“Gà, Gà đâu, ra đây bà biểu.”
Bà hội đồng – bà Hai, canh thằng con mình vừa đi ra ngoài mà không dẫn theo thằng Gà là bà lại gọi nó tới hỏi chuyện liền.
“Dạ, dạ, bà gọi con.”
Thằng Gà đang chăm chiếc xe Citroen của cậu Trí. Bây giờ mà nhà ai có chiếc bốn bánh này của Pháp, cha chả, giàu nứt vách chứ giỡn à. Chiếc này là cậu Trí tự mua luôn chứ chẳng cần tiền của ông Hội đồng. Đẹp trai lại còn giỏi giang, biểu sao con gái nó không mê như điếu đổ.
Thằng Gà nghe bà Hội đồng gọi, nó luống cuống bỏ ngang việc, chạy ngay vô nhà. Ở cái nhà này, nói về địa vị, ông Hội đồng là lớn nhất, nhưng mà nói về quyền lực, ông Hội đồng sao bằng bà Hội đồng đây. Ông thương bà lắm, không có vợ hai vợ ba gì sất, kể cả lúc bà sinh ba đứa con gái, má ông nói ông cưới thêm vợ, ông cũng chẳng nghe. Chuyện lớn chuyện nhỏ gì, hễ bước qua ngưỡng cửa nhà này, bà đều nắm hết.
“Mày nói bà nghe, dạo này cậu bây bị cái chi mà ăn uống thất thường, mặt mày buồn so như bánh bao chiều vậy?”
“Dạ bà, con không biết.”
Thằng Gà nó không biết thật chứ cũng không dấu diếm gì. Chuyện của nó là hầu cậu thật tốt chứ nó có dám bép xép gì chuyện riêng của cậu đâu mà biết.
“Mày đi với cậu suốt mà mày không biết hả? Nuôi mày chỉ tốn cơm hả?”
Nghe bà hội đồng nói thế, tay chân thằng Gà run lẩy bẩy cả lên. Đánh người hầu thì cái nhà này không làm thế, nhưng mà tiền lương thì lên xuống theo tâm trạng chủ.
“Dạ bà tha lỗi, con không biết thiệt.”
Nó đang cố nhớ xem mấy rài cậu có dặn gì nó cái chi không, để nó còn xoa dịu bà.
“Dạ, bà, hôm trước cậu có dặn con đi hỏi cô Út cuối xóm.”
“Là cô Út nào?”
Bà Hai đang phe phẩy cái quạt, nghe vậy liền gấp quạt, hạ giọng hỏi thằng Gà.
“Dạ, là cô Út Lan con ông Tư Hên, nhà ở cuối xóm.”
“Sao tao nghe lạ hoắc vậy đa?”
“Dạ, cái xóm này dài không dài, ngắn không ngắn. Huống chi cô Lan này chỉ là con của tá điền nhỏ nhoi.” – Dừng đoạn, nó lại nói – “Phải rồi hen! Trước đây, nhà cổ có làm tá điền cho nhà ta một đoạn đó bà. Năm cậu Trí đi học được một hai tháng tự nhiên mắt cổ đau, rồi đui luôn đó bà.”
Thấy bà Hội không nói gì, nó tưởng bà không nhớ, không biết chi.
“Chắc bà không nhớ phận tép riu đâu.”
Cũng phải, mây tầng nào biết gió tầng đó, người như nhà hội đồng thì chỉ biết nhà hội đồng xóm khác, biết nhà chánh tổng, biết bọn Tây chứ có quan tâm gì người như cô Út.
“Cha chả, mày nói như thể tao không quan tâm bà con.”
Mặc dù thằng Gà nói đúng, nhưng bà không nhận, người giàu mà, sĩ diện lại thích thể hiện mình nhân hậu.
“Thôi, đi làm việc đi.”
Thằng Gà cúi người vừa quay đi bà lại nói thêm:
“Mày kể cho cậu nghe hôm nay bà gọi mày thì tiền lương tháng này bà cho heo ăn nha đa.”
Bà Hai không biết, thằng Gà có mười cái lá gan cũng không dám mách lẻo gì, nó hầu cậu Trí, tận tụy tận tâm không phản bội, nhưng mà với bà hội đồng thì nó không chắc nó trung thành được bao nhiêu.
Bà nghĩ một hồi cũng nhớ ra cô Út. Trước kia ông Tư Hên mượn tiền để chạy chữa cho bà nhà. Sau này nợ chồng nợ, mãi vẫn không trả hết, ông Tư Hên ẵm con lại ăn nhờ ở đậu nhà ông bà Hội đồng, đặng làm không công trả dần. Nợ chưa xong thì con gái lại đui, ông Tư lại đương bệnh. Đáng ra ông Hội không ưng cho mớ bạc lẻ kia, nhưng bà Hội đã cầu Phật ban cho thằng con trai, hứa là sẽ làm phước đức, nên miễn cho tía con nhà cô.
Phước thì phước chứ bà Hội không phải người tốt. Đừng nói đến làm con dâu bà, ngay cả kết bạn giao hữu bà cũng không ưng cô.
Bà phải đi trước thằng con một bước, chọn xong cái đám ưng. Dẫu sao cũng mới gặp lại nhau, huống hồ lúc bé, hai đứa nó có chơi chung khi nào mà có tình nghĩa sâu đậm chi mà dứt không được. Giúp nó định cái hôn sự tốt, sau này, nó sẽ nhớ ơn bà!
