Tầm chừng một tiếng đồng hồ sau khi cô Út về, thì cậu Năm với cô Tư cũng vào cửa, chỉ còn ông Hội đồng và cô Ba là chưa về. Bà Hai biểu thằng Tuất đánh xe hơi chạy ra hàng lúa đón ông rồi tạt ngang tiệm may đưa cơm cho cô Ba luôn. Thằng Tuất đi cũng lẹ làng, chốc chốc mười lăm phút là chạy về ngay. Mà chạy về cũng có xe không chứ không có ông Hội đồng đâu cả.
“Ông đâu?”
“Dạ bà, con không thấy ông, chỉ thấy thằng Sửu ra báo, mấy rài nhiều chuyện quá, trưa nay ông không ăn cơm nhà, biểu bà với cô cậu ăn trước.”
Bà Hai chỉ ừ ừ rồi dặn dưới bếp bỏ đồ ăn vô cà mèn* đem lên cho ông. Xong xuôi, bà biểu thằng Tuất đánh xe lần nữa đặng chạy lên đưa cho ông. Bà Hai tuy mồm miệng đanh đá vậy thôi chứ bà thương ông lắm, thương ông như cách ông thương bà vậy đó. Đó giờ, miếng ăn giấc ngủ, có cái nào mà bà không lo cho ông. Bà theo ông từ cái thời con gái mới mười tám đến nay con ba bốn người, đầu bạc răng sắp rụng rồi, hỏi sao không thương cho được. Lỡ sau này, ông mà đi trước bà, chắc bà sống không nổi.
Bà cứ đứng trông ra cửa, đợi chừng nào xe thằng Tuất khuất hẳn, bà mới quay vào gọi các con ra ăn cơm.
“Con Tư, thằng Năm, con Út đâu, ra ăn cơm.”
“Dạ má.”
Ba cô cậu đồng thanh trả lời. Hỏng hiểu sao lúc nghe tiếng dạ của ba đứa con, bà thấy hạnh phúc lắm. Gia đình này, đến bây giờ được như vậy, bà tự cảm thấy, bà không phụ ông nhà, không phụ nhà chồng. Chồng ngay thẳng, con nghe lời, như vậy là coi như đoàn viên mỹ mãn.
Mâm cơm xứ nhà giàu Nam Kỳ không quá xa xỉ như mọi người vẫn hay bàn. Điển hình là nhà bà Hội đồng đây, của ăn của để bao la, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, mà mâm cơm đơn sơ chỉ có ba, bốn món thôi. Nồi cơm nấu từ rơm rạ thơm phưng phức lại không bị cháy. Hạt nào hạt nấy béo núc ních, trắng phao phao, vừa giở nắp ra là khói bay trắng xóa. Cơm được bà Chín – người lo việc bếp núc cũng gần chục năm ở nhà này, nấu. Bà Chín nấu cơm khéo cực kỳ, lần nào cô Út về cũng ăn thấy đít nồi mới thôi. Hôm nay bà nấu canh chua bông điên điển với cá lóc, ăn cùng là nồi thịt kho quẹt, có rau luộc chấm. Bông điên điển vàng ươm có vị ngọt ngọt bùi bùi, cá lóc béo ngậy, đã vậy cái món kho quẹt nhìn đen đen vậy chứ ngon nhứt mình luôn đó. Dĩa rau luộc đầy ụ, chốc nữa là chấm kho quẹt hết khi nào không hay. Cha chả, kể đã thấy thèm!
Vừa ăn, cô Út vừa vòi vĩnh cậu Trí quà. Nhà con gái nhiều, con trai chỉ có cậu, vậy mà cô Út được cưng lắm, chắc tại là út.
“Tí nữa ăn xong, ra nhà trên anh lấy cho.”
Nghe được câu đấy, cô Út càng an tâm xử lý bữa cơm này. Nhường cho cô Út vòi vĩnh thì cô Tư cũng hỏi cậu về chuyện học hành, việc làm. Tuy là học xong xuôi cả, nhưng vẫn chờ lấy cái bằng, việc làm bây giờ của cậu chỉ là chạy vặt cho mấy đốc-tờ trong viện. Chuyện học hành, công việc xong, dường như bà Hai muốn mở miệng hỏi con trai về chuyện cưới sinh. Nghe thấy tín hiệu của má, cô Út nhanh miệng hỏi trước’
“Vậy…anh Năm, khi nào anh mới đem chị dâu về cho em vậy?”
