thật mà!”
“… Hả?” Ngô Linh ngớ người, “Em nói gì cơ?”
“Chị Ngô, chị tin em đi.” Cô gái nọ nói một cách nghiêm túc, “Có ‘Đến cũng đến rồi’ thật đấy chị. Tháng trước em đi diễn, bạn diễn và em diễn xong bèn gặp phải mấy thứ bẩn thỉu đó tìm bọn em diễn. Sau đó có một quỷ sai đến, trên mũ viết ‘Đến cũng đến rồi’ và thả bọn em về.”
Nói xong, cô cũng nhìn xung quanh, đoạn nhìn Lan Hà chằm chằm nhằm tìm kiếm sự tán thành.
Lan Hà: “…”
Thảo nào anh cứ nhìn cô gái này quen quen!
Hóa ra không phải người trong đoàn mà là diễn viên Xuyên kịch hồi trước gặp phải, giờ tẩy trang nên không nhận ra nổi.
Thật ra, vì có hai cảnh diễn cần diễn viên Xuyên kịch nên đoàn phim cố tình mời người trong nghề đến. Ngô Linh vừa khéo quen Mộng Tinh nên tìm cô tới, bây giờ vẫn chưa trang điểm, đứng nói chuyện với nhau.
Mộng Tinh không nhận ra Lan Hà. Lúc đó cô nào dám nhìn thẳng mặt Vô Thường, dù có nhìn cũng chỉ thấy mỗi mắt, Lan Hà đeo khẩu trang mà.
“Ôi thần linh ơi, này cô gái xinh đẹp, cô cũng từng gặp quỷ sai rồi?” Trình Hải Đông kích động như gặp người thân, “Tốt quá, tôi bị oan lâu lắm rồi! Tôi đã bảo mà, quỷ sai có viết dòng chữ đó, nhưng họ toàn tưởng tôi ba xạo thôi.”
“Vậy hả…” Ngô Linh vốn cảm thấy cách nói của Trình Hải Đông quá hài hước, nhưng ví dụ Trình Hải Đông đưa ra làm chị nửa tin nửa ngờ, bây giờ đến cả Mộng Tinh không hề quen biết Trình Hải Đông cũng nói vậy, còn tự xưng là trải nghiệm thật sự, thành thử cũng đáng suy ngẫm phết.
“Khá là thú vị đây, chị phải đi hỏi thêm một vài người nữa… Thật ra cách nói này lôi cuốn hơn hai cái kia!” Ngô Linh càng nói càng hưng phấn, “Đúng là Vô Thường này thú vị hơn mấy phần thật.”
Lan Hà thấy hơi cạn lời, đừng bảo từ nay về sau sẽ sinh ra một truyền thuyết mới nhé…
Lúc này, Liễu Thuần Dương hô một tiếng, Trình Hải Đông lại lủi về vị trí của mình, chuẩn bị quay. Mộng Tinh cũng phải chuẩn bị trang điểm.
Ngô Linh ghi lại lời Mộng Tinh vừa nói vào điện thoại.
Lan Hà hỏi một câu: “Biên kịch Ngô này, lần tới chị chuẩn bị viết một kịch bản quỷ thần à?”
“Phải, chị muốn viết một bộ thần quái series riêng* nên đang sưu tầm tài liệu thực tế ở các nơi. Đúng rồi, Lan Hà à, chị nghe quay phim chính bảo ông nội em mở cửa hàng bán đồ hàng mã, em có trải nghiệm giông giống nào không?” Ngô Linh hỏi.
(*Ý ở đây là series mà các tập không liên quan đến nhau.)
“Ờm… Chuyện này ấy à, tin thì có mà không tin thì không có.” Lan Hà úp mở, “Em chỉ biết một vài điều kiêng kị của lớp người xưa thôi, để em kể chị cho.”
“Được được.” Thật ra Ngô Linh chẳng có hứng mấy về việc rốt cuộc trên thế giới này có quỷ hay không. Nếu có, chị chỉ muốn biết câu chuyện của con quỷ đó có đặc sắc không, bối cảnh có li kì không.
Lan Hà vừa nhớ lại vừa kể: “Kiểu như cây kéo chúng em dùng để làm đồ vàng mã không được mang tới nhà người khác, sẽ là xui rủi…”
Lan Hà kể một vài thứ mình biết về phong tục tập quán của dân tộc cho Ngô Linh nghe. Ngô Linh ghi lại xong bèn bất giác lẩm bẩm: “Cũng không mấy ai biết ‘Đến cũng đến rồi’ nhỉ.”
Lan Hà: “Khó mà nói ạ.”
… Cái này phải xem sau này em sẽ gặp thêm bao nhiêu người sống nữa.
.
Mỗi ngày đoàn phim quay chừng mười mấy tiếng, thi thoảng giữa đó không có cảnh diễn của mình thì Lan Hà có thể nghỉ ngơi được một lát. Anh tan làm đi về, lại phải tắm rửa chuẩn bị cảnh ngày mai.
Tối nay trông Lan Hà mệt đứ đừ, anh đi ra khỏi phòng toan mua đồ uống ở máy bán tự động của khách sạn.
