Quý Thương

Chương 18: Cái chêm gỗ (18)



Thời gian lùi trở về hai tháng trước. Hôm đó là một buổi tối đầu tháng năm, khoảng 10 rưỡi khuya.

Không phải là cuối tuần nên quán bar Yên Hỏa khá vắng, chỉ có đâu chục bàn khách. Số bàn được phục vụ trên khu VIP càng ít ỏi hơn.

Cung Hán rảnh rỗi quá nên ra khỏi bar, đi vào con hẻm nhỏ cạnh đó hút thuốc. Đèn bên đường chỉ chiếu sáng một đoạn đầu hẻm, Cung Hán cố tình chui vào tận chỗ không có đèn rồi rút di động ra bật máy.

Điện thoại vừa có tín hiệu đã nhận ngay một loạt cuộc gọi từ số lạ. Gọi kiểu này chắc chắn là cái kiểu “Hù-chết-mày” của mấy công ty đòi nợ rồi. Cung Hán điên tiết bấm cúp máy liên tục rồi nhân lúc chưa có cuộc gọi nào đến tiếp gã kiểm tra hết lượt những tin nhắn cho bạn gái bằng mọi phương thức của mình, cô ta không trả lời tin nào cả.

Nhắn thêm một loạt tin nữa xong Cung Hán bấm tắt máy. Vì điện thoại cũ quá nên gã bấm đi bấm lại mấy lượt vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.

Cơn giận dữ bị kìm chế nãy giờ lúc này như bùng phát, gã vừa gằn giọng chửi bới vừa điên người liệng cái điện thoại vào trong hẻm.

Có tiếng điện thoại va đập, rồi sau đó là tiếng rên rỉ yếu ớt của một người đàn ông.

Trong hẻm có người, và người đó vừa bị Cung Hán ném điện thoại trúng. Cung Hán chẳng cảm thấy áy náy gì hết, trái lại ngọn lửa vô danh trong người gã càng bùng lên, giờ này gặp ai cũng chỉ làm gã muốn phát khùng.

Cung Hán hùng hổ nện bước vào sâu trong hẻm tối.

Một người đàn ông ngồi co ro dưới đất, lưng tựa vào vách tường bẩn thỉu, anh ta ngả nghiêng như sắp ngã. Bên cạnh anh ta ngoài rác rưởi còn có một bãi nôn trông đến tởm.

Người đàn ông này mặc áo sơ-mi trắng, cúc cài tận cổ, gần anh ta có một cái cặp táp màu đen.

Cung Hán nhận ra ngay người này, đây là một giáo viên từng đến quán bar tìm học sinh. Nửa tiếng trước người này mới ngồi ở quầy bar uống say bí tỉ, mà đây cũng là lần đầu thấy anh ta đến bar uống rượu.

Người này say lắm rồi nên khi có người đến anh ta thậm chí còn không ngước mắt lên.

Cung Hán đá anh ta một cú nhưng đối phương chỉ nấc lên một cái rồi lại ngồi ì ra đó như con chó sắp tắt hơi.

Có những kẻ bản thân hắn càng chìm trong bùn lầy thì con người hắn càng ngang ngược, càng thích dùng ánh mắt khinh bỉ đánh giá người khác. Hắn sẽ tìm mọi cách để soi mói, vạch vòi ra nhược điểm của mọi người rồi tự dối gạt mình và hân hoan, vui vẻ với những cái xấu nhỏ nhoi ấy.

Lúc này tâm trạng Cung Hán có vẻ khởi sắc, gã cười cười vỗ bồm bộp vào mặt người đàn ông kia: “Mẹ kiếp thế này mà đòi làm thầy giáo à. Bình thường trông ra dáng lắm cơ mà. Sao hôm nay tã thế! Rúc trong đây có khác con chó chết không hả.”

“Nhầm rồi.” người kia bật cười, “Tôi còn chẳng sướng bằng con chó!”

Giọng người đó rất khẽ giống như đang lẩm bẩm một mình mà Cung Hán nghe xong sợ quá nhảy dựng lên. Gã không ngờ người này chưa say đến mức không biết gì, vẫn còn trả lời được mình.

