Bước chân đoàn người mỗi lúc một xa, Nhiếp Tư Mặc vẫn cúi đầu mà cắt móng tay suy nghĩ.
“Xem ra đợt tiếp đón này không nhỏ đâu”. Nhiếp Tĩnh cười ẩn ý rồi đánh mắt sang nhìn nàng.
“Này, sao muội ngây ra đó vậy? Không được cắn móng tay!”. Hắn hốt hoảng vỗ vai nàng cái “bốp”.
Cái vỗ ấy đã khiến Nhiếp Tư Mặc bừng tỉnh, nàng giật thót người, quay sang xua tay rồi cười gượng: “Không có gì. À đúng rồi! Mau đi thôi nhị ca, không họ bán hết bánh mất!”.
…
Phẩm Hương các là tiệm bán điểm tâm ngon nức tiếng của kinh thành, chẳng ai biết nó tồn tại từ khi nào, chỉ biết nó đã sừng sững ở đây rất lâu, quanh năm suốt tháng nơi đây luôn đông đúc khách ra vào. Đứng từ xa thôi cũng ngửi thấy mùi thơm của các nguyên liệu.
Mẫu thân Nhiếp Tư Mặc rất thích món bánh quế hoa ở đây, gần như tháng nào cũng sẽ tới mua. Nhưng hơn năm năm đổ lại đây bà rất ít khi lui tới, đa phần là nô bộc đến mua.
“Ông chủ!”. Giọng no nớt ngây ngô vang lên, ông lão già nua khắc khổ với những nếp nhăn trên gương mặt đang bưng bê những chiếc khay gỗ lập tức quay lại. Trên mặt lão nở một nụ cười hiền từ.
“Tiểu thư lại đến sao”
Nàng lém lỉnh kéo tay áo nhị ca sát lại gần mình rồi nói: “Không chỉ mình ta mà nhị ca cũng tới đó ạ!”.
Nhiếp Tĩnh mỉm cười, từ tốn hành lễ: “Tham kiến Trịnh lão bá”.
Trịnh lão đỡ lấy hắn rồi than thở: “Ấy, Nhiếp công tử không phải câu nệ như vậy, lão hủ đây mơi phải là người hành lễ”.
Nhiếp Tư Mặc có chút rối ren, nàng không muốn cứ dây dưa như vậy, liền lập tứ lên tiếng để hoá giải bầu không khí:
“Phải rồi ông chủ, bọn ta muốn mua hai phần bánh quế hoa, phiền ông gói giúp”.
Trịnh lão nhận lời lập tức bắt tay vào việc. Nhiếp Tư Mặc vén mũ rèm ngó ngàng một hồi thì chợt nhận ra hôm nay người làm trong các thưa thớt hơn hẳn. Ngoài Trịnh lão bá ra thì cũng chỉ có ba bốn người làm.
Nàng nảy sinh nghi hoặc trong long, bèn hỏi: “Lão bá, sao hôm nay trong các ít người làm vậy?”.
Lão bình thản làm việc, ôn tồn trả lời: “Tiểu thư không biết sao? Hôm nay có rất nhiều đoàn sứ thần của các nước ngoại tộc đến Vĩnh Yên dự yến tiệc của Hoàng đế. Phần lớn người của Phẩm Hương các ta đều được cử đi vào cung nấu nướng để tiếp đãi các sứ thần này”.
Nhiếp Tư Mặc chăm chú lắng nghe, đầu cứ tự giác gật gù. Nhiếp Tĩnh lên tiếng: “Ta nghe nói còn có rất nhiều các tù trưởng, quốc vương, khả hãn đích thân đến kinh thành”.
Trịnh lão thở dài, những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ cũng theo đó mà sụp xuống: “Vừa rồi Nhiếp công tử đi đến Tây Vực có lẽ cũng rõ, Tây Vực là điểm trọng yếu trên con đường tơ lụa, nơi ấy xảy ra chiến sự chắc chắn sẽ khiến việc buôn bán làm ăn ở nhiều nơi bị đình trệ”.
Đâu chỉ việc buôn bán làm ăn, kể cả đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng. Chiến sự liên miên khiến người dân chúng khổ cực, từ đó dẫn đến cướp bóc, tàn khá các khu vực khác để kiếm sống. Hành trình con đường tơ lụa vốn đã gian truân vất vả bởi cái khát, cái đói, cái khắc nghiệt của khí hậu, địa hình thì nay lại càng nguy hiểm hơn bởi các sa tặc lộng hành. Bây giờ đặt chân lên đất Tây Vực chẳng khác gì là đang bán mạng.
