Hồi Đáo Lê Triều

Chương 6: Tâm Tư



Trong khoảnh khắc nhìn thấy Lê Hạo bộc lộ văn tài, cùng với những lời khen có cánh của Ngô Tư Nghiệp dành cho chàng, Thu Đào càng cảm thấy ngưỡng mộ chàng hơn bao giờ hết. Nàng ngồi một mình ở hoa viên của Quốc Tử Giám, tay chống cằm đang mãi nghĩ về Lê Hạo và Sỹ Thành thì Lê Tuấn không biết từ đâu bước đến ngồi cạnh nàng, chàng hóm hỉnh buông lời trêu ghẹo nhưng cũng là để dọ ý:

– Nàng thấy tứ đệ của ta khôi ngô tuấn lại tài hoa nên động lòng rồi đúng không?

Thu Đào thẹn nên chối ngay lập tức:

– Đừng có nói lung tung, ta ngồi đây chờ Thu Hằng, muội ấy đang trao đổi về bức họa lúc sáng với Lê Hạo công tử thôi!

Nói xong câu này, Thu Đào liền đưa mắt đến chỗ Thu Hằng đang đứng cùng Lê Hạo cười cười nói nói, chợt nàng thấy chạnh lòng và ganh tỵ với Thu Hằng lúc này đang được kề cận cùng chàng. Nàng đang rất muốn có cơ hội tiếp cận Lê Hạo để được nhìn chàng, để tìm hiểu xem chàng và Sỹ Thành có điểm nào khác nhau không vv.. và rất nhiều lý do vụn vặt khác, nhưng chung quy là do nàng còn yêu Sỹ Thành, trong mắt nàng thì Lê Hạo chính là Sỹ Thành.

Lê Tuấn thấy nàng nhìn Lê Hạo mà vẻ mặt đượm ưu tư, chàng lại tiếp:

– Thấy ý trung nhân thân thiết với người khác nàng buồn à?

Bị tấn công liên tục và nói trúng tim đen, Thu Đào bất chợt nhìn thẳng vào mắt Lê Tuấn hỏi một câu mà chính nàng cũng không hiểu tại sao bản thân lại dám hỏi:

– Khi nhìn thấy ý trung nhân bên cạnh người khác, Lê công tử có buồn không?

Lê Tuấn bị ánh mắt của Thu Đào nhìn thẳng, chàng thoáng chút bối rối, tim đập sai mất vài nhịp. Chàng cũng bóng gió trả lời:

– Trước kia ta chưa từng phải lòng ai nên không biết!

– Vậy còn bây giờ thì sao? – Thu Đào phản công, như để trả thù Lê Tuấn vì lúc nãy dám làm nàng phải thẹn đỏ mặt.

Không ngờ Lê Tuấn lại có màn đáp trả hoàn toàn áp đảo, khiến cô gái vốn không quá táo bạo như Thu Đào phải chịu thua:

– Người ta thích đang ngồi ngay cạnh ta, nên cũng chưa hiểu cảm giác đó như thế nào!

Quá bất ngờ trước câu pha trò và tán tỉnh cực kỳ duyên dáng, Thu Đào bất giác bật ra một câu “mắng yêu” bằng tiếng Hoa mà lúc học trong lớp nàng vẫn hay sử dụng như một ngôn ngữ của gen Z:

– 渣男! (Tra Nam *)

Lê Tuấn nghe phải từ ngữ hiện đại có chút không hiểu, nhưng lại nhanh chóng đưa Thu Đào sang một bất ngờ khác khi đáp trả ngay bằng Hán văn:

– 什么是 “渣男” 哦? 可是, 你也学过北方的语言呢? (Tra Nam là gì? Nhưng mà, nàng cũng học qua tiếng của người phương Bắc à)

Thu Đào bật cười thành tiếng vì quá thích thú với chàng trai này. Tiện thể nàng hỏi thêm để biết về học vấn của các công tử nhà quan của Lê Triều:

– Có phải các vị đại thần trong triều đình có rất nhiều biết tiếng Hán không? Người cũng từng học qua có phải là để trao đổi với sứ thần phương Bắc không?

