Mùa hè năm Ất Sửu Nam Tấn Ngô Vương mang quân đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn bị trúng tên độc, qua đời.
Tham tá thân cận là Lã Xử Bình vốn được Ngô Vương trọng thị, yêu chiều mà ban cho quốc tính, thường gọi Ngô Bình, chớp thời cơ làm loạn, chiếm lấy Cổ Loa, thâu tóm toàn bộ quân đội ở kinh thành, và dễ dàng đoạt được Binh phù, Ấn tướng cùng Ngọc tỉ. Hoàng tử Ngô Xương Xí chống cự không nổi phải bỏ chạy về vùng Bình Kiều, Hoan Châu để bảo toàn tính mạng.
Lợi dùng bối cảnh loạn lạc đó, Công tử Đinh Liễn, lúc bấy giờ đang làm con tin trong thành Cổ Loa, đã chạy trốn khỏi kinh đô. Trở về Hoa Lư, Công tử Đinh Liễn liền mang theo một vài bộ tướng thân tín, tiến vào vùng Ái Châu để chiêu mộ binh lính, tập hợp lực lượng, hòng thực hiện lý tưởng của hai cha con họ Đinh bấy lâu nay, giấy nghiệp thống nhất nước nhà.
Vốn biết Ái Châu là vùng đất thượng võ, lại có Võ đường Dương Xá là quê hương của người anh hùng Dương Đình Nghệ mà dòng họ Đinh đã mấy đời phò tá dưới trướng; là cái nôi đào tạo binh hùng tướng giỏi của cả vùng, Công tử Đinh Liễn nhanh chóng tìm tới bái kiến Nghĩa Phụ và Thúc phụ. Ba người cứ thế mà bàn bạc việc nước, việc quân mấy ngày mấy đêm liền.
Đến ngày thứ tư Thúc phụ cho tập hợp toàn bộ môn sinh để Công tử Đinh Liễn diễn thuyết. Biết được lý tưởng lớn lao của cha con họ Đinh là thu phục các Sứ quân, thông nhất giang san, mang lại bình yên cho muôn dân, hàng trăm môn sinh trong Võ đường đã nhất loạt theo chàng.
Khi ấy Công tử Đinh Liễn đã gặp Lê Hoàn, hai anh hùng hào kiệt chí lớn gặp nhau, chẳng mấy chốc họ đã trở nên tâm đầu ý hợp. Lê Hoàn ngay lập tức được phong làm bộ tướng chỉ dưới Công tử Đinh Liễn một bậc.
Biết tin các môn sinh trong Võ đường đã nhất tề theo về với cha con họ Đinh, thanh niên trai tráng khắp vùng Ái Châu cũng đua nhau về quy phục. Thế là lực lượng của Đinh công tử đã lên tới con số ba nghìn. Bèn báo tin về cho Đinh Động chủ, chuẩn bị thêm viện binh để tiến về chiếm lấy Cổ Loa. Hai bên cùng thống nhất đúng ngày rằm tháng Tám sẽ xuất phát.
Tối ngày mười bốn, ở Võ đường và Đông Lỗ trang tổ chức tiệc chiêu đãi lớn để chia tay các môn sinh, chúc cho đội quân của Đinh Công tử chân cứng đá mềm, trăm trận trăm thắng.
Cả Võ đường và Đông Lỗ đông vui rộn rịp như có hội, người ra người vào tấp nập cả lên. Nghĩa phụ và nghĩa mẫu vốn không thích những nơi đông người, nhưng dịp này cũng cao hứng sang tham dự. Chỉ có ta là lòng buồn rười rượi.
Chàng gặp Đinh Công tử như cá gặp nước, như người tâm giao gặp người tri kỷ, hai người lúc nào cũng như hình với bóng, suốt đêm ngày chong đèn bàn bạc sách lược cùng nhau; lại thêm phải bố trí, tổ chức lực lượng quân đội vừa tuyển mộ được; lo liệu cho cuộc tiến quân sắp tới, mà bận trăm công nghìn việc. Mấy ngày nay chàng chẳng có thời gian mà nhìn đến ta một lần.
