14
Lúc ta mười tuổi, ta đã biết rằng phụ thân đã định sẵn cho ta một mối hôn ước. Khi ấy, ta đã có chút tiếng tăm, cô cô của ta là Quý phi đương triều, Tiêu gia là gia tộc giàu có nhất Giang Nam, còn ta là trưởng tử của Tiêu gia. Với thân phận như vậy, nhưng phụ thân lại định hôn cho ta với một nữ tử giang hồ. Tin tức này đến tai cô cô, bà đã viết thư trách mắng phụ thân ta một trận.
Ta cũng không quan tâm lắm, dù sao cô nương ấy cũng mới năm tuổi, tương lai ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Phụ thân lo rằng ta tính tình quá hờ hững, e ngại ta sau này sẽ lạnh nhạt với Tiểu Đao, nên cứ cách vài tháng lại gửi cho ta một bức thư. Lần đầu tiên ta thấy bức họa của Nguyên Tiểu Đao, ta sững sờ bởi kỹ thuật vẽ tệ hại ấy. Phụ thân ta tức giận đến mức viết thư bảo sư phụ Hồng Tú bỏ chút bạc để mời một họa sư tử tế. Từ đó, những bức họa được gửi đến trông đã ra hình ra dạng.
Đôi mắt của Tiểu Đao rất đẹp, sáng ngời, linh hoạt, khiến người ta khó lòng quên được. Nửa năm một bức họa, thêm vài món đồ chơi nhỏ của nàng, hình ảnh của Tiểu Đao dần dần trở nên sinh động trong tâm trí ta. Khi thấy chiếc hộp đầy ắp những món đồ, chạm vào sợi dây đỏ trên cổ tay, ta mới chắc chắn rằng mình đã tò mò về vị hôn thê này.
Ta thật sự đã gặp Tiểu Đao hai lần. Nhưng cả hai lần gặp đều vội vàng, không có dịp trò chuyện.
A Duyệt thường bảo rằng ta nhắc đi nhắc lại hai lần tình cờ gặp gỡ ấy, đến mức khiến tai nó sưng tấy. Ta nghe ra nó đang chế giễu ta, dù ta chỉ nhắc đến hai ba lần.
Lần đầu tiên là khi Tiểu Đao mười ba tuổi, ta cùng vài bằng hữu ngang qua một nơi và gặp phải sơn tặc chặn đường. Tiểu Đao cưỡi ngựa ngang qua, một mình một đao c.h.é.m c.h.ế.t ba mươi tên sơn tặc. Đao pháp của nàng sắc bén, mạnh mẽ, thân pháp nhanh nhẹn khiến người ta thán phục. Khi ấy, ta nhận ra nàng ngay lập tức, ngây người hồi lâu.
Sư phụ Hồng Tú có nhắc đến trong thư rằng Tiểu Đao nay đã có chút thành tựu với đao pháp. Nhưng khi thực sự chứng kiến, ta mới hiểu thế nào là một nhân vật giang hồ trong cảnh đao quang kiếm ảnh. Tiểu Đao cắt đầu thủ lĩnh sơn tặc bỏ vào bao, dự định đem đến nha môn lĩnh thưởng. Nàng thúc ngựa tiến lại gần ta, hơi ngượng ngùng nói: “Công tử, có thể cho ta mượn một túi nước được không?”
Ta đưa túi nước cho nàng, một người vốn giỏi ăn nói như ta, lại chẳng thể mở miệng chào hỏi nàng. Tiểu Đao không cho ta cơ hội, nàng nói lời cảm ơn rồi rời đi.
Sau này, ta nhiều lần hối hận vì lần đó đã không nói rõ với nàng. Nếu có dịp tái ngộ, ta nhất định sẽ nói: “Nguyên cô nương, chào nàng, ta là Tiêu Dự ở Giang Nam – người đã đính hôn với nàng.”
Ta lại trằn trọc nghĩ, nếu Tiểu Đao gặp ta, phát hiện ta chỉ là một thư sinh văn nhược, liệu nàng có hối hận chăng.
Lần thứ hai gặp nhau là bên bờ sông Bạch Hà ở Sầm Châu. Tiểu Đao đang tỉ thí với người khác, nàng lỡ mất thời gian lên thuyền, đứng trên bờ lớn tiếng gọi: “Thuyền phu, đợi ta với!” Ta thấy Tiểu Đao từ xa chạy tới, tung người nhảy lên, dẫm nước mà đáp nhẹ nhàng xuống đầu thuyền. Trên gương mặt nàng thoáng vẻ mệt mỏi, ôm đao ngủ gục ở đầu thuyền. Ta ngồi bên cạnh, chăm chú ngắm nhìn nàng.
Nàng đã lớn hơn nhiều, đã là một thiếu nữ rồi. Đường giang hồ có lẽ không dễ dàng, y phục của nàng tuy sạch sẽ nhưng đã cũ kỹ.
“Beng…”
Đao của Tiểu Đao rút ra khỏi vỏ, mắt vẫn nhắm, lạnh lùng nói: “Nhìn thêm hai lần nữa, ta sẽ móc mắt ngươi.”
Ta không dám nhìn nữa, vội vàng thu lại ánh mắt. Xem ra, một giang hồ nhân có chút nhan sắc, con đường càng gian truân hơn. Vì thế mà Tiểu Đao mới rèn nên một thân sát khí, rõ ràng lần trước gặp nhau nàng còn rất thân thiện với ta.
Thuyền cập bến, Tiểu Đao liền rời đi. Ta thở dài ngao ngán. Chỉ là, hai lần gặp gỡ, nàng đều không nhìn ta thêm một lần nào. Ta bắt đầu nghi ngờ khuôn mặt của mình, liệu có phải hoàn toàn vô dụng. Nhưng khi trở về kinh thành, nhiều tiểu thư quý tộc lại đặc biệt ra ngoài ngắm nhìn ta, ta liền nghĩ có lẽ dung mạo này không đến nỗi tệ.
Qu@n đẹp edit truyện hay, truyện lúc hay lúc dở, Qu@n lúc nào cũng đẹp 😚
Nhắc đến lần gặp gỡ đó, A Duyệt còn hỏi ta: “Huynh trưởng! Sao huynh không nói rõ thân phận với nàng?”
Ta đương nhiên không nói cho A Duyệt biết rằng ta không dám nói. Ai ngờ được rằng Tiêu Dự lừng danh ở kinh đô, lại sợ thê tử chưa cưới không hài lòng với mình.
Lo sợ điều gì thì sẽ gặp điều đó, Tiểu Đao tình cờ cứu A Duyệt, rồi đến ở Tiêu gia. Phụ thân viết thư đến, nói rằng Tiểu Đao muốn hủy hôn. Ta ở xa tận kinh thành, đọc thư suốt đêm không ngủ. Hôm sau, tùy tùng hỏi ta: “Thiếu gia, chẳng phải đang gấp rút về nhà sao? Sao lại chưa lên đường?”
Về làm gì, để chờ Tiểu Đao đến từ hôn với ta ư?
Thế là ta không về nữa.
Kỳ lạ thay, A Duyệt liên tục viết thư, nhưng chưa từng nhắc đến Tiểu Đao. Ta dần hiểu ra điều gì đó.
Thiếu niên mới lớn, A Duyệt hẳn đã có tình ý khác lạ với Tiểu Đao.
Thật kỳ quặc, ta với A Duyệt tính cách hoàn toàn trái ngược, nhưng lại luôn thích cùng một thứ. Bây giờ, ngay cả ánh mắt nhìn người cũng giống nhau. Nhưng A Duyệt, vật có thể nhường, người thì không.