Buổi sáng hôm đó, khi ta tỉnh ngủ dậy thì không thấy chàng ở bên. Suốt mấy ngày liền lúc nào cũng quấn quít bên nhau không rời, nên giờ không thấy chàng bên cạnh bỗng thấy hụt hẫng lạ. Ta kéo chăn lên người, cố nấn ná hơi ấm, rồi nằm nghĩ về những ân ái đã cùng nhau những ngày qua mà không khỏi đỏ mặt.
Không biết chàng đi đâu mà sớm thế? Phải chăng triều đình có tin gì báo xuống hay sao? Mà cũng phải thôi! Đã ở đây sáu, bảy ngày rồi còn gì! Chắc Hoa Lư cũng tồn đọng không biết bao nhiêu là việc. Có lẽ cũng đã đến lúc nên trở về rồi! Nghĩ thế không khỏi cảm thấy chút buồn dâng lên trong lòng. Ta vừa kéo chăn trùm lên đầu như thể không muốn đối mặt với sự thật thì nghe thấy tiếng chàng cười ở bên cạnh:
– Giờ này mà còn định kéo chăn lên ngủ tiếp hay sao? Nàng dậy đi ta có chuyện muốn nói.
Ta vẫn nằm im chẳng thèm động đậy. Chàng thấy thế lại cất tiếng cười vang. Chàng lật một góc chăn lên rồi cúi xuống hôn vào má ta và tiếp:
– Ta biết nàng dậy rồi mà! Hãy dạy mặc ấm vào đi rồi ta nói chuyện!
Môi và mặt chàng áp vào cổ ta lạnh toát làm ta không khỏi rùng mình. Lạnh như vậy chứng tỏ chàng đã ra ngoài được một lúc rồi mới trở lại.
Chàng nói rồi đứng dậy lại bàn ngồi viết. Ta vờ ngoan cố, nấn ná một lúc ở trên giường rồi mới tỉnh dậy, khoác chiếc áo choàng cho ấm rồi lại ngồi bên chàng trên chiếc thảm. Ta gục mặt vào lưng chàng, hai tay ôm lấy eo chàng, lắng nghe tiếng tim chàng đập, tiếng hơi thở của chàng và cảm nhận cơ thể chàng rung lên khe khẽ sau mỗi nhịp đưa bút. Thấy cõi nhân gian sao mà bình yên đến thế! Mong sao khoảnh khác này cứ kéo dài ra mãi. Mãi mãi cứ thế này thôi. Chàng ở đây và ta dựa vào chàng cho đến hết đời..
– Triều đình báo tin xuống nhiều việc cấp bách quá rồi. Có lẽ chúng ta cũng phải về thôi! – Đúng như ta dự đoán, chàng cất tiếng. Nói rồi đặt bút xuống, quay lại ôm ta vào lòng, chàng tiếp: Ta ước gì cứ mãi được ở bên nàng như thế này mà quên đi tất cả. Nhưng còn giang sơn xã tắc đó. Biết tính làm sao đây!
Ta chẳng nói gì. Chỉ lẳng lặng ôm lấy khuôn mặt chàng rồi hôn vào má chàng, vào mang tai chàng. Chúng ta nhanh chóng chìm vào một nụ hôn thật dài, thật sau ướt rượt và đê mê. Ta buông lơi áo choàng. Ta cuốn lấy chàng. Ta chỉ muốn được ân ái cùng chàng. Ta chẳng cần quan tâm tới điều gì khác nữa! Nhưng mặc cho nhịp độ của ta càng lúc càng cuồng nhiệt, thì chàng lại dần dần chậm lại rồi dừng hẳn. Xong chàng nâng khuôn mặt ta lên và bảo:
– Nga Nhi, ta đang định ngày mai sẽ trở về Hoa Lư! Nàng hãy xem có đồ đạc gì cần mang theo rồi chúng ta cùng đi luôn chứ!
