– Huynh… huynh gọi Hoàng hậu là Hoàng Ngạc nương, chữ đó nghĩa là gì? Có phải là mẹ ruột không?
– Không, chẳng qua vì bà ấy là Hoàng hậu, nên tôi phải gọi thế, chứ mẹ ruột tôi là bà Du Phi, đã qua đời. Con ruột của Hoàng hậu là Thập Nhi. A Ca chứ không phải tôi.
Tiểu Yến Tử thở phào, luôn miệng:
– A di đà Phật! A di đà Phật!
– Cô khỏi phải A di đà Phật! Vì nếu thât. tôi là con ruột của Hoàng hậu, tôi sẽ nói giúp được rất nhiều điều cho cô! Đằng này, ngày thường Hoàng hậu đã không ưa cô, bây giờ thêm tôi nữa!
– Thế tại sao Hoàng hậu lại ghét huynh?
– Tự cổ chí kim, chuyện cung đình nào chẳng thế? Lúc nào cũng là tranh giành quyền lực thôi! Đừng nói chuyện đó nữa, mệt lắm!
Quay sang nhìn Tiểu Yến Tử, Vĩnh Kỳ nói:
– Cái nguy cơ của cô giờ đã giảm bớt, khi Tử Vy chịu để cô yên, nghĩa là cô vẫn có thể tiếp tục đóng vai Hoàn Châu cách cách vậy thì đừng có nói năng lộn xộn mà đổ bể nghe.
– Thú thật với huynh, tôi hiện không còn kiên nhẫn rồi, hãy tìm cách cứu tôi ra khỏi nơi này đi!
– Được thôi, nhưng trước khi tôi tìm ra giải pháp thì cô làm ơn nhẫn nhịn đừng quậy phá giùm tôi nhé!
Tiểu Yến Tử gật đầu, Vĩnh Kỳ lại dặn dò:
– Tốt nhất là cô đừng có đối kháng với Hoàng hậu nữa. Ở trong cung bà ấy là tối thượng. Đụng chạm đến bà ta sẽ chỉ có thiệt thòi thôi.
Lời của Vĩnh Kỳ nhẹ nhàng như lời của huynh trưởng dạy muội, làm cho Tiểu Yến Tử cảm động và để diễn tả sự xúc động của mình Tiểu Yến Tử đã thẳng tay đấm mạnh vào ngực của Vĩnh Kỳ nói:
– Huynh yên tâm, tôi đã không bị chết vì mũi tên của huynh thì sẽ sống dai lắm, sẽ không để rụng đầu đâu! Đọc Truyện Online mới nhất ở truyen/y/y/com
Vĩnh Kỳ lắc đầu:
– Tôi vẫn còn chưa yên tâm, nếu sau này mà cô bị cắt đầu, thì tôi thấy cô chết vì mũi tên lần trước của tôi vẫn hơn, tình nghĩa hơn?
Tiểu Yến Tử ngước lên:
– Huynh nói gì thế?
Vĩnh Kỳ nhìn ra cửa sổ lắc đầu:
– À!… À!… không có gì hết!
– Thôi đừng có dài dòng nữa. Nói đi, chừng nào huynh mới có thể sắp xếp để tôi gặp được Tử Vy?
– Từ từ…
– Tại sao phải từ từ? Huynh không biết là tôi đang gấp lắm không? Hoàng A Ma bảo tôi là bắt đầu ngày mai phải đến thư phòng học chữ như bọn huynh. Mới nghe nói mà chưa gì đầu như muốn vỡ ra. Tôi mà làm sao học hành? Một chữ còn không xong, nghe nói Kỷ sư bá rất giỏi. Muội sợ đến đấy rồi mọi thứ đổ bể cả, phải làm sao đây?
Vĩnh Kỳ nhìn Tiểu Yến Tử cười:
– Sợ gì? Ở đấy có tôi và Nhĩ Thái, rồi chúng tôi sẽ giúp cô. Khi bị Kỷ sư bá truy bài, cô cứ nhìn về phía tụi này, bọn này sẽ ra hiệu cho, chẳng để cô bị mất mặt dâu mà lo.