Lê Tuấn thấy hiếm có nữ nhi quan tâm vấn đề này nên cũng vui vẻ giải thích cho Thu Đào:

– Đúng vậy, đương kiêm hoàng thượng có chỉ, những vị đại thần có chức vị cao đều cần phải giao tiếp được bằng tiếng Hán, không nói được thì ít nhất cũng phải thông thạo đọc và viết, nhưng quan trọng là phải giữ gìn tiếng nói của Đại Việt ta, tiếng nói của dân tộc còn thì dân tộc ta mãi mãi trường tồn!

Thu Đào nghe đến đây liền nhớ đến câu nói “Tiếng ta còn, nước ta còn” trong bài diễn thuyết quốc văn về Truyện Kiều của tác giả Phạm Quỳnh. Bất giác nàng cảm thấy Lê Bang Cơ đúng là một vị vua tài đức, có tầm nhìn, chỉ tiếc số phận trái ngang khiến người phải ra đi sớm, liền chép miệng cảm than:

– Đương kiêm hoàng thượng quả nhiên là bậc minh quân như lời các sử gia!

Lê Tuấn nghe chưa rõ nên không hiểu lắm, bèn hỏi lại:

– Nàng có nghe qua về đương kiêm hoàng thượng à, nghe như thế nào?

Xong chàng còn đá lông nheo trêu ghẹo Thu Đào, háo hức muốn nghe suy nghĩ của nàng về bản thân mình.

Nhắc đến nhà vua, Thu Đào chợt nhớ đến việc sắp phải tiến cung làm cung tần, nét mặt chùng hẳn xuống, nhưng cũng không quên châm chọc lại Lê Tuấn:

– Lê công tử người cũng to gan lắm, dám trêu ghẹo người Hoàng Thượng để mắt! Vào cung rồi ta sẽ bẩm cáo với Hoàng Thượng xử tội người!

Lê Tuấn nghe đến đây liền bật cười sảng khoái. Xong lại hỏi Thu Đào:

– Nàng thấy Hoàng Thượng sẽ vì một nữ nhân mà “xử tội” thần tử trung thành bên cạnh người không? Nói cho nàng biết, ta là ngự tiền thị vệ của Hoàng Thượng đó!

Nghe đến đây Thu Đào tin ngay, trong lòng nàng thì chức quan “ngự tiền thị vệ” chắc cũng to, vì được tiếp xúc với nhà vua, thấy bản thân yếu thế bèn giận dỗi:

– Hoàng thượng đã ỷ vào quyền lực ức hiếp ta, nên có lẽ sẽ không bênh vực cho ta đâu! Thôi, tiểu nữ xin chịu thiệt thòi để Lê công tử trêu ghẹo vậy!

Lê Tuấn rất ngạc nhiên, không hiểu sao tự nhiên lại bị cho là ức hiếp nữ nhi, đối với nam nhi thời cổ mà nói, hành động này là người quân tử không bao giờ làm. Chàng không muốn ấn tượng của mình trong mắt người thương bị xấu đi, bèn tìm hiểu ngọn nguồn:

– Sao nàng lại nghĩ đương kiêm Hoàng Thượng ức hiếp nàng?

Thu Đào bực bội kể lể:

– Người không biết đấy thôi, ta và Hoàng Thượng chưa từng gặp mặt, người lại muốn nạp ta làm cung tần. Người hoàn toàn không để ý cảm nhận của ta, ta không muốn suốt đời chung sống với người mình không có chút tình cảm. Ở nơi ta sống như vậy gọi là “ép gả”, nữ nhi ở đó có quyền chọn chồng, hơn nữa một người chỉ được lấy một người, không thể tam thê tứ thiếp như Hoàng Thượng được!

Lê Tuấn nghe Thu Đào nói đến đâu thì há hốc mồm đến đó vì ngôn từ của nàng, hơn nữa chàng không ngờ trên đời lại có cô gái không thấy vui mừng khi được bậc đế vương để mắt. Cũng như những người khác, Lê Tuấn rất cần Thu Đào “chú thích từ vựng”:

– Nàng nói sao? “Ép gả” là gì? Mỗi người chỉ được lấy một người à? Mà chẳng phải nàng đã lớn lên ở phủ đệ của Nguyễn đại nhân sao? “Nơi nàng sống” là ở đâu?