Đã thế chàng còn sắp đi xa..
Nghĩ đến đó mà lòng ta vừa buồn vừa giận ngổn ngang trăm mối. Chẳng biết buồn hơn hay giận nhiều hơn. Chẳng thiết tha gì tới tiệc rượu liên hoan nữa.
Sau khi nghĩa phụ và nghĩa mẫu đã về nhà nghỉ, cũng chẳng còn hứng thú gì với việc nghe hát, xem diễn trò, ta bảo hai thị nữ lẳng lặng đưa ta về, nhưng một mặt lại bảo gia nhân chưa về báo tin cho nghĩa phụ và nghĩa mẫu vội, vì ta còn muốn dạo chơi một lúc.
Rồi ta cùng hai thị nữ cứ thế lang thang trên cánh đồng, dưới ánh trăng mười bốn.
Cứ thế đi vô định một hồi mà đã ra tới bờ sông Càu Chày tự lúc nào. Chính là nơi mà Trung thu năm trước chàng đã ngồi thổi sao. Chính là nơi mà chàng đã nói yêu ta.
Vậy mà giờ..
Vầng trăng mười bốn chưa tròn đầy, mà ánh trăng đã sáng trong vằng vặc. Ánh trăng im phăng phắc buông trên mặt sông làm trời đất như nối liền một dải trong một thứ ánh sáng mờ ảo như thơ như mộng. Vậy sao ta thấy thê lương làm vậy. Hay chỉ tại chính ta đang sầu não mà thôi? Năm trước đã cùng nhau đứng nơi đây trao lời nguyện ước. Bao ngày tháng qua đã cùng nhau ngồi trên các tảng đá này, dưới gốc cây gạo này để cùng nhau vui đùa, trò chuyện. Nơi đây chàng đã vì ta mà tấu lên bao bản nhạc ân tình. Thế mà giờ chỉ còn lại những tảng đá trơ chọi, lạnh lẽo. Chỉ còn thân gạo cô độc đứng đó ngóng mãi lên trời. Rồi đây sẽ chỉ còn ta làm bạn với cây gạo cô đơn này. Cây gạo già! Người đã đứng đây bao nhiêu năm rồi và sẽ còn đứng đây bao nhiêu năm nữa? Đã có bao nhiêu kẻ phải nhỏ lệ chia ly dưới gốc của Người?
Nhìn cảnh đó, người đó, nghĩ tới đó, nước mắt cứ thế trào ra. Rồi ta cứ đứng đấy mà khóc nức nở ngon lành. Ánh trăng và dòng sông lấp lóa, tất cả đều nhòe đi theo làn nước mắt đớn đau.
Lan Nhi và Ngọc Nhi hốt hoảng chạy lại bên ta. Lan Nhi bám vào cánh tay ta rồi lắc lắc, bảo:
– Tiểu thư sao thế? Có gì ấm ức hãy nói cho chúng em chứ? Sao tự dưng ra đây khóc lóc như vậy? Bọn em biết phải làm sao đây?
Chưa ai kịp nói gì thêm thì giọng Ngọc Nhi vừa bất ngờ vừa hốt hoảng cất lên:
– Lê Công tử!
Ta cùng Lan Nhi quay lại nhìn, thấy chàng đang vội vàng đi đến.
Chưa kịp chào hỏi gì, chàng đã bảo hai thị nữ:
– Xin hai nàng hãy lui đi một lúc, ta có chút chuyện muốn nói riêng với Dương Tiểu thư. Vừa nói chàng vừa bước nhanh lại phía ta đang đứng.
Hai thị nữ nhanh chóng trở lên trên đường đứng, vừa nói chuyện vừa canh chừng. Bấy giờ ta mới vội vã đưa tay quệt nước mắt. Rồi vờ như không thèm để ý đến chàng, mắt vẫn đăm đăm nhìn xuống dòng Càu Chày.
– Sao nàng lại khóc? Sao đang khóc mà thấy ta đến lại vội ngừng?
