Lại nói về Lê Hạo, từ lúc được Thu Hằng nhắc nhở rằng trước sau gì Thu Đào cũng là cung tần của hoàng thượng, chàng không ngừng nhớ đến tháng ngày bên nhau của hai người mà nghe đắng chát trong lòng, vừa muốn níu giữ, vừa cảm thấy quá muộn màng, quá xa vời.
Giữa mùa hè oi ả, Quốc Tử Giám cho miễn đến trường bảy ngày để tránh nóng, mấy ngày không gặp Thu Đào, Lê Hạo cứ luôn canh cánh trong lòng hình ảnh nàng và Lê Tuấn vui đùa bên nhau.
– Ta làm vậy có đúng không? Tam ca có giữ lời suốt đời đối xử tốt với nàng không?
Chàng tự dằn vặt hỏi chính mình. Phút ngậm ngùi, Lê Hạo lấy trên giá sách xuống một quyển sách, trang cuối có bốn câu thơ:
“Canh đã tàn, nhưng trăng non còn đó,
Tiếc đêm trường đóa Quỳnh cố tỏa hương.
Vết thương lòng ngưng kết lại thành sương,
Trên cánh mỏng giọt sương hay giọt sầu!”
Chàng vuốt ve từng dòng chữ và cả hình vẽ đóa hoa đào ở cuối bài thơ.
Thật ra, sau khi Lê Tuấn biết người con gái trong bức họa là đại tiểu thư Thu Đào, chàng đã truyền cho Nguyễn Đức Trung vào yết kiến, tin tức cũng nhanh chóng đến tai Ngô phu nhân và Lê Hạo. Lúc đó, vì muốn ẩn mình tránh xung đột với triều đình, Ngô phu nhân đã hết sức khuyên giải Lê Tuấn nên lùi bước, đừng vì nữ nhi bé nhỏ ảnh hưởng đến đại sự. Vì vậy, mặc dù lòng đau lắm, nhưng chàng đành phải nói ra lời từ chối chân tình của Thu Đào, khiến nàng trong lúc tranh cãi mất bình tĩnh mà trượt chân rơi xuống hồ cẩm lý, khí lạnh nhập thể sinh ra bạo bệnh mà hôn mê hơn ba ngày, lúc tỉnh lại được thì ra cục diện như bây giờ!
Đang mãi suy nghĩ thì Lê Hạo nhận được tin báo có tì nữ Xuân Mai của Thu Hằng đến đưa thư, chàng ra gặp thì nhận được bức thư Thu Hằng hối thúc giao lại bức tranh đã được đề thơ, lý do là nàng muốn nhân bảy ngày không cần đến lớp ở nhà từ từ thưởng thức. Đọc thư xong Lê Hạo liền vào trong lấy bức tranh giao cho Xuân Mai mang về phủ. Chàng vô tư chẳng nghĩ ngợi gì thêm, không biết rằng chính chàng đã góp phần vào mối hiểu lầm sâu sắc với Thu Đào trong những ngày tiếp theo.
Cũng trong lúc đó, Ngô phu nhân nấp sau cánh cửa phòng khách, nhìn thấy tì nữ Xuân Mai vui vẻ mang theo bức tranh ra về trong lòng cũng nhen nhóm hi vọng Lê Hạo sẽ mở lòng chấp nhận Thu Hằng. Tất nhiên nhìn bọn trẻ lớn lên cùng nhau bà đã sớm biết được ý tứ của từng người. Thấy Thu Hằng tiểu thư nhất mực chung tình với con trai, bà cũng cảm động nên luôn tìm các gán ghép, tiếc thay lòng chàng chỉ có Thu Đào, Ngô phu nhân cũng đành bó tay tạm gác lại ý định. Nhưng nay có lẽ ông trời hiểu được lòng người, nên ban cơ hội để bà hoàn thành tâm nguyện. Phần vì bí mật giữa bà và Nguyễn Đức Trung đại nhân, cả hai đều muốn báo đáp ơn cứu mạng, ơn tương trợ của Nguyễn Trãi (*), phần vì e sợ tâm tư của Tuyên Từ thái hậu, trước nay chưa một lần bà dám phản kháng, nay lại càng không muốn vì một Thu Đào mà nảy sinh mâu thuẫn với hai mẹ con thái hậu, bà đã chọn cách âm thầm giúp đỡ Thu Hằng – con gái duy nhất thoát chết của ân nhân – được toại nguyện, quyết định cắt đứt duyên phận của Lê Hạo và Thu Đào.