Vừa khéo gặp Trần Tinh Dương cũng xuống mua đồ uống, anh ta bèn hếch cằm gọi cái tên trong phim của anh với vẻ bông đùa, “Tuần Xuân.”
Lan Hà cũng muốn nói đùa dăm câu với Trần Tinh Dương, nhưng không phải bằng tính cách bên ngoài của Trương Tuần Xuân, mà là mặt tối tăm hơn, đoạn dùng chất giọng trầm gọi tên vai chính: “Mạnh Cảnh…”
Anh vừa gọi là đèn nhấp nháy hai cái.
Tầng này im phăng phắc chẳng có tiếng ai, đèn lại nhấp nháy như vậy làm Trần Tinh Dương sợ điếng người.
“Đệt, anh sợ chết khiếp!”
“Em cũng không biết là đèn sẽ nhấp nháy.” Lan Hà chưa tắt nụ cười.
Hai người trò chuyện thêm đôi câu bèn sóng vai về với nhau, hành lang dài đằng đẵng kéo cái bóng của họ dài đến lạ.
Trên hành lang khách sạn có một tủ trang sức đặt một bức tượng, lúc đi ngang qua có tiếng “cộp” từ trong tủ như có thứ gì đó rơi xuống.
“Cái gì vậy?” Trần Tinh Dương cảm thấy tiếng động lớn quá bèn duỗi tay ra định xem.
“Đừng nhìn, có lẽ là chuột thôi.” Lan Hà chẳng tài nào hiểu nổi những người quá tò mò này.
Tiếng thì kệ tiếng, có phải cảnh báo đâu, anh mở tủ ra nhìn làm chi.
Trần Tinh Dương mở cửa tủ ra bèn thấy mấy cái nghiên mực bị xếp chồng lên nhau, trong đó có một cái bị lật, có lẽ là ngọn nguồn phát ra tiếng ban nãy.
Màu đá nghiên mực này được phân bố đều, trơn nhẵn, vả lại trông có hơi cũ. Trần Tinh Dương cầm lên nhìn, đoạn ngoái đầu với vẻ nghi hoặc: “Đoàn phim cách vách kia… mất hết nghiên mực phải không nhỉ?”
Không phải là mấy cái này chứ? Giọng anh ta nhỏ dần. Vậy mà mình còn lớn gan đi cầm nghiên mực này. Tay anh ta run bắn, nghiên mực rớt xuống.
“Đừng…”
Giọng nói mỏng vang lên, cùng lúc đó, Lan Hà cũng nhanh chóng duỗi tay ra đón cái nghiên mực này. Cái nghiên mực thoạt trông nhẵn nhụi xưa cũ, ấy vậy mà tỏa ra mùi tanh tưởi thoang thoảng.
“Hu hu… đừng…”
Lại là giọng nói mỏng đó.
Trần Tinh Dương không nghe thấy.
Lan Hà lại nghe được, nhìn lướt qua bên cạnh mình như lơ đãng bèn thấy một người đàn ông râu dài mặc áo dài nát bươm ngồi xổm cạnh tủ. Ông ta thấp giọng nói: “Đừng lấy bia mộ của tôi đi mà.”
Tay Lan Hà suýt tí thì nhũn ra, yên lặng đặt nghiên mực trở lại.
Bia mộ?
Đây rõ là nghiên mực, sao lại là bia mộ được?
Lan Hà chưa kịp nghĩ nhiều, bèn nói với Trần Tinh Dương đã sởn cả gai ốc lên: “Thật ra có thể là người trong đoàn phim trộm đi xong giấu ở đây, chẳng phải họ ở cùng một cái khách sạn với chúng ta hay sao? Chúng ta đừng rút dây động rừng, cứ đặt ở chỗ cũ, ngày mai hẵng nói nhỏ họ hay.”
Trần Tinh Dương vốn bị dọa kinh hồn táng đảm, Lan Hà nói vậy, còn trưng biểu cảm bình tĩnh và nghiêm túc làm anh ta thấy khá là hợp lí, ban nãy mình làm rơi có thể là do không cầm chắc mà thôi, ngẫm lại mình vẫn chiếm thế kiểm soát, bèn ngạc nhiên thốt, “Được!”
Quỷ áo dài ôm chân, tiếp tục u oán lẩm bẩm.
Lan Hà vờ như không nhìn thấy, đứng lên nói: “Vậy em về nghỉ ngơi trước đây. Chúc anh ngủ ngon.”
…
Dù vinh dự thăng lên thành diễn viên đóng vai phản diện, cũng tức là nam hai, Lan Hà vẫn là một diễn viên vô danh tiểu tốt, hẹn ở cùng một phòng với Trình Hải Đông, anh không phải bận tâm lắm. Đến khi về đã thấy Trình Hải Đông say giấc nồng, anh cũng chuẩn bị ngả đầu xuống gối.
