Vì chuyện nuôi dưỡng công chúa Vĩnh Xuân, Hoàng đế và Hoàng thái phi giằng co một trận ở cung Vĩnh Ninh.
– Ta đã hỏi bệ hạ chuyện này từ sớm, suy xét biết bao mặt lợi, mặt hại. Thế mà bệ hạ chọn ai không chọn, lại đi chọn một phi tần còn chưa đứng hàng tài nhân ngũ phẩm tới nuôi nấng công chúa do Hoàng hậu sinh hạ!
Bị hớt tay trên bởi một phi tần còn non và xanh, Hoàng thái phi bất chấp hình tượng đoan trang, hiền lành mọi ngày mà nổi cơn thịnh nộ. Bà ngồi trên chiếc trường kỷ làm bằng gỗ tử đàn lót mấy tấm da thú dày, lạnh mặt quở trách thằng con trai nuôi cứng đầu.
Hoàng đế Nguyên Hựu bưng chén trà gừng táo đỏ kỷ tử do Tô Thiến mang vào tới dỗ dành Hoàng thái phi.
– Mẫu phi hãy uống chén trà làm ấm thân cái đã. Chuyện này để từ từ hằng bàn.
Hoàng thái phi từng mang thai bảy tháng rồi bị lưu thai. Thái y nói do cơ thể bà thiếu khí huyết nên mới dẫn tới tình trạng ấy. Sau ngày Đông chí hàng năm, Hoàng thái phi không ốm vặt thì tay chân cũng bị lạnh buốt dù đã đốt nhiều than sưởi, nhất là khi tuổi tác đã bước sang độ lục tuần. Cũng bởi thế mà mỗi lần các địa phương hay các nước phụ thuộc dâng cống, Hoàng đế đều lựa lấy những tấm da thú hoàn chỉnh nhất, dày dặn nhất để cho
Hoàng thái phi may áo choàng, mũ, bao tay, hoặc lót chỗ nằm, chỗ ngồi. đ
Nghe con trai nuôi dỗ ngọt, nét mặt Hoàng thái phi bớt khó chịu. Nhưng, bà vẫn không quên chuyện chính sự.
– Từ từ hằng bàn? Bệ hạ giấu kĩ tới mức phải đợi đến ngày lành thích hợp để chuyển nhà do Tư Thiên lệnh* bên
Tư Thiên giám trình lên mới chịu hé cho già này biết tin. Để từ từ thêm ít lâu nữa là sang năm sau mất rồi.
Hoàng đế vẫn duy trì tư thế khép nép bưng trà, cười đáp:
– Con báo cho mẫu phi trước đó rồi còn gì! Con đã xin với mẫu phi để Vĩnh Xuân quyết định chuyện chọn người nuôi nấng đó ạ. Mẫu phi cũng ưng thuận rồi mà.
Hoàng thái phi nhận chén trà, vỗ vỗ chỗ bên cạnh, ý bảo Hoàng đế ngồi xuống cạnh mình. Thân Long Chương lắc đầu bảo không dám. Ngài ngồi xuống cái đôn con con mà Tô Thiến hợp thời kê bên trường kỷ của Hoàng thái phi.
– Ưng thuận thì ưng thuận. Nuôi nấng hoàng tự đâu phải chuyện đùa. Vĩnh Xuân nào phải hoàng tự do phi tần bình thường sinh ra, nó là công chúa của Hoàng hậu kia mà. Con bé còn ít tuổi, hứng lên là chọn ngay được. Con là vua cha của nó, chẳng lẽ không dám răn dạy nó sao?
Hoàng thái phi lườm nguýt Thân Long Chương.
– Còn chiều theo nó nữa! Theo ta thấy chỉ e là không phải một mình nó tùy hứng thôi đâu.
Hoàng đế cười cười:
– Chẳng lẽ mẫu phi cũng cho rằng con vì sủng ái phi tần nên mới giao công chúa lá ngọc cành vàng cho nàng chăm nom?
Chứ còn gì nữa? Hoàng thái phi suýt tí nữa đã bật thốt câu ấy rồi. Bà mím môi, tỏ ra không hài lòng:
– Toàn thể cung nhân, phi tần đều cho là vậy.