Thu Đào phì cười trước vẻ mặt ngốc nghếch của chàng:

– “Ép gả” tức là bắt ép phải thành thân với người mình không yêu thích. Còn về “nơi ta sống”..

Nói đến đây Thu Đào lém lỉnh đưa tay ngoắc ngoắc, ra hiệu Lê Tuấn đến gần hơn để nói nhỏ vì sợ ai nghe thấy. Lê Tuấn có chút ngượng ngùng, vì ở thời đại của chàng, chàng chưa từng thấy qua cô gái nào lại dám chủ động tiếp cận nam nhi như vậy. Nhưng vì tò mò, chàng nhìn trước ngó sau một lượt rồi cũng đến gần, kê sát tai hơn một tí để nghe.

– Nói cho người biết, ta không phải Thu Đào, ta đến từ một nơi so với chỗ này thì xứng đáng gọi là thiên đường, nơi đó không có ai bị “ép gả”, cũng không cần chung lang quân với ai hết!

– Nơi đó là lãnh thổ của vị quốc vương nào? Quốc hiệu là gì? – Lê Tuấn rất hứng thú với lời nói kỳ lạ của Thu Đào, chàng nghi hoặc hỏi.

– Thành phố Hồ Chí Minh – Thu Đào trả lời xong liền bật cười thành tiếng vì thấy thật sự quá hài hước. Nàng đang nói về một nơi văn minh hiện đại cho người của sáu trăm năm trước nghe, chắc hẳn chàng sẽ chẳng hiểu gì cả, và cảm thấy nàng bị ấm đầu. Nhưng không sao, nàng giờ đây cảm thấy mình giống với những vĩ nhân như Nicolas Tesla hay Edison, người đi trước thời đại luôn bị cho là kẻ điên!

Trái với dự đoán của Thu Đào, Lê Tuấn tỏ ra rất tôn trọng lời nói của nàng, không hề trêu ghẹo hay cho là nàng điên như bao người khác. Chàng trả lời với thái độ như rất tin tưởng và sẵn sàng nghe nàng kể tiếp:

– À, thì ra trong ba ngày hôn mê bất tỉnh, nàng nói đã đến nơi khác, là chỗ thành phố Hồ Chí Minh đó à?

Khá bất ngờ với phản ứng của Lê Tuấn:

– Lê công tử tin ta? Không nghĩ ta điên hay là đang cố tình trêu ghẹo người sao?

Lê Tuấn cười hiền, nói từng câu từng chữ lập luận chặc chẽ, nói đúng hết ý nghĩ của Thu Đào:

– Ta tin nàng, thứ nhất là vì tư tưởng nữ nhi thành thân cần phải có tình cảm, lại được phép tự chọn lang quân thật sự rất mới lạ. Nam nhi ngao du tứ hải như ta cũng mới lần đầu được nghe, nếu như không phải nàng đến từ nơi khác, thì một tiểu thư khuê môn như nàng đã biết được điều đó từ đâu? Thứ hai, ta từng đọc trong sách Phật học của các thiền sư Tây Tạng, trên đời có đến ba vạn tám nghìn thế giới, tâm vào định tự khắc sẽ nhìn thấy hoặc thậm chí tiến nhập vào thế giới ấy được. Nàng trãi qua đại nạn không chết, chưa biết chừng nàng thật sự đến từ một nơi không phải thế gian này. Thứ ba là..

Lê Tuấn bỏ dở câu nói, nhìn Thu Đào mỉm cười với ánh mắt tinh nghịch, khác hẳn với gương mặt cảm thông nghiêm túc như từ nãy đến giờ. Thu Đào sốt ruột:

– Thứ ba là gì?

– Mỹ nhân như nàng chắc chắn là tiên nữ, sao có thể là người phàm được! – Lê Tuấn nhìn vào mắt nàng nói.

Chạm vào ánh mắt chàng, mặt Thu Đào đỏ bừng lên vì thẹn. Nàng lại ném cho Lê Tuấn một câu đậm chất hiện đại:

– Lại “thả thính” nữa!