Chỉ là con quỷ áo dài kia có thể nghe được chuyện anh và Trần Tinh Dương hẹn nhau ngày mai sẽ báo nên đang đi đi lại lại giữa hai phòng, miệng cứ lẩm bà lẩm bẩm: “Đừng… Đừng động vào bia mộ của tôi…”
Lan Hà bị quấy rầy trằn trọc không ngủ được. Mỗi lần anh muốn ngủ là y như rằng con quỷ áo dài kia lại bay từ phòng Trần Tinh Dương sang.
Bia mộ, bia mộ gì nhỉ… Lan Hà phát bực, sau đó hồn lìa khỏi xác, đeo khẩu trang lên.
Con quỷ áo dài mới đi tới từ phòng Trần Tinh Dương thì đâm đầu vào một Vô Thường mặc đồng phục, mắt trợn trừng.
Lan Hà: “Ông gặp chuyện gì mà gây ồn ở đây?”
Phản ứng đầu tiên sau khi quỷ áo dài hoàn hồn là muốn chạy, nhưng sau đó mới nhận ra người ta đang hỏi tình huống của ông ta. Môi ông ta nhất thời run rẩy, “Quan, quan lớn ơi, tôi khổ quá mà!! Hu hu!!”
Ông ta nhào tới ôm chân Lan Hà.
Cái thói quen quái gì thế này! Lan Hà hoảng hồn bay lên trên mấy tấc, đoạn cúi người xuống hỏi: “Ông có việc gì thì nói mau.”
Quỷ áo dài dùng tay áo lau nước mắt, “Bẩm quan lớn, vì hài cốt tôi không được đủ nên không thể đầu thai, vẫn luôn canh giữ bên mộ của mình. Tôi ngay thẳng lắm, chưa làm bất cứ chuyện ác nào suốt mấy chục năm nay! Nhưng có một kẻ đáng chết trộm bia mộ của tôi!”
Bao lâu nay quan tài đã tàn tạ, tên đó còn trộm bia mộ của ông ta đi.
Lan Hà: “Trộm bia mộ của ông? Sau đó đưa nó đi đâu?”
Anh đã láng máng đoán ra được rồi, song vẫn phải vờ như không biết.
“Đưa đến chỗ này!” Quỷ áo dài khóc lóc, “Quan lớn ơi, tên đó rất xấu xa. Chúng trộm bia mộ của người khác đi, mài sạch chữ, bán đi làm bia mộ lần nữa hoặc làm thành chế phẩm khác. Một buổi tối hắn ta sẽ trộm vài cái bia mộ, trộm khắp nơi. Bia mộ của tôi làm từ đá Kỳ Dương lên bị hắn ta chia ra thành rất nhiều nghiên mực. Bia mộ kia của tôi là tôi khó lắm mới kiếm tiền mua được mà hu hu…”
Đá Kỳ Dương còn được gọi là đá Vĩnh Cửu, sản xuất ở tỉnh Hồ Nam, rất hợp để dùng làm nghiên mực, được xưng là nghiên mực đá Kỳ Dương. Đương nhiên nếu đủ điều kiện có đá to dùng làm bình phong hay bia mộ cũng được, ví như con quỷ áo dài này.
Tiếc là đã bị bọn vô lại trộm đi mất.
Quỷ áo dài càng khóc càng buồn, càng khóc càng ấm ức, “Tên đó rất hung dữ, tôi không dọa nổi hắn ta. Tôi chỉ muốn lấy bia mộ của mình về thôi, nhưng có lẽ người mua nghiên mực sắp phát hiện ra rồi.”
Lan Hà nhìn ông ta khóc bù lu bù loa đến nỗi quỷ cũng thu nhỏ lại, ầm ĩ làm anh nhức hết cả đầu, “Đừng khóc nữa, ông nói ta nghe tên trộm mộ đang ở đâu, chắc chắn ông vẫn nhớ đúng chứ? Và cũng phải báo tên của ông cho ta nữa, ta sẽ hóa… Ta bảo người ta ‘gửi’ bộ đồ cho ông.”
Quỷ áo dài choáng, rụt rè hỏi: “Thật, thật không ngài? Tôi không có tiền.”
Đừng nói ông ta không có tiền, mà dù có tiền cũng khó mà cầu được âm sai để ý đến chuyện vặt vãnh của loại cô hồn dã quỷ này.
“Không cần tiền của ông.” Lan Hà nghiêm mặt đáp, “Bây giờ ông tìm một chỗ im lặng mà đợi, đợi ta nhắn là được.”
“Cảm ơn, cảm ơn quan lớn! Cảm ơn quan lớn!” Quỷ áo dài mừng rơn, song vẫn chẳng dám tin, “Thật không ngài? Đây là sự thật sao? Không phải ý xấu nhưng tôi đã ở vùng hoang vu vài chục năm nay, không ngờ quan lớn có thể giải quyết miễn phí giúp tôi. Hôm nay là ngày tốt gì không biết.”
Lan Hà thầm nhủ Vô Thường bình thường ăn ở thế nào mà mình chỉ tiện tay giúp thôi cũng bị nghi ngờ nhỉ. Anh bịa đại cho qua: “Hôm nay… Hôm nay âm ty đưa chính nghĩa về làng xóm!”
*Tác giả:
Lan Hà: Làm một người sáng tạo truyền thuyết (ít được để ý).