Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 43: C43: Tiểu bạch hoa



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Chương có nội dung bằng hình ảnh

Khi chưa được biết tin phúc tấn có thai, Lý Vi đương sửa soạn lại bốn rương đồ do Tứ a ca sai Tô Bồi Thịnh đưa sang trước lúc lên đường. Nàng mở rương ra xem, ái chà, Tứ a ca chắc chắn đã ăn hối lộ rồi đây mà!

Có mỗi hai thứ đồ mà đã chiếm hẳn hai rương. Một thứ là nguyên bộ trang điểm được chạm khắc bằng ngà voi: gồm hộp đựng nữ trang ba tầng có gắn gương là món to nhất*, mười hai rương bé cỡ bàn tay với nhiều mẫu mã khác nhau, đến những hộp nhỏ thường dùng đựng nào son nào phấn nào sáp thơm bôi tóc các loại, ngoài ra còn thêm hai chiếc gương cầm tay tiện cầm luôn trên tay soi.

*Hộp nữ trang

Cả bộ này được đặt trên bàn trang điểm, sắc ngà voi trắng đục bóng bẩy ánh lên vẻ đẹp điếng hồn dưới nắng mặt trời! Lý Vi phải vận một lòng quyết tâm rất lớn mới bảo đám Ngọc Bình cất nó đi được.

Thứ khác là một chiếc lư hương to đùng hệt quả bí ngô được điêu khắc từ ngọc nguyên khối.

Vừa nhấc thứ này ra, Lý Vi đã xua tay lia lịa: Mau mau thả vào! Làm sao nàng dùng nguyên khối ngọc lớn cỡ ấy được! Miếng ngọc lớn nhất của nàng cũng là quà Tứ a ca tặng, nhưng đó chỉ là một em thỏ ngọc chặn giấy* to cỡ bàn tay thôi!

*Thỏ ngọc chặn giấy

Trong phòng không ai nhận ra được đây là loại ngọc gì, Liễu ma ma hiểu biết nhiều hơn, liếc cái đã phán ngay: “Đây là phỉ thúy Nam Dương, pha màu vàng lá liễu, màu sắc tinh thuần, tương đối trong suốt. Cách cách yên tâm, thứ này không phải vật quá giá trị, nơi a ca tới vừa khéo là nơi sản sinh ra thứ này.” Bà ta ngừng lời, không rời mắt đi được, trong mắt chứa đầy vẻ tán thưởng, song vẫn bình một câu: “Ít nhất là không thể nào so với bộ ngà voi chạm khắc.”

Ha ha. Rõ quá còn gì? Vừa nãy Lý Vi đương nghĩ: giờ này đã có voi châu Á trên lãnh thổ triều Thanh rồi cơ à? Hay là do con buôn nước ngoài đem sang? Đám quan viên địa phương kia đúng là hiểm độc, thảo nào Tứ a ca hận nghiến răng nghiến lợi như thế.

Đoán chừng ngà voi chạm khắc kia cũng không phải thứ mà một, hai vị chủ tử bình thường trong cung có cơ hội chiêm ngưỡng.

Cả hai thứ đều bị Lý Vi nhét xuống đáy rương. Vì nàng sao dám đem đi bày biện? Số đồ còn lại nàng cũng chẳng dám xem nữa, liệt danh sách xong thì cất hết đi.

Ấy nhưng có một bộ đồ chơi nhỏ bằng gỗ cẩm lai được nàng lấy ra cho Nhị cách cách chơi. Trong đó có quả bóng gỗ bự như quả dưa lưới, nhìn từ mặt ngoài thì không thấy được ruột bên trong, nhưng khi lăn sẽ phát ra những tiếng lảnh lót tựa tiếng chuông đồng. Nhị cách cách thích nhất là ngồi trên giường đá nó chơi – thả xuống đất chơi Lý Vi lại không nỡ.

Nàng đương chơi khóa khổng minh* với Nhị cách cách, trò này khá tốn chất xám, hồi bé không ít lần Lý Vi bị nó đả kích lòng tự tin. Khà khà khà, giờ lại lấy nó để làm khó con gái nhà mình.

*Khóa khổng minh

Ngọc Yên bước vào nhỏ giọng bảo với nàng: Phúc tấn đã ngừng kinh hai tháng.

Tứ a ca cũng đã đi được hai tháng. Ngọc Yên nói xong thì rụt rè nhìn vào nét mặt Lý Vi. Vậy mà nàng vẫn còn tâm trạng để nghĩ: nàng sắp sửa quên khuấy cả điểm kỹ năng nắm bắt tin tức nhanh của Ngọc Yên luôn rồi. Lần trước nàng ta chỉ dùng vỏn vẹn nửa năm đã quen được một thằng đệ trong cung, lần này ra phủ mới hơn một năm ngắn ngủi, mà đã móc nối được quan hệ với bên phúc tấn rồi ư?

Lý Vi ôm Nhị cách cách, thở hắt một hơi, “Đây là chuyện tốt mà. Phúc tấn có rồi, chúng ta lại nhẹ nhàng.” Nói đoạn, nàng cười, thấy như không còn tảng đá nào đè nặng người mình nữa.

