Ngồi suy nghĩ miên man về những chuyện đã qua, vậy mà ta đã ngủ gục ở bên bàn tự lúc nào không biết. Đến khi thấy người thấm lạnh tỉnh dậy, thì đã nghe tiếng mõ điểm canh năm. Nhìn sang thấy nến đã cháy gần hết, định đứng dậy thắp thêm cây nến mới thì chợt nghe bên ngoài có tiếng chim ríu ran. Bước lại cửa sổ đẩy tấm liếp lên nhìn ra, thấy không gian bên ngoài đã hửng sáng, lại thôi không thắp nến nữa, buộc lại áo choàng định bước ra ngoài đi dạo để hít thở không khí trong lành buổi sáng sớm. Đúng lúc đó thấy Lan Nhi đầu tóc, quần áo tả tơi bước vội từ trong phòng ra, hốt hoảng:
– Tiểu thư! Hóa ra người ở đây mà làm em hết cả hồn. Nói rồi hết nhìn chằm chằm vào mặt ta lại nhìn những ngọn nến gần tàn trên giá, mới giật mình hỏi tiếp: Không phải là người đã thức suốt cả đêm đấy chứ Tiểu thư?
– Ta không ngủ được nên ra ngoài này ngồi một lúc ấy mà, em việc gì mà phải làm ầm lên như vậy?
– Em không làm ầm lên có được hay không! Lan Nhi vừa nói vừa tiến lại gần, cầm vào bàn tay ta, hốt hoảng: Người đã thức khóc suốt cả đêm sao? Sao mắt mũi lại xưng đỏ hết lên thế kia? Người lại nghĩ ngợi cái gì chứ?
Ta giật mình:
– Mắt mũi ta xưng lên thật sao? Nhìn rõ lắm hay sao?
– Chứ còn gì nữa! Người hãy đợi ở đây em đi lấy ít nước lạnh cho người rửa mặt, chườm mắt cho bớt đỏ đi.
Nói rồi nàng chạy vội đi lấy một chậu nước lạnh và khăn mặt mang vào. Ta thấm nước vào khăn rồi rửa mặt, chườm mắt một lúc cho bớt đỏ và xưng. Xong xuôi hai người chỉnh trang gọn gàng rồi ra vườn đi dạo.
Buổi sáng sớm, mặt trời vẫn chưa lên, nên hơi lạnh và sương đêm vẫn giăng mắc trong các lùm cây, tán lá. Bước nhẹ trên những lối đi âm ẩm ta khẽ hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành buổi sáng. Cảm nhận rất rõ những mùi hương hoa lẫn trong không khí: Hương hoa ngâu thơm ngào ngạt, mùi dạ hương còn vương lại từ đêm qua, mùi thanh khiết của những nụ tóc tiên đang chờ nắng để hé nở, và cả những mùi hương gì rất mơ hồ, khó đoán định còn vương vấn lại như những dấu chân bí hiểm của đêm.
– Đi dạo một chốc cho thư giãn gân cốt xong rồi Tiểu thư nên về nhà nghỉ, kẻo người sẽ bị mệt đấy!
– Ta thấy khỏe lắm, không cần nghỉ ngơi gì đâu, em đừng lo.
Lan Nhi mím môi không nói gì, hai người phút chốc rơi vào im lặng. Lững thững bước đi bên nhau ở trong vườn, theo đuổi những ý nghĩ riêng. Rồi Lan Nhi bỗng nhiên lại cất lời, tiếng nàng thì thầm, ngắt quãng:
– Thời gian đầu khi nghe tin Tiểu thư sẽ về Hoa Lư làm vợ lẽ của họ Đinh em đã rất bất ngờ vì thấy Tiểu thư im lặng đồng ý mà không hề phản kháng gì. Bình thường người đâu phải là một người nhu nhược và cam chịu, vậy nên em cứ thắc mắc sao người lại như thế? Người không nghĩ gì tới tình cảm của Lê Hoàn công tử hay sao? Nhưng rồi khi có thời gian ngẫm nghĩ kỹ lại, em mới hiểu được cái khó của người.. Là một tiểu tử nha đầu như em mà còn hiểu được điều đó, thì em nghĩ.. em nghĩ..
