Nước mắt nhạt nhòa làm mờ tầm nhìn của ta, nhưng ta vẫn nhìn thấy chàng chậm rãi quỳ xuống, khuôn mặt nhợt nhạt, trời đêm nhưng chỉ mình đơn áo chiếc.
Hoàng đế đứng bên cạnh ta, hắn cười rồi túm tóc ta, nói: “Tiểu Cửu, trẫm không tin đâu!”
Ta nghiến chặt răng, nhưng vẫn không kêu đau, cũng không khóc.
Cảnh Yến lại từ từ phục xuống đất, tóc bung xõa ra hai bên, thanh âm nặng trĩu: “Ngũ ca, để đệ thay nàng.”
Ta thấy tiếng nấc nghẹn lại trong cổ họng.
Hoàng đế càng cười lớn. Hắn vừa cười vừa vuốt mặt ta, nói: “Tiểu Cửu, trẫm thực sự hơi khó hiểu, ngươi nhẫn nhịn bao năm nay, rốt cuộc là muốn gì?”
“Đệ muốn người, Ngũ ca. Trên thế gian này, đời này đệ chỉ có mình nàng, người mà đệ muốn chính là nàng.”
Chàng vẫn phủ mình dưới đất: “Cầu xin người trả nàng cho đệ. Cầu xin người trả nàng cho đệ!”
Ta từng trông thấy dáng vẻ Cảnh Yến bày mưu tính kế, từng trông thấy chàng khí khái anh hùng. Nhưng ta chưa bao giờ thấy chàng như bây giờ. Một Cảnh Yến không cam tâm nhưng vẫn chịu khuất phục. Một Cảnh Yến rất dũng cảm mà cũng thật nhát gan.
Chỉ là vì ta! Chàng nói chàng chỉ có ta, chàng chỉ cần mình ta.
Bỗng hoàng đế thu đao lại, đẩy ta về phía trước. Bất chấp hắn có tha cho ta thật hay không, ta điên dại chạy về phía Cảnh Yến, ôm lấy chàng, vừa ôm vừa đấm vào người chàng.
“Sao mà chàng ngốc thế, phí công nhịn nhục 30 năm! 30 năm đấy!”
“Nguyên Nguyên, ta không bao giờ muốn để nàng làm quân cờ nữa. Ta cũng không muốn nàng làm đao. Ta sẽ cho nàng tự do, sẽ không ngăn bước nàng. Nàng đi, nàng dẫn theo cả ta nữa, nàng muốn đi đâu chúng ta sẽ đi đó, được không?”
Ta chỉ còn biết khóc, vừa khóc vừa mắng chàng: “Chàng phải chịu biết bao tủi nhục, biết bao lần bị đánh, biết bao lần bị lăng mạ, thiếp có là gì đâu! Không đáng!”
“Bỏ đi, Nguyên Nguyên, ta không cần gì nữa. Ta không muốn sau này nàng ở hậu cung bị người khác ức hiếp chỉ vì xuất thân của mình. Ta không muốn con của chúng ta bị ai đó cướp đoạt. Ta không muốn nàng mất mạng vì một ván cờ. Ta không muốn…ta không muốn hai ta bất hòa. Ta không muốn nàng đi.”
Ta cố cắn chặt răng để ngăn mình run rẩy. Chàng đang khóc.
Ta từng thấy chàng rơi lệ ba lần, đây là lần thứ ba.
Chàng từng thấy ta sụp đổ ba lần, đây cũng là lần thứ ba.
Trên bậc cao, hoàng đế kéo căng dây cung.
“Tiểu Cửu, trẫm chỉ có một mũi tên.”
Cảnh Yến nghiến răng, kéo ta đứng dậy, nói với ta: “Nguyên Nguyên, đừng sợ, nàng hãy chạy đi, ta sẽ ở phía sau. Nàng đừng quay đầu, vĩnh viễn đừng quay đầu lại.”
Ta sẽ không đi! Ta phải ở lại với chàng, có chết cũng phải chết cùng nhau.
“Tiểu Cửu, hai ngươi cứ ôm nhau thắm thiết thế, nhưng mà phải nói cung pháp của trẫm không bằng ngươi, không chuẩn đâu.”
Chàng đẩy mà ta không chịu đi, nên chàng cũng không đẩy nữa. Hai ta nắm chặt tay nhau, yên lặng nhìn về phía người đang đứng trên cao kia.
“Phụ hoàng? Phụ hoàng, người đi săn trong cung sao? Phụ hoàng, sao người lại nhắm vào hoàng thúc, hoàng thúc làm gì sai, ngươi muốn giết thúc ấy sao? Phụ hoàng, sao người không lên tiếng? Người bên cạnh hoàng thúc là hoàng thúc mẫu sao?”
Bỗng nhiên tiểu thái tử chạy đến, nhưng không vì thế mà cung tên trong tay hoàng đế dao động.
“Người đâu, đưa thái tử về nghỉ ngơi.”
Đứa bé ấy rất nghe lời, nắm tay cung nhân rời đi. Nhưng khi sắp khuất bóng bỗng nhiên quay đầu lại hỏi: “Phụ hoàng, đến khi nhi thần làm hoàng đế, cũng phải giết hết các huynh đệ của mình sao?”
