Kéo dài suốt bốn, năm ngày liền như thế, Hải Đăng nhốt mình trong phòng đến tận trưa, rồi lại ra ngồi gần cửa sổ, thẩn thờ như một kẻ vô hồn, nước mắt cứ bất giác mà rơi xuống trong vô thức.
Cứ như vậy đến tận tối, Hải Đăng trở về phòng, ôm mặt khóc rồi lại ngủ thiếp đi.
Nếu không phải uống một ít nước, thì chắc có lẽ cậu đã chẳng thể cầm cự nổi.
Phía bà Vân cũng chẳng khá gì hơn, bà đã ghé sang phòng Hải Đăng, nghe tiếng cậu con trai đang thút thít, bà ủ rũ trở về phòng, đặt lưng mà cảm nhận đôi vai mình ghì chặt.
Dù đã luôn cố tỏ ra cứng rắn, nhưng cứ nhìn con trai mình như thế, sự sắt đá đó dần dần bị cởi bỏ. Bà Vân lại khóc.
Mãi đến tận ngày thứ năm, bà Vân xót con, bắt đầu sốt ruột và mất hết kiên nhẫn trước cái sự cứng đầu của Hải Đăng.
Khi Hải Đăng ngồi thừ người ở cửa sổ, bà bước đến và lớn giọng:
– Con cứ không chịu ăn uống như vậy là sao hả? Dù con có làm vậy đi chăng nữa thì cũng sẽ chẳng thay đổi được gì đâu!
Hải Đăng vẫn tiếp tục im lặng, không trả lời, không quay lại nhìn, con người bỗng chốc vô hồn đến mức chẳng còn thiết tha điều gì.
Bà Vân không còn nhẫn nại nữa.
– Hải Đăng à! Con muốn dằn vặt mẹ đến mức nào nữa! Con có thôi ngay đi không hả? Chẳng qua cũng chỉ là một thằng con trai thôi, cuối cùng cũng không có tương lai gì cả. Tại sao con còn làm khổ mẹ đến mức này cơ chứ?
– Mẹ à! Mẹ có từng yêu bố nhiều không? Ngày xưa bố mẹ có phải đấu tranh vì tình yêu của mình không? Có bao giờ hai người cảm thấy khó khăn mà không thể nắm tay nhau được nữa không?
Bà Vân im lặng, trong mắt bà bất giác nhớ về mối tình ngày xưa, về những tháng ngày đau khổ lẫn hạnh phúc mà bà đã trải qua. Nước mắt bắt đầu trào dâng khi nhìn về phía sau có di ảnh của chồng mình.
Hải Đăng hít một hơi thật sâu, ngước nhìn xa xa cảnh quan ở phía bên kia cửa sổ.
– Con nhớ ngày xưa mẹ có kể rằng ‘Ngày ấy bố nghèo lắm, chỉ là một anh thầy giáo cấp 2. Còn mẹ là người gốc Sài Gòn, gia đình khá giả, cái gì cũng không thiếu, kể cả người theo đuổi. Nhưng khi gặp bố thì mẹ lại yêu sống yêu chết, để rồi dù thế nào thì vẫn cố gắng yêu, dù gia đình mẹ có nhiều lầm cấm cản thì mẹ vẫn cứ cố gắng theo đuổi tình yêu đó.’ Mẹ chọn đến với bố, dù biết rõ rằng tương lai sẽ lại khó khăn, sẽ sống rất khổ sở. Nhưng mẹ và bố đều không muốn từ bỏ. Vậy thì vì điều gì mà mẹ lại đang ép con vậy hả mẹ?
Bà Vân vẫn không nói một lời nào. Lời nói của Hải Đăng làm từng đợt kí ức ùa về trong tâm trí bà. Chúng bắt đầu trở nên rõ ràng hơn, và ghì chặt lấy trái tim đang đập từng hồi chậm chạp của bà.
Hải Đăng cau mày, ánh mắt vẫn hướng ra ngoài cửa sổ.
– Liệu ngày ấy, nếu mẹ không vì bố mà chiến đấu, lại đi lấy một người đàn ông mình không hề yêu thì sẽ thế nào hả mẹ? Lúc đó liệu mẹ có sống hạnh phúc hay không?
Hải Đăng quay sang nhìn mẹ mình. Lúc ấy, ánh mắt của bà Vân đang dần đỏ hoe. Trong khoảnh khắc ấy, Hải Đăng chợt nhận ra có mối dây đồng cảm. Cậu tiếp tục nói với giọng điệu nhẹ nhàng.
– Con đã 25 tuổi rồi! Không phải 18 tuổi, hay đang say nắng, hay thích làm những điều mới lạ. Con không thể vùng vẫy đòi sống đòi chết nếu như không đạt được ý nguyện của mình. Con cũng không thể rạch tay, rạch chân như một cách phản kháng vì con biết khi ấy mẹ sẽ rất đau lòng. Là con muốn đấu tranh, là con muốn mạnh mẽ để chứng minh cho mẹ thấy rằng con hoàn toàn nghiêm túc với mối tình này, hoàn toàn tự mình nắm giữ hạnh phúc của riêng mình!
– Hải Đăng! Con đang nói gì vậy hả?
– Mẹ ơi! Con chưa từng một lần nào dám dũng cảm đấu tranh để làm một điều gì trong đời. Lúc trước con đã mệt mỏi như thế nào mẹ có biết không? Con đi giữa hàng tá con người, mà lúc nào cũng thấy bơ vơ, nghẹn thở. Cho đến khi con gặp Harry, con mới nhận ra con không hề cô đơn. Có lúc ngày nào con cũng sợ hãi, cảm thấy khó khăn, thậm chí là hoang mang. Ngay cả đến xu hướng tình cảm của mình con cũng không nhận ra sớm nhơn. Harry đã từng vì con làm rất nhiều chuyện, chịu đựng rất nhiều thiệt thòi. Nên con nghĩ đã đến lúc vì cậu ta mà chiến đấu. Con muốn tự hào với mọi người rằng ‘Con yêu Harry, và Harry là người yêu của con’. Con sẽ cùng cậu ta để xây dựng một gia đình hạnh phúc.
– Hải Đăng à! Con yêu Harry đến mức này sao?
– Mẹ ơi! Con biết con đã luôn làm mẹ nhọc lòng vì cuộc sống của con, vì công việc và cả những người con yêu. Có rất nhiều thứ đã làm con gục ngã, có nhiều người đã lần lượt bước qua. Lần nào gặp chuyện con cũng gọi về làm phiền mẹ, nhưng làn này dù con biết có thể con sẽ phải té ngã rất đau, bản thân con càng không thể lường trước được rằng những điều mà con đang muốn tự mình nắm giữ con sẽ chịu trách nhiệm vì nó ra sao? Nhưng chỉ càn một lần mẹ để cho con được sống đúng với chính mình, thì con sẽ hạnh phíc biết bao nhiêu. Mẹ có thể toại nguyện cho con được không?