Trong thư phòng có ba vị a ca đã dọn ra khỏi cung gồm Tam, Tứ, Ngũ; mỗi người lại có một, hai đứa em trai, luôn tỏ tình huynh đệ thuận hòa, tôn kính lẫn nhau.
Chính vì đã dọn ra cung, nên cơ hội được thể hiện bản thân trước mặt hoàng a mã cũng giảm thiểu đáng kể, vì thế hằng ngày ba người này đều không màng cực nhọc dậy từ rất sớm, chịu khó ở lại đến tận giờ cửa cung đóng mới chịu đi.
Tứ a ca dẫn dắt Thập Tam a ca của Chương Giai thị và em ruột Thập Tứ a ca.
Chàng không đặt ra quá nhiều yêu cầu với Thập Tam a ca, còn Thập Tứ a ca thì quả thật không khác gì sao Thiên Ma* giáng thế! Có lẽ vì biết đây là anh ruột mình, mới liên tục bày ra đủ các trò bịp bợm xảo trá, làm Tứ a ca chỉ muốn vung gậy đánh một trận nên thân!
*Sao Thiên Ma: một chòm hung tinh trong chiêm tinh học cổ đại.
Bất đắc dĩ, vì phải biểu hiện ra bản chất của bậc huynh hòa ái này, nên cần nhẫn nhịn ngay.
Lại tự an ủi mình trong bụng: Không sao, đệ đệ càng vô lễ, càng cho thấy rõ chàng có thể trao đi nhiều tình yêu thương cỡ nào!
Bên kia, Ngũ a ca với Cửu a ca cũng y thế, khiến Tứ a ca nảy sinh cảm giác đồng bệnh tương liên.
Nhưng khi chàng gửi gắm ánh nhìn cầu xin sự đồng cảm đến Ngũ a ca, người kia lại không nhận thấy.
Ngũ a ca đương vật vã đối phó với loạt câu hỏi oái oăm mà tiểu huynh đệ vẽ ra, hết cách thôi, tài Hán học của y thực sự không đỡ nổi…!
Tam a ca đã để mắt tới, bên cạnh y là Thập Nhị a ca.
Thập Nhị a ca được Tô Ma Lạt Cô* nuôi nấng từ bé, bình thường học hành không mắc vấn đề gì.
Nhưng chung quy về tuổi tác vẫn thua Tam a ca nhiều, bộc lộ sự ưu việt ấy ra khiến Tam a ca thấy tương đối là sung sướng, khi hành Thập Nhị a ca cũng chẳng gặp bất kỳ trở ngại nào.
Y phe phẩy phiến quạt, nhìn Tứ, Ngũ a ca cười đến là khoái chí.
*Thị nữ hầu cận của Hiếu Trang Văn hoàng hậu (Hiếu Trang Văn hoàng hậu là bà nội Khang Hi).
Thất, Bát, Thập a ca vừa không muốn dạy dỗ ai, vừa không muốn bị các anh bắt lại chỉ bảo, nên ba người trốn đi thật xa.
Cửu a ca nhận ra chuyện hành xác Ngũ a ca không lấy gì làm hay ho như trong tưởng tượng, chơi một hồi xong bèn bỏ Ngũ a ca chạy đi chơi cùng ba người này.
Ngũ a ca bó tay, nhưng nhìn bốn đứa em, thấy mình càng không sao giải quyết nổi, đành chuyển sang chỗ Tứ a ca.
Đương lúc Tứ a ca nói điều gì, Ngũ a ca lại ở ngay bên cạnh gật đầu ra chiều ngợi khen.
Vất vả lắm mới đến trưa, dùng bữa xong vẫn còn một canh giờ nữa để nghỉ trưa.
Ngũ a ca tỏ ý muốn sang chỗ thái hậu hồi máu chút đỉnh.
Bất cứ lúc nào cung Nghi phi cũng phải chuẩn bị sẵn sàng đón Khang Hi giá lâm, y không nên lại mà làm vướng bận thêm cho ngạch nương mình.
Tam, Tứ a ca cũng ngỏ lời cùng đi.
Đến Từ Ninh cung, hương Phật ở hậu điện lượn lờ bay ra.
Tứ a ca bất đồ nhớ tới trang truyện ngắn thiếu đứng đắn hết sức của Lý Vi.
Tứ a ca: “Phụt…”
Chàng vội vàng che miệng lại, ho khan hai cái, làm bộ không hề gì.
Tam a ca vỗ lưng chàng: “Lão Tứ, sao thế? Đừng nói là cảm lạnh đấy? Lúc nữa uống thêm mấy bát canh.
Đệ gầy quá.”
Ngũ a ca khó hiểu nhìn hai người, nói: “Tháng sáu ai cảm lạnh?”
Tam a ca nói: “Thế thì đệ chưa biết rồi lão Ngũ ạ.
Cảm lạnh vào mùa hè mới là nghiêm trọng nhất, khó hết lắm.”
Tứ a ca vội nói: “Tam ca, lão Ngũ, ta không sao.”
Nhưng chủ đề câu chuyện đã quay ngoắt sang hướng khác.
Ngũ a ca đương xoắn xuýt tự hỏi rốt cuộc mùa hè có bị cảm lạnh được không, vì thuyết phục y, Tam a ca không ngại đem mình ra làm ví dụ: mùa hè năm ấy y nhai nhiều đá quá, lại đi bơi lội, thế là mắc cảm lạnh ngay, bệnh khoảng độ hơn hai chục ngày.
Tứ a ca cũng nhớ, nhưng chàng muốn nói: Tam ca, chẳng phải huynh bị tiêu chảy ư? Sau nghĩ thấy nhắc tiêu chảy thì thực là bất nhã, nên thôi không nói nữa.
Ngũ a ca lại tưởng thật.
Lúc ba người nghỉ trưa xong dắt díu nhau đi tìm bọn đệ đệ, Cửu a ca và Thập a ca đương lôi kéo Thập Tam, Thập Tứ định ra chỗ ao trong cung bơi lội.
Ngũ a ca mau chóng ngăn cản, lần lượt hỏi từng đứa trưa nay đã ăn đá chưa?