Ta nãy giờ vẫn vừa nghe nàng nói, vừa lơ đãng đưa mắt sang ngắm nhìn những bông hoa ngâu đang ngậm những hạt sương sớm trông long lanh như những hạt ngọc, thấy nàng có vẻ lưỡng lự, bèn quay lại nhìn nàng:
– Em nghĩ sao?
– Em nghĩ.. Chắc chắn Lê Công tử cũng sẽ hiểu cho người thôi. Vậy nên người đừng buồn rầu và suy nghĩ nhiều nữa. Bọn chúng em nhìn thấy người như vậy cũng rất là đau lòng.
Những lời nói chân tình của Lan Nhi, cùng với mấy chữ Lê công tử sẽ hiểu như những mũi tên bắn vào trái tim ta đau nhói, trong thoáng chốc lại khiến nước mắt trào ra, lăn dài trên má.
Trông thấy ta khóc, Lan Nhi trở nên bối rối. Nàng ngốc này định an ủi ta, không ngờ lại làm cho ta xúc động trở lại, thành ra trở nên luống cuống loay hoay không biết xử trí ra sao.
Ta vẫn nước mắt ngắn nước mắt dài mà vẫn phải phì cười vì nàng. Không muốn làm cho nàng lo lắng, ta vội vã lau nước mắt vừa bảo:
– Ta không sao đâu, chỉ là trong phút chốc có người cảm thông với mình nên xúc động thôi. Ta hứa từ giờ sẽ không nghĩ ngợi linh tinh như hôm nay nữa. Em đừng lo lắng. Giờ chúng ta hãy nhanh chóng đi dạo rồi về ăn sáng, sau đó ta còn phải qua nhà Đông để Đinh nương giao việc cho ta nữa.
Lan Nhi khẽ gật đầu không nói gì thêm. Hai người lại người trước kẻ sau bước đi thong thả ở trong vườn, hết ngắm hoa cúc rồi lại hoa hồng, hoa thược dược.
Tình cảm của hai nàng thị nữ đối với ta ta rất hiểu, nhưng thực ra các nàng, thậm chí cả cái nàng ngốc Lan Nhi này vốn là người hiểu sự đời hơn cả cũng làm sao hiểu hết được lòng ta? Chàng sẽ hiểu cho hoàn cảnh của ta chứ? Ta nghĩ là chàng sẽ hiểu. Nhưng hiểu để rồi sao? Chẳng phải chúng ta vẫn phải xa nhau đó hay sao? Cái làm cho ta đau đớn chính là ta đã mất chàng rồi, chính là sẽ có ngày ta và chàng đối mặt ở đất Hoa Lư này mà nghìn chùng xa cách.
Mất nhau rồi! Có hiểu hay không thì cũng mãi mãi mất nhau rồi! Đó mới là sâu thẳm của nỗi đau..
Đi dạo trở về và dùng bữa sáng xong xuôi, ta cùng hai thị nữ vội vã ngồi xe sang nhà Đông để Đinh nương giao việc.
Từ ngày về Động đến nay cũng đã hơn một tháng, vậy mà vì ốm đau nọ kia ta chưa kịp tiếp nhận việc gì cả. Hôm nay Đinh nương hẹn sang để bàn giao và hướng dẫn việc cai quản Ban Y phục, vốn là nơi tập hợp gần một trăm phụ nữ khéo léo sinh sống trong Động làm công việc may vá trang phục cho toàn Động, nhất là trang phục cho quan quân, binh lính để gửi ra xa trường.
Mùa đông đang đến rất gần kề rồi, nên công việc ở đây đang ngày một bận rộn.
