Cả Tam, Tứ, Ngũ a ca đều bị bắt đóng cửa học bài, tức thì trong kinh yên ắng đi hẳn.
Vài bọn tinh mũi cứ sợ trong cung có sự gì phát sinh, hoàng thượng nổi đóa chăng? Bèn hè nhau tìm hiểu sự thể từ chỗ thái tử và Đại a ca.
Thái tử và Đại a ca lại tỏ chung một thái độ: Không việc gì cả.
Thái tử cười ha ha, vui lòng đón khách đến, ân cần tiễn khách đi, chỉ là không hé cho một câu thật nào.
Tính Đại a ca dữ dằn hơn, bị hỏi nhiều đâm phiền quá liền mắng bảo không việc gì là không việc gì, các em của anh đây ngoan ngoãn, hiếu học không được à!
Tuy nhiên phủ của ba vị a ca cũng không phải đóng cửa tuốt không cho ai vào, tên gác cổng thấy có người tới cũng tiếp đãi đàng hoàng, các gia quyến nữ có ghé lại thì nhóm phúc tấn sẽ mời vào uống chén trà.
Chỉ là muốn gặp a ca lại không phải chuyện dễ.
Trong ba người, chỉ mình Tam a ca là ung dung thực sự.
Chẳng phải y học đòi văn vẻ gì, mà y thật lòng thích tiếp xúc với các khoản sách này, tranh nọ.
Ngày ngày bình thơ, luận họa với học sĩ hầu học của mình, khỏi phải nói cuộc sống thích ý xiết bao.
Nhưng khi nghĩ đến hai đứa em, không khỏi thấy hơi âu lo.
Lão Tứ gàn bướng hơn, từ bé tính nết đã vậy.
Bị hoàng a mã phạt chắc chắn sẽ thui thủi một mình trốn đi gặm nhấm cơn bực dọc.
Lão Ngũ thì bài vở tịt mít chả biết cái chi chi, khéo giờ còn đang phát rầu trong phủ nữa đấy.
Y nói với Tam phúc tấn: “Về chuyện lần này, phận làm anh ta phải gánh chịu quá nửa trách nhiệm.” Khi ở Từ Ninh cung, câu chuyện do chính y gợi lên; lúc ở bãi thả ngựa, đám gà cũng tại y sai người xách đến.
Các em thương y, không mách tội y với hoàng a mã, y nợ ơn tình chúng, lúc này đâu thể không nghe, không hỏi han gì.
Tam phúc tấn cười nói: “Tam gia, chi bằng thế này, để thiếp đi thăm hai đệ muội, bảo cho hai muội ấy an lòng.
Tứ đệ, Ngũ đệ đều tính hũ nút, bây giờ dám là hai muội ấy hãy chưa biết chuyện gì xảy ra đâu.”
Vinh phi thất sủng từ lâu, hiện tại chỉ có một mình Tam a ca bên cạnh.
Tam phúc tấn hiếu thảo hiểu lễ, được lòng Tam a ca, nghiễm nhiên Vinh phi cũng đối xử thân mật hơn với nàng.
Hôm đó sau khi ba chàng a ca bị đuổi cả về, tối ấy Tam a ca liền kể rõ tình đầu cho Tam phúc tấn nghe, dặn nàng thu dọn thư phòng, chuẩn bị phòng ốc cho hai vị học sĩ hầu học.
Ngày hôm sau, Vinh phi cử người đi hỏi thăm sức khỏe tiểu a ca Tam phúc tấn vừa sinh, lại trấn an nàng rằng chuyện này không có gì nghiêm trọng, hoàng thượng sẽ không làm lơ mấy đứa con quá lâu.
Vậy nên, nhìn hai cô em dâu, Tam phúc tấn không khỏi thấy mình có phần vượt trội hơn người.
Lão Tứ còn sẵn lòng giữ thể diện cho phúc tấn, tuy sủng ái cách cách, song không hề để phúc tấn bị lấn lướt.
Lão Ngũ thì thôi không ra cái gì rồi, trong phòng đã lập hẳn trắc phúc tấn, Ngũ phúc tấn bấy giờ lâm cảnh không có đến một chỗ đứng hẳn hoi.
Vợ chồng nào mà chẳng gần thì càng thân, xa mới dễ lạ.
Lần này ba vị a ca bị phạt, Tam gia nhà mình sớm kể cho mình ngọn nguồn đầu đuôi.
Lão Tứ và lão Ngũ lại chưa chắc chịu làm mất mặt này trước phúc tấn, e vẫn chưa hé ra một lời nào.
Thú thực, cùng là đàn bà như nhau, nàng rất lấy làm lạ rằng vì đâu hai cô em dâu lại nên nỗi ấy được? Cứ cho là ban đầu các ông không thích chị, thế chị cũng không biết làm kiểu gì cho thuận lòng các ông hay sao? Cứ xuôi theo ý các ông, chẳng phải rồi cũng làm các ông “xuôi” được đâu vào đấy ư?
Thuở khi nàng mới vào phủ, trong phòng Tam a ca cũng có hai cách cách.
Tam a ca lại đọc sách nhiều, bụng dạ đầy những ái tình gió trăng, đối đãi với nhóm cách cách cũng thực dịu dàng đa tình.
Nhưng giờ thì thế nào? Có thể thấy, lòng người rồi sẽ đổi thay.
Trước kia Tam a ca có thích họ nhường nào, cũng không nghĩa rằng cả cuộc đời này chỉ thích mỗi họ, nay đặt thêm nàng vào trong lòng nữa, đâu khó khăn gì, đúng chưa?
Chỉ cần bén được rễ trong tim đàn ông, để sức nặng tăng dần, thế chẳng quá được rồi hay sao?
Ngay từ lúc đầu Ngũ phúc tấn đã đốt đuốc cầm gậy, hoành hành công khai, nóng vội quá.