Tuy nàng không biết thai này của phúc tấn là trai hay gái, nhưng chỉ cần có đứa nhỏ này, nàng có thể khẳng định rằng phúc tấn sẽ trở nên chín chắn hơn so với hiện tại. Lòng thù địch đối với nàng cũng giảm đi chút chút luôn nhỉ?

Trong chính viện, phúc tấn ngồi trên sạp, nhắm mắt mỉm cười. Giờ nàng không chép kinh cũng không nhặt gạo Phật, hằng ngày, những khi rỗi sẽ nghiêng mình nằm trên sạp, đỡ cái bụng hãy chưa chút nào nhô lên. Cả Phúc ma ma lẫn đám a hoàn trong phòng cứ như sợ dọa đứa nhỏ chạy mất, nên lúc nói chuyện, hay đi đường đều phải rất chậm, rất khẽ.

“Không cần phải vậy.” Phúc tấn cười nói.

Sau khi Phúc ma ma khỏi bệnh, người ngợm gầy xọp đi trông thấy. Nhưng lúc biết phúc tấn có tin vui, mỗi bước chân bà ta đi như được tiếp thêm sức lực, mặt mũi cũng hồng hào, nom có sức sống hẳn ra. Bà ta nói: “Phúc tấn, nay có thận trọng cỡ nào cũng không thừa đâu. Chúng ta đã mong mỏi bao năm trời rồi.”

Phải, đã mong mỏi đến độ tưởng như đây chỉ là giấc mơ thôi. Phúc tấn nghĩ, mong lâu quá, làm nàng chẳng còn cảm nhận được gì nữa rồi. Nếu không có những vẻ mừng vui hân hoan của đám Phúc ma ma, thì nàng cũng đã quên: Hóa ra ta đã mong lâu vậy rồi ư?

Từ tháng trước khi ngừng kinh, đám Bồ Đào ai nấy đều cực kỳ phấn khích, chỉ mình nàng là vẫn bình tĩnh dặn họ không được đem chuyện đi rêu rao, cũng không cần mời đại phu: “Hẵng đợi thêm, mới qua một thời gian ngắn, mời đại phu về làm gì đã khám ra.”

Thực ra nàng nghĩ chưa hẳn là có thật. Nay ngừng hai tháng, nàng cũng đoán ra được. Tuy nhiên, không hề có sự vui sướng như trong tưởng tượng, mà là… nàng lại cảm thấy đứa nhỏ này đến sai thời điểm mất.

Trước khi đi, Tứ a ca vừa dặn nàng phải chỉnh đốn lại viện mình, nàng cũng đang định nhân lúc chàng vắng nhà, sẽ xử luôn một thể đám người của Nội vụ phủ. Nay lại không được, đành phải dứt khoát xử phạt thật nặng cả đám, phạt cho bọn người này không còn dám manh nha những lòng tà vạy nữa, như thế nàng mới có thì giờ dành cho đứa con trong bụng.

Nó đến muộn mấy tháng thì tốt quá rồi, khi Tứ a ca về, mọi sự trong phủ đã dẹp gọn đâu vào đấy, nàng sẽ được thoải mái dưỡng thai.

Trong tiểu viện, Liễu ma ma hối hả đi từ ngoài vào. Dẫu nay Nhị cách cách đã chào đời, bà ta cũng vẫn không rời nơi đây, mà nhờ Trang ma ma gửi bà ta dưới danh nghĩa Lý cách cách, ở làm nô tài của nàng. Bên phúc tấn người nhiều dùng chẳng hết, lại có biết bao người tranh vỡ đầu hòng chen được một chân vào, bà ta đành thôi không góp vui nữa. Còn ở chỗ Lý cách cách đây, cách cách được sủng lại thêm cái ít người, vừa lúc cho bà ta kiếm một món hời bé nhỏ.

Biết đâu chừng chốn quạnh quẽ này lại được bà ta hâm nóng thì sao?

Bà ta nói với Lý Vi: “Bên chính viện lôi mấy người ra cổng phụ phạt roi.”

Lý Vi giật mình hỏi: “Phạt roi à?” Không giống phong cách của phúc tấn chút nào! Phúc tấn lúc nào cũng thích mọi chuyện diễn ra tự nhiên âm thầm, lặng lẽ xử lý sự việc xong xuôi ngay bên mình là tốt nhất.

Coi bộ chuyện phúc tấn mang thai tám phần là thật rồi – nàng nghĩ.

Ngoài Lý Vi, Tống cách cách và Võ cách cách cũng đều được tin phúc tấn phạt người. Tống cách cách ở gần phúc tấn hơn, một ngày thì có hết nửa ngày trời là luẩn quẩn trong chính viện, dù bị làm lơ, cũng chẳng chịu rời nửa bước. Nàng ta phát hiện phúc tấn dừng chép kinh, ngưng nhặt gạo Phật sớm hơn người khác, là đoán ngay phúc tấn có tin mừng.

Nay cho phạt roi thì chỉ càng cho thấy rõ hơn thôi.