Khi ta đến nơi thì hai thị nữ đang hầu Đinh nương dùng trà sáng. Nàng nhìn lướt qua mặt ta rồi bảo ta ngồi. Thị nữ của nàng rót cho ta một chén trà nhài nóng, thơm phức. Xong xuôi nàng cho gia nhân lui, rồi chậm rãi đặt chung trà xuống bàn, nhìn ta:
– Sao hôm nay trông em mỏi mệt vậy. Em không được khỏe chỗ nào hay sao?
– Hôm qua em khó ngủ một chút, nên hôm nay sắc diện không được tốt. Nhưng em vẫn thấy trong người khỏe khoắn lắm, Đinh nương không phải lo lắng cho em đâu!
– Sắc diện em như thế không thể nói là khỏe được đâu. Không phải là em mất ngủ cả đêm để nghĩ ngợi gì đấy chứ?
– Vâng.. Thấy Đinh nương đoán trúng tình trạng của mình, ta thành ra ấp úng: Thực ra.. em có mất ngủ một lúc.
– Nếu mệt quá em hãy cứ về nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Rồi hôm khác qua nhận việc sau.
– Em không sao cả đâu. Xin người cứ giao việc cho em như bình thường.
– Thôi, vậy cũng được, hôm nay đã đến đây rồi thì cứ đến Ban y phục nhận việc, sau đó em có thể về nghỉ, từ ngày mai bắt đầu công việc cũng được. Nhưng lần sau nếu thấy mệt, em cứ sai gia nhân qua báo với ta là được rồi. Nếu trong người không thấy khỏe thì cũng không nên cố quá, vì công việc cũng đâu phải ngày một ngày hai là xong đâu; cứ bắt bản thân mình phải cố, chất lượng công việc cũng chưa hẳn đã tốt, mà lại thêm bệnh tật trong người, ảnh hưởng tới mọi việc về sau. Như vậy không phải là thiệt hại đủ đường, thiệt đơn thiệt kép hay sao?
Thấy Đinh nương nói có lí, ta chỉ dám đáp một tiếng “vâng” rồi lẳng lặng ngồi uống nốt chén trà.
Xong xuôi ta và nàng lên xe tới Ban Y phục. Vừa đi đường Đinh nương vừa giảng giải cho ta những công việc ta cần làm.
Công việc chính của ta ở đây là tiếp nhận yêu cầu từ các mặt trận báo về – cái đó Đinh nương hoặc những người có chức trách trong Động sẽ thông tin tới ta, rồi phân công cho các tổ, nhóm trong Ban để may vá theo số lượng và quy cách đã định. Hàng ngày ta sẽ qua Ban kiểm tra, đốc thúc công việc, nắm bắt số lượng, kiểm tra chất lượng để điều chỉnh cho kịp thời. Đến khi xong xuôi thì vận binh sẽ chuyển ra xa trường theo thời gian đã định. Công việc thực ra cũng không có gì nặng nhọc, nhưng nếu không theo dõi sát sao, đốc thúc kịp thời, để trễ hàng ra xa trường thì quan quân, binh sĩ ngoài mặt trận sẽ thêm gian khổ. Bởi vậy cần dốc hết sức hết tâm mà làm.
Sau khi đã phổ biến công việc xong xuôi, đi một lượt gặp gỡ những người có chức trách trong Ban, ta và Đinh nương lại lên xe trở về. Ngồi trên xe, Đinh nương chợt tươi cười bảo:
– Ta nhớ khi em mới ốm dậy, có hứa hôm nào đưa em đi bơi thuyền trong đầm sen. Sẵn tiện hôm nay em chưa bận bịu, ta làm một buổi du ngoạn luôn nhỉ? Kèo mấy bữa nữa gió lạnh về, lá sen tàn hết, là phải hè sang năm mới đi vãn cảnh được đó. Mà hè sang năm.. ai biết được như thế nào, phải không?
