Sau Khi Làm Vô Thường Bán Thời Gian Thì Tui Hot

Chương 11: Đó là một “sợi dây” khác của em đó.



Nhân vật Lan Hà đóng tên là Trương Tuần Xuân, bên trong là vai phản diện, bên ngoài là một tiểu thiếu gia đáng yêu, bình thường thích nuôi bồ câu, có cùng sở thích với nam chính – Đó là một trong những đầu mối trong phim.

Hôm nay Lan Hà phải quay vài cảnh liên quan đến bồ câu. Ví dụ như buổi sáng, nhân vật ngồi trong phòng khắc còi bồ câu.

(*Ngày xưa người ta làm ra mấy cái còi nhỏ có phần que cắm lên người con chim bồ câu, lúc nào nó bay về, gặp gió với sức gió khác nhau thì sẽ tạo ra tiếng còi trầm bổng. Đây được xem như một đặc điểm của Bắc Kinh thời xưa.)

Bối cảnh câu chuyện là ở Bắc Kinh. Người Bắc Kinh có sở thích nuôi hoa chim cá bọ, trong đó chim chóc chủ yếu được chia làm ba loại chính: Loại chim dữ, ví dụ như ưng, cắt, đại bàng; loại hót vang, ví dụ như họa mi; loài hay bay muôn nơi với đại diện là bồ câu.

Nghe nói ban đầu lúc viết kịch bản, Liễu Thuần Dương cũng cân nhắc đến việc để bọn họ nuôi chim ưng thì sẽ kích thích hơn, song lại thấy hơi quá, vả lại sẽ không tốt cho việc đắp nặn nhân vật. Thú cưng vốn là một kiểu ám dụ, vừa rõ mười mươi vừa đầy ẩn ý.

Còn còi bồ câu thì sao, nó cũng là một truyền thống cũ. Trước đây người ta thả bồ câu sẽ làm một cái còi với kích thước khác nhau để lúc bồ câu chao liệng trên bầu trời, sức gió sẽ làm cái còi phát tiếng. Vì sự thay đổi lúc bay mà âm thanh còi cũng đổi thay theo, chẳng những có thể phân biệt được bồ câu nhà ai, biết bồ câu đang ở xa hay gần mà nghe cũng rất bùi tai. Còi bồ câu có chừng mấy chục loại, chưa kể ngũ âm của chúng đầy đủ, được xưng là bản hòa tấu trên bầu trời.

Trương Tuần Xuân có thể tự tay làm còi bồ câu – Thật ra trước đó không có thiết lập này, là Liễu Thuần Dương thêm vào.

Bởi vì ông biết Lan Hà biết dùng dao, thành thử ra ông quay cảnh Lan Hà tự tay khắc còi bồ câu, tiện thể thể hiện tài năng dùng dao, để lại phục bút*, để rồi sau này nhân vật chính và nhân vật phản diện còn đấu tay đôi với nhau.

(*Phục bút là kỹ thuật được người viết sử dụng để cung cấp các manh mối để độc giả có thể đoán trước điều có thể xảy ra sau đó trong câu chuyện. Nói cách khác, nó là một công cụ văn chương được tác giả sử dụng để gợi ý về một tình tiết và những điều có thể xảy ra trong một tương lai gần, hoặc các chiều hướng phát triển của một tình tiết về sau trong câu chuyện.)

Đoàn phim mời riêng một tay nuôi bồ câu lão làng, là một ông cụ họ Uông. Ông cụ chẳng những hướng dẫn những tri thức liên quan đến bồ câu mà còn đóng vai khách mời – người hầu giúp Lan Hà nuôi bồ câu.

Lan Hà được ông chỉ dạy bèn vung dao chẻ tre làm còi.