Tống cách cách thành kính dâng lên Quán Âm ba nén hương, cầu mong phúc tấn được mụn con trai.

“Đại cách cách của ngạch nương ơi… vì con, ngạch nương cũng mong phúc tấn sinh hạ một a ca.” Đại cách cách của nàng ta được nuôi ở nơi phúc tấn, nếu phúc tấn cũng sinh cách cách, vậy Đại cách cách sẽ chẳng thoát khỏi cảnh bị gạt sang một bên rồi.

Bên Võ cách cách, nàng ta vừa không biết phúc tấn ngưng hành kinh, cũng không biết phúc tấn dừng nhặt gạo Phật nốt. Nhưng từ khi biết việc phúc tấn cho phạt roi, tác phong biến đổi ngỡ ngàng, nàng ta ngồi trước bàn cờ, nhìn ván cờ đã đến phút tàn cuộc, tính toàn hồi lâu, mới rút ra được một kết luận rằng: Có lẽ phúc tấn đã có.

Phúc tấn hành động quyết liệt thế này vì thứ nhất, Tứ a ca đã dặn dò trước khi đi, chàng tỏ rõ sự bất mãn trước những chuyện bát nháo xảy ra trong chính viện suốt một năm trước. Nhưng chuyến này Tứ a ca đi, ít nhất sẽ có nửa năm cho phúc tấn tha hồ ra tay, vậy cớ vì đâu lại phải gấp gáp như thế?

Điều thứ hai, về sau phúc tấn sẽ ngày càng có ít thời gian quản thúc hơn, nên chỉ còn cách giải quyết vụ này trước để quay vào guồng bận rộn với một chuyện lớn khác.

Có chuyện gì lại làm phúc tấn lo âu đến vậy? Và còn quan trọng hơn cả chuyện ở phủ Tứ a ca?

Võ cách cách thở dài. Khi phúc tấn chưa có con, địa vị chưa vững chắc, chưa đủ sức mạnh, nên sẽ luôn chĩa mũi nhọn vào Lý cách cách, bấy giờ sự tồn tại của nàng ta mới có ích cho Lý cách cách. Song hiện nay tình hình đã khác, bên Lý cách cách không còn áp lực đè nén, suy ra chắc chắn sẽ xa lánh nàng ta lần nữa. Hai người vốn do bị tình thế ép buộc nên mới đứng về với nhau. Giả nàng ta tự đứng vững được bằng chính đôi chân mình, thì cần gì phải dựa dẫm vào người khác nữa.

Lần trước Lý cách cách tránh sủng, Tứ a ca lại dồn hết lòng sang phúc tấn. Nàng ta không biết liệu có nên trách vì Lý cách cách không chịu nói đỡ cho mình đôi câu. Mà có lẽ Lý cách cách nói rồi đấy, nhưng với Tứ a ca, phúc tấn vẫn quan trọng hơn cả.

Võ cách cách nghĩ: Mình lại để lỡ mất một cơ hội. Sau khi phúc tấn có thai, Lý cách cách không cần nàng ta nữa, Tứ a ca ắt cũng sẽ chẳng còn nhớ nhung gì tới nàng ta.

Nàng ta đứng trước cửa sổ trông về phía chính viện, tận sâu dưới đáy lòng nhen nhóm một hy vọng… Nếu thai này của phúc tấn… gặp nạn không may thì tốt quá rồi…

Trong doanh trướng của đại quân Tương Hồng kỳ, Tứ a ca cầm bức thư nhà báo tin mừng được đưa đến chung với công báo. Ba tháng sau khi chàng đi, phúc tấn được thái y trong kinh khám và chẩn rằng đã có thai.

Phúc tấn viết trong thư: Thiếp bình an, cầu cho người thuận buồm xuôi gió, phất cờ khải hoàn.

Tứ a ca cầm thư không nỡ buông tay, phúc tấn có thai rồi, nếu là con trai, địa vị của nàng sẽ được củng cố ngay, cũng sẽ bớt đi phần nào tính khí nóng nảy. Vậy thì chàng mới được yên lòng về mọi người, mọi việc trong phủ. Bên hoàng thượng đã có tin, cuộc chiến lần này phải tất thắng. Khi trở về, khả năng sang năm sẽ chia đất phong cho các hoàng tử. Chí ít thì chàng cũng lên được hàng Bối lặc.

Sau đó, việc chàng cần làm sẽ càng ngày càng nhiều. Những lúc chàng vắng mặt, phúc tấn phải biết gồng gánh cả phủ đệ, và không thể để tái diễn chuyện như năm ngoái nữa.

Cơn hưng phấn trào lên, chàng liền viết kín bốn trang thư. Nói khi biết tin này vô cùng vui mừng, họ ắt sẽ giành được thắng lợi. Đoạn dặn phúc tấn chú ý giữ thai, giữ gìn sức khỏe. Chuyện trong phủ sẽ giao phó cho nàng.