Ta hớn hở như mở cờ trong bụng:
– Như vậy thì còn gì bằng nữa! Đinh nương đúng là người chiều chuộng em nhất rồi!
Rồi nàng cho người đánh xe ra bờ đầm, lại sai người đưa thuyền đến. Một thị nữ phụ thạo việc thuyền bè được cử tới để chèo thuyền.
Con thuyền tuy nói là dùng để vãn cảnh hồ, ngắm hoa, hái sen chơi nhưng lại khá lớn, có mái che, được trang hoàng lộng lẫy, sơn son, thếp vàng, thả rèm, buông châu, chẳng khác gì thuyền rồng, thuyền ngự ngày xưa. Chứng tỏ Đinh nương đã đầu tư không ít công phu vào việc này.
Tuy nhiên điều đó cũng chẳng có gì là bất ngờ so với những thú vui, sở thích hết sức tao nhã thường ngày của nàng.
Sau một hồi chuẩn bị, chẳng mấy chốc con thuyền đã lướt nhẹ trên mặt đầm. Ngày cuối thu, mặt trời không chiếu nổi qua làn mây xám; nhưng mây cũng không đủ dày để ngăn không cho ánh sáng mặt trời xuyên qua. Nhờ vậy bầu trời vẫn hửng sáng mà không gian lại không bị ánh mặt trời thiêu đốt, chói chang. Bốn bề chung quanh sáng sủa, trong trẻo, dìu dịu những làn gió thu mát mẻ.
Mặt đầm nước trong veo, long lanh phản chiếu chiếc bóng của lầu Thủy Nguyệt đang soi bóng xuống mặt đầm. Đi trên thuyền nhìn xuống, có thể nhìn rõ cả những ngọn rong đuôi mọc sâu dưới đáy hồ đang vươn mình lên gần mặt nước để đón ánh sáng mặt trời. Lá sen đã tàn đến năm, sáu phần. Những chiếc lá đã héo đen và những chiếc gương sen đã khô quắt gục đầu xuống mặt nước trầm tư soi bóng. Nhưng những chiếc lá nở muộn vẫn mạnh mẽ vươn lên quanh đầm. Hơi lạnh của đêm và sương cuối thu làm cho chúng không thể giữ được màu xanh ngăn ngắt những chiếc lá nở độ hè. Nhưng không vì thế mà chúng mất đi vẻ thanh tao vốn có của mình. Vẫn tỏa ra thứ hương dịu nhẹ, thoang thoảng khắp mặt hồ.
Thuyền bơi ra giữa đầm sen, ta và các thị nữ còn phát hiện ra hai bông sen nở muộn đang nằm là là sát mặt nước. Có lẽ củ của chúng bị chìm quá sâu dưới bùn mà đến giờ chúng mới vươn lên mặt nước được. Giữa tiết trời cuối thu, nhìn thấy hai bông hoa sen đang hé mở với những cánh hoa mịn hồng, gương sen vàng rực cùng những nhị sen thơm ngào ngạt, thấy lòng hân hoan thế! Như thể gặp lại cố nhân thuở nào.
Ta và các thị nữ háo hức quay sang bảo Đinh nương:
– Chúng ta cho thuyền ghé lại hái sen để ngắm thôi chứ, thưa Đinh nương?
Đinh nương đi lại mạn thuyền, chỗ ta cùng mấy thị nữ đang túm tụm ngắm ra các bông sen, bảo:
– Chỉ có hai bông hoa nở muộn mà lại hái mất thì thật là đáng tiếc, sao ta không buông neo ở đây, rồi pha trà mà thong thả ngắm hoa! Không phải là nhã lắm hay sao?
Ta gật đầu bằng lòng. Đinh nương sai các thị nữ đi pha trà – vốn đã được nàng sai người chuẩn bị mang theo từ trước. Ta chỉ biết lắc đầu phục tài nàng vì sự chu đáo tính toán trước sau.