Tứ phúc tấn thì lại ương bướng, kiêu hãnh quá.
Tuy hai người đều là phúc tấn của hoàng tử, gả cho nhà người được phận chủ tử, thế nhưng ai bảo đức ông chồng của hai người mới là chủ tử chân chính làm chi đâu? Đến cả điểm này cũng không thấu suốt nổi mà còn đòi áp chế được chồng, thực là ngu dại quá thể.
Hôm sau, khi Tam phúc tấn định đi thăm Tứ, Ngũ phúc tấn, nhũ mẫu của nàng lại nói: “Phúc tấn gượm đã, theo lão nô thấy, phúc tấn không phải đích thân đi đâu.
Tuy Tam gia yêu quý huynh đệ mới nhờ phúc tấn đi chuyến này, nhưng dẫu sao người cũng là tẩu tử; người đi, ai biết sẽ khen người thương yêu tiểu bối, kẻ không hay chuyện lại đưa mồm đi tận đâu đâu?”
Tam phúc tấn đâm lưỡng lự.
Người khác nói ra sao chẳng cũng lọt vào tai cả? Tóm lại nàng biết số người khen nàng chắc chắn không nhiều bằng số người chửi bới nàng.
Nhưng chỉ để đứa hầu đi thì lại có vẻ lạnh nhạt quá.
Cân nhắc một hồi, Tam phúc tấn bèn gửi thiệp, mời hai đệ muội vào phủ ngắm cảnh xuân.
Có câu: Ý tại ngôn ngoại.
Hiện giờ ba vị a ca đều phải ở trong phủ, việc ngắm cảnh xuân này vừa nghe đã biết là nói cho có thế thôi.
Trong phủ Ngũ phúc tấn đương bực bội, nhận được thiệp liền đến ngay.
Tứ phúc tấn lại do dự, lo Tứ a ca sẽ giận nàng chạy ra ngoài chơi, nhưng khước từ Tam phúc tấn ắt càng không ổn.
Suy đi nghĩ lại, vẫn quyết đi, khi đấy xin cáo từ sớm là được.
Khi hai người tới, Tam phúc tấn có ý dẫn ra trước gian phòng nhỏ nằm đằng trước vườn hoa ngồi một lúc, sau đó nhân cơ hội hàn huyên với từng người.
Nhờ thế, Tứ phúc tấn mới biết trong cung có chuyện gì xảy ra, Tứ a ca quả thực đã chọc giận hoàng thượng nên bị phạt.
Biết vậy, nàng càng không sao ngồi yên; Tam phúc tấn nhận ra, không giữ lại lâu, tự tiễn nàng ra cửa lên xe.
Ngũ phúc tấn dĩ nhiên cũng không moi được tin tức gì từ chỗ Ngũ a ca, khi biết rồi lại cũng chẳng lo, còn có tâm trạng ở lại dùng bữa cơm mới ra về.
Có Tam phúc tấn cùng trò chuyện giải sầu, dễ chịu hơn một mình luẩn quẩn trong phủ biết bao nhiêu.
Sau khi tiễn Ngũ phúc tấn đi, Tam phúc tấn phải thở dài một hơi.
Ngũ phúc tấn định “việc đã hỏng thôi đành phó mặc” luôn ư? Ban nãy Ngũ phúc tấn mượn hoa ví người, nói: hoa này tự thân hoa này nở, dưới có đất, trên có trời, tự nó sống an nhàn thanh thản; người ngoài khen nó hay ghét bỏ nó, đều không gây ảnh hưởng gì đến nó cả.
Tam phúc tấn hiểu, nói: hoa có đẹp mấy đi nữa, cũng cần thợ hoa chăm chút tỉ mẩn, tìm một người biết nâng niu hoa chẳng tốt hơn sao? Hoa cũng có linh tính, có người thương hoa, hoa sẽ càng rộ cánh tuyệt trần.
Ngũ phúc tấn nói: “Ai cũng là người biết mến yêu hoa.
Nhưng có người yêu đóa thược dược, kẻ lại thương bông mai vàng.
Người yêu đóa thược dược thì yêu vẻ diễm lệ, sang quý của nó; kẻ thương bông mai vàng thì đem lòng thương mùi thơm ngan ngát đắm say.
Ngợi ca thược dược với kẻ chỉ thương mai vàng, người ấy cũng sẽ chẳng buồn cảm kích.”
Tam phúc tấn nghe hiểu ra, biết nàng ta đã mất hết hy vọng, nhưng thấy nàng ta còn trẻ mà lại chặn đứng đường mình đi, không nhịn được nói một câu cuối cùng: “Cả đời không ai chỉ yêu duy nhất một loài hoa, rồi sẽ đến lúc thấy chán ngán, phiền hà.
Người ấy yêu một bông mai vàng cả đời được, vậy đóa thược dược kia không thể biến thành mai vàng được hay sao?” Cũng có phải hoa thật đâu!
Ngũ phúc tấn không nói năng gì nữa, nhưng nhìn nét mặt là biết không để vào tai.
Tam phúc tấn cũng lười lo vào thêm, cô bướng tiếp đi, cứ cố chấp cho đến khi hoa tàn ít bướm, lúc ấy có muốn biến hình cũng chẳng ai thèm liếc mắt đâu.
Trong phủ Tứ a ca, trên đường về phúc tấn nghĩ mãi chuyện phải làm Tứ a ca nguôi ngoai bằng cách nào.
Nhưng hai năm qua nàng đã nhận ra, Tứ a ca không phải kiểu người hễ chuyện gì cũng đổ vào hậu viện.
Dẫu có người chọc tới chàng, chàng cũng sẽ không làm xấu mặt người ta trước thiên hạ, mà là một mình quay về cho cơn giận nguội dần.