Bước này hoàn toàn không cần đến thế tay. Ngoài Liễu Thuần Dương ra, người trong đoàn phim chưa bao giờ chứng kiến Lan Hà chơi dao. Ở đa số bộ phim trước, Lan Hà xuất hiện với hình tượng ngây thơ, bây giờ nhìn anh quá đỗi nhập tâm chơi dao nhỏ, giữa những quang ảnh thi nhau thay đổi thoăn thoắt là ngón tay thon dài cầm con dao sắc bén lóe sáng, rồi bất chợt hạ dao một cách chuẩn chỉnh…

Không thể không nói, cảnh này gây ra cảm giác làm người ta phải rung động.

Ông Uông nhìn mà mặt nghiêm túc dần, chàng trai này tuyệt đối có bản lĩnh, kể cả chưa bao giờ làm còi bồ câu thì hạ dao vẫn rất chuẩn.

Lan Hà làm theo yêu cầu của Liễu Thuần Dương, gọn gẽ lưu loát có thừa, vả lại còn thêm một số động tác mang tính khoe khoang. Cảnh này được quay hết sức thuận lợi, Liễu Thuần Dương cảm thấy hiệu quả đã tương đối tốt bèn cho qua ngay.

Động tác đẹp mắt và những đầu ngón tay anh xuất hiện trong màn ảnh quả thật là một dạng hưởng thụ thị giác.

Hơn nữa, Lan Hà làm cái còi kia trông cũng ra hình ra dáng lắm.

Quay phim chính hợp tác với Lan Hà lần thứ hai, tuy chẳng nói chẳng rằng, song tự đáy lòng lại nghĩ thầm, Lan Hà gặp được Liễu Thuần Dương nghĩa là cơ duyên đã tới.

Chiều nay còn có một cảnh diễn tay đôi với nam chính, cũng là lần đầu tiên “Trương Tuần Xuân” lên sàn. Sau khi bồ câu nhà gã và bồ câu nhà nam chính đụng độ nhau bèn tách ra. Cái này gọi là “đụng bàn”, “bàn” có nghĩa là đàn bồ câu.

Đàn bồ câu cũng như quân đội, chỉ có đàn bồ câu được huấn luyện nghiêm chỉnh thì khi đụng độ với đối thủ mới không tan đàn xẻ nghé và bị bắt đi, không tìm thấy nhà đâu.

Đàn bồ câu mà như binh lính thì tất nhiên chủ nhân là tướng soái rồi. Nam chính tự xưng là người có thể huấn luyện một đàn bồ câu với sức chiến đấu mạnh mẽ. Hắn ta dẫn theo nữ chính chỉ huy bồ câu, chứng kiến đám bồ câu nhà khác nuôi thấy đám bồ câu nhà hắn là bay vòng, không dám chạm mặt.

Bồ câu nhà khác thôi khỏi nhắc tới, tiếng còi bồ câu cao vút đến lạ truyền tới từ đằng xa. Hóa ra đàn bồ câu của tay chơi lớn, tức nhân vật phản diện, xuất hiện. Chúng chẳng những không né tránh mà còn truy đuổi đàn bồ câu nọ, chủ động bay tới.

Đôi bên bèn chỉ huy bồ câu “chém giết” nhau một phen. Bồ câu nhân vật phản diện nuôi cực kì hung hãn, đã thế còn rất kiên nhẫn, kỉ luật nghiêm minh. Nam chính thấy tình hình không ổn, tuy có phái ra một đàn khác bắt mấy tên “lính mới” chưa huấn luyện đến nơi đến chốn của bên nhân vật phản diện đi thì vẫn tức tối.

Trong quá trình đó, tiếng còi bồ câu vẫn văng vẳng tận mây xanh như một bản nhạc nền tự lên xuống trầm bổng cho hợp với nhịp tấu… Dĩ nhiên người ta chẳng dễ gì thu âm, cũng thiếu đi vẻ phô trương, chắc chắn quay xong phải hậu kì mới ra sản phẩm, thể hiện phần quan trọng này bằng hiệu ứng.

Sau khi kết thúc, nhân vật phản diện nhảy lên đầu tường thì đôi bên mới gặp mặt.