Bốn tiểu a ca bày tỏ: Trời nực nội, dùng xong bữa trưa đã nhai một bát đá lạnh.
Ngũ a ca bèn nói không được đi bơi.
Đến đây thì chọc phải tổ ong vò vẽ rồi.
Tam a ca che mặt, Tứ a ca bước tới khiển trách, song chỉ bảo được mỗi Thập Tam a ca, ba đứa còn lại gào giọng kêu la oai oái.
Ngũ a ca nóng lên là nói tiếng Mông, xổ một tràng xì xà xì xồ cho ba tiểu a ca nghe mặt mày xây xẩm.
Ngũ a ca sực tỉnh lại, phát hiện ba tiểu đệ đệ đều đang ngửa mặt nhìn mình, lão Cửu vẫn ra vẻ không phục, mặt hầm hầm hừ hừ.
Dù sao cũng là đệ đệ ruột thịt, y cũng thấy xót lòng, bèn lôi Tam a ca ra làm minh chứng sống.
Tam a ca thấy cuối cùng lửa đã lan đến chỗ mình, giờ đâu thể nói rằng: Ngũ đệ này, thực ra chuyện ban nãy huynh nói không nghiêm trọng thế đâu, huynh bị tiêu chảy kéo theo sốt, sốt xong tiêu chảy tiếp, hết tiêu chảy lại lên cơn sốt, lặp đi lặp lại như thế, bệnh mới kéo dài ra hơn hai mươi hôm; hơn nữa huynh không chỉ ăn mỗi một bát đá, vừa nãy lúc về cung ngạch nương thương huynh quá, cho huynh ăn luôn bảy, tám bát liền.
Thế nên cùng với vẻ “ta là người hiền lành tốt bụng”, Tam a ca gật đầu với ba tiểu a ca hãy đang rưng rưng nước mắt, nói: Đúng, Ngũ ca của các đệ nói đúng cả đấy.
Vậy là Ngũ a ca thành công bị lừa đội cái nồi này, nghiêm túc kéo bốn đứa trẻ ra bãi thả ngựa, nói: Nếu các đệ muốn vận động, chẳng bằng chúng ta chơi phóng phi tiêu đi?
Bốn tiểu a ca đen mặt, ai thèm phóng phi tiêu chứ? Không thấy mặt trời như đổ lửa đấy à? Chỗ này còn không có lấy một cái cây nào, định phơi thây cho chết nóng hay sao!
Nhưng Ngũ a ca đã rất nhiệt tình sai người đem phi tiêu đến.
Cửu a ca thấy đây dẫu sao cũng là anh ruột mình, ba tên huynh đệ kia không đứa nào chịu xung phong chơi trước, cậu chỉ đành bước ra cổ vũ, coi như chữa cháy cho Ngũ a ca.
Lúc đón lấy chiếc phi tiêu Ngũ a ca thân thiết đưa sang, nhìn khuôn mặt cười tươi roi rói không nào sánh bằng của y, nghĩ bụng: Để về rồi xem đệ có mách tội huynh với ngạch nương không!
Nhập cuộc chơi rồi lại thấy vui.
Huống chi phi tiêu còn là một món vũ khí mang lực sát thương nhất định, ba chàng a ca lớn cũng xúm vào cùng chơi, còn gọi cả Thất, Bát và Thập Nhị lại chung vui.
Tam a ca thấy ba đứa trẻ không còn cự nự nữa, vì khiến chúng quên mất chuyện bơi lội đi, còn cố ý sai người tới Khánh Phong ti xin mấy lồng gia cầm; sau khi thả lồng, hô hào cả lũ cầm phi tiêu phóng vào đám vịt gà tháo chạy tán loạn.
Chẳng mấy chốc, sức chiến đấu hung hãn của quân đội gia cầm đã bộc phát rõ ràng.
Gà vịt bay tứ lung tung làm bụi đất xộc vào mắt Cửu a ca, còn bị một con gà nhảy bổ lên người.
Thập a ca và Thập Tứ a ca khóc kêu trời réo đất vì bị mấy con gà đuổi theo mổ.
Thập Tam bị cả đàn gà bắt nạt ngã lăn quay ra đất; Thập Nhị cởi cái áo choàng ngắn, miệng ố á xua đuổi lũ gà, trên mặt còn in hằn vài đường xước đỏ do móng gà cào trúng.
Bát a ca nhảy ra, cũng cởi áo choàng, trùm lên đầu Cửu a ca; Thất a ca lùng sục khắp nơi tìm cây chổi định đi dọa gà.
Hiện trường biến thành một mớ hỗn độn.
Cuối cùng đến cả bộ ba Tam, Tứ, Ngũ cũng bị kéo luôn vào trận.
Lão Tam gọi tiểu thái giám đi bắt gà, lão Tứ xông lên cứu thằng em cũng đang bị đàn gia cầm hiếp đáp, lão Ngũ sai người lấy cung tên để y bắn bỏ cha cái giống súc sinh lông dẹt này! Lại bị bọn tiểu thám giám ôm rịt, can lại.
Sau đó nữa, một đám cả lớn lẫn bé bị dẫn đến trước mặt Khang Hi.
Khang Hi sa sầm mặt dỗ lũ bé trước; về phần ba đứa lớn, không tha cho đứa nào, tất cả bị phạt quay về kéo cung năm chục lần!
Hai vị Thất, Bát a ca buộc phải đi theo hộ tống.
“Bị một lũ gia cầm ăn hiếp! Đến nhục mặt!”
Thái tử và Đại a ca đều chạy tới khuyên lơn, thái tử nói: “Xin hoàng a mã bớt nóng, giao ba kẻ kém cỏi này lại cho con và Đại ca, người hãy nguôi giận.”
Đại a ca khinh thường liếc sang đám em trông sao mà thảm hại quá thể, mũi hừ mạnh một cái: “Có mỗi lũ gà mà các đệ đã thành ra nông nỗi này, thế nếu là hổ hay sư tử, các đệ lại chẳng quỳ bò ra mà hô Hổ đại vương tha mạng luôn?”
Ba người không dám thẳng thừng vặc lại y, ứ đầy bụng bất bình.
Tam a ca nghĩ thầm: Nhà huynh thì nhất rồi! Quẳng huynh vào lũ gà ấy, huynh nhắm huynh chọi được bao lâu?