Chuyện này từ trước đã khiến phúc tấn thấy rất bối rối, luôn không biết chàng bực chỗ nào, mười ngày nửa tháng liền chẳng đến chính viện.
Trở về chính viện, Phúc ma ma ra đón.
Dạo gần đây bà ta cũng sửa đổi nhiều, không còn cằn nhằn chuyện bốn bà ma ma và Lý cách cách với phúc tấn nữa.
Nhìn thấy bà ta, phúc tấn nở nụ cười, đưa tay cho bà ta dìu.
“Phúc tấn về rồi à?” Phúc ma ma tấp tểnh vội sáp lại dìu nàng, “Sao phúc tấn về sớm thế? Hiếm khi ra ngoài dạo đây đó cho khuây, phúc tấn nên chơi thêm lúc nữa mới đáng.”
Phúc tấn nghĩ rồi vẫn không kể lại lời của Tam phúc tấn cho bà ta nghe.
Vào phòng, trút bỏ trâm vòng, thay bộ quần áo.
Phúc tấn nằm nghiêng người trên sạp nhắm mắt trầm tư, Phúc ma ma thấy nàng nhọc bèn đưa mọi người đi ra hết.
Phúc tấn nghĩ đến Lý cách cách.
Lý cách cách luôn luôn được Tứ a ca sủng ái, nhất định nàng ta sẽ bói ra được Tứ a ca sinh cơn giận từ bao giờ.
Lúc này nàng ta làm thế nào?
Nàng gọi Thạch Lựu tới, cho những kẻ khác lui xuống cả, sau đó nhỏ giọng hỏi nàng ta: “Dạo này Lý cách cách sao rồi?”
Từ khi Phúc ma ma được rỗi rãi, nhiệm vụ của bốn đại a đầu đều do bà ta phân phái.
Bồ Đào đi chăm nom Tống cách cách và tiểu cách cách, Thạch Lựu thì theo dõi Lý cách cách.
Bây giờ nàng hỏi, Thạch Lựu thưa: “Lý cách cách dạo này năng gọi bữa hơn nhiều.
Nghe người ở thiện phòng bảo đầu bếp của Lý gia dạo này nấu món gì cũng bỏ thêm rất nhiều ớt.
Nghe đâu Lý cách cách còn dặn đầu bếp kia phải đổ dầu sôi vào bát ớt đỏ cay, để ăn với cơm và bánh bột ngô.”
Phúc tấn: “Ồ.
Người chỗ nàng ta có qua lại gì với thư phòng không?”
Câu hỏi làm Thạch Lựu khó xử, nghĩ rồi nói: “Những người hầu hạ ở tiểu viện gần đây đều là người đưa từ trong cung ra.
Trang ma ma cắt thêm bốn người qua đó, nhưng chỉ toàn làm các việc chạy chân lặt vặt bên ngoài, không nghe ngóng được gì cả.” Nàng ta chỉ không nói: cách thức dạy dỗ người dưới của Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo phỏng theo y như là trong cung, bốn đứa hầu bé mới vào được họ dạy cực nghiêm, nên đều đóng kín miệng.
Thấy phúc tấn không nói gì, nàng ta ghé sát lại nhỏ giọng bảo: “Nhưng nghe nói, đằng sau tiểu viện của Lý cách cách có một cửa nhỏ, dẫn đến được thư phòng…” Nên người bên đó có sang thư phòng, họ ở đây cũng chẳng hay biết, vì có đi qua cửa chính và bốn cửa hông của nội viện đâu cơ chứ.
Phúc tấn lập tức ngồi dậy: “Sau tiểu viện có cửa ư?” Nàng không hề biết! Người bên tiền viện không nằm trong tầm quản lý của nàng, thậm chí đến danh sách tên nàng cũng không có.
Cửa chính và bốn cửa hông thông giữa nội viện và ngoại viện luôn có người canh gác, kẻ trông ngoài cửa nhỏ kia ắt là người của tiền viện!
Nàng chưa từng được xem bản kiến trúc của phủ đệ này, vậy mà nàng còn không biết ở đó có một chỗ cửa nhỏ!
Thạch Lựu thận trọng quỳ xuống, khẽ nói: “Sau yến tiệc lần trước mới phát hiện ra.
Trước đó Lý cách cách không gọi bữa từ thiện phòng bên nội viện, chúng nô tỳ vốn đã nhận tin muộn.
Vì không thấy Lý cách cách nằm trong đơn cung cấp cho các vị cách cách, nên mới biết được.
Nhưng tuy biết chắc Lý cách cách sẽ không bỏ cơm, chúng nô tỳ vẫn đoán tiểu viện kia có nhà bếp nhỏ riêng, và được nguồn cung cấp từ thư phòng.
Đám cỗ hết có người dạo lung tung, mới phát hiện có cửa nhỏ ấy…”
Nhưng bàn bạc chuyện này xong, bọn họ vẫn không dám báo cho phúc tấn.
Hôm nay phúc tấn hỏi đến, nàng ta mới buộc phải trả lời.
Một thoáng hoảng hốt, phúc tấn nhanh chóng bình tĩnh trở lại.
Nhưng bình tĩnh rồi lại không thấy giận, mà là thấy lo.
Tứ a ca bảo vệ Lý cách cách đến mức ấy, vì cho rằng nàng muốn hãm hại nàng ta ư?
Suy đoán này làm tim phúc tấn tăng nhịp đập điên cuồng.
Bất kể có ra sao, nàng không thể nào gánh mối oan này được! Nàng phải đánh tan ý nghĩ này của Tứ a ca!
Thạch Lựu quỳ hồi lâu, nghe thấy phúc tấn nói: “Về sau không cần theo dõi Lý cách cách nữa.”
“Phúc tấn?” Thạch Lựu sửng sốt, nhưng nhìn phúc tấn nghiêm túc không vẻ gì như là nói đùa.