* * *
Cũng là buổi sáng ngày hôm ấy, tại hoa viên của phủ đệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ.
Tì nữ thân cận Xuân Hoa cầm quả cầu lông chim có ba màu vàng, xanh, trắng rất đẹp mắt đưa cho Thu Đào. Nàng vui mừng chụp lấy “nghiên cứu” ngay. Thì ra quả cầu của người xưa lại như thế này, đế cầu làm bằng một loại vãi mềm, chắc là đã độn nhiều lớp nên vừa mềm vừa đàn hồi. Trên đế là năm khoen đồng giống như đồng tiền có lỗ nhỏ ở giữa, cuối cùng là những chiếc lông chim màu sắc sặc sỡ được may chặt vào đế, khoen đồng bao quanh chân những chiếc lông vũ trông như một bụi cỏ nhỏ mọc ra từ đế và khoen vậy! Thu Đào tấm tắc khen:
– Dễ thương quá! Ở đây ai cũng đá loại cầu đẹp như vậy à?
Xuân Hoa mỉm cười giải thích:
– Đây là quả cầu của hoàng thượng tặng cho tiểu thư vào nửa năm trước, lúc người ngỏ ý muốn cô tiến cung đó.
– Hả? – Thu Đào tròn mắt ngạc nhiên.
Xuân Hoa lại tiếp:
– Trước kia cô đá cầu giỏi lắm, hoàng thượng biết được nên mới tặng vật này để bày tỏ thành ý, mong sau này cô sẽ đá cho người xem đó!
– Trước đây ta và hoàng thượng đã gặp nhau chưa?
– Tất nhiên là chưa rồi, hoàng thượng chỉ xem qua tranh vẽ của tiểu thư thôi!
Thu Đào nghe xong cảm thấy hoàng đế Nhân Tông thật là một kẻ si tình, chỉ được thấy tiểu thư Thu Đào của trước kia qua tranh vẽ mà đã ngày đêm tơ tưởng như vậy rồi. Tiếc rằng thời gian trị vì quá ngắn, sử sách không có nhiều tư liệu về người, nhưng đa số đều viết Lê Nhân Tông cần chính, không đam mê tửu sắc, bằng chứng là tại vị lúc tuổi trẻ nhưng hậu cung vắng vẻ, con cái của ngài cũng không có ghi chép gì.
Nàng chợt thở dài, tự lo lắng cho bản thân:
– Chẳng lẽ ta phải vào làm cung tần cho Nhân Tông, rồi lúc binh biến số phận ta sẽ ra sao?
Xuân Hoa kéo tay Thu Đào lôi về phía vườn hoa ở hậu viện.
– Đại tiểu thư đi thôi, nhị tiểu thư đang chờ kìa!
* * * Hai mươi lăm, hai mươi sáu, hai mươi bảy.. quả cầu tung lên rồi rơi xuống đều đặn theo nhịp chân đá của Thu Hằng.
Bốn mươi mốt, bốn mươi hai.. Thu Hằng trót dùng lực quá mạnh, quả cầu bay vút lên cao, nàng chạy theo nhắm hướng rơi xuống mà đón trong tiếng reo hò của Thu Đào và Xuân Hoa.
– Thu Hằng cố lên!
– Nhị tiểu thư đừng để rơi!
Thu Hằng cố hết sức vươn dài chân ra để đón lấy quả cầu, tiếc thay, chỉ còn một tí nữa là chạm được thì lại trượt mất. Quả cầu rơi xuống đánh “bộp” trong sự tiếc nuối của ba cô gái.
Thu Hằng cúi xuống nhặt cầu lên, nàng cười nhưng vẫn không giấu được vẻ tiếc nuối:
– Chán thật, ta rất ít khi đá được năm mươi lần!