Thân Long Chương thôi cười. Ngài nghiêm mặt, giãi bày với người mẹ đã nuôi nấng mình từ năm lên bảy.
– Tuy nói con thân là thiên tử. Mỗi một ngôn hành, cử chỉ đều bị muôn dân thiên hạ nhìn vào mà soi xét. Nhưng trong chuyện này, người ngoài có nói thế nào, con cũng không quan tâm. Con chỉ mong được mẫu phi tin tưởng.
Hoàng đế đã khẩn khoản giãi bày, Hoàng thái phi có tức đến mấy cũng phải dịu bớt đôi phần.
Thế bệ hạ nói thử xem. Lâu mỹ nhân kia có chỗ nào hơn được Trinh phi, Đoan phi, Triệu tiệp dư mà lại được bệ hạ tin cậy, giao phó trọng trách nuôi nấng hoàng tự?Đoan phi và Trinh phi đều xuất thân từ dòng dõi vương công quý tộc triều ta, theo nâng khăn sửa túi cho con đã lâu. Từ nơi tiềm long* đến nay, hai nàng biết tu dưỡng đạo làm phi tần, giữ hòa khí chốn hậu viện, đều đã từng mang thai sinh nở. Thiết nghĩ tương lai hai nàng sẽ không dừng lại ở bậc phi nhị phẩm.Hoàng thái phi nghe tới đó, hai mắt tỏa sáng. Tham vọng ngôi trung cung lại rần rần trong người bà.
– Hai phi Đoan, Trinh sinh hạ thêm con nối dõi đã là chuyện hiển nhiên. Con không muốn để Vĩnh Xuân gây phiền nhiễu đến hai nàng.
Hoàng thái phi còn đang định bảo Trinh phi nhất định sẽ không thấy phiền hà, nhất định sẽ chăm nom công chúa
Vĩnh Xuân tốt hơn ai hết thì Hoàng đế đã tiếp lời, chẳng cho bà chỗ trống mà xen vào.
– Dĩ nhiên Đoan phi, Trinh phi sẽ không thấy phiền hà. Nhưng con thương xót hai phi trông nom con trẻ mệt nhọc, chỉ e sẽ làm lỡ chuyện khai hoa kết quả. Triệu tiệp dư…
Nói đến đây, giọng điệu của Hoàng để thêm phần ngậm ngùi, thương cảm.
Năm đó đứa trẻ đầu lòng của nàng mà bình an thì con đã có hoàng tử trưởng. Hoàng hậu Nhân Cung có lỗi sai của nàng ấy, nhưng suy cho cùng Hậu đã về cõi tiên, xét công lao cũng chẳng kém cạnh những vị trung cung đời trước. Coi như là lấy công bù tội. Nhưng nỗi đau của Triệu tiệp dư chẳng thể bù đắp được, con định đợi nàng ấy sinh con sẽ cho nàng lên bậc cửu tần tam phẩm để yên ủi tiệp dư phần nào. Tương lai hàng phi trống chỗ, nàng ấy có thêm nhiều con cái, vẫn biết giữ nết thuận hòa, thờ phụng bề trên kính cẩn như hiện nay thì thăng làm phi cũng đủ tư cách.Bệ hạ biết nhớ điểm tốt của người cũ, ban ân trọng hậu, tất nhiên là sáng suốt rất mực. Nhưng đã nghĩ được như thế, lẽ nào bệ hạ không nghĩ tới chuyện giao Vĩnh Xuân cho Triệu tiệp dư? Hơn nữa, Triệu tiệp dư xuất thân cung tỳ, lên tới tận hàng phi nhị phẩm, liệu có phải ân sủng thái quá hay không?Nói gì thì nói, Hoàng thái phi vẫn không hài lòng. Nhớ đến cảnh đám phi tần lứa mới được hai phi Đoan, Trinh dẫn đến cung Vĩnh Ninh bái kiến lần đầu, bà tấm tắc khen Lâu mỹ nhân đoan trang, khéo léo, còn ban thưởng cho ả ta. Nay con ả đã lòi đuôi cáo ra rồi đấy!