Người đó nói xong lại nhắm nghiền hai mắt.

Cung Hán nhặt cái điện thoại đã bị văng thành hai mảnh lên định cút thẳng thì chợt nhìn thấy cái cặp táp màu đen người nọ vứt dưới đất. Gã liền đổi ý.

Gã vừa cảnh giác nhìn người đàn ông vừa dốc hết đồ trong cặp ra. Rồi hai mắt gã sáng rực, gã hí hửng nhặt cái ví tiền bằng da nhét vào túi áo.

Người đàn ông nghe động lại mở mắt ra, rồi thình lình anh ta chồm lên vồ lấy cổ tay gã, kích động nói: “Anh muốn tiền à?!”

“Mẹ kiếp buông ra! Buông ra không bố giết bây giờ!”

“Được, được, giết tôi đi! Anh muốn tiền à! Tôi cho anh, tôi cho anh hết.” người đàn ông moi trong túi quần ra một xấp giấy bạc nhét cho Cung Hán.

“Đây cho anh cả chỗ này nữa.”

“Anh giúp tôi một việc! Rồi tôi lại cho anh nữa! Có được không?”

Cung Hán đã định vùng dậy rồi nhưng nghe thấy câu này gã khựng lại: “Giúp việc gì?”

Hai mắt người đàn ông bấy giờ đã đỏ ngầu, anh ta rú lên cười thật thê lương: “Giết tôi! Giết tôi đi! Giúp tôi chết đi!”

“Đ.m mày say quá phát rồ rồi!” Cung Hán giật mình, đá người nọ một cái lăn ra xa rồi quay lưng bỏ đi.

Nhưng người đàn ông trong hẻm vẫn chưa chịu thôi, anh ta bắt đầu nói như van xin: “Hai mươi ngàn? Ba mươi ngàn? Hay là năm mươi ngàn? Anh muốn bao nhiêu? Tôi cho anh tiền, đằng nào tôi cũng chẳng sống được bao lâu nữa!”

Bước chân Cung Hán không dừng lại nhưng trái tim gã đã dao động. Có điều gã vẫn cho rằng lời của kẻ say không tin được.

Cho đến ba hôm sau, hôm đó là Ngày của Mẹ, người đàn ông nọ lại xuất hiện ở quán bar. Lần này anh ta hoàn toàn tỉnh táo và lại đưa ra yêu cầu giống hệt hôm trước.

“Thời gian, địa điểm, cách thức đều là anh ta sắp xếp. Nói thật tôi mà không giúp anh ta rồi mấy tháng nữa anh ta cũng chết trên giường bệnh. Tôi tìm hiểu rồi ung thư trực tràng giai đoạn cuối chết ghê lắm, không kiểm soát được đại tiện nữa kia. Nếu bị di căn khắp người thì còn thảm hại hơn. Tôi chỉ giúp anh ta thôi mà, đúng không? Anh ta… trước lúc chết anh ta còn cảm ơn tôi mà. Thật đấy, anh cảnh sát ạ, anh ta còn cười nữa, tôi không nói dối đâu…”

Vết máu, video theo dõi, tiền mặt, lịch sử cuộc gọi và cả hung khí cảnh sát tìm được trong mấy đống rác, tất cả những bằng chứng này được đưa ra trước mặt Cung Hán. Cuối cùng Cung Hán đã thành thật khai nhận toàn bộ quá trình gây án của mình.

Đằng sau vách kính một chiều của phòng thẩm vấn, Doãn Hạo im lặng bỏ tai nghe xuống. Loại người coi thường mạng sống, đổi trắng thay đen tôn một hành vi vụ lợi thành thanh cao đạo đức thế này cũng không hiếm thấy. Nhưng điều anh khó chấp nhận nhất là lựa chọn của chính nạn nhân Vương Cảnh Bình.

Khu công nghiệp lắp quá ít camera giám sát, rốt cuộc Vương Cảnh Bình đã đi đâu, gặp ai? Vẫn không thể biết được.