Tứ a ca: Gà vừa bé vừa nhảy tưng tưng, vỗ cánh một phát là người quay cuồng giữa bụi mù.
Vả lại lúc ấy còn có đám trẻ kia, không được dùng cung cũng chẳng được dùng dao.
Năm chục con kê chung một chỗ, khéo là khó bắt hơn cả hổ!
Ngũ a ca: Hình như Tiểu Cửu bị gà mổ khá nặng, trước khi về phải đi thăm nó mới được.
Thất a ca: Thực là đen đủi!
Bát a ca: “…!Ha ha, Đại ca dạy phải.”
Đại a ca nhìn sang Tiểu Bát, nói cho cùng vì được nuôi chung một cung, nên cũng gần gũi hơn, bèn bước qua kéo lại gần xoa đầu y bảo: “Không như đệ, cả một đám lớn đầu ở đấy, chẳng qua đệ chỉ tình cờ dịp ấy mà vương phải điều xúi quẩy.
Lần tới có đụng lại những chuyện này, hãy nhớ chạy đi tìm Đại ca ngay.”
Khang Hi đuổi đám huynh đệ không khiến người ta bớt lo ra ngoài hết, ba vị a ca đã ra cung đều bị phát về nhà đóng cửa học bài.
“Đừng tưởng ra ngoài rồi là khỏi cần học nữa! Lần sau trẫm sẽ khảo bài các anh! Không trả bài được thì các anh cứ chuẩn bị tinh thần chịu phạt! Gộp cả lần này vào phạt luôn một thể!” Khang Hi cả giận nói.
Nhưng khi đến lượt Thất a ca, Khang Hi chỉ bảo một câu “Chịu khó mà học” là thôi, đến Bát a ca lại là “Chịu khó mà luyện thêm chữ! Mỗi ngày viết năm mươi trang chữ!”.
Trước khi ra cung, Tứ a ca và Ngũ a ca chia tay nhau đi thăm Tiểu Cửu và Tiểu Thập Tứ, sau đó cả hai đều bị mẫu phi mắng một chập.
Nghi phỉ vừa thở than vừa mắng: “Con không biết ẵm nó nâng nó lên à? Thế thì lũ gà ấy sao mà mổ được nữa? Con nhìn mặt Tiểu Cửu kìa, bị mổ cho hẳn bảy, tám cái lỗ!”
Ngũ a ca nhìn Cửu a ca ngồi bên cạnh, đau lòng sáp lại xoa đầu, bị Tiểu Cửu bực mình gạt ra.
Cửu a ca nói: “Ngạch nương đừng mắng Ngũ ca nữa, càng mắng huynh ấy càng ngố thêm thôi.
Shhh…!tối nay tiểu gia muốn ăn gà!” Ngũ a ca ở cạnh luôn miệng đỡ lời, “Ăn, chúng ta ăn gà, tối nay ca ca cũng ăn gà.”
Nghi phi cười lạnh, nói với hai đứa con: “Tiểu Cửu không được ăn, mặt mũi con bị thương, tạm thời ăn chay mấy ngày.
Cứ rau xanh, đậu hũ là được.
Lão Ngũ, con không được nuông nó hoài như thế! Con là ca ca, phải ra dáng ca ca!”
Ngũ a ca gật đầu cười khổ, có thằng em tinh ranh ma mãnh thế này, y cũng phải làm cho ra dáng ra hình bậc anh.
Bên kia, Cửu a ca lén làm mặt hề với Ngũ a ca sau lưng Nghi phi.
Trong Vĩnh Hòa cung, Đức phi đã phạt Thập Tứ a ca một trận, lúc Tứ a ca đến, nó đương đứng úp mặt vào tường.
Đây là cách phạt từ thời Đức phi còn là cung nữ, được các ma ma chỉ dạy.
Tiểu Thập Tứ bị Khang Hi nuông quá đâm hư, Đức phi lại không tiện đánh nó, vì uốn nắn lại tính nết này nên mới phạt đứng luôn.
Nhìn thấy Tứ a ca, Đức phi không nhắc một câu nào về chuyện của Tiểu Thập Tứ, nào ban trà nào cho ngồi, còn sai ma ma cầm vài món đồ ra cho chàng, nói: “Đây là những món gần đây thái hậu và hoàng thượng ban thưởng, chỗ ta không dùng đến được.
Con vừa mới dựng phủ, ắt vẫn còn hạn chế.
Con cầm lấy mà dùng.”
Tứ a ca nói: “Ngạch nương ở đây cũng đâu thoáng hơn, nhi tử ở ngoài, các thứ đồ rẻ hơn nhiều, khoản phí tổn cũng thực ít hơn trong cung.”
Đức phi nói: “Được rồi, với ngạch nương còn khách sáo gì nữa? Hiện giờ hoàng thượng đối đãi với bọn bà già chúng ta rất tốt, vả chăng ta ở đây đương còn nuôi dưỡng Tiểu Thập Tứ, đồ là không thiếu rồi.”
Hai mẹ con đẩy đưa một hồi, Tứ a ca mới chịu nhận đồ.
Sau đó nhắc tới chuyện Tiểu Thập Tứ lần này, chàng đứng dậy nói: “Chuyện lần này do nhi tử không suy xét vẹn toàn, mới để Tiểu Thập Tứ bị thương.”
Đức phi phất tay, nói: “Con không phải một mình chịu trách nhiệm chuyện gì cả, dù bây giờ con gánh thay nó, nhưng ngày sau đâu thể để con gánh cho nó suốt đời.
Có câu này ta bảo với cả hai con: có một số chuyện, người khác làm được, nhưng các con thì không thể.
Ngạch nương của các con xuất thân từ phận cung nữ, so từ gốc rễ đã kém cỏi hơn người một bậc.
Vậy nên, các con càng phải tỉnh táo.”
Tứ a ca đành đứng nghe lời răn.
Đức phi nói qua qua đôi ba câu mới dặn: “Nếu hoàng thượng bảo con về phủ học, thì đừng nán lâu trong cung.
Về mau đi.”