Xa quá, ta không nhìn rõ vẻ mặt của hoàng đế.
Đứa bé bị cung nhân ôm đi, cố vươn cổ ra hỏi một câu nữa: “Phụ hoàng, sau này nhi thần có thể giữ Cửu đệ đệ lại không? Đệ ấy không có mẫu thân, đáng thương lắm.”
Mũi tên bay vèo, tiếng gió rít, xuyên qua tay áo Cảnh Yến rồi cắm phập ngay trước mặt bọn ta.
Hoàng đế nói muốn Cảnh Yến ở lại làm thái phó. Bọn ta biết lời ấy chỉ là giả, khuất mắt hắn, may ra còn có thể niệm tình cũ.
Hoàng đế hỏi Cảnh Yến: “Tiểu Cửu, không đi không được sao?”
Cảnh Yến cười: “Thảo dân yêu thích chốn điền viên.”
“Đời này không quay lại?”
“Bẩm hoàng thượng, còn phải xem ý Nguyên Nguyên.”
“Hai ngươi sợ trẫm?” Hắn nhìn Cảnh Yến, rồi lại nhìn ta: “Nguyên Nguyên, hai người sợ trẫm sao?”
Ta không đáp, hắn xua tay, chỉ nói: “Tiểu Cửu, đừng hận trẫm, trẫm là hoàng đế.”
_________________________________________
Sau đó
Ta xòe bàn tay ra trước mặt Cảnh Yến, nói: “Đưa đây.”
Chàng mặt dày đặt ngay tay mình lên, ta hừ một cái, đánh vào tay chàng.
Bấy giờ chàng mới bỏ tay xuống, lấy hành lý đưa cho ta. Trong đó có 5 thỏi vàng, mười lá vàng, một chiếc áo khoác hồng nhạt, hai hộp son dưỡng đã mọc cả mốc.
“Nguyên Nguyên, nàng muốn đi đâu? Ta không viết hưu thư đâu đấy!”
“Chàng từng cưới ta sao? Tam môi lục sính, bát đài đại kiệu [1], có không? Ta cần hưu thư chàng viết làm gì? Còn tưởng mình vẫn là vương gia hay sao?”
“Nguyên Nguyên, ta cưới, ta sẽ tổ chức thật linh đình rồi rước nàng về.”
“Cưới ta? Chàng có tiền sao?”
“Nguyên Nguyên, đừng thế mà, cái gì của ta, cả người ta, ta đều cho nàng hết rồi. Bây giờ, nàng giàu có rồi, còn ta nghèo khổ, nàng không được bỏ rơi ta đâu!”
“Chẳng có gì hay cả, ta muốn đến xuân lâu nuôi mấy chàng tiểu bạch kiểm.”
“Tiểu bạch kiểm? Mấy tên mặt trắng mày lơi? Nguyên Nguyên, lẽ nào mặt ta còn không đủ trắng sao? Nhiều năm trước ta từng trông thấy rồi, mặt bọn đấy không trắng bằng ta!”
“Đừng có nói nhảm nữa, phiền ghê!”
“Nguyên Nguyên, nàng muốn nuôi thì nuôi ta này, dù hơi già một chút, được cái trông khá mà cũng khá thật.”
“Phải xem chàng thế nào. Này, chàng cởi áo ta làm gì?”
“Cho nàng xem ta thế nào.”
“Thôi ngay đi, ta còn không rõ chàng thế nào sao, còn phải đợi chàng cho ta xem! Ta đã im ỉm 7 năm nay rồi, nay ta nói luôn, chán rồi! Cày ruộng! Cày ruộng đấy chàng có biết không? Chàng từng làm đồng bao giờ chưa? Có mà trồng đậu dưới núi Nam, đậu đâu chẳng thấy, cỏ lên ầm ầm [2]!”
[2] “种豆南山下, 草盛豆苗稀!”: Hai câu thơ trong “Quy viên điền cư kỳ 3” của Đào Tiềm biểu thị thái độ nhân sinh: trong xã hội hỗn loạn thế gian ô trọc, vui thú điền viên, hòa với thiên nhiên, không truy cầu phú quý vinh hoa, không truy cầu hư danh, bỏ lại cuộc sống tranh đấu chốn quan trường, hài lòng với cuộc sống cần kiệm chất phác. Hai câu thơ miêu tả nhà thơ mới từ quan về cày ruộng, chưa có kinh nghiệm, nên các mầm đậu trồng bị cỏ dại mọc um tùm che kín. Hai câu thơ này phần nào có nét nghĩa tương đồng với hai câu thơ “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao” trong bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
[1] 三媒六聘, 八抬大轿: Tam môi lục sính, bát đài đại kiệu.
Tam môi lục sính “三媒六聘” hay còn gọi là tam thư lục lễ “三书六礼”, trong hôn lễ truyền thống của người Trung Hoa, nam nữ thành thân cần phải có đủ tam môi lục sính. Tam thư chỉ văn thư (giấy tờ) trong quá trình lễ sính (kết thân). Lục sính chỉ các thủ tục cầu thân, từ khi làm mối đến khi nghênh thú.
Bát đài đại kiệu: kiệu tám người khiêng rước dâu về nhà.