Trong khi các thị nữ đang chú tâm vào pha trà, Đinh nương ngồi lại bên ta, rồi nhẹ nhàng bảo:
– Có phải vì cuộc nói chuyện với ta bên bờ đầm chiều qua mà làm em mất ngủ không?
Ta nhìn nàng, lặng lẽ gật đầu. Rồi chẳng đợi hỏi thêm, cứ thế mà chậm rãi kể cho nàng chuyện của ta và Lê Hoàn công tử.
Khác với những hồi tưởng đêm qua, mỗi hồi tưởng là một lần đau đơn, một dòng nước mắt; thì mỗi lời ta kể cho nàng nghe bỗng dưng làm ta thấy nhẹ nhõm, dễ chịu xiết bao. Tưởng đâu những cơn gió cuối thu đã mang những u sầu đi xa, và dịu dàng, mơn man xoa dịu, an ủi lòng ta vậy.
Đinh nương ngồi im lặng nghe kể. Đến khi ta đã kết thúc câu chuyện nàng vẫn trầm tư ngồi đó, chiếc quạt thêu che hờ hững ngang mặt.
– Giờ ta đã hiểu tại sao khi ta nhắc tới Lê Tướng quân em lại phản ứng như thế. Ta thực sự xin lỗi em vì sự sơ xuất của ta đã khiến em phải buồn!
– Em không buồn nữa rồi. Ta nắm lấy bàn tay nàng: Tâm sự với người cũng như em đã bày tỏ được với mẹ với chị gái mình vậy, xong em thấy rất nhẹ nhàng và thoải mái. Nên em phải cảm ơn người mới phải, sao lại có thể trách lỗi gì người được?
Đinh nương đang định nói gì thêm thì một thị nữ của nàng lại báo trà đã sẵn sàng. Ta và nàng không nói chuyện nữa, lại bàn dùng trà.
– Ta bảo các thị nữ pha trà cúc hái trong vườn nhà dạo đầu thu đấy. Em thử thưởng thức xem sao?
Ta phì cười trêu nàng:
– Thô lỗ như em có trà của Đinh nương mời uống là mừng rồi, nào dám gọi là thưởng thức gì cơ chứ? Em mà thưởng trà của người cũng như đàn gảy tai trâu thôi, Đinh nương lượng thứ cho em!
Nói rồi cố tình trêu nàng, ngửa cổ uống một hơi cạn chén trà, chút xíu nữa là bị bỏng làm cả Đinh nương và các thị nữ được một mẻ cười vỡ bụng.
Mọi người đang cười nói hết sức vui vẻ thì có tiếng người ở bờ đầm gọi với sang:
– Trịnh tướng quân nhắn rằng hai Phu nhân và các nàng vui vẻ, cẩn thận kẻo lại ngã xuống đầm, là hai chúng tôi không cứu được hết đâu nhé! Ha ha..
Mọi người đều ngừng cười nhìn sang, thì ra là Trịnh Tú tướng quân và bộ tướng thân cận là Phạm Đình tướng quân, cùng hai thị vệ đang đi tuần, kiểm tra các chốt canh dọc bờ đầm.
Từ giữa đầm nhìn vào, nổi bật trên nền xanh mướt của lá cây là hình ảnh hai vị Tướng quân và thuộc hạ đang ngồi trên lưng ngựa, áo choàng đỏ tung bay trong gió. Bóng của mấy người in xuống mặt hồ thu phẳng lặng như một bức tranh hết sức thơ mộng thốt nhiên khiến mọi người đều không nói nên lời. Đến lúc bừng tỉnh ra thì mấy người đã phi ngựa đi xa. Chỉ còn lại tiếng cười văng vẳng lại trên mặt hồ.
Ta lúc bấy mới ngơ ngác:
– Sao Trịnh tướng quân lại nhắn nhủ như vậy cơ chứ?