Đến đoạn này, nhân vật phản diện trông khờ khạo và chân chất, nhưng vẫn ám chỉ thật ra tác phong của gã giống hệt đàn bồ câu.

Các cảnh diễn khác đều ổn áp cả, chỉ duy một cảnh Lan Hà phải thả bồ câu lên nhà, và anh buộc phải cầm được bồ câu lên đã.

Lan Hà muốn tiếp cận con bồ câu nọ dựa theo bí quyết ông Uông chỉ. Nếu bồ câu gặp phải môi trường và người lạ thì chắc chắn sẽ bất an, song con này ngoan, vả lại được huấn luyện từ nhỏ nên bây giờ mới có thể lấy đến mà quay. Đoàn phim cũng giữ im lặng đặng không dọa sợ chú bồ câu.

Như Trần Tinh Dương ban nãy cũng đóng một cảnh y hệt, vô cùng thuận lợi. Anh ta cầm bồ câu thả đi trông khá là trầm ổn và cool ngầu, bồ câu cũng rất phối hợp.

Ai biết vừa mới đến tay Lan Hà thì chú bồ câu này giãy nảy lên như phát điên.

“Ủa, sao vậy? Không thoải mái à?” Ông Uông vội tách cả hai ra.

Có cảnh động vật không dễ quay, nhưng họ đã có phương án dự phòng nên đổi sang con bồ câu khác. Kết quả, đổi sang con khác mà nó vẫn phản kháng kịch liệt, hơn nữa đám bồ câu này cứ tiếp xúc với Lan Hà là hoảng sợ, nếu tách ra là lại ngoan ngoãn liền.

“Chúng nó bị làm sao vậy nhỉ…” Lan Hà lùi về sau một bước, đứng trước lồng bồ câu. Phía sau toàn là đám bồ câu tham gia đóng phim. Anh vừa tới gần là chúng nó sẽ xù hết cả lông lên, con nào con nấy dồn về một góc, rất giống như cố tình muốn cách xa anh ra.

Lan Hà: “…”

Lúc bấy giờ ai nấy mới láng máng cảm thấy sai sai, hình như đám bồ câu chỉ nhằm vào…

Liễu Thuần Dương: “Cháu đứng ra xa tí coi.”

Lan Hà đi xa mấy bước.

Đám bồ câu tức thì bình thường trở lại, tản ra khắp nơi.

Liễu Thuần Dương: “Tiến lên một chút.”

… Lan Hà lại đến gần lồng bồ câu.

Đám bồ câu nhoáng cái rúc trong một góc.

Liễu Thuần Dương đứng dậy: “Cái quái gì vậy, trên người cháu có gì à?”

Ai nấy trong đoàn làm phim đều cảm thấy lạ. Họ cũng tới gần lồng bồ câu mà làm gì xảy ra tình huống này. Thoạt trông chúng sợ Lan Hà một phép.

“Có gì đâu ạ.” Lan Hà thấy oan uổng khôn kể, “Cháu mặc đồ trong phim, đâu có mang cái gì.” Ban nãy anh cũng có làm gì dọa đám bồ câu đâu nhỉ.

Liễu Thuần Dương dùng bồ câu làm đầu mối nên cũng nắm không ít kiến thức liên quan. Ông ngẫm lại, đoạn hỏi: “Có phải cháu đã tiếp xúc với động vật như chó mèo các kiểu làm người dây mùi không? Chẳng phải bồ câu sợ mấy con kia ư?”

Cùng lúc đó, mọi người trong đoàn ngó nghiêng khắp nơi xem có mèo chó nào đi lạc vào đây không.

“Không ạ, cháu nhớ là không thấy ở đây có mèo chó. Sáng nay cháu mới tắm, cùng lắm là có mùi sữa tắm thôi.” Lan Hà nhớ lại.

“Ờm…” Ông Uông trưng biểu cảm muốn nói lại thôi làm mọi người dồn mắt về phía ông.

