Nàng quỳ dưới đất, bò đến ôm chân ta. Nàng nói Nguyên Nguyên, ta hứa với ngươi, ta sẽ đối tốt với chàng, ta sẽ đối tốt với chàng hơn cả ngươi.
“Nhưng cái cách “tốt với chàng” của ngươi chỉ khiến chàng thêm ghê tởm.” Ta phủi bụi bám trên tay, đứng dậy: “Vãn Thược, ban đầu khi ngươi chà đạp ta, liệu ngươi có nghĩ sẽ có một ngày ngươi quỳ gối cầu xin ta thế này không? Khi ngươi cho người mang rượu đến rắp tâm hại ta, liệu ngươi có nghĩ sẽ có một ngày ngươi quỳ gối cầu xin ta thế này không? Cả khi ngươi hại chết đứa con chưa lọt lòng của Chức Hoan, khi ngươi gián tiếp hại chết Lăng Nghi, khi ngươi giết chết cô nương cài hoa năm ấy hay khi ngươi khiến thập hoàng tử chết oan, những lúc ấy, liệu ngươi có từng nghĩ mình cũng sẽ có ngày này không?”
Ánh mắt ta từ trên cao chiếu xuống người nàng, cũng giống như cái cách nàng từng nhìn ta vậy.
“Vãn Thược, ngươi nói đi, ngươi có sai không?”
“Ta không sai, ta không sai! Ta thích một người, vậy có gì mà sai chứ?”
Ta khép hờ mắt, nói với nàng ta: “Vãn Thược, ngươi đi đi. Hoàng đế muốn ta giết ngươi, nhưng ta chẳng sợ hắn. Ta sẽ thả ngươi đi. Ngươi ra bến đò rồi đi về phía Đông.”
Sau hai tuần hương, Nghiêm Phong lại kéo nàng xộc xệch đến trước mặt ta.
“Phu nhân, ả ta không đến bến mà chạy vào hoàng cung.”
Ta nhìn nàng, giọng nhẹ nhàng: “Bởi vì ta nói ta không sợ hoàng đế nên ngươi liền chạy đi tâu sao?”
Nàng ta giơ tay lên định đánh ta, gào rú: “Đồ độc ác! Đồ gian xảo! Hoàng đế là cữu cữu ta, ta bảo người giết ngươi!” (cữu cữu = cậu)
Ta không tức giận, chỉ thở dài: “Vãn Thược, ngươi đã bỏ qua cơ hội cuối cùng của đời mình.”
Ta quay lại nhìn Nghiêm Phong, nói: “Nghiêm Phong, trước đây ngươi hỏi ta, ai sẽ đền mạng cho con ngươi, bây giờ, ta giao kẻ đó cho ngươi xử lý.”
Nói xong, ta vốn định rời đi, nhưng lại nghe thấy tiếng Vãn Thược thều thào hỏi ta: “Ngươi nghĩ, ta chết trong tay ngươi, sau này Tiểu Cảnh ca ca nhìn ngươi, liệu có nhớ đến ta không?”
Bởi vì câu nói ấy mà ta đã quay lại nhìn nàng.
Nàng tiếp tục hỏi: “Sau khi ta chết, mai sau có thể mai táng ta cùng mồ mả với Tiểu Cảnh ca ca không?”
Một thoáng ta nhìn nàng, rồi ra hiệu cho Nghiêm Phong ra ngoài trước. Ta bước đến túm cổ áo nàng, kéo nàng tới cửa, đạp bung cửa ra.
“Ngươi nhìn cho rõ đây, những cây thược dược ngươi trồng đang đúng độ rực rỡ, kiều diễm, e lệ, giống như ngươi vậy. Ngươi có biết không, ta đã chôn con thỏ xấu số xuống dưới đấy, chỉ một lát nữa thôi, ngươi cũng sẽ được chôn ở đấy.”
Ta ngồi xuống, nắm chặt tóc nàng, bắt nàng phải nhìn cho rõ, giọng nói khe khẽ bên tai: “Vãn Thược, vương gia sắp tạo phản rồi. Cho dù ngài thành công hay thất bại thì cũng không còn đặt chân vào chốn vương phủ này nữa. Đợi hai ta đi rồi, chi bằng cho một mồi lửa đốt quách đi phủ này cho xong. Lúc ấy xác ngươi và hoa thược dược của ngươi đều cháy khét, biến thành tro tàn dưới những ngọn lửa nhảy múa, không còn dấu vết.”
Tay ta khẽ run lên, nhưng giọng nói vẫn ổn định. Ta ghé sát tai nàng nói: “Ngươi không biết biển lửa nóng rát thế nào đâu nhỉ? Nhưng ta biết, Vãn Thược, lẽ ra, ta cũng phải cảm ơn ngươi mới phải.”