– Chuyện này phải hỏi Đinh phu nhân mới rõ được. Hương Liên, thị nữ của Đinh nương mỉm cười rồi hất hàm sang phía Đinh nương đầy ẩn ý.
Thấy Hương Liên có vẻ bí hiểm, úp mở, ta gặng hỏi nàng mấy lần nhưng không được; mà cũng chẳng tiện hỏi Đinh nương lúc này đã ngồi lại bên bàn, truyện trò cùng mấy người còn lại, nên rốt cục cũng chẳng biết được Trịnh tướng quân và Phạm Đình tướng quân nói vậy có dụng ý gì.
Đầu tháng chạp, họ Đinh cho người từ Bố Hải Khẩu đưa tin về, sức khỏe của nghĩa phụ Trần Minh Công ngày càng xấu đi vì vậy họ Đinh vẫn chưa thể trở về Hoa Lư được. Mọi công việc trong Động vẫn do Trịnh tướng quân, Đinh Phu nhân cùng Dương phu nhân – tức là ta – cai quản. Họ Đinh cũng không quên nhắc nhở Trịnh tướng quân và Đinh nương phải thu xếp việc ăn ở cho ta chu toàn trong lúc họ Đinh vắng mặt.
Tết đã đến rất gần kề, nhưng do họ Đinh vắng nhà, nghĩa phụ Trần Minh Công lại đang lâm trọng bệnh, nên việc vui tết ở trong Động hế sức hạn chế. Khắp nơi đều có gói bánh chưng, bánh giày, mổ lợn và nấu rượu mới, nhưng nơi nào thì tự tổ chức ăn tết ở đó, chứ cũng không tổ chức liên hoan gì linh đình.
Những năm trước ở tại Trang Đông Lỗ, việc tết nhất đều do cha mẹ và gia nhân trong nhà chuẩn bị. Ta và các nàng thị nữ chỉ việc mặc quần áo mới, vui chơi, ăn bánh kẹo thỏa thích, nhận lì xì rồi đi hội ở các làng bên cạnh. Chúng ta chẳng mấy khi phải lo lắng việc gì. Bởi vậy tết trôi qua nhanh như người ta vẫn bảo, “ngắn chẳng tày gang”. Năm nay là năm đầu tiên ăn tết xa nhà. Ngồi nhớ nghĩa phụ, nghĩa mẫu; mới thấy những năm tháng ở Đông Lỗ ta đã vui vẻ và hạnh phúc biết chừng nào; và những ngày vui đó ta đã vung vẩy và hoang phí ra sao. Chẳng mấy khi sống thong thả lại để lắng đọng, để suy nghĩ, để biết ơn nghĩa phụ và nghĩa mẫu đã chăm sóc và yêu thương ta. Giờ xa quá rồi mới thấy xót xa!
Đêm giao thừa, sau khi đã cùng Đinh nương và Trịnh tướng quân làm lễ cúng trời đất, gia tiên, đang định dợm bước đi về nhà thì Đinh nương kéo tay ta lại rồi bảo:
– Năm nay là năm đầu tiên ăn tết trong Động, mà em lại định về nhà cùng hai thị nữ của mình đóng cửa đi ngủ sớm hay sao? Nào hãy qua nhà Đông, ta bảo gia nhân bày một mâm rượu ta với em hàn huyên cho vui.
Nghĩ thấy nàng nói cũng phải, không lẽ bây giờ lại cùng hai thị nữ về nhà đóng cửa, ngồi nhìn nhau cho thêm buồn nản. Thế là theo Đinh nương sang nhà Đông.
Nàng đã lệnh cho gia nhân chạy về trước chuẩn bị, nên đến khi xe về tới nhà, thì cỗ bàn đã chuẩn bị xong. Lò sưởi đã được nhóm, hương trầm đã đốt, gian nhà hết sức ấm cúng, và vui vẻ.