Xong, nàng đưa quả cầu cho Thu Đào:
– Chị thử đi, trước kia chị từng đá hơn hai trăm lần đó!
– Ghê vậy luôn? – Thu Đào thích thú khi nghe chiến tích của “Thu Đào phiên bản real”
Nàng đón lấy quả cầu từ tay Thu Hằng rồi hớn hở tự nói như chỉ để bản thân mình nghe, ai hiểu hay không cũng mặc:
– Để xem Thu Đào “bản supper pha ke (Supper fake)” này đá được bao nhiêu lần!
Nàng nói xong liền ra giữa sân bắt đầu đá thử, bỏ mặc Thu Hằng và Xuân Hoa mặt đần hẳn ra vì nghe phải “từ vựng mới” – cách mà Thu Đào vẫn dùng để nói về từ hiện đại của mình.
* * *
Một, hai, ba.. “Bộp.” Quả cầu rơi xuống đất chóng vánh bất ngờ.
Thu Hằng và Xuân Hoa đồng loạt che miệng cười. Thu Hằng vừa nói vừa cố nhớ lại “từ vựng”:
– Đúng là Thu Đào bây giờ là Thu Đào pha, pha cái gì đó!
Xuân Hoa nhanh nhảu nhắc:
– Là “Pha ke”!
Ba cô gái phá lên cười thích thú.
Đá cầu tuy rất khó, nhưng quả cầu lông chim thật sự rất đẹp, hơn nữa nhìn Thu Hằng và Xuân Hoa thay phiên nhau đá, ai nấy đều được ít nhất hai mươi lần, làm Thu Đào cảm thấy thích thú và quyết tâm tập luyện.
Vốn là nhân viên trong một thư viện của trường đại học, Trà My của trước kia từng đọc qua một quyển sách viết về các trò chơi dân gian Việt Nam, trong đó môn đá cầu có bắt nguồn từ rất lâu rồi. Tương truyền rằng năm Nhâm Tuất (722), Mai Hắc Đế lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đường, ông là người đã khuyến khích và tổ chức cho nghĩa quân thường xuyên tập luyện, giải trí bằng trò chơi đá cầu, nhằm rèn luyện sức khoẻ cho binh sĩ. Từ đó nhân dân quanh vùng Vạn An (Nay là Nam Đàn – Nghệ An) dần dần cũng tập luyện đá cầu, phong trào ngày càng phát triển. Trò chơi này thường được tổ chức trong những ngày lễ lớn mừng chiến thắng của dân tộc. Đến thời Lý, Trần phát triển cực thịnh, phổ biến trong các tầng lớp quý tộc, binh sĩ quân đội, sánh ngang với các môn cưỡi ngựa bắn cung. Đến thời Hậu Lê – Thời điểm mà Trà My đang lạc vào – trò chơi đá cầu đã đạt tới mức tài nghệ điêu luyện, có nhiều người chơi đá cầu giỏi, có người còn dùng tài năng này để đá chúc thọ cho vua, đá hơn trăm lần sẽ được ban thưởng.
Trong lúc Xuân Hoa đang kiên nhẫn hướng dẫn Thu Đào, hai cô gái mãi miết hết nói lại cười, chốc chốc còn đá quả cầu văng tít đằng xa, phải chạy đi nhặt lại mỏi cả chân, thì Thu Hằng đứng ở một góc cố tình ra hiệu cho Xuân Mai mang theo bức tranh của Lê Hạo gửi tặng chạy ra, cố tình gây hiểu lầm cho Thu Đào.
Vừa đến nơi Xuân Mai cố tình nói lớn:
– Nhị tiểu thư, sáng nay em đã mang thư của cô đến Huy Văn Tự cho Lê công tử, công tử dặn dò em mang bức họa này về cho cô!
Nghe đến tên Lê Hạo, Thu Đào bất giác quay đầu lại nhìn, nhưng rất nhanh lại làm ra vẻ không quan tâm rồi tiếp tục cố cười nói cùng Xuân Hoa.