Ta im lặng không nói gì cả, dù thực tình khi nghe câu hỏi ấy của chàng, bao ấm ức, giận hờn, buồn tủi mấy ngày qua đã dâng lên đến cổ họng, phải khó khăn lắm ta mới ngăn được, không để nó vỡ òa ra.
Thấy vậy chàng ân cần cầm lấy tay ta, dịu dàng bảo:
– Nàng giận ta vì mấy ngày hôm nay không quan tâm được tới nàng đúng không?
Ta vẫn quyết không nói gì. Rút bàn tay ra khỏi tay chàng, trong khi tay còn lại lẳng lặng đưa lên lau vội hai hàng nước mắt đã lăn dài trên má.
Chàng bước lại vòng tay ôm lấy ta, sau đó khẽ kéo đầu ta sát vào ngực chàng rồi thì thầm bên tai:
– Ta biết nàng giận ta mà. Muốn khóc thì nàng cứ khóc đi.
Nói rồi đưa tay vuốt lên mái tóc ta, tay kia thì vỗ vỗ vào lưng ta an ủi, vỗ về.
Thế là không kìm được nữa, ta bắt đầu khóc lên nức nở. Chàng vòng tay ôm chặt ta vào lòng rồi xúc động nói:
– Không nhìn thấy nàng đâu cả ta vội vã đi tìm. Không ngờ ra đây đã thấy nàng thế này. Ta biết ta sai rồi. Ta biết ta đã làm cho nàng buồn. Muốn trách mắng gì nàng cứ trách mắng đi. Nhưng xin nàng hãy hứa với ta một điều: Nàng sẽ đợi ta về được không?
Ta không trả lời, vẫn cứ ấm ức úp mặt vào ngực chàng mà khóc dữ dội hơn.
Ly biệt! Điều ấy cuối cùng cũng đã đến rồi!
Mấy ngày qua ta có chút giận dỗi chàng vì chàng bận bịu quá không để tâm đến ta nhiều được. Nhưng ai có thể trách chàng vì sự bận bịu ấy được? Phận nữ nhi như ta cũng biết tình hình đất nước hiện tại đang nước sôi, lửa bỏng. Nếu không nhanh chóng dẹp tan được bọn phản loạn Lã Xử Bình ở Cổ Loa, bình định các sứ quân thì thiên hạ sẽ đại loạn. Các sứ quân sẽ vì tranh giành quyền lực mà chém giết lẫn nhau, chiến tranh vì thế sẽ diễn ra liên miên không dứt, dân đen sẽ phải chịu cảnh lầm than còn bọn giặc phương Bắc sẽ lợi dụng tình thế ấy mà trở lại xâm lược đất nước. Thế nên chàng và Đinh Công tử phải quay như chong chóng để chuẩn bị, không chút nghỉ ngơi, điều đó ai cũng biết. Ta có dỗi hờn chàng, tủi thân vì chàng không quan tâm được tới ta, nhưng ta nào có thể trách cứ các chàng được?
Cái ta sợ nhất, cái làm cho ta đau khổ nhất chính là phải đối mặt với giây phút ly biệt này!
Ta ước sao những chuyện này không bao giờ xảy ra, ước sao ta và chàng sẽ mãi mãi được bên nhau, cùng nắm tay vui chơi ca hát trên cánh đồng Cầu Chày. Nhưng giờ đây, đó không phải là một ước mơ viển vông giống như thuở nhỏ người ta vẫn hay mơ được gặp các bà tiên và được cho nhiều kẹo bánh hay sao?
Mà khi đã đi rồi thì biết bao giờ trở lại? Một năm. Hai năm. Năm năm. Hay là biết đến khi nào? Nghĩ đến những tháng ngày không có chàng ở bên cạnh mà ta đã thấy đau đớn, trống trải tới tận cùng. Có lẽ những cánh đồng mùa đông bên dòng sông Càu Chày, nơi những cơn gió mùa Đông Bắc vần vụ và gào thét cũng không thể trống trải đến thế.
Càng nghĩ ta càng không làm sao cho nước mắt ngừng rơi được. Có lẽ cũng đã thấm ướt đẫm ngực áo chàng rồi. Chàng thấy thế cũng không nói gì nữa. Chỉ xiết chặt ta vào lòng.