Nàng không hiểu ý ta, nhưng cũng chẳng còn cơ hội nào để hiểu nữa.
Lưỡi đao của Nghiêm Phong rất nhanh, ta không kịp nghe thấy nàng ta kêu la tiếng nào.
Năm ấy, Cảnh Yến 30 tuổi, ta và Vãn Thược đều vừa 24, nhưng nàng ta sẽ không bao giờ được đón tuổi 25 nữa.
Năm ấy, hoàng đế lập thái tử. Hắn đã ngoài tứ tuần, nhưng tiểu thái tử mới 12.
Ta nhận ra dạo này Cảnh Yến hay bóng gió ngầm chỉ ngài muốn có con. Nhưng ước thì cũng chỉ biết ước thôi. Ngài sắp phản, ta sắp đi, con cái ở lại chỉ chịu khổ.
Ngài cũng hiểu.
Bình thường nếu đi ra ngoài chơi, ta hay đến chỗ Chức Hoan. Thỉnh thoảng Cảnh Yến không chịu cho ta đi, ta lại phải giở chiêu làm nũng.
“Chức Hoan nói hôm nay nàng ấy hấp cua to lắm, người ta muốn ăn!”
“Nghiêm Phong nói Chức Hoan lại có thai rồi, chàng trông có thèm không?”
Vòng vo câu chuyện, cuối cùng vẫn nói đến chuyện ấy.
Ta biết, ngài đã hơi lưỡng lự, không muốn tạo phản nữa, muốn sống những ngày tháng bình dị, êm ả. Thực ra, nếu có thể sống yên ổn, ai muốn tạo phản chứ?
Ngài tạo phản không phải vì cầu sự yên ổn, mà là vì ta. Ngài lo rằng hoàng đế sẽ bóp nát quân cờ trong tay hắn, chính là ta.
Khi hoàng đế chọn ta làm quân cờ của hắn, ta từng thầm nghĩ hắn đã chọn sai rồi. Nhưng đến giờ nhìn lại, hắn chọn đúng rồi.
Hắn đi đúng nước, vậy người gặp thế khó chính là Cảnh Yến.
Binh phù của Mạc hầu vẫn nằm trong tay Cảnh Yến, hoàng đế không nói bao giờ sẽ thu lại. Nhưng hắn liên tục gọi ta vào cung chơi cờ. Hắn càng triệu ta vào cung, Cảnh Yến càng lo lắng. Đêm dài lắm mộng, sớm phải tính đường đi nước bước.
Cả hai đang giằng co với nhau. Hoàng đế muốn thúc giục Cảnh Yến nhanh chóng hành động. Hắn đã mất hết kiên nhẫn, nóng lòng muốn ngả bài.
Cuối cùng, một đêm nọ, hoàng cung phái người đến, vừa đến đã trói ta lại, nói đưa ta đi đánh cờ.
Hôm ấy trời tối đen như mực, tay chân ta đều bị trói gô, ván cờ này là ván cờ đoạt mệnh.
Cảnh Yến nôn nóng, ngay lập tức định rút đao. Ta nói vương gia, thiếp đánh một ván cờ, hết một ván sẽ quay lại. Nếu như đêm nay thiếp không trở lại, ngài hãy dẫn Nghiêm Phong, hãy dẫn người đến đón thiếp.
Cảnh Yến không chịu buông, ngài nói: “Nguyên Nguyên, bổn vương không cho nàng đi! Bổn vương sẽ không để nàng đi đâu hết!”
Ta xin cung nhân cho mình nói riêng với ngài đôi câu. Ta nói: “Cảnh Yến, cả đời thiếp đều làm đao, làm quân cờ, cờ trong tay ai mà chẳng vậy? Nên thiếp cam tâm tình nguyện làm quân cờ của ngài. Hơn nữa, ngài dẫn quân đến, có lẽ thiếp cũng vẫn còn được cứu.”
Ngài vẫn không buông, ta mới quát lên: “Cảnh Yến, đừng nhìn thiếp! Nhìn hươu!”
Thực ra, Cảnh Yến có muốn giữ cũng không giữ ta lại được. Đêm nay, ngài không phản cũng phải phản.
Hoàng đế bảo ta ngồi xuống. Trước mặt vẫn là bàn cờ thuở ban đầu.
Hắn nói: “Năm ấy, Tiểu Cửu không nỡ bỏ quân cờ đen này nên thua.”
Ta nói: “Bây giờ đã khác.”
Hoàng đế nhìn ta, bất chợt hắn cười hắt ra: “Trẫm rất tò mò. Một viên đá như ngươi, sẽ nâng bước hắn hay cản bước hắn đây?”