Ta giật nảy mình như mỗi khi nằm mơ thấy mình vừa rơi từ trên cao xuống đất! Chàng về Hoa Lư thì đã đành, nhưng ta cũng phải về Hoa Lư hay sao? Ta thực tình chưa nghĩ đến việc ấy! Dù biết là không thể không về nếu muốn được ở bên chàng. Thế mà.. đã đến lúc rồi sao?
Ta ngẩn ra, trong đầu rối như một mớ tơ vò. Mãi rồi mới lẩm bẩm bảo:
– Thần thiếp cứ nhất định phải về Hoa Lư sao?
Lê Hoàn nãy giờ im lặng nhìn ta, khi nghe thấy câu nói ấy không tránh khỏi ngạc nhiên:
– Nàng nói vậy là sao Nga Nhi? Có lẽ nào..
– Không phải như vậy! Chỉ là thiếp.. thiếp chưa sẵn sàng trở lại Hoa Lư.
– Vì sao chưa sẵn sàng chứ? Có điều gì cản trở nàng nữa chứ? Lê Hoàn nắm chặt lấy hai bàn tay ta, nhìn thẳng vào mắt ta.
Ta cúi xuống để lảng tránh ánh nhìn của chàng. Miệng lí nhí:
– Không có gì cản trở thiếp. Chỉ là thiếp muốn có thêm thời gian..
– Tại sao nàng lại phải cần thêm thời gian? Để làm gì và bao lâu chứ?
– Thiếp muốn.. qua tháng Mười năm sau sẽ về Hoa Lư.
Lê Hoàn nghe như thế nhảy dựng lên:
– Qua tháng Mười năm sau! Là một năm liền ư? Tại sao nàng lại cần nhiều thời gian thế? Sao không theo ta về Hoa Lư luôn?
– Vì tháng Ba tới đây là hết tang của Nghĩa phụ và Nghĩa mẫu, và tháng Mười là hết tang của Đinh Bộ Lĩnh.. Thần thiếp..
– Như vậy thì không được! Ta vừa nói đến đó Lê Hoàn liền thay đổi thái độ, dứt khoát nói rồi đứng dậy ở bên bàn và trong một lúc lâu không nói thêm một lời nào nữa.
Thực ra ta có thể hiểu được chàng. Chúng ta chẳng còn trẻ trung gì nữa. Hơn nữa thời gian một năm là quá dài! Ai mà biết được liệu chuyện gì có thể xảy ra. Mãn tang Nghĩa phụ và Nghĩa mẫu thì đã đành, nhưng đợi cho hết tang họ Đinh rồi mới về với chàng, đối với Lê Hoàn mà nói, khác nào chạm vào lòng tự ái. Nhưng ta cũng có cái lý riêng của mình. Liền đứng dậy, tiến lại phía sau chàng, bảo:
– Thần thiếp biết việc này là vô lý, nhưng cũng chỉ là vì thần thiếp muốn cho trọn vẹn nghĩa tình với người đã chết nên mới đề xuất như vậy. Chẳng gì cũng nghĩa vợ chồng hơn mười năm nay. Thêm nữa Đinh Bộ Lĩnh từng là Hoàng Đế, thần thiếp cũng từng là mẫu nghi của thiên hạ. Bách dân trăm họ nhìn vào.. Nếu không giữ lề lối, phép tắc thì e rằng..
– Ta không muốn như vậy! Ta không muốn chúng ta vì Đinh Bộ Lĩnh mà trì hoãn thêm bất cứ điều gì nữa! Ân oán giữa chúng ta đã dứt rồi! Khi xưa Đinh Bộ Lĩnh có được nàng thì nay ta có được giang sơn. Giờ đây Đinh Bộ Lĩnh đã chết, chỉ còn ta và nàng, không thể nào một người đã chết lại vẫn có thể lần thứ hai cướp mất cơ hội hạnh phúc của ta được!