Lê Tuấn đang thể hiện mình là một chàng trai phong độ ngút trời, lại bỗng hóa “đần” vì ngôn ngữ hiện đại của Thu Đào:

– Thả thính?

Thu Đào đứng lên bỏ chạy:

– Không nói cho người biết!

Lê Tuấn đuổi theo xin xỏ:

– Tiên nữ, nói cho biết đi mà, ta muốn học tiếng nói của thiên đình!

Một người chạy, một người đuổi, tiếng cười đùa vang khắp một góc trời của Quốc Tử Giám.

Nhìn Thu Đào nói cười tự nhiên, Lê Tuấn cảm thấy bản thân thật sáng suốt khi cố tình che giấu thân phận trước mặt Thu Đào, chỉ có như thế mới có thể tự nhiên tiếp cận, hiểu được con người thật nhất của nàng. Không biết Thu Đào tiểu thư trước kia là người như thế nào, nhưng Thu Đào ngôn hành kỳ quái, hoạt bát tinh nghịch lúc này đã chiếm trọn trái tim chàng!

– Bên cạnh nàng ta chỉ muốn là Lê Tuấn, không phải hoàng đế gì cả! – Chàng tự nói với bản thân mình.

* * *

Cầm bức tranh vẻ đóa hoa sen trên tay, Thu Hằng tấm tắc khen tài hội họa của Lê Hạo. Đây là bức tranh chàng vốn định sẽ dùng để đề bài thơ “Hoa Sen Non” lên đấy – đúng như đề bài phải có tranh kèm theo bài thơ của Ngô Tư Nghiệp.

– Đúng là tuyệt bút! Tranh thuỷ mặc (*) vẽ trên nền vải, màu sắc hài hòa, sau khi đề bài thơ tả hoa sen của chàng lên thì chắc chắn đây sẽ là tuyệt tác! Lê công tử quả nhiên.. – Thu Hằng đang nói thì ngước lên nhìn Lê Hạo, để rồi im lặng bỏ dở giữa chừng, vì nàng bắt gặp Lê Hạo đang mãi nhìn Thu Đào và Lê Tuấn chơi đùa cùng nhau, hoàn toàn không để ý đến lời nói của mình.

– Lê công tử! – Thu Hằng gọi một tiếng để kéo chàng quay về câu chuyện của hai người.

Lê Hạo bừng tỉnh, và vì ngại ngùng nên đã chữa thẹn bằng một câu trả lời vô thưởng vô phạt:

– À, được, ta sẽ vẽ tặng nàng một bức!

Thu Hằng ánh mắt hơi trách móc:

– Ta đang nói rằng chàng quả nhiên có tài hội họa mà!

Lê Hạo đành thú nhận rằng đã không chú ý đến lời nói của nàng và thành khẩn nhận lỗi:

– Thật sự xin lỗi nhị tiểu thư, ta đúng là đang có chút chuyện bận lòng nên không tập trung trò chuyện cùng nàng, bức tranh này sau khi đề thơ xong ta sẽ tặng nàng để chuộc lỗi!

Thu Hằng mừng rỡ:

– Vậy tiểu nữ không khách sáo, đa tạ chàng!

– Đừng khách khí – Lê Hạo dịu dàng trả lời nàng.

Thu Hằng vui vẻ nhìn ngắm bức tranh thêm một lượt nữa rồi cẩn thận cuốn lại trao cho chàng mang về đề thơ.

Lê Hạo nhìn Thu Hằng một lúc rồi ngập ngừng:

– Nhị tiểu thư, nàng có nhắc với Thu Đào chuyện của ta và nàng ấy không? Nàng ấy thật sự không nhớ chuyện giữa chúng ta thật à?

Thu Hằng hỏi lại chàng:

– Vậy chàng muốn tỷ ấy quên hay nhớ?

Lê Hạo không nói gì, chỉ cúi đầu vân vê bức tranh trên tay.

Thu Hằng lại tiếp:

– Ta biết từ đầu chàng chỉ dành tình cảm cho tỷ ấy, nhưng lẽ nào ta đối với chàng thế nào chàng quả thật không hề hay biết?