Sau khi Tứ a ca cáo lui, Đức phi gọi Tiểu Thập Tứ lại bên mình, nhìn gương mặt bé nhỏ đầy vẻ bướng bỉnh của nó, thở dài: “Con đã hiểu chưa?”
Thập Tứ a ca gật đầu, lệ đong ầng ậng trong đôi con mắt.
Đức phi nói: “Ngạch nương phạt con không phải vì con làm sai.
Mà vì chuyện này sai.
Nên ngạch nương mới phạt con, hoàng a mã mới phạt ba ca ca của con.”
Thập Tứ a ca tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cũng biết đường suy một ra ba, nói: “Vậy nếu chuyện này là đúng, thì con có làm sai cũng không sao ư?”
Đức phi cười hài lòng, không trả lời, bảo Tiểu Thập Tứ tự trở về suy ngẫm.
Sau đấy bảo nó rằng vì hoàng thượng phạt ba ca ca, nên trước lúc Tứ a ca được vào cung lần nữa, nó sẽ không được bước chân ra khỏi cửa, hằng ngày chỉ được thẳng tiến qua ba điểm: Thượng thư phòng – A Ca Sở – Vĩnh Hòa cung.
Báo tin xấu này xong, Đức phi lại an ủi: “Chẳng phải con bảo muốn ăn gà ư? Để ta dặn với thiện phòng, tối này làm cho con ăn nhé?”
Thập Tứ a ca cất giọng dặt dè: “Con không ăn gà đâu…!cho con ra ngoài chơi được không ạ…”
Đức phi tủm tỉm cười: “Không được.”
Thập Tứ a ca cay đắng chén hết bữa cỗ toàn gà là gà ở chỗ Đức phi xong mới về A Ca Sở.
Bên kia, Tứ a ca về phủ, sầm mặt vào thư phòng.
Tô Bồi Thịnh chứng kiến từ đầu đến đuôi, bấy giờ đoán Tứ a ca lại tức bụng, bèn quay đi dặn mọi người ở tiền viện phải hết mực cẩn thận, không có chuyện gì thì đừng ra ngoài la cà; lỡ đụng phải Tứ a ca, bị đem ra làm thớt, cũng chẳng ai cứu nổi nhà ngươi đâu.
Trong hậu viện, mấy hôm trước phúc tấn đương nghĩ phải để ý Tứ a ca kỹ hơn, nên lần này Tứ a ca vừa về đã vào thư phòng ngay, không đi thăm Lý cách cách, là nàng đã nhận thấy sự việc có điều bất thường.
Lẽ nào trong cung xảy ra chuyện rồi?
Nhưng phía tiền viện toàn những người được Tứ a ca dẫn theo từ trong cung ra đây, không kẻ nào đến sau, thực sự không cách nào chen vào nghe ngóng.
Tô Bồi Thịnh và người dưới trướng hắn nhất quán như nhau, hỏi tới chuyện gì, chỉ cần là chuyện không thể nói, lại quỳ xuống dập đầu chết không hé răng.
Bình thường không cảm thấy gì, song khi nàng muốn hỏi thăm ít chuyện của Tứ a ca từ tiền viện, mới nhận ra đây chẳng khác nào chó ngoạm đầu rùa, không biết đường nào mà lần.
Mãi sang ngày hôm sau, nàng phát hiện Tứ a ca không vào cung, mà hai học sĩ ban đầu hầu Tứ a ca học tại thư phòng lại chuyển lên tiền viện, đang dùi mài cày cuốc cùng Tứ a ca.
Đến đây nàng mới thấy việc này có lẽ là ý của hoàng thượng.
Hoàng thượng giận Tứ a ca ư?
Phúc tấn ngồi bần thần cả buổi, mới đưa thẻ bài vào cung.
Nhoáng cái đã có cỗ kiệu của Vĩnh Hòa cung tới đón.
Chỉ là lúc gặp Đức phi, Đức phi chỉ hàn huyên dăm câu về chuyện trong phủ với nàng, hỏi đến tiểu cách cách, lại nghe nói Lý cách cách có thai, dặn nàng hãy chăm nom chu toàn.
Nàng nhắc Tứ a ca, lo lắng nói: “Ngạch nương, Tứ gia nhà chúng con…”
Đức phi ngắt lời nàng, nói: “Hoàng thượng quan tâm lão Tứ thôi, sợ nó vừa ra ngoài được đà làm biếng.
Con đừng lo nhiều, lão Tứ học của nó, con cứ chuẩn bị thức ăn, đồ dùng nhiều cho nó là được.”
Ngồi chưa đầy hai khắc, Đức phi đã sai người tiễn nàng ra ngoài.
Trở về phủ, phúc tấn ngồi xuống ngẫm kỹ lại.
Theo thái độ của Đức phi, đây không như là chuyện lớn.
Có điều Đức phi kín miệng quá, không chịu tiết lộ thông tin gì cho nàng.
Tuy nàng sống trong cung hai năm, nhưng cũng chỉ thân thuộc với A Ca Sở và Vĩnh Hòa cung.
Giờ đây rời khỏi A Ca Sở, Vĩnh Hòa cung lại giữ kín chuyện như bưng, nàng coi như trở thành kẻ điếc người mù.
Nàng muốn lo toan việc ăn uống, sinh hoạt thường ngày của Tứ a ca như Đức phi dạy, nhưng phía thư phòng ngoài thiện phòng và nhà kho ra thì mọi nơi khác đều nằm ngoài tầm tay nàng.
Ngay cả chuyện hôm nay Tứ a ca ăn gì cũng không dò la được, bảo nàng quan tâm bằng đường nào? Đành chuyển sang biếu chút cơm áo cho hai vị học sĩ hầu học, biếu ít cái ăn cái dùng cho người nhà của họ thôi.
Tứ a ca biết chuyện phúc tấn mãi chạy vạy khắp nơi.
Thấy nàng lại chạy một chuyến vào Vĩnh Hòa cung, trong bụng ít nhiều cho rằng nàng thừa hơi quá, định bảo đại ma ma đi răn nàng một trận, dạy cho nàng biết đàn bà con gái nên đoan trang, trầm tĩnh mới phải đạo.
Nhưng thấy việc này có vẻ như vả mặt phúc tấn quá, đành thôi bỏ qua.