Ta vòng tay ôm lấy lưng chàng, nước mắt đã lưng tròng, bảo:
– Thần thiếp cũng không muốn như vậy. Nhưng nỗi khổ của thần thiếp mong Hoàng thượng hãy hiểu cho. Nếu không phải thần thiếp đã từng là vợ của một vị Hoàng Đế và nay lại về Hoa Lư để làm vợ của một vị Hoàng Đế thì thiếp không quản ngại. Nhưng hoàn cảnh trớ trêu như vậy thần thiếp không thể không e dè..
Nói rồi cứ thế đứng ôm chặt lấy chàng từ phía sau mà khóc. Chàng lặng im. Những tưởng ta đã làm cho chàng xuôi lòng rồi. Nhưng không ngờ, chàng nuốt ực một cái rồi hét lên:
– Không! Ta không muốn trì hoãn thêm nữa! Ta muốn nàng phải về Hoa Lư ngay cùng ta! Ta cũng không muốn nói thêm về việc này nữa! Nàng hãy suy nghĩ cho kỹ đi!
Nói rồi vùng ra khỏi hai cánh tay ta, lao ra khỏi trại. Ta chạy theo ra ngoài thì đã thấy chàng nhảy lên lưng ngựa và phi ra cánh đồng. Ta nhìn theo tấm áo choàng nhung màu đỏ thêu rồng phượng bằng chỉ vàng bay phất phơ trong gió đang xa dần mà lòng không khỏi quặn đau, ngồi xụp xuống bên cửa trại bưng mặt khóc. Nàng thị nữ hàng ngày vẫn hầu hạ bên trại từ đâu đi tới đỡ ta dậy. Ta mới nức nở bảo nàng:
– Hãy cho thị vệ về Đông Lỗ, gọi người mang kiệu tới đón ta.
Nàng thị nữ mặt cắt không ra giọt máu, bảo vâng rồi dìu ta vào trong lều, đặt ta ngồi ở giường sau đó vội vã chạy đi.
Một lúc sau thì Lan Nhi cùng bốn gia nhân từ Đông Lỗ mang theo kiệu tay hớt hải đi tới. Các gia nhân đứng đợi ngoài còn Lan Nhi theo thị nữ đi vào trong lều. Nhìn thấy ta đang nước mắt đầm đìa ngồi bên giường nàng ta không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng chẳng để nàng kịp mở miệng, ta liền quệt nước mắt đứng dây bảo “Chúng ta đi thôi!” rồi vội vã đi ra sân, lên kiệu để gia nhân khiêng về tận Trang mà không kịp nói thêm với nàng một câu nào nữa.
Về đến Trang ta mới từ từ kể lại cho Lan Nhi nghe đầu đuôi sự việc. Nghe xong nàng cả cười rồi bảo:
– Cứ nghĩ Hoàng thượng và Nương nương đã trải chiếu ngọc, buông rèm châu giữa cánh đồng mà ân ái mặn nồng mấy ngày qua nên mới không thèm trở về Đông Lỗ. Ai dè lại hóa ra cãi vã, rồi thì giận dỗi, mỗi người một hướng như vậy sao! Người xem như vậy có khác gì trẻ con không?
Ta ngồi lún vào tấm thảm ông trên tràng kỷ, chẳng thèm để ý đến lời nàng. Ta vẫn còn ngỡ ngàng trước phản ứng của Lê Hoàn lúc ấy! Không ngờ việc ta muốn hoàn thành chút tâm ý cuối với họ Đinh rồi mới về Hoa Lư lại làm chàng phật ý như vậy. Chẳng còn thiết đúng sai gì nữa! Thông thường theo lệ, khi người chồng mất thì người vợ phải để tang chồng ba năm mới được tài giá. Dân gian từ bắc chí nam đều phải tuân theo như vậy, huống hồ ta từng là Hoàng hậu của họ Đinh, từng là mẫu nghi của thiên hạ. Nay chưa hết tang mà lại trở thành Hoàng hậu của nhà Lê không phải là sẽ trở thành chuyện đàm tiếu cho thiên hạ hay sao? Thế mà chẳng chịu nghe ta nói đúng sai, phải trái, đùng đùng hất ta ra rồi bỏ đi.