Nhiếp Tư Mặc khẽ nhíu mày hỏi: “Vậy tại sao không mở thêm nhiều thương đạo khác?”.
Nhiếp Tĩnh vội đáp: “Nếu đơn giản như vậy thì chẳng có ai bất chấp nguy hiểm mà kiếm đồng tiền rồi”.
Nhiếp Tư Mặc mím môi, dù khúc mắc trong lòng vẫn còn kha khá nhưng nàng cũng không muốn hỏi thêm. Vì có nói nữa cơn tò mò trong nàng sẽ lại trỗi dậy.
“Bánh của hai đứa đây”.
Qua lại vài câu một lúc bánh cũng đã được gói lại đặt trong hộp gỗ chỉnh tề. Nhiếp Tư Mặc định vén ống tay áo lên để lấy ngân lượng thì Nhiếp Tĩnh đã gạt lại
Hắn lấy ra hai thỏi bạc trong chiếc túi da bên hông rồi đặt lên bàn. Nàng tròn mắt. Chợt nhớ ra nhị ca không bao giờ để nàng trả tiền bất cứ thứ gì nếu có mặt hắn ở đấy. Tuy là huynh muội với nhau nhưng nàng vẫn có chút áy náy, nhiều lần cũng muốn tranh trả tiền nhưng nhị ca vẫn luôn nhanh hơn một bước. Từ đó cứ đi chơi với hắn là nàng lại không cầm lấy một đồng trong người.
Ông chủ nhìn hai thỏi bạc trên bàn mà luống cuống: “N-Nhị công tử…chỉ là mấy cái bánh, lão hủ không dám nhận số tiền lớn như vậy”.
Hắn cười cười xua tay: “Không cần trả lại đâu Trịnh bá, ta ra ngoài quên không mang theo tiền xu, không đủ tiền trả đâu, lão bá cứ cầm đi”.
“Nhưng…nhị công tử…”.
Nhiếp Tư Mặc nhanh lẹ dúi hai thỏi bạc vào tay ông chủ, nàng nháy mắt một cái, trên môi là nụ cười tươi rói: “Nhị ca ta cũng nói là không có tiền xu rồi, Trịnh bá cứ cầm lấy, coi như là trả công cho mấy cái bánh của Phẩm Hương các. Mẫu thân ta lần nào ăn cũng khen bánh của bá ngon lắm đó!”.
Trịnh chủ quán khẽ rủ hàng mi đã bạc trắng, cuối cùng đành nhận lấy hai thỏi bạc, gương mặt già nua vừa như cười mà lại vừa như trầm mặc:
“Mấy năm gần đây lão chẳng còn thấy Lâm phu nhân đích thân đến nữa…lâu lâu vài tháng mới có tùy tùng đến mua. Tiểu thư, nhị công tử…Thanh Yên vẫn khoẻ chứ?”.
Hai huynh muội im lặng hồi lâu, chẳng ai nói với ai lời nào, dường như tất cả đều thầm hiểu rõ sự tình. Trịnh lão bá nhắm mắt thở dài, một làm khói trắng cũng theo đó bay ra, nỗi bi ai hằn rõ trên nét mặt của lão.
“Ông à, mẫu thân ta vẫn ổn”. Giọng nói trầm nhẹ khàn khàn khẽ cất lên đánh ta sự tĩnh lặng của một góc Phẩm Hương các náo nhiệt.
Lão gượng cười cho có, Nhiếp Tư Mặc và Nhiếp Tĩnh hoàn toàn nhìn thấu, nàng đã cố gắng lựa lời mà nói nhưng xem chừng chẳng khả quan hơn là bao.
“Nhanh thật, chớp mắt một cái đã hơn ba mươi năm rồi. Ngày ấy Thanh Yên mới chỉ là một tiểu nương tử bé nhỏ ngây ngô thuần khiết hay cùng phụ thân đến Phẩm Hương các của ta. Nó chỉ bé tí tẹo mà chạy nhảy cả ngày ở đây không biết mệt. Ai ở Phẩm Hương các cũng quý mến nó”.