Thu Hằng đón lấy bức tranh, lén nhìn phản ứng của Thu Đào, rồi lại cố ý nói tiếp:
– A! Chàng quả nhiên mang bài thơ tâm đắc viết lên tranh cho ta!
Nói xong lại giả vờ như tinh tế không muốn để chị gái buồn nên lệnh cho Xuân Hoa và Xuân Mai lui về chuẩn bị nước cho hai chị em tắm rửa, mục đích là tạo không gian riêng để nói chuyện với Thu Đào.
Hai người sánh bước đi dạo quanh hồ sen, Thu Hằng bắt chuyện:
– Tỷ nghe thấy tên chàng thì mặt biến sắc, có phải đã nhớ ra điều gì không?
– Không! Chỉ là.. mà thôi, muội không hiểu đâu!
Thu Đào không biết giải thích từ đâu, chỉ biết im lặng cúi đầu. Thu Hằng nhân cơ hội thực hiện viện ám chỉ cho Thu Đào rằng trước đây nàng chỉ là yêu đơn phương Lê Hạo.
– Thật ra, người tài hoa anh tuấn như chàng, lại đường đường là hoàng tử đương triều, nên không chỉ riêng tỷ mà bất kỳ cô nương nào cũng sẽ động lòng thôi!
Thu Đào chăm chú lắng nghe. Thu Hằng nhìn sắc mặt chị gái để phán đoán tình huống, rồi lại tiếp:
– Ba chúng ta lớn lên cùng nhau, chị sớm đã phải lòng chàng.. muội cũng vậy! Em biết rõ lòng tỷ, nhưng tình cảm là không thể miễn cưỡng!
– Ta hiểu!
Thu Đào trả lời nhưng nhìn sang hướng khác để che giấu cảm xúc trong ánh mắt.
Thu Hằng kể:
– Mọi việc vốn đang yên ổn, tỷ vẫn đang kiên trì với tình cảm của mình mặc dù chàng chưa từng đáp lại. Thì đột nhiên triều đình thông báo tuyển tú, tỷ muội ta đều phải có tranh chân dung dâng lên hoàng thượng. Sau đó hoàng thượng có khẩu dụ chỉ chọn được một mình tỷ. Lúc đó tuy cha chưa cho phép nhưng muội đã nghe lén được rồi báo cho tỷ. Biết tin xong tỷ đã chạy đến Huy Văn Tự tìm chàng, muội đoán là tỷ đến.. để bày tỏ chăng?
Nghe câu chuyện của Thu Đào trước đây, Trà My – Thu Đào của hiện tại bắt đầu tin rằng thì ra dù là kiếp nào, chàng vẫn không yêu gương mặt này! Nàng cúi đầu cười buồn, rồi nhìn sang Thu Hằng như muốn nghe tiếp.
– Và cũng có lẽ.. chàng đã nói rõ ý trung nhân trong lòng chàng là ai cho tỷ hiểu rồi!
Thu Hằng giả vờ e thẹn để ám thị cho chị gái rằng Lê Hạo yêu thích mình. Quả đúng như Thu Hằng dự đoán, Thu Đào nghe đến đây thì như bất chợt được khai sáng, nàng hiểu ngay ẩn ý của em gái. Một chút đau, một chút chạnh lòng, một chút tuyệt vọng làm mắt nàng ngấn lệ. Rồi không kiềm được nữa, giọt nước mắt rơi xuống lúc nào không biết.
Hai chị em lặng lẽ ngồi xuống bên bờ hồ, không ai nói thêm lời nào, như ngầm xác nhận với nhau rằng từ đây, người nào mới đúng là nữ chính ngôn tình, người nào chỉ là nữ phụ đơn phương.
Cuối cùng, Thu Hằng muốn thực hiện mưu tính nên khuyên giải tiếp:
– Tuy tỷ đã quên hết mọi việc, nhưng qua ánh mắt muội cảm nhận tỷ vẫn có tình cảm với chàng. Nhưng tỷ phải nhớ rõ, đã được hoàng thượng chọn trúng, thì kiếp này không có cách nào thoát được. Tỷ nên tận hưởng phúc đức làm hồng nhân bên cạnh long nhan. Huống hồ, người trong lòng chàng.. – Lại một lần nữa Thu Hằng cố tình bỏ lửng câu nói, nhắc nhở Thu Đào nên nhường hạnh phúc cho mình.