Khóc lóc một hồi trong vòng tay chàng, ta cũng đã phần nào bình tâm lại, bèn nhẹ nhàng đẩy chàng ra, lấy khăn tay lau nước mắt trên mặt. Thì thấy nước mắt cũng đã chan chứa trên khuôn mặt của chàng tự lúc nào.
Đây là làn thứ hai chàng khóc vì ta. Lần một chính là khi thấy ta nằm ở dưới đáy vực bên sông Càu Chày để thử lòng chàng ngày ấy. Những giọt nước nhỏ mát lạnh rớt lên mặt ta khi đó chính là nước mắt của chàng. Và đây chính là lần thứ hai.
Nhìn nước mắt chảy dài trên gương mặt hàng ngày vốn cương nghị, đĩnh đạc mà nay lại nhuốm thêm phần mệt mỏi vì bận bịu và lo lắng của chàng sao thấy đau lòng đến thế. Ta vội vã lấy tay lau nước mắt trên mặt chàng rồi cuống quít:
– Chàng cũng phải hứa sẽ trở về với Nga Nhi chứ? Dù thế nào chàng cũng phải trở về đây, trở về Đông Lỗ bình an với Nga nhi chứ? Nga Nhi sẽ đợi chàng, sẽ mãi mãi ở đây đợi chàng!
Chàng ôm ta vào lòng rồi bảo:
– Nhất định rồi. Ta nhất định sẽ trở lại. Nàng hãy đợi ta ca khúc khải hoàn trở về, rồi chúng ta sẽ sớm tối bên nhau.
Ta gật đầu. Rồi hai ta trao nhau một nụ hôn rất dài ở bên sông Càu Chày. Rồi cứ thế đứng bên nhau mãi, mong không phải chia rời.
Khi chúng ta đứng bên nhau như thế, chúng ta có một sự chắc chắn đến khờ khạo về tương lai của mình. Bản thân ta khi đó ôm chặt lấy chàng dưới ánh trăng lồng lộng, trao cho chàng nụ hôn ly biệt thật dài dưới bầu trời cao rộng, giữa cánh đồng mênh mang bên dòng sông quê hiền hòa, cũng nghĩ rằng chỉ có cái chết mới có thể chia lìa được chúng ta. Thế mà rồi..
Nếu người đến cầu thân với ta vào đầu mùa hè năm sau đó là bất kỳ ai mà không phải Đinh Bộ Lĩnh thì ta đều có thể từ chối, đều có thể nói cho nghĩa phụ và nghĩa mẫu biết về lời hứa hẹn của ta với chàng. Rồi ta sẽ giữ được lời hứa với chàng. Nhưng chớ trêu thay người đến khi đó không là bất kỳ ai khác, mà lại chính là Đinh Bộ Lĩnh!
Sau khi từ Ái Châu tiến quân về Hoa Lư, đoàn quân của Đinh công tử và chàng tiếp tục chiêu mộ thêm nhiều binh lính, đồng thời nhận được tiếp viện từ Động Hoa Lư, rồi nhanh chóng tiến thẳng về Cổ Loa. Với lực lượng gồm nhiều quân tinh nhuệ, khí thế như chẻ tre, chỉ trong vòng vài ngày đã tiêu diệt được Lã Xử Bình, chiếm đóng Cổ Loa. Các tháng sau đó lực lượng chàng và Đinh Công tử, với viện quân của các tướng tài Nguyễn Bặc, Đinh Điền đã tiến quân lên Phong Châu, Bạch Hạc, tiêu diệt Kiều Tri Hựu – kẻ vốn vẫn nhăm nhe tiến về Cổ Loa tranh giành với Lã Xử Bình.