“Tất cả những món điểm tâm của Phẩm Hương các ta Thanh Yên đều đã nếm qua nhưng con bé vẫn thích nhất là bánh quế hoa. Ta hỏi tại sao, nó nói rằng vì hoa quế rất thơm, rằng hương vị ấy làm nó nhớ tới quê hương của nó…”
Trịnh lão bá ngừng một lúc, ông chậm rãi ngồi xuống, nét mặt trùng xuống rồi co lại.
“Cố hương của mẫu thân…là Lĩnh Tây…”.
Nhiếp Tư Mặc bỗng thốt lên một câu, cổ họng nàng nghẹn cứng lại, những lời muốn nói đều phải níu giữ lại trong lòng.
Nhiếp Tĩnh quỳ xuống bên Trịnh lão bá, hắn chỉnh lại áo choàng của lão rồi đặt tay lên bả vai gầy guộc ấy:
“Trịnh bá đừng nghĩ nhiều, bá bá chăm sóc tốt cho bản thân. Ta sẽ gửi lời chào sức khoẻ đến mẫu thân. Không còn sớm nữa, chúng ta đi trước, bá bá nghĩ ngơi”.
Nói rồi hắn nắm lấy quai hộp gỗ, tay còn lại nắm lấy đôi tay nhỏ bé của Nhiếp Tư Mặc, hắn mỉm cười:
“Bọn ta đi đây”.
Ông vội đứng dậy, vẫy vẫy tay, khoé môi nhẹ cong lên, đưa ánh mắt đục ngầu theo bóng lưng hai huynh muội.
Trịnh bá vội cất giọng khàn yếu:
“Nhị lang, tiểu thư giữ sức khoẻ, đi đường cẩn thận”.
…
Trên phố xá Vĩnh Yên, khắp nơi đều trang hoàng lộng lẫy, quả nhiên tiếp đón sứ thần không thể không chu đáo được.
Hai huynh muội họ Nhiếp đang thong dong rảo bước trên đường của phường Ngũ Phụng, một trong sáu mươi mốt phố phường của Vĩnh Yên.
Ngũ Phụng phường là nơi chuyên về điêu khắc kỹ nghệ và dệt vải. Trước của mỗi ngôi nhà đều vắt vô số tấm vải với đủ màu sắc, hoa văn, kể cả là chất liệu vải của người dị tộc cũng có, cảnh tượng phồn hoa phú quý như vậy không khó bắt gặp ở Vĩnh Yên.
Nhiếp Tĩnh vừa đi vừa kể cho nàng nghe tất thảy mọi chuyện hắn gặp trong chuyến đi Tây Vực vừa rồi, giọng điệu rất hăng hái mà cũng rất đắc ý. Nàng cũng theo đó mà cuốn vào từng câu chuyện.
Bỗng từ đâu xuất hiện hai nữ nhân dáng vóc thanh mảnh yểu điểu điệu như một nhành mai. Các nàng ai nấy đều da trắng mịn màng, môi son tươi thắm, y phục các nàng mặc tuy không phải chất vải thượng hạng nhưng cũng không phải hạng xoàng, trâm cài hay trang sức tuy là vàng nhưng cũng không phải loại quá tinh xảo. Nhiếp Tư Mặc thầm đoán có lẽ là mấy ái nữ của vị huyện lệnh hay quan nhỏ nào đó.
Các nàng đứng chắn ngang trước mặt nhị ca nàng. Hắn vừa có chút bất ngờ mà cũng có chút mất hứng. Đang tám chuyện với muội muội hăng say thì đâu ra hai vị tiểu nương tử đứng chắn giữa đường. Tuy hơi lấn cấn nhưng hắn vẫn lịch sự đứng lại mà hỏi han:
“Chào hai cô nương, không biết ta giúp gì được cho hai người…!”.
Còn chưa dứt câu hai vị cô nương đã đồng loạt đưa ra trước mặt Nhiếp Tĩnh hai chiếc túi thơm thêu hoa bướm tỉ mỉ bằng hai tay rồi đồng loạt cúi đầu e thẹn mà hô lớn:
“Nhị công tử, bọn ta ái mộ người đã lâu, nay có dịp gặp mặt. Túi thơm này coi như là chút lòng thành của bọn ta!”.