– Cái gì? Còn bị khảo hạch, truy bài nữa à? Thế thì chết tôi rồi! Chết rồi!
Tiểu Yến Tử kêu khổ, rồi thở ra:
– Muốn làm cách cách sao mà rắc rối vậy? Nếu sớm biết vậy, tôi đã để Tử Vy làm hay hơn.
Tiểu Yến Tử buông người trên ghế, có cảm tưởng như trời sắp sập đến nơị Thực ra thì các cách cách thanh triều không nhất thiết phải đi học chữ. Chuyện này chỉ dành riêng cho các hoàng tử, mặc dù vua Càn Long nói là con trai và con gái Mãn Châu được giáo dục gần ngang nhau, thực tế lại không bình đẳng như vậy. Con gái có muốn học hay không, không thành vấn đề. Con trai nhất là con trai hoàng tộc, phải học cả văn lẫn võ. Có điều con gái hoàng tộc vì lý do để được trở thành Vương Phi, bắt buộc phải học hỏi lễ nghi chữ nghĩa. Nhưng chuyện học này có tính tự nguyện và có thể tự học, vua Càn Long là người giỏi đủ cầm kỳ thi họa, thì đương nhiên các cách cách cũng phải có trình độ văn hóa khá, chính vì vậy mà khi thấy Tiểu Yến Tử một chữ cũng không biết, ông cảm thấy không hài lòng. Ông thường nói với đám quần thần, người mà không học thì giống như thú hoang, lỗ mãng, mà vua thì lại ghét nhất điều đó.
Cũng chính vì vậy mà Hoàn Châu cách cách trở thành cô cách cách đầu tiên phải bước vào thư phòng.
Hôm ấy do tính cẩn thận, nhà vua cũng muốn xem Tiểu Yến Tử học hành ra sao, nên đích thân vua đưa Tiểu Yến Tử đến thư phòng. Đám hoàng tử và mấy công tử con đại thần được học theo. Vừa thấy Hoàn Châu cách cách bước vào là mừng rỡ lên. Bởi vì cánh rừng mà có thêm một bông hoa làm dáng thì đương nhiên phải vui tươi hơn nhiều. Nhưng rồi lại thấy sự hiện diện của vua Càn Long, họ lại thấy bất an.
Thầy Kỷ Hiểu Phong lặng lẽ nhìn Tiểu Yến Tử. Đương nhiên là thầy đã biết quá rõ về những hành vi quậy phá của Tiểu Yến Tử vừa qua. Chuyện đồn khắp cung đình, có ai không biết? Vậy mà khi nhìn cô cách cách nổi tiếng kia rụt rè, ngơ ngác như nai ngồi giữa Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái ông hơi ngạc nhiên. Chuyện giáo dục cô cách cách lại có vua đích thân dự thính hẳn là quan trọng. Trọng trách đương nhiên nặng nề nhưng trước hết cần phải thăm dò trình độ cô nàng ra sao đã. Thầy Kỷ Hiểu Phong cười thân thiện, rồi cất cao giọng nói:
– Hôm nay lần đầu tiên cách cách nhập học. Thần nghĩ, thôi thì bỏ hết sách vở nặng nề qua một bên, mình làm cái chuyện nho nhỏ vui vui thôi, cách cách thấy thế nào?
Tiểu Yến Tử nghe nói khỏi đụng đến sách là mừng quýnh, vội vã gật đầu.
– Vậy thì chúng ta bắt đầu bằng trò chơi chữ nhé? Trước hết làm thơ rút chữ vậy. Có nghĩa là một bài thơ có bốn câu, câu đầu bảy chữ chẳng hạn, thì câu kế chỉ được năm chữ, kế tiếp là ba chữ, sau cùng chỉ còn một chữ thôi.
Rồi quay qua đám học trò nam:
– Công tử nào giúp đặt câu đầu tiên cho cách cách nào? Còn cách cách thì muốn tiếp nối ở câu nào cũng được.
Tiểu Yến Tử ngồi đó như vịt nghe sấm. Thơ rút chữ là thơ gì? Mà thế nào là thơ, nàng còn không biết. Kiểu này chắc chỉ còn cách kiếm một cái lỗ nào rồi chui vào đấy. Đang nghĩ ngợi thì nghe Vĩnh Kỳ ứng lên:
– Bốn phía vuông vức một tòa lầu!
