Hoàng thái phi không vừa lòng:
– Nhà quyền quý hay nhà thường dân cũng đều do miệng ngọc lời vàng của bệ hạ chọn ra cả. Khi ấy ta không ưng bụng, nhưng bệ hạ nói chắc như đinh đóng cột rằng quyền quý và thường dân đều thần dân của người, mài dũa ít lâu ắt sẽ thành ngọc quý. Tuyển tú mất trọn một năm Nguyên Hựu thứ tư, đến nay đã gần hết năm Nguyên Hựu thứ năm, vị chi là gần hai năm*. Mài dũa kha khá lâu, ắt họ đã sắp thành ngọc quý cả rồi. Những tám cô xinh đẹp khéo léo, sao không thấy bệ hạ tin cậy gửi gắm việc đại sự cho họ?
Thân Long Chương cười, tỏ ý hối lỗi:
– Đó quả thật là chỗ thiếu sót của con. Khi ấy con đã nghĩ tuyển tiểu thư nhà quyền quý nhiều, ai nấy đều đã kinh qua tranh đấu hậu viện, ắt sẽ khiến hậu cung trở thành một nơi gió tanh mưa máu. Đến nay con mới thấm thía lời vàng ngọc của mẫu phi. Các phi tần xuất thân thường dân vẫn phải được rèn luyện nhiều hơn. Nhưng chuyện chọn người nuôi nấng Vĩnh Xuân chỉ e không chờ thêm được nữa. Mong mẫu phi chớ trách!
Nói đến đây, Hoàng thái phi lại sầu lo:
Gấp gáp đến thế sao? Nay đã là dịp cuối năm rồi. Từ triều đình cho đến hậu cung đều bận rộn. Không chờ sang năm được à?
– Đầu năm mới là lúc diễn ra các sự vụ lễ lạt cúng tế quan trọng, càng bận rộn hơn nữa. Phải đến tầm tháng ba mới được ngơi nghỉ chút ít. Thế thì muộn quá! Vĩnh Xuân là công chúa trưởng, không thể chậm trễ thêm được. Con đã bảo quan chủ quản các cục các ty thưởng thêm cho cung nhân hai tháng lương để tránh họ sinh lòng oán than mà lỡ dở ngày lành, động tay động chân hãm hại công chúa của trẫm!
Hoàng đế càng nói, thần sắc càng khắc nghiệt. Câu cuối của ngài cơ hồ tràn ra từ khớp hàm đang nghiến chặt.
– Mẫu phi có biết con đã tra ra được thứ gì không? Có kẻ rắp tâm nhỏ thuốc độc lên gối đầu của Vĩnh Xuân. Thái y nói đó là một loại độc mạn tính thông dụng ở tiền triều, đã bị cấm tiệt ở triều ta. Nếu không giải độc sớm, con bé sẽ trở thành một kẻ lạnh nhạt với những người chí thân, thường xuyên phải chịu đau đớn quằn quại, trở nên độc đoán, hà khắc, phải tìm niềm vui từ việc đánh giết người khác. – Thân Long Chương vừa nghiến răng nghiến lợi, vừa để tâm quan sát nét mặt Hoàng thái phi. (29
Cứ như thế, ngày sau Vĩnh Xuân sẽ trở thành một cô công chúa bị toàn thể triều thần lên án, đánh mất sự sủng ái của vua cha. Hoàng thái phi vừa nghe đã biết tỏng cháu gái Trinh phi của mình dính líu ít nhiều đến vụ việc này. Tim bà đập vang như sấm đánh. Bà kinh hoảng:
– Rốt cuộc là kẻ nào đã làm ra chuyện độc địa nhường ấy? Bệ hạ đã tra ra được chưa?
– Chưa ạ! – Hoàng đế lạnh mặt.
– Sẽ tra ra sớm thôi. Mẫu phi chớ lo lắng.
Hoàng thái phi đè nén cơn hốt hoảng trong lòng, nói với vẻ lo âu.
– Nó là công chúa hoàng thất. Sao ta không lo lắng cho được?