Sau khi rà soát toàn bộ hoạt động của Vương Cảnh Bình trong hai tháng trước khi chết Từ Bân phát hiện ra ngày Vương Cảnh Bình uống say gục trong con hẻm cạnh Yên Hỏa là hôm anh ta nhận kết quả khám sức khỏe. Có lẽ sự bí bách trong gia đình, tình yêu không có tương lai và đòn cuối cùng là tờ kết quả ấy đã làm anh ta mất hoàn toàn lòng ham sống.

Sài Lộ thở dài: “Đau khổ đến thế sao còn phải đợi hai tháng nhỉ? Nếu đợi được hai tháng tại sao không cố gắng đến cùng, không vì mình thì cũng vì bà mẹ.”

Đặng Đăng lên tiếng, hiếm khi thấy giọng cậu ta buồn thế: “Trường trung học Thần Tinh mua bảo hiểm tử vong ngoài ý muốn cho giáo viên. Họ mua cho tất cả giáo viên nên lúc đó chúng ta không thấy có liên quan đến cái chết của anh ta. Vương Cảnh Bình đã dùng điện thoại của Phan Thành Lâm để tra cứu quy định chi trả bảo hiểm tử vong ngoài ý muốn trong trường hợp người được bảo hiểm chết có chủ đích. Ngày anh ta chết là vừa đủ thời gian bảo hiểm đồng ý chi trả, hai năm (1).”

“Cậu bảo cuối cùng tình cảm anh ta dành cho mẹ anh ta là thế nào? Nếu là hận tại sao chưa bao giờ anh ta phản kháng trực diện mà vẫn ngoan ngoãn phục tùng bà mẹ, thậm chí còn cố sắp đặt cho cuộc sống của bà ta sau này? Mà nếu yêu mẹ thì tại sao vừa tròn hai năm anh ta không nỡ đợi thêm đến lúc chân bà mẹ khỏi hẳn mà cứ phải vội chết như thế?”

Doãn Hạo giở lại tập tài liệu, ngắm bức ảnh Vương Cảnh Bình bình an nhắm mắt: “Một người nhu nhược, thiếu quyết đoán mà quyết tâm tìm đến cái chết lại mãnh liệt như vậy, tôi cứ cảm thấy…”

Từ Bân nói tiếp: “Cậu cảm thấy những nguyên nhân chúng ta đã biết là không đủ đúng không?”

Doãn Hạo gật đầu.

“Trần Thiến Di từng nói cô ta nghi ngờ việc mẹ Vương Cảnh Bình bị thương ở chân không phải là tai nạn ngoài ý muốn mà chính bà ta cố tình gây ra.” Từ Bân ngừng một chút, lại nói: “Lần thứ hai bị tôi thẩm vấn người giúp việc nhà Vương Cảnh Bình nói rằng có một hôm cô ta đến cửa thì nghe được Vương Cảnh Bình cãi nhau với bà mẹ, hình như Vương Cảnh Bình chất vấn Vương Cầm về cái chân bị thương, có vẻ đúng là Vương Cầm đã nói dối về việc này. Chân bà ta không phải bị tai nạn đâu.”

“Còn nữa, ngày Vương Cảnh Bình tới tìm Cung Hán lần thứ hai để đề nghị ** cũng là Ngày của Mẹ. Hôm đó Vương Cảnh Bình đã đưa cho Cung Hán khoản tiền đầu tiên.”

“Thế này đủ chưa?”

Thật ra Doãn Hạo thấy chưa đủ, trong lòng anh vẫn nghi ngờ, anh vẫn cảm thấy còn một lỗ hổng nào đó phải lấp đầy nhưng lần này anh không lên tiếng phản đối nữa.

Trong thâm tâm Doãn Hạo cho rằng những lý do đó là không đủ nhưng anh không thể cắt nghĩa tại sao. Có khi nào ở cùng Quý Thương lâu quá anh cũng bắt đầu có linh cảm bất thình lình rồi?

Khi có quá nhiều mâu thuẫn trong đầu như vậy người thẳng tính như Doãn Hạo cần thời gian để tự nghiền ngẫm, hoặc là thỏa hiệp. Thậm chí anh bắt đầu nghĩ có lẽ vì mình không sinh trưởng trong hoàn cảnh giống như Vương Cảnh Bình nên không thể thực sự hiểu được cảm xúc của anh ta.