Cầm bức thư ấy trên tay, lần đầu tiên phúc tấn cảm nhận được sự hạnh phúc và mãn nguyện vì có đứa con này. Nàng trân trọng từng câu từng chữ, đọc đi đọc lại mấy lần, niềm xúc động và mừng rỡ của Tứ a ca như được thổi hồn, sống dậy ngay trên trang giấy.

Chắc Tứ a ca cũng mong đứa con này từ lâu lắm rồi nhỉ? Liệu có phải trước kia chàng rất thất vọng vì nàng mãi chưa có thai không?

Phúc tấn nghĩ, ngày trước do nàng làm không đúng, giờ phút này, hơn bao giờ hết, chợt thấy đầu óc mình sáng suốt hẳn ra. Nàng là phúc tấn của Tứ a ca, là nữ chủ nhân của cả phủ đệ này. Cuộc đời của nàng không phải chỉ có so bì con cái với nhóm cách cách, mà là kề vai sát cánh với Tứ a ca, trở thành cánh tay của chàng.

Bầu không khí trong chính viện bất chợt thay đổi sau khi thái y tới, tin phúc tấn có thai truyền khắp viện trước viện sau. Dù đã đoán được từ trước, song Lý Vi cũng phải chúc mừng phúc tấn cho chính thức. Không cần tặng đồ gì, chỉ c ần sang đứng trước mặt phúc tấn nhún mình cái là xong.

Trước đó vì phúc tấn phạt đánh một đám người, lại còn toàn là những kẻ không chịu lép vế, hay tạo sóng tạo gió do Nội vụ phủ đưa tới; hiện giờ phúc tấn mang thai, mà đám Phúc ma ma đều đã rớt ngựa, nên những người lên thay ai nấy cũng hết sức căng thẳng bởi suy nghĩ phúc tấn sẽ lập tức đẩy họ đi làm mấy công việc lông gà vỏ tỏi, để rồi tiếp tục tin dùng tâm phúc riêng.

Nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên đó là phúc tấn lại điều Phúc ma ma đi làm mấy việc râu ria, để bà ta tổng quản hết các chuyện vụn vặt, không hề giao cho bà ta lấy một nhiệm vụ chính nào. Bồ Đào bị cắt đi thu xếp phòng sinh, phải đổi mới tất tần tật đồ đạc bên trong; nhận một đống kim chỉ, vải vóc đầy ụ xong thì quay về phòng.

Còn Đại ma ma và Trang ma ma đều được cử ra. Đại ma ma quản nhà kho và thiện phong ở hậu viện, Trang ma ma quản nhân sự. Đây vốn dĩ là nhiệm vụ của các bà, song phúc tấn lại bàn giao luôn cả phần việc trong tay mình, dùng hai người như hai tâm phúc chân chính.

Đại ma ma tuy vẫn chưa luận ra là có sự thiên lệch nào ở đây hay không, Trang ma ma đã nhanh nhảu lập đầu danh trạng* với phúc tấn. Bà ta kể tuốt tuồn tuột vụ việc Lý cách cách sinh non thời gian trước bị nghi có vấn đề.

*Đầu danh trạng là việc phải làm một số việc, để cam kết với một phía, đồng thời khóa khả năng trở cờ theo phía bên kia.

Phúc tấn nghe xong, lấy làm kinh hãi. Từ ngày Nhị cách cách chào đời đến nay, nàng chỉ được gặp vài lần ít ỏi. Tuy khi ấy quả thực Lý cách cách sinh sớm một tháng, nhưng vì đứa nhỏ đã bình an lọt lòng, người mẹ khỏe mạnh, không phải uống một bát thuốc nào, thành ra nàng cũng không để bụng. Tới tận hôm nay mới biết lúc đó có điều tra việc này.

Trong phòng tuy chỉ có hai người, phúc tấn vẫn hạ giọng hỏi: “Có tra ra điều gì bất ổn không?”

Chuyện bất ổn thì lúc nào cũng lòi ra được vài vụ. Ít nhất là từ khi Lý cách cách có con, Trang ma ma đã không chỉ một lần nghe thấy những điều nhơ bẩn từ miệng Phúc ma ma. Nhưng hiện tại bà ta là người của phúc tấn, đương nhiên không thể gây rắc rối cho người cùng hội thuyền với mình được. Huống chi tình cảm giữa Phúc ma ma và phúc tấn đâu phải mới có đó một, hai ngày. Dẫu bà ta có nói, cũng chẳng lấy được lòng ai.

Thế là, Trang ma ma nghiêm túc đáp: “Không tra ra điều gì bất ổn.”

Phúc tấn thở phào. An tâm nghĩ: vừa nãy mình sốt ruột quá, nếu có chuyện thực, làm sao Tứ a ca chịu để yên, không trừng trị bất cứ kẻ nào được, làm sao không để lộ chút ít thái độ nào cho nàng thấy được.

Không sao là tốt nhất. Vậy nhưng trên đời này chưa bao giờ thiếu ba chữ “có lẽ có”. Bất kể chuyện gì, nhìn giống vậy, thì là vậy, càng nhìn càng giống, cho đến sau cuối, chẳng biết có bao nhiêu người không còn phân biệt được phải trái đúng sai nữa.