Nghĩ bụng: hãy trẻ dại lắm, sức chịu đựng còn non kém.
Sau lại biết nàng biếu đồ cho nhà cả hai vị học sĩ hầu học, vừa kín đáo mà cũng vừa cho thấy lòng mến yêu, mới vừa lòng gật đầu.
Có thể thấy phúc tấn vẫn vô cùng chu đáo.
.
Cả Tam, Tứ, Ngũ a ca đều bị bắt đóng cửa học bài, tức thì trong kinh yên ắng đi hẳn. Vài bọn tinh mũi cứ sợ trong cung có sự gì phát sinh, hoàng thượng nổi đóa chăng? Bèn hè nhau tìm hiểu sự thể từ chỗ thái tử và Đại a ca.
Thái tử và Đại a ca lại tỏ chung một thái độ: Không việc gì cả.
Thái tử cười ha ha, vui lòng đón khách đến, ân cần tiễn khách đi, chỉ là không hé cho một câu thật nào. Tính Đại a ca dữ dằn hơn, bị hỏi nhiều đâm phiền quá liền mắng bảo không việc gì là không việc gì, các em của anh đây ngoan ngoãn, hiếu học không được à!
Tuy nhiên phủ của ba vị a ca cũng không phải đóng cửa tuốt không cho ai vào, tên gác cổng thấy có người tới cũng tiếp đãi đàng hoàng, các gia quyến nữ có ghé lại thì nhóm phúc tấn sẽ mời vào uống chén trà. Chỉ là muốn gặp a ca lại không phải chuyện dễ.
Trong ba người, chỉ mình Tam a ca là ung dung thực sự. Chẳng phải y học đòi văn vẻ gì, mà y thật lòng thích tiếp xúc với các khoản sách này, tranh nọ. Ngày ngày bình thơ, luận họa với học sĩ hầu học của mình, khỏi phải nói cuộc sống thích ý xiết bao. Nhưng khi nghĩ đến hai đứa em, không khỏi thấy hơi âu lo.
Lão Tứ gàn bướng hơn, từ bé tính nết đã vậy. Bị hoàng a mã phạt chắc chắn sẽ thui thủi một mình trốn đi gặm nhấm cơn bực dọc. Lão Ngũ thì bài vở tịt mít chả biết cái chi chi, khéo giờ còn đang phát rầu trong phủ nữa đấy.
Y nói với Tam phúc tấn: “Về chuyện lần này, phận làm anh ta phải gánh chịu quá nửa trách nhiệm.” Khi ở Từ Ninh cung, câu chuyện do chính y gợi lên; lúc ở bãi thả ngựa, đám gà cũng tại y sai người xách đến. Các em thương y, không mách tội y với hoàng a mã, y nợ ơn tình chúng, lúc này đâu thể không nghe, không hỏi han gì.
Tam phúc tấn cười nói: “Tam gia, chi bằng thế này, để thiếp đi thăm hai đệ muội, bảo cho hai muội ấy an lòng. Tứ đệ, Ngũ đệ đều tính hũ nút, bây giờ dám là hai muội ấy hãy chưa biết chuyện gì xảy ra đâu.”
Vinh phi thất sủng từ lâu, hiện tại chỉ có một mình Tam a ca bên cạnh. Tam phúc tấn hiếu thảo hiểu lễ, được lòng Tam a ca, nghiễm nhiên Vinh phi cũng đối xử thân mật hơn với nàng. Hôm đó sau khi ba chàng a ca bị đuổi cả về, tối ấy Tam a ca liền kể rõ tình đầu cho Tam phúc tấn nghe, dặn nàng thu dọn thư phòng, chuẩn bị phòng ốc cho hai vị học sĩ hầu học.
Ngày hôm sau, Vinh phi cử người đi hỏi thăm sức khỏe tiểu a ca Tam phúc tấn vừa sinh, lại trấn an nàng rằng chuyện này không có gì nghiêm trọng, hoàng thượng sẽ không làm lơ mấy đứa con quá lâu.
Vậy nên, nhìn hai cô em dâu, Tam phúc tấn không khỏi thấy mình có phần vượt trội hơn người. Lão Tứ còn sẵn lòng giữ thể diện cho phúc tấn, tuy sủng ái cách cách, song không hề để phúc tấn bị lấn lướt. Lão Ngũ thì thôi không ra cái gì rồi, trong phòng đã lập hẳn trắc phúc tấn, Ngũ phúc tấn bấy giờ lâm cảnh không có đến một chỗ đứng hẳn hoi.
Vợ chồng nào mà chẳng gần thì càng thân, xa mới dễ lạ. Lần này ba vị a ca bị phạt, Tam gia nhà mình sớm kể cho mình ngọn nguồn đầu đuôi. Lão Tứ và lão Ngũ lại chưa chắc chịu làm mất mặt này trước phúc tấn, e vẫn chưa hé ra một lời nào.
Thú thực, cùng là đàn bà như nhau, nàng rất lấy làm lạ rằng vì đâu hai cô em dâu lại nên nỗi ấy được? Cứ cho là ban đầu các ông không thích chị, thế chị cũng không biết làm kiểu gì cho thuận lòng các ông hay sao? Cứ xuôi theo ý các ông, chẳng phải rồi cũng làm các ông “xuôi” được đâu vào đấy ư?
Thuở khi nàng mới vào phủ, trong phòng Tam a ca cũng có hai cách cách. Tam a ca lại đọc sách nhiều, bụng dạ đầy những ái tình gió trăng, đối đãi với nhóm cách cách cũng thực dịu dàng đa tình. Nhưng giờ thì thế nào? Có thể thấy, lòng người rồi sẽ đổi thay. Trước kia Tam a ca có thích họ nhường nào, cũng không nghĩa rằng cả cuộc đời này chỉ thích mỗi họ, nay đặt thêm nàng vào trong lòng nữa, đâu khó khăn gì, đúng chưa?
Chỉ cần bén được rễ trong tim đàn ông, để sức nặng tăng dần, thế chẳng quá được rồi hay sao?