– Mẫu phi nói chí phải. Chính vì Triệu tiệp dư vốn là cung nhân, con cũng có điều lo ngại, nên mới không dám giao công chúa do Hoàng hậu sinh hạ cho nàng. Nhưng cung nhân cũng có dăm bảy loại. Triệu tiệp dư khi ấy đã thông qua kì thi tuyển nữ quan bên Lục cục, thiếu chút nữa là được nhận thánh chỉ sắc phong, nhậm chức ở Ty bộ thuộc cục Thượng cung. Đức tiên đế Thế Tông nghe nói cung nhân họ Triệu luôn giữ khuôn phép, phẩm hạnh tốt đẹp, có tướng dễ sinh nở nên mới ban cho con làm thiếp hầu. Tuy nói làm cung quan thua xa làm phi tần, nhưng mỗi bận thoáng nghĩ tới chuyện này, con luôn cảm thấy thiệt thòi cho Triệu thị. Vả lại, ân đức của quân phụ sánh ngang trời đất, con không sao báo đáp hết được, chỉ có thể dời sang ban ân cho phi tần mà thôi.
Thân Long Chương nói đủ cả lý lẫn tình, còn mang cả tiên để ra chặn họng Hoàng thái phi. Bậc quân vương lấy hiếu đức để giáo hóa muôn dân, bà mà ngăn cản thì chẳng khác nào không chịu cho con trai làm tròn đạo hiếu với cha nó, tỏ ra mình đuối lý trước bàn dân thiên hạ.
Lời ngài nói không phải không có lỗ hổng để bắt bẻ, nhưng o ép thái quá, chỉ tổ làm rạn nứt tình mẫu tử, khiến
Hoàng đế thêm phần khó chịu với Trinh phi. Nghĩ thế, Hoàng thái phi chẳng thốt ra lời nào nữa. Và Thân Long Chương thì nhân lúc Hoàng thái phi chịu xuôi xuôi mà giãi bày tiếp.
– Lâu mỹ nhân là con gái nhà quan. Luận dòng dõi không hiển quý được như nhà Đoan phi, Trinh phi, Từ ngự thị.
Song, cha ông nhà họ đã làm quan qua hai đời vua thông qua khoa cử*, cũng được tính là nhà thư hương. Lâu mỹ nhân được dạy dỗ nghiêm khắc không thua kém các tiểu thư thế tộc truyền đời. Tính tình nàng hiền thục, hòa nhã, ắt có thể làm gương cho con trẻ noi theo. Phi tần từ hàng tài nhân ngũ phẩm trở lên mới bắt đầu được làm lễ sách phong*, được ban áo mũ triều phục, đủ tư cách nuôi nấng hoàng tự. Tất nhiên, Lâu mỹ nhân chưa đến bậc ngũ phẩm nhưng kì tuyển tú đầu tiên chỉ kén lấy hai người thuộc dòng quan tước quyền quý, con cũng nên ban ân trọng hậu để bá quan văn võ trong triều được tỏ tường nhân đức của đế vương. Lâu mỹ nhân sẽ không dừng ở hàng mỹ nhân thất phẩm lâu ngày.
Hoàng thái phi nghĩ bụng Hoàng đế mới chung đụng với Lâu mỹ nhân chưa được bao lâu, vậy mà đã chắc chắn nàng ta hiền thục, đủ sức làm gương cho hoàng tử, công chúa rồi. Hậu phi trong cung cấm mà không mưu mô, ở đấy mà đòi con cái bình an trưởng thành. Hiền thục hay không đâu phải xét mỗi xuất thân và vài lần sủng hạnh là nắm rõ. Cứ nhìn hoàng tử phi Vương thị là biết.
Thị vào phủ hoàng tử sớm nhất, thế mà lại bị Triệu thị giành trước cơ hội mang thai con nối dõi. Tất nhiên Hoàng thái phi cũng hiểu đạo lý thiếp hầu mang thai con trưởng trước là sự sỉ nhục đối với chính phi. Nếu bà là thị, bà cũng thẳng tay trừ mối hậu họa, lo sau chi bằng lo trước.