Nhĩ Thái thấy Tiểu Yến Tử ngồi yên, nên đọc tiếp:
– Treo cao một cái chuông!
Vĩnh Kỳ thấy Tiểu Yến Tử vẫn ngơ ngác, bèn đọc tiếp:
– Đụng một cái!
Bây giờ chỉ còn một chữ duy nhất. Vậy mà Tiểu Yến Tử vẫn ngồi yên. Kỳ bèn lấy chén trà lật úp lại, lấy cây quạt đập lên, xong ra dấu. Tiểu Yến Tử nhìn một lúc rồi lên tiếng:
– Cốp!
Vĩnh Kỳ, Nhĩ Thái và cả đám học trò khác vỗ tay, vừa cười nói.
– Đúng! Đúng rồi! Ha ha! Cái chuông bằng gỗ!
Tiểu Yến Tử chớp chớp mắt hỏi:
– Tôi đã đúng rồi ư? Tôi làm được ư?
Vĩnh Kỳ đưa ngón tay lên:
– Đúng rồi! Đúng rồi! Hay lắm!
Trong khi vua Càn Long cũng lắc đầu cười:
– Đó không phải là nối thơ mà đoán thơ thôi!
Thầy Kỷ Hiểu Phong ra cái đề thứ hai:
– Tiếp theo đây tôi ra một bài thơ chưa đủ chữ, cách cách sẽ thêm vào cho thành một bài thơ hoàn chỉnh. Ví dụ sau “tròn, khuyết, loạn, yên” đấy. Nãy giờ tôi thấy Ngũ A Ca có vẻ nhiệt tình lắm. Vậy Ngũ A Ca hãy làm mẫu bài này cho cách cách xem đi.
Vĩnh Kỳ suy nghĩ, rồi nhìn Tiểu Yến Tử, chàng biết là dùng chữ càng đơn giản càng tốt, để Tiểu Yến Tử hiểu mà bắt chước, nên đọc:
Trăng rằm tròn thật tròn
Mùng bảy mùng tám khuyết
Sao mọc loạn cả trời
Mây đen kéo đến yên ngay.
– Khá lắm!
Thầy Kỷ Hiểu Phong gật đầu nhưng không hài lòng lắm, bài thơ gì mà nghe chẳng có ý thơ chút nào, nghe quá bình dân.
Nhĩ Thái nhảy vào cuộc. Nghĩ là Vĩnh Kỳ chọn đề tài trăng sao xa vời quá, với Tiểu Yến Tử, nên chọn cái gì gần gũi cuộc sống hơn, nên đọc
Bánh trung thu rất tròn
Cắt đi thì sẽ khuyết
Chuột ngửi mùi kêu loạn
Mèo lên tiếng yên ngay.
Bài thơ của Nhĩ Thái làm đám học trò ôm bụng cười lăn. thầy Kỷ Hiểu Phong và vua Càn Long nhìn nhau. Biết là Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái đang ra sức hổ trợ cho Tiểu Yến Tử nên lắc đầu.
Thầy Kỷ Hiểu Phong hướng về phía Tiểu Yến Tử:
– Nào, bây giờ đến phiên cách cách đấy! Thử đi!
Tiểu Yến Tử giật mình, nhưng vẫn tỉnh bơ hỏi:
– Thế không thử không được sao?
– Thì thử xem, chuyện này đâu có gì khó đâu
– Nhưng nếu tôi thử không đúng, không hay thì…
– Chẳng sao cả, trật thì sửa, tu chỉnh lại cho hay hơn.
Tiểu Yến Tử quay qua nhìn Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái nháy mắt khuyến khích. Tiểu Yến Tử biết khó lòng mà không điền thơ, nên thở ra rồi nói:
– Vâng, vậy thì thử!
Rồi cất cao tiếng đọc:
– Thầy có đôi mắt tròn
Vừa dứt câu cả lớp đã cười rộ lên, Tiểu Yến Tử cố gắng đọc tiếp:
– Một thoi đưa tới thì tròn khuyết ngay.