Cậu Trí bỗng dừng đũa, nhìn đứa em gái của mình.
“Gấp lấy chồng sao? Vậy thì đợi đi, khi nào anh mày chưa lấy vợ, mày cũng chưa được gả ra đâu”
“Xì, thế thì thương chị Trinh quá.”
Nghe nhắc đến tên người con gái xa lạ, cậu không hề quen biết, cậu Trí hỏi lại.
“Trinh nào?”
“Là chị Trinh con ông Cai Tổng đó, má nhận quà rồi, anh không cần kiếm vợ đâu xa.”
Cô Út nói một lèo, một mạch, chợt cô ý thức được mình đã lỡ miệng, sau đó im bặt quay đầu lại cầu cứu chị Tư. Cô Tư cắn đũa, lắc đầu với em gái, tỏ ý như “Ai biểu cái miệng lanh quá mần chi!”
Cậu Trí nghe vậy, cậu không nói gì, ăn xong bữa cơm rất bình thản. Bầu không khí cũng ngột ngạt hơn hẳn lúc đầu. Giờ này mà ruồi muỗi bay ngang cũng biết được con nào đực con nào cái, con nào vỗ mạnh con nào mới gãy cánh. Ăn xong, trước khi đứng dậy, cậu nói:
“Má, má trả lại quà cho người ta đi, con không ưng.”
Bà Hai nãy giờ không nói gì nhưng trong lòng nôn nóng lung lắm rồi. Bà biết, thằng con này thể nào cũng chẳng chịu nên mới nhận cái quà gặp mặt đó. Vậy mà nhận rồi nó cũng bắt bà hồi lại.
“Cô Trinh đó có cái chi mà con không ưng. Nhà gia giáo, nhà Cai Tổng đấy. Cứ xem như không xem gia thế, người ta cũng đẹp người đẹp nết, dịu dàng vậy. Có cái chi để anh chê, anh nói tôi nghe xem.”
Thấy má tức giật, cô Tư liền đứng dậy đi đến bên bà vỗ vỗ.
“Má từ từ, để thằng Năm nó coi, má ép vậy, con bé kia cũng tội.”
“Đúng đó má!”
Vừa nghe cô Út định mở miệng, cô Tư liền quay sang trừng to mắt với cổ, ý biểu cô ngậm chặt miệng lại.
“Chị Tư nói phải, em không muốn bị ép, chắc cô Trinh kia cũng không muốn như vậy đâu.”
Lời là nói với cô Tư, nhưng ý lại là với bà Hai.
“Từ từ, từ từ, từ từ. Mày nói má biết, có phải vì con Út Lan không”
Bà không nghĩ thằng con mình vừa gặp lại đã thích loại bần hèn đui mù đó, nhưng lần này bà giận đến run người, đập cả đôi đũa xuống bàn. Cô Út dường như biết mình gây ra lỗi nghiêm trọng, tự vả miệng một lần, mà vả xong cũng chỉ biết ngồi im chứ cô cái can đảm chi mà lên tiếng.
Cậu Trí không nói gì nữa, đứng lên dọn chén vào sàn nước. Rửa tay rửa mặt xong, cậu đi lên nhà trên, vừa đi ngang qua bàn cơm, cậu nói rất nhỏ, nghe như nài nỉ:
“Má, con xin lỗi, nhưng con không muốn cưới cô Trinh. Về cô Út Lan, má, má đừng làm lớn, con với cô Út không có cái chi hết”
Sau cái bữa cơm ấy, cậu Trí ít về nhà hẳn. Cậu thường ăn cơm ở nhà thương, có khi lấy cớ trực đêm ở đấy luôn. Cậu không biết má mình lại mang nặng cái chữ môn đăng như thế. Giữa cái lựa chọn đi Cao Lãnh và lựa chọn ở lại, cũng khiến cậu khó khăn.
