Trong gian nhà ngói rộng lớn có tiếng guốc mộc lọc cọc vang lên đều đều. Một dáng người gầy và cao đang đi đi lại lại ở gian nhà giữa, áng chừng là một người đàn ông tuổi độ lục tuần. Đầu ông ta đội mấn, để râu kẽm, trên người bận bộ áo dài màu vàng tơ óng ánh, quần ống sớ màu trắng. Trên cổ và tay đeo rất nhiều đồ trang sức bằng vàng khảm ngọc bích lấp lánh. Đó chính là phú hộ Lĩnh, lão phú hộ giàu có bậc nhất trong làng Hạnh Phúc thời bấy giờ. Dòng họ nhà lão, ba đời đều là phú hộ của cái làng này. Dưới triều Nguyễn, đương thời, cụ cố nhà lão là quan chi huyện, cai quản rất nhiều tuần, phủ. Đến đời con cháu, tuy không còn ai làm quan nữa nhưng bổng lộc ông cụ để lại cùng với quyền lực cũng thừa giúp cho nhà họ Nguyễn của lão thảnh thơi đệm êm gối ấm, không phải lo nghĩ vấn đề tiền bạc, vật chất. Về của cải của nhà lão Lĩnh thì phải nói là, nhiều không kể xiết, lão một tay thâu tóm hết ruộng đồng, đất đai trong làng, từ đó bắt bớ những người làng nghèo khó làm phu, dịch cho nhà lão. Cả cái làng nhỏ bé Hạnh Phúc này chia làm bốn phần thì nhà cửa, đất đai họ Nguyễn đã chiếm mất ba phần rồi. Người dân trong làng có sống thì cũng mang tiếng sống trên đất của phú hộ Lĩnh, chỉ là lão bắt nợ, cho mượn tạm đất để làm nơi sinh sống mà thôi. Mấy làng lân cận không ai là không biết đến danh đại phú hộ Nguyễn Lĩnh giới thượng lưu ở làng Hạnh Phúc. Cũng vì tiếng tăm như thế mà lão ta rất thân quen với giới quan lại triều Nguyễn, tuy không trực tiếp nắm quyền cai trị, nhưng thực chất là lão đã nắm quyền sinh quyền sát của dân làng Hạnh Phúc trong tay từ lâu rồi.
Không hiểu hôm nay có chuyện gì mà nom phú hộ Lĩnh có vẻ khá lo lắng, cứ chắp tay sau lưng đi đi lại lại ở gian nhà giữa. Trán lão chau lại khiến đôi lông mày vốn đã xếch nay lại càng như xếch hơn. Lão đi lại mấy vòng rồi bất chợt thở dài ra một tiếng, ngồi sụp xuống bên bộ bàn ghế bằng gỗ trắc quý giá to tướng được đục đẽo khéo léo hình rồng phượng. Một tay lão tì trên mặt bàn, nghiêng người ngồi hướng ra cái sân to và rộng lát toàn bằng thứ gạch màu đỏ tươi đẹp đẽ, ánh mắt có vẻ xa xăm lắm. Lại có tiếng guốc mộc gõ lọc cọc từ xa vọng tới, từ trong gian buồng ở tít đằng kia, một người phụ nữ đang vén tấm mành bằng lụa thượng hạng che ô cửa buồng bước ra, vừa đi vừa cất tiếng hỏi han:
– Mình định tính sao?. Nay mai là bọn quan Tây về làng mình rồi đấy. Quyết nhanh nhanh đi để còn làm. Không còn thì giờ nữa đâu!.
Bà ta vừa nói vừa nhăn trán lườm ông chồng vẻ hối thúc. Phú hộ Lĩnh nghe thế thì chép miệng đáp lại:
– Chậc!. Thì đang tính!. Giục cái gì!.
– Mình còn tính gì nữa!. Lửa đã đến chôn rồi!. Đến lúc đó có hối cũng không kịp!.