Mà suy cho cùng ta cũng vẫn chưa sẵn sàng để về Hoa Lư. Ta chưa chuẩn bị cho việc ấy! Yêu chàng, muốn ở bên chàng mà ái ân quên ngày tháng là một chuyện. Nhưng về Hoa Lư ngay với chàng lại là chuyện khác..
– Nhưng em nghĩ, lẽ ra người nên ở lại bên trại để giải quyết cho rõ trắng đen mọi chuyện với Hoàng thượng rồi hãy ở thì ở, về thì về chứ. Tự dưng bỏ về Đông Lỗ khi mọi chuyện chưa ngã ngũ như vậy chẳng phải hay đâu. Lát nữa Hoàng thượng trở về không thấy người đâu thì sẽ như thế nào? Rồi hai người định làm thế nào để giải quyết mọi chuyện đây? Hay hai người định cứ thế mà lại mỗi người một nơi?
Câu nói ấy của Lan Nhi quả nhiên làm ta như bị dội gáo nước lạnh. Thật tình ta đã không nghĩ đến việc ấy! Khi chàng quay lại không thấy ta thì tính sao đây? Rồi sáng mai cứ thế thu dọn trở về Hoa Lư không nói một lời nào, rồi cứ thế mà xa nhau thật thì ta tính sao đây?
Nghĩ thế phút chốc lòng lại phừng phừng như lửa đốt, đúng ngồi không yên! Nhưng thực tình ta cũng chẳng biết nên thế nào cho phải bây giờ! Ta chẳng thể lại trở sang bên đó mà làm lành với chàng! Mà làm lành rồi thì thế nào tiếp theo? Đi hay là ở chứ? Chưa quyết định được việc ấy thì rồi lại cãi nhau như lúc nãy chứ tránh sao được đây! Vậy thì sang làm gì?
Ta càng lúc càng không yên ở trong lòng, không ngừng đi đi lại lại trong nhà như đã hóa điên. Lan Nhi chỉ còn biết ngồi nhìn ta rồi thở dài não nuột.
Buổi chiều trời bỗng sầm sì. Mây bỗng kéo về không báo trước.
Sâm sẩm tối lại có chút mưa phùn lất phất làm bóng tối kéo về thêm thê lương và lạnh lẽo!
Thế mà ta cứ thấy như lửa đốt phừng phừng ở trong lòng! Chẳng rõ mưa gió lạnh lẽo thế này chàng có rời về Hoa Lư sớm không? Có khi là không? Vì nếu đi rồi chắc phải cho người qua báo ta chứ! Chứ cứ như thế mà đi thật hay sao?
Buổi tối ngồi bên bàn nghe tiếng mưa rơi lộp độp từng hạt ngoài vườn, bên hiên nhà thì càng thêm não nề. Không phải là mưa lớn, chỉ là mưa lây phây thôi. Nhưng mưa đọng lại trên các tàu lá, mái ngói rồi rơi xuống thưa nhặt, rời rạc. Cứ từng giọt, từng giọt như xoáy vào nỗi sầu muộn trong lòng ta!
Tối muộn, sau khi ăn cơm xong, ta đang ngồi bên bàn đếm tiếng mưa rơi, chờ Lan Nhi chuẩn bị cho ta đi ngủ thì trong nhà ngoài ngõ tiếng người xôn xao dạ ran hết cả lên.
Liền đó một gia nhân gác cửa xô vào phòng, nói không ra hơi:
– Bẩm Nương nương, có Hoàng thượng..
Chưa kịp nói hết câu thì đã thấy Lê Hoàn cứ thế mà tiến thẳng vào phòng như một cơn gió.