Mãi lâu sau ông mới do dự cất tiếng: “Nhóc này, cháu có tin vào… quỷ thần không?”

Lan Hà: “Không ạ.”

Không tin à.

Ông Uông ngẫm lại: “Ừm… Vậy có thể là bồ câu cảm nhận từ trường sinh ra từ dòng điện trên người sinh vật của cháu không đúng. Có thể cháu đã đi đến một nơi lạ nào đó, chạm phải thứ gì đó lạ nên từ trường không được sạch sẽ. Hoặc là từ khi sinh ra từ trường của cháu và bồ câu đã không hợp nhau.”

Lan Hà: “…”

Những người khác: “…”

… Ý kiến của ông cụ nhiều phết nhỉ.

Bồ câu là một loài chim rất nhạy cảm, nghe nói chúng có thể cảm nhận được từ trường Trái Đất nên mới có khả năng phân biệt phương hướng rất mạnh. Cũng có người cho rằng bồ câu cũng rất nhạy cảm với những “thứ kia”.

Tự đáy lòng Lan Hà cũng hiểu đôi phần. Anh là Vô Thường sống, lại bởi vậy mà tiếp xúc vài lần với ma quỷ nên có lẽ mùi của anh làm đám động vật nhỏ này sợ.

Nhưng đối mặt với ánh mắt của mọi người, anh vẫn đáp lại vô cùng thản nhiên: “Có lẽ là vì ngày xưa cháu thích ăn canh bồ câu ấy mà!”

Mọi người: “…”

Trần Tinh Dương nhịn không nổi nữa: “Thật ra có người bẩm sinh đã chẳng có duyên với các loài động vật nhỏ. Trong bộ phim tôi đóng trước đó có một diễn viên bị chó rượt nữa là.”

Cũng có lí.

Ông Uông cũng đã nói ra suy đoán, tuy rằng ai nấy vẫn thấy lạ lùng, song chẳng nhìn Lan Hà với ánh mắt kì quặc nữa, chỉ xem như đây là chuyện lạ mà thôi.

Dù Liễu Thuần Dương mê tín nhưng cũng chỉ thốt: “Cảnh này đóng thế tay rồi cắt nối lại.”

Liễu Thuần Dương đối xử với Lan Hà khá tốt, Lan Hà cứ đinh ninh chuyện sẽ qua thôi, vậy mà lúc nghỉ ngơi ông còn cố ý tìm Lan Hà an ủi, “Có lẽ mọi người sẽ bàn tán vụ này dăm ba ngày, cháu đừng để bụng nhé.”

Lan Hà gật đầu, “Cháu biết ạ, chính cháu cũng chả tin hay bận tâm đến mấy chuyện này đâu.”

“Ừ.” Liễu Thuần Dương hạ giọng ra vẻ bí ẩn, “Chú nghĩ có lẽ là tại lúc các cháu quay ‘Vật báu’, cháu đã ở phòng bên cạnh Trình Hải Đông, tức cái phòng cũ của ông cụ kia ấy. Tuy có mỗi Trình Hải Đông đụng phải nhưng có khi chính cháu cũng đụng phải mấy thứ bẩn thỉu đó, chẳng qua cháu gan hơn Trình Hải Đông nên không xảy ra chuyện gì. Có điều, nếu rảnh cháu vẫn nên đi chùa Giác Tuệ thắp nén nhang hóa giải đi nhé.”

Lan Hà: “… Đạo diễn à, cháu nghĩ chỉ tại bản thân cháu không có duyên với bồ câu thôi, quay phim bận tối mắt tối mũi vậy thì cháu đào đâu ra thời gian mà đi.”

Liễu Thuần Dương: “Cũng phải… Thôi, ăn cơm.”

Ý ăn cơm ở đây là ông ăn một mình, cả thịt cả rau, còn Lan Hà bị kiểm soát để mang vóc dáng suy dinh dưỡng nên không giống ông.

Lan Hà cứ nhìn chằm chằm, vậy mà Liễu Thuần Dương vẫn ăn ngon lành.