Mà một mặt khác, anh vẫn không thể thuyết phục được mình.

Vụ án mạng này đã được tuyên bố hoàn tất điều tra mà những điểm đáng ngờ vẫn còn đó. Cung Hán nhận tội giết người nhưng không nhận đã cắt lưỡi nạn nhân. Bông hoa hướng dương trong họng người chết, bông hoa Quý Thương nhận được và vụ tai nạn của Quý Thương.

Có lẽ họ sẽ không bao giờ tìm ra câu trả lời cho chúng. Nhưng Doãn Hạo không tin rằng Vương Cảnh Bình là một người hâm mộ tiểu thuyết điên cuồng đến mức có thể nảy ra ý tưởng rồi sắp đặt tỉ mỉ một cuộc ‘hiến tế’ hoàn hảo như vậy. Nhất định phải còn một điều gì nữa.

Nhưng bất luận điều đó là gì vụ án này cũng đã được khép lại. Chứng cứ vô cùng xác thực, dù xuất hiện thêm tình tiết vụn vặt nào khác cũng không ảnh hưởng đến hướng đi của vụ án.

Tìm ra sự thật cái chết để người sống được an ủi, một vụ án dù vẫn còn vài bí ẩn không giải quyết được nhưng đã có thể xem là trọn vẹn. Tào Vệ Vệ cũng tin tưởng như vậy. Vì vậy ba ngày trước khi Quý Thương đề nghị ngừng các biện pháp bảo vệ mình Tào Vệ Vệ đã rút cả Doãn Hạo và Đặng Đăng về đội.

Khi đội trưởng Tào cầm trát bắt giam vừa nhận được xuống đội một thì đồng chí Doãn Hạo đã rời đi sau ba ngày ba đêm thức trắng.

Nhờ về sớm nên anh thoát được một công việc khó nhằn. Từ khi trở thành cảnh sát đến nay có một điều anh vẫn không sao làm được đó là đến nhà nạn nhân trình bày vụ án.

Từ Bân và Sài Lộ cùng nhau tới nhà Vương Cảnh Bình. Cuối cùng thì đối diện với người mẹ vật vã đấm ngực, giậm chân, vừa hối hận vừa đau khổ vẫn khó hơn đối đầu với bọn tội phạm tàn bạo.

Mọi thứ tình cảm bị đẩy đến cực đoan đều trở thành một mũi dao bén ngọt, kể cả tình yêu xuất phát từ thiện ý.

Và đơn phương phục tùng, chịu đựng thực ra cũng là tự tay nắm lưỡi dao đâm vào cơ thể mình.

Không ai nỡ nặng lời trách móc cả hai con người trong mối quan hệ này, nhưng họ đều không đáng được hoàn toàn tha thứ.

Chỉ có cô gái ôm chiếc quạt nhỏ màu hồng lặng lẽ rơi lệ là người vô tội duy nhất. Bởi thế nên cô sẽ là người đầu tiên cảm nhận được tình thương, cũng là người đầu tiên có thể đứng dậy bước tiếp.

Nhiều ngày nóng bức khiến cơn gió đêm thổi thốc vào xe chẳng làm Doãn Hạo thấy mát hơn chút nào. Anh không đóng cửa sổ, mở điều hòa như mọi khi. Lúc này trong người anh vừa bí bách vừa bấn loạn, anh cảm thấy những luồng khí nóng bị chảo lửa ban ngày rang đảo ngoài khiến mồ hôi anh vã ròng ròng còn vắt ra được phần nào mớ bòng bong ý tưởng của anh.

Lưng ghế phụ lái còn ở độ nghiêng đó, Doãn Hạo nhớ tối hôm ấy khi anh chỉnh ghế giúp Quý Thương, vì lưng ghế giật lên quá đột ngột mà trong một giây Quý Thương đã đến rất gần anh. Hơi thở của Quý Thương phả trên tai Doãn Hạo hình như còn nóng hơn không khí lúc này.

Xung quanh Doãn Hạo bỗng chốc như tăng thêm mười độ, thoáng cái đã là giữa hè. Cuối cùng Doãn Hạo đành đóng cửa sổ xe, bật điều hòa lên.