Ngay từ lúc đầu Ngũ phúc tấn đã đốt đuốc cầm gậy, hoành hành công khai, nóng vội quá. Tứ phúc tấn thì lại ương bướng, kiêu hãnh quá. Tuy hai người đều là phúc tấn của hoàng tử, gả cho nhà người được phận chủ tử, thế nhưng ai bảo đức ông chồng của hai người mới là chủ tử chân chính làm chi đâu? Đến cả điểm này cũng không thấu suốt nổi mà còn đòi áp chế được chồng, thực là ngu dại quá thể.
Hôm sau, khi Tam phúc tấn định đi thăm Tứ, Ngũ phúc tấn, nhũ mẫu của nàng lại nói: “Phúc tấn gượm đã, theo lão nô thấy, phúc tấn không phải đích thân đi đâu. Tuy Tam gia yêu quý huynh đệ mới nhờ phúc tấn đi chuyến này, nhưng dẫu sao người cũng là tẩu tử; người đi, ai biết sẽ khen người thương yêu tiểu bối, kẻ không hay chuyện lại đưa mồm đi tận đâu đâu?”
Tam phúc tấn đâm lưỡng lự. Người khác nói ra sao chẳng cũng lọt vào tai cả? Tóm lại nàng biết số người khen nàng chắc chắn không nhiều bằng số người chửi bới nàng. Nhưng chỉ để đứa hầu đi thì lại có vẻ lạnh nhạt quá. Cân nhắc một hồi, Tam phúc tấn bèn gửi thiệp, mời hai đệ muội vào phủ ngắm cảnh xuân.
Có câu: Ý tại ngôn ngoại. Hiện giờ ba vị a ca đều phải ở trong phủ, việc ngắm cảnh xuân này vừa nghe đã biết là nói cho có thế thôi. Trong phủ Ngũ phúc tấn đương bực bội, nhận được thiệp liền đến ngay. Tứ phúc tấn lại do dự, lo Tứ a ca sẽ giận nàng chạy ra ngoài chơi, nhưng khước từ Tam phúc tấn ắt càng không ổn. Suy đi nghĩ lại, vẫn quyết đi, khi đấy xin cáo từ sớm là được.
Khi hai người tới, Tam phúc tấn có ý dẫn ra trước gian phòng nhỏ nằm đằng trước vườn hoa ngồi một lúc, sau đó nhân cơ hội hàn huyên với từng người. Nhờ thế, Tứ phúc tấn mới biết trong cung có chuyện gì xảy ra, Tứ a ca quả thực đã chọc giận hoàng thượng nên bị phạt. Biết vậy, nàng càng không sao ngồi yên; Tam phúc tấn nhận ra, không giữ lại lâu, tự tiễn nàng ra cửa lên xe.
Ngũ phúc tấn dĩ nhiên cũng không moi được tin tức gì từ chỗ Ngũ a ca, khi biết rồi lại cũng chẳng lo, còn có tâm trạng ở lại dùng bữa cơm mới ra về. Có Tam phúc tấn cùng trò chuyện giải sầu, dễ chịu hơn một mình luẩn quẩn trong phủ biết bao nhiêu.
Sau khi tiễn Ngũ phúc tấn đi, Tam phúc tấn phải thở dài một hơi. Ngũ phúc tấn định “việc đã hỏng thôi đành phó mặc” luôn ư? Ban nãy Ngũ phúc tấn mượn hoa ví người, nói: hoa này tự thân hoa này nở, dưới có đất, trên có trời, tự nó sống an nhàn thanh thản; người ngoài khen nó hay ghét bỏ nó, đều không gây ảnh hưởng gì đến nó cả.
Tam phúc tấn hiểu, nói: hoa có đẹp mấy đi nữa, cũng cần thợ hoa chăm chút tỉ mẩn, tìm một người biết nâng niu hoa chẳng tốt hơn sao? Hoa cũng có linh tính, có người thương hoa, hoa sẽ càng rộ cánh tuyệt trần.
Ngũ phúc tấn nói: “Ai cũng là người biết mến yêu hoa. Nhưng có người yêu đóa thược dược, kẻ lại thương bông mai vàng. Người yêu đóa thược dược thì yêu vẻ diễm lệ, sang quý của nó; kẻ thương bông mai vàng thì đem lòng thương mùi thơm ngan ngát đắm say. Ngợi ca thược dược với kẻ chỉ thương mai vàng, người ấy cũng sẽ chẳng buồn cảm kích.”
Tam phúc tấn nghe hiểu ra, biết nàng ta đã mất hết hy vọng, nhưng thấy nàng ta còn trẻ mà lại chặn đứng đường mình đi, không nhịn được nói một câu cuối cùng: “Cả đời không ai chỉ yêu duy nhất một loài hoa, rồi sẽ đến lúc thấy chán ngán, phiền hà. Người ấy yêu một bông mai vàng cả đời được, vậy đóa thược dược kia không thể biến thành mai vàng được hay sao?” Cũng có phải hoa thật đâu!
Ngũ phúc tấn không nói năng gì nữa, nhưng nhìn nét mặt là biết không để vào tai.
Tam phúc tấn cũng lười lo vào thêm, cô bướng tiếp đi, cứ cố chấp cho đến khi hoa tàn ít bướm, lúc ấy có muốn biến hình cũng chẳng ai thèm liếc mắt đâu.
Trong phủ Tứ a ca, trên đường về phúc tấn nghĩ mãi chuyện phải làm Tứ a ca nguôi ngoai bằng cách nào. Nhưng hai năm qua nàng đã nhận ra, Tứ a ca không phải kiểu người hễ chuyện gì cũng đổ vào hậu viện. Dẫu có người chọc tới chàng, chàng cũng sẽ không làm xấu mặt người ta trước thiên hạ, mà là một mình quay về cho cơn giận nguội dần.
Chuyện này từ trước đã khiến phúc tấn thấy rất bối rối, luôn không biết chàng bực chỗ nào, mười ngày nửa tháng liền chẳng đến chính viện.
Trở về chính viện, Phúc ma ma ra đón. Dạo gần đây bà ta cũng sửa đổi nhiều, không còn cằn nhằn chuyện bốn bà ma ma và Lý cách cách với phúc tấn nữa. Nhìn thấy bà ta, phúc tấn nở nụ cười, đưa tay cho bà ta dìu.