Phúc tấn nghiêm giọng bảo: “Ta biết Phúc ma ma và các ngươi lo cho ta, nhưng ta và Lý cách cách cùng là người hầu hạ Tứ a ca; tuy xuất thân, địa vị khác biệt, song đều là chủ tử của các ngươi cả.”
Thạch Lựu vội cúi đầu, tim đầy thịch thịch.
Phúc tấn nói: “Có một số việc, bụng chúng ta biết hết, trong lòng người khác cũng đã tính toán sẵn.
Ta ngồi ở vị trí này, có những lúc không thể đi sai một bước.
Các ngươi có lòng giúp ta là tốt, nhưng phải chú ý chừng mực.
Phía Lý cách cách, ngày sau chỉ cần trông nom kỹ càng, không được làm chuyện gì khác!”
Thạch Lựu run rẩy đáp một tiếng “dạ” rồi lui xuống.
Trong tiểu viện, trước mặt Lý Vi là một bát ớt ngập dầu, ngửi mùi dầu ớt này là nàng thèm, rỗi rỗi lại gắp một cây ớt đỏ sém giòn thả vào miệng, nhai thấy trong vị cay lẫn thêm cái đăng đắng và một chút chua.
Ngọc Bình nhìn nàng ăn say sưa, cũng tự thấy cay thay nàng.
Thấy nàng chỉ một lúc đã ăn bốn, năm cây, mới bưng bát ớt đi, nói: “Cách cách, thứ này không ăn nhiều được, hại dạ dày lắm.”
Lý Vi cũng biết, Ngọc Bình đậy ớt lại, cười bảo: “Cách cách thế này, nhất định có tiểu cách cách.”
“Ta cũng cảm thấy là con gái đấy.” Lý Vi cẩn thận ôm bụng, tuy giờ bụng vẫn chưa nhô ra, nhưng nàng đã hết sức để ý che chở.
Vì chuyển dời sự chú ý của nàng đi, Ngọc Bình bèn ôm vào một đống tơ sợi và những mảnh vải nhỏ, đùa nói với nàng: “Hay là chúng ta làm ít áo quần cho tiểu cách cách?”
Lý Vi lại nói: “Việc này thì cứ tạm để đấy.
Ta thấy hẵng làm vài bộ dành mặc khi bụng ta lớn đã.”
Đồ cho bà bầu ấy mà.
Ngọc Bình nghe nàng hỏi thì hơi lơ mơ, nhưng vẫn nói xuôi theo lời nàng: “Cách cách nói phải, nô tỳ quên mất.
Phải làm ít quần áo rộng rãi hơn.”
Gọi Ngọc Trản và Ngọc Yên ôm quần áo mùa hè năm ngoái vào, giũ hết ra trải lên trên sạp.
Liễu ma ma cũng đến, nghe Lý Vi muốn làm đồ mặc khi mang thai, nói: “Chuyện này không phải gấp gáp.”
Bà ta cầm một bộ kỳ bào mỏng mặc hè màu vàng lá liễu lên, ướm thử người Lý Vi: “Được năm tháng là bụng cách cách sẽ to độ cỡ này, mặc bộ đồ này vào hoàn toàn không chật đâu.”
Lý Vi ngó trên nhìn dưới bộ kỳ bào hình ống thẳng đuột, than ôi bộ đồ trông đầy sầu thương!
Liễu ma ma nói: “Vào thu rồi phải làm lại áo kép và áo bông*, nhưng lúc ấy cũng phải cắt vải làm đồ mới, để lúc ấy cắt vẫn kịp.”
*Áo kép: áo hai lớp mặc ở trong.
Ngọc Bình nom sắc mặt Lý Vi, thấy nàng có vẻ tiu nghỉu thất vọng, vội nói: “Làm vài bộ cũng được, hai năm nay cơ thể cách cách đương tuổi phát triển, đồ không chật thì cộc đi rồi.”
Liễu ma ma cũng nhận ra Lý cách cách muốn tìm chuyện để làm, chủ yếu tại nàng thấy chán, nên thôi không làm nàng cụt hứng nữa, đoạn phát biểu một câu cốt cho nàng vui: “Đã vậy, chi bằng đồ lớn đồ bé làm giống như nhau, đợi khi tiểu cách cách chào đời, mặc quần áo giống ngạch nương thì thú biết là bao.” Đến lúc tiểu cách cách sinh ra rồi, sang năm Lý Vi chắc chắn không thể mặc lại quần áo này nữa.
Nhưng hiển nhiên Lý Vi rất thích ý kiến này, mắt sáng rực cả lên.
Mọi người trong phòng không làm hỏng cái hứng của nàng, Ngọc Trản và Ngọc Yên lại đi mở rương lấy bốn xấp vải nguyên, Ngọc Bình lấy cuốn thêu ra, Liễu ma ma và Lý Vi cùng chọn vải màu gì phối với hoa thêu họa tiết gì.
Đương chọn, Lý Vi bỗng nhớ tới chuyện Tứ a ca từng bảo sẽ cho nàng hai người thợ thêu, bèn tìm cuốn tập áo váy con gái nhà Hán ra, chỉ vào vài trang Tứ a ca gấp đánh dấu trong đấy: “Tứ gia còn bảo muốn làm cho ta mấy bộ này.”
Người trong tiểu viện đều đã biết chuyện Tứ a ca đóng cửa học bài, chỉ vẫn gạt Lý Vi mà thôi.
Ngọc Bình hiểu vì quá phấn khích khi nghe tin mang thai, nên gần đây Lý Vi không nghĩ đến Tứ a ca nữa, giờ lại hỏi…!
Quả nhiên, Lý Vi ngẩn người, đảo mắt một vòng, cho tất cả lui ra, gọi Ngọc Bình tới cạnh hỏi: “Mấy hôm Tứ a ca không sang rồi?” Nàng gập ngón tay nhẩm đếm, đã có mấy hôm rồi.