Phúc tấn định tìm một cách hòng rửa sạch mọi hiềm nghi quấn quanh mình.

(còn tiếp)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.
Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 43: Dịu dàng thắm thiết



“Ngạch nương, lại đây ngồi này.” Lý Vi yên vị ở trên, cười vô cùng rạng rỡ. Lâu lắm rồi chẳng gặp người nhà, dù mình thực chất chỉ là hàng giả thôi thì vẫn nhớ lắm chứ. Một điều nữa là ngạch nương nàng uy vũ quá chừng, nàng nhớ thiết tha những tháng ngày sống dưới bàn tay “hô mưa gọi gió” của ngạch nương, phải gọi là không phải lo lắng bất cứ chuyện gì.

Giác Nhĩ Sát thị thoạt nhìn độ chừng bốn mươi, trông như một ma ma quản giáo nghiêm khắc nhất. Lý Vi cười vui như thế mà cũng chẳng thấy lông mày mà nhích lấy một cái, chỉ có Nhị cách cách bên cạnh ngọt ngào gọi một tiếng: “Quách la ma ma ~”*, mới khiến Giác Nhĩ Sát thị nở nụ cười. Làm Lý Vi ngồi bên ngưỡng mộ hết sức.

*Cách gọi bà ngoại của người Mãn.

“Thấy con thế này là ta an tâm rồi.” Mới là lạ! Lấy chồng cũng đã bốn năm, mà sao không thay đổi tí gì? Giác Nhĩ Sát thị thật lấy làm sầu lo.

Ban nãy vừa bước vào, bà được một phen giật mình khi thấy con gái ngồi ngay ở trên. Bốn năm không gặp, con gái chẳng lớn thêm được bao nhiêu, khoác lên người bộ kỳ bào màu hồng đào, trên đầu cài cây trâm đính ngọc mắt mèo xanh lá, tay đeo chiếc vòng vàng cũng khảm mắt mèo sắc lục. Chỉ có một loại thôi thì còn đỡ, đằng này chắc là còn cả thoa cài, vòng cổ, khuyên tai làm thành một bộ hoàn chỉnh, lắm ngọc mắt mèo xanh thế đâu dễ tìm.

Sau lưng có bốn a hoàn đứng, trong lòng ôm một đứa bé con. Người hầu trong ngoài viện cũng nhiều. Nhìn đúng là giống quý nhân thực.

Cơ mà vừa cười cái đã lộ hết.

Vấn đề Lý Vi quan tâm nhất bây giờ là danh hiệu tiến sĩ của a mã, chuyện trò đôi câu, nàng lấy cớ đuổi Ngọc Bình và Nhị cách cách ra ngoài, rồi lập tức hỏi Giác Nhĩ Sát thị: “Ngạch nương, chuyện a mã đỗ tiến sĩ là thế nào?”

Thế nào là thế nào? Chả nhẽ chị còn tưởng a mã chị có gan tìm người thi hộ à?

Giác Nhĩ Sát thị nói: “Hấp ta hấp tấp! Thái thái* lẫn a mã và các đệ đệ đều hỏi thăm con, bảo con khỏi phải lo việc ở nhà.” Kế đó mới nhỏ giọng nói thoắng một câu, “Không sao, Tứ a ca sắp xếp đấy.”

*Cách gọi bà nội của người Mãn.

Lý Vi tức thì trợn trừng mắt, Giác Nhĩ Sát thị vội bảo: “Đừng hỏi ngạch nương làm gì. Ta cũng có biết đâu. Chuyện là hai năm trước, cậu con tự dưng chạy về bảo sắp giới thiệu thầy cho cha con. Con cũng biết cậu con rồi đấy, nhà mình nghe vậy thôi chứ ai tin. Nhưng tại cậu con quấn hoài, bảo bạn thân nhất của nó nói thế. Cha con bèn lựa ngày mang quà đi, khi về cũng ngơ ngác cả, thầm bảo với ta đấy là người Tứ a ca xếp cho.”

Hai năm trước? Lúc họ mới ra cung ư?

Nói một cách khiêm tốn thì Lý Vi lúc này cứ như nhân vật trong truyện tranh, toàn thân như được bao bọc trong vầng hào quang xán lạn.

Tứ a ca!!

Nàng bị nhấn chìm trong bể hạnh phúc quá đỗi lớn lao, mãi sau chưa ngoi lên được.

Giác Nhĩ Sát thị nói: “… Có người của Tứ a ca giám sát, a mã con mất hai năm dày công khổ luyện. Người ngợm gầy sọp hẳn đi. Chẳng biết người kia dụ a mã con bằng cách gì, mã pháp* con trước khi tạ thế bất lực bao nhiêu, mà cũng không thấy a mã con chịu khó đến vậy. May sao không phụ lòng bồi dưỡng của Tứ a ca.”

*Cách gọi ông nội của người Mãn.

“… Ồ.” Lý Vi chậm chạp đáp.

