Ngoài hành lang có tiếng gõ cửa. Khang Hi nói:
-Vào đi.
Ung công công đi vào, nói yến tiệc đã bày xong trong ngự hoa viên. Khang Hi bèn bảo Ung công công khởi giá đến ngự hoa viên. Tế Độ, Trương Anh, Sách Ngạch Đồ và Cửu Dương cũng đi theo Khang Hi.
Trong suốt buổi tiệc diễn ra ở ngự hoa viên, Tế Độ đều ngồi cạnh trò chuyện với Cửu Dương. Sau khi tiệc tàn, Khang Hi lại mời mọi người ở lại xem ca kịch ở sân khấu Đông Vân, cũng nằm trong ngự hoa viên. Tế Độ lại chọn chỗ ngồi bên cạnh Cửu Dương. Khi màn kịch bắt đầu, kèn trống nổi lên, Tế Độ quay sang Cửu Dương, hỏi nhỏ:
– Các hạ thật sự tin hoàng thượng sẽ lại được xưng Văn Cảnh chi trị, làm cho lương thực dần dần bội thu, quốc khố dồi dào hẳn lên như vị vua nhà Đường năm xưa thật hay sao?
Cửu Dương không trả lời mà hỏi lại:
– Các hạ đã từng tham khảo rất nhiều sách sử vậy chắc đã có nghe nhắc tới cuộc chiến tranh giữa Hán và Sở phải không?
Tế Độ gật đầu. Cửu Dương nói:
– Vậy theo các hạ trong số các mưu sĩ văn thần võ tướng quan trọng nhất của Lưu Bang chính là người nào?
Tế Độ nhíu mày, sau một thoáng suy nghĩ, nhìn Cửu Dương, nói:
– Nếu tại hạ nhớ không nhầm thì trong số văn thần võ tướng quan trọng nhất của Lưu Bang thời bấy giờ phải kể đến hai người là Hàn Tín và Trương Lương.
Cửu Dương gật đầu, tiếp tục hạ giọng nói với Tế Độ:
-Thỏ ranh mãnh chết, chó săn hầm chim bay hết, cất cung tốt.
Tế Độ nhíu mày nhìn Cửu Dương bằng ánh mắt ngỡ ngàng. Câu nói vừa rồi của Cửu Dương, Tế Độ biết là lấy từ trong truyện Hán Sở Tranh Hùng mà ra, có nghĩa là nếu công lao của bề tôi càng cao thì lại càng khó khống chế, bởi vậy nên đã gây nên họa sát thân. Từ cổ không thiếu những người lâm phải hoàn cảnh như câu nói ấy, thế nhưng, điều làm người ta đau lòng nhất là trong cuộc phân tranh giữa Hán và Sở thì Hàn Tín đã từng bán mạng cho Lưu Bang, rốt cuộc cũng trở thành vật hy sinh trong cuộc đấu tranh “thỏ chết chó hầm.” Còn Trương Lương thì có kết cục khác hẳn, sau khi cùng Hàn Tín giúp Lưu Bang chiến thắng Hạng Vũ, Trương Lương đã tự nguyện trao trả binh quyền cho Lưu Bang nên đã được an toàn rút lui về quê ẩn dật.
Nói tới Hàn Tín, năm xưa là một danh tướng đã từng chỉ huy quân đội đánh trận cho Lưu Bang, rất tài giỏi nên được Lưu Bang phong làm đại tướng. Tuy nhiên sau khi đăng ngôi lên làm Hán Vương trước sau Lưu Bang vẫn không hề yên tâm về sự lựa chọn này. Lưu Bang lo rằng trong tương lai sẽ không có đủ khả năng thao túng bề tôi, sợ Hàn Tín dựa vào công tích đứng ra tạo phản. Trình độ quân sự của Hàn Tín rất cao nhưng trình độ đấu tranh chính trị lại chỉ ở mức độ tương đối. Từ trước đến nay Hàn Tín vẫn ôm ấp sự hoang tưởng về Lưu Bang, cho rằng mình vì Hán Vương lập nhiều chiến công thì sẽ luôn được Lưu Bang tín nhiệm. Bởi thế mà nhiều khi nói chuyện trước mặt Lưu Bang, Hàn Tín không hề do dự, cũng không màng giữ lễ nghĩa quân thần. Có một hôm trong khi tảo triều, Lưu Bang và các quần thần bàn về những quan điểm tốt và xấu của các tướng lãnh. Lưu Bang hỏi Hàn Tín: “Ông xem trẫm có thể chỉ huy bao nhiêu binh mã?”