Song, đứng ở góc độ mẹ chồng, Hoàng thái phi cảm thấy Vương thị không đủ khoan dung. Rằng trên triều lục hoàng tử so với Hoàng thái tử do Hoàng hậu Thuận Đức sinh ra thì vẫn còn kém chút lợi thế. Nếu nhân cơ hội con đầu lòng của Thân Long Chương ra đời, mượn cái miệng của tay quan thần nào đó đề cập với tiên đế rằng lục hoàng tử nay đã làm cha, có thể thấy là đã chín chắn hơn, đề nghị tiên đế sai hắn phụ giúp việc nước, mai sau đỡ đần cha anh. Về sau Thân Long Chương nhớ tới, ắt sẽ nghĩ mình có lỗi trước, thấy hoàng tử phi rộng lượng, giúp hắn kiến công lập nghiệp, sẽ quý trọng Vương thị hơn. Cớ sao không làm?
Nhưng Triệu thị kia cũng lắm mưu mô. Không biết thị ta làm cách nào mà xin được cả hai trắc phi Tống thị tức
Đoan phi bây giờ và Nghiêm thị* – cháu gái Trinh phi của bà che chở, còn giữ rịt lấy lục hoàng tử ở lại viện mình.
Hoàng thái phi muốn lấy con trưởng kiềm chế con đích của hoàng tử phi Vương thị sau này, tranh thủ cơ hội cho con trai của cháu gái mình, bèn giúp một tay. Cẩn thận đến thế mà sự tình vẫn không xong. Đến tháng thứ bảy,
Triệu thị sinh non, đứa trẻ kia không qua khỏi. Nghe thái y nói đó là một hoàng tôn.
Theo thông lệ của hoàng thất triều Thân, trẻ con chưa đầy tháng thì chưa được vào ngọc phả hoàng thất, càng không được tính thứ tự. Lục hoàng tử Thân Long Chương lại đau xót khôn nguôi. Hắn mượn lý do đứa trẻ đó do thiếp hầu mà vua cha ban cho sinh hạ, dù chết non, cũng nên được vào ngọc phả, được có cái tên đàng hoàng.
Tiên đế nghe hắn rơm rớm nước mắt khẩn cầu, ngài tin và chuẩn cho. Sau này, Hoàng thái tử dần thất thế, tiên đế cũng mang chuyện này ra nói trước triều thần. Ngài bảo Long Tộ không có hiếu bằng Long Chương. Long Chương luôn tôn kính ngài, luôn coi ngài là trời của hắn. Ân điển ngài tiện tay ban cho, Long Chương cũng nhớ mãi không quên. Lời ngài răn dạy, hắn nhất định sẽ tuân theo.
Thậm chí, đến khi hấp hối, ngài nắm tay Thân Long Chương dặn dò những lời cuối cùng cũng còn nhắc đến.
Chú thích:
Tư Thiên lệnh: chức quan đứng đầu Tư Thiên giám. Tư Thiên giám là cơ quan chuyên lo việc tính toán lịch pháp, thiên văn, coi ngày giờ cát hung… Còn có tên gọi khác là Khâm Thiên giámNơi tiềm long: tiềm là lặn, ẩn náu. Nơi tiềm long tức là chỗ rồng lặn, chỉ nơi vua ở trước khi lên ngôi. Trong truyện có dùng một từ mang nghĩa tương đương là tiềm để (để: dinh, phủ). Giải nghĩa các từ tiềm, để theo phần chú giải của web Thi viện.Đề cập tới ba con đường làm quan thời phong kiến: tiến cử (nhờ người có uy tín tiến cử với vua chúa), nhiệm tử (triều đình bổ nhiệm con cái quan lại trong triều làm quan), khoa cử (sĩ tử vượt qua kì thi, được đề tên trên bảng vàng, được phong quan). Hai phương thức tiến cử, nhiệm tử càng về sau càng ít được coi trọng bằng khoa cử.Hoàng đế nhắc tới vụ này tức đang nói cha ông Lâu Nguyệt Dao làm quan bằng thực lực.
* Lễ sách phong: lễ phong tặng hàm tước có trao sách làm bằng kim loại, vàng, ngọc,… cho đối tượng được phong. Trong sách có viết lời khen ngợi, lý do phong tước và lời mong mỏi của Hoàng đế (nếu có) dành cho đối tượng được phong. Đối với những điển lễ phong tước cho những người có vị trí quan trọng như Hoàng hậu,
Hoàng thái tử, còn có thể sử dụng một từ trang trọng hơn là sách lập.
* Trinh phi họ Nghiêm: Trinh phi là cháu gái đằng ngoại bà con xa với Hoàng thái phi họ Hà nên khác họ với bà.