Người phụ nữ lúc này đã tới bên bàn nước, nhẹ nhàng ngồi xuống phía đối diện. Bà ta diện mạo trông còn khá trẻ so với ông chồng, có lẽ chỉ độ tứ tuần. Mái tóc đen quấn gọn sau gáy, cổ đeo một chiếc kiềng vàng, tai đeo ngọc trai trắng sáng, môi tô son đỏ chót, gương mặt trắng trẻo, tuy nhiên đôi mắt xếch thì toát lên ánh nhìn sắc xảo, ghê gớm. Bà ta tên huý là Đỗ Xoan – vợ của phú hộ Lĩnh. Nói qua về chuyện hôn nhân của vợ chồng phú hộ Lĩnh thì có lẽ ở làng được ví như ” vua phải lòng cô thôn nữ “. Hồi ấy, bà Xoan vốn xuất thân là con gái một gia đình bần nông nghèo khổ trong làng, không biết trời thương trời độ hay sao mà bù lại cho bà một nhan sắc phải nói là xinh đẹp nhất, nhì làng Hạnh Phúc, một vẻ đẹp sắc xảo, quyền quý mà vốn đám con gái nghèo khổ thời bấy giờ ít ai có được. Trong một lần phú hộ Lĩnh đến xiết nợ phụ mẫu bà, hai người đã gặp nhau và ngay lập tức lão bị nhan sắc của cô gái nghèo kia hớp hồn. Đám cưới rình rang được tổ chức ngay sau đó. Nhưng phúc do cô con gái mang lại hưởng chưa được bao nhiêu, không lâu sau, cha mẹ của bà Xoan đều mắc bệnh nặng mà lần lượt qua đời. Số đời là vậy!.
Quay lại chuyện bàn tính của vợ chồng nhà lão phú hộ, sau khi nghe bà vợ hối thúc, lão Lĩnh đưa một tay lên xoa cằm nheo mắt thì thầm nói:
– Vậy bà kêu thằng Đinh đi tìm lão Độ đến đi!. Có làm thì đặng tối nay làm luôn!. Tôi lo là nội trong ngày mai bọn quan lính kéo về rồi!.
– Dạ, em đi bảo thằng Đinh ngay!.
Bà Xoan mừng rỡ, được sự đồng ý của ông chồng, vội vã đứng dậy, đi ra ngoài sân chống nạnh, cất tiếng gọi lớn:
– Thằng Đinh đâu, có ngoài vườn không?. Vào đây tao bảo!.
Một lúc sau, từ ngoài mé vườn rộng lớn, bóng một người thanh niên lực lưỡng lật đật chạy vào, đến trước mặt bà phú hộ liền cúi đầu kính cẩn:
– Dạ, bà cho gọi con!.
– Ừm, vào đây!.
Bà Xoan đưa tay vẫy tên nô dịch vào trong nhà. Đến bên bàn nước, bà ta ngồi xuống đưa mắt nhìn ông chồng. Lúc này, ông Lĩnh đang ngồi khệnh khạng ghế bên cạnh mới cất lời thì thầm nói:
– Mày chạy đi tìm lão thầy bói Độ ở cuối làng về đây ngay cho tao!. Nhớ là phải tìm bằng được lão, không thì chết với tao, nghe chưa?!
– Dạ…con…con biết rồi ạ!.
Anh thanh niên run run thưa. Lão Lĩnh lại dặn tiếp:
– À, với lại, nhớ be bé cái miệng thôi, hành tung phải bí mật. Chuyện này không được để ai trông thấy. Người ta có hỏi thì bảo mời thầy về cúng giải hạn nhớ chửa?.
– Vâng, con nhớ rồi ạ!.
– Đi đi, nhanh nhanh lên!.
– Vâng, con đi đây ạ!.
Lão Lĩnh khoát tay hối thúc tên gia nô. Anh thanh niên cúi người quay lưng tất tả đi ngay. Còn lại hai vợ chồng lão Lĩnh ngồi lại bên bàn nước, mặt nhăn nhó ngóng theo bóng tên gia nô khuất dần sau cánh cổng cao lớn, bộ dạng nóng ruột.
Lúc này, ở ô cửa buồng bên trái của ngôi nhà lớn, cậu Khanh đang đứng đó, theo dõi toàn bộ diễn biến trong nhà lão phú hộ từ nãy đến giờ. Vẻ mặt cậu băn khoăn, vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra trước mắt mình nữa.