Rồi bà xem xét hết mấy đám bà mối đưa hổm rày. Chọn ra được hai đám ưng bụng nhất. Con bà con xa bên vợ của chú Ba – em ông Hội đồng. Gia đình Hương sư*. Quen biết rõ ràng, ừm, nhưng hơi thấp với nhà bà. Con gái ông Cai tổng**, gia cảnh cao nhưng hơi chua ngoa. Con gái ông Hội đồng ở xứ Long An, gia giáo nhưng hơi xa. Đắn đo mãi, bà cũng kệ, xa mấy miền tốt là bà ưng bụng rồi.
“Chuyện chung thân của thằng Năm phải một trong ba đám này.”
Bà Hai chắc mẩm là phải thế. Nghĩ rồi bà rót ngụm trà, phe phẩy cái quạt, như thể đã tính được chuyện hết rồi.
Ngồi thảnh thơi một lúc, cô Út Nhiên đi học về, cô học trường nữ sinh của tỉnh, ở trỏng luôn, một tuần về nhà chỉ được hai hôm là phải đi ngay. Lúc đầu, ông Hội đồng không chịu, đâu phải nhà không có xe, đâu phải nhà thiếu thốn chi mà phải ở lại trường cho cực khổ. Ông thương con gái, trong đám con, chắc gì cậu Trí được ông thương như cô Út đây. Vậy mà ông cũng phải thua bà. Bà nói một thì ông đâu dám nói hai. Bà biểu, con Út ở trỏng, người ta nắn cái nết của cổ, chứ để cổ ở nhà, thì biết khi nào dịu dàng như tiểu thư, dịu dàng như con gái mà gả chồng.
“Thưa má…”
Cái chữ má cô kéo dài ra tận chín cánh đồng, vừa nói vừa chạy lại ôm chầm bà Ba.
“..con mới đi học về.”
Nói gì thì nói, dẫu sao cũng là con, bà nhớ cô Út lắm, nhưng mà gắng gồng lại, vỗ vỗ nở nụ cười hạnh phúc mà cô Út không hề thấy.
“Lớn lung rồi chứ nhỏ nhoi gì mà cứ cà rỡn cà rỡn. Bây không ngay ngắn lại, học kỳ sau tao cho ở trỏng một tháng mới về nghen đa.”
“Ơ kìa, con nhớ má chớ bộ.”
Cô buông bà Hai ra cười cười, rồi ngồi xuống cái ghế bên cạnh, tự tay rót chung trà. Cô rót quá lố, làm trà xíu nữa là tràn ra bên ngoài. Bà Hai thấy vậy lườm cô một cái rồi gõ vào tay cô. Cô chỉ biết lè lưỡi, đúng là chứng nào tật nấy. Vừa uống, cô vừa nhìn dáo dác xung quanh, không thấy người cần tìm, cô liền hỏi bà:
“Anh Năm đâu rồi má, không phải đầu tháng sau ảnh mới đi làm sao má?”
“Đúng là đầu tháng sau mới đi làm, nhưng mà ở nhà mắc bệnh, nên xin đi làm sớm rồi.”
“Ủa, bệnh mà xin đi làm sớm hả má?”
Cô Út nghe ngộ, ngơ ngác hỏi lại. Bà Hai thấy thế, càng móc xỉa thằng con mình:
“Ừa, bệnh, nặng lắm. Mắc bệnh tương tư.”
Lúc nghe xong câu đó, cô Út càng trố hai con mắt ra nhìn má mình như muốn hỏi: “Má có chắc không?”
“Không cần hoài nghi, là thằng Gà mật báo cho má.”
Cô Út cuối cùng cũng rõ, về mảng nắm tin trong nhà này, đúng là không ai cao tay như má mình.
“Má này, sao má cứ bắt mấy cái tin riêng tư của anh Năm hoài vậy, ảnh tương tư ai thì mơi mốt chi đó, ảnh dẫn về cho má coi mặt.”
Cô mà không đả đảo vụ này, thể nào con Hồng sau này cũng y như thằng Gà, hầu cô, nhưng phụng mệnh má.
“Tao không nắm tin thì mới mốt nó dẫn về đứa mắc ma nào thêm vài đứa cháu, không phải là xong đời rồi sao.”
“Má, ảnh lớn rồi mà.”
Cô cũng không ưng được cái tình này của má mình.
“Ảnh thì lớn, còn cô đây vừa lớp 11, học hành đi, chuyện người lớn, nít noi biết cái gì.”
Mỗi lần cô nói ý kiến của mình là bị bắt ngay cái cớ, con nít, chuyện người lớn. Cô tức lắm, mà biết sao được, ai biểu cô phận con phận cháu. Cô chỉ dám nhăn mặt. Bà Hai thấy thế, liền đuổi cô vào buồng.
“Đi đi, đi vào buồng thay đồ rồi ra cơm nước, anh bây làm tao đủ mệt rồi, đi nhanh đi.”
Hừ, cô cũng không muốn ở lại, liền xách cặp đi vào trong rửa ráy. Đợi anh Năm với chị Tư về là cơm nước, à quên, còn một người có quyền nhưng không có tiếng nói ở nhà này nữa, tía cô.
“Con với cái, hở chút là mặt nặng mày nhẹ, không đứa nào nên người cả”
Đi tận vào nhà sau, mà cô vẫn còn nghe tiếng càu nhàu của bà Hai, biểu sao tía không dám chọc giận bà.
– ——–
*Hương sư: Giáo viên trong làng thời Pháp thuộc
**Cai tổng: Chức danh người đứng đầu một tổng (gồm một số xã) trong bộ máy hành chính cũ ở Việt Nam