Hoàng đế không để tâm tình ảnh hưởng đến mọi việc. Ngài tiếp tục câu chuyện:
– Mẫu phi đồng ý rồi phải không ạ?
– Vậy còn phi tần xuất thân nhà quan khác thì sao? Sao không thấy bệ hạ triệu hạnh lần nào? – Hoàng thái phi thuận theo ý ngài.
– Con nghe nói Từ ngự thị không hòa thuận với chúng tần ngự. Nếu sớm sủng hạnh, chỉ e thị ỷ vào thánh sủng mà kiêu căng ngỗ ngược, gây mất hài hòa cung cấm.
Nghe Hoàng đế nhắc tới Từ Tố Chiêu với giọng điệu không mấy hài lòng, Hoàng thái phi sửng sốt:
Bệ hạ chưa một lần chung đụng với Từ thị. Sao lại nghĩ về nàng như thế? Có ai thủ thỉ bên tai ngài phải không? Hậu cung ganh đua, khó tránh bôi xấu nhau. Bệ hạ chớ tin là thật.
– Con nghe ngóng tin tức từ đợt tuyển tú, nghe các Trưởng công chúa, Quận chúa nhắc thoáng qua trong buổi cung yến tiết Trùng Dương năm ngoái. Tuy nói là lời đồn nhưng ít nhiều cũng có vài phần đáng tin. Vả lại, còn nhờ mẫu phi nữa đó ạ. Đám cung nhân báo cho con biết Từ ngự thị chọc giận mẫu phi. Thật vô phép tắc! Sao mẫu phi không răn đe thị để làm gương cho chúng phi tân?
Dung mạo và phong thái của Lâu Nguyệt Dao đặt ở nội cung trăm hoa khoe sắc cũng không mấy người sánh kịp, nay lại quá thịnh sủng, Hoàng thái phi có ý nâng đỡ Từ Tố Chiêu hòng cân bằng thế cục hậu cung. Không ngờ Hoàng đế lại vin vào chuyện bà quở trách nàng ta đợt trước để khước từ. Bà dịu giọng, tỏ ra thương xót:
Mẫu phi chỉ muốn Từ ngự thị đặt tâm tư ở trên người bệ hạ nhiều hơn, biết tranh thủ để sớm ngày nhận được thánh sủng chứ nào có ý quở trách nàng. Bệ hạ không biết đó thôi. Bọn cung nhân hay thêm mắm dặm muối, bôi xấu Từ ngự thị. Mẫu phi trông nàng cũng đáng thương. Trước nay bệ hạ vẫn luôn rải đều mưa móc. Cớ sao rải đến Từ ngự thị lại ngừng đột ngột? Nàng ta là tiểu thư khuê các được nuông chiều, bản thân cũng là người xuất chúng nhất. Tự dưng bị ghẻ lạnh, bị vượt mặt bởi những người không bằng mình, Từ ngự thị hoang mang, buồn bực âu cũng là chuyện thường tình. Vả lại…
Hoàng thái phi cất giọng thân tình:
– Từ Thái phó đã trí sĩ*, nhưng nhân mạch khi xưa vẫn còn. Lương Quốc công và mấy đứa con trai của ông ta đều là tướng tài của triều ta. Biên cảnh phía tây đã có nhà Đoan phi lo. Nhưng còn phía bắc, phía đông, nơi nào mà không có di rợ? Bệ hạ chớ làm lạnh lòng thần tử.
Quả thật gần đây biên cảnh phương bắc không ổn định. Hoàng đế cũng đang đau đầu về vấn đề này. Ngài bảo:
– Lời mẫu phi răn dạy, con xin ghi nhớ. Hôm nay con đến đây trước là để cáo lỗi với mẫu phi. Trong triều gần đây nhiều sự vụ, con không thể thường xuyên đến hầu cơm nước, thuốc thang. Phận làm con không đến hầu hạ mẫu phi sớm chiều đã là bất hiếu. Thứ nữa là chuyện của Vĩnh Xuân. Tuy con là thiên tử, song có nhiều chuyện cần phải cân nhắc, lấy bỏ như thế nào cũng phải đặt lên bàn cân so sánh, không thể vẹn toàn giữa tình và lý được. Kính mong mẫu phi hiểu cho con.