Ta còn đang sững sờ, chưa kịp nói gì thì đã quát ầm lên với các thị nữ vừa kịp quỳ mọp xuống dưới sàn nhà “Các ngươi mau ra ngoài hết cho ta!”. Xong xuôi thì tiến thẳng lại ôm chầm lấy tao, bảo:
– Lúc quay lại lều không thấy nàng đâu ta giận quá! Định cứ thế mà sáng mai về Hoa Lư luôn! Thế mà đến giờ thì nhớ nàng không thể chịu nổi nữa! Xin nàng hãy tha lỗi cho ta!
Ta vòng tay ôm lấy chàng, cảm nhận từng hạt mưa lạnh đọng lại trên khuôn mặt chàng chạm vào cổ ta, chạm vào mang tai lạnh toát. Có lẽ chàng đã đi vội quá mà không kịp mang nón. Không cầm nổi xúc động, thế là nước mắt đua nhau lan dài trên má. Mà cảm giác tan nát cả cõi lòng. Không biết phải làm gì cho phải bây giờ!
Chàng thấy thế khẽ đẩy ta ra, lấy hai ngón tay cái gạt nước mắt cho ta rồi bảo:
– Thôi nàng đừng khóc nữa! Nước mắt của nàng làm ta đau lòng! Ta vừa nãy đi trên đường đã nghĩ ra một cách thế này, ta sẽ về kinh thành trước, còn nàng, hãy đợi qua Giỗ hết Nghĩa phụ và Nghĩa mẫu, qua Tiết Thanh minh đến cuối tháng Ba thì về Hoa Lư với ta có được không? Tuy tính ngày tính tháng thì vẫn chưa tròn ba năm, nhưng mà tính năm thì cũng đã đủ rồi. Như thế cũng đã gọi là hết tình hết nghĩa với Đinh Bộ Lĩnh, mà ta cũng không phải chờ nàng quá lâu! Nàng hãy nghĩ cho ta một chút chứ!
Ta ngẫm nghĩ trong một lát, thấy không thể còn có phương án nào tốt hơn cả. Thêm nữa chính ta cũng không muốn xa chàng lâu hơn! Thế là vội vã gật đầu! Chàng thấy thế không giấu nổi nụ cười hạnh phúc, vòng tay ôm lấy ta. Đến đó thì chúng ta không nói chẳng rằng, không hẹn mà hai lòng một ý, cứ thế tìm lấy môi nhau mà quấn quít đắm đuối. Rồi cứ thế mà cuốn lấy nhau trong căn phòng ấm áp ở trang Đông Lỗ.
Ngày hôm sau chàng định về Hoa Lư, thế mà chẳng nỡ rời. Chúng ta lại nấn ná thêm hai ngày nữa bên nhau rồi mới có thể chia tay. Lúc đi còn xem lịch chọn ngày, chừng qua tiết Thanh minh tới cuối tháng ba thì chàng sẽ cho kiệu về đón.
Chàng đi rồi còn mình ta ở lại trang Đông Lỗ mong cho ngày tháng mau qua để tới ngày trở về Hoa Lư.
Nhưng lúc đó ta đâu biết rằng, những tháng ngày say đắm của chúng ta có lẽ đã khép lại từ đây rồi. Và cơ hội phất cờ đến tay mà không phất, thì chưa chắc ta đã có cơ hội ấy lần thứ hai.
Chờ đợi đằng đẵng cuối cùng cũng qua tiết Thanh minh.
Mấy tháng xa chàng mà dài đằng đẵng như mấy năm! Không ngừng nhớ nhung những ngày tháng mặn nồng ở bên sông.
Sau khi trở về Hoa Lư, chàng có biên một bức thư nói rằng cũng rất nhớ nhung ta và mong ngày gặp lại. Thư càng làm cho ta thêm quay quắt. Chỉ ước gì mình có thể bay ngay về Hoa Lư!
Mong ngóng làm vậy thế mà đến cuối tháng Ba vẫn không thấy chàng cho kiệu về Đông Lỗ đón làm ta không khỏi đứng ngồi không yên!