—-
Khi trước, có một ngày, nhà cậu có thêm hai người tới làm cho xưởng lúa, là hai tía con. Đứa bé kia chỉ khoảng năm tuổi, mặc bộ đồ nâu vải thô, tóc thắt hai bím hai bên. Trông bần hèn nhưng lại rất đáng yêu. Đứa bé đó mập ú, hai má phúng phính khi cười lại có mấy cái răng sún. Haha, nhìn ngố lung lắm. Tía cô bé làm tá điền, sáng gửi cô cho bà Chín. Cô bé rất nghe lời, chỉ có điều, cô thích leo cây.
Cha chả, mới năm tuổi, mà leo cây hay lung lắm. Có hôm, cô leo lên cây mít. Leo rồi lại không xuống được. Hôm đó cậu mang con gà đá ra sau vườn, ngó lên cây mít thì thấy cô bé đó mếu máo sắp khóc rồi. Cậu thấy vậy mới giả bộ hỏi.
“Này, sao em lại ở trên đó.”
“Em…em…em hái mít. Cậu muốn ăn không? Cậu đỡ em xuống, em cho cậu ăn chung.”
Lúc bé, chỉ thấy đáng yêu, muốn chọc một chút, lại muốn tỏ vẻ là anh lớn.
“Tôi, không thèm ăn mít đó, em tự xuống, tôi đi đây.”
Cậu chỉ giả vờ quay đi, không ngờ cô lại khóc, giọng vẫn nhỏ nhẹ năn nỉ.
“Cậu, cậu Năm, cậu đỡ em xuống, em xuống không được.”
“Năn nỉ tôi đi.”
“Năn nỉ cậu.”
Cha chả, rất dứt khoát à nghen. Cậu nể tình cô năn nỉ, cuối cùng cũng mang cô xuống.
—–
Nhắm mắt nghĩ lại chuyện xưa, thấy thật dễ thương làm sao.
Cậu không biết, từ khi nào cậu lại thích cô nhóc kia. Trước đây, vẫn luôn coi cô là em gái nhỏ, vẫn luôn thương cô như cô Út Nhiên. Có lẽ, là lúc thấy cô ở bờ sông hôm đó.
“Cậu ơi, cậu ơi, có tin nè cậu ơi.”
Cậu Trí đang mơ màng, nghe thằng Gà gọi một cái, ba hồn bảy vía kéo về cái một.
“Có chi mà la lối om sòm vậy, như cháy đến nơi.”
Thằng Gà nhìn cậu, nửa la nửa đùa, nó đáp:
“Cậu nghe xong, đảm bảo cháy cả lòng.”
Cậu Trí im lặng, ý như biểu thằng Gà nói đi, cậu vẫn đang nghe.
“Cô Út về rồi cậu, cô về rồi, ở nhà thím Tám, thím Tám Dung, nhà khá giả ở xóm trên, kỳ này bà không chê nữa rồi cậu.”
Thằng Gà có biết chi là khá giả, nghe bảo nhà bà Tám Dung có tiền, thì nó nói khá giả chứ nó có biết nhà bà có bao nhiêu tiền. Cậu Trí chẳng quan tâm giàu hay không, cậu chỉ nghe xong thế thì miệng cười. Cậu đứng dậy, với lấy cái nón, nói với thằng Gà:
“Đi, chở cậu lên đó.”
“Nhưng mà cậu đến nhà người ta mầm chi, mình có quen biết chi đâu cậu?”
“Ai biểu mày vô nhà, đứng ở ngoài thôi…”
Thằng Gà gãi gãi cái đầu nhìn cậu, nó không hiểu, đến đó mà không vô nhà, vậy đến làm gì? Cậu Trí thấy vậy càng giục hơn:
“…nhanh, đánh xe đến cửa, cậu xuống ngay, chậm trễ tao trừ bạc đó đa.”
Nghe tới trừ bạc, thằng Gà cũng hơi đâu mà quan tâm cậu đến đó làm chi, lật đật chạy đi lấy xe chờ cậu.