Lại xem sắc mặt Ngọc Bình, lấy làm hồ nghi: “Sang chính viện à? Ngươi đừng sợ ta giận.
Ấy là phúc tấn, phúc tấn và Tứ gia có êm đẹp ta mới yên tâm.” Một mình độc sủng rất là áp lực đấy được không?
Song trông mặt mũi Ngọc Bình chẳng có vẻ gì khởi sắc hơn.
Tứ a ca đóng cửa học bài, có thêm cả hai học sĩ hầu học kèm cặp.
Tuy họ không biết trong cung có chuyện gì, nhưng đám Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình đều là những người từ trong cung ra đây, vừa nhìn là biết ngay không thể nào Tứ a ca tự dưng dốc lòng học tập, vươn lên làm học sinh giỏi, mà đúng hơn là bị bên trên phạt.
Người có thể phạt chàng học bài lại còn không được phép ra ngoài, đến cả thái hậu trong cung cũng không can thiệp gì nổi, thì ắt chỉ có hoàng thượng thôi.
Tứ a ca bị hoàng thượng phạt rồi.
(còn tiếp).
Thành công lần nữa mỉm cười khi cuối cùng Tứ a ca cũng chịu chấm dứt tiết mục ngồi trong thư phòng, đóng cửa học bài đến thuở thiên hoang địa lão mà chạy đi thăm Lý cách cách. Lúc biết được tin này, người người trong viện rỉ tai nhau xì xào, đợi phúc tấn ở chính viện ra uy. Hai nàng cách cách khác đã biến thành hai vật tàng hình, bình thường cũng chẳng có ai nhắc tới họ.
Phúc tấn đang lâm trong nỗi sợ vì bị Tứ a ca xếp vào diện tình nghi hãm hại cách cách, lúc này còn tâm trạng đâu để ghen với tuông, hơn nữa trước kia nỗi lo về địa vị bấp bênh trong nàng lớn hơn hẳn việc Tứ a ca sủng ái người nào.
Nên chi, đối với Lý cách cách, nàng thực sự có thể nói bằng cả lương tâm mình rằng từ trước đến giờ, nàng không hề nghĩ tới chuyện hại nàng ta.
Nhưng nàng không sao tán đồng với bọn người dưới hầu hạ nàng được. Vả chăng, nàng cũng lo sẽ lại gánh nỗi hàm oan vì kẻ khác. Kể ra, Tống cách cách có con gái, song bàn về độ sủng ái thì thực là còn lâu mới được chung mâm với Lý cách cách, trong khi nàng ta còn hầu hạ Tứ a ca sớm hơn cả Lý cách cách. Còn Võ cách cách, lúc vừa vào phủ, gặp đúng khi Lý cách cách hành kinh, nên được Tứ a ca sủng ái một thời gian ngắn, tuy nhiên sau khi kỳ kinh của Lý cách cách kết thúc, Tứ a ca không còn đặt chân vào phòng nàng ta.
Biết đâu là Lý cách cách ngầm giở trò hay Tứ a ca quên mất Võ thị, từ ấy về sau chẳng thấy Tứ a ca đến thêm lần nào nữa.
Theo phúc tấn thấy, hai người này đều có động cơ hại Lý cách cách. Mà nàng cũng mong là hai người này làm, nàng và người của nàng sẽ dứt được sạch. Điều muộn phiền lớn nhất của nàng hiện giờ chính là đây, chuyện Tứ a ca sang chỗ Lý cách cách thực chẳng đáng nhắc vào đâu nữa.
Từ khi Tứ a ca trở về lại hậu viện, ngoài sang chỗ Lý thị thì còn đến viện của phúc tấn. Phúc tấn đối đãi với chàng càng thêm cung kính, làm Tứ a ca phải ôm nỗi ngờ rằng giả có được, phúc tấn đã đặt luôn chàng lên tòa sen mà dâng hương, dập đầu rồi. Được người ta nâng lên tận trời lại sung sướng quá, chàng bắt đầu thích ở lại chỗ phúc tấn, không như trước kia, chỉ toàn xem như đang làm bài tập về nhà.
Phúc tấn vì nghi ngờ Tống thị, bèn cho chuyển về nơi tiểu viện được chuẩn bị cho nàng ta ngày trước. Từ lúc dọn vào phủ tới nay, Tống cách cách vẫn ở trong viện phúc tấn luôn.
Như không có ý kiến gì, Tống cách cách chuyển đi ngay, cũng chẳng lưu luyến chi với tiểu cách cách. Nhưng nghe Bồ Đào kể sau khi chuyển về tiểu viện, Tống cách cách gầy yếu hơn đôi phần, ban đêm hay chập chờn khó ngủ, bình thường toàn ngồi may vá thêu thùa mấy thứ đồ cho tiểu cách cách. Điều này khiến phúc tấn yên tâm hơn nhiều, vì nếu đến tiểu cách cách mà Tống thị cũng dễ dàng buông bỏ, thì nàng thực sự phải xem xét lại mắt nhìn của mình thôi.
Nếu Tống thị nhu thuận thật, chứ không phải giả vờ yếu đuối, phúc tấn lại hướng mắt sang Võ thị. Vì trước đó Võ cách cách không được sủng, vào phủ sau muộn lại không có tiểu cách cách như Tống thị, nên trước nay phúc tấn vẫn cứ xem nhẹ nàng ta. Bây giờ nàng mới phái một đứa a đầu đi điều tra Võ thị, và để cho Phúc ma ma biết.
Phúc ma ma cũng hiểu lần trước phúc tấn lạnh nhạt với bà ta chỉ bởi tại bà ta lắm miệng, nhưng ngồi rỗi trong buồng mãi, lâu dần phúc tấn quên đi bà ta thật, tháng ngày qua của bà ta lại hóa buồn tênh.