Thu Đào thở dài ném một viên đá xuống hồ sen, rồi đáp:
– Chuyện trước đây ta đã không còn nhớ gì, thì cũng như là chưa từng xảy ra thôi!
Đoạn, nàng nắm tay Thu Hằng nói:
– Một kiếp người khó tìm được người tâm đầu ý hợp. Mong muội sẽ được hạnh phúc, không bị “ép gả” như ta.
Thu Hằng vỗ vào vai chị gái ra chiều thông cảm, cố nặng ra một nụ cười xóa tan đi bầu không khí nặng nề.
* * *
Ngay hôm sau, vừa hay còn ba ngày nữa là đến Trung Thu, Ngô phu nhân viện cớ muốn học tài nghệ bày trí cắm hoa của Thu Hằng nên gọi riêng nàng đến gặp tại Huy Văn Tự.
Ngồi nhìn Thu Hằng đang mãi miết cắt tỉa, chăm chút từng cành hoa bách hợp cho vào bình, Ngô phu nhân đăm chiêu nét mặt, hoang mang rằng sau khi biết sự thật về thân thế của mình, nàng sẽ thế nào đây. Đoạn, bà bảo nàng ôm theo bình hoa cùng bà đến một căn phòng nhỏ bí mật ở phía sau hậu việc của Huy Văn Tự. Lúc nhỏ nàng và những đứa trẻ khác đều được dặn dò căn phòng nhỏ đó là nơi thờ các vị trụ trì đời trước, chỗ tôn nghiêm không được đến đó chơi đùa. Nhưng hôm nay Ngô phu nhân chủ động dắt nàng vào đây, Thu Hằng tuy lòng đầy nghi hoặc nhưng vẫn giữ nét ngây thơ như mọi khi, đối với nàng, việc giữ kín tâm tư thật sự của mình dù trong hoàn cảnh nào là nguyên tắc bất di bất dịch, chỉ như thế thì mọi tính toán về sau này mới thuận tiện.
Thu Hằng đặt bình hoa lên bàn thờ các vị trụ trì đời trước, ở giữa là một tượng Phật bằng đồng to, hơn mười bài vị xếp thành ba hàng ngay ngắn dưới chân Phật. Ngô phu nhân bước đến bên nàng hỏi:
– Nhị tiểu thư có biết vào tiết Trung Thu phận con cái nên làm gì nhất không?
Thu Hằng lễ phép thưa:
– Thưa phu nhân, tiểu nữ kiến thức nông cạn, chỉ biết Trung Thu là tết đoàn viên, nên bên cạnh phụ mẫu để bày tỏ hiếu thuận!
Ngô phu nhân gật đầu mỉm cười, xong lặn lẽ đi vòng ra phía sau lưng tượng Phật, ở đó còn có một bàn thờ nhỏ treo trên tường, có rèm phủ xuống tận mặt đất, nhìn không kỹ còn tưởng là nơi thờ các vị thánh thần khác. Ngô phu nhân khẽ vén bức rèm lên, phía sau hiện ra một bài vị có ghi “黎朝大功臣阮廌和全家族之牌位” (Bài vị của Nguyễn Trãi đại công thần nhà Lê cùng gia quyến)
– Muốn hiếu thuận với phụ mẫu, trước hết phải biết rõ cội rễ của mình!
Thu Hằng tuy có chấn động trong lòng, nàng hết nhìn vào bài vị rồi lại nhìn sang Ngô phu nhân, nhưng nét mặt vẫn điềm tĩnh chờ đợi lời giải thích từ bà.
* * * Hết chương 7 —-
Chú thích:
(*) Nguyễn Trãi: Đại thần khai quốc nhà Lê, từng giúp đỡ cho Lê Thái Tổ chống giặc ngoại xâm, có công lớn với triều đình, sau này bị vu tội giết Lê Thái Tông nên chịu thảm án tru di tam tộc.