Chiếm được Cổ Loa, Phong Châu, Bạch Hạc, nắm Binh phù, Ngọc tỉ trong tay; tiếp sau đó là việc dũng tướng Phạm Phòng Át tới bái kiến Đinh Bộ Lĩnh xin quy phục về dưới trướng đã tạo ra cho quân đội của Đinh Bộ Linh một thế và lực rất lớn. Để rộng đường dư luận, thuận lợi cho việc đánh dẹp và hàng phục các sứ quân, thống nhất đất nước, họ Đinh xác định việc cần làm trước nhất tại thời điểm đó chính là thu phục được quân đội của cựu Hoàng Tử Ngô Xương Xí.
Cuối Xuân năm Bính Dần, Đinh Bộ Lĩnh mang theo hai bộ tướng thân tín Đinh Điền và Nguyễn Bặc cùng một nghìn binh lính tiến về vùng Hoan Châu. Trên đường đi, đã ghé qua Đông Lỗ trang bái kiến nghĩa phụ ta.
Năm xưa Thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ, là thân sinh của Đinh Bộ Lĩnh, từng là bộ tướng thân tín của tổ phụ Dương Đình Nghệ. Đến khi nghĩa phụ về làm Vương tại Cổ Loa từ năm Ất Tỵ đến năm Canh Tuất, họ Đinh cũng đã hết mực trung thành hầu hạ dưới trướng. Tình nghĩa mấy đời không gì có thể sánh được. Hơn nữa Võ đường họ Dương chính là nơi đã đóng góp những lực lượng tinh nhuệ nhất cho quân đội của họ Đinh, vì thế việc vào bái kiến này chẳng có gì làm lạ.
Sau khi hạ trại cho binh lính nghỉ ngơi, sáng sớm Đinh Bộ Lĩnh cùng với hai bộ tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã lặng lẽ rời doanh trại, ba người ba ngựa cứ thế thong thả tiến vào Trang. Mấy người đã cùng nghĩa phụ ta đối ẩm, bàn bạc chính sự suốt cả một ngày liền. Chính nghĩa phụ là người đã hiến kế cho họ Đinh, rằng lực lượng của Ngô Xương Xí rất yếu, nên họ Đinh không cần phải giao chiến làm gì cho bao binh tổn tướng của cả hai bên, chỉ cần tiến thẳng về đất Bình Kiều, cho quân dựng trại cạnh thành họ Ngô, rồi mở tiệc khao quân, trống rong cờ mờ, chiêng trống khua khoắng là ắt cựu Hoàng tử sẽ phải ra hàng. Về sau họ Đinh đã áp dụng đúng sách lược này của Nghĩa phụ và nhanh chóng hàng phục được cựu Hoàng tử Ngô Xương Xí.
Buổi tối hôm đó trước khi rời đi, họ Đinh đã xin với nghĩa phụ đón ta về làm Hoa Lư làm vợ lẽ. Hẹn một đôi tháng sau đó sẽ chọn ngày lành tháng tốt cho người từ Hoa Lư về đón rước.
Nếu là một ai khác không phải họ Đinh cầu thân thì mọi chuyện đã có thể khác. Nhưng là một người mà như nghĩa phụ đã thấy được khi đó, rằng chỉ còn là vấn đề thời gian thôi sẽ nắm cả thiên hạ trong tay, thì ta còn có thể làm gì?
Khi ta và chàng hứa hẹn với nhau dưới ánh trăng sáng bên sông Cầu Chày, ai có thể nghĩ tới việc, rằng ta sẽ phải về Hoa Lư, sẽ phải trở thành vợ lẽ của người mà chàng hàng ngày cúi đầu gọi là Minh chủ? Nếu là chàng, nếu chàng ở bên cạnh ta khi đó, thì chàng sẽ làm gì? Và chàng, khi chàng ở nơi xa đó hay tin ta đã về Hoa Lư trong tâm thế như thế này, chàng sẽ cảm thấy như thế nào? Chàng có đau lòng không? Chàng có hiểu cho nỗi lòng ta không? Rồi mai đây ta với chàng sẽ đối diện với nhau như thế nào giữa đất Hoa Lư này? Rồi mai đây chúng ta sẽ đối diện với nhau và đối diện với lòng mình ra sao mỗi khi thấy ánh trăng sáng gợi nhắc những lời hẹn ước còn dang dở khi xưa..