Lại để tâm trí đi đâu đấy? Giác Nhĩ Sát thị trừng mắt liếc nàng một cái. Con bé này sao trông còn ngờ nghệch hơn hồi ở nhà? Người ta hay bảo một lần sinh con, ba năm ngốc nghếch, trường hợp con gái bà thì ngốc sáu năm chưa chắc đã đủ.

Thời gian cho hai người gặp nhau không quá nhiều, thành thử chắc chắn không thể ở lại ăn cơm. Lý Vi bọc cho Giác Nhĩ Sát thị hai cặp lồng bánh ngọt to, chính ra những đồ khác không tiện thưởng nhiều, riêng đồ ăn thì cứ vô tư. Phần còn lại trong đó nhiều nhất là vải vóc, một thứ mà dẫu có tiền cũng chẳng biết đi chỗ nào mua.

Giác Nhĩ Sát thị vốn muốn hỏi xem Tứ a ca đối đãi với con gái ra sao, song gặp rồi thì biết không phải hỏi nữa. Được nuôi ở đây mấy năm, nay con gái bà rõ là ngốc hẳn so với lúc ở nhà, ngoài Tứ a ca thì còn ai làm được vậy?

Trước khi đi, Giác Nhĩ Sát thị khó nén nỗi lo, dặn nàng: “Hầu Tứ a ca cho tốt, ngài ấy là bầu trời, là mạng sống của con. Con đừng lo gì việc trong nhà… Về chuyện lần này, ta thấy con cũng mông lung lắm. Về sau đừng đòi hỏi Tứ a ca thứ nọ thứ kia. Dù a ca cho, con biết thế nhưng cũng phải từ chối. A ca tốt với con, con phải biết ơn, phải báo đáp, đừng nghĩ quá nhiều.”

Bà vươn tay, vào đây được một lúc rồi mà tận giờ sắp về mới chạm vào khuôn mặt nhỏ nhắn của đứa con gái đã lớn khôn nhà mình – vẫn còn non nớt lắm. Giác Nhĩ Sát sờ một tí chỗ này, mó một tí chỗ kia, quyết định khi về nhà sẽ kể lại cho Lý Văn Diệp thèm chơi, bởi tại lão ấy sẽ không còn được ôm con gái thêm lần nào nữa.

Nghĩ đến hai cha con này, Giác Nhĩ Sát thị thở dài: “… Con cứ giữ nguyên như này, đừng thay đổi gì cả.”

Sau khi ngạch nương đi, Lý Vi mới sực nhớ ra: Quên hỏi chuyện lũ em mất rồi! Chắc bọn nó sắp sửa phải đi học rồi đây? Còn hai ông cậu nữa, chẳng biết có còn chìa tay xin tiền ngạch nương nữa không? Tuy các cậu rất tốt với nàng, nhưng thật tình là vô dụng quá.

Nghe bảo năm xưa ngạch nương được suất tiểu tuyển vào cung, song bà đã nghĩ cách không đi. Bà nói nếu bà đi, đến hai chục năm sau về thì chỉ còn lại một gia đình chết đói lay lắt thôi.

Buổi tối, Tứ a ca về hỏi gặp ngạch nương rồi nàng có thấy vui không? Cứ tưởng sẽ được nghe nàng nịnh đôi câu, ngờ đâu Lý Vi lại ngồi phàn nàn một chặp về mấy ông cậu tuy rất ăn hại nhưng được cái cũng rất thương yêu nàng. Trong lời nàng nói, đến cả a mã cũng bị liệt vào hàng ngũ quá ngốc, quá vô tích sự, quá dễ bị lừa.

“… Nói về a mã thiếp đi, có lần trên đường ông đụng phải một người bảo có đang việc gấp lắm, nhờ ông trông hộ túi đồ cho người ấy đi giải quyết nỗi buồn. A mã thiếp chẳng thèm xem đồ trong túi của người ta là gì, đã nhận lời luôn. Lúc người ta đi rồi mới nhớ ra mà mở túi xem đồ, đỡ tí nữa người ta về lại mất mát gì thì rách việc. Người đoán xem trong túi ấy là thứ gì?”. Kể tới a mã mình, Lý Vi cứ bị high.

Tứ a ca mãi không được nghe mấy câu nịnh nọt, thành ra hơi bực, nhưng vẫn tiếp lời nàng: “Là gì?” Chàng cũng muốn xem xem bên trong đó có gì, một đống bạc à? Hay một cái đầu người?

Vì từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ gặp phải mấy mánh khóe lừa bịp thấp hèn này, nên suy đoán của Tứ a ca cũng hư cấu làm sao.

“Là một hộp gỗ mỏng, ở trong là cái lọ hoa bể.” Lý Vi rất đỗi bó tay, mấy trò bịp bợm kiểu này để qua mặt người xứ khác thôi chứ? A mã dân địa phương mà cũng bị nó lừa cho thì thật là phi lý quá.

Tứ a ca đợi đầu nảy số, mới nói: “Ồ, tống tiền à.” Tuy chưa từng gặp trò lừa này, nhưng nhờ khiếu giỏi bắt trọng điểm, Tứ a ca nói cái trúng ngay.