Gia nhân bày một mâm rượu thịt ra sập gụ giữa phòng nàng. Các thị nữ thì ngồi hết ở gian nhà ngoài, cũng được bày hẳn một mâm đủ cả thịt rượu. Đinh nương bảo các nàng cứ ăn uống thoải mái và tự nhiên vì cả năm các nàng đã lo cho chúng ta đủ rồi. Hôm nay ta và Đinh nương sẽ tự lo. Thế là các nàng chúc tụng nhau, rồi ăn uống, sát phạt nhau om xòm hết cả lên. Ta và Đinh nương chỉ còn biết nhìn các nàng mà lắc đầu.
Nhắc nhở các nàng vui vẻ nhưng cũng không nên quá chén, xong rồi ta và Đinh nương tự mình mang gối tựa lưng ra đặt trên sập gụ, ngồi xuống bên nhau và cũng rót rượu, chúc tụng nhau.
Qua vài lượt chúc tụng, dăm ba chén rượu đã thấy trong người ấm áp trở lại. Nhưng rượu ngấm vào người lại làm người ta bỗng như trầm tư hơn. Bao nhiêu suy nghĩ, tâm sự như chợt kéo về. Nhìn sang thấy Đinh nương cũng rơi vào im lặng, lơ đãng nhìn vào lò sưởi ở cạnh sập gụ, ta thốt nhiên cũng chẳng biết nói gì. Vậy là cứ thế, ta và nàng lặng lẽ ngồi bên nhau.
Nói gì cho hợp vào lúc này cơ chứ? Nói đến cha mẹ thì thương nhớ. Nói đến tình hình đất nước thì bề bộn, ngổn ngang. Mà nói chồng con thì cô đơn, lạnh lẽo. Biết nói gì để đỡ mất giông, mất vui đầu năm đây?
Đinh nương vào đây từ năm Ất mão. Tính từ đó đến nay đã chục năm rồi. Hàng năm nàng vẫn đón tết như thế này hay sao? Có năm nào họ Đinh đón tết ở nhà không? Có năm nào nàng được vui vẻ không? Chẳng biết số ngày họ Đinh ở nhà có đếm hết các đầu ngón tay không nữa? Còn ta, Tết năm ngoái ta đang làm gì và ở đâu nhỉ? Hình như ta và chàng đã cùng vui chơi hội hè suốt cả mùa xuân đó, đã cùng đi ngắm hoa mơ, hoa mận.. Thế mà giờ này chàng đang nơi đâu? Chàng đang đón tết như thế nào? Thế mà sao ta lại một mình nơi đây. Xa cha mẹ, xa gia đình. Mà ta đã có chồng rồi à? Hay là chưa có chồng? Ta còn chưa gặp mặt chồng của mình nên cứ nghĩ là mình chưa lấy chồng. Thế mà sao ta ở đây đón Tết với những người không máu mủ ruột rà? Trừ Đinh nương ra thì ta có quen biết mấy ai đâu? Chà, có khi ta say mất rồi!
Đột nhiên hình ảnh những chiếc áo bào đỏ của Trịnh Tú Tướng quân và thuộc hạ tung bay phấp phới phản chiếu trên mặt nước đầm mùa thu, cùng câu nói vui đùa và tiếng cười hào sảng của họ hôm đó hiện về trong đầu ta. Ta bèn quay sang hỏi Đinh nương:
– Vì lẽ gì mà buổi chơi thuyền hôm đó hai vị Tướng quân và các thị vệ lại trêu đùa chúng ta như vậy?