Không thấy chàng biên thư về. Cũng không nhận được tin tức gì từ Hoa Lư. Nên càng lo lắng! Không biết ở Hoa Lư đã xảy ra chuyện gì? Không biết chàng có được khỏe không? Tại sao lại im hơi lặng tiếng như vậy?
Nhiều lần định cho người về Hoa Lư dò hỏi. Nhưng nghĩ dù sao đây cũng là chuyện hôn nhân, vợ chồng, mình là phận nữ, cũng nên kiên nhẫn một chút thì vẫn hơn.
Lại tiếp tục chờ đợi!
Đúng ngày mùng Năm tháng Tư thì có kiệu từ Hoa Lư về đón! Ta thở phào nhẹ nhõm! Hỏi han ra thì mới biết, mọi sự ở Hoa Lư vẫn bình an. Chỉ là công việc bận bịu quá nên tới giờ mới bố trí được kiệu về đón.
Hai lần ngồi kiệu về Hoa Lư mà hai tâm thế hoàn toàn khác nhau! Cuối cùng thì ta cũng được một lần ngồi kiệu về với người mà mình yêu thương! Thế mà đến ngày cùng Toàn Nhi và Lan Nhi rời Đông Lỗ đi, bỗng thấy lòng quyến luyến lạ. Bịn rịn không muốn rời. Lúc lên kiệu rồi thì không khỏi dùng dằng, ngậm ngùi. Lần này đi rồi chẳng biết khi nào mới có ngày trở lại Đông Lỗ. Yêu thương, mong mỏi là thế, mà cũng chẳng thể biết trước được điều gì đang chờ mình ở Hoa Lư cả. Thành quách sâu thăm thẳm còn có thể đi hết chứ lòng người Hoa Lư sao mà dò cho đặng?
Thế là cũng thành ra khóc lóc suốt dọc đường về Hoa Lư!
Lan Nhi ngồi bên cạnh không khỏi càu nhàu “Thật không thể hiểu nổi Nương nương!”. Nhưng rồi nàng ta cũng ngồi lặng thinh không nói gì nữa. Có lẽ nàng cũng cảm thấy những ngổn ngang ở trong lòng..
Nếu biết rằng mọi chuyện sau này sẽ đưa tới kết cục ấy, thì ta không bao giờ về Hoa Lư!
Nhưng ở đời từ cổ chí kim, đâu có ai biết trước được chữ ngờ! Bởi vậy ta khi ấy cũng cứ ngây dại mà về thôi! Ta cứ vì tình yêu mà về. Trong tâm trí ta lúc đó chỉ có tình yêu! Nào đâu có điều gì khác!
Về Hoa Lư, ta lại sống ở Cung Cồ Quốc. “Cung Cồ Quốc” ấy là gọi theo cái tên cũ khi xưa. Còn giờ đây bảng tên hiệu đã bị gỡ đi rồi. Ở chỗ treo bảng hiệu vẫn còn để trống. Có lẽ sau khi ta được phong hậu, sẽ là biển tên hiệu mới được treo lên.
Đứng ở nơi cái bảng tên hiệu để trống, thấy lòng nôn nao một cảm giác khó tả! Thì ra “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” là cái cảm giác như thế này! Người cũ trở lại chốn xưa, lâu đài thành quách vẫn còn đó, cây hoa đào năm cũ vẫn khỏe sắc đỏ; nhưng mọi thứ đã thay đổi cả rồi, người xưa đã đã không ai còn nữa, cả một thế hệ, cả một đế chế đã ra đi như cái bảng tên hiệu đã mất ấy rồi..
Cung Cồ Quốc về cơ bản vẫn được giữ như xưa. Hàng ngày vẫn có người quét dọn, lau chùi, chăm sóc cây cối nên mọi thứ vẫn được giữ sạch sẽ, ngăn nắp. Tuy nhiên hơn một năm không có người ở, nên không khỏi khiến cho khung cảnh dù vậy vẫn thấm chút tiêu điều, hoang vắng.
Hi vọng thời gian tới có chúng ta sinh sống, cảnh sắc sẽ lấy lại được phần sống động.