“Chính thế, a mã thiếp bỏ đồ chạy luôn, đằng sau có người đuổi theo cơ. Chắc lúc ấy còn có kẻ theo dõi ông suốt buổi. May là a mã thiếp chạy nhanh, mới không bị bắt.”

Quả đúng là một người “chất phác”. Tứ a ca bắt đầu thấy phiền muộn, kiểu người này cho ra làm quan liệu có thực sự là ổn không đây?

Lúc hai người nằm trong màn, do trưa nay nghe ngạch nương nói mà cảm động quá xá, Lý Vi phấn khích ôm Tứ a ca, hôn loạn xạ lên mặt, lên cổ, lên bất kỳ chỗ nào hôn được, bấy giờ Tứ a ca mới hài lòng. Coi bộ được gặp người nhà vẫn vui lắm, ra là không thích nói ngoài miệng, nên đành thể hiện bằng hành động vậy.

“Dận Chân… Dận Chân… thiếp yêu chàng lắm…” Lý Vi vừa hôn, vừa luôn miệng nói yêu chàng yêu chàng yêu chàng chết mất, lúc sau mất cả kiểm soát, lại van nài chàng đừng rời xa nàng.

“Xa chàng là thiếp không sống nữa… thiếp không sống nổi nữa…” Nàng khóc thút tha thút thít, làm Tứ a ca không biết nàng sướng quá hóa khóc hay thế nào, có cần dừng lại xem không.

Sau cuối, chàng vẫn phải tạm ngưng trong chuỗi thở dồn dập, nâng mặt nàng lên gạt lệ cho nàng, rồi hôn nàng một cái thật mạnh bạo, khàn giọng bảo: “Gia nói sẽ rời xa nàng hồi nào?” Nói đoạn, lại không kìm được mà tiếp tục đẩy đưa.

Tới lúc chàng dừng, nàng lại quấn lấy. Hết vài bận triền miên, Tứ a ca kiên quyết gọi người múc nước ấm vào rửa mặt. Đến lúc hai người thay quần áo xong nằm vào giường, chàng vừa mới nhắm mắt, nàng đã lén chui tọt vào trong chăn chàng.

May hiện giờ là đầu tháng tư, ban đêm trời hơi lạnh. Tứ a ca xốc chăn lên cho nàng vào, đoạn dém kín lại, nói: “Hôm nay gặp người nhà, biết nàng buồn lắm rồi. Ngủ đi, sau này còn được gặp nhiều nữa. Giờ nàng đã có gia, có Nhị cách cách, mai sau vẫn sẽ lại có thêm con, nghĩ thế là không thấy buồn chút nào.”

“Ưm.” Lý Vi ôm cánh tay chàng, tối nay khi vừa gặp chàng, nàng đã muốn nói lời cảm ơn vì hai năm trước mới ra cung là chàng đã chuẩn bị công tác học hành thi cử cho a mã nàng. Nhưng dẫu có làm cách nào nàng cũng chẳng thể thốt lên được tiếng “cảm ơn” này, như thể hễ nói ra, khoảng cách giữa hai người sẽ bị kéo xa ngay tức thì. Tuy nhiên hôm nay nàng thực sự rất vui, cảm giác với chàng hoàn toàn khác trước.

Nàng kể rất nhiều chuyện ở nhà, chuyện về a mã ngạch nương đệ đệ, có cả chuyện của mình. Nàng cầm lòng không đặng.

Nằm kể, nàng gần như chỉ muốn giấu chàng trên giường mình suốt đời. Vì khi tấm màn kéo lại, họ như bị nhốt bên trong, còn thế giới ngoài kia chẳng hề tồn tại.

Sáng ra, Tứ a ca dậy lại phát hiện không cử động được. Lý Vi ôm tay chàng ngủ say sưa ngon lành. Chàng thò tay vào chăn lay người nàng, đánh thức nàng dậy.

“Hôm nay Nhị cách cách không khóc… cũng chưa ngủ dậy…” Lý Vi đã quen với việc Tứ a ca cứ dậy là Nhị cách cách sẽ dậy theo. Hoặc không thì lúc nàng mở mắt, Nhị cách cách lại đang khóc. Bữa nay không gặp cả hai tình huống trên, bỗng thấy lạ lẫm.

Tấm màn giường dày dặn hãy còn khép, vì mới dậy nên giọng Tứ a ca hơi khàn, chàng nói: “Con ôm Bách Phúc ngủ rồi, không dậy đâu.” Nếu hỏi Nhị cách cách thích ai nhất, Bách Phúc nhất định được một vé trong top 3.

Mấy khi được nằm ì trên giường không chịu dậy, đây có thể coi là một chuyện hiếm hoi mà Tứ a ca chưa trải nghiệm lần nào trong đường đời hữu hạn của mình. Mới nằm một lúc, chàng đã thấy bức bối cả người, dậy thấy Lý Vi còn nằm quấn chăn bông, hỏi: “Sao chưa dậy nữa?”

“Ở ngoài lạnh lắm…” Lý Vi rùng mình một cái rất hợp cảnh.