Lần này phát hiện phúc tấn điều tra Võ thị, Phúc ma ma nghĩ rồi vẫn mò đến. Bộ xương già cỗi như bà ta không còn giỏi hầu người bằng các cô nương trẻ tuổi, nhưng luận về kinh nghiệm và mắt nhìn người, bọn a đầu bé có thúc ngựa cũng đừng hòng đuổi kịp bà ta. Không thì ngày xưa phúc tấn đâu nể trọng bà ta tới vậy, đến nỗi để bà ta đánh mất cả chừng mực.
Việc ở hậu viện, phúc tấn cũng muốn có người cùng bàn bạc. Nàng không nhắc chuyện Tứ a ca có bụng nghi nàng, chỉ nói Võ thị thất sủng bấy lâu, sợ nàng ta ôm lòng oán giận. Ngày thường lại thích đi sang chỗ Lý cách cách, muôn một nàng ta có đâm luẩn quẩn mà hại Lý thị, thì phúc tấn là nàng đây cũng phải gánh chịu trách nhiệm.
Phúc ma ma lại nói: “Phúc tấn, cứ ý lão nô, Võ cách cách tuyệt đối không dám đụng vào một cái móng tay của Lý cách cách.”
Phúc tấn khó hiểu, Phúc ma ma nói chắc như đinh đóng cột. Nhưng lý do nằm đâu?
Phúc ma ma nói: “Võ cách cách không được sủng, lại không con. Sống trong viện này, nàng ta phải bám vào một người mới hòng đứng vững chân được.”
Phúc tấn thấy càng khó hiểu, nàng nói: “Nàng ta muốn xu nịnh người khác, phía trên có ta, có Tống thị, có tiểu cách cách, không nữa thì còn Tứ gia đây. Nàng ta chọn Lý thị, lẽ nào muốn để Lý thị đẩy nàng ta đi hầu Tứ gia?”
Theo ý phúc tấn, thực ra Lý thị là một đối tượng rất không phù hợp cho Võ thị bợ đỡ. Có nàng ta ở đấy, khi nào Tứ a ca để mắt đến Võ thị nữa?
Phúc ma ma thấy phúc tấn chưa hiểu thật, đành nói cặn kẽ hơn: “Phúc tấn đã có Tống cách cách, Võ thị chen vào nữa thì e phải chịu đứng dưới Tống thị. Nếu nàng ta chọn Tống cách cách, hai người không sủng như nhau. Nghiễm nhiên chẳng bằng Lý cách cách bên cạnh không ai, lại được cưng chiều hết cỡ.”
Hốt nhiên một tia sáng lóe lên trong đầu phúc tấn, nàng nghĩ đến một khả năng.
Là Tứ a ca.
Rất lâu từ trước khi Võ thị chưa bấu víu vào Lý cách cách, Lý cách cách vẫn chưa có mang. Nàng là phúc tấn, Tống cách cách đã mang thai. Nhược bằng lúc ấy Tứ a ca đã quyết ý để nàng chăm sóc Tống thị và đứa bé, thì sẽ không thể không lo tính cho Lý cách cách chỉ có mỗi sủng ái.
Vậy nên, sau đó chàng không còn lui đến phòng Võ cách cách nữa.
Chàng muốn Võ cách cách vô sủng, không nơi dựa dẫm, rồi phải vì sống sót mà nương tựa vào Lý thị.
Phúc tấn bàng hoàng chẳng nghe thấy câu kế tiếp của Phúc ma ma, khi hoàn hồn bắt gặp ánh mắt lo lắng của bà ta, nói: “… Không sao.” Chỉ là muốn cảm thán một phen. Phúc tấn có cảm giác vừa thông suốt sáng tỏ. Như là mình đi được một trăm bước, ngoảnh đầu lại nhìn mới sực nhận ra, người song hành cùng mình ngay ở bước ba mươi đã tính đến tận chuyện sau bước một trăm rồi.
Phúc ma ma nghe nàng nói: “… Từ lâu ta đã nghĩ nàng ta sẽ không làm vậy.” Phúc ma ma lấy làm khó hiểu, song không dám hỏi, rõ là phúc tấn đương nghĩ sang chuyện khác.
Trước đây phúc tấn đã thấy quái lạ, khi chưa có Võ thị, đâu thấy Lý cách cách đố kỵ gì với nàng và Tống thị. Tứ a ca cũng sẽ không nhẹ dạ tin vào những lời từ một phía người ta xầm xì sau lưng, nên việc Tứ a ca không lại phòng Võ thị nữa, nàng vẫn không nghĩ ra là vì điều gì. Và cũng chẳng có nguyên do gì khác để nghi ngờ Lý thị.
Nay tìm ra tính toán của Tứ a ca, và biết không phải Lý thị làm trò, phúc tấn lại thấy có phần yên tâm hơn. Một vì đã thấy rõ chiêu thức của Tứ a ca, thứ đến là vì không đánh giá lầm con người Lý cách cách.
Đến khi gặp lại Tứ a ca, phúc tấn không khỏi thầm cảm khái trước khuôn mặt chàng. Ngờ đâu một người nghiêm túc như thế mà cũng có lúc khổ trí vì nỗi thương yêu. Khám phá được ra một mặt đầy tình nghĩa của Tứ a ca, phúc tấn bỗng thấy lòng tin thêm vững.
Nếu so ra, đương nhiên nàng mong Tứ a ca sẽ là người mềm lòng. Chàng mềm lòng với người khác, rồi cũng có ngày mềm lòng với nàng.
Phúc tấn bèn dốc hết lòng quan tâm Lý cách cách và tiểu cách cách của Tống thị, hòng tạo dựng thiện cảm với Tứ a ca. Dạo này Tứ a ca thường tới chính viện, trông thấy những điều ấy, đánh giá của chàng về phúc tấn cũng ngày một tích cực hơn.