Nhiếp Tư Mặc cùng Nhiếp Tĩnh như đứng hình, hai huynh muội đang rơi vào tình cảnh gì thế này. Cổ họng Nhiếp Tĩnh cứng lại, hắn thực sự không biết phải nói gì, cũng không dám cử động. Nhiếp Tư Mặc rụt rè lùi xuống vài bước, nàng khé đưa mắt nhìn mấy nữ nhân vẫn đang cúi đầu mà đỏ mặt kia rồi lại ngó sang liếc nhìn nhị ca.
Người như nàng thực sự không nên ở đây!
Nữ nhân có đôi má sữa trắng mịn bên trái lên tiếng trước: “Ta là Chu Tiểu Yến!”.
Nữ nhân vận thanh y có đôi môi trái tim bên phải lên tiếng theo sau: “Ta tên Thẩm Thu Yên!”.
“Bọn ta cũng vì ái mộ Nhị công tử mà thêu túi thơm này, nay bọn ta mặt dày đến tặng người, có thể chưa thực sự đẹp nhưng mong người không chê!”.
Nhiếp Tĩnh thực sự khó xử, hắn cũng chẳng phải tiểu tử ngây ngô chưa hiểu tình ái là gì, cũng không phải chưa từng tiếp xúc với nữ nhân. Một kẻ lang bạt đây đó như hắn cũng đã gặp qua vô số là đằng khác. Từ những nữ nhân hiền thục dịu dàng chốn sông nước núi non Vân Lương, đến những cô gái Thổ Hoả La tóc vàng mắt xanh ăn vận mỏng tang khiêu gợi hay kể cả những cô gái với làn da sạm khoẻ khoắn quyến rũ bí ẩn nơi Tây Vực, Thiên Trúc. Hắn đều đã kinh qua, nhưng chưa từng làm chuyện quá đáng với các nàng.
Nay lại bị những tiểu nữ tử con nhà quan này chắn lối mà bày tỏ lòng thành thế này hắn thực sự có hơi ái ngại. Đối với những nữ nhân hắn từng gặp qua kia, các nàng không mấy ai trực tiếp bày tỏ như vậy, mà thay vào đó là đánh vào tâm lý háo sắc của nam nhân, sử dụng ánh mắt khiêu gợi hay mượn rượu để giãi bày. Xét về cách thức thì có lẽ hai nữ nhân này khá đơn thuần.
Nhiếp Tĩnh gãi gãi đầu lúng túng, hắn ho nhẹ mấy cái, điều chỉnh sắc mặt rồi đẩy hai chiếc túi thơm lại cho hai tiểu nương tử kia.
Đoạn hắn bình tĩnh, khoé môi cong lên nụ cười trầm ấm, nói:
“Thật ngại quá, không ngờ kẻ bất tài vô dụng như Nhiếp mỗ đây lại khiến hai cô nương phải hao tâm tổn sức như vậy. Hai người đều là những nữ nhân tuổi còn trẻ, còn nhiều cơ hội lựa chọn. Cảm xúc này có khi chỉ là nhất thời, vả lại theo đuổi một kẻ thương nhân lang bạt như ta chỉ có thiệt thòi cho hai vị. Hai túi thơm này thêu rất đẹp, nhưng ta không xứng. Hãy tặng nó cho ý trung nhân của hai vị. Thế nhé, chúc một nàng tốt lành”.
Nói câu cuối xong hắn kéo Nhiếp Tư Mặc rời đi, trước khi quay lưng còn không quên hành lễ với họ.
Nhiếp Tư Mặc lấy tay che miệng rồi cười khúc khích. Thi thoảng còn chiếc nhìn nhị ca. Hắn có chút không thoải mái, nét mặt hắn lạnh hẳn đi, khoanh tay nghiêm giọng hỏi nàng:
“Muội cười cái gì!?”.
Nàng huých nhẹ vào tay hắn rồi lém lỉnh nói:
“Huynh còn hỏi, tất nhiên là chuyện vừa rồi!”.
Hắn không đáp lại, chỉ chẹp miệng một cái rồi quay mặt đi chỗ khác. Giờ nàng mới để ý từ khi hai vị cô nương ấy xuất hiện, nhị ca nàng chưa từng đỏ mặt dù chỉ một chút.
Nàng vắt tay sau lưng, tung tăng bước đi, giọng điệu vừa tràn ngập ý cười như một bà cụ non mà cũng vẫn xen chút ngưỡng mộ:
“Nhị ca ta đúng là ‘phong tình vạn chủng’ mà”.