“Nàng chỉ có lười.” Tứ a ca cười chọc chọc nàng, chu đáo giắt gọn màn lại cho nàng, đoạn mới gọi người vào.

Lúc nhóm người đứng quanh Tứ a ca, mặc đồ, chải đầu cho chàng, Lý Vi mới bi đát nhận ra mình càng lúc càng tỉnh… Đúng là sức mạnh của ma chú dậy lúc ba giờ sáng mà… Cực chẳng đã, nàng đành ngồi dậy vén màn ra, kết quả là làm Tứ a ca và Ngọc Bình đứng ngoài nhìn nàng sửng sốt.

Gì thế? Dậy sớm không được à?

Ngọc Bình vội bước tới hỏi: “Hay cách cách ngủ thêm một lúc? Nhị cách cách giờ vẫn chưa dậy.”

Tứ a ca ngẩng đầu để đứa hầu gài nút cổ áo cho chàng, nói: “Hôm nay Nhị cách cách cũng không sang đây quấy nàng, hẵng ngủ tiếp đi.”

“… Thiếp không ngủ được.” Lý Vi nói giọng chua chát. Bên ngoài trời vẫn tối đen, có điều tỉnh ngủ rồi thì dậy luôn vậy. Ngọc Bình vừa nhanh chân ôm xiêm áo lại cho nàng, vừa nói: “Không ngờ cách cách dậy sớm thế, chưa kịp hong quần áo, để thế mặc vào lạnh lắm.”

Tứ a ca nói: “Thế sao còn không đi hong nhanh lên? Nàng cứ quay vào nằm đắp chăn một lát.” Chàng quắc mắt với Ngọc Bình, Ngọc Bình lại ôm đồ chạy vù đi. Dưới cái nhìn đăm đăm của chàng, Lý Vi đành lủi vào trong chăn.

Sau rồi khi nàng dậy hẳn, Tứ a ca đã ngồi vào bàn ăn bữa sáng.

Thấy nàng đi tới, Tứ a ca cười nói: “Qua đây. Lúc nãy Tô Bồi Thịnh về dặn riêng thiện phòng làm há cảo ngay, đây chẳng là món nàng thích ăn nhất ư?”

Há cảo là một trong những thành quả từ công cuộc tra tấn Lưu thái giám của Lý Vi, được nàng mô tả như sau: “Lớp vỏ ngoài phải trong suốt, phải nhìn thấy cả phần thịt tôm ở trong, tôm nõn phải để nguyên con”. Chỉ tính riêng phần da bánh trong suốt bọc ngoài, đã như muốn lóc đi mất một lớp da của Lưu thái giám. Nhưng đến khi hoàn thành, quả tình trông rất đẹp, ăn thấy hợp miệng. Tứ a ca cũng thích, còn cho liệt vào thực đơn của Vĩnh Hòa cung. Nghe bảo Đức phi thích lắm.

Kể từ khi phát minh ra kiểu vỏ bánh trong, Lưu thái giám rất thích thú với việc nhồi đủ các loại nhân vào để xem hiệu quả. Một điều bất ngờ là Tứ a ca lại dành niềm yêu thích đặc biệt cho loại sủi cảo nhìn thấy nhân này, dạo này hễ ăn bánh nhân, là chàng sẽ muốn ăn bánh có vỏ trong. Chàng bảo vì nhìn rõ, ăn mới ngon miệng.

Lý Vi ngồi xuống, chấm giấm ăn hết hai xửng gần hai chục cái sủi cảo, Tứ a ca còn ăn gấp ba phần nàng. Tô Bồi Thịnh lau mồ hôi, may mà hắn đã ngộ ra rằng những khi có cách cách ngồi cùng, Tứ a ca sẽ có hứng ăn hơn, bằng không nếu Tứ a ca không được ăn món mình muốn, thì hắn sẽ phải gánh cái tội chểnh mảng hầu hạ mất thôi.

Ăn xong, Tứ a ca còn phải súc miệng, vì chàng thích nước tỏi.

“Sắp tới ta hơi bận, nàng ở lại trong phủ chơi với Nhị cách cách.” Hắn vẫy tay ý bảo Tô Bồi Thịnh đưa áo choàng, đoạn nói: “Mấy hôm nữa… ta sẽ đưa mẹ con nàng ra ngoài dạo quanh. Ta nhớ Nhị cách cách có đồ cưỡi ngựa, nàng có muốn cưỡi thì nay mai tranh thủ làm luôn một bộ.”

Lý Vi hớn hở sấn tới, đưa chàng ra tận cửa viện: “Đi cưỡi ngựa thật ạ?”

“Ừ, vừa dịp du xuân luôn. Đại cách cách và Nhị cách cách lớn cả rồi, ta cũng muốn đưa chúng nó ra ngoài cưỡi ngựa.” Tứ a ca giải thích, và còn cần phải nhắc phúc tấn hay, sang năm sẽ cho Đại a ca chuyển sang tiền viện. Chỉ là… cứ nhìn phúc tấn, e sẽ khá khó nhằn đây.

(còn tiếp)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.