Hàn Tín không cần lọc lừa ngôn ngữ, buột miệng đáp: “Bệ hạ chỉ có thể chỉ huy nhiều nhất là mười vạn binh mã!” Lưu Bang lại hỏi: “Vậy còn bản thân ông có thể tự chỉ huy bao nhiêu binh mã?” Hàn Tín tự tin trả lời: “Càng nhiều càng tốt!” Lưu Bang cười hỏi: “Ông có thể càng nhiều càng tốt vậy tại sao trẫm lại không thể?” Hàn Tín thật thà đáp: “Vì bệ hạ không giỏi điều binh nhưng giỏi khiển tướng.”
Dựa vào mấy câu nói trên đã làm cho sự nghi kỵ của Lưu Bang đối với Hàn Tín ngày càng tăng, ai cũng đều nhận thấy, chỉ riêng bản thân Hàn Tín lại không hề biết. Bạn của Hàn Tín là Khoái Triệt, một biện sĩ trí tuệ hơn người từ lâu đã phát giác ra sự nghi kỵ của Lưu Bang, từng khuyên Hàn Tín nên sớm rời bỏ Lưu Bang để giữ mạng, còn không hậu quả sẽ khó mà lường được, nhưng Hàn Tín không tin lời Khoái Triệt.
Sau này, khi Lưu Bang đăng cơ làm hoàng đế, đã tìm mọi cách trừ đi Hàn Tín thật. Trước tiên là hạ chức Hàn Tín từ địa vị Tề Vương được phong trước đây chuyển thành Hoài Âm Hầu mà không có một lý do chính đáng nào. Điều này khiến Hàn Tín không phục, nên đã từ chối cùng Lưu Bang đi chinh phạt Trần Hi. Lưu Bang nhân cơ hội này vu Hàn Tín thông đồng với Trần Hi, sai người bắt Hàn Tín xử tội chết. Suốt bao năm Hàn Tín làm đại tướng, thề tử trận cho Lưu Bang, lại bị chính Lưu Bang bày mưu giết chết. Trước khi chết Hàn Tín than thở: “Ta hối hận không nghe Khoái Triệt, cho nên mới bị lừa dối. Há chẳng phải vì Trời muốn thế hay sao?” Sử ký Tư Mã Thiên ghi nếu Hàn Tín nghe lời Khoái Triệt, sớm rời bỏ Lưu Bang thì có lẽ không phải “thân lâm thảm họa.” Lại nữa, nếu như Hàn Tín sáng suốt hơn một chút, sớm rút lui hay cẩn thận trong cách xử thế như Trương Lương thì cũng không đến nỗi rơi vào kết cục như vậy.
Lại nói tới Tế Độ. Lời mà Cửu Dương nói ra, Tế Độ nghe qua có cảm giác tuy rằng giọng nói tự nhiên nhưng kèm theo đó là một khí độ uy nghiêm, khiến cho bất kỳ ai nghe qua cũng cảm thấy chuyện đó dứt khoát là phải như vậy. Nhưng, cuối cùng Tế Độ vẫn lấy nét bình thản cổ hủ. Cặp chân mày Tế Độ giãn ra, mỉm cười nhìn Cửu Dương, chậm rãi nói:
-Đa tạ các hạ quan hoài. Tại hạ nhớ các hạ có từng nhắc nhở tại hạ một lần rồi. Các hạ là thế ngoại cao nhân, kiếp này tại hạ được tri ngộ, thật tình cảm thấy vô cùng hữu hạnh. Nhưng bốn năm trước và bốn năm sau tại hạ cũng chỉ câu nói đó, cho dù tương lai xảy ra chuyện nghiệt ngã thế nào, tại hạ cũng không bao giờ ân hận.