Cả lớp cười càng dữ hơn. Tiểu Yến Tử đọc câu số ba:
– Ai ai thấy cảnh cười loạn cả.
Lần này thì cả lớp ôm bụng cười lăn. Lớp học chẳng còn ra thể thống gì cả. Thầy Kỷ Hiểu Phong đỏ ngượng mặt, gõ thước lên bàn vẫn không dập được tiếng cười. Vua Càn Long cũng tức cười, nhưng để cứu vãn tình thế, vua không thể không nghiêm sắc diện và tằng hắng một tiếng
– Hự!
Đám công tử, hoàng tử đang cười, nghe tiếng vua, vội vã im khe. Tiểu Yến Tử thấy vậy đọc tiếp:
– Chỉ lúc vua “gằn” mới sợ yên.
Tiếng cười lại nở rộ lên. Lần này cả vua Càn Long cũng không nín được, đành lắc đầu.
Tiểu Yến Tử thấy mình làm trò cười cho mọi người, vừa lo vừa sợ, hết nhìn vua lại nhìn thầỵ Sực nhớ lại lúc ở ngoài đời có nghe lóm được hai câu đối của Tử Vy thường đem ra nói lúc vui. Và nghĩ, ông ta đã thử tài mình thì mình phải thử sức lại mới oai, nên nói:
– Xin Hoàng A Ma đừng buồn, con không dốt lắm đâu ở ngoài con cũng học được nhiều thứ lắm chứ. Này này để con ra một câu đối xem thử các vị đây có đối được không chứ.
Vua Càn Long nghe vậy rất hài lòng:
– Ồ! thế à? Hiểu Phong, khanh đã nghe rồi chứ?
– Vâng thần đã nghe, xin cách cách ra câu đầu đi ạ.
– Vậy thì nghe đây!
Rồi Tiểu Yến Tử đọc:
– Dê núi lên núi, sừng dê núi đụng núi “He!” Chữ He cuối cùng cũng là tiếng kêu của dê.
Thầy Kỷ Hiểu Phong giật mình, câu đối gì lạ vậy? Làm sao đối đây? Trong khi đám hoàng tử thì đang xì xào bàn tán. Vua Càn Long cũng có vẻ nghĩ ngợi.
Thấy mọi người cứ mãi suy nghĩ. Tiểu Yến Tử đắc ý, giả giọng thầy hỏi:
– Sao thế nào? Ai đối được đây?
Đám công tử, hoàng tử chỉ biết lắc đầu cười, Tiểu Yến Tử quay sang thầy:
– Còn thầy thì sao?
Thầy Kỷ Hiểu Phong đỏ mặt, chấp hai tay lại:
– Xin cách cách chỉ giáo cho!
Tiểu Yến Tử vừa cười hì hì vừa nói:
– Câu đối sau ư? Vậy là thế này: Trâu nước xuống nước, mũi trâu nước ngập nước “Ộp!”. Chữ “Ộp!” cuối cùng cũng là tiếng trâu nước kêu.
Vua Càn Long thích chí vỗ tay:
– Ha ha! Thì ra là vậy! Thì ra là vậy!
Thầy Kỷ Hiểu Phong cũng cười, ông biết chắc một điều, câu đối không phải do Tiểu Yến Tử đặt ra, vì đây chỉ có thể là của người có học. Không những có học mà phải học rộng, nhưng thấy vua thích thú như vậy, ông cũng nói theo.
– Thật là biển học mênh mông! Hoàn Châu cách cách, hôm nay xin bái phục! Bái phục!
Đám công tử, hoàng tử vỗ tay, Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái cũng thấy vui lây. Tiểu Yến Tử cười thật tươi, nhưng trong lòng tự nhủ.
– Hay thật! Nếu không học được chiêu này của Tử Vy thì hỏng. Chiêu này tuyệt thật! Hạ đo ván được cả sư phụ ta!
Và trong cái vinh quang giả tạo đó. Tiểu Yến Tử có cảm giác mình như người hùng. Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái càng được dịp phô trương cổ vũ cho cách cách. Chưa có lúc nào thư phòng trong cung, lại vui thế này.