Rốt cuộc đến một hôm nọ, lúc ngồi trong thư phòng nghĩ chuyện mở nhà kho thưởng đồ cho hai học sĩ hầu học, chàng phá lệ thưởng luôn cho phúc tấn. Sau đấy mới thưởng cho Tống thị và Lý thị.
Niềm vui sướng râm ran khắp hậu viện. Chỉ mỗi mình Võ thị là không được thưởng. A đầu hầu hạ nàng là người từ trong cung ra đây, thoạt đầu nghe nói Tứ a ca mở nhà kho ở tiền viện phát thưởng cho phúc tấn, sau lại thưởng cho Tống thị đã sinh tiểu cách cách và Lý thị đang mang thai, mấy a đầu bèn ra đứng ngay cửa tiểu viện kiễng chân ngóng. Ngóng mãi ngóng mãi, ngóng dài cả cổ vẫn chẳng thấy bóng người nào lại.
Võ thị ngồi trong phòng, nàng vừa mong Tứ a ca nhớ đến mình, vừa sợ không ai đến thật lại để người ở hậu viện được dịp xem nàng bẽ mặt. Trong lòng thắc thỏm không yên, ngồi mãi tới giờ phòng lên đèn rồi, đứa a đầu hầu cận mới ngơm ngớp bước vào.
Bấy giờ, Võ thị lại thở phào một hơi. Nàng cười hỏi a đầu: “Về sau gọi ngươi là Ngọc Lộ nhé?”
A đầu khi trước tên Tùng Chi nghe thế ngẩn ra, rồi vội quỳ xuống đáp: “Nô tỳ nghe cách cách.”
Võ thị gọi cả thảy bốn a đầu vào: Tùng Chi đổi tên thành Ngọc Lộ, Hương Nô đổi tên thành Ngọc Hương, Lục Y đổi tên thành Ngọc Y, Liên Thu đổi tên thành Ngọc Chỉ.
Cùng sống nơi hậu viện, ai ai cũng biết a đầu của Lý cách cách đều lấy chữ “Ngọc” làm đầu cái tên. Bốn a đầu ngác ngơ nhìn nhau, không hiểu Võ cách cách định làm gì.
Ngọc Lộ cho những người khác lui ra, đoạn quỳ trước mặt Võ thị lẳng lặng rơi lệ.
Khi Võ thị dâng lòng phấp phỏng vì đột nhiên bị Tứ a ca hắt hủi, là một người đã gặp cảnh ấy nhiều trong cung, Ngọc Lộ bèn tiết lộ ý của Tứ a ca cho Võ thị. Thế nên để thử, Võ thị mới đi xin về đống hoa voan của Lý Vi, ngày ngày gài trên đầu.
Sau đó, quả nhiên Tứ a ca trông thấy hỏi một câu.
Mặc dầu đã rất lâu rồi mới lại được nói một câu với Tứ a ca, lại còn nhờ phúc mấy nụ hoa Lý cách cách tự tay làm. Võ thị không dám dỗi gì, chỉ là mơ hồ bụng dạ nàng bắt đầu trào lên một nỗi tuyệt vọng. Không gì tuyệt vọng hơn việc mãi mãi chẳng chiếm được sự sủng ái của Tứ a ca nữa. Nhưng đây là con đường do chính tay Tứ a ca chọn cho nàng, nàng bắt buộc phải bước lên thôi.
Mãi đến khi nãy, Võ cách cách mới tỏ rõ lòng quyết tâm với Tứ a ca thông qua cái tên của bọn a đầu. Nàng sợ nếu cứ tiếp tục đắn đo, Lý cách cách sắp sinh hạ đứa bé sẽ không cần tới nàng nữa, đến nước ấy thì thực là không còn một lối nào để ra.
Ngọc Lộ khóc nửa vì Võ thị, nửa vì mình. Nàng ta hơi hối hận vì lúc ấy đã nói với Võ cách cách phỏng đoán của mình. Lắm khi bóc mẽ chuyện gì ra, cái nhận về được chẳng phải cảm kích mà lại là trách hờn. Võ cách cách đang hờn nàng ta cũng chưa biết chừng.
Nhưng trong hậu cung, đàn bà được sủng ái đều mang công dụng riêng của mình. Đầu tiên là họ hữu dụng với hoàng thượng, thế mới được sủng. Nếu Tứ a ca đã xếp đặt sẵn vị trí cho, tốt nhất nên cứ thế mà làm theo.
Lúc này vì muốn dỗ cho Võ cách cách cam lòng tự nguyện, Ngọc Lộ nói: “Cách cách, ở chỗ Lý cách cách, người ắt sẽ gặp được gia. Dần dà, gia thấy được điểm hay của người, tự khắc sẽ tốt với người thôi.”
Hồi lâu Võ cách cách mới thở dài bảo: “… Phải rồi.”
Hôm sau, nàng dẫn theo Ngọc Lộ sang tiểu viện của Lý Vi, từ ấy ngày nào cũng sang đúng giờ. Buổi sáng chơi các trò với Lý Vi; buổi trưa dùng bữa cùng Lý Vi; đến tối thi thoảng gặp Tứ a ca mấy lần, ba người dùng bữa với nhau.
Lý Vi không phản cảm gì về việc Võ thị sang đây hằng ngày. Đám Ngọc Bình tuy cũng chơi với nàng, nhưng có lẽ vì khác biệt thân phận là rào cản; dù Võ thị có ý nịnh nàng, song ngoài mặt hai người vẫn ngang hàng nhau, nói chuyện với nàng ta cũng thoải mái hơn nói chuyện với đám Ngọc Bình.