Nói một tràng đạo lý hay ho, cuối cùng chẳng phải ngài đã vẹn cả lý lẫn tình đấy ư? Tiếc thay, Hoàng đế chọn vẹn toàn tình lý với Vĩnh Xuân chứ không chọn chiều lòng bà.
Hoàng thái phi tức thì có tức, song cũng đành tạm hoãn. Bà tỏ ra đau lòng, nắm tay Hoàng đế khuyên nhủ:
– Chuyện đã rồi, nhắc lại làm chi nữa? Mẫu phi biết bệ hạ bận rộn chuyện chính sự. Con không đến chuyện trò với mẫu phi cũng chẳng sao. Nhưng dù có thể nào cũng hãy giữ gìn thánh thể. Muôn dân thiên hạ còn cần bệ hạ che chở. Mẫu phi cũng cần bệ hạ che chở.
– Ngoài ra con còn có một chuyện muốn bàn với mẫu phi.
Thánh giá đi rồi. Tô Thiến bảo cung tỳ, thái giám đóng chặt cửa lớn Vĩnh Ninh. Cung Vĩnh Ninh mới đó còn náo nhiệt, thoáng chốc trở nên yên tĩnh, trang nghiêm, dường như tách biệt với phần còn lại của cấm thành.
Chính điện truyền đến từng đợt âm thanh rơi vỡ loảng xoảng. Tô Thiến nhìn Hoàng thái phi đầu bù tóc rối đứng giữa hằng hà sa số những mảnh vỡ của đồ sứ tiến cống. Cô ta vừa tiếc đống đồ sứ giá đáng ngàn vàng ấy, vừa xót thay người chủ nhân tôn quý của mình. Tô Thiến quỳ mọp một bên tính chờ Hoàng thái phi quăng bể hết đồ sứ trong điện chính mới lên tiếng khuyên nhủ. Ngờ đâu, một mảnh vỡ bén ngót sượt qua bàn tay đang áp lên sàn điện khiến Tô Thiến xuýt xoa.
Hoàng thái phi dừng động tác. Trước cái nhìn đăm đăm của bà, Tô Thiến khẩn khoản nói:
–
– Nương nương cũng biết tính bệ hạ vốn thế. Sao còn tức giận mà hại thân?
– Ngươi không còn khuyên ta đừng quăng bể đồ như lần đầu nữa nhỉ? – Như bị khơi dậy kí ức buồn cười, Hoàng thái phi mỉm cười. Nhưng không hiểu sao Tô Thiến càng trông, càng buồn bã thay bà.
– Chúng đều là những vật vô tri vô giác. Nếu có thể lấy thân để xoa dịu cơn thịnh nộ của Hoàng thái phi nương nương thì không uổng phí tâm huyết của thợ thầy khéo tay.
– Bệ hạ nay đã ngồi vững ngai báu, đủ lông đủ cánh rồi thì bắt đầu không xem bản cung và thế tộc họ Hà ra gì nữa.
Hoàng thái phi không bị lời lẽ của Tô Thiến làm xao nhãng việc chính. Khuôn mặt bà trầm lặng như nước. Bóng dáng người đàn bà đắm mình trong quyền thế lâu năm đứng giữa chính điện đốt than sưởi ấm áp toát ra vẻ lạnh lẽo đến lạ.
Tô Thiến lờ đi cơn đau. Cô ta trộm nghĩ chưa hẳn bệ hạ không chịu nể nang Hoàng thái phi và nhà bà. Nói đúng ra là xét những hành vi của Hoàng thái phi từ ngày Hoàng đế Nguyên Hựu đăng cơ đến nay, có những việc đã vượt quá sức chịu đựng của một quân chủ. Hoàng đế bệ hạ vẫn đối xử ân cần với cung Vĩnh Ninh, đủ để thấy được ngài biết nhớ ơn nghĩa, biết báo đền trọng hậu.