– Cũng là có lý do đó – Đinh Nương trầm ngâm. Nói rồi nâng chén rượu lên, uống một hơi cạn sạch, sau đó mới thong thả kể: Đó là một buổi chiều hè chừng như ta đã về Động được bốn, năm năm gì đó. Khi ấy sen nở rất nhiều trong đầm. Em có tưởng tượng được không? Vì buồn chán quá, chính ta đã sai người kiếm rất nhiều củ sen thả vào đầm hai, ba năm trước đó. Thế mà năm đó đã thành một góc đầm mênh mông đầy sen. Những chiếc lá xanh to khỏe mạnh, khoáng đạt; những bông hoa màu hồng, màu trắng thanh tao chen nhau nở ở trong đầm. Phấn khích quá ta bèn sai thị nữ mang một chiếc thuyền tới rồi bơi ra đầm để hái sen, để ngắm, để ướp trà. Vì không cẩn thận lại thêm chiếc thuyền quá mong manh nên đã bị lật úp xuống, ta và hai thị nữ bị ngã xuống hồ. Chúng ta đều biết bơi cả nên nhanh chóng bơi vào bờ. Đúng lúc đó thì Trịnh Tướng quân, Phạm Đình Tướng quân cùng hai tùy tùng đi tuần tra qua vội vàng nhảy xuống ngựa, định bơi ra ứng cứu. Nhưng thấy chúng ta đang bơi vào, lại biết chúng ta đều là con nhà võ nên thôi. Chứng kiến cảnh chúng ta ba người lóp ngóp bơi vào bờ họ không khỏi cảm thấy khôi hài, cứ đứng cười ngặt nghẽo suốt. Riêng Trịnh Tướng quân vẫn giữ nét mặt nghiêm nghị, quay sang quát nạt thuộc hạ không được thất lễ. Nhưng từ đó về sau giai thoại chúng ta mải chơi bị ngã xuống đầm sen vẫn lan khắp Động. Cứ có dịp là Phạm Đình Tướng quân lại trêu ta. Ngay cả Tướng công khi biết chuyện cũng không giấu nổi tiếng cười. Thời gian sau đó Trịnh Tú Tướng quân đã đóng một con thuyền lớn tặng ta để chúng ta đi vãn cảnh được an toàn. Chính là con thuyền mà em đã đi hôm đó.
– Thế rồi chuyện tiếp theo ra sao? Người cho em biết nốt đi?
– Thế rồi sao? Câu chuyện đến đó là kết thúc rồi. Còn trăng sao gì nữa! Ha ha..
Đinh Nương nói vậy rồi cất tiếng cười vang. Nhưng đó là tiếng cười gượng. Trong tiếng cười dường như có gì đó u uẩn.
Ta chợt nhớ tới khuôn mặt tươi đẹp của Trịnh tướng quân, hình ảnh khoáng đạt lúc chàng và bộ tướng cưỡi ngựa bên bờ đầm. Rồi bỗng tự có ý nghĩ vẩn vơ, nuối tiếc. Ta chưa gặp mặt họ Đinh, nên chẳng biết có thể là người như thế nào, nhưng Trịnh Tú tướng quân quả là một người mà người ta không yêu quý không được. Dáng người cao ráo, giọng cười hào sảng. Khi cần nghiêm thì nghiêm, mà lúc cần vui lại hết sức vui. Vị Tướng quân tuấn tú ấy đã tốn bao công phu đóng cho Đinh Nương một chiếc thuyền lớn để nàng dạo chơi, ngắm cảnh. Nếu Đinh Nương không phải là vợ lẽ của họ Đinh, thì Đinh Nương và chàng sẽ trở thành một cặp thanh mai, trúc mã không biết chừng! Nghĩ tới đó rồi ta lại thấy trí tưởng tượng mình đi xa quá, đành lắc đầu, nâng chén rượu lên uống liền một hơi. Cay xè! Ta “A” lên một tiếng, nhìn Đinh nương. Hai người cùng phì cười. Xong rồi hai người cũng không nói thêm với nhau gì nữa, cứ ngồi thẫn thờ bên nhau như thế cho đến lúc ngủ quên trên sập. Các thị nữ phải dọn mâm đi và mang chăn ấm ra đắp lên người lúc nào không biết