Liễu Thuần Dương: “Cháu đói không?”

Lan Hà: “Có ạ.”

Liễu Thuần Dương, “Không được, cháu không thể ăn!”

Lan Hà: “… Đạo diễn ơi, chú cười thành tiếng rồi kìa.”

Liễu Thuần Dương cầm hộp cơm cười sằng sặc, có người nhìn đăm đăm ông càng ăn ngon hơn.

Lan Hà u oán đi mất.

Ban đầu Liễu Thuần Dương còn nghĩ sẽ có người tám chuyện đôi câu về vụ Lan Hà và chim bồ câu.

Ai ngờ mới đến buổi chiều lại chẳng có ai đàm tiếu. Vào giờ nghỉ, chuyện họ buôn dưa chỉ có một:

Đoàn phim cách vách gặp chuyện ma quái rồi.

Bồ câu sợ người đã là gì… Có đoàn phim đang quay ở cùng một phim trường và khách sạn với họ lúc quay cảnh nhân vật chính có một đạo cụ quan trọng – một cái nghiên mực cũ – chẳng hiểu sao cứ bị mất.

Lần đầu bị mất, họ cầm đạo cụ dự phòng giống y như đúc thay vào. Hai lần sau, ai nấy đều bực mình, bắt đầu chú ý, lần nào cũng cất kĩ nghiên mực.

Nhưng khi cho rằng đã cất kĩ nó rồi thì nghiên mực vẫn bị mất.

Lúc bấy giờ mới có người nhận ra trong một cảnh họ từng quay trước đó, lúc mọi người không chú ý, nghiên mực đã xê dịch trong khi chẳng ai động vào!

Nó tuyệt đối chưa bị động chạm vào, cũng không thấy bên trong có cái gì làm nó chuyển động.

Tin này không giấu nổi, xôn xao truyền đi khắp nơi, làm người đoàn phim khác sợ chết khiếp.

Dĩ nhiên bởi vậy mà chẳng ai chú ý đến cái chuyện Lan Hà và bồ câu cỏn con kia nữa.

Tối đến.

Lan Hà nằm sấp trong phòng, hồn rời khỏi xác, mở hộp thức ăn ngoài ra, trong đó có bánh trà ngọt lịm anh vừa gọi ngoài về, lúc cắn lớp vỏ mềm thơm còn có nước chảy ra.

Lan Hà ăn tù tì nửa hộp thì bỗng nghe tiếng Liễu Thuần Dương gọi mình ở ngoài cửa, lúc này mới dừng động tác nhấm nháp chầm chậm của mình, hít một hơi xong xuôi mới lật đật hồi hồn, vác cái miệng còn vương mùi ngọt đi mở cửa, “Đạo diễn à, sao vậy ạ?”

“Lan Hà à.” Liễu Thuần Dương đi từ ngoài vào, bắt chuyện một câu, Trần Tinh Dương cũng đi theo.

Ông lấy cái vòng tay sặc sỡ ra, nói với Lan Hà: “Nghe bảo bên cạnh không yên ổn nên chú đưa dây ngũ sắc trừ tà cho mọi người. Cháu cũng đeo lên đi.”

Lan Hà: “Ơ… Đạo diễn đi ra ngoài hóng chuyện bên đoàn phim cách vách ạ?”

Liễu Thuần Dương: “Tất nhiên rồi, họ đang bàn chuyện tìm thầy đến trừ tà với xin tư vấn, chú vừa nghe là đã thấy không đáng tin rồi.”

Lan Hà: “Dạ?”

Liễu Thuần Dương: “Hở tí là phải dừng quay, cúng bái suốt bảy ngày bảy đêm gì đó, nghe vô lí quá! Cái đám mê tín!”

Lan Hà: “…”

Anh đã hoàn toàn nhìn rõ rồi, sự mê tín của đạo diễn Liễu là thuộc phái thực dụng…

“Cháu mau đeo lên đi, còn ngẩn ra đó làm gì!” Liễu Thuần Dương nói.