– Nhị tiểu thư.. – Lê Hạo chỉ kịp nói ba chữ đã bị Thu Hằng cướp lời tiếp.

– Sao chàng không thể gọi tên ta như vẫn gọi tên muội ấy, ta rất ghét ba chữ “nhị tiểu thư” này của chàng!

– Tình cảm là không thể miễn cưỡng, xin nàng hiểu cho ta! – Lê Hạo phân trần.

Câu nói của chàng như gươm đao cứa vào tim Thu Hằng, mắt nàng đỏ hoe, mặt nóng bừng lên vì ấm ức, thất vọng. Song nàng vốn là một người rất dõi điều chỉnh cảm xúc, hiếm khi bộc lộ tâm tư trước mặt người khác, nên đã nén cơn giận mà tiếp tục xây dựng hình ảnh một cô nương dịu dàng hiểu chuyện:

– Không cần để ý đến ta đâu, nhưng có lẽ chàng đã biết việc Hoàng Thượng chọn muội ấy làm cung tần, về tình về lý chàng không nên tơ tưởng gì thêm nữa! Để tỷ ấy quên đi cũng tốt, ít ra tỷ ấy không chịu đau khổ cùng chàng, có đúng không?

Lê Hạo không nói gì, chỉ thấy lời của Thu Hằng rất có lý, nên chàng chỉ lặng lẽ gật đầu rồi thở dài, ánh mắt lại lần nữa hướng về phía Thu Đào đang mãi trò chuyện cùng Lê Tuấn.

* * *

Thu Hằng ngồi trước gương đồng trong khuê phòng. Nàng cầm chiếc lược gỗ hờ hững chải mái tóc đen dài, mắt đăm chiêu nhìn ra ánh trăng ngoài cửa sổ. Rồi như chợt nghĩ ra điều gì, nàng quay sang tì nữ Xuân Hoa dặn dò:

– Sáng mai ngươi giúp ta mang một bức thư đến Huy Văn Tự cho Lê Hạo công tử, nhớ là phải đi lúc ta và Thu Đào đá cầu buổi sáng, nếu đại tiểu thư có hỏi thì cứ nói là đi đưa thư cho chàng giúp ta!

– Dạ, nhị tiểu thư!

Xong, Thu Hằng mỉm cười thõa mãn, tự nghĩ:

– Thu Đào đừng trách ta, kiếp này dù sao chị cũng là người của hoàng thượng, vinh hoa phú quý hưởng không hết, hà cớ gì chút tình cảm của chàng lại không thể nhường cho ta?

* * *

Trở về hoàng cung, Lê Tuấn đứng trước bức họa vẽ Thu Đào ngắm nhìn không chán mắt và tủm tỉm cười một mình, chàng không thể ngưng nhớ về khuôn mặt xinh đẹp và tính tình cởi mở phóng khoáng của nàng. Tuy ngôn hành có hơi cổ quái, nhưng lại rất thú vị! Là nữ nhi nhưng rất có chính kiến, lời ăn tiếng nói mạch lạc tự tin, khác hẳn các tiểu thư con nhà quan lại lúc nào cũng khách sáo cung kính, một dạ hai thưa, cố sức tỏ vẻ đoan trang đức hạnh khiến chàng nhàm chán vô cùng. Đặc biệt, cách nghĩ “mỗi một người chỉ được thành thân với một người” khiến chàng bật cười. To gan! Dám bắt Trẫm chỉ được yêu thương một mình nàng! – Chàng tự nói một mình.

Đoạn, Lê Tuấn sai Đào Biểu mang đến cho chàng vải và bút mực vẽ tranh, sau đó tự tay treo mảnh vải trắng hoàn toàn chưa vẽ gì kế bên bức họa của Thu Đào, chàng cầm bút lên, suy nghĩ một chút rồi lại mỉm cười phát họa những nét đầu tiên.

* * * Hết chương 6 —-

Chú thích:

(*) Tranh thuỷ mặc: Hay còn gọi là thuỷ mạc, là một loại tranh xuất xứ từ Trung Quốc, thường là vẽ thiên nhiên, non nước kết hợp với nghệ thuật thư pháp.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.