Ngọc Bình lại không ưa Võ cách cách cho lắm. Chưa gì đã kể nàng nghe chuyện Võ thị đổi tên hết cho mấy cô a đầu. Lý Vi khó hiểu hỏi: “Nàng ta sửa tên a đầu vì ta à?” Có cần lộ liễu thế không?
Ngọc Bình nói giọng khinh khỉnh: “Muốn nịnh hót cách cách đấy mà.”
Được “nịnh hót”, Lý Vi thấy hơi ngạc nhiên. Nhưng sau đấy lại thấy lo, cư xử thế này, tất có việc cầu cạnh.
Ngọc Bình thấy sắc mặt Lý Vi bất thường, nói thay nàng: “Chắc do thấy người bây giờ mang thai không cách nào hầu hạ a ca, mới nảy ý san sẻ với người?”
“Không thể nào!” Lý Vi nói chắc nịch.
Ngọc Bình vừa định hỏi sao không thể, lại chợt hiểu ra: “Cách cách không chịu à? Cớ vì sao? Chẳng phải bình thường người luôn mong Tứ gia sang chỗ phúc tấn nhiều hơn hay sao?” Nàng ta những tưởng sau khi Lý Vi biết được ý đồ của Võ cách cách, hẳn sẽ ngay lập tức bắc cầu cho nàng ta qua. Ngọc Bình nói thế vốn ý muốn Lý Vi cứ kích thích nàng ta thêm một thời gian nữa, đừng để như ý nàng ta quá dễ dàng.
Vậy cũng tiện thu phục Võ cách cách về làm trợ thủ. Bên chính viện, phúc tấn đã sớm đứng chung một chiến tuyến với Tống cách cách. Thì cách cách của họ sao đơn đả độc đấu cho đặng?
Ngọc Bình không hiểu nổi, Lý Vi nhìn nàng ta như nhìn đứa khờ, nói: “Nàng ta bì được với phúc tấn chắc? Vốn dĩ có giống nhau đâu.”
Nàng mong Tứ a ca năng sang chỗ phúc tấn là vì sự an toàn của bản thân mình, hạ thấp mối nguy từ việc độc sủng. Xét về cả thân phận lẫn địa vị, phúc tấn đều cao hơn nàng, nên nàng mới vâng theo ý phúc tấn. Đặt lên bàn cân so, Võ cách cách với nàng là người cùng cấp bậc, thậm chí nàng ta còn thấp hơn nàng, vậy thì có lý nào nàng lại nhường Tứ a ca? Nàng có bị chập mạch đâu.
Ngay từ ban đầu, chuyện nàng ăn thịt dê phải chứng nóng trong người mà từ chối sủng ái xuất phát từ chính nỗi lo cho an nguy tính mạng mình, chứ chẳng phải do bị bà hoàng đạo đức nhập vào người, cho rằng phúc tấn và Tứ a ca là vợ chồng, nên nàng phải nhượng bộ đối phương.
Đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Cũng giống như trong công ty, tự dưng bạn ký được một mối làm ăn lớn, nhận tiền hoa hồng mỏi cả tay. Bạn bèn đi tìm người phụ trách và bảo rằng: Thưa sếp, mối tốt này em chia sếp một nửa, hai đứa mình mỗi đứa 50!
Thế là quá bình thường. Ấy gọi là chủ động tiến bộ để duy trì sự nhất trí cao độ với lãnh đạo.
Kế đó bạn lại đi tìm một em ma mới thành tích kém trong văn phòng, bảo: Có mối ngon em cũng góp một chân đi, chị chia em 20%.
Người ngoài sẽ nói gì về bạn?
Đồ thánh mẫu. Yêu quý đàn em. Chê tiền thối tay. Dở hơi biết bơi. Muốn thăng chức làm giám đốc quản lý rồi.
Xin vui lòng chọn cái thứ nhất.
Trước mắt hiển nhiên Lý Vi không định thăng chức, những điều khác nàng cũng chẳng muốn nhận.
Ngọc Bình thấy nàng nhất quyết thế thì không cố sức vô ích nữa. Thực ra nàng ta cũng không thích chia sẻ Tứ a ca chút nào, dựa vào đâu chứ? Rõ ràng Tứ a ca tới để thăm cách cách nhà nàng ta kia mà!
Nhưng Tứ a ca lại hơi khó xử. Rất nhiều lần chàng nhìn thấy Võ thị ở chỗ Lý Vi, ngỡ rút cục hai nàng cũng kết thành một khối. Tình hình trong hậu viện đã chậm rãi phát triển theo hướng chàng mong đợi, giờ chỉ chờ Lý Vi đẩy Võ thị về phía chàng, là mọi chuyện xong xuôi.
Vậy thì Võ thị sẽ hàm ơn Lý Vi, chàng cũng không phải bỏ mặc Võ thị tiếp nữa, rồi cả nhà cùng vui.
Nhưng Lý Vi khả dĩ giữ Võ thị lại để ba người cùng dùng bữa tối, song tuyệt chưa bao giờ mở lời bảo chàng đi với Võ thị, hoặc khách sáo một câu: “Nay sức khỏe ta không cho phép, xin nhờ muội muội chăm sóc Tứ gia.”
Vì thể diện của Lý Vi, Tứ gia không thể công nhiên bỏ đi cùng cách cách khác ngay trên địa bàn của nàng. Nhưng chàng có đợi cỡ nào, cũng chẳng thấy một lần Lý Vi khách sáo.
Tận tới khi Tứ a ca lại được vào cung, Lý Vi cũng cứ im ỉm như thế.
Buổi tối, hai người nằm trong màn ngủ chay. Nhớ lại cảnh tượng quái đản trong những bữa cơm ba người suốt thời gian qua, Tứ a ca bất chợt bật cười, nắm tay Lý Vi thở dài: “Nàng đấy, đúng là đồ hẹp hòi.” Muốn bá chiếm gia đến vậy cơ à?