Hơn nữa, Tô Thiến có một suy đoán đáng sợ rằng bệ hạ để người kia dưới mí mắt mình, liệu có phải ngài đã biết chuyện khi xưa hay không? Biết được mấy phần? Liệu có biết Hoàng thái phi…
Tô Thiến bụng bảo dạ như thế chứ chẳng dám nói ra. Chung quy cũng là lỗi sai của bề trên, mọi người đều muốn giấu nhẹm đi, nói ra sẽ thành phạm thượng.
– Chắc chắn không phải như thế đâu ạ. Nương nương chớ suy nghĩ thế! Xưa nay bệ hạ luôn rất mực tôn kính nương nương. Có của ngon, vật lạ chưa bao giờ quên đưa tới cung Vĩnh Ninh. Các tước vị ngài phong thưởng cho dòng tộc Hà thị cũng thuộc hàng nhất nhì trong kinh thành. So với…
– Bản cung không muốn nghe.
Hoàng thái phi ngắt lời Tô Thiến. Hai mắt bà long sòng sọc. Hộ giáp* đâm vào lòng bàn tay đau nhói nhắc nhở Hoàng thái phi phải giữ lấy những chân lý bà luôn tôn thờ trong quãng đời cô quạnh dài đằng đẵng.
– Đi! Gọi Trinh phi tới đây cho ta!
– À không! – Hoàng thái phi lập tức đổi giọng. Hoàng đế vừa đi, bà đã gọi Trinh phi tới nói chuyện, có khác nào thú nhận với Hoàng đế rằng phe cánh cung Vĩnh Ninh đích thực đã làm chuyện khuất tất.
– Cuối năm trong cung có nhiều điều phức tạp cần phải kiêng tránh. Đây là năm đầu tiên các phi tần đợt tuyển tú năm Nguyên Hựu thứ tư ăn tết trong cung, ta muốn dặn dò bọn họ đôi điều. Ngươi đi truyền lệnh tới các cung, ngày mai tới cung Vĩnh Ninh vấn an.
Chú thích:
* Truyện sẽ đề cập khá nhiều tới những vụ việc trong các kì tuyển tú. Để hợp lý hóa thời gian xảy ra, Mèo sẽ kéo dài thời gian của một kì tuyển tú. Từ khi Hoàng đế bắt đầu ban bố chiếu lệnh chọn con gái dâng tuyển tới các địa phương. Thời gian diễn ra vòng sơ tuyển, đến vòng tập trung các tú nữ vào ở cung Ngọc Tú để dạy dỗ cung quy. Tham gia vòng điện tuyển để Hoàng đế chọn rồi tới khi các nàng về nhà đợi kết quả, nhận thánh chỉ là tròn một năm. Đây là quy ước dành riêng cho truyện, không phải lỗi.
* Niên hiệu: đây là vấn đề mà Mèo đã quên chưa chú thích. Niên hiệu có thể hiểu là tên gọi của một giai đoạn trị vì của một Hoàng đế. Trong truyện, niên hiệu của Thân Long Chương là Nguyên Hựu: hựu – phúc lành, nguyên – đầu tiên, đứng đầu (giải nghĩa từ web Thi viện). Chữ Nho có nhiều cách giải nghĩa, nét nghĩa “phúc lành đầu tiên” là cái mình chọn. Một vị vua cả đời có thể có nhiều niên hiệu, đổi xong thì không sử dụng niên hiệu trước đó nữa.
Ví dụ như vua Lý Thần Tông của nước ta có hai niên hiệu trong suốt quãng thời gian trị vì của mình: Thiên Thuận, Thiên Chương Bảo Tự.
Nếu một vị vua băng hà vào giữa năm, vua mới lên ngôi sẽ sử dụng tiếp niên hiệu của tiên đế cho đến hết năm, sang năm sau mới đổi niên hiệu.
* trí sĩ: thôi làm quan, về nghỉ
* hộ giáp là đồ bảo vệ móng tay. Do quý tộc thời xưa quan niệm để móng tay dài chứng tỏ người đó có người hầu hạ, không cần động tay vào bất cứ việc gì. Móng tay dài cần có thứ mang ngoài để bảo vệ, tránh gãy móng nên mới có hộ giáp.