“Phúc tấn về rồi à?” Phúc ma ma tấp tểnh vội sáp lại dìu nàng, “Sao phúc tấn về sớm thế? Hiếm khi ra ngoài dạo đây đó cho khuây, phúc tấn nên chơi thêm lúc nữa mới đáng.”
Phúc tấn nghĩ rồi vẫn không kể lại lời của Tam phúc tấn cho bà ta nghe. Vào phòng, trút bỏ trâm vòng, thay bộ quần áo. Phúc tấn nằm nghiêng người trên sạp nhắm mắt trầm tư, Phúc ma ma thấy nàng nhọc bèn đưa mọi người đi ra hết.
Phúc tấn nghĩ đến Lý cách cách. Lý cách cách luôn luôn được Tứ a ca sủng ái, nhất định nàng ta sẽ bói ra được Tứ a ca sinh cơn giận từ bao giờ. Lúc này nàng ta làm thế nào?
Nàng gọi Thạch Lựu tới, cho những kẻ khác lui xuống cả, sau đó nhỏ giọng hỏi nàng ta: “Dạo này Lý cách cách sao rồi?”
Từ khi Phúc ma ma được rỗi rãi, nhiệm vụ của bốn đại a đầu đều do bà ta phân phái. Bồ Đào đi chăm nom Tống cách cách và tiểu cách cách, Thạch Lựu thì theo dõi Lý cách cách. Bây giờ nàng hỏi, Thạch Lựu thưa: “Lý cách cách dạo này năng gọi bữa hơn nhiều. Nghe người ở thiện phòng bảo đầu bếp của Lý gia dạo này nấu món gì cũng bỏ thêm rất nhiều ớt. Nghe đâu Lý cách cách còn dặn đầu bếp kia phải đổ dầu sôi vào bát ớt đỏ cay, để ăn với cơm và bánh bột ngô.”
Phúc tấn: “Ồ. Người chỗ nàng ta có qua lại gì với thư phòng không?”
Câu hỏi làm Thạch Lựu khó xử, nghĩ rồi nói: “Những người hầu hạ ở tiểu viện gần đây đều là người đưa từ trong cung ra. Trang ma ma cắt thêm bốn người qua đó, nhưng chỉ toàn làm các việc chạy chân lặt vặt bên ngoài, không nghe ngóng được gì cả.” Nàng ta chỉ không nói: cách thức dạy dỗ người dưới của Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo phỏng theo y như là trong cung, bốn đứa hầu bé mới vào được họ dạy cực nghiêm, nên đều đóng kín miệng.
Thấy phúc tấn không nói gì, nàng ta ghé sát lại nhỏ giọng bảo: “Nhưng nghe nói, đằng sau tiểu viện của Lý cách cách có một cửa nhỏ, dẫn đến được thư phòng…” Nên người bên đó có sang thư phòng, họ ở đây cũng chẳng hay biết, vì có đi qua cửa chính và bốn cửa hông của nội viện đâu cơ chứ. . Bạ𝘯 đa𝘯g đọc tr𝐮yệ𝘯 tại # Tr𝑈 𝙢Tr𝐮ye𝘯.ⅴ𝘯 #
Phúc tấn lập tức ngồi dậy: “Sau tiểu viện có cửa ư?” Nàng không hề biết! Người bên tiền viện không nằm trong tầm quản lý của nàng, thậm chí đến danh sách tên nàng cũng không có. Cửa chính và bốn cửa hông thông giữa nội viện và ngoại viện luôn có người canh gác, kẻ trông ngoài cửa nhỏ kia ắt là người của tiền viện!
Nàng chưa từng được xem bản kiến trúc của phủ đệ này, vậy mà nàng còn không biết ở đó có một chỗ cửa nhỏ!
Thạch Lựu thận trọng quỳ xuống, khẽ nói: “Sau yến tiệc lần trước mới phát hiện ra. Trước đó Lý cách cách không gọi bữa từ thiện phòng bên nội viện, chúng nô tỳ vốn đã nhận tin muộn. Vì không thấy Lý cách cách nằm trong đơn cung cấp cho các vị cách cách, nên mới biết được. Nhưng tuy biết chắc Lý cách cách sẽ không bỏ cơm, chúng nô tỳ vẫn đoán tiểu viện kia có nhà bếp nhỏ riêng, và được nguồn cung cấp từ thư phòng. Đám cỗ hết có người dạo lung tung, mới phát hiện có cửa nhỏ ấy…”
Nhưng bàn bạc chuyện này xong, bọn họ vẫn không dám báo cho phúc tấn. Hôm nay phúc tấn hỏi đến, nàng ta mới buộc phải trả lời.
Một thoáng hoảng hốt, phúc tấn nhanh chóng bình tĩnh trở lại. Nhưng bình tĩnh rồi lại không thấy giận, mà là thấy lo. Tứ a ca bảo vệ Lý cách cách đến mức ấy, vì cho rằng nàng muốn hãm hại nàng ta ư?
Suy đoán này làm tim phúc tấn tăng nhịp đập điên cuồng.
Bất kể có ra sao, nàng không thể nào gánh mối oan này được! Nàng phải đánh tan ý nghĩ này của Tứ a ca!
Thạch Lựu quỳ hồi lâu, nghe thấy phúc tấn nói: “Về sau không cần theo dõi Lý cách cách nữa.”
“Phúc tấn?” Thạch Lựu sửng sốt, nhưng nhìn phúc tấn nghiêm túc không vẻ gì như là nói đùa.
Phúc tấn nghiêm giọng bảo: “Ta biết Phúc ma ma và các ngươi lo cho ta, nhưng ta và Lý cách cách cùng là người hầu hạ Tứ a ca; tuy xuất thân, địa vị khác biệt, song đều là chủ tử của các ngươi cả.”
Thạch Lựu vội cúi đầu, tim đầy thịch thịch.
Phúc tấn nói: “Có một số việc, bụng chúng ta biết hết, trong lòng người khác cũng đã tính toán sẵn. Ta ngồi ở vị trí này, có những lúc không thể đi sai một bước. Các ngươi có lòng giúp ta là tốt, nhưng phải chú ý chừng mực. Phía Lý cách cách, ngày sau chỉ cần trông nom kỹ càng, không được làm chuyện gì khác!”