Xe vòng ra cao tốc Tam Hoàn rồi chẳng biết từ lúc nào đã lăn bánh vào con đường nhỏ nở rộ hoa tử vi.

Một người xuất hiện trong sảnh chính sau cánh cổng màu vàng, người đó nhìn về phía Doãn Hạo rồi uể oải đi xuống thềm.

Về chuyện cũ, hình như tự dưng Doãn Hạo lại nhớ ra vài điều. Gương mặt gần trong gang tấc, biểu cảm kinh ngạc… và cả bờ môi sắc nét hờ hững nụ cười.

Nhưng lần này ngoài cảm giác áy náy còn một thứ tình cảm khác nảy sinh trong Doãn Hạo.

Quý Thương gõ gõ cửa sổ xe: “Bãi xe nhà tôi non nước hữu tình lắm hay sao? Sao lần nào cũng dừng xe rồi không chịu xuống vậy, lại còn đóng cửa bật điều hòa nữa chứ. Anh chàng này hết muốn…”

Doãn Hạo hạ cửa sổ xe xuống, cười bảo: “Em hết muốn sống rồi, đàn anh ạ.”

Quý Thương sửng sốt, sau bao nhiêu năm đây là lần đầu tiên Doãn Hạo gọi anh là đàn anh mà không phải anh Quý.

Doãn Hạo xuống xe, cùng Quý Thương đi vào Nhàn Tiêu.

“Sao cậu lại đến đây?”

“Anh ra hút thuốc à?”

Hai người đồng thanh nói rồi lại cùng ngượng ngượng ngoảnh mặt đi mỉm cười.

Quý Thương bảo: “Anh cai thuốc rồi. Cậu đến làm gì? Hả anh khách, định thuê phòng hay ăn khuya?”

Doãn Hạo cười đáp: “Đến xem camera sửa được chưa.”

“Sửa rồi đấy.”

“Ừ, thế thì tốt.”

“Hình như ngay sau hôm anh bị ngã là họ sửa rồi. Tiểu Nê Ba bảo nhờ các cậu gọi.”

“Hửm? Bận quá, chắc em quên.”

“Trông thế này chắc xong án rồi hả?”

“Coi như là xong.”

Quý Thương nói: “Thế thì tốt.”

“Ừm.” Doãn Hạo cười nhìn sang Quý Thương, lại bảo: “Quý Thương này, cảm ơn anh đã cho ý tưởng phá án nhé.”

Quý Thương nhíu mày: “Không gọi đàn anh nữa à? Lễ phép đâu.”

“Tốt nghiệp hết rồi còn gì.” Doãn Hạo đáp, “Với lại tên anh hay.”

Quý Thương, tháng chín, tháng chín vào thu.

Gió thu trong,

Trăng thu sáng,

Lá rụng, đùa xào xạc,

Quạ ngủ, lạnh giật mình. (2)Chú thích:

(1) hai năm kể từ khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực, công ty bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm kể cả trong trường hợp người được bảo hiểm chết do tự tử. Cái này luật bảo hiểm Việt Nam có quy định, còn luật bên đó chắc cũng tương tự thì chị tác giả mới đưa vào truyện hén.

Vụ này mình có biết bên ngoài rồi nhưng cũng lần đầu gặp trong truyện. Nếu chị em thắc mắc tại sao lại có logic kỳ lạ trả tiền bảo hiểm cả cho người tự tử thì lý do đại khái là bảo hiểm nhân thọ được coi là phao cứu sinh cho gia đình người mua bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Tuy nhiên để hạn chế tình trạng mua bảo hiểm rồi trục lợi bằng tự tử thì luật quy định phải đủ 2 năm từ khi ký hợp đồng cty bảo hiểm mới chi trả, họ cho rằng không ai giữ ý định tự tử đến 2 năm cả. Còn xác suất ký gần đủ 2 năm rồi gặp chuyện như nhân vật trong truyện này cũng không cao hơn xác suất một người bình thường gặp tai nạn giao thông qua đời, nên không bị coi là rủi ro cao với cty bảo hiểm nha.

(2) nguyên gốc trích từ bài Thu Phong Từ của Lý Bạch. Mình trích bản dịch của Phạm Khắc Trí


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.