“Còn chưa tới tết Đoan Ngọ thì đeo dây ngũ sắc làm gì đâu ạ.” Lan Hà buồn cười. Chỉ ngũ sắc đại diện cho ngũ hành ngũ phương, nghe nói đeo lên tay có thể trừ quỷ, hiện nay người ta chỉ đeo vào tết Đoan Ngọ.

Liễu Thuần Dương thấy Lan Hà không bằng lòng lắm bèn một tay xắn tay áo anh lên, gọi Trần Tinh Dương, “Đeo lên cho nhóc này!”

Trần Tinh Dương bèn đeo vòng dây lên cổ tay Lan Hà.

Lan Hà chẳng giãy dụa, thật ra anh không muốn phản kháng lắm, vẫn luôn chuẩn bị tâm lý chiều theo người ta. Đằng nào với cái năng lực của anh, ít ra cái vòng này tuy không có ích lắm song cũng chẳng có chỗ xấu.

Liễu Thuần Dương: “Cháu thì biết cái gì, đây là chỉ ngũ sắc dùng để làm thành bùa, đeo lên chẳng những trừ tà mà gặp phải chuyện gì cũng có thể lấy nó ra để trói quỷ, giống như xích trói quỷ của quỷ sai vậy.”

Lan Hà: “……”

Anh muốn nói lại thôi. Thật ra bọn cháu gọi nó là xích câu hồn cơ…

Trần Tinh Dương: “Để anh nới lỏng ra một chút cho cậu. Cậu xem, sao chỗ này của cậu lại có vết lằn đỏ thế này, đừng đeo chặt quá nhé.”

Lan Hà: “Vâng…”

Thật không dám giấu, đó là một “sợi dây” khác của em đó.

Liễu Thuần Dương nhìn anh đeo dây vào rồi mới hài lòng, lại lướt qua hộp thức ăn ngoài của Lan Hà, “Ơ kìa, cháu ăn cái gì thế kia? Không phải chú đã bảo cháu phải kiểm soát cân nặng rồi à?”

Lan Hà đáp: “Cháu chưa…”

“Chưa cái gì mà chưa.” Liễu Thuần Dương mở hộp, “Chú xem xem. Bánh trà ngọt của Duyệt Tâm Cư à? Chậc chậc, bánh này quá ngọt, tịch thu tịch thu. Vừa đúng lúc chú cũng đói bụng, chú không khách sáo nữa nhé.”

Lan Hà vội la lên: “Đạo diễn!”

Liễu Thuần Dương như sợ Lan Hà cản lại bèn bốc hai cái bánh lên, tọng vào miệng.

Ba giây sau, biểu cảm ông sượng ngắt, “??”

Liễu Thuần Dương nổi cáu, nhồm nhoàm nói, “Cái món lạ hoắc gì đây!”

Khó mà phòng bị cho được…! Bề ngoài thơm ngon mà thật ra ăn nhạt như nước ốc, quả thật là một sự sỉ nhục khôn xiết cho lưỡi ông mà. Liễu Thuần Dương há miệng toan nhổ ra.

Lan Hà và Trần Tinh Dương nhanh tay nhanh mắt, người giữ tay, kẻ bịt mồm, bắt ông phải ăn bằng sạch.

Liễu Thuần Dương: “……”

Lan Hà bịt chặt mồm ông: “Đó là bữa giảm béo của cháu, bánh trà khô không đường không dầu không muối. Chú cứ nếm đi.”

Liễu Thuần Dương trợn trắng mắt, “Ưm ưm!”

Ông giãy dụa gào lên: “Này mà gọi là bánh trà ngọt hả? Chúng làm gì còn hồn nữa!!!”

Lan Hà: Đúng rồi, vì hồn đã bị cháu hút hết rồi.

*Tác giả:

Liễu Thuần Dương: Tui sẽ không bao giờ ngứa miệng khoe mẽ nữa!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.