Thạch Lựu run rẩy đáp một tiếng “dạ” rồi lui xuống.
Trong tiểu viện, trước mặt Lý Vi là một bát ớt ngập dầu, ngửi mùi dầu ớt này là nàng thèm, rỗi rỗi lại gắp một cây ớt đỏ sém giòn thả vào miệng, nhai thấy trong vị cay lẫn thêm cái đăng đắng và một chút chua. Ngọc Bình nhìn nàng ăn say sưa, cũng tự thấy cay thay nàng.
Thấy nàng chỉ một lúc đã ăn bốn, năm cây, mới bưng bát ớt đi, nói: “Cách cách, thứ này không ăn nhiều được, hại dạ dày lắm.”
Lý Vi cũng biết, Ngọc Bình đậy ớt lại, cười bảo: “Cách cách thế này, nhất định có tiểu cách cách.”
“Ta cũng cảm thấy là con gái đấy.” Lý Vi cẩn thận ôm bụng, tuy giờ bụng vẫn chưa nhô ra, nhưng nàng đã hết sức để ý che chở.
Vì chuyển dời sự chú ý của nàng đi, Ngọc Bình bèn ôm vào một đống tơ sợi và những mảnh vải nhỏ, đùa nói với nàng: “Hay là chúng ta làm ít áo quần cho tiểu cách cách?”
Lý Vi lại nói: “Việc này thì cứ tạm để đấy. Ta thấy hẵng làm vài bộ dành mặc khi bụng ta lớn đã.”
Đồ cho bà bầu ấy mà.
Ngọc Bình nghe nàng hỏi thì hơi lơ mơ, nhưng vẫn nói xuôi theo lời nàng: “Cách cách nói phải, nô tỳ quên mất. Phải làm ít quần áo rộng rãi hơn.”
Gọi Ngọc Trản và Ngọc Yên ôm quần áo mùa hè năm ngoái vào, giũ hết ra trải lên trên sạp. Liễu ma ma cũng đến, nghe Lý Vi muốn làm đồ mặc khi mang thai, nói: “Chuyện này không phải gấp gáp.”
Bà ta cầm một bộ kỳ bào mỏng mặc hè màu vàng lá liễu lên, ướm thử người Lý Vi: “Được năm tháng là bụng cách cách sẽ to độ cỡ này, mặc bộ đồ này vào hoàn toàn không chật đâu.”
Lý Vi ngó trên nhìn dưới bộ kỳ bào hình ống thẳng đuột, than ôi bộ đồ trông đầy sầu thương!
Liễu ma ma nói: “Vào thu rồi phải làm lại áo kép và áo bông*, nhưng lúc ấy cũng phải cắt vải làm đồ mới, để lúc ấy cắt vẫn kịp.”
*Áo kép: áo hai lớp mặc ở trong.
Ngọc Bình nom sắc mặt Lý Vi, thấy nàng có vẻ tiu nghỉu thất vọng, vội nói: “Làm vài bộ cũng được, hai năm nay cơ thể cách cách đương tuổi phát triển, đồ không chật thì cộc đi rồi.”
Liễu ma ma cũng nhận ra Lý cách cách muốn tìm chuyện để làm, chủ yếu tại nàng thấy chán, nên thôi không làm nàng cụt hứng nữa, đoạn phát biểu một câu cốt cho nàng vui: “Đã vậy, chi bằng đồ lớn đồ bé làm giống như nhau, đợi khi tiểu cách cách chào đời, mặc quần áo giống ngạch nương thì thú biết là bao.” Đến lúc tiểu cách cách sinh ra rồi, sang năm Lý Vi chắc chắn không thể mặc lại quần áo này nữa.
Nhưng hiển nhiên Lý Vi rất thích ý kiến này, mắt sáng rực cả lên.
Mọi người trong phòng không làm hỏng cái hứng của nàng, Ngọc Trản và Ngọc Yên lại đi mở rương lấy bốn xấp vải nguyên, Ngọc Bình lấy cuốn thêu ra, Liễu ma ma và Lý Vi cùng chọn vải màu gì phối với hoa thêu họa tiết gì.
Đương chọn, Lý Vi bỗng nhớ tới chuyện Tứ a ca từng bảo sẽ cho nàng hai người thợ thêu, bèn tìm cuốn tập áo váy con gái nhà Hán ra, chỉ vào vài trang Tứ a ca gấp đánh dấu trong đấy: “Tứ gia còn bảo muốn làm cho ta mấy bộ này.”
Người trong tiểu viện đều đã biết chuyện Tứ a ca đóng cửa học bài, chỉ vẫn gạt Lý Vi mà thôi.
Ngọc Bình hiểu vì quá phấn khích khi nghe tin mang thai, nên gần đây Lý Vi không nghĩ đến Tứ a ca nữa, giờ lại hỏi…
Quả nhiên, Lý Vi ngẩn người, đảo mắt một vòng, cho tất cả lui ra, gọi Ngọc Bình tới cạnh hỏi: “Mấy hôm Tứ a ca không sang rồi?” Nàng gập ngón tay nhẩm đếm, đã có mấy hôm rồi. Lại xem sắc mặt Ngọc Bình, lấy làm hồ nghi: “Sang chính viện à? Ngươi đừng sợ ta giận. Ấy là phúc tấn, phúc tấn và Tứ gia có êm đẹp ta mới yên tâm.” Một mình độc sủng rất là áp lực đấy được không?
Song trông mặt mũi Ngọc Bình chẳng có vẻ gì khởi sắc hơn. Tứ a ca đóng cửa học bài, có thêm cả hai học sĩ hầu học kèm cặp. Tuy họ không biết trong cung có chuyện gì, nhưng đám Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình đều là những người từ trong cung ra đây, vừa nhìn là biết ngay không thể nào Tứ a ca tự dưng dốc lòng học tập, vươn lên làm học sinh giỏi, mà đúng hơn là bị bên trên phạt.
Người có thể phạt chàng học bài lại còn không được phép ra ngoài, đến cả thái hậu trong cung cũng không can thiệp gì nổi, thì ắt chỉ có hoàng thượng thôi.
Tứ